Nhân quả là gì? Hiểu quy luật nhân quả để đời không uổng phí
Pháp Giới 4 tháng trước

Nhân quả là gì? Hiểu quy luật nhân quả để đời không uổng phí

Luật nhân quả rất công bằng và công lý, không ai hối lộ mà hết khổ được, dù có quyền thế, tiền bạc đến đâu luật nhân quả vẫn công bằng không tư vị.

1. Nhân quả là gì?

Nhân quả là chữ Hán, nhân có nghĩa là hạt; quả có nghĩa là trái, gồm chung hai chữ nhân quả lại nghĩa đen của nó là hạt và trái. Hạt giống nào sẽ cho trái nấy, không thể cho trái khác được. Ví dụ: hạt cam khi gieo lên thành cây sẽ cho trái cam; hạt chanh sẽ cho trái chanh, không thể nào hạt cam mà cho trái chanh được, cũng như hạt chanh không thể nào cho trái cam được, v.v.. Còn nghĩa bóng là hành động thiện hay ác, nếu hành động thiện thì được phước báo an vui, còn hành động ác thì phải thọ lấy sự đau khổ, tức là hành động nào sẽ gặt lấy hậu quả của hành động nấy.

Ví dụ: Như hành động trộm cắp thì phải gặt lấy hậu quả của hành động trộm cắp là bị bắt ở tù, hoặc bị người mất của bắt được đánh đập, có khi họ giết chết.

Hậu quả của sự tham lam trộm cắp không những ở trong kiếp hiện tại nghèo nàn, đói khổ mà còn kéo dài trong các kiếp vị lai nữa. Cho nên, nhân quả tham lam đem lại cho đời người một sự nghèo đói bất hạnh vô cùng.

Là con người chúng ta phải tránh gieo nhân quả trộm cắp, cướp giật của người khác, do không tham lam trộm cướp của người khác thì đời sống của chúng ta sẽ được no cơm ấm áo, nếu càng gieo nhân quả tham lam trộm cắp thì đời sống của chúng ta sẽ đói khổ vô cùng và trong muôn kiếp.

Kẻ làm ác giết hại chúng sanh, ăn thịt chúng sanh thì hậu quả sẽ bị tai ương, bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn hoặc bị sự giết hại của kẻ khác bằng cách này hoặc bằng cách khác, v.v..

Hành động thiện thì hưởng được phước báo như: cơm ăn áo mặc đầy đủ, cuộc sống gặp nhiều may mắn, trong nhà hòa thuận vui tươi, con cái hiếu hạnh biết vâng lời dạy bảo của cha mẹ, còn hành động ác thì thọ khổ như: bệnh tật, tai nạn, trong nhà thường rầy rà, bất hòa chẳng an, con cái cãi lời cha mẹ đi chơi bỏ học hành, trộm cắp tiền của cha mẹ, thường làm gia đình khổ, người khác khổ.

Luật nhân quả rất công bằng và công lý, không ai lo lót, hối lộ tiền bạc mà hết khổ được, dù có quyền thế, tiền bạc đến đâu luật nhân quả vẫn công bằng không tư vị. Vì thế, người gieo nhân ác không thể cầu khẩn chư Phật, chư Bồ tát và Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng các bậc Thánh Vạn Năng cũng không cứu giúp cho mình được.

Nhân quả là gì? Hiểu quy luật nhân quả để đời không uổng phí

2. Hiểu quy luật nhân quả để đời người không uổng phí

Trong giáo lí nhà Phật, “quy luật nhân quả” là quy luật tồn tại một cách khách quan không phải do phật đà quy định hay tự tạo nên. Đức Phật chỉ đem quy luật ấy nói cho mọi người biết, tức ngay đến phật tử hay đức phật cũng không thoát khỏi quy luật này.

Xem Thêm:   Lý giải về hiện tượng đồng bóng, Đồng cô bóng cậu

Trong thực tế cuộc sống cũng có vô vàn những điều xảy ra xung quanh chịu sự chi phối của luật nhân quả nhưng đôi khi chúng ta không để ý. Vì vậy, trước hết muốn hiểu về Phật giáo thì cần làm rõ vấn đề nhân quả.

Theo giáo lí nhà Phật, “Nhân quả” hay còn gọi là “nghiệp, nhân, duyên, quả, báo”. Trong đó từ ý nghĩa của từ “nghiệp” có thể hiểu là hoạt động, tạo tác của cơ thể và tâm ý con người, tức tất cả hành vi, lời nói tư tưởng. Theo cơ quan tạo tác, nghiệp được chia thành “thân nghiệp’, “khẩu nghiệp” và “ý nghiệp”, tức hành vi thân thể, lời nói và ý nghĩ.

Về tính chất, nghiệp lại được chia thành ba loại đó là “thiện nghiệp”, “ác nghiệp” và “không thiện không ác”. Tuy “nghiệp” là cái không thể nhìn thấy, không sờ mó thấy nhưng nó lại có sức ảnh hưởng rất lớn, nó chi phối cuộc sống của con người. Nói một cách đơn giản, “nghiệp” chính là nguyên nhân hay còn gọi “nhân nghiệp”. “Quả” là kết quả, “báo” có nghĩa là báo ứng, ứng vào.

“Duyên” là điều kiện, ví dụ, khi gieo hạt tức “nhân” gặp điều kiện không khí, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm tức là “duyên” thì tạo ra “quả”. Nói cách khác, khi nhân và duyên kết hợp với nhau thì mới tạo ra quả báo, hay nguyên nhân trong một điều kiện chín muồi thì sẽ cho ra kết quả tương ứng. Nếu gặp điều kiện tốt thì nhanh ra quả, nếu gặp điều kiện không tốt thì chậm cho ra quả.

Trong cuộc sống thường nhật, khi chúng ta làm một việc gì đó, nói một câu hay thậm chí một ý nghĩa trong đầu thì đó là đang gieo cái nhân tức đang tạo ra nghiệp. Căn cứ vào cái “nhân” đó thiện hay ác thì sẽ tạo thành nghiệp thiện hoặc nghiệp ác không giống nhau.

Khi báo ứng tạo ra kết quả vui buồn sướng khổ cũng khác nhau, đúng như câu khái quát của triết lí này là “thiện có thiện báo, ác có ác báo”. Cụ thể, có cái thiện như thế nào thì sẽ tạo ra cái phúc thế ấy. Có cái ác như thế nào thì sẽ nhận được cái khổ tương ứng.

“Thiện” là làm lợi cho người khác, khi làm điều có lợi cho người khác cũng chính là làm lợi cho mình. “Ác” là làm hại người khác, cũng chính là tự hại mình, khi bắt đầu hại người thì kết thúc sẽ là làm hại mình. Đó là một quy luật khách quan, hay còn gọi là “luật nhân quả” trong cuộc sống con người.

Quy luật này có mối liên hệ mật thiết với sự sống chết luân hồi. Con người có sinh ra thì có chết đi, chết rồi lại được đầu thai để sinh ra, sự sinh tử luân hồi ấy là từ nhân đến quả, từ quả đến nhân, liên tục không ngừng.

Con người khi sinh ra ở chỗ nào, khi chết đi sẽ đi về đâu đều do cái nghiệp tự tạo ra trước đó chi phối. Nghiệp giống như một hạt giống, một tin tức được cất giữ trong kho, nhà Phật gọi là thức thứ tám hoặc tàng thức, kho ấy có tác dụng vận chuyển những điều thiện ác từ kiếp trước (quá khứ) của một con người đến kiếp sống hiện tại của người đó.

Sau đó, nó lại vận chuyển những việc thiện ác của cuộc sống hiện tại đến kiếp sống tiếp theo, tức tương lai. Muốn biết kiếp trước của người đó như thế nào, nhìn những điều họ đang phải nhận là có thể biết được. Muốn biết kiếp sau của người đó thế nào thì nhìn vào những việc họ đang làm là có thể biết được.

Xem Thêm:   Siêu độ vong linh cha nhờ tụng Kinh Địa Tạng

Vì vậy mới có thể nói, từ nghiệp nhân đến quả báo, từ quả báo đến nghiệp nhân cứ lưu chuyển luân hồi liên tục không không bao giờ ngừng nghỉ. Những điều vui sướng buồn khổ, thế vận hưng thịnh suy thoái trong cuộc sống mỗi con người hiện tại cũng đều do cái nghiệp của người đó tạo ra từ trước.

Và họ phải tự chịu trách nhiệm với những điều mình đã làm. Vì vậy, Phật mới nói “tự làm tự chịu, cùng làm cùng chịu”. Những điều đã làm (nhân) khi chưa nhận được “quả” thì không thể tự mất đi mà nó được ghi lại, được lưu giữ lại, đợi đến khi duyên đến thì mới sinh ra quả.

Ngược lại nếu không tạo tác ra nghiệp nhân thì cũng không nhận được kết quả tương ứng. Nghiệp ấy chính là nghiệp thiện và nghiệp ác.

3. Đừng chối bỏ nhân quả để tạo thêm nghiệp

Theo Phật giáo, người ta si mê không biết sự lợi hại của đạo lý nhân quả nên cứ tùy tiện hành động, chẳng tin nhân quả, thâm chí họ còn bác bỏ.

Ngược lại, hành giả tu tập theo Phật giáo phải có sự hiểu biết một cách rõ ràng về luật nhân quả báo ứng hết sức lợi hại nên rất e dè sợ sệt làm những điều sai lầm với nhân quả. Chính vì thế mà hành giả luôn cố không mê muội lạc vào nhân quả để tạo nghiệp. Bất luận làm việc gì, người trí luôn suy nghĩ nhiều lần rồi mới làm. Bậc Thánh nhân xuất thế tu hành là để chấm dứt vòng nhân quả. Trong khi kẻ phàm phu cứ u mê gây tội tạo nghiệp trong vòng nhân quả luân hồi. Không tội thì làm cho có tội; có tội rồi chẳng chịu nhận tội, mà còn cho là họ chẳng làm chuyện gì sai trái cả, chẳng chút kinh vì hỗ thẹn. Không bị mê mờ vì nhân duyên, cũng không để đọa lạc vì nhân duyên.

Khi xưa lúc Tổ Bách Trượng, tức Ngài Hoài Hải Thiền Sư, một bậc tu thiền ngộ đạo, thăng tòa thuyết pháp. Sau khi thời pháp đã xong rồi, thính chúng đều giải tán hết, chỉ còn lại một ông già tóc râu bạc trắng. Tổ thấy vậy bèn hỏi nguyên do, thì ông lão thưa rằng:

“Bạch Tổ Sư, khi xưa tôi nguyên là một sa môn tu ở tại núi nầy, lúc tôi thăng tòa thuyết pháp, có một người thơ sinh học Phật pháp hỏi tôi rằng: “Người tu pháp Đại Thừa có còn bị lạc vào nhân quả hay không?”

Tôi trả lời rằng: “Bất lạc nhân quả. Ý nói người tu theo pháp Đại Thừa, không còn nằm trong vòng nhân quả nữa.” Bởi vì tôi trả lời không rõ ràng như vậy nên người nghe pháp kia hiểu lầm là không có nhân quả. Vì làm pháp sư giảng kinh pháp Đại Thừa mà giải đáp không rõ ràng khiến cho người nghe hiểu lầm như thế, nên sau khi chết tôi không được siêu thăng chi cả, trái lại phải bị đọa làm thân chồn ở tại núi nầy trong năm trăm kiếp. Kính xin ngài từ bi vì tôi mà giảng nói rõ ra sai lầm kia cho đúng nghĩa, cứu tôi thoát khỏi kiếp súc sanh khổ lụy nầy.

Xem Thêm:   Cuộc đời là vô thường nên chúng ta phải tùy duyên

Tổ Bách Trượng mới nói: “Vậy thì bây giờ ông hãy lấy lời của người học trò kia mà hỏi lại ta đi.” Ông già quỳ xuống như người học trò hỏi pháp khi xưa, chắp tay cung kính hỏi rằng: “Bạch ngài! Người tu pháp Đại Thừa có còn bị lạc nhơn quả hay không?”

Tổ sư đáp: “Bất muội nhân quả.” Nghĩa là người tu pháp Đại Thừa không bao giờ nghi ngờ vào nơi lý nhân quả, nhưng cũng vẫn nằm trong vòng nhân quả.

Tổ vừa dứt lời thì ông già kia liền thức tỉnh, cung kính lạy tạ mà thưa rằng: “Tôi bị đọa làm chồn đã hơn 500 đời rồi, ngày nay do nhờ một câu nói của Ngài mà được thoát kiếp, Nay tôi sẽ bỏ thân chồn nầy tại nơi hang ở dưới chân núi phía sau chùa, xin Hòa Thượng từ bi chôn cất dùm. Hôm sau Tổ Bách Trượng sai thỉnh chuông nhóm họp đồ chúng lại để đưa đám cho một ông Tăng vừa mới thị tịch, làm cho chư Tăng ai nấy đều ngạc nhiên, bởi vì đâu thấy có ông Tăng nào trong chùa thị tịch. Tổ dẫn đại chúng ra nơi hang núi ở phía sau chùa, lấy gậy khều vào trong hang, hồi lâu mới kéo ra được một cái thây chồn, lông trắng tinh vừa mới chết, truyền cho chúng Tăng tụng kinh cầu siêu một hồi rồi nổi lửa thiêu đốt thân chồn ấy, lấy tro đem chôn.

Thế mới biết, một lời nói sai lầm không đúng pháp, hay một lời dạy mù mờ không rõ nghĩa, mà còn bị đọa lạc như thế, huống là đem tà pháp tà kiến ra dạy làm tổn hại hay làm trì trệ con đường tu tập dẫn đến sự giác ngộ của chúng sanh?

Theo truyện Bách Trượng Dã Hồ, “Bất Lạc” là một hành vi luân lý, trong khi “Bất Muội” là một thái độ tri thức. “Bất Lạc” đặt người ta đứng hẳn ra ngoài vòng nhân quả vốn là thế giới vạn biệt nầy và đấy là cái vòng hiện hữu của chúng ta. “Bất Muội” hay không mê mờ, việc xảy ra là sự chuyển hướng của thái độ tinh thần chúng ta hướng về một thế giới ở trên nhân quả. Và do sự chuyển hướng nầy toàn thể viễn quan về đời sống đón nhận một sắc thái mới mẻ đáng được gọi là “Bất Lạc Nhân Quả.”

Qua truyện Bách Trượng Dã Hồ, chúng ta phải thấy vấn đề bất lạc nhân quả và bất muội nhân quả là một vấn đề trọng đại không riêng cho các Phật tử của mọi tông phái mà cho cả các triết gia và những người có đạo tâm. Nói cách khác, đây là vấn đề ý chí tự do, là vấn đề ân sủng, thần thánh, là vấn đề nghiệp báo siêu việt; nó là vấn đề của luận lý và tâm linh của khoa học và tôn giáo, của nhiên giới và siêu nhiên giới, của đạo đức và tín ngưỡng. Nếu bất lạc nhân quả, tức là làm hư toàn bộ kế hoạch của vũ trụ; bởi vì chính luật nhân quả ràng buộc hiện hữu, và nếu không có thực tại của trách nhiệm đạo đức thì căn cơ cốt yếu của xã hội sẽ bị đỗ nhào. Để giảm thiểu gây tội tạo nghiệp, Phật tử thuần thành chúng ta nên hiểu chữ “bất muội” ở đây nghĩa đen là không mê mờ về nhân quả, nhưng nghĩa chính của nó là không biết hay chối bỏ nhân quả.

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

18 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog