Pháp Giới 5 tháng trước

Những hậu quả nặng nề từ việc sát sinh dưới góc nhìn của Phật giáo

Sát sinh và những hậu quả sát sinh Đức Phật đã đưa tội sát sanh vào giới cấm thứ nhất trong ngũ giới, nghĩa là Ngài đã thấy hậu quả không lường của việc sát sinh hại vật.

1. Sát sinh dưới góc nhìn của Phật giáo

Sát sinh là cướp đi mạng sống của con người hoặc loài vật. Người đời thường có câu “ Vật dưỡng nhơn” với tư tưởng con vật sinh ra là để phục vụ nhu cầu ăn uống cho con người, dẫn đến họ xem việc sát sanh, cướp đi mạng sống của loài vật là chuyện bình thường. Nhưng đằng sau đó là những hậu quả khó lường.

Có một bài kệ như sau:

“Xưa nay trong một bát canh
Oán sâu như bể hận thành non cao
Muốn hay nguồn gốc binh đao
Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh”.

Sát sinh không phải là một hành động bình thường của một con người lương thiện. Với đạo Phật luôn xem trọng sinh mạng của chúng sinh là bình đẳng kể cả người hay vật thì góc độ của sát sanh thật tàn nhẫn.

Mỗi chúng ta, những loài hữu tình có cảm xúc và cảm giác đều ham sống sợ chết, sợ đau sợ khổ thì với những loại vật cũng vậy, chúng cũng có cảm giác sợ hãi, đau đớn và sân hận khi bị cướp đoạt mạng sống. Thế nhưng nhu cầu ăn uống, ham ăn ngon, ăn lạ đã che lắp trí tuệ, khiến chúng ta trở nên tàn nhẫn.

Sát sinh và những hậu quả sát sinh Đức Phật đã đưa tội sát sanh vào giới cấm thứ nhất trong ngũ giới, nghĩa là Ngài đã thấy hậu quả không lường của việc sát sinh hại vật. Và ngày nay cũng thế, các giới khoa học chứng minh về tác hại sức khỏe của việc ăn thịt động vật cũng như ô nhiễm môi trường từ các lò mổ thải ra.

Xưa nay người ta vẫn coi việc giết hại sinh linh – đặc biệt là giết hại những súc vật lớn là điều tối kỵ. Phật gia có giảng: “Vạn vật hữu linh”, còn trong dân gian lại có câu: “Sinh nghề tử nghiệp”, có người nói chữ “nghiệp” ở đây không chỉ có hàm ý biểu thị nghề nghiệp mà còn có hàm ý là chỉ nghiệp lực (ác nghiệp) mà họ gây ra trong chính cái nghề mà mình đang làm, xem ra cũng không phải là không có lý!

2. Những hậu quả nặng nề từ việc sát sinh

Mất đi lòng từ, tăng trưởng sự sân hận

Một người có thói quen sát sanh và tư tưởng sát sanh sâu sắc khiến họ mất đi lòng từ – một tấm lòng biết yêu thương, cảm thông. Họ thường hay nóng giận, khó chịu và dùng vũ lực để giải quyết vấn đề, bởi những kẻ đồ tể thường tiếp xúc với những vật giết hại ghê tởm, nghe tiếng kêu cứu của loài vật hằng ngày làm chai sạm cảm xúc, thấy máu me không còn sợ hãi, họ bị áp lực bởi tiếng ồn ào, nóng bức ở lò mổ khiến sự sân hận ngày càng tăng.

Sân hận là mặt trái của lòng từ. Không có lòng từ con người sẽ không bao giờ thoát ra được sự luận hồi. Bởi sân hận là 3 con rắn độc mà Đức Phật đã từng dạy, là nhân của địa ngục, ngã quỷ, súc sanh.

Kinh Phạm Võng nói: “Người ăn thịt, đoạn dứt hạt giống Phật tính đại từ bi, hết thảy chúng sinh thấy đều tránh xa”. Cố Hòa Thượng Thích Trí Tịnh có khuyến cáo chúng ta nên ăn chay, phóng sanh và không sát sanh, bởi không có một vị Phật nào gây đau khổ cho chúng sanh.

Gây sự oán thù, dẫn đến chiến tranh

Thân thể, mạng sống là vốn quý nhất của con người, và động vật cũng vậy. Vì thế khi bị giết, loài vật vô cùng phẫn nộ và tức giận vì bị làm đau, sợ hãi. Tiếng kêu cứu, gào thét của chúng trước ngưỡng cửa của cái chết là minh chứng. Chính sự thù ghét này đi theo dòng nhân quả trả vay. Những ai đã từng lấy mất đi sinh mạng của ai thì nhân quả báo ứng sẽ đến khi có đủ nhân duyên mà không cách nào hóa giải được.

Có một câu chuyện về dòng nhân quả của nghiệp sát sinh vào thời của Đức phật như sau:

“Khi Đức Phật còn tại thế, vua Lưu Ly mang đại binh đi đánh nước Ca-tỳ-la-vệ. Phật từng đích thân đi gặp vua Lưu-ly thỉnh cầu giải quyết hòa bình, nhưng cuộc hòa đàm không thành, Phật bèn bảo dòng họ Thích Ca phòng thủ tự vệ không nên chống trả. Quân đội vua Lưu-ly chiếm thành, chém giết loạn xạ.

Lúc đó tôn giả Mục Liên thần thông quảng đại, dùng thần thông hút 500 người dòng Thích Ca vào trong bát, đưa lên cung trời tỵ nạn. Đợi đến khi hết chiến tranh, mở bát ra, 500 người trong bát trở thành bát máu. Tôn giả Mục Liên thỉnh thị đức Phật nguyên nhân.

Xem Thêm:   Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Vựng Biên trọn bộ PDF

Phật kể vào kiếp quá khứ xa xưa, có một thôn trang, trong thôn có một hồ cá lớn: Vào một ngày lễ, mọi người trong thôn kéo cá ăn thịt. Trong đó có một con cá lớn cũng bị bắt. Lúc đó có một đứa trẻ ăn chay, nhưng vì nghịch ngợm đã dùng gậy gõ đầu con cá lớn ba cái. Con cá lớn đời trước chính là vua Lưu-ly bây giờ, các con cá nhỏ chính là đội quân vua Lưu-ly hiện tại, những người trong thôn hiện nay là người dòng Thích ca bị giết, đứa trẻ không ăn cá nhưng gõ đầu cá ba cái chính là ta.

Ta vì không ăn cá nên không bị giết, nhưng gõ đầu cá ba cái nên bây giờ ta bị đau đầu ba ngày. Câu chuyện trên gọi là nhân quả báo ứng, tự làm phải tự chịu, người khác không thay thế được”.

Không chỉ thời Đức Phật mà ngày nay chúng ta cũng thấy rõ hậu quả của sự sát sanh là con người khi mạng chung thường có những hành động kỳ lạ như: sủa vang như chó, đập dầu vào tường, trợn mắt hét gào, sợ nước…

Tạo nghiệp

Những người thường hành nghề sát sinh thường phải chịu sự chi phối của nghiệp xấu kèm theo là sự bám víu của những linh hồn loài vật đi theo để phá phách.

Sát sinh là hành động mang đến hậu quả không chỉ về thể xác và tinh thần mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Vì thế đạo Phật khuyến cáo nên ăn chay để ngưng nghiệp sát để không bị rơi vào vòng vay trả sinh mạng lẫn nhau.

Tuy nhiên, ăn chay trường không phải là việc đơn giản bởi chúng ta đã bị nghiệp báo dẫn dắt tái sanh, những phú tàng, thói quen nhiều đời nhiều kiếp về nghiệp ăn mặn, sát hại luôn theo khiến chúng ta nếu không có đủ nghị lực và sự hiểu biết sâu sắc về đạo Phật khó mà thực hành được. Nhưng không vì thế mà chúng ta lại thuận theo tự nhiên, cho mình cái quyền lấy đi sinh mạng của kẻ khác để làm thỏa mãn thú vui ăn uống của mình.

Đại đức Thích Phước Tiến có nói: “Con gì tha được thì tha”. Nếu chúng ta không ăn chay được thì hạn chế khẩu phần thịt hằng ngày để tập dần dần thói quen ăn chay sau này để mang nhiều lợi lạc sau trên con đường tu học giải thoát.

Chúng ta dù là con người hay loài vật cũng là những chúng sanh vô minh đang luân hồi trong sáu nẻo, rồi cũng chết đi theo quy luật tự nhiên, cớ gì sống mà gây đau khổ cho loài khác. Chẳng khác nào hình ảnh mà Đức Phật đã dạy cho đệ tử: Một đàn bò xếp hàng vào lò mổ, nhưng chúng vẫn đấu đá, xô xát lẫn nhau để kết oán thù. Mỗi bữa ăn, một miếng thịt đối với chúng ta là một món ăn nhưng đối với loài vật là cả một sinh mạng của chúng!

Vì thế người đệ tử Phật luôn tâm nguyện và thực hành không giết hại chúng sinh. Chẳng những không giết hại mà còn phóng sinh, tích cực bảo vệ sự sống và môi trường xanh sạch. Dĩ nhiên, trong thực tiễn cuộc sống hạnh lành này rất khó thực hiện một cách vẹn toàn. Việc đầu tiên, để tránh quả báo xấu địa ngục, người đệ tử Phật nguyện không nghĩ và không làm những việc tổn hại đến mạng sống con người.

Quan trọng hơn, người con Phật cần thường xuyên rải tâm từ, thực hành ăn chay, đặc biệt là thiền quán sâu sắc về Duyên khởi và Tương tức để thấy mình và mọi loài tuy không phải một nhưng chẳng phải hai, bất nhị. Chính tâm từ và tuệ giác Duyên khởi sẽ giúp cho chúng ta thấy được sự thật cần nương vào nhau để tồn tại, sống hài hòa với mọi người, muôn vật và thiên nhiên. Bất cứ sự tàn sát hay tổn hại nào ở bên ngoài cũng chính là tự hại chính mình. Khi cái thấy, tuệ giác đã được nâng lên một tầm cao mới, tự khắc chúng ta sẽ không làm tổn hại, dù cho đó chỉ là loài vô tình.

3. Hãy nhớ sát sinh sẽ phải chịu nghiệp báo

a. Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây và cùng suy ngẫm về nghiệp báo đối với những người chuyên sát sinh:

Ngày xưa, có một người chuyên hành nghề giết mổ. Nhà bác ta ở bên cạnh một ngôi chùa làng… Hàng ngày, cứ tờ mờ sáng là lúc sư trụ trì bên chùa gõ mõ tụng kinh. Theo thường lệ, khi ấy chú tiểu sẽ thức giấc và gióng một hồi chuông mai. Bấy giờ cũng là lúc bác đồ tể tỉnh dậy sửa soạn giết mổ, cho nên bác ta đã quen lấy tiếng chuông chùa làm cữ để bắt đầu một ngày mưu sinh. Cứ như thế, ngày nào cũng đều đặn giống nhau, không bao giờ sai lệch.

Xem Thêm:   Một trăm truyện tích nhân duyên Phật giáo – Kinh Bách Duyên PDF

Một đêm nọ, sư cụ nằm mộng thấy một người đàn bà dắt năm đứa con nhỏ đến trước mặt mình quỳ xuống vái lạy rồi nói trong nước mắt:

– Xin nhà sư cứu mạng! Xin cứu mạng!

Vị sư nọ bèn hỏi người đàn bà:

– A Di Đà Phật! Cứu mạng là cứu thế nào? Bần tăng phải làm gì đây?

Người mẹ có bộ điệu hãi hùng ấy buồn thảm trả lời:

– Ngày mai xin hòa thượng hãy cho người đánh chuông chậm lại. Như vậy mẹ con chúng tôi xin muôn vàn đội ơn!

Nhà sư già giật mình tỉnh giấc, không hiểu sự tình ra sao cả. Nhưng tờ mờ sáng hôm đó, y như lời báo mộng khẩn cầu của người đàn bà tội nghiệp, ông chỉ lâm râm tụng niệm mà không gõ mõ, cũng không đánh thức chú tiểu dậy gióng chuông.

Lại nói chuyện sáng hôm ấy, bác đồ tể ngủ một giấc li bì. Mãi đến lúc mặt trời lên cao, tiếng chuông chùa mới bắt đầu gióng lên vang rền và ngân nga mãi làm cho bác giật mình choàng dậy. Thấy trời đã xế trưa, bác không dám giết lợn như thường lệ, vì nếu làm thịt khi này thì chợ đã vãn người rồi, còn bán chác cho ai! Tức mình vì lỡ mất một buổi làm ăn, bác ta dụi mắt, lật đật chạy sang chùa trách sư cụ. Nhà sư trụ trì già bèn đem câu chuyện mình nằm mộng đêm qua kể cho bác đồ tể nghe để phân trần với người hàng xóm vốn tính nóng nảy bộc trực rằng không phải lỗi tại mình.

Bác đồ tể ấm ức lắm, nhưng quả là việc ai người ấy lo, biết trách ai bây giờ, bác ta đành lếch thếch quay trở lại nhà. Nghĩ lại câu chuyện của nhà sư trụ trì, bác đồ tể thấy nửa tin nửa ngờ, nhân thể đi qua chuồng lợn nhà mình, bác cũng nhón chân ghé mắt nhìn vào xem sao. Ngạc nhiên thay, bác thấy con lợn cái vừa mua ngày hôm qua toan giết thịt sáng đó, nay đã đẻ được năm con lợn con, nhìn bầy lợn con mũm mĩm và đẹp như trong tranh vậy! Vừa mừng vừa sợ, bác ta bèn kể cho mọi người biết sự việc lạ lùng này và quả quyết:

– Đúng là linh hồn người đàn bà chuyển sinh thành con lợn cái đã tìm cách cứu bầy con của mình khỏi chết.

Tự nhiên bác đồ tể đâm ra suy nghĩ. Bác thấy bàn tay của mình đã từng vấy máu biết bao nhiêu là sinh mạng. Trong một lúc hối hận đến cùng cực, bác ta cầm cả con dao bầu chạy sang chùa bộc bạch nỗi lòng với nhà sư trụ trì. Bác đồ tể buồn bã cắm con dao của mình trước sân chùa, thề trước Phật đài từ nay xin giải nghệ.

Ba năm sau thì người đàn ông đã từng hành nghề giết mổ ấy qua đời. Bốn mươi chín ngày sau khi người hàng xóm mất, vị sư trụ trì nằm chiêm bao thấy bác đồ tể về báo mộng rằng nhờ có câu chuyện điểm hóa của ông mà bác mới kịp phóng hạ con dao đồ tể và thoát khỏi cảnh chịu tội đọa đày ngàn năm nơi địa ngục, bác đồ tể chắp tay cảm ơn nhà sư mà khóe mắt rưng rưng, giây lát sau bóng ảnh của người hàng xóm tan biến mất, trước mắt vị sư trụ trì già lại hiện lên cảnh tượng một con lợn bị người ta chọc tiết và kêu gào thảm thiết!… vị sư già giật nảy mình và choàng tỉnh dậy.

Giờ đây không ai biết linh hồn của bác đồ tể phiêu dạt về nẻo luân hồi nào, nhưng con dao mà bác từng cắm trước sân chùa ngày ấy thì bỗng nhiên hóa thành một loài cây có lá đỏ như máu và nhọn như lưỡi dao bầu, người ta vẫn gọi loài cây đó là cây Huyết dụ.

b. Giết lợn bị đọa và địa ngục a Tỳ

Truyện Pháp Cú kể rằng: Lúc Thế Tôn cùng các Tỳ kheo ở tại tinh xá Trúc Lâm, cách đó không xa, có đồ tể Cunda sống bằng nghề mổ lợn. Mỗi lần giết lợn, ông ta trói thật chặt vào cột và nện nó bằng một cây chày vuông, rồi banh hàm và rót nước sôi vào họng, kế đến đổ nước sôi lên lưng, làm tuột lớp da đen và thui lớp lông cứng bằng một bó đuốc. Cuối cùng ông cắt đầu lợn bằng một thanh kiếm nhọn rồi xẻ thịt, lột da.Và Cunda đã sống bằng nghề mổ và bán thịt như thế gần hai mươi năm.

Dù đức Ðạo Sư ở tinh xá cách đó không xa mà chẳng khi nào Cunda cúng dường Ngài, dù là một cành hoa hay một nắm cơm, cũng không làm một việc công đức nào cả. Một hôm ông mắc bệnh, và dù ông ta vẫn còn sống nhưng lửa của địa ngục A Tỳ đã bốc cháy trước mặt. Khi cực hình địa ngục giáng xuống đồ tể Cunda, ông ta bắt đầu kêu eng éc và bò bằng tay và đầu gối. Người nhà rất kinh khiếp tìm mọi cách bịt miệng ông ta, chặn các cửa và nhốt ông ở trong nhà. Suốt bảy ngày, chịu sự đau khổ, ông luôn mồm rống eng éc như lợn.

Xem Thêm:   Hành trì kinh Dược Sư chuyển hóa được ách nạn, bệnh tật

Vài tỳ kheo đi ngang qua cửa nhà ông, nghe tiếng lợn kêu eng éc ồn ào, khi về tinh xá, bạch với Đạo Sư: “Bạch Thế Tôn, trong bảy ngày qua cửa nhà đồ tể Cunda đóng kín và ông ấy vẫn tiếp tục giết lợn. Thế Tôn nghĩ xem, biết bao nhiêu con bị giết. Thật từ trước tới nay chưa thấy ai độc ác và dã man như thế!”

Đức Đạo Sư nói: “Này các Tỳ kheo! Ông ta không giết lợn trong bảy ngày qua đâu. Sự trừng phạt phù hợp với việc làm ác đã xảy đến đối với ông ta. Ngay khi ông ta còn sống, cực hình của địa ngục A Tỳ đã đến. Vì cực hình này, ông ta bò tới bò lui trong nhà, kêu la eng éc như một con lợn suốt bảy ngày. Hôm nay ông ta đã chết và bị đọa vào địa ngục A Tỳ”.

c. Giết trâu đền tội

Trong quyển Hồi hương bút ký có một đoạn mô tả như sau: Vào đời Thanh Tuyên Tông, năm Đạo Quang ở huyện Đào Khê (Trung Quốc) có một kẻ chuyên môn mổ thịt trâu đem bán mà mọi người ai cũng biết. Đó là Phạm Đăng Sơn. Suốt đời giết hại không biết bao nhiêu con trâu vừa đem bán, vừa để ăn.

Một hôm trên không bỗng nhiên mây đen tích tụ lại, trời đất tối sầm, rồi mưa gió nổi lên dữ dội, sấm chớp vang rền. Ngay lúc ấy, sét đánh trúng Phạm Đăng Sơn nhưng không chết, song mặt mày cháy lém, da thịt cuộn lại, đau đớn rên la, kêu rống lên một cách thê thảm, hai mắt đẫm lệ trợn lên như sắp lồi ra ngoài.

Do lửa đốt, da thịt nứt nẻ, anh ta dùng tay cạo những chỗ thịt bị rã nát, vò lại rồi bỏ thẳng vào miệng vừa ăn vừa nói: thịt trâu ngon quá. Trải qua chừng vài tháng rồi tắt thở. Những người chứng kiến cảnh ấy, ai nấy đều cảm thấy lạnh xương sống.

Nên biết rằng sự báo ứng của nghiệp sát sinh hết sức là trầm trọng, mà quả báo của việc giết trâu bò lại càng trầm trọng hơn vì chúng có công với người đời.

d. Hãy từ bỏ nghề sát sinh

Câu chuyện này xảy ra ở Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối thời nhà Thanh. Một người đàn ông sinh sống bằng nghề giết mổ lợn. Ông có bốn con trai và một con gái. Ba người con trai lớn theo nghề của cha kiếm tiền, cuộc sống gia đình rất khá giả. Sau khi ông chết đi ba người con trai lớn vẫn tiếp tục nghề đó.

Một ngày nọ, họ mua một con lợn về chuẩn bị mổ thịt, thì họ bị sửng sốt khi nghe con lợn nói “Làm ơn đừng giết tôi, đừng giết tôi.” Họ hỏi: Ngươi vừa mới nói gì? Con lợn nói: “Ta là cha của các con. Đừng giết ta. Ta được đầu thai thành lợn, bởi vì ta phạm phải tội rất lớn đó là giết rất nhiều lợn khi còn sống. Hôm nay ta được xếp đặt để gặp các con để truyền đạt một điều quan trọng: “Hãy từ bỏ nghề mổ lợn và tìm nghề khác mà làm.”

Con lợn chết sau khi nói xong. Mấy anh em buồn khóc thảm thiết và đem chôn con lợn này. Họ chia nhau tài sản của gia đình và mỗi người đi một đường. Người con trai đầu trở thành đại lý bán gạo; người con trai thứ ba mở một cửa tiệm bán quần áo. Người con trai út vẫn còn rất bé. Người con gái thì theo chồng. Người con trai thứ hai vẫn tiếp tục làm nghề giết mổ lợn bất chấp lời cảnh cáo của cha mình.

Một hôm anh ta dùng hết gia tài của mình mua một bầy lợn. Khi anh lùa bầy lợn qua một bờ đê, một cơn gió mạnh đột ngột tới làm thành bão cát bao phủ cả vùng trời.

Gió rất mạnh và tràn khắp vùng làm anh ta không cách nào mở mắt ra được. Anh ta không còn chọn lựa nào khác đành phải ngồi xuống bờ đê và đợi hết gió.

Cơn gió kéo dài 4 giờ đồng hồ. khi anh ta mở mắt ra, không thấy còn con lợn nào cả. Anh ta đã mất sạch hết tiền. Anh ta cảm thấy hối hận, và ngồi ở đó khóc và khóc đến khi đôi mắt bị mù.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

16 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog