Nghiệp là thói quen hành động, nói năng hay suy nghĩ hằng ngày của chúng ta. Nghiệp do thân hành động, khẩu nói năng và ý suy nghĩ, nên thường được gọi là tam nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
1. “Nghiệp” theo quan điểm Phật giáo là gì?
Nghiệp là thói quen hành động, nói năng hay suy nghĩ hằng ngày của chúng ta trong cuộc sống, trong khi làm việc, trong khi giao tiếp, ở tại nhà, ở tại sở làm hay bất cứ nơi đâu.
Nghĩa là: Nghiệp do thân hành động, khẩu nói năng và ý suy nghĩ, nên thường được gọi là tam nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
Theo nguyên tắc, có hai loại nghiệp: thiện và bất thiện. Tuy nhiên, khi nói đến chữ “nghiệp”, người ta thường nghĩ đến những nghiệp ác hay nghiệp bất thiện.
Nghiệp do thân hành động, khẩu nói năng và ý suy nghĩ, nên thường được gọi là tam nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Là những thói quen hành động, do thân tạo tác hằng ngày.
Có người luôn luôn thích giúp đỡ kẻ khác, làm việc phước thiện, làm việc xã hội. Có người luôn luôn thích đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, đi nhà thờ xem lễ, cầu nguyện. Cũng có người luôn luôn thích đánh nhau, đánh đập súc vật, giết hại sinh mạng chúng sanh, chơi đấu bò, đi câu cá, đi săn bắn, như thú vui tiêu khiển.
Có người luôn luôn thích hút thuốc, uống rượu, bài bạc. Có người luôn luôn thích việc trộm vặt dù họ không túng thiếu. Có người luôn luôn thích kiện tụng, thích xúi người khác thưa kiện để thủ lợi.
Có người luôn luôn thích hăm dọa người khác, theo thói chưa đậu ông nghè đã đe làng tổng, họ gửi bài đăng báo, tòa báo không đăng nguyên văn, sửa bản thảo, họ bảo xin lỗi, viết thư dọa làm con kiến đi kiện củ khoai!
2. Sự hình thành của nghiệp
Trong luật nhân quả chúng ta thấy, về phương diện vật chất cũng như tinh thần, hễ có nhân thì thế nào cũng có quả và quả lại làm nhân để tạo thành quả khác. Nhân quả đắp đổi cho nhau và tiếp nối mãi không dứt.
Trong phạm vi con người khi mới tạo ra hành động nào bất luận bằng thân, khẩu, hay ý thì hành động ấy gọi là nghiệp nhân. Theo kinh điển và các Tổ thầy dạy, vang bóng ảnh hưởng của nghiệp nhân ấy, được gieo vào trong ruộng tiềm thức và trưởng thành dần. Khi nó có đủ cơ duyên, vang bóng ảnh hưởng ấy kết thành quả (nghĩa là phát lộ ra bằng hành động thân, khẩu, ý khác) thì gọi là nghiệp quả.
Vang bóng ảnh hưởng của nghiệp quả này được gieo vào tiềm thức để làm nghiệp nhân cho nghiệp quả về sau. Ruộng tiềm thức chất chứa, nuôi dưỡng tất cả những hạt nhân và quả ấy, trở thành ruộng thiện nếu những nghiệp nhân và quả của người hành động đều thiện; trở thành ruộng ác nếu nghiệp nhân và quả của người ấy đều ác; hay trở thành ruộng nửa thiện nửa ác nếu những nghiệp nhân và quả của người ấy có thiện có ác. Cũng như khi chúng ta dùng một thửa ruộng để trồng đậu thì chúng ta có một đám ruộng toàn đậu; khi ta trồng bắp thì ta có một thửa ruộng bắp; còn nếu khi chúng ta vừa trồng cả đậu lẫn bắp, thì ta có một đám ruộng bắp đậu lẫn lộn.
Để giúp chúng ta nhận diện đôi nét về sự hình thành của nghiệp, cố HT.Thích Thiện Hoa đã nêu ra một ví dụ sát thực để hình dung về nghiệp như sau: Mỗi một họa sĩ đều có một tấm gỗ để thử mầu, trộn mầu. Mỗi khi tô mầu gì lên bức tranh, thì họa sĩ lấy mầu để trộn hay thử trước lên tấm gỗ ấy. Nếu họa sĩ có một tính tình nồng nhiệt thích mầu đỏ nhiều hơn các mầu khác thì tấm gỗ ấy lâu ngày trở thành mầu đỏ; nếu họa sĩ có tính cách hiền dịu, thích mầu xanh hơn các mầu khác thì tấm gỗ ấy nổi bật lên mầu xanh. Những bức tranh thì họa sĩ đã bán cho người khác, nhưng tấm gỗ thì luôn luôn còn lại bên mình họa sĩ và khi chỉ nhìn vào tấm gỗ ấy, người ta có thể đoán biết họa sĩ đã vẽ trong những bức tranh ấy mầu gì.
Cũng như hành động, lời nói, tư tưởng của chúng ta tuy đã tản mát trong không gian, tan biến trong thời gian, mà ảnh hưởng vang bóng của chúng ta còn lại trong tiềm thức, tạo cho ta một cá tính riêng biệt: hoặc hiền, hoặc dữ, hoặc siêng năng, hoặc biếng nhác… Và khi nhận thấy cá tính của ta, người tinh ý có thể đoán biết được đại khái tính cách và những hành động của ta trong quá khứ, cũng như trong tương lai.
Nhân đây, cũng xin nêu một ví dụ nữa để chúng ta cùng tìm hiểu. Ông Lương khải Siêu – một học giả Trung Hoa, khi bàn về cái nghiệp trong giáo lý đạo Phật, cũng có một kiến giải mang ý nghĩa sát thực để nhận diện về nghiệp như sau:
“Hình tướng cứu cánh của nghiệp lực như thế nào? Quý vị không nghe câu chuyện của những nhà uống trà chuyên môn sao? Cái bình trà càng cũ càng ngon, nếu cái bình trà ấy xưa nay vẫn chế trà ngon. Vì sao vậy? Là vì mỗi khi pha trà thì trong bình có một sự thay đổi. Tuy mỗi khi uống trà xong, bình súc sạch sẽ chẳng còn thấy gì, nhưng thực ra có một phần chất chè thấm vào bình, lần thứ hai bỏ trà mới vào, chất trà lần trước đã thấm vào bình lại tác dụng ra làm cho trà mới ngon hơn. Cứ như thế lần thứ ba, thứ tư cho đến trăm ngàn lần, lần nào chất trà cũ cũng tác dụng ra, chất trà mới thấm thêm vào càng lâu càng nhiều.
Lúc bấy giờ, không cần bỏ trà, chỉ chế nước sôi (chẳng qua 1 lần) cũng vẫn có mùi vị uống được. Tỷ dụ dùng nha phiến cũng thế, người nghiện thích dùng dọc tẩu cũ là vì đã thấm thuốc nhiều. Vậy chất trà thấm vào bình, chất thuốc thấm vào dọc tẩu, theo danh từ Phật giáo có thể gọi nó là trà nghiệp, yên nghiệp. Tuy nhiên đem thí dụ như thế không được hoàn toàn đúng là vì một đằng thuốc phiện và trà là vô sinh mạng, một đằng là người có sinh mạng; dù sao đứng về phương diện hình tướng của nghiệp, cũng tương tự được vài phần… (lược khảo Phật giáo Ấn Độ, bản dịch của Thích Nguyên Hồng)”.
3. Sức mạnh và sự tồn tại của nghiệp
Nghiệp lực không có hình tướng nên không có thể trông thấy được, nhưng nó có một tác dụng vô cùng mãnh liệt. Như điện lực, tuy không trông thấy được hình dáng ở đâu và như thế nào, nhưng khi đã đủ điều kiện thì nó phát sinh ra nào là ánh sáng, sức nóng, hơi lạnh với sức mạnh vô cùng.
Cũng tương tự, nghiệp lực thúc đẩy con người ta cũng theo nhiều trạng huống: người này thích hoàn cảnh này, người kia thích hoàn cảnh nọ… Nó là nòng cốt của mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi việc làm.
Chúng ta thường thấy có nhiều người quen thói đánh bạc, nhiều lần thua lỗ, vợ con khóc lóc, bạn bè khuyên bảo, đã quyết tâm xa con bài lá bạc nhiều lần, thế mà mỗi khi làm gì, cũng không quên được sòng bạc. Người ta bảo rằng người ấy có nghiệp đánh bạc. Những người nghiện thuốc phiện, nghiện rượu và trai gái cũng có cái nghiệp riêng của họ cả. Càng đi sâu vào một con đường nào thì cái nghiệp do con đường ấy huân tập càng nặng nề, mãnh liệt chừng ấy.
Nghiệp không chỉ có sức mạnh mà còn tồn tại dai dẳng, không bao giờ chấm dứt, nếu chưa giác ngộ được. Điều này cũng rất dễ hiểu: có nghiệp nhân thì tất có nghiệp quả, nghiệp quả khi đã phát hiện thì lại làm nhân cho nghiệp quả sau, cứ xoay vần như thế mãi, như một bánh xe lăn xuống dốc, sức đẩy của vòng thứ nhất làm nhân cho vòng lăn thứ hai, sức đẩy của vòng lăn thứ hai làm nhân cho vòng lăn thứ ba và cứ tiếp tục như thế mãi cho đến bao giờ hết dốc mới dừng nghỉ.
Nghiệp cũng nằm trong luật nhân quả và bị chi phối của luật nhân quả. Thời gian từ khi nhân phát sinh đến khi quả hình thành, có khi nhanh, khi chậm thì thời gian từ nghiệp nhân đến nghiệp quả cũng có khi mau khi chậm, có khi chỉ trong một đời, có khi hai đời, có khi nhiều đời. Nhưng dù chậm hay mau, đã gây nghiệp thì thế nào cũng chịu quả báo. Trong Khế Kinh có dạy: “Giả sử trăm nghìn kiếp, nghiệp nhân đã làm cũng không mất, khi nhân duyên hội ngộ, thì quả báo đến”.
4. Khẩu nghiệp là gì?
Là những điều mình thường nói ra hằng ngày, có khi ngọt ngào dễ nghe, có khi chanh chua chát khế, kinh khủng khiếp luôn! Cổ nhơn có dạy:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Có người luôn luôn thích nói chuyện đạo lý, chuyện ích lợi cho người. Có người luôn luôn thích thuyết pháp, tụng kinh, niệm Phật. Có người luôn luôn thích an ủi, khuyên lơn, đem sự an ổn tâm thần đến cho người khác. Có người luôn luôn nói lời hòa nhã, êm ái, dịu dàng, ai ai cũng thích nghe, thích gặp mặt, thích trò chuyện.
Ðó là những người lựa lời mà nói cho người an vui, và đang tu theo hạnh Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, hay tu theo hạnh Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát. Cũng có người luôn luôn thích nói suốt ngày, không biết mệt, không ngừng nghỉ. Có người luôn luôn thích nói chuyện thị phi, chuyện thiên hạ, chuyện phải quấy, chuyện hơn thua, chuyện tranh chấp, chuyện kiện tụng, chuyện thưa gửi, chuyện phiền não, chuyện khổ đau.
Có người luôn luôn thích văng tục, chửi thề, bới móc người khác, kê tủ đứng vào miệng người khác, móc họng cho người ói ra, mỗi khi khai khẩu, mỗi khi mở miệng. Có người thốt xong một lời, người nghe phải đi xức dầu cù là, hoặc uống thuốc nhức đầu, thậm chí ngất xỉu, hay giã từ luôn cõi đời. Có người thốt xong một lời, người khác phải đi tù, gia đình xào xáo, vợ chồng chia ly, lục đục, cãi vã, nghi ngờ lẫn nhau, tiêu tan hạnh phúc.
Bởi vậy, chúng ta mới biết khẩu nghiệp nặng nề biết bao, lời nói độc hại đến chừng nào, lời nói có khả năng hại người còn hơn vũ khí. Ðó là lời nói của những kẻ “lựa lời mà nói cho người giết nhau”, hoặc là những kẻ “lựa lời mà nói cho người tiêu luôn”!
Những người biết tu tâm dưỡng tánh rất dè dặt với khẩu nghiệp, không dám phát ngôn bừa bãi, luôn luôn nhớ lời cổ nhơn dạy: “Lời nói là bạc, im lặng là vàng”. Có người bèn áp dụng tu pháp môn “tịnh khẩu”, suốt ngày không muốn nói bất cứ chuyện gì, với bất cứ ai. Tuy nhiên, bên ngoài phẳng lặng, mà trong lòng dậy sóng, thì cũng như không! Có khi nói năng để truyền bá Chánh Pháp, lời nói đầy pháp vị, nói lời chuyên chở đạo lý. Có khi sự im lặng cũng đúng Chánh Pháp, cũng đượm nhuần đạo lý. Cổ nhơn có dạy: “Ngữ ngôn đạo đoạn”.
Nghĩa là còn phải dùng lời nói, thì không thể diễn tả được đạo lý một cách tột cùng, khi lên tiếng thì đạo mất rồi. Người hiểu đạo là người có tâm cảm thông sâu sắc, không cần dùng lời nói, có thể thấu hiểu mọi sự mọi việc một cách dễ dàng, không có gì ngăn ngại.
Trong kinh sách có câu: “Ðạo cảm ứng giao nan tư nghì” chính là nghĩa đó vậy.
Cũng có câu: “Ðạo bổn vô ngôn”.
Nghĩa là gốc của đạo không thể dùng lời lẽ của thế gian mà diễn tả được. Ðạo là chỗ cứu kính tuyệt đối bất khả tư nghì, đạo cảm thông không thể nghĩ bàn được. Ðó chính là chỗ im lặng của Cư sĩ Duy Ma Cật thời Ðức Phật còn tại thế, đó chính là sự lặng thinh của Nhị Tổ Huệ Khả, khi trình kiến giải lên Sơ Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma vậy.
5. Ý nghiệp là gì?
Ý nghiệp là quan trọng hơn cả. Chính ý nghiệp chủ động điều khiển thân nghiệp và khẩu nghiệp. Tại sao vậy? Bởi vì nếu như tư tưởng luôn luôn có ý nghĩ thế nào thì hành động và lời nói sẽ y theo đó mà ra, không sai khác chút nào. Chính tư tưởng phát xuất ra hành động và lời nói. Thí dụ nếu trong tâm ý chúng ta nghi ngờ người nào ăn cắp đồ, thì từ hành động cho đến lời nói của người đó đều có vẻ khả nghi, đáng ngờ, và hành động cũng như lời nói của chúng ta đều không bình thường đối với người đó.
Thí dụ nếu chúng ta luôn luôn có tư tưởng, có ý nghĩ là kẻ nào ác thì phải bị tiêu diệt, phải bị đọa địa ngục, phải bị trừng phạt nặng nề, cho nên khi có cơ hội, có phương tiện, có quyền hành, có thế lực, chúng ta sẽ dễ dàng mắng chửi, mạt sát, giết hại, trừ khử, thanh toán kẻ đó không chút xót thương, không chút bận tâm! Nghĩ như vậy, nói như vậy, làm như vậy, tâm của chúng ta không từ bi, không bác ái chút nào, và như vậy chúng ta có khác gì kẻ ác kia đâu?
Giết người phải đền mạng, có luôn luôn hẳn là lẽ công bằng tuyệt đối chăng, có giúp nạn nhân sống lại chăng, có giúp xã hội an ninh, trật tự chăng, có giúp tình người thêm tốt đẹp chăng? Con người thường nhân danh cái thiện, nhân danh thế thiên hành đạo, để thi hành, thực hiện việc ác, việc trả thù ngay sau đó. Chính vì vậy mà oan oan tương tục không biết đến bao giờ mới dứt được. Thiệt là “tội nghiệp” thay!
Trên thế gian này, sân hận không bao giờ dập tắt sân hận. Duy có tình thương, tâm từ bi mới diệt được tâm sân hận. Ðó là định luật trường cửu. Cho nên, trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng
Lấy ân báo oán, oán nghiệp tiêu tan.
Ðây là cách dừng nghiệp và chuyển nghiệp hữu hiệu nhất. Thí dụ vì nghiệp duyên đời trước, có người nào đó khi gặp chúng ta, liền không có cảm tình, không ưa thích, có thái độ thù nghịch, chống đối. Nếu như chúng ta không hiểu luật nhân quả, bèn có thái độ tương ứng đáp lại, thì càng ngày quan hệ giữa chúng ta và người đó càng tệ hại thêm mà thôi. Còn nếu như khi họ gặp hoàn cảnh không may nào đó mà mình có thể giúp được và thực tâm giúp đỡ họ, thì có phải “oán nghiệp” trước đây tiêu tan hay không?
Thí dụ trong gia đình, nếu người cha hay người mẹ, vì tức giận người con đối xử tệ bạc với mình, không như mình mong ước, nên cũng đối xử lạnh lùng, hằn học, bực dọc đáp lại, thì thử hỏi câu chuyện sẽ đi đến đâu, sẽ kết thúc ra sao? Nếu cha mẹ có lòng từ bi, không chấp chặt những điều đó, vẫn thương yêu, chăm sóc người con, như lúc con còn nhỏ dại, thì ít ra còn hy vọng người con chuyển đổi tâm ý, gia đình hòa vui trở lại. Chuyện này “nói ra thì dễ, làm được mới khó”. Nhưng thử hỏi chuyện gì trên đời này mới là chuyện dễ làm đây ?
6. Nghiệp trong đạo Phật
Trong kinh Pháp cú ở Phẩm Ác, Đức Phật dạy rằng:
Dù cho bay bổng trời cao
Lặn sâu đáy bể, chui vào hang sâu
Dù cho trốn ở nơi đâu
Không sao tránh khỏi nghiệp gieo lâu đời.
Vậy, nghiệp là gì, gồm những gì, nguồn gốc từ đâu, làm thế nào để thoát khỏi sự chi phối của nó, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu vấn đề này.
Nghiệp là động lực, nguyên nhân đưa chúng ta vào vòng sanh tử luân hồi. Nghiệp tiếng Phạn là kama, nghĩa là động tác dấy khởi từ ý khẩu thân được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen, khi thành thói quen thì nó có sức mạnh chi phối dẫn dắt con người theo nó.
Nghiệp là việc làm của chính mình, mình làm chủ những hành động tạo tác và chính y phải thừa nhận hậu quả mà nó đưa tới. Trong kinh, Đức Phật đã dạy: “Chúng sanh làm chủ tạo nghiệp và thừa kế nghiệp mà chính mình đã tạo, không ai khác ngoài mình.” Có những loại nghiệp như:
– Tập quán nghiệp là những nghiệp tạo tác trong hiện tại do tập quán kết thành.
– Tích lũy nghiệp là những nghiệp tạo tác trong nhiều đời chất chứa lại.
– Cực trọng nghiệp là những nghiệp quan trọng có năng lực tác động mãnh liệt hơn các nghiệp khác.
– Cận tử nghiệp là nghiệp lực của những người trước khi chết, nghiệp lực này chi phối rất nhiều ở đời sau.
Và Đức Phật đã dạy trong 10 nghiệp lành hay dữ đều do thân khẩu ý tạo nên:
Về Thân có ba: Không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dật.
Về Khẩu có bốn: Không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác.
Về Ý có ba: Không tham lam, không sân, không si.
Ngược lại với 10 điều trên là 10 nghiệp ác, cho nên trong phần Duyên khởi, Đức Phật thuyết trong kinh Thập thiện tại long cung của Vua rồng Ta-kiệt-la cho các hàng tôm, cá… là những loại chuyên làm việc ác nên hiện đời mang thân hình xấu xí tanh hôi, cho ta thấy được Thập thiện là một bộ kinh ý nghĩa có giá trị hiện hữu trong đời sống con người. Nếu khởi nghiệp nhân bằng hành động của thân khẩu ý thì nghiệp quá khứ sẽ theo ta như bánh xe theo chân con vật kéo xe. Cũng như Ngài Ma-ha-nam hỏi Đức Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con giữ tròn năm giới và tu hành các pháp Phật dạy. Như vậy, nếu con ra đường lỡ như bị tai nạn chết liền tại chỗ, đời sau con sẽ sanh về đâu?
Khi đó Đức Phật đưa tay lên, nghiêng sang một bên và nói:
– Như cây nghiêng như vầy, khi cưa nó sẽ ngã về đâu?
Ma-ha-nam trả lời:
– Nếu cây nghiêng chiều nào, khi cưa nó sẽ ngã theo chiều ấy.
– Cũng vậy, ông đang tu pháp nào, đang gây tạo nghiệp gì thì khi chết sẽ đi theo đường đó. Cho nên, trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy rằng:
“Trong các pháp do tâm làm chủ
Tâm dẫn đầu tạo đủ mọi duyên
Tâm nhơ tạo nghiệp chẳng hiền
Như xe lăn bánh khổ liền theo sau.”
Lời dạy của Ngài cho ta thấy tâm làm chủ, tâm dẫn đầu, tâm tạo tác. Nếu ta nói và hành động với tâm vui vẻ hòa nhã hoặc là đố kỵ… thì hạnh phúc hay khổ não sẽ theo ta như bóng với hình. Vì vậy, sống trên cuộc đời, tất cả đều chịu sự bó buộc trong quy luật chung của tạo hóa. Định mệnh khắt khe này luôn lôi kéo con người vào vòng đau khổ trong kiếp sống ngắn ngủi và sự chi phối triền miên từ khi mở mắt chào đời mà Đức Phật đã dạy là không ai tránh khỏi. Nhân quả do chính mình tạo ra, không ai có quyền định đoạt số phận của mình, cũng không có vị thần linh hoặc Thượng đế ban phúc hay giáng họa cho ta. Chính mình gây tạo thì chính mình phải chấp nhận, như Tổ Quy Sơn đã nói:
“Giả sử bá thiên kiếp
Sở tác nghiệp bất vong
Nhân duyên hội ngộ thời
Quả báo hoàn tự thọ.”
Nghĩa:
Dầu cho trăm ngàn kiếp
Quả báo không bao giờ mất
Khi nào nhân duyên đầy đủ
Quả báo đến thì mình phải lãnh thọ.
Nếu chúng ta hiểu được lời chư Tổ dạy và hoan hỷ trả nghiệp ta đã gieo không than van, khóc lóc, thì lo gì hạnh phúc không đến với ta. Nếu biết cải ác làm lành. Cũng như hằng ngày khi đối duyên xúc cảnh, chúng con không làm chủ được mình nên đã tạo ra những nghiệp không tốt. Nếu ngay đó, ta nhìn lại mình và thật tâm sửa đổi thì nghiệp dứt. Nếu hiện tại phải trả những nghiệp ở quá khứ thì hãy kiên nhẫn dù bao sóng gió, trở ngại cũng phải vượt qua. Thực tế, khi bất giác mất chánh niệm, ta đã khởi ý sân giận, phát ra những lời nói không ôn hòa làm cho huynh đệ tổn thương. Người xưa đã dạy:
“Mở lời trước gạn xét suy
Rằng ta cất tiếng, ích chi chăng là
Bằng như lời nói thốt ra
Làm buồn kẻ khác thì ta xin đừng
Nói chi mắng nhiếc tưng bừng
Miệng đào hố nghiệp biết chừng nào lên.”
Lời dạy trên cho ta thấy một cách chân thật về nghiệp báo. Nếu muốn có được một cuộc sống yên vui và hạnh phúc thì trong hiện tại, chúng ta phải tích lũy những nghiệp thiện. Được như vậy, chốn nhân gian đau khổ này sẽ trở thành nơi Cực Lạc, không cần tiềm cầu nơi đâu. Còn nếu lún sâu vào nghiệp ác, địa ngục ngạ quỷ, A-tu-la cũng ở thế giới hiện tại này. Thế nên, Đức Đạt-lai Lạt-ma dạy: “Cẩn thận với tư tưởng của bạn, vì chúng có thể thành lời nói. Cẩn thận với lời nói của bạn, vì chúng có thể thành hành động. Cẩn thận với hành động của bạn, vì chúng có thể trở thành thói quen. Hãy cẩn thận với thói quen của bạn, vì chúng uốn nắn nhân cách của bạn. Hãy cẩn thận với nhân cách của bạn, vì nó sẽ định số phận của bạn. Số phận của bạn là cuộc đời của bạn.”
Tóm lại, tất cả nghiệp báo đều do chính nơi chúng ta tạo tác. Đức Phật đã dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.” Hãy tự tạo cho mình một hòn đảo bình an. Nếu chúng ta đã lỡ tạo nghiệp ác thì chưa muộn. Ngay từ bây giờ, hãy ngăn chặn chúng lại, tự tạo cho mình nghiệp nhân hoàn thiện hơn. Luôn luôn tỉnh giác và có ý thức trách nhiệm với mọi hành vi cử chỉ của mình, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Đó mới là người hiểu biết về nghiệp trong đạo Phật có khả năng chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện. Người học Phật cần biết cách chuyển nghiệp, vì tu là chuyển nghiệp. Muốn chuyển nghiệp, trước tiên ta phải lấy giới luật làm gốc để tu ba nghiệp, nếu ba nghiệp hằng thanh tịnh thì đồng với tâm Phật không khác.
Tâm Hướng Phật/TH!