Pháp Giới 12 tháng trước

Thiểu dục tri túc là gì? Người sống theo hạnh thiểu dục tri túc có lợi ích gì?

Thiểu dục tri túc nghĩa là gì? Người sống theo hạnh thiểu dục tri túc có được những lợi ích gì? Mời quý vị cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Trong tất cả các Kinh, Đức Phật đều cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nỗi khổ là do tham lam. Vì thế, Người đã dạy phương pháp đối trị lòng tham chính là sống theo hạnh “Thiểu dục tri túc”.

Tuy nhiên, hạnh sống thiểu dục tri túc ngày nay dường như đang trở nên mâu thuẫn với những quan điểm của xã hội hiện đại. Đó là do cách sống này không phù hợp hay do chúng ta chưa hiểu đúng và làm theo lời dạy của Đức Phật về Thiểu dục tri túc?

1. Thiểu dục tri túc là gì?

Thiểu dục tri túc nghĩa là giảm bớt ham muốn và biết đủ. Ở xã hội hiện đại, con người không ngừng nỗ lực và vươn lên để đạt được những thành công cũng như là thỏa mãn được đời sống vật chất đầy đủ, thì hạnh sống biết đủ có vẻ làm kiềm chế đi sự cầu tiến của một người. Đây là cách hiểu còn quá nông cạn, đi lệch hướng với lời dạy của Đức Phật.

Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Bể kia dễ lấp, túi tham khó đầy”, để chỉ rằng lòng tham con người là vô hạn. Chính vì lòng tham đó mà chúng ta không tìm được hạnh phúc ngay trong cuộc sống này cũng như sản sinh ra nhiều hệ lụy của xã hội bằng những tệ nạn đầy nguy hiểm. Nhu cầu ở con người không có điểm dừng, đói thì muốn no, no thì muốn ngon, ngon thì món ăn lạ, độc đáo,… Chính vì cứ mãi theo những nhu cầu này mà gây nên sự phiền não.

Đức Phật có dạy: “Này các Tỳ kheo, hai cực đoan này người xuất gia không nên thực hành”. Đó là: Chuyên tâm tham đắm dục lạc thấp hèn, không xứng đáng và không ích lợi; Chuyên tâm khổ hạnh, gây khổ đau, không xứng đáng và không ích lợi.

Lối sống ép thân, khổ hạnh Đức Phật không muốn chúng ta phải đi theo. Và ngược lại lối sống quá tham đắm vào dục lạc là nguyên nhân của sự khổ. Chúng ta thường khổ vì tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Khi không có đủ tiền để đáp ứng những nhu cầu của bản thân đặt ra thì phiền não xuất hiện. Nó khiến chúng ta phải tìm mọi cách để có tiền.

Không có tiền thì chúng ta cảm thấy bế tắc, khó chịu và tuyệt vọng. Khi không có nhan sắc, chúng ta thường đau khổ, tủi thân, đố kỵ. Luôn muốn mình nổi trội, đẹp hơn người. Khi không có địa vị, danh vọng, chúng ta lại đi tìm mọi cách để đạt được, bày mưu tính kế để hãm hại, đạp đổ người khác để mình có được vị trí cao trong xã hội. Ngày đêm mưu tính, lo sợ khiến chúng ta không có được một giây phút thanh thản thật sự.

Khi những món ăn không ngon, chúng ta lại khó chịu, bỏ ăn và buồn phiền. Lúc nào cũng muốn được ăn ngon, ăn nhiều. Và khi ngủ không đủ giấc, chúng ta sinh ra sự cáu gắt, khó chịu. Luôn muốn được ngủ kỹ, ngủ nhiều. Vì sao chúng ta lại rơi vào điều này? Vì chúng ta đang là nô lệ của lòng tham, bị lòng tham điều khiển và khống chế nên gây ra bao khổ não vì không đáp ứng được những mong muốn của nó.

Xem Thêm:   Cách Cúng về nhà mới

Trong kinh Thuỷ Sám có câu: “Người biết đủ tuy nằm dưới đất vẫn lấy làm an vui, người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Đó là lý do vì sao nhiều người giàu nhưng vẫn không tìm được hạnh phúc, người nghèo lại có được hạnh phúc tràn đầy. Ta thấy rằng, thiếu thốn hay đầy đủ không phải phụ thuộc vào vật chất, mà nó phụ thuộc vào tư tưởng hay cách suy nghĩ của chúng ta.

Đây là lý do vì sao Đức Phật dạy hạnh thiểu dục tri túc cho người Phật Tử. Thiểu dục tri túc không kiềm hãm sự phát triển của bất kỳ ai, cách sống này là để đối trị với lòng tham không đáy, lòng tham gây ra phiền não không có điểm dừng mà chúng ta, những con người hiện đại đang bị vướng phải. Thiểu dục tri túc là một sắc thái tâm lý sống.

2. Người sống theo hạnh thiểu dục tri túc có những lợi ích gì?

Khi nhu cầu giảm bớt và biết đủ, chúng ta sẽ không bị lòng tham điều khiển, dẫn dắt để thỏa mãn cái mong muốn cao xa ngoài khả năng của bản thân. Từ đó, chúng ta không cảm thấy ngột ngạt, khó chịu với thực tại, với những gì chúng ta đang có.

Người sống theo hạnh thiểu dục tri túc là người hạnh phúc nhất, bởi chúng ta được tự tại trong đời sống mà không bị điều gì gò bó, gán ép. Chúng ta sẽ tự chủ trong mọi thứ, dù có thất bại cũng không nản lòng hay tuyệt vọng.

Hiểu được hạnh thiểu dục tri túc, dù là người nghèo chúng ta vẫn không cảm thấy mặc cảm, tự ti mà hài lòng với những gì có được.

Ngược lại chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống vô cùng nặng nề, khổ sở, đó là do cách suy nghĩ của chúng ta tạo ra. Nếu mọi người trong xã hội hiểu được và thực hành được hành thiểu dục tri túc như Đức Phật dạy thì sẽ giảm thiểu rất nhiều tệ nạn xã hội.

3. Thiểu dục tri túc: Một cách sống hạnh phúc

Trong đời sống thường nhật, nếu muốn được tự do tự tại tất phải thực hiện bằng được hai nguyên tắc “thiểu dục” và “tri túc”. Chỉ có thiểu dục và tri túc chúng ta mới ngăn chặn được vô vàn tham muốn, dục vọng với đủ mọi hình thức và không điên cuồng tìm kiếm chúng như người đói khát.

Trong cuộc sống, chúng ta thường có nhiều cảm nhận về hạnh phúc. Ví như khi công thành danh toại, được người khác khen ngợi hoặc khi đời sống bình yên ổn định, thấy con cái trưởng thành, ngoan ngoãn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc, rất mĩ mãn.

Chúng ta có rất nhiều cảm nhận về hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, trong môi trường làm việc ngoài xã hội, trong sự nghiệp làm ăn, buôn bán, học hành.

Xem Thêm:   Tỉnh thức là gì? Sống tỉnh thức có lợi ích gì?

Tất cả những điều đó đều là những cảm giác về hạnh phúc mà chúng ta không thể phủ nhận được, nhưng nếu nghĩ kĩ thêm sẽ dễ dàng nhận thấy rằng đời sống con người là sự giao thoa thành chuỗi của các cảm giác hạnh phúc, khổ đau, trong đó thường là vui ít khổ nhiều.

Phần lớn thời gian của niềm vui mà chúng ta cảm nhận được thực ra chỉ là kết quả của việc nhẫn nhịn đau khổ, còn bản thân niềm vui cuối cùng cũng sẽ trở thành nguyên nhân của đau khổ.

Vì thế, theo quan điểm Phật pháp, “vui” là điểm khởi đầu của “khổ” và thông thường vui cũng chính là kết quả của khổ. Trong một thời gian dài, chúng ta vất vả, gian khổ làm ăn, kiếm tiền; sau khi có tiền trong tay, chúng ta lại nghĩ cách tiêu tiền: thực ra là dùng tiền để phục vụ cho các cảm giác vui sướng của năm giác quan mắt, tai, mũi, miệng, thân. Tuy nhiên, thời gian cảm nhận niềm vui từ các giác quan qua đi rất nhanh chóng.

Hơn nữa, nếu hưởng thụ quá độ sẽ mang lại kết quả không tốt giống như mình hết tiền nên đi vay người khác để tiêu, một khi đã vay ắt phải trả, đó chính là sự đau khổ. Điều này cũng như việc phạm pháp hoặc làm chuyện có lỗi với người khác, ban đầu có vẻ tốt đẹp nhưng cuối cùng phải vướng lưới pháp luật, đến khi đó thì khỏi phải nói về đau khổ nữa.

Phật giáo cho rằng cuộc đời này vốn đã đầy rẫy khổ đau, khổ và vui là một; niềm vui trong đời chỉ thoáng chốc ngắn ngủi, chóng lụi tàn còn khổ thì đeo đẳng như hình với bóng. Vì thế, khi chúng ta cảm nhận được chút hạnh phúc trong đời thì đừng bao giờ cho rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi không bao giờ thay đổi.

Phật giáo tiếp tục nhận định thế gian này vốn đã đau khổ thì tại sao chúng ta không thể nhận khổ, dũng cảm đối diện và chấp nhận khổ, chỉ như thế khổ mới vơi đi; nếu cứ một mực muốn hưởng lạc, hưởng phúc thì một khi hết phúc sẽ chịu khổ nhiều hơn. Vì thế, trong Phật giáo có một phương pháp tu tập nữa đó là “hoan thọ thị khổ” (cảm thụ hoan lạc là khổ).

Trong đời sống thường nhật, nếu muốn được tự do tự tại tất phải thực hiện bằng được hai nguyên tắc “thiểu dục” (ít ham muốn) và “tri túc” (biết đủ). Chỉ có thiểu dục và tri túc chúng ta mới ngăn chặn được vô vàn tham muốn, dục vọng với đủ mọi hình thức và không điên cuồng tìm kiếm chúng như người đói khát.

Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của thiểu dục tri túc không có nghĩa khuyên chúng ta buông bỏ đời sống hiện thực. Muốn thực hiện thiểu dục tri túc, chúng ta cần phải trả một cái giá nhất định, đó là dâng hiến hết trí tuệ và sức lực của mình cho con người. Chúng ta dốc hết tâm lực, trí lực cho con người mới mong mình trưởng thành, mới tăng trưởng trí tuệ, phúc đức và tâm từ bi. Người giàu lòng nhân từ một lòng muốn giúp đỡ người khác sẽ không quá coi trọng đến sự thỏa mãn dục vọng cá nhân, mới mong thực hiện được thiểu dục tri túc để mưu cầu hạnh phúc đích thực.

Xem Thêm:   Chết có đáng sợ không? Mọi người nên chuẩn bị cái chết cho chính mình
4. Lời Phật dạy: Biết đủ thường vui

Một thời Thế Tôn trú ở Sàketa, tại khu vườn Kàlaka gọi các Tỷ kheo:

– Này các Tỷ kheo, có bốn pháp này là không quan trọng, dễ được và không có phạm lỗi. Thế nào là bốn?

Trong các loại y, này các Tỷ kheo, y phấn tảo (y lượm từ đống rác) là không quan trọng, dễ được và không có phạm lỗi. Trong các loại đồ ăn, này các Tỷ kheo, khất thực là không quan trọng, dễ được và không vi phạm. Trong các sàng tọa, này các Tỷ kheo, gốc cây là không quan trọng, dễ được và không có phạm lỗi. Trong các loại dược phẩm, này các Tỷ kheo, nước tiểu của quỷ là không quan trọng, dễ được và không có phạm lỗi.

Bốn loại, này các Tỷ kheo, không quan trọng, dễ được, không có phạm lỗi này, nếu các Tỷ kheo nào biết đủ, với các loại không quan trọng, dễ được này, Ta tuyên bố rằng đây là một trong những chi phần của Sa môn hạnh.

Biết đủ với sự vật
Không quan trọng, dễ được
Lại không có phạm tội
Tâm không bị phiền nhiễu
Về vấn đề trú xứ
Y áo và ăn uống
Tâm không bị lo lắng
Về phương hướng phải đi
Các pháp được tuyên bố
Thuận lợi Sa môn hạnh
Chúng được có đầy đủ
Với vị biết vừa đủ
Với vị không phóng dật
Tinh cần trong học tập.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Uruvelà, phần Biết đủ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.599)

Đối với nhu cầu và khát vọng của con người thì cuộc sống này dường như chẳng bao giờ có sự bão hòa, đầy đủ. Thiếu, chưa đủ, cần phải tìm kiếm thêm… là đặc điểm cố hữu của con người. Thành ra, nếu chúng ta tự biết đủ thì tự khắc sẽ tạm đủ, còn nếu ai chưa biết đủ thì cứ mải miết đi tìm.

Thực ra, để nâng cao phẩm chất cuộc sống không đơn thuần chỉ đầy đủ về vật chất mà quan trọng hơn là sung mãn, thoải mái về tinh thần. Nội tâm an lạc, thảnh thơi thì dẫu không dư dả nhưng vẫn lạc quan, vui vẻ. Ngược lại, nhà cao cửa rộng, vật chất đầy đủ mà tâm bị tham ái, giận hờn, si mê dằn vặt, quấy nhiễu thì vẫn khổ đau như thường.

Do đó, người khôn ngoan thì không chỉ quần quật kiếm sống, cặm cụi làm giàu mà phải biết dành thời gian tu dưỡng, trau giồi đạo đức, chuyển hóa nội tâm, thăng hoa tuệ giác. Chính tuệ giác, hay nói cách khác là nhận thức đúng đắn về con người và cuộc đời sẽ giúp cho chúng ta buông xả, nhẹ nhàng, sống thảnh thơi và giải thoát.

Do đó, cần giảm thiểu các nhu cầu về ăn, mặc, ở… để bớt lo toan, được thảnh thơi nhẹ nhàng, tạo thuận duyên cho sự nghiệp chuyển hóa và thăng hoa.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

8 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog