Pháp Giới 11 tháng trước

Ngũ vị tân là gì? Ăn ngũ vị tân có tội hay không?

Ngũ vị tân là 5 món gia vị có mùi cay nồng rất quen thuộc đối với chúng ta, bao gồm: Hành (cách thông), hẹ (từ thông), tỏi (đại toán), kiệu (lan thông) và hưng cừ.

Ngũ vị tân là 5 loại gia vị thường gặp trong các gian bếp của gia đình bao gồm: Hành, hẹ, tỏi, kiệu, hưng cừ (củ nén). Trong nhà Phật, các tăng ni Phật tử xuất gia không được phép sử dụng ngũ vị tân. Nhưng còn những phật tử tu tại gia thì vẫn đang băn khoăn không biết có được ăn ngũ vị tân hay không?

1. Ngũ vị tân là gì?

Ngũ vị tân là 5 món gia vị có mùi cay nồng rất quen thuộc đối với chúng ta, bao gồm: Hành (cách thông), hẹ (từ thông), tỏi (đại toán), kiệu (lan thông) và hưng cừ, là loại gia vị có hình dáng và mùi vị tương tự củ nén không có ở Trung Quốc và Việt Nam.

Những loại này có mùi vị rất đặc trưng, để làm tăng hương vị cho các món ăn và được rất nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, theo quan niệm của Phật giáo, những loại ngũ tân này nó có mùi rất hôi, người phật tử không nên sử dụng những loại đồ ăn có mùi như thế này, đặc biệt là trước khi trì tụng.

Người ăn ngũ vị tân khiến chư Thiên do sợ mùi hôi nên đều xa lánh. Dù bạn có tụng Kinh, Thiền định hay trì chú đều không thể thành tựu. Do ăn các thứ này khiến thân miệng hôi thối, họ không thể đến nghe bạn trì tụng được.

2. Ăn ngũ vị tân có tội không?

Theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền hay còn gọi là Phật giáo Phát triển, thì người Phật tử khi ăn chay nên kiêng cử ngũ vị tân. Lý do tại sao người phật tử không nên ăn những thứ này, bởi vì đặc tính của những thứ này nó chứa nhiều tố chất kích thích và mùi vị cay nồng, nếu ăn nhiều thì thân thể có mùi hôi, nóng nảy và bị kích dục.

Xem Thêm:   Cách đặt tượng Phật trên xe Ô tô

Do đó, mà trong Kinh Lăng Nghiêm, quyển 8, Phật dạy: “Các chúng sinh cầu Thiền định (Samadhi) không nên ăn năm món cay nồng của thế gian. Vì năm món cay nồng đó nếu ăn chín thì phát dâm, ăn sống thì sinh nóng giận.

Người nào ăn năm món cay nồng ấy thì dẫu có tài giảng thuyết mười hai bộ kinh, chư Thiên mười phương đều chê bai hôi thúi và xa lánh. Ma quỷ nhìn người ăn mấy món đó liền kéo đến liếm môi, liếm mép họ, vì thế nên thường ở chung với ma quỷ. Phước đức của người ăn ngũ tân mỗi ngày một tiêu dần. Bồ tát và thiện thần trong mười phương không đến ủng hộ người ấy”. Vì thế, Kinh Phạm Võng, quyển hạ, Phật dạy: “Là phật tử thì không được ăn ngũ vị tân, nếu ai cố ý ăn thì phạm khinh cấu tội”.

Thực ra, nếu ta tinh ý có thể nhận ra ngay rằng dùng Ngũ vị tân chướng ngại việc tu hành rất nhiều:

Người ưa dùng hành tỏi, khi ăn vào thì thấy ngon miệng, nhưng sau ăn thì hơi thở có mùi hôi. Bản thân người ăn còn thấy khó chịu huống nữa là người xung quanh.

Ngũ vị tân là gia vị dùng trong nấu nướng, chủ yếu là dùng trong xào nấu thịt động vật. Chính sự gia tăng hương vị này làm chúng ta khó dứt bỏ được ăn mặn. Nếu không bỏ được ăn thịt thì tâm từ bi không cách chi phát khởi. Không khởi được tâm từ bi thì học Phật không thể thành tựu.

Xem Thêm:   5 điều quan trọng mà người niệm Phật cần nên làm

Ngũ vị tân khiến người dùng phân biệt thức ăn ngon dở nên: Hoặc ngon thì tham ăn nhiều, tâm luôn nghĩ tưởng ăn uống thì buông làm sao, tu tập làm sao? Hoặc chê không ngon mà phạm lỗi đổ bỏ đồ ăn, không biết việc này làm tổn hại phước đức của bản thân khá nhiều.

Do nghiệp lực chiêu cảm nên cũng đồng là nước mà: Loài cá thấy là nhà, loài người thấy nước, loài ngạ quỷ thấy là máu mủ hôi tanh; Loài A Tu La thấy là binh khí dao gậy, Chư thiên thấy đó là cam lộ.

Cũng như thế với Ngũ vị tân: Loài người cho là hương vị thơm ngon, Chư thiên thấy là hôi thối nhưng loài ngạ quỷ cho là trân vị thượng hạng! Chính vì thế nên (nói hơi thô): Cách chư Thiên thấy loài người ăn ngũ vị tân và cách loài người nhìn loài dòi bọ say sưa trong hầm phẩn đồng như nhau. Vậy nên người dùng hành tỏi Chư thiên lánh xa là như vậy!

Tuy nhiên, theo khoa y học cho biết, ngũ vị tân có chứa nhiều hoạt chất làm tăng sức đề kháng cho cơ thể, được dùng để phòng và trị bệnh. Những nghiên cứu mới nhất của tổ chức sức khỏe thế giới ( WHO) về tỏi và hành có khả năng chữa các thứ bệnh cảm cúm, tim mạch và ung thư v.v… Do vậy, nên vì mục đích ngăn ngừa hay chữa trị bệnh, thì ở một chừng mực nào đó, người Phật tử ăn chay cũng có thể dùng được.

Theo Đại Đường Tây Vực Ký của Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang thì: “Các nhà sư ở Tây Vực, nếu người nào bị bệnh nặng, theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc phải dùng Ngũ vị tân thì tạm được dùng nhưng phải ở riêng một chỗ, biệt lập. Sau khi hết bệnh, phải tắm gội sạch sẽ, thay đổi y phục, mới cho vào ở chung với chúng Tăng.”

Xem Thêm:   Đừng chỉ lo làm phước mà quên tu Đức

Điều này, người tu theo Mật giáo, chuyên trì chú, thì tuyệt đối không được ăn. Vì ăn những loại nầy, sự trì chú sẽ không được linh nghiệm. Nhưng đối với những người tu theo Hiển giáo, thì có khác. Vì Hiển giáo không chú trọng vào sự trì chú, nên Phật không có cấm một cách tuyệt đối.

Theo lời giải đáp của Hòa thượng Thanh Từ về vấn đề này, qua câu hỏi của một Phật tử, được ghi lại trong bộ băng nhựa giảng giải về 33 vị Tổ Thiền tông Ấn Độ và Trung Hoa, thì Hòa Thượng cho rằng, người Phật tử tu theo Hiển giáo, thì vẫn có thể dùng được những thứ này. Nhưng như trên đã nói, chỉ được dùng trong một chừng mực nào đó, để ngăn ngừa trị bệnh mà thôi, chớ không nên dùng thái quá, phản tác dụng mà có hại cho sức khỏe. Tuy nó là một vị thuốc, nhưng nếu sử dụng quá mức, thì cũng dễ gây ra tai hại.

Nói tóm lại, việc kiêng cử Ngũ vị tân, đối với những Phật tử xuất gia hoặc tại gia tu theo Mật tông, thì tuyệt đối họ không bao giờ dùng. Ngược lại, những Phật tử tu theo Hiển giáo, thì không có kiêng cử tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu Phật tử nào ăn chay mà gìn giữ kiêng cử không ăn, thì đó cũng là điều rất tốt vậy.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

24 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog