Những lời Phật dạy về cách thoát khỏi kiếp nghèo để trở nên giàu có
Pháp Giới 9 tháng trước

Những lời Phật dạy về cách thoát khỏi kiếp nghèo để trở nên giàu có

Thế nào là giàu có? Thế nào là nghèo khổ? Làm sao để thoát nghèo khổ chắc hẳn là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Cùng suy ngẫm lời Phật dạy về cách thoát khỏi kiếp nghèo để trở nên giàu có.

1. 7 nguyên tắc theo lời Phật dạy mang lại sự giàu có

Phú thị nhân sở dục: Giàu có là ước vọng chính đáng của con người như cha ông ta đã đúc kết và là hoạt động chỉ trong xã hội loài người mới có. Có thể hiểu giàu là có nhiều tiền của, có nhiều hơn mức bình thường.

Lý luận Phật gia khuyến khích Phật tử gây dựng cơ nghiệp để xã hội phát triển nhưng không lấy tiền của, vật chất làm tiêu chuẩn đánh giá: “Vô bệnh đệ nhất lợi. Tri túc đệ nhất phú. Sân hận đệ nhất độc. Niết bàn đệ nhất lạc” (Không bệnh lợi nhất. Biết đủ giàu nhất. Sân hận hại nhất. Niết bàn vui nhất); mà cho tài sản thế gian là miếng mồi ngon của 5 nhà lửa: trộm cướp, chiến tranh, con bất hiếu, bệnh tật, thiên tai.

Trong con mắt người đời thì ai có biệt thự, xe hơi, điện thoại đắt tiền và nhiều tài sản khác là giàu có; người có được vợ đẹp, con xinh, làm ăn lên như diều gặp gió khiến người khác không khỏi thèm muốn và ganh tị. Nhưng điều quan trọng hơn cả là sự giàu có đó liệu có tồn tại mãi trong sự vô thường của mọi vật vốn do duyên sinh hay không?

Có thể hôm nay người kia giàu sang phú quý nhưng chẳng may bệnh tật phải bán hết tài sản mà chữa trị để giữ lấy mạng sống hoặc xui xẻo một trận hỏa hoạn bất thình lình thiêu rụi tất cả thì cuối cùng cũng thành kẻ trắng tay; lại có gia đình kinh tế khá giả, cha mẹ tài giỏi chí thú làm ăn nhưng con cái đua đòi ăn chơi, sa ngã vào ma túy, các tệ nạn xã hội để tiền của của cha mẹ có chất thành núi cũng có ngày lở.

Chẳng thế mà ông cha ta từng dạy chân lý rất gần gũi với đạo Phật: “sông có khúc, người có lúc” hay “không ốm không đau làm giàu mấy chốc” hoặc có thể thô hơn một chút với câu thành ngữ “lên voi xuống chó”.

Như vậy, sự giàu có thật sự suy cho cùng là khả năng giữ được tài sản một cách an toàn và một tâm hồn an lạc trước mọi biến cố, thiên tai thường gặp trong cuộc sống. Để làm được điều mà ai cũng mong muốn này, người Phật tử cần phải thực hiện việc làm giàu theo 7 nguyên tắc sau đây:

Chọn nghề mà làm giàu theo 5 điều Đức Phật dạy

  • Không buôn bán vũ khí
  • Không buôn sắc gái
  • Không buôn bán các chất gây say
  • Không buôn bán thịt
  • Không buôn bán thuốc độc

Giữ chữ tín

Xưa nay nhiều người nhờ chữ “tín”, nhờ đạo đức trong kinh doanh mà phát đạt, đem lại đời sống tốt đẹp không những cho bản thân và gia đình mình mà còn góp phần lớn công sức thúc đẩy xã hội phát triển.

Bên cạnh đó, không ít người lắm tiền nhiều của do làm ăn phi pháp, buôn gian bán lận, lường gạt người khác với nhiều thủ đoạn khác nhau: hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng… mà hệ quả là kìm hãm sự phát triển về mọi mặt của xã hội trong đó có sự băng hoại về đạo đức.

Nhóm người thứ nhất thu lợi từ phần gốc rễ trong khi nhóm người thứ hai kiếm lời bằng phần ngọn. Thực tế cho thấy sự giàu có nhờ vào phần ngọn chính là sự “thất tín” chưa bao giờ bền vững với thời gian. Bởi gieo nhân xấu sẽ tạo nghiệp ác.

Kinh Lục độ tập đã chỉ: “Thà nên giữ đạo, nghèo khó mà chết; chẳng nên vô đạo, giàu sang mà sống”. Do đó, Người Phật tử sau khi chọn được nghề nghiệp phù hợp còn phải luôn tâm niệm dấn thân làm giàu bằng con đường chân chính để tạo nghiệp thiện; mọi tài sản có được phải trong sạch, chính đáng bằng mồ hôi nước mắt và sự nỗ lực tinh tấn của trí tuệ. Có như vậy mới bản thân chúng ta, người thân của chúng ta mới an lạc và tài sản có được mới bền lâu.

Học hỏi không ngừng để có trí tuệ sáng suốt

Người dân nước Nga nhận định về vai trò của việc học qua câu nói rất nổi tiếng: “Học! Học nữa! Học mãi!” Một nhà triết học đã đồng quan điểm vô cùng thâm thúy: “Sự học như con thuyền chèo ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi”. Nói như vậy để thấy được vai trò của trí tuệ, tư duy trong tiến trình phát triển của xã hội nói chung và trong việc làm ăn kinh doanh làm giàu của mỗi con người nói riêng.

Do đó, để làm giàu, người cư sĩ Phật tử không chỉ cần có sự hiểu biết thấu đáo, toàn diện về ngành nghề, lĩnh vực mà mình đã lựa chọn mà còn phải luôn học hỏi, trau dồi kiến thức để có trí tuệ ưu việt với cái nhìn bao quát xa rộng, dự đoán các khả năng xấu có thể xảy ra mà kịp thời xử lý, ứng phó; làm hạn chế tối đa thiệt hại, bảo vệ tài sản an toàn tương đối trước các rủi ro vốn có trong chiến trường kinh tế.

Trong thời đại công nghệ thông tin, ngoài học tập ở trường lớp, các bậc tiền bối, người Phật tử có nhiều cách để nghiên cứu, trau dồi kiến thức: sách, báo… các phương tiện thông tin đại chúng. Thế mà Khổng Tử từng dạy trò học hỏi điều hay lẽ phải từ những người bạn: “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư” – trong 3 người cùng đi chắc chắn có người là thầy ta. Như vậy, để có sự hiểu biết toàn diện, người Phật tử còn cần có sự học hỏi, noi gương những người đã thành công hoặc rút ra các bài học về sự thất bại từ những người bạn xung quanh mình.

Siêng năng

Có được một nghề nghiệp phù hợp mà nuôi tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”, nay làm chỗ này mai lại chạy chỗ khác; hoặc có ước mơ làm giàu nhưng không kiên trì bất chấp khó khăn mà nóng vội muốn làm giàu mau chóng sẽ phạm sai lầm là “đốt cháy giai đoạn” dẫn đến công việc đổ bể hoặc thậm chí “mất cả chì lẫn chài”. Như vậy, chỉ uổng phí thời gian và công sức mà cuối cùng không thoát ra được vòng luẩn quẩn.

Vì vậy, người con Phật cần phải có sự siêng năng, kiên trì trên cơ sở mục tiêu hoạch định lâu dài, gặp khó khăn thì kiên trì tháo gỡ từng gút mắt để sao cho việc làm giàu xuất phát từ gốc rễ và cơ nghiệp của chúng ta có thể vững chãi trước mọi mối nguy nan.

Tiết kiệm

Có người lương tháng vài chục triệu đồng hoặc có người kinh doanh với khoản lợi kếch xù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng nếu tiêu xài hoang phí, không xác định rõ thứ gì nên mua, việc gì nên chi để sử dụng đồng tiền một cách hợp lý thì sẽ không có tích lũy.

Ngược lại, có người lương thấp hơn hoặc làm ăn buôn bán nhỏ lẻ nhưng nhờ tiết kiệm, dùng đồng tiền một cách khôn ngoan, cuối cùng “tích tiểu thành đại”, “góp gió thành bão” mà sự giàu có vốn là quá trình tích lũy thường xuyên, liên tục.

Xem Thêm:   Nghi thức trì tụng Chú Đại Bi đúng pháp đơn giản tại nhà

Lại có người khi có nhiều tiền thì sử dụng một cách hoang phí vào các cuộc chơi vô bổ, các tệ nạn xã hội như ma túy, sắc gái… hoặc do lòng tham muốn có được nhiều tiền nhưng không phải đổ mồ hôi qua một canh bạc thì từ chỗ là người đầy tớ trung thành, đồng tiền trở thành con rắn độc quay lại cắn ta, biến ta thành kẻ trắng tay lúc nào không hay.

Bởi vậy, muốn được giàu có ta phải siêng năng làm lụng và tiết kiệm, sử dụng khéo léo, khôn ngoan đồng tiền để nó trở thành công cụ tiếp tục kiếm ra tiền mà không rơi vào sai lầm mà con người thường hay mắc phải là tay phải làm ra tay trái vãi đi.

Bố thí và cúng dường tạo phước báu

Chúng ta thường nghe nói “người này có phước quá” nên mọi việc đều được như ý hoặc “người này bạc phước quá” nên tính toán chuyện gì cũng thất bại. Hay nhiều Phật tử đặt câu hỏi trước hiện thực có kẻ bất nhân, làm ăn phi pháp, nhưng vẫn sống giàu sang; ngược lại nhiều người hiền lành, chịu thương chịu khó làm ăn nhưng vẫn không thoát khỏi cái nghèo.

Thực ra, không có ông trời, thượng đế, hay đấng tạo hóa nào làm những chuyện bất công, thiên vị một cách vô lý như vậy mà tất cả là do luật nhân quả. Sự sung sướng, giàu có, an lạc kiếp này là phước báo chúng ta được hưởng do chúng ta đã gieo trồng phước đức trong nhiều kiếp trước.

Vì vậy, để có được đời sống tốt đẹp và phước đức dồi dào, người Phật tử chân chính cần gieo nhân lành là bố thí, cúng dường Chư Tăng để đơm hoa kết trái ngọt 5 phước báo trong hiện tại và tương lai: khỏe mạnh, giàu có, sống lâu, được nhiều người thương và có ngoại hình đẹp.

Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mình, Phật tử có thể bố thí bằng 4 cách sau: cho tiền bạc của cải; cho lời khuyên hay nói pháp cho người được lợi ích; cho sự không sợ hãi; cho sự vui vẻ, đồng tình.

Theo đó, Phật tử giàu có thì cho tiền bạc của cải giúp đỡ người nghèo khó, cúng dường chư Tăng, Đức Phật. Phật đã dạy không ai nghèo đến mức không có nổi một hạt cơm cho con kiến, vì vậy người nghèo khó đến mấy cũng có thể phát tâm bố thí bằng cách hoan hỷ với người làm phước hoặc lên chùa làm công quả vào thời gian rảnh hay một lời động viên, thăm nom, chăm sóc người bệnh lúc đau ốm, hoạn nạn cũng là cách bố thí tạo nhiều phước đức.

Việc cúng dường đến Đức Phật, chư Tăng càng tạo nhiều phước đức hơn vì vật phẩm vật cúng dường của chúng ta được sử dụng làm phương tiện để truyền bá Chánh pháp.

Ngoài ra người Phật tử phải biết đem tài sản do mình làm ra để xây dựng các công trình văn hóa, nhớ về nguồn cội, cúng tế ông bà, tổ tiên và bố thí cho các vong hồn đói khát.

Thực hành chừng ấy thôi, người đệ tử Phật đã đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh và tích lũy được rất nhiều phước đức.

Tri túc đệ nhất phú: Bằng lòng với hiện tại

Một tỷ phú nhưng lúc nào cũng cảm thấy chưa bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã có thì xem là nghèo; một người dù ít tiền của nhưng luôn biết đủ, bằng lòng với hiện tại của mình, tất nhiên họ là giàu nhất. Đó là khái niệm “tri túc đệ nhất phú” mà Đức Phật dạy. Điều đó không đồng nghĩa với lối suy nghĩ cho rằng Đức Phật khuyến khích sự an phận thủ thường, phó mặc số phận.

Ngược lại, Đức Phật khuyên đệ tử cần thực hành tri túc – biết đủ trong hoàn cảnh bản thân đã nỗ lực hết sức mình mà không được như ý nguyện để tránh chạy theo ảo tưởng, tham vọng viển vông dẫn đến không kiểm soát được lý trí.

Sau đó, Phật tử cần giữ trạng thái thăng bằng: sống không phung phí cũng không hà tiện để không trở thành nô lệ mà luôn làm chủ đồng tiền; làm được điều này các cửa ngõ để tài sản ra đi sẽ bị đóng kín mà tâm hồn người Phật tử lại được hạnh phúc an lạc.

Những lời Phật dạy về cách thoát khỏi kiếp nghèo để trở nên giàu có

2. Lời Phật dạy về 4 nguyên tắc để thoát nghèo khổ

Thế nào là giàu có? Thế nào là nghèo khổ? Làm sao để thoát nghèo khổ? chắc hẳn là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Theo Đức Phật muốn thoát nghèo khổ trước tiên phải thoát được tư tưởng, tâm trí hư ảo của chính mình.

Phật giáo nhìn nhận vấn đề giàu nghèo như thế nào?

Đều mang thân phận con người, nhưng tại sao có người thì giàu có, còn có người thì lại rất nghèo khó? Chúng ta làm thế nào để nhận định được đâu là nghèo khổ, đâu là giàu có, hoặc thế nào mới gọi đúng nghĩa của giàu-nghèo?

Có người thì nhà cao cửa rộng, xe hơi điều hòa, ăn sung mặc sướng, phúc lộc đầy đủ; có người thì cả đời bôn ba gian khổ, nhưng những thành quả đạt được trong công việc lại vô cùng nhỏ bé, chỉ có thể cung cấp được mấy miệng ăn đủ no cho cả nhà, hoặc tệ hại hơn có khi chỉ nuôi bản thân cũng không nổi.

Nguyên nhân ở đâu? Theo quan điểm của Phật giáo, đều là do quả báo thiện-ác kiếp trước của cá nhân mỗi người chiêu cảm, tạo ra. Luận về sự giàu-nghèo, người có tiền mặc dù cơm no áo ấm, không thiếu thứ gì, nhưng có lúc cảm thấy mệt mỏi vì công việc hàng ngày, cả ngày lẫn đêm không sao được an ổn; người không có tiền, mặc dù mỗi ngày chật vật, nhưng vẫn sống một cách nhẹ nhõm, an nhiên tự tại, điều này gọi là “nhân cùng chí bất cùng” (người tuy nghèo nhưng chí không nghèo). Cũng có nghĩa là, hạnh phúc niềm vui của đời người, giữa nghèo và giàu vốn dĩ không tạo nên điều kiện tuyệt đối.

Quan điểm của Phật giáo về vấn đề giàu nghèo, cho rằng nghèo và giàu vốn không có khoảng cách gì đối với danh dự của một nhân cách. Có người mặc dù chỉ cơm canh đạm bạc nhưng không thể nào chôn vùi niềm vui bên trong của họ; có người giàu có một phương, nhưng vẫn cứ ưu sầu, phiền muộn. Nói sâu hơn một chút, rằng nếu trong tâm sẵn có tam thiên đại thiên thế giới, vậy thì, dù cho thân nghèo khổ không có mảnh đất cắm dùi, nhưng vẫn cảm thấy đầy đủ, sung túc!

Cuộc sống của Đức Phật có thể được coi là một minh chứng sống động và chuẩn xác nhất. Bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, Ngài đều mặc một bộ áo phấn tảo (pamsukulika), vẫn cảm thấy thong dong tự tại, khoác lên mình chiếc áo vàng bạc quý báu, cũng chẳng thấy sự kiêu hãnh nào. Đã có thể cơm rau dưa muối, thì cũng có thể món ngon vật lạ; có thể ăn gió nằm sương, thì cũng có thể an trú nơi lầu hồng gác tía; có thể một mình ở sơn lâm, thì cũng có thể sống chung cùng đệ tử tứ chúng.

Xem Thêm:   Người khi tụng Chú Đại Bi cần tác ý trước các tâm niệm này

Đủ thấy, trái tim của Đức Phật đối với giàu sang nghèo hèn, khốn cùng hanh thông, hưng suy thành bại, đẹp xấu thiện ác vốn không vương vấn, bận lòng, cũng không theo đuổi dục trần của thế gian, chỉ là tùy duyên thích ứng với hoàn cảnh, môi trường! Đây chính là sự giàu có lớn lao nhất của Đức Phật.

Lời Phật dạy để thoát nghèo khổ

Chúng ta thường có thói quen than trời trách đất, không ngừng hỏi lý do tại sao mình lại Nghèo dù đã cố gắng nỗ lực rất nhiều. Dưới đây là lý do và những nguyên tắc vàng giúp bạn chuyển nghiệp nghèo theo Lời Phật Dạy:

Nguyên tắc thứ nhất: Không bao giờ mong giàu

Nguyên nhân của những dằn vặt, đau khổ mà người nghèo phải trải qua đó là luôn khát khao được giàu có. Tuy nhiên phải làm phước, phải có phước thì mới có tiền. Phước ở đây chính là những việc làm lợi ích chúng ta giúp người, giúp đời. Còn suốt ngày chỉ ngồi nghĩ về tiền thì tiền càng không đến, càng mong muốn nhiều tiền thì tiền càng không có.

Nguyên tắc thứ hai: Phải hiểu rằng nghèo là do mình đã phạm sai lầm gì đó trong quá khứ, luôn ghi nhớ điều này đồng thời sám hối nghiệp xưa

Chúng ta cần phân biệt rõ ranh giới giữa việc “không cần tiền” và “ra vẻ không cần tiền”. Đừng để việc không cần tiền tiến thành thái độ tự thấy mình ngon lành mà không cần giàu, không thèm giàu rồi vênh mặt lên coi thường tất cả.

Cái “ra vẻ” sẽ khiến ta nghèo mãi. Thái độ đúng ở đây là biết chắc chắn mình đã phạm sai lầm gì đó trong quá khứ mà bây giờ không tự nhìn ra được. Chính cái biết này là sự sám hối âm thầm giúp ta nhanh chóng thoát khỏi nghiệp cũ.

Nguyên tắc thứ ba: Biết rằng nhờ cảnh nghèo mà mình thương yêu được mọi cảnh khổ trên đời mà nếu giàu có thể chưa chắc đã có

Người sinh ra trong cảnh giàu có thường không thể thấu hiểu và cảm thông được nỗi khổ của người nghèo vì họ chưa từng trải qua. Cho nên hãy vui mừng vì nhờ nghèo mà mình thương yêu được rất nhiều người bị những người khác bỏ quên. Thương yêu được mọi người là chất liệu, nền tảng của những việc thiện lành, những việc tạo ra phước đức giúp chúng ta vượt lên.

Nguyên tắc thứ tư: Dù nghèo nhưng vẫn cố gắng chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh

Người giàu làm phước rất dễ dàng. Họ có thể bỏ ra cả triệu đồng để bố thí nhưng vẫn không thể quý bằng người nghèo giúp được một người qua cơn đói với bữa cơm đạm bạc.

Thời xưa đã có người từng hỏi Phật: “Con nghèo quá, không có gì để bố thí cả”. Phật trả lời: “Không ai nghèo đến mức không có một hạt cơm để bố thí cho con kiến”.

Sự cố gắng chia sẻ thiếu thốn với người khó khăn hơn mình là phước đức rất lớn, là quà tặng của đất trời ban tặng cho người nghèo. Nhờ vậy mà cuộc sống sẽ được tốt dần lên.

3. Câu chuyện: “Bán nghèo” để trở nên giàu có

Thuở xưa, ở nước Ấn Ðộ, có một trưởng giả giàu nứt đố đổ vách nhưng hết sức keo kiệt, thường cắt cổ, lột da thiên hạ với cách cho vay nặng lời. Tánh ông lại còn hung tợn, tàn ác nữa. Thật đúng với câu “Vi phú bất nhân” ông không có chút từ tâm.

Mỗi khi có những kẻ mang công thiếu nợ không lo trả nổi theo lời hứa hẹn, thì ông sai lũ gia nhân đánh đập một cách tàn nhẫn, thậm chí ông còn đối đãi với kẻ ăn, người ở trong nhà một cách hết sức tệ bạc, xem họ như loài thú vật không hơn không kém. Trong nhà có một bà lão bộc, làm công việc nhà quần quật suốt ngày không có một lúc hở tay.

Nhưng không phải chỉ vậy mà thôi đâu, mỗi khi có sơ sót, hay lỡ tay làm hư hỏng việc gì, thì ông chủ miệng chửi, tay đánh không mảy may thương xót. Áo quần không đủ để che kín tấm thân gầy, cháo cơm không đủ làm no dạ dày lép xẹp. Lại còn tuổi già sức yếu mà phải chịu bao nổi nhọc nhằn, vất vả, vì sức chịu đựng của con người có hạn, cho nên bà thường bị đau yếu luôn. Có lẽ vì đau khổ quá, cực nhọc quá, nên nhiều khi bỗng không bà rơi nước mắt, rồi bà khóc thực sự, khóc cho thân thế bị dày vò, khóc cho tình đời đen bạc, trọng phú khinh bần.

Có một hôm nọ, nhân lúc mang bình ra mé sông múc nước, được ít phút rảnh rang khỏi cặp mắt gầm gừ của ông chủ, bà yên tâm tạm ngồi nghỉ chân dưới cội cây bàng. Trong đầu óc bà lúc ấy lại thoáng hiện ra những sự hành hạ, đập đánh, chửi rủa, tàn nhẫn vô lương tâm của ông chủ. Trong một phút suy ngẫm về giá trị đời sống, bà bỗng rùng mình. Tội nghiệp bấy giờ bà chán sự sống lắm, một ý nghĩ đen tối thoáng hiện trong óc bà, bà muốn quyên sinh.

Bà nghĩ bà phải chết đi, chết để giải quyết tất cả mọi nổi đau khổ loài người đen bạc đã cố ý đày đọa bà. Bà nghĩ những nỗi nọ niềm kia, nghĩ đủ thứ, nước mắt hai bên khóe tự nhiên ràn rụa tràn ra, lăn dài xuống hai má hóp. Bà để mặc cho hai dòng lệ tự do tuôn chảy không buồn chậm lau. Bà vẫn cố muốn khóc cho thật nhiều, khóc cho hết nước mắt để rồi bà chết, phải rũ hết nợ đời, chớ sống mà thân xác cũng như linh hồn bị dày vò đày ải quá sức, thì thà chết đi còn hơn.

Bà khóc mùi mẫn cho đến đỗi Tôn giả Ca Chiên Diên đi đến tận bên, bà cũng không hay biết gì. Mãi đến lúc Tôn giả cất tiếng hỏi bà mới giật mình.

– Sao thế? Sao bà khóc lóc quá như thế? Ai ăn hiếp bà, ai hành hạ đánh đập bà?

Bà lao vẫn còn nghẹn ngào, không nói được ra lời để đáp lại những câu hỏi của Tôn giả. Bà chỉ giương đôi mắt mờ lệ nhìn Ngài.

– Tội nghiệp quá, xem bà nghèo khổ, gian truân quá, nhưng tình cảnh nhà bà ra sao? tại sao bà lại ngồi đây một mình mà khóc, bà cho tôi biết đi, bà nói hết nỗi khổ của bà cho tôi nghe đi, may ra tôi có phương chước gì để giúp ích phần nào cho bà.

– Bạch Ngài, Ngài xem tôi từng này tuổi mà vẫn phải làm tôi mọi cho người ta, công việc làm việc vất vả suốt ngày thâu đêm, lại còn bị chủ nhà ác nghiệt, bó buộc, đánh đập hành hạ khổ sở. Thân thể già yếu, nay đau mai mạnh, thế hằng ngày cơm chẳng đủ no, áo không đủ ấm, thì làm sao mà sống cho nổi!

Bà vừa nói vừa khóc trông thảm thiết lắm.

– Tội nghiệp bà nghèo từng này tuổi mà còn phải làm tôi tớ cho người để bị nhiều điều cơ cực, đau đớn, sao bà không bán quách cái nghèo đi, để đeo nó theo làm gì cho thêm khổ sở?

– Trời ơi! Sao Ngài bảo lạ thế? Ai thèm mua nghèo mà hòng bán?

– Bà ạ! Tôi nói thật đấy, nghèo có thể bán được như thường tôi thấy bà khổ sở, tôi khuyên bà bán ngay nó đi, tôi thương bà, tôi bảo thật đấy. Tôi nói gạt bà có ích lợi gì cho tôi đâu?

Xem Thêm:   Sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật xin hãy thường niệm

Nghe giọng nói quả quyết và trông gương mặt hiền từ, thành thật của Tôn giả, bà già hết sức ngạc nhiên, nhìn Tôn giả trân trân, hồi lâu mới thốt được lời:

– Nếu Ngài có phương kế gì bán được cái nghèo, mong Ngài thương xót chỉ cho, tôi xin ngậm vành kết cỏ, cảm đội ơn đức suốt đời, không lúc nào quên được.

– Ðược, tôi xin hứa chắc với bà và nếu bà thật tình muốn bán, thì tôi bảo thế này, bà phải làm đúng y như vậy mới có kết quả tốt đẹp được. Bây giờ bà hãy xuống sông tắm cho thật sạch sẽ, thân thể bẩn thỉu quá có thể sinh ra nhiều bệnh tật, lại ai cũng chán mà chẳng dám đến gần.

Bà già vâng lời tôn giả xuống sông tắm rửa sạch sẽ xong xuôi, bà liền đến bên bạch rằng:

– Bây giờ Ngài dạy tôi cách nào để bán?

– Bây giờ bà phải bố thí. Vì Phật đã dạy, pháp bố thí là để cho người vượt khỏi lòng tham lam, mà tham lam là cái nhân bần cùng khổ sở. Tôi đã dùng huệ nhãn quán sát thấy bà nhiều kiếp về trước tánh tình tham lam keo kiệt, nên kiếp này bà phải chịu quả báo cơ cực nghèo cùn. Vì vậy muốn hết nghèo cùng bà phải dứt lòng tham lam, còn phải thật hành phương pháp bố thí. Nhân nào thì quả nấy, chắc chắn không sai.

– Ðất ơi! Ngài bảo tôi bố thí, bố thí để dứt lòng tham, nhưng tôi có tham hồi nào đâu? Tại tôi nghèo cùng đến nỗi giơ xương, lòi da như thế này, tôi phải đào đâu ra của để mà bố thí. Thưa Ngài, Ngài bảo cách nào dù thiên lao vạn khổ gì, già này cũng có thể cố gắng làm được, chớ còn điều này thì xin chịu. Tôi không biết làm cách nào để làm cho được vừa lòng Ngài. Đây hiện giờ trong tay chỉ có cái bình này của chủ thôi, tôi mang đi để múc nước về, nếu có thể bố thí được thì tôi xin bố thí ngay, bất quá về nhà chủ đánh chút thôi, không đến nổi gì, quen rồi chả sợ. Miễn giờ đây có thể làm đủ theo ý muốn của Ngài là tôi vui lắm rồi.

– Ấy chết! Của chủ bà đem cho đi, về nhà mất bình chủ bà đánh chửi chịu sao nổi?

– Không sao, thưa Ngài! Già đã chịu đựng quen rồi, không đến nổi gì, mà già cũng nghĩ liều mạng bất quá chết là cùng.

– Cũng được, miễn có lòng thành kính là được, không luận ít nhiều. Bà hãy đem bình tìm chỗ nước thật trong và thật sạch múc đầy bình đem về đây cho tôi.

Tôn giả Ca Chiên Diên tiếp nhận bình nước sạch do tự tay bà lão múc đem về dâng. Ngài chú nguyện cho bà, lại dạy bà lão nên ăn chay, niệm Phật, làm các công đức… đoạn Ngài hỏi:

– Bà có chỗ ở nào thật sạch sẽ không?

– Tội nghiệp quá nhưng bà về nên cố gắng giữ lòng, lo trọn bổn phận, không nên hiềm hận điều gì cả. Tối đến, đợi khi trong nhà ngủ hết, bà hãy lén mở cửa lên nhà trên, vào trong ngồi xếp bằng ngay ngắn niệm Phật, tâm đừng nghĩ gì khác chỉ nên nhất tâm tưởng Phật mà thôi. Bà nên nhớ thế.

Bọn đầy tớ nhà ông Trưởng giả rạng ngày mở cửa, cả sợ, tri hô lên. Ông Trưởng giả hốt hoảng ba chân bốn cẳng vừa chạy vừa quát:

– Mẹ tớ này sao hôm nay lại trốn lên được đây ngồi chết? Từ trước đến giờ không bao giờ mụ được lên đây cả, thế sao hôm nay… Bây đâu, hãy đến gần rờ xem bà ta chết đã lâu chưa? Nếu thiệt chết, bây cột chân kéo xác bỏ vào rừng cho quạ kên ăn quách đi là xong chuyện. Mau lên! Không tao đập chết cả lũ bay nữa bây giờ. Mau lên, mau lên.

Bọn đầy tớ lúi húi tìm dây cột chân làm theo lời ông chủ, nhưng ra khỏi ngõ chúng lại lôi tấm bố đã giấu được đem ra đắp điệm cho bà, xong rồi chúng ráp nhau khiêng xác đem bỏ trong rừng lạnh. Có ai ngờ đâu, lúc bấy giờ bà lão tuy tồi tàn thế, nhưng thần thức của bà đã được sanh lên cõi trời Ðao Lợi, do nhờ sự chú nguyện của Tôn giả Ca Chiên Diên và nhờ sự cố gắng niệm Phật của bà.

Bấy giờ ở trên cõi Ðao Lợi có một vị Thiên tử vì hết phước báo nên phải hoàn sanh nhân gian, bà lão nhờ sức trì giới, niệm Phật và công đức bố thí mà được thế vào địa vị ấy. Nhưng vì ham vui chơi theo khoái lạc của thiên báo mà quên nguyên do gì mình được sanh làm Thiên tử. Song vị Thiên tử này (bà lão bộc) trước đã gây phước lành, kết duyên Phật pháp, nên cảm đến lòng từ của Tôn giả Xá Lợi Phất, Ngài bèn đến lân la dọ hỏi để kích thích đạo tâm sẵn có của vị Thiên tử.

– Phàm việc gì có ra đều có nguyên nhân cả, hẳn Ngài đã biết mình từ đâu đến và do nhân duyên gì mà được cảm quả báo làm Thiên tử như hôm nay chứ?

Vị Thiên tử cùng các quyến thuộc còn đang ngơ ngác chưa hiểu ra làm sao cả, thì Ngài Xá Lợi Phất liền truyền đạo nhãn cho vị Thiên tử xem. Như chiêm bao chợt tỉnh, vị Thiên tử rối rít tỏ lời cảm tạ ơn Ngài Xá Lợi Phất đã khai thị cho, đồng thời họp cả năm trăm quyến thuộc lễ Ngài, rồi cùng nhau mang hương hoa sang ngay hàn lâm, xông hương, rải hoa cúng dường tử thi.

Ánh sáng của Chư Thiên chiếu khắp cả khu rừng có tử thi của bà lão bộc làm cho mọi người hết sức kinh dị, nhà ông Trưởng giả cũng hay, cùng kéo nhau đến xem. Lấy làm lạ, có người đến gần hỏi:

– Ðây là người tớ già của nhà chúng tôi vừa chết, thân thể đã sình trương dơ nhớp, khi bà còn sống người ta còn ghê tởm ít dám đến gần thay, phương chi nay bả đã chết rồi có gì quý lạ mà quý vị đến đây rải hoa cúng dường?

Nghe hỏi vị Thiên tử bèn ứng tiếp đáp lời thuật rõ ngọn ngành, vì nhân duyên gì mình được bỏ thân tôi tớ, sanh làm trời hưởng phước báo vô lượng. Ðoạn vị Thiên tử xây mặt về phía tịnh xá tưởng nghĩ đến Tôn giả Ca Chiên Diên, rồi vì Chư Thiên quyến thuộc của mình và một số người trần có mặt hôm đó giảng pháp mầu đã lãnh thọ được cho nghe, nào là Luận về pháp bố thí, giữ giới, niệm Phật, lìa dục…

Nghe xong, năm trăm vị trời ấy tâm được xa lìa trần cấu, chứng nhãn thanh tịnh, đồng bay về thiên cung. Bấy giờ những người trần có mặt tại đó thảy đều tỉnh ngộ, ông Trưởng giả bấy giờ mới sáng mắt và mới nhận được cái giá trị của con người không phải ở vật chất mà chính ở tinh thần vậy. Thế là bà lão đã bán được cái nghèo với một giá cao hết sức tưởng tượng, làm thân trời.!

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

10 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog