Người tự sát linh hồn sẽ thế nào? Tự tử dưới góc nhìn Phật giáo
Pháp Giới 11 tháng trước

Người tự sát linh hồn sẽ thế nào? Tự tử dưới góc nhìn Phật giáo

Theo quan điểm Phật giáo, người tự tử là người có tội giết người mặc dù mình tự sát vẫn có tội như giết người khác. Thậm chí, tội giết mình còn nặng hơn tội giết người khác.

1. Tội giết mình còn nặng hơn tội giết người khác

Trong bối cảnh hiện nay, các bạn trẻ thiếu hiểu biết về bản chất cuộc sống nên rất dễ nảy sinh tư tưởng muốn chấm dứt sự sống.

Vì thế, ngày càng có nhiều bạn trẻ khi gặp chuyện bế tắc trong tình yêu, học tập và công việc,… đều tìm cách giải quyết bằng cách tự tử để không khổ mình và phiền khổ mọi người. Thế nhưng các bạn trẻ ấy lại không hiểu được hệ lụy để lại cho gia đình, bạn bè,… và cho cả chính bản thân các bạn.

Dưới góc nhìn Phật giáo, người tự tử là người có tội giết người mặc dù mình tự sát vẫn có tội như giết người khác. Thậm chí, tội giết mình còn nặng hơn tội giết người khác.

Nói cách khác, tự tử là phạm tội sát sinh. Tội nặng nhất trong tội sát sinh. Vì thế, nếu muốn tránh khổ đau bằng cách tự sát thì tức là bạn đang đi ngược lại luật nhân quả. Đó là điều không thể.

Chết có thể là hết khổ, nhưng là cái chết kiểu khác, chết thanh thản. Còn chết do tự sát, chắc chắn là một sự tiếp nối vòng xoáy khổ đau hơn. Chẳng hạn, một kẻ giết người, bị xử tù, và rồi tự sát chết, thì với luật pháp thế gian, là hết tội. Nhưng với luật nhân quả thì chết sẽ tiếp tục trả quả khổ và tội còn nặng hơn.

Một vị đại hòa thượng từng chia sẻ: “Kẻ gặp khổ mà đứng lại là kẻ hèn nhát chỉ biết kêu khóc, rên la, than thân, trách phận, oán trời trách người, làm như vậy có lợi ích gì? Hoặc vào chùa cúng bái, tế lễ, cầu xin thì cũng chẳng bao giờ giải quyết được gì? Hoặc trốn bỏ đi tu vào chùa thì những người này có tìm sự giải thoát chỗ nào được, đó là hạng người tránh né. Kẻ gặp khổ cầm dao tự sát, hay uống thuốc độc hoặc thắt cổ, nhảy sông trầm mình tự tử, đó là những người trôi dạt, những người hèn nhát, những người này bị nhân quả xỏ mũi, những người này nô lệ cho nhân quả, những người này vô đạo đức thiếu ý chí làm người”.

2. Tự tử sẽ phải chịu luật “nhân – quả”

Luật nhân quả rất công bằng với tất cả. Khi một người làm ác thì phải trả quả khổ, có thể trả ngay, có thể kiếp khác, khi hội đủ duyên. Theo luật nhân quả thì bạn bị ốm yếu, bệnh hoạn, bị kẻ khác bắt nạt, đày đọa, đánh đập, tóm lại là sống dở chết dở… tức là bạn đang phải trả những quả đã gieo nhân ác trong quá khứ.

Luật nhân quả không tính theo thời gian và không gian, mà chỉ tính theo thiện và ác. Vì thế, nó trừng phạt kẻ làm ác phải chịu khổ đau trong nhiều thân và nhiều kiếp. Tự sát bỏ đi thân này, lại đọa vào 3 đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh), tức là bỏ thân này, lại chịu khổ đau kiểu khác, trong thân khác.

Nhiều người vẫn gặp cảnh các nhà sư tụng niệm cho người chết (ở Tây Tạng, Butan, Nepal, Myanmar…), người ta còn trì tụng từ khi một người già yếu sắp chết.

Vì sao họ làm điều này? Là vì họ rất quan trọng khoảnh khắc khi linh thức thoát khỏi xác thân này. Khi đó, hoặc trong 49 ngày thân trung ấm, linh hồn người chết rất dễ bị nghiệp lực kéo đi, đọa vào cảnh xấu, ác, khổ, không siêu thoát được. Khi có các nhà như tụng niệm, công đức của các nhà sư, sự gia hộ và ánh sáng sẽ dẫn dắt linh thức đó vượt qua những khoảnh khắc đen tối để được siêu sinh. (Tất nhiên, còn cần điều kiện khác nữa, chứ không phải cứ làm điều ác, lúc chết vung tiền nhờ trì tụng là siêu sinh được).

Điều nói trên chính là mấu chốt vì sao người tự sát không siêu thoát được. Vì khi họ treo cổ, nhảy cầu, hay tự đâm chém mình… thì vừa không được sự hộ trì nào, vừa tạo ra thời khắc tinh thần hoảng loạn đến tột độ. Bình thường thì muốn chết, nhưng trong tích tắc sự sống không còn, lại tuyệt vọng tham sống. Vì thế, linh thức không thể thanh thản từ bỏ xác thân này ra đi được.

Xem Thêm:   Ngày Vía Quán Thế Âm Bồ Tát là những ngày nào?

Và vì thế, theo luật nhân quả, những người tự sát nếu được đầu thai lại làm người, cũng thường có khuôn mặt xấu xí (ví dụ mắt lồi ra do hệ quả của treo cổ), hoặc bị mắc chứng điên loạn, tức là liên quan đến thần kinh. Trường hợp dùng thuốc ngủ để tự sát lại có thể khác, vì khi đó linh thức muốn sống, nhưng không cưỡng lại được, mơ màng, không lối thoát. Và quả nhân này là nếu được làm người kiếp sau đó, thường bị trầm cảm, u mê, tự kỷ… cũng là vấn đề thần kinh.

Bởi vậy mới nói, ngu nhất trong các loại ngu là tự sát hại chính mình. Nếu phân tích kỹ thì tự sát kéo theo rất nhiều nghiệp lực, tội lỗi khác. Trong khuôn khổ bài viết này, không thể nói hết được.

Người tự sát linh hồn sẽ thế nào? Tự tử dưới góc nhìn Phật giáo

3. Quả báo của tự tử theo góc nhìn đạo Phật

Trong nhiều bài kinh Đức Phật dạy, chúng sinh nào tạo tội sát sinh thì có nhân quả đọa vào ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh (kinh Nghiệp Báo Của Nghiệp Giết – Tương Ưng II, chương 8, phẩm 1, phần Đống xương; kinh Người Sinh Làm Nữ Dạ Xoa trích kinh Pháp Cú…). Trong năm điều đạo đức của người Phật tử tại gia, Đức Phật dạy không sát sinh, không giết hại sinh mạng của chúng sinh. Với quan điểm của đạo Phật tự sát cũng là một việc sát sinh, đó là giết hại chính thân mạng của mình.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Tự tử không giải quyết được nhân quả của mình, không giải quyết được tội lỗi của mình. Các con phải rõ lý này. Các con tạo tội xong các con sợ tội, các con buồn khổ vì tội, các con đi tự tử bảo là hết tội, chết là hết tội. Không có chuyện chết là hết tội. Nếu các con đã tạo tội, tạo ra nghiệp ác rồi thì chết các nghiệp ấy vẫn đi theo các con và sang kiếp sau nó vẫn trổ ra, các con vẫn trả nghiệp, trả ác, trả tội như thường và người ta nói còn nặng hơn”.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhấn mạnh: “Tự sát và giết người cũng là tội như nhau. Tự sát cũng là giết người, mà giết chính mình. Quả báo đều phải xuống địa ngục. Bạn nghĩ đời khổ quá, chán đời quá, chết đi cho hết khổ. Nhưng mà tự sát thì không hết khổ, chết rồi, cái khổ lại còn khổ hơn”. Y cứ theo những lời dạy của Đức Phật chúng ta biết rằng người tự tử sẽ chịu quả báo rất đau khổ. Vì vậy, tất cả những ai đang có tư tưởng muốn tự tử hãy thay đổi quan điểm chết là hết, chết cho nhẹ người để không phải chịu quả báo khổ cho mình và ảnh hưởng đến những người xung quanh.

4. Giải pháp để ngăn chặn việc tự tử theo phương pháp của đạo Phật

Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho rằng: “Chúng ta xuất hiện ở đời này là một điều kỳ diệu và rất đáng trân quý. Nếu tất cả chúng ta, ai cũng nghĩ rằng mình chỉ còn được sống một ngày hôm nay thôi, ngày mai mình không được sống nữa rồi, thì mình thấy thế nào? Mình phải trân quý sự sống từng phút, từng giây! Sống làm sao cho có ý nghĩa nhất, sống làm sao đẹp nhất, làm được việc gì tốt đẹp nhất cho đời”. Mạng sống của chúng ta thật đáng quý, một khi đã mất đi mạng sống không biết bao giờ có lại được. Nếu mỗi chúng ta ai cũng biết được điều này thì sẽ sống tốt, sống có ý chí, sống phấn đấu mà không rơi vào bi quan tiêu cực dẫn đến việc tử tự.

Có hai phương pháp để không rơi vào tình trạng muốn tự sát. Từ hai phương pháp này, mỗi chúng ta đều nên áp dụng để không phải rơi vào trạng thái tiêu cực, bi quan ấy.

a. Nếu tự tử vì không chịu được áp lực cuộc sống thì hãy nhẫn chịu để vượt lên khó khăn

Bên cạnh việc thay đổi những thói quen xấu, tạo lập một lối sống lành mạnh, tích cực tham gia vào các hoạt động thể dục, thể thao thì mỗi người nên chuẩn bị cho mình một tâm lý thật vững vàng. Người có tâm lý vững vàng sẽ là người đối diện được với những thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Theo quan điểm của đạo Phật, Đại đức Thích Trúc Thái Minh dành lời khuyên: “Cuộc sống nếu có bế tắc cũng đừng bao giờ nghĩ đến tự sát, mà các con hãy nhẫn chịu để vượt qua.

Xem Thêm:   Lợi ích của việc đọc tụng Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim

Mà không phải một năm, có khi ba năm, năm năm, mười năm nhẫn chịu; nhưng mình vẫn sống, vẫn rèn luyện những phẩm chất tốt vẫn được. Cho nên đối với đạo Phật tuyệt đối không được tự sát trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không bao giờ nghĩ đến tự sát và không được tự sát. Tự sát là một tội rất lớn và đều bị đọa lạc cả”. Chúng ta biết rằng, nhẫn là một trong những bí quyết để cắt bỏ suy nghĩ tự sát. Nếu thực hành chữ “nhẫn” đúng theo tinh thần của nhà Phật sẽ giúp chúng ta kiềm chế cảm xúc, bình tĩnh trước mọi việc.

b. Tự tử bắt nguồn từ tâm – hiểu về tâm để giải quyết cái khổ từ tâm

Mọi việc trên đời đều bắt nguồn từ tâm. Chúng ta hiểu rằng, nếu tâm ta mát mẻ, an vui thì cuộc sống cũng mát mẻ an vui. Tâm của ta nóng nực, bực bội thì cuộc sống cũng tương đồng như thế. Nên việc quan trọng nhất của chúng ta cần làm để có một nguồn tâm mạnh mẽ chính là tìm hiểu, rèn luyện tâm mình. Sau khi rèn luyện chúng ta sẽ làm chủ được nó, từ đó diệt trừ được những tâm bất thiện chán đời, tuyệt vọng ở trong suy nghĩ của mình.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Bao năm qua con người ta chạy ra bên ngoài, khám phá thế giới vật chất bên ngoài, khám phá xã hội bên ngoài quên mất chính mình, quên đi chủ nhân của cái khám phá này. Đến bây giờ bắt đầu thức tỉnh quay về khám phá lại chính mình. Xem mình là gì, ta là cái gì? Ta là chủ nhân của thế giới này. Ta là trung tâm của thế giới này. Các bạn nhớ có các bạn mới có thế giới này của các bạn, không có các bạn là không có thế giới này của các bạn đâu, cả thế giới này mất đi cùng các bạn luôn. Vậy ta phải tìm hiểu chính mình, mà tìm hiểu chính mình là quay về tìm hiểu tâm mình. Tâm mới là chủ nhân cuộc sống của chúng ta”.

Bên cạnh đó, để giải tỏa căng thẳng, giảm stress, Đại đức cũng khuyên chúng ta nên học một khóa về thiền. Bởi vì thiền sẽ làm cho tâm trở về bình lặng, bình tĩnh trước mọi vấn đề.

5. Người tự sát linh hồn sẽ như thế nào?

(Tuyển chọn từ “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam)

Vào Tháng 5, năm thứ 7 Khang Hy, Trương Đại, người Trấn Giang, Dương Châu bị bệnh nặng và qua đời, sau đó gặp được Diêm Vương. Diêm Vương nói: “Bắt nhầm người rồi! Nếu ông đã đến đây rồi, nhân tiện phiền ông giúp ta gửi một bức thư đến dương gian vậy”.

Thế là, ông được quỷ tốt dẫn đến tham quan một thành, trên tấm biển treo ở cửa thành có viết hai chữ “chết oan”. Ông nhìn thấy rất nhiều hồn ma, kéo theo cái lưỡi dài hơn một tấc, tự nhận là quỷ chết treo. Mỗi ngày đến một thời điểm nhất định, quỷ chết treo cần phải nếm trải cái khổ bị treo cổ lần nữa.

Sau đó, Trương Đại lại nhìn thấy rất nhiều hồn ma khác, thân thể sưng phù, áo quần ướt sũng, tự xưng là quỷ nhảy sông tự vẫn. Còn một số hồn ma, kẻ thì không đầu, kẻ thì đứt họng, kẻ thì thất khiếu chảy máu, tự nhận là những người đời trước tự sát, uống thuốc độc mà chết. Họ mỗi ngày vào giờ quy định phải dựa theo cách chết đời trước mà biểu diễn lại một lần, thật là thống khổ vạn phần.

Những hồn ma đó muôn lời như một, nói:

“Chúng tôi lúc còn sống đều cho rằng hễ chết là hết, thật không ngờ rằng sau khi chết, thân lại thống khổ đến thế này, thật sự có hối cũng không kịp nữa rồi”.

Trương Đại hỏi: “Những hồn ma đó đến khi nào mới có thể được đầu thai làm người đây?”.

Quỷ tốt nói: “Không thể nữa rồi. Nói chung hồn ma người tự sát được chuyển sinh làm người trước điện Diêm La Vương là vô cùng ít ỏi. Thân người khó được, vậy mà không biết trân quý lại còn tìm đến cái chết. Những người này, tại âm gian đã cô phụ tấm lòng của Diêm Vương vì ông lúc nào cũng khích lệ họ làm người tốt tại nhân gian; rồi khi sống trên thế gian lại cô phụ công dưỡng dục to lớn của cha mẹ. Huống hồ một người tự sát, sau đó sẽ khiến người nhà trên dương thế đau khổ, thật là hại người không nhẹ. Do đó, Diêm Vương ghét nhất là loại người này, phán họ vào đường súc sinh, không được chuyển sinh làm người…”

Xem Thêm:   Người tạo tác ác nghiệp thì đời sau đọa địa ngục

Xem xong cảnh này, ông trở về chỗ Diêm Vương, Diêm Vương nói: “Khi ông về đến nhân gian, hãy đem những lời này mà nói rõ với người đời”.

Sau đó Diêm Vương lớn tiếng vỗ mạnh vào bàn, Trương Đại mới giật mình tỉnh dậy.

Còn có một câu chuyện khác, kể về một người họ Nhiếp, đi vào núi sâu để tảo mộ, trên đường về nhà, vì là mùa đông đêm dài ngày ngắn, chẳng mấy chốc thì trời đã tối, ông sợ trong núi có cọp beo theo sau, liền chạy thục mạng xuống núi.

Sau đó, nhìn thấy ở lưng chừng núi có một ngôi miếu hoang, ông vội vàng chạy vào trong miếu, lúc này trời cũng đã hoàn toàn tối hẳn rồi, thế là liền ở tạm nơi này một đêm.

Bỗng nghe thấy góc tường có tiếng người nói: “Đây không phải là nơi dành người ở, ông hãy mau chóng rời khỏi đây ngay”.

Họ Nhiếp hỏi ông ta cớ sao lại ở nơi tối tăm như vậy thì người kia trả lời:

“Tôi là con quỷ chết treo, ở đây vốn để đợi người thay thế”. Họ Nhiếp nghe xong, liền rợn cả tóc gáy, vô cùng sợ hãi.

Sau đó liền nói:

“Nếu như bây giờ ra ngoài chẳng may bị cọp beo ăn thịt thì sao, thà rằng bị quỷ hại chết, vậy tôi ở cùng với ông vậy”.

Hồn ma nói:

“Không đi cũng được, nhưng mà âm dương vốn dĩ không chung đường lối, ông không chịu được sự xâm nhiễu của âm khí, tôi cũng không chịu được dương khí, cả hai đều sẽ không được an định; vậy chúng ta mỗi người ở một góc, không đến gần nhau là được rồi”.

Sau đó, họ Nhiếp hỏi hồn ma rằng tại sao cần phải tìm người thay thế. Hồn ma nói:

“Ông trời có đức hiếu sinh, vốn không mong muốn con người tự sát. Tựa như trung thần chết vì đất nước, liệt nữ chết vì chồng, tuy đều là tự sát, nhưng không cần phải tìm người thế thân. Còn những người bị hoàn cảnh bức bách đến đường cùng, đã không còn đường để sống nữa, ông trời cũng sẽ niệm tình họ rơi vào cảnh bất đắc dĩ, thế là dựa vào những việc thiện ác của họ làm lúc còn sống mà để họ đi đầu thai, cũng không cần tìm người thay thế.

Nếu vẫn còn có một con đường sống, hoặc vì chút chuyện bất bình liền chịu không nổi, hoặc muốn mượn điều này để liên lụy người khác, liền khinh suất mà tìm đến cái chết, đây chính là làm trái với tấm lòng sinh dưỡng vạn vật của đất trời, vậy nên sẽ bị trừng phạt, đợi đến khi tìm được người thay thế mới thôi. Thời gian bị giam cầm trong nơi u tối thường thường phải trên cả trăm năm hoặc nghìn năm vẫn còn chưa kết thúc”.

Họ Nhiếp hỏi: “Không phải có chuyện dẫn dụ người khác làm thế thân hay sao?”

Hồn ma đáp: “Loại việc như vậy, tôi thật sự không nhẫn tâm để làm! Phàm là những ai chết treo, nếu như là vì để bảo toàn tiết nghĩa mà chết, linh hồn sẽ từ đỉnh đầu thăng lên trên, quá trình tử vong đặc biệt mau chóng. Nếu như là vì phẫn nộ, đố kỵ mà chết, thì linh hồn sẽ từ con tim trở xuống mà đi ra ngoài, quá trình tử vong sẽ tương đối chậm chạp. Ngay tại thời khắc còn chưa tắt thở, hết thảy huyết mạch sẽ chảy ngược trở lại, da thịt như muốn nứt ra, đau như dao cắt, lồng ngực dạ dày tựa như bị ngọn lửa thiêu đốt, khó chịu cùng cực. Trải qua mười mấy khắc, linh hồn mới thoát ra khỏi nhục thể. Nghĩ đến cái khổ này, mỗi khi tôi nhìn thấy có người treo cổ, thì sẽ lập tức ngăn cản, sao lại nỡ lòng dẫn dụ người ta làm thế thân cơ chứ?”

Họ Nhiếp nói với ông ta: “Ông có được thiện niệm như vậy, nhất định sẽ được sinh lên cõi trời vậy”.

Hồn ma nói: “Cái này tôi thật không dám mơ xa, chỉ nguyện một lòng niệm Phật để sám hối nghiệp tội khi xưa là tốt lắm rồi!”

Không lâu sau thì trời đã sáng, hỏi nữa thì cũng không nghe thấy tiếng trả lời, nhìn kĩ một cái, hồn ma đã không thấy đâu nữa. Về sau, họ Nhiếp mỗi lần lên mộ bái tế, cũng đều sẽ mang theo một phần cúng phẩm và tiền giấy để tế bái hồn ma kia, những lúc như vậy sẽ luôn có những cơn gió xoáy nhè nhẹ quanh quẩn hai bên. Một năm sau đó, không còn thấy gió xoáy đâu nữa. Lòng nghĩ, chắc thiện niệm đã giúp ông thoát khỏi đường quỷ rồi.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

1107 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog