Pháp Giới 12 tháng trước

Tam chướng: Phiền não chướng, Nghiệp chướng, Báo chướng là gì?

Tam chướng là ba thứ chướng ngại, chỉ cho Phiền não chướng, Nghiệp chướng và Báo chướng ngăn ngại thánh đạo và các thiện căn gia hạnh trước đó.

1. Tam chướng là gì?

Tam chướng là ba thứ chướng ngại, chỉ cho Phiền não chướng, Nghiệp chướng và Dị thục chướng ngăn ngại thánh đạo và các thiện căn gia hạnh trước đó.

a. Phiền não chướng: Bản tính con người vốn đầy đủ 3 phiền não tham, sân, si, rất khó trừ bỏ, khó dạy bảo, khó mở tỏ, khó chán lìa, khó được giải thoát. Đây cũng chính là chỉ cho phiền não thường xuyên sinh khởi.

Nói chung, nguyên nhân khiến chúng ta tích lũy nghiệp tiêu cực là do các chướng ngại xúc tình phiền não gây ra. Chướng ngại này dựng lên một cái tôi thực sự hiện hữu, khiến chúng ta luôn thấy mình có rất nhiều nhu cầu, mong muốn, mối bận tâm, và sự bảo vệ cho cái tôi. Vì vậy, chúng ta sân giận, ghen tị, hoặc tham muốn, chúng ta đánh giá quá cao hoặc quá thấp bản thân, hoặc nhầm lẫn ảo tưởng. Chúng ta đi tìm kiếm sự nổi tiếng, thoải mái, và hưởng thụ hoặc cố gắng tránh đau đớn, thua thiệt, sống thu mình ít người biết đến. Tất cả những điều này khiến chúng ta dần che lấp tự tính tâm của mình và rơi vào xúc tình tiêu cực.

Năm xúc tình phiền não chính – sân giận, ghen tỵ, tham ái, ngã mạn, và vô minh kể cả những biến thể của các xúc tình này, không mang lại lợi ích cho bất cứ ai. Bản chất của xúc tình phiền não là phá hủy sự bình an trong tâm. Ngay cả sự sân giận được cho là đúng đắn và sự khát khao chân lý hay bình yên cũng không giúp định tâm và do đó che lấp tự tính tâm.

Xem Thêm:   Biết trước ngày giờ y nguyện vãng sanh lưu lại hương thơm trên cơ thể

Những cảm xúc này giống như việc chúng ta khuấy động bùn đất dưới đáy sông, khiến chúng ta không nhìn thấy sự trong trẻo của dòng nước. Sự tồn tại của xúc tình phiền não trong tâm chúng ta tạo nên các nghiệp bất thiện, bởi vì chúng không chỉ làm rối loạn tâm trí và hệ thần kinh của chúng ta mà còn bởi vì cảm xúc này không chỉ tồn tại đơn thuần dưới dạng trạng thái tinh thần.

Trước khi chúng ta có thể ngăn chặn các xúc tình phiền não, chúng đã kích hoạt những khẩu nghiệp bất thiện hoặc hành động bạo lực. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta tăng gánh nặng nghiệp lực của mình gấp nhiều lần.

b. Nghiệp chướng: Tức chỉ cho nghiệp 5 vô gián, là những nghiệp ác do thân, miệng, ý tạo tác ra. Từ vô thủy đến nay, chúng ta cứ xoay vần trong vòng luân hồi vay trả, trả vay bởi đã tạo tác các bất thiện nghiệp về thân, khẩu, ý gây tổn hại cho người khác.

Đó cũng là lý do vì sao trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều chướng ngại về công việc, sức khỏe, thọ mạng, chướng ngại trong gia đình, các mối quan hệ xã hội, chướng ngại trong công việc, kinh doanh, v.v…. Người đầy đủ vật chất nhưng đau khổ về tinh thần. Người có đời sống tinh thần yên ổn thì lại thiếu thốn về vật chất. Công danh sự nghiệp như giọt sương đầu ngọn cỏ, rất mong manh.

c. Dị thục chướng (cũng gọi Báo chướng, Quả báo chướng): Những quả báo 3 đường ác do nhân phiền não và nghiệp đưa đến.

Báo chướng là sự ngăn ngại, che bít của quả báo. Chúng sanh trong sáu nẻo đều bị phiền não, hoặc nghiệp ngăn ngại. Đối với những kẻ tội ác thâm, trọng thì cái báo chướng nó ngăn đường bít nẻo, chỉ để cho đau khổ, tức như những hồn đọa lạc ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh quanh quẩn chỉ thấy mình khổ, lụy.

Xem Thêm:   Nghiệp báo là gì? Làm sao để hết nghiệp?

Đối với những bực có hưởng phước như chư thiên, loài người thì cái báo chướng nó ngăn đón, khiến cho mình chẳng tin Tam bảo, chẳng mộ chánh pháp. Còn đối với những nhà tu học thì cái báo chướng nó che án, không để cho mình đắc đạo dễ dàng.

2. Tam chướng là gì?

Cứ theo kinh Đại thừa du già đại giáo vương Q.5 thì vì 3 thứ chướng làm trở ngại nên không được gặp pháp Tam ma địa của Du già bí mật. Ba thứ chướng là:

a. Ngã mạn trọng chướng: Người bị cái chướng cao ngạo nặng nề, kiến chấp tà ác che lấp, đến nỗi không thể hạ tâm kính thờ chư Phật, Bồ tát, sư trưởng, phụ mẫu, không thể tu học chính pháp của Như Lai.

b. Tật đố trọng chướng: Người bị cái chướng tật đố nặng nề thường hay ganh ghét bậc hiền đức, người tài năng, tự cho mình là hay, người khác là dở, thấy người tu thiện thì mang lòng đố kị, không thể tu học chính pháp của Như Lai.

c. Tham dục trọng chướng: Người bị cái chướng nặng nề nhiều tham muốn, trây lười, ngủ nghỉ, tối tăm, động loạn, phá giới, không thể tu học chính pháp của Như lai.

Ba hạng người trên đây, không biết gì về nhân quả, không kính sư trưởng, cũng chẳng trọng người hiền lương, không hộ trì đạo nghiệp, gây nhiều nghiệp ác, vì thế không được gặp chính pháp Tam mật.

3. Tam Chướng là gì?

Tam chướng chỉ cho 3 thứ chướng ngại ngăn trở thiền định. Đó là:

a. Hôn trầm ám tế chướng: Người thường ngủ gục li bì, tâm trí mờ tối khiến không phân biệt được điều gì, ngăn trở các thiền định, đến nỗi không khai phát được.

Xem Thêm:   Làm thế nào để trả nghiệp? Nhẫn là cách để trả nợ nghiệp chướng

b. Ác niệm tư duy chướng: Tuy không mờ tối nhưng niệm ác chợt sinh, khiến phá các giới cấm, đến nỗi làm những việc bất thiện.

c. Cảnh giới bức bách chướng: Tuy tâm không mờ tối, không nghĩ đến các việc ác, nhưng thân lại đau nhức, hoặc bị đất vùi lửa đốt, ngã từ sườn núi, mãnh hổ rượt đuổi, ma phiền não nổi lên, các tướng ác như thế hiện ra, bức não người tu hành, khiến tâm sinh sợ hãi, đến nỗi chướng ngại các thiền định, không khai phát được.

Ba thứ chướng nêu trên đều trở ngại việc tu tập thiền định.

4. Tam chướng là gì?

Tam chướng cũng gọi Tam thô trọng, Tam phiền não. Chỉ cho 3 thứ phiền não chướng là Tu hoặc, Kiến hoặc và Vô minh, theo thứ tự được ví dụ với da, thịt và tim, hoặc da dày da mỏng và xương.

a. Bì phiền não chướng: Chỉ cho Tu hoặc. Tu hoặc nổi lên khi 5 căn tiếp xúc với 5 trần bên ngoài, như da (bì) ở ngoài, nên dùng da làm ví dụ.

b. Nhục phiền não chướng: Chỉ cho Kiến hoặc. Kiến hoặc do mê lầm về lí luận, quan điểm mà sinh khởi, thuộc về chấp trước phân biệt trong tâm, như thịt ở phía trong da, nên dùng nhục (thịt) làm ví dụ.

c. Tâm phiền não chướng: Chỉ cho Vô minh. Vô minh là nguồn gốc của tất cả sự mê vọng, do mê chân theo vọng mà sinh ra, cho nên dùng tâm (tim) làm ví dụ.

Đại thừa nghĩa chương quyển 5, phần đầu, lại lập Vô minh làm 3 chướng Bì, Phu, Cốt (da dày, da mỏng, xương). Nghĩa là Vô minh phẩm thô to là Bì chướng, Vô minh phẩm thô vừa là Phu chướng và Vô minh phẩm nhỏ nhiệm là Cốt chướng.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

58 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog