Bát quan trai giới là một phương pháp tu hành của người tại gia thọ trì 8 giới, áp dụng trong một ngày một đêm. Thọ Bát quan trai giới vào ngày nào? Mời quý vị cùng đọc bài viết dưới đây.
1. Bát quan trai giới là gì?
Bát Quan Trai giới là một phương pháp tu hành mà Đức Phật đã hướng dẫn cho Phật tử tại gia. Những người cư sĩ với nhiều điều phải giải quyết trong cuộc sống hàng ngày, khiến đời sống tu tập giải thoát trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Mục đích của việc tu tập Bát Quan Trai là giúp quý Phật tử hiểu được những giá trị đạo đức và áp dụng nó vào cuộc sống đời thường, mang đến nhiều điều tốt đẹp cho bản thân và những người xung quanh.
Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp quý Phật tử có cái nhìn rõ hơn về đời sống của một tu sĩ, những phẩm chất, những lý tưởng cao quý mà phát tâm xuất gia để phụng sự nhân sinh.
Bát Quan Trai (tiếng Phạn: Upavasatha; tiếng Pali:Uposatha) theo nghĩa đen là tám điều kiêng cữ, như là tám cửa ải chận đứng các pháp bất thiện. Có nghĩa là trì giới sẽ làm phát triển phần thanh tịnh, những phẩm chất tốt đẹp bên trong.
Phật tử chúng ta ai cũng biết nghĩa hai chữ Hán Việt: Bát là tám, Quan là cửa, còn chữ “trai” hay “chay” nguyên chữ Phạn là Posadha, có nghĩa là khi đã qua giờ Ngọ (12 giờ trưa) thì không ăn nữa.
Giới Bát Quan Trai chính xác được gọi là Giới Cận Trụ, nghĩa là sống gần đời sống xuất gia, gần chùa chiền và gần nơi thanh tịnh. Tập quen với đời sống thanh tịnh để thấy được giá trị cao quý của Phật pháp.
Bát Quan Trai cũng còn gọi là Bát Trai Giới, Bát Chi Trai hay gọi tắt là Bát Giới (tám giới), có nghĩa là tám cửa ngăn cản không làm tội lỗi, tập tu trọn một ngày một đêm trong chùa. Ðức Phật hướng dẫn Bát Quan Trai để cho hàng cư sĩ tại gia thực hành hạnh xuất gia, tập lần xuất gia thật sự.
Tám giới tức là tám điều quy định của nhà Phật, cũng chính là tám giới mà Phật tử sau khi đã thọ lãnh thì giữ không cho phạm, giới là làn ranh giữa thánh thiện va tội lỗi.
Thông thường thì Phật tử hiểu Giới là những điều ngăn cấm, nhưng ý nghĩa chính Giới là phẩm giá của con người. Trì giới tức là giữ gìn cái phẩm chất đạo đức của mình, giữ giá trị con người của mình.
Người Phật tử thọ giới rồi vẫn có thể phạm rất nhiều, nhưng biết là phạm thì phải sửa. Không ai sinh ra mà đi được liền, nhưng bản năng té thì đứng dậy. Vì vậy, từ bước đi căn bản Ngũ giới chúng ta nâng cao lên một bậc nữa là Bát Quan Trai giới.
“Bát” là tám, “Quan” là cửa, cửa ngăn chặn 8 điều tội lỗi. “Trai” nghĩa là khi đã qua giờ ngọ (12 giờ trưa) không được ăn. Vậy “Bát quan trai giới” là sự giữ gìn cho thân tâm được thanh tịnh trong 24 giờ bằng cách ngăn chặn 8 điều tội lỗi:
- Không sát sinh;
- Không trộm cướp;
- Không dâm dục;
- Không nói dối;
- Không uống rượu;
- Không trang điểm, dầu thơm, múa hát và xem múa hát;
- Không nằm ngồi giường cao rộng đẹp;
- Không ăn quá giờ ngọ;
Theo HT.Thích Tuệ Sỹ: “Bát quan trai, theo nghĩa đen là tám điều kiêng cữ, như là tám cửa ải chận đứng các pháp bất thiện. Giới bát quan trai chính xác được gọi là giới cận trụ. Nghĩa là, sống gần đời sống xuất gia, gần chùa chiền, gần nơi thanh tịnh. Tập quen với đời sống thanh tịnh. Còn cao hơn nữa, cận trụ được hiểu là tập sống gần đời sống một vị A La Hán, là bậc Thánh xuất thế gian.
Ngoài nghĩa cận trụ, giới bát quan trai còn được gọi là giới bố tát hay trưởng tịnh: trì giới làm phát triển phần thanh tịnh, những đức tính tốt trong mình.
Cùng một chữ nhưng hai nghĩa: cận trụ, sống gần gũi đời sống cao thượng của một bậc Thánh. Với người xuất gia tất cả giới luật là khuôn mẫu đạo đức đều noi gương đời sống của một vị A La Hán. Mặc dù tâm tư của người ấy có thể còn nhiều hờn giận, ham muốn, nhưng bên ngoài, đi đứng nằm ngồi, tác phong đạo đức thường xuyên noi theo gương mẫu của Thánh nhân, học tập theo Thánh nhân. Người tại gia không thể làm được như vậy, mà chỉ có thể tập gần, tập làm quen. Gần như vậy sẽ thấy có một niềm tin rằng thế gian này chắc chắn có bậc thánh, có vị A La Hán, là bậc Chân nhân đạo đức toàn vẹn, dứt sạch tham, sân, si; sống luôn luôn an lạc, không còn bị chìm đắm trong cõi luân hồi đau khổ. Đó là niềm tin hướng thượng, từ đó mà tìm thấy ý nghĩa và hướng đi cho đời sống của mình.
Từ chỗ tin tưởng này, có thể phát triển tính lành, không cần cấm sát sanh, không cần cấm trộm cắp, mà tự nhiên mình sẽ không làm việc đó vì tin tưởng có một giá trị rất cao mà mình đang học. Đó là nghĩa tích cực của giới. Cho nên, giới không đơn giản có ý nghĩa tiêu cực là sự cấm đoán. Tuy rằng, khi học giới người học được dạy là không nên làm điều này, hãy nên làm điều kia.
Người khôn ngoan, có trí trong đời, biết rõ đâu là con đường chí thiện, là đường tốt để mình đi. Đâu là con đường xấu, tự mình tránh; không cần ai cấm. Đó là học giới cho người hiểu biết; có trí tuệ. Còn đối với người không đủ năng lực để phân biệt những gì là cao thượng và thấp kém, thì những sự cấm cản là cần thiết. Như người lớn khôn ngoan khi thấy lửa, thấy thuốc độc, không bao giờ thò tay lấy và sử dụng một cách vô ý thức. Nhưng trẻ nít hay người chưa hiểu biết thì gặp gì cũng ăn, cũng uống, rất nguy hiểm. Với những người như vậy tất nhiên cần phải có sự cấm cản; quy định rõ những điều nên làm và không nên làm…”
Đọc thêm: Bát quan trai giới là gì? Ý nghĩa của Bát quan trai giới trong Phật giáo
2. Thọ Bát quan trai giới vào ngày nào?
Ngày xưa, mỗi tháng có 6 ngày thọ giới là mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30. Hoặc 8 ngày, nếu thêm mồng 7 và 22. Trong truyền thuyết tín ngưỡng cổ xưa ở Ấn Độ, người đời tin rằng vào các ngày đó ma quỷ thường quấy nhiễu loài người, và cũng là những ngày mà Thiên đế và bốn vị Hộ thế Thiên vương đi tuần hành nhân gian để giúp đỡ những ai làm điều thiện. Vì thế người đời bấy giờ mới bày ra chuyện dâng cúng phẩm vật, cầu khẩn thần linh phò hộ, trừ ma quỷ, ban cho nhiều điều phước, nhiều tài lộc, may mắn. Người tin Phật không tin vào những chuyện hối lộ Thần thánh kiểu đó; chỉ tin vào những nghiệp thiện ác do chính mình làm, và những hậu quả lành dữ của nó. Cho nên, thay vì cúng bái, cầu khẩn, chúng ta tu tập bát quan trai giới.
Mặc khác, người chưa sống ở miền quê thì chưa thấy được tác dụng của ngày âm lịch. Người miền quê qua nhiều thế hệ có kinh nghiệm nhận thấy rằng tính tình con người thường thay đổi theo từng mùa trăng, từng con trăng. Con trăng thay đổi, khi tròn khi khuyết, tánh tình theo đó cũng ít nhiều biến đổi, hiền hòa hơn hay hung dữ hơn; dễ vui hơn hay dễ cáu gắt hơn. Thọ giới vào những ngày này có tác dụng rất lớn đối với sự tu tập thân tâm.
Ngày nay, đời sống hàng ngày tập trung vào các đô thị lớn, nhật thực nguyệt thực đều ít khi biết nên chu kỳ trăng không cần thiết. Đời sống càng ngày càng xã hội hóa, tại các thành phố chỉ có chu kỳ xã hội, cho nên đến ngày thứ Sáu, hay thứ Bảy trong tuần thì con người có cảm giác khác với các ngày thường khác, cảm giác ngày chủ nhật cũng khác liền. Vậy không nhất thiết phải theo mùa trăng, mà ngày chủ nhật thọ giới cũng được.
Trai Kinh:
Trong bản kinh “Trai Kinh”: …Một thời đức Phật ngự tại thành Vương Xá nơi điện riêng của Đông Thừa Tướng. Mẹ quan Thừa Tướng tên là Duy Da dậy sớm, tắm gội, mặc áo lụa màu, cùng các cô con dâu đều đi ra, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi qua một phía. Phật hỏi Duy Da: Sao bà tắm gội sớm thế?
– Thưa: Con muốn cùng các con dâu đều thọ trai giới.
– Phật nói: Trai giới của Phật pháp là dạy đệ tử vào sáu ngày chay mỗi tháng, thọ tám giới. Tám giới là:
Giới thứ nhất, giữ trọn một ngày một đêm, tâm như chân nhân, chẳng có ý giết hại, lòng từ nghĩ đến chúng sanh, chẳng được sát hại những loài bò trườn, cựa quậy, chẳng dùng đao trượng động đến chúng, nghĩ muốn khiến cho chúng được an vui lợi lạc, chẳng giết hại nữa. Một lòng tu tập giới thanh tịnh như thế.
Giới thứ hai, giữ trọn một ngày một đêm, tâm như chân nhân, không có ý tham lấy, suy nghĩ bố thí, nên hoan hỷ cho, tự tay cho, cho một cách trong sạch, cho một cách cung kính, cho mà không mong cầu, khi cho dứt tuyệt ý keo kiệt tham lam. Một lòng tu tập giới thanh tịnh như thế.
Giới thứ ba, giữ trọn một ngày một đêm, tâm như chân nhân, không có ý dâm, chẳng nghĩ đến chuyện ăn nằm, giữ gìn phạm hạnh, chẳng khởi tâm tà dục, chẳng tham sắc. Một lòng tu tập giới thanh tịnh như thế.
Giới thứ tư, giữ một ngày một đêm, tâm như chân nhân, không có ý nói dối, suy nghĩ chí thành, ăn nói an định, từ tốn, chẳng dối trá, tâm và miệng tương ứng. Một lòng tu tập giới thanh tịnh như thế.
Giới thứ năm, giữ một ngày một đêm, tâm như chân nhân, không uống rượu, không say sưa, không mê loạn, không mất lý trí, trừ khử ý niệm buông lung. Một lòng tu tập giới thành tựu như thế.
Giới thứ sáu, giữ một ngày một đêm, tâm như chân nhân, giữ yên ý niệm không mong cầu, không dùng hoa hương, không bôi son phấn, không ca múa tấu nhạc. Một lòng tu tập giới thanh tịnh như thế.
Giới thứ bảy, giữ trọn một ngày một đêm, tâm như chân nhân, giữ yên ý niệm không mong cầu, chẳng nằm giường tốt; nằm giường thô chiếu cỏ, trừ bỏ ngủ nghỉ, suy nghĩ kinh đạo, một lòng tu tập giới thanh tịnh như thế.
Giới thứ tám, giữ một ngày một đêm, tâm như chân nhân, ăn đúng thời theo pháp, ăn ít, ước chế thân mình, không ăn quá Ngọ. Một lòng giữ giới thanh tịnh như thế.
Thời Phật sanh tiền, người Phật tử thọ Bát Quan Trai giới ngoài ra còn hành trì thêm pháp ngũ niệm: Niệm Phật – niệm Pháp – niệm Tăng – niệm giới – thiện thiên (tức là tụng kinh niệm Phật). Đây chính là thời khóa tu của các vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di ngày xưa (Đời Ngô, cư sĩ Chi Khiêm xứ Nhục Chi dịch từ Phạn sang Hán, chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa).
Người Phật tử thọ tam quy, ngũ giới nếu là nam thì gọi là Ưu Bà Tắc, nữ gọi là Ưu Bà Di.
3. Lợi ích của Bát quan trai giới
Bát quan trai giới là một pháp tu vô cùng lợi ích cho Phật tử tại gia. Trong thời gian tu hành ấy, thân, khẩu, ý của người thọ giới được hoàn toàn thạnh tịnh, tuy chỉ có 24 giờ đồng hồ, nhưng 24 giờ ấy còn quý báu hơn cả một đời của người không tu hành. Tuy lượng rất ít, mà phẩm lại nhiều vô cùng. Nó chỉ là giọt nước, nhưng là một giọt nước trong sạch hoàn toàn, cho nên nó còn quý hơn cả một ao nước đục bùn nhơ, nó chỉ là một viên ngọc nhỏ xíu, nhưng đó là viên ngọc Ma-ni, nên nó còn quý hơn trăm ngàn châu báu khác.
Chúng ta hãy phân tích một cách rõ ràng những lợi ích mà chúng ta đã thâu hoạch được trong 24 giờ ấy mà xem.
Nhờ giới thứ nhất, tâm ta không có ác ý giết hại sinh vật, miệng ta không nhai nuốt những máu huyết tanh hôi, thân ta không nặng nề vì thịt cá. Ðối với chung quanh, ta không làm cho người và súc vật đau khổ, mất thân mạng.
Nhờ giới thứ hai, tâm ta không động, ý ta không tham lam, thân ta không mang nặng những vật phi nghĩa. Ðối với người chung quanh, ta không làm họ đau khổ vì mất của cải mà họ đã nâng niu, quý trọng.
Nhờ giới thứ ba, tâm ta được thanh tịnh, thân ta khỏi ô uế. Ðối với người bạn trăm năm, cùng những người chung quanh, ta giữ đúng lễ, làm cho họ kính trọng.
Nhờ giới thứ tư, tâm ta không tà vạy, lưỡi ta không dối trá, điêu ngoa. Ðối với người chung quanh, ta giữ được chữ tín, làm mọi người khỏi lo sợ, nghi ngờ vì ta.
Nhờ giới thứ năm, tâm ta được minh mẫn, miệng ta không nồng nặc hơi men, thân ta không loạn động. Ðối với người chung quanh, ta không làm cho họ phải lo sợ, khổ sở vì con ma men hành hạ.
Nhờ giới thứ sáu, tâm ta không buông lung theo dục lạc, giác quan ta không dung chứa những hình ảnh, mùi vị, âm thanh tà tạp, dâm ô… Ðối với người chung quanh, ta không làm cho họ phải tập nhiễm những cảm giác không trong sạch, không thanh thoát.
Nhờ giới thứ bảy, tâm ta không mống lên những niệm danh lợi, xa hoa; thân ta không bị dục lạc lôi cuốn. Ðối với người chung quanh, ta dễ gần gũi, thân cận, vì không bị cái cao sang, phù phiếm bên ngoài ngăn cách.
Nhờ giới thứ tám, tâm ta được định tĩnh, sáng suốt, thân ta nhẹ nhàng, ít bệnh tật; đối với các loài chung quanh, như người nghèo đói, ngạ quỷ, súc sinh, ta không gây ra sự thèm khát, vì sự lục lạo ăn uống về đêm.
Bao nhiêu sự lợi ích cho mình và cho người mà chúng ta đã thâu thập được trong khoảng 24 giờ đồng hồ, thử hỏi có một pháp tu hành của người tại gia nào quý báu hơn thế nữa?
Phật tử tại gia mặc dù suốt ngày suốt tháng bận bịu về sinh kế làm ăn, mỗi tháng cũng nên sắp xếp việc nhà, vào chùa thọ Bát quan trai giới một vài lần. Nếu hoàn cảnh thuận lợi, có thể thọ được nhiều lần lại càng tốt. Nếu không đủ điều kiện đến chùa, thì phương tiện ở nhà tu cũng được, nhưng lợi ích không bằng đến chùa.
Vậy xin khuyên các Phật tử tại gia, nên cố gắng thực hành y như lời Phật dạy, tu theo hạnh giải thoát, rồi khuyên nhiều người thực hành theo, để cùng nhau tiến bước lên đường giải thoát, an vui.
Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!