Sân Hận là gì? Cách chuyển hóa Sân Hận
Pháp Giới 9 tháng trước

Sân Hận là gì? Cách chuyển hóa Sân Hận

Sân Hận là gì? “Sân” là nóng giận, “Hận” là sự oán trách bị chấp giữ. Như vậy, Sân Hận nghĩa là sự nóng giận được gây ra bởi sự bám chấp của tâm oán trách khi gặp những cảnh trái ý nghịch lòng. Sân Hận thường được ví như như ngọn lửa âm ỉ thiêu đốt ở trong tâm, phá sạch công đức và các pháp thiện lành. Bởi tâm sanh tướng nên người sân hận thường hiện tướng mặt mũi xấu, xí khó coi. Bởi là chánh nhân khiến người ta đọa vào cảnh giới của loài A Tu La và Địa ngục, nên sân hận được đức Phật dạy là một trong tam độc Tham, Sân, Si.

Trong các phiền não của thế gian, sân hận có tướng trạng rất thô bạo và sức phá hoại thuộc hàng bậc nhất đối với các pháp thiện lành. Bởi thế trong Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai.” Tức là: Một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn muôn tức cửa nghiệp chướng đều mở ra. Tại sao thế?

  • Chú Đại Bi Tâm Đà Ra Ni.
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
  • Kinh Pháp Diệt Tận.
  • Hoa Ưu Đàm là hoa gì.
  • Cách tụng kinh tại nhà.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Linh hồn người Chết là gì.
Sân hận là gì? Sân hận trong Phật giáo
Sân hận là gì? 
*

Bởi Sân hận là một tập khí được huân tập sâu nơi tàng thức của ta. Hễ một niệm sân nổi lên thì chẳng khác chi có ngọn lửa dữ thiêu đốt ở trong tâm, rất khó kiềm chế. Mà chẳng kiềm được thì: “Mặt mày đỏ tía hay tái xanh, bộ dạng thô bỉ, nói năng hung dữ. Có khi dùng đến vũ lực hay khí giới để hạ kẻ đã làm ta trái ý phật lòng. Vì nóng giận mà cha mẹ, vợ con, anh em xa lìa, bạn bè ly tán; vì nóng giận mà đồng bào trở nên thù địch, nhân loại đua nhau ra chiến trường; vì nóng giận mà kẻ bị tàn tật, người vào khám đường, kẻ mất địa vị, người tan sự nghiệp.

Cho nên cổ nhân dạy: “Nhất tinh chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn.” Nghĩa là một đốm lửa giận, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức. Người ta khi đã nguôi ngoai cơn giận thường sanh tâm ân hận, thường ước “giá như…”nhưng lúc đó mọi chuyện âu cũng muộn mất rồi. Người hứng chịu cơn giận của ta chịu tổn thương rất khó chữa lành, mà ta cũng chẳng hơn chi: Bị nỗi ân hận dày vò, giằng xé ở trong tâm, chẳng được an yên. Một niệm sân giận phát khởi nó họa hại vô cùng như thế đó! 

Sân Hận là gì: Lời Phật dạy về Sân Hận

Tâm sân hận còn hơn lửa dữ, hành giả nên tự mình phòng hộ, giặc cướp công đức không có gì được mối hại này, nếu dấy lên một niệm sân hận thì ngọn lửa bùng lên thiêu rụi tất cả công đức thiện. Vì thế người có tánh sân giận thì người và vật đều sợ hãi, khó gần gũi người thiện lương; lời nói thường trở thành chất độc, làm vấy bẩn tâm người, khiến cho người chán ghét, ai cũng sợ hãi lánh xa; hiện đời bị khinh rẻ, chết thì đọa vào địa ngục. Vì vậy cho nên người trí, thấy rõ tai họa như vậy nên dùng tâm an nhẫn trừ diệt tâm sân.

Theo Luận Trí Độ Luận: “Thích Đề Hoàn Nhân thưa hỏi Đức Phật rằng:

Giết vật gì sẽ được an ổn,

Giết vật gì không còn âu lo?

Vật gì là nguồn gốc của độc,

Làm hủy diệt tất cả điều thiện?

Đức Phật trả lời rằng:

Giết sân hận thì được an ổn,

Giết sân hận thì không âu lo,

Sân hận là nguồn gốc của độc,

Sân hận diệt tất cả điều thiện”.

*

Theo kinh Chánh Pháp Niệm: “Nếu dấy khởi sân hận thì tự đốt cháy thân mình, tâm tư bí hiểm độc địa, nhan sắc thay đổi lạ lùng, người khác ruồng bỏ thảy đều kinh hãi xa lánh, mọi người không yêu mến mà khinh thường phỉ báng, đến lúc thân mạng kết thúc thì đọa vào địa ngục.

Bởi vì sân hận cho nên không việc xấu gì không làm. Vì vậy người trí xả bỏ sân hận như ngọn lửa, biết tai họa của sân hận cho nên có thể làm lợi ích cho mình, vì muốn lợi mình và lợi ích cho người khác, thuận theo nên thực hành nhẫn nhục. Ví như lửa lớn đốt cháy nhà cửa, có người khỏe mạnh dũng cảm lấy nước dập tắt. Nước của trí tuệ có năng lực dập tắt lửa sân hận, cũng lại như vậy.

Người luôn luôn biết nhẫn nhục là tâm thiện bậc nhất, luôn luôn xả bỏ sân hận, được mọi người yêu mến, mọi người đều thích gặp mặt, được mọi người tin nhận, nhan sắc trong sáng tươi tỉnh, tâm tư vắng lặng rõ ràng, tâm không nóng nảy bồn chồn, dễ dàng lắng đọng thâm tâm, xa lìa lỗi của thân miệng, xa lìa tâm tư sầu não, xa lìa nỗi sợ đường ác, xa lìa mọi sự oán ghét, xa lìa tên gọi xấu ác, xa lìa mọi sự ưa não, xa lìa nỗi sợ oan gia, xa lìa người ác mắng nhiếc thô tục dữ dằn, xa lìa nỗi sợ ân hận, xa lìa nỗi sợ tiếng xấu, xa lìa nỗi sợ không có lợi ích, xa lìa nỗi sợ khổ đau, xa lìa nỗi sợ ngạo mạn.

*

Nếu người có năng lực xa lìa những nỗi sợ như vậy, thì tất cả công đức thảy đều đầy đủ, tên gọi khắp nơi đều nghe đến, đạt được niềm vui của hai đời hiện tại và tương lai, mọi người nhìn thấy giống như cha mẹ mình, là người nhẫn nhục thì được mọi người gần gũi. Vì vậy sân hận giống như rắn độc, như dao sắc như lửa nóng, dùng nhẫn nhục mà dập tắt, có năng lực làm cho đều loại trừ hết. Có thể nén chịu đựng sân hận, đó gọi là nhẫn.

Nếu có người thiện có thể tu tập hành thiện, nên dấy lên nghĩ rằng: Nhẫn nhục giống như vật báu nên cố gắng giữ gìn. Nhưng các chúng sanh thiện ác hiện bày sai khác, người ngu mắng chưởi xúc phạm hơn người ta cho là thắng, người trí hạ mình im lặng cho là bậc nhất. Người ngu bởi vì dấy lên một chút tranh chấp liền trở thành mối hận to lớn. Nếu mình đắc thắng thì người ta oán hận càng sâu sắc. Nếu tự mình đuối lý thì trái lại càng thâm ưu sầu khổ sở. Nếu luôn luôn cẩn thận lời nói không nói đến điều tốt xấu của người, cho dù người ta mắng chưởi mình thì đều là nghiệp vốn có chứ không phải là báo ứng ngang ngược”.

*

Theo kinh Bách Duyên: “Đức Phật an trú tại nước Kiều Tát La, dẫn các Tỳ kheo sắp đến dưới tán cây Lặc Na. Đến trong một đầm nước, có năm trăm con trâu rất là hung dữ, lại có năm trăm người chăn trâu, từ xa trông thấy Đức Phật đi đến dẫn theo các Tỳ kheo đi trong con đường này, cất tiếng gọi to lên: Xin Đức Thế Tôn đừng đi vào đường này, trong bầy trâu này có con trâu rất dữ tợn, rất bất ngờ làm tổn thong người ta, khó có thể đi qua được.

Lúc bấy giờ Đức Phật bảo với người chăn trâu dê rằng: Các ông bây giờ đừng quá lo sợ, con trâu kia nếu có đến húc Ta thì Ta tự biết thời cơ.

Nói trong chốc lát, con trâu hung dữ bất ngờ đi đến, vểnh đuôi chúi sừng, tung đất gào rống, nhảy chồm thẳng về phía trước. Bấy giờ Như Lai từ năm đầu ngón tay hóa hiện năm con sư tử, ở hai bên Đức Phật, vòng quanh bốn phía có hầm lửa lớn.

Lúc ấy con trâu dữ tợn kia thật là hoảng sợ, lồng lên chạy khắp bốn hướng, nhưng không có nơi nào đi được, chỉ có một chút đất trước chân Đức Phật, mát mẻ yên lành, bèn chạy nhanh hướng về nơi ấy, tâm ý bình tĩnh, không còn sợ hãi gì nữa, quỳ thẳng cúi đầu liếm chân Đức Thế Tôn. Lại nhân tiện ngước đầu nhìn Đức Phật mà lòng vui mừng không sao kể xiết. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn biết trâu dữ tợn kia trong lòng đã được điều phục, liền vì trâu mà thuyết kệ rằng:

*

Tâm tràn đầy dấy khởi ác ý,

Muốn xông đến làm tổn hại Ta,

Quả thật hy vọng được thắng cuộc,

Nhưng trái lại đến liếm chân Ta.

Lúc ấy con trâu kia nghe Đức Thế Tôn thuyết kệ này xong thì sinh ra hổ thẹn hết sức, bỗng nhiên thức tỉnh rõ ràng mây mù che lấp âm u bị trừ sạch, biết thân đời trước ở trong loài người đã gây ra ác nghiệp nên sinh tâm hổ thẹn bội phần, bỏ ăn bỏ uống thế là mạng chung.

Sanh lên cõi trời Đạo Lợi, bỗng nhiên lớn lên như đứa trẻ tám tuổi, liền tự suy nghĩ rằng: Mình tu phước thiện gì mà sanh lên cõi trời này? Lập tức tự mình quán sát, biết là ở thế gian nhận chịu thân loài trâu; nhờ Đức Phật hóa độ được sanh lên cõi trời, nay mình nên trở lại đền đáp ân đức của Đức Phật.

Dấy lên ý niệm này rồi, ôm hương cầm hoa đi đến chỗ Đức Phật, ánh sáng chói lòa soi chiếu vào Đức Phật, tiến lên lễ lạy dưới chân Đức Phật rồi lùi lại ngồi về một phía. Đức Phật liền vì Thiên thần thuyết về pháp Tứ Đế, tâm ý thông hiểu đạt được quả vị Tu đà hoàn, đi vòng quanh Đức Phật ba vòng rồi trở lại cung trời.

*

Lúc ấy năm trăm người chăn đàn trâu, vào sáng sớm hôm ấy đi đến chỗ Đức Phật, Đức Phật thuyết pháp cho nghe mà tâm mở mang ý hiểu rõ; tất cả đều đạt được dấu tích của đạo bèn cầu xin xuất gia.

Đức Phật liền bảo rằng: Hãy cố gắng lên Tỳ kheo! Tức thì râu tóc tự nhiên rụng hết, pháp phục mang trên thân, liền trở thành Sa môn, tinh chuyên cần mẫn tu tập, đạt được quả vị A la hán.

Lúc ấy các Tỳ kheo thấy sự việc này rồi, bèn thưa với Đức Phật rằng: Nay con trâu này và năm trăm người chăn trâu, đời trước tạo ra nghiệp gì mà sanh trong loài trâu, lại tu phước gì mà được gặp Đức Thế Tôn?

Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Các ông muốn biết túc nghiệp đã tạo các duyên ác nghiệp, nay Ta sẽ nói cho các ông biết. Kệ rằng:

Vốn có tạo ra nghiệp thiện ác,

Qua năm kiếp mà không hủy hoại,

Nhờ vào nhân duyên của nghiệp thiện,

Bây giờ được báo ứng như vậy.

Ở trong Hiền kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật xuất thế, danh hiệu là Ca Diếp. Ở trong giáo pháp của ngài có một Tỳ kheo tên gọi Tam Tạng, dẫn năm trăm đệ tử đi qua nước khác, ở giữa đại chúng mà cùng nhau bàn luận. Có người tranh luận không được, liền nổi sân hận, lại còn mắng nhiếc tệ hại rằng: Các ông bây giờ không hiểu biết gì. Chất vấn ta giống như trâu bất ngờ đến húc người vậy.

*

Lúc ấy các đệ tử thảy đều tác đồng, tất cả tự nhiên tản ra. Bởi vì nhân duyên của nghiệp ác khẩu này, trong năm trăm đời sanh vào trong loài trâu, và người chăn trâu cùng đi theo nhau, cho đến bây giờ vẫn chưa thoát được. 

Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Cần phải biết rằng Tỳ kheo Tam tạng kia, nay chính là con trâu hung dữ trong bầy này. Các đệ tử lúc ấy, nay chính là năm trăm người chăn trâu. 

Lúc Đức Phật giảng giải về nhân duyên của con trâu này, tất cả đều tự mình giữ gìn nghiệp thân khẩu ý, chán ngán sinh tử đạt được bốn quả Sa môn, có người phát tâm vô thượng Bồ đề, nghe Đức Phật giảng giải đều hoan hỷ vâng lời thực hành”.

Chánh báo tụng rằng:

Người ngu si sân hận dày,

Bị lửa địa ngục luôn thiêu đốt,

Lang sói vây quanh tranh giành nhau,

Rắn rít độc hại tranh đến trước,

Mắt trợn trừng cắn xé ăn thịt,

Thân hình ngang dọc bị xuyên thủng,

Tự gây ra cũng tự gánh chịu,

Lửa sân hận tranh nhau đốt cháy.

 

Xem Thêm:   Tại sao có người nghe chú Đại Bi, niệm Phật, tụng Kinh lại khóc?

Tập báo tụng rằng:

Tâm giận dữ thật là độc hại,

Nhấn chìm trong ác đạo khổ đau,

Ra khỏi nơi ấy được thân người,

Dư báo vẫn bị người não hại,

Người thấy tìm lỗi lầm của họ,

Ghét bỏ chê bai như cỏ độc,

Lỗi này đã không ích lợi gì,

Ngu si sân hân nào đáng quý?

Sân Hận Bị Đọa Làm Rắn Thần

Theo Cao Tăng Truyện: Thời Đông Hán, ở Lạc Dương có vị cao tăng là An Thế Cao. Ngài vốn là thái tử của quốc vương nước An Tức; từ thuở nhỏ đã nổi tiếng là người chí hiếu. Ngài thông minh trí tuệ hơn người: Đọc hiểu thấu suốt sách vở trong thiên hạ; thông thiên văn, hiểu rành y học; có khả năng thông hiểu được ý nghĩa trong âm thanh của các loài chim thú…

Ngài An Thế Cao tự kể lại rằng: Trong đời trước ngài cũng xuất gia học đạo. Có người bạn đồng tu tính tình nóng nảy sân hận, can ngăn nhiều lần nhưng không thay đổi. Ngài có lời hứa đến đời này sẽ hóa độ cho người ấy.

Khoảng cuối đời Hán Linh Đế, ngài quyết định đến Giang Nam hoằng hóa; cũng là để hóa độ cho người bạn đời trước. Ngài đi đến một cái miếu ở hồ Cung Đình, nổi tiếng rất linh thiêng; khách buôn vãng lai đến đó cầu khấn đều có thể biết trước được hướng gió thuận hay nghịch. Vì thế nên người cầu đảo cúng tế ở đây không lúc nào ngớt. Khi ngài An Thế Cao còn chưa đến, người giữ miếu nghe tiếng thần giữa hư không bảo rằng: “Trên thuyền sắp đến kia có một vị cao tăng, nên thỉnh vào miếu.”

Người giữ miếu theo lời mách bảo của thần, đón thuyền mời ngài An Thế Cao vào miếu. Cùng đi trên thuyền có hơn 30 người cũng đều đi theo.

*

Khi vào miếu liền nghe tiếng thần nói rằng:

“Tôi ngày trước ở đất nước khác, cùng với thầy học đạo. Nay tôi làm thần ở miếu này. Trong phạm vi ngàn dặm quanh đây đều do tôi cai quản. Nhờ đời trước tu hạnh bố thí nên đời này được hưởng phước rất lớn; nhưng do tâm nhiều sân hận nên phải đọa trong cảnh giới quỷ thần. Mạng tôi nay sắp dứt, chỉ còn trong sớm tối. Do những người vì tôi cúng tế cầu đảo thường giết hại sinh linh rất nhiều. Cho nên tôi sợ rằng sau khi chết không khỏi đọa vào địa ngục, xin thầy từ bi cứu độ. Tôi có được ngàn cây vải lụa cùng nhiều đồ vật quý báu ở đây. Xin thầy vì tôi dùng những thứ ấy lo việc phụng sự Phật pháp.”

Ngài An Thế Cao bảo thần hiện thân gặp mặt, thần nói: “Thân hình tôi cực kỳ xấu xí. Nếu hiện ra nhất định sẽ làm hại mọi người ở đây vì kinh sợ.”

Ngài Thế Cao nói: “Không sao, mọi người đã biết, sẽ không lấy làm sợ hãi đâu.”

Thần liền từ phía sau điện thờ hiện thân, đưa phần đầu ra, thật là một con mãng xà cực lớn, không biết được phần thân với đuôi dài đến mức nào. Mãng xà bò đến sát bên gối của ngài An Thế Cao. Ngài hướng về phía mãng xà tụng chú nhiều lần, rồi dặn dò dạy bảo nhiều điều. Mãng xà lắng nghe rồi rơi lệ như mưa, thân hình sau đó dần dần biến mất.

*

Ngài An Thế Cao nhận lấy vải lụa và những vật quý của thần miếu đã gửi gắm rồi từ biệt ra đi. Ngài mang những thứ ấy vì thần miếu mà xây dựng ngôi chùa Đông Tự; hồi hướng phước báo cho thần miếu trong cảnh giới tái sinh.

Chẳng bao lâu sau, ngày nọ bỗng thấy có một thiếu niên đến quỳ gối lễ tạ trước mặt ngài Thế Cao, sau đó biến mất. Ngài Thế Cao bảo người chung quanh rằng: “Đó là thần miếu hôm trước, nay đã thoát được hình thể xấu xí rồi.”

Sau đó, có người nhìn thấy trong một cái đầm rộng lớn nổi lên xác con mãng xà cực lớn, thân dài nhiều dặm. Chỗ ấy nay chính là Xà thôn, thuộc quận Tầm Dương.

Sân hận giết hại chịu quả báo tức thì

Theo An Sĩ Toàn Thư: “Tại Chiết Giang có người họ Thiệu, làm nghề giết mổ và bán rượu thịt. Ông nuôi mấy con lợn, một hôm đang chọn xem con nào béo mập để giết thịt, bỗng một con trong số đó quỳ mọp xuống mà rơi lệ khóc. Họ Thiệu không hề khởi tâm thương xót, ngược lại còn nổi giận mang con lợn ấy đi giết ngay.

Hôm ấy trời đổ mưa, họ Thiệu bày thịt lên quầy đến tối mịt vẫn không có một người nào đến mua. Ông ta trong lúc tâm trạng đầy bực tức oán hận, chân mang đôi guốc gỗ, đứng lên một chiếc ghế, tay cầm miếng thịt lớn định móc lên cái móc sắt treo thòng xuống từ xà nhà. Không ngờ dùng sức quá mạnh, bất chợt trượt chân làm đảo ngã cái ghế; miếng thịt rơi xuống đất, trong khi móc sắt lại xuyên qua lòng bàn tay ông, khiến ông bị treo lên lơ lửng không cách gì gỡ ra được.

Người nhà gấp rút cứu xuống thì ông ta đã đau đớn cùng cực, đến mức mê sảng không còn tỉnh táo nữa. Khi ấy vừa lúc trong nhà đang cất rượu. Họ Thiệu gào thét đau đớn rồi dùng tay vơ cả rượu và hèm rượu cho vào miệng ăn; bã hèm nhem nhuốc quanh miệng, lại bôi dính khắp người thật nhơ nhớp; trông ông ta lúc ấy mường tượng như một con heo dơ bẩn. Họ Thiệu nằm một chỗ kêu la đau đớn, như vậy đến hơn hai mươi ngày rồi mới chết.

Sân Hận là gì: Cách chuyển hóa Sân Hận

Về Phương Pháp đối tri Sân Hận, trong Niệm Phật Thập Yếu, Ngài Thiền Tâm dạy: “Trong các phiền não, duy có sân hận tướng trạng rất thô bạo, phá hoại hành giả mạnh mẽ nhứt. Nên người xưa đã bảo: “Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai.” Câu này có nghĩa: khi khởi một niệm giận hờn, tức đã mở muôn ngàn cửa chướng ngại.

Chẳng hạn như lúc đang niệm Phật, ta chợt tưởng đến người ngoài bạc ác khắc nghiệt xấu xa, đối đãi với mình nhiều điều không tốt; hoặc nhớ việc người thân cận phản phúc gây rối làm khổ mình, liền buồn giận bức rức không an. Từ nơi tâm trạng đó, miệng tuy niệm Phật, nhưng lòng phiền muộn, vọng tưởng sôi nổi. Có người bỏ chuỗi thôi niệm, xuống nằm gác tay suy nghĩ vẫn vơ. Có kẻ lại buồn tức đến quên ăn bỏ ngủ; muốn gặp ngay người đó la hét một hồi, hoặc tìm cách trả thù cho đã giận. Tâm niệm sân hận nó phá hại người tu đến như thế.

Muốn đối trị giận hờn, phải khởi lòng từ bi. Kinh Pháp Hoa nói: “Lấy đại từ bi làm nhà, nhu hòa nhẫn nhục làm áo giáp, tất cả pháp Không làm tòa ngồi.”

Phải nghĩ rằng: Ta cùng chúng sanh đồng là phàm phu, chìm trong biển khổ sanh tử. Tất cả đều do nghiệp phiền não. Mà phiền não vốn hư huyễn không có thật. Như một niệm sân hận, trước khi chưa khởi nó từ đâu đến, lúc tan rồi lại đi về đâu?

*

Khi giận hờn ta tự làm khổ cho ta trước, vì đã nổi lửa phiền não thiêu đốt lấy mình, mà cũng không thể cải hóa làm lợi lạc chi cho người. Như thế có phải là si mê vô ích chăng?

Lại nên nghĩ: Người có hành động xấu làm tổn hại cho ta, kẻ đó vì mê muội đã gây nhân ác tất phải chịu quả khổ. Họ đáng thương hơn là đáng giận. Bởi nếu sáng suốt biết rõ lẽ tội phước, tất không khi nào lại dám làm điều ấy. Ta là Phật tử, phải áp dụng giáo lý đức Thế Tôn để tự cởi mở sự ràng buộc oan trái cho mình. Vì mục đích tu hành là cầu sự giải thoát an vui, chớ không phải tìm lối khổ. Đối với hành động tàn hại đó, ta phải xót thương tha thứ, nhu hòa nhẫn chịu và xem mọi việc đều hư huyễn không không.

Nên nhớ lời cổ nhơn: “Lửa sân si tam độc, đốt hết rừng công đức. Muốn hành Bồ Tát đạo, giữ thân tâm nhẫn nhục.” 

Từ bi là nước tịnh mát mẻ, rưới tắt lửa phiền não. Nhẫn nhục là áo giáp bền chắc ngăn tất cả mũi tên độc. Pháp không là ánh sáng phá tan khói mù tối tăm. Biết dùng ba điều này để dứt trừ sân hận, tức đã vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai vậy.”

( Sân Hận là gì – Theo Pháp Uyển Châu Lâm )

Tuệ Tâm 2022.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Phẩm thứ 46: Tịnh Cư Thiên – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

26 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog