Nghe Chú Đại Bi có tác dụng gì? Ý nghĩa của Chú Đại Bi là gì?
Pháp Giới 11 tháng trước

Nghe Chú Đại Bi có tác dụng gì? Ý nghĩa của Chú Đại Bi là gì?

Nghe Chú Đại Bi có tác dụng gì? Chú Đại Bi là gì và có ý nghĩa gì? Mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu chi tiết trong nội dung bài viết dưới đây.

1. Chú Đại Bi là gì?

Thần Chú Đại Bi được rút ra từ Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, do chính Đức Phật Thích Ca diễn nói trong một pháp hội trước mặt đông đủ các vị Bồ Tát, Thinh văn, Thánh chúng, Trời, Thần, Thiên, Long, các Đại thánh tăng như Ma-Ha Ca-Diếp, A-Nan… cùng câu hội, tại núi Bồ Đà Lạc Ca (Potalaka), một hải đảo ở về phía Nam xứ Ấn Độ, được coi như là nơi mà Đức Bồ Tát Quán Thế Âm thường trụ tích. Ta có thể tin chắc điều đó bởi vì Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn được mở đầu bằng câu nói quen thuộc của Ngài A Nan “Như thế tôi nghe” cũng như xuyên qua nội dung hỏi đáp giữa ngài A Nan và Đức Thế Tôn đã được ghi lại ở trong kinh.

Trong pháp hội này, Bồ Tát Quán Thế Âm vì tâm đại bi đối với chúng sanh, muốn cho “chúng sanh được an vui, được trừ tất cả các bệnh, được sống lâu, được giàu có, được diệt tất cả nghiệp ác tội nặng, được xa lìa chướng nạn, được tăng trưởng công đức của pháp lành, được thành tựu tất cả các thiện căn, được tiêu tan tất cả sự sợ hãi, được mau đầy đủ tất cả những chỗ mong cầu” mà nói ra Thần Chú này.

Ngài cho biết lý do ra đời của Thần Chú như sau: Vào vô lượng ức kiếp về trước, Phật Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai, vì tâm thương tưởng đến chúng sanh nên đã nói ra thần chú Đại Bi và khuyến khích Bồ Tát Quán Thế Âm nên thọ trì tâm chú này để mang đến lợi ích an vui lớn cho chúng sanh trong đời vị lai. Bồ Tát Quán Thế Âm lúc bấy giờ mới ở ngôi sơ địa khi nghe xong thần chú này liền chứng vượt lên đệ bát địa. Vui mừng trước oai lực của thần chú, Ngài bèn phát đại nguyện: “Nếu trong đời vị lai, con có thể làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh với thần chú này, thì xin khiến cho thân con liền sanh ra ngàn mắt ngàn tay”.

Lập tức, Ngài thành tựu ý nguyện. Từ đó, hình ảnh của vị Bồ Tát Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt trở thành một biểu tượng cho khả năng siêu tuyệt của một vị Bồ Tát mang sứ mệnh vào đời cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sanh. Ngàn tay, ngàn mắt nói lên cái khả năng biến hóa tự tại, cái dụng tướng vô biên của thần lực Từ bi và Trí huệ tỏa khắp của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngàn mắt để có thể chiếu soi vào tất cả mọi cảnh giới khổ đau của nhân loại và ngàn tay để cứu vớt, nâng đỡ, như Đức Phật giải thích với Ngài A Nan ở trong kinh, “tiêu biểu cho hạnh tùy thuận các sự mong cầu của chúng sanh”.

Kinh và Thần Chú Đại Bi sau đó đã được ngài Dà-Phạm-Đạt-Ma (Bhagavaddharma: có nghĩa là Tôn Pháp) một Thiền sư Ấn Độ, du hóa qua Trung Quốc vào niên hiệu Khai Nguyên đời nhà Đường dịch và chuyển âm từ tiếng Phạn qua tiếng Trung Hoa và được Hoà Thượng Thích Thiền Tâm chuyển ngữ qua tiếng Việt. Với oai lực và linh nghiệm đã được chứng minh qua không gian và thời gian, Thần Chú Đại Bi đã được trân trọng trì tụng trong các khoá lễ, các nghi thức tụng niệm chính của các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Đại thừa như: Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam,…

2. Nghe Chú Đại Bi có tác dụng gì: Ý nghĩa của Chú Đại Bi

Nếu chúng sanh nào, trong một ngày đêm tụng năm biến chú, sẽ diệt trừ được tội nặng trong trăm ngàn muôn ức kiếp sanh tử.

Nếu chúng sanh nào xâm tổn tài vật, thức ăn uống của thường trụ sẽ mang tội rất nặng, do nghiệp ác ngăn che, giả sử ngàn đức Phật ra đời cũng không được sám hối, dù có sám hối cũng không trừ diệt. Nếu đã phạm tội ấy, cần phải đối 10 phương đạo sư sám hối, mới có thể tiêu trừ. Nay do tụng trì chú Đại Bi liền được trừ diệt. Tại sao thế? Bởi khi tụng chú Đại Bi tâm đà ra ni, 10 phương đạo sư đều đến vì làm chứng minh, nên tất cả tội chướng thảy đều tiêu diệt.

Chúng sanh nào tụng chú này, tất cả tội thập ác ngũ nghịch, báng pháp, phá người, phá giới, phạm trai, hủy hoại chùa tháp, trộm của tăng kỳ, làm nhơ phạm hạnh, bao nhiêu tội ác nghiệp nặng như thế đều được tiêu hết, duy trừ một việc: kẻ tụng đối với chú còn sanh lòng nghi. Nếu có sanh tâm ấy, thì tội nhỏ nghiệp nhẹ cũng không được tiêu, huống chi tội nặng?

Hàng trời, người nào thường thọ trì tâm chú này như tắm gội trong sông, hồ, biển cả, nếu những chúng sanh ở trong đó được nước tắm gội của người này dính vào thân thì bao nhiêu nghiệp nặng tội ác thảy đều tiêu diệt, liền được siêu sinh về tha phương Tịnh Độ, hóa sanh nơi hoa sen, không còn thọ thân thai, noãn, thấp nữa. Các chúng sanh ấy chỉ nhờ chút ảnh hưởng mà còn được như thế, huống chi là chính người trì tụng?

Xem Thêm:   Cách tu Tâm tích Đức tại nhà

Và, như người tụng chú đi nơi đường, có ngọn gió thổi qua mình, nếu những chúng sanh ở sau được ngọn gió của kẻ ấy lướt qua y phục thì tất cả nghiệp ác, chướng nặng thảy đều tiêu diệt, không còn đọa vào tam đồ, thường sanh ở trước chư Phật, cho nên, phải biết quả báo phước đức của người trì tụng chú thật không thể nghĩ bàn!

Lại nữa, người trì tụng đà ra ni này, khi thốt ra lời nói chi, hoặc thiện hoặc ác, tất cả thiên ma ngoại đạo, thiên, long, quỷ thần đều nghe thành tiếng pháp âm thanh tịnh, đối với người ấy khởi lòng cung kính, tôn trọng như Phật.

Người nào trì tụng đà ra ni này nên biết người ấy chính là tạng Phật thân, vì 99 ức hằng hà sa chư Phật đều yêu quý. Nên biết người ấy chính là tạng quang minh, vì ánh sáng của tất cả Như Lai đều chiếu đến nơi mình.

Nên biết người ấy chính là tạng từ bi, vì thường dùng đà ra ni cứu độ chúng sanh. Nên biết người ấy chính là tạng diệu pháp, vì nhiếp hết tất cả các môn các môn đà ra ni. Nên biết người ấy chính là tạng thiền định vì trăm ngàn tam muội thảy đều hiện tiền. Nên biết người ấy chính là tạng hư không, vì hằng dùng không huệ quán sát chúng sanh.

Nên biết người ấy chính là tạng vô úy vì thiên, long, thiện thần thường theo hộ trì. Nên biết người ấy chính là tạng diệu ngữ vì tiếng đà ra ni trong miệng tuôn ra bất tuyệt. Nên biết người ấy chính là tạng thường trụ vì tam tai, ác kiếp không thể làm hại. Nên biết người ấy chính là tạng giải thoát vì thiên ma ngoại đạo không thể bức hại. Nên biết người ấy chính là tạng dược vương vì thường dùng đà ra ni trị bịnh chúng sanh.

Nên biết người ấy chính là tạng thần thông vì được tự tại dạo chơi nơi 10 phương cõi Phật. Công đức người ấy khen ngợi không thể cùng.

Đọc thêm: Nghi thức trì tụng Chú Đại Bi đúng pháp đơn giản tại nhà

Nghe Chú Đại Bi có tác dụng gì? Ý nghĩa của Chú Đại Bi là gì?

3. Nội dung Chú Đại Bi tiếng Việt

Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni

Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da.
Nam mô a lị da bà lô kiết đế thước bát ra da.
Bồ đề tát đỏa bà da. Ma ha tát đỏa bà da. Ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa.
Nam mô tất kiết lật đỏa y mông, a lị da bà lô kiết đế, thất Phật ra lăng đà bà.
Nam mô na ra cẩn trì, hê lị ma ha bàn đà sa mế. Tát bà a tha đậu thâu bằng a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà dà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê lô ca đế, ca ra đế, di hê lị. Ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê lị đà dựng. Câu lô câu lô kiết mông. Độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xa da đế. Đà ra đà ra địa ri ni, thất phật ra da. Giá ra giá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ. Y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm. Phật ra xá da. Hô lô hô lô, ma ra hô lô hô lô hê rị. Ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô. Bồ đề dạ bồ đề dạ, bồ đà dạ bồ đà dạ. Di đế rị dạ. Na ra cẩn trì địa rị sắc ni na. Ba dạ ma na, ta bà ha. Tất đà dạ ta bà ha, Ma ha tất đà dạ ta bà ha, Tất đà du nghệ thất bàn ra da, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha. Ma ra na ra ta bà ha. Tất ra tăng a mục khư da ta bà ha, ta bà ma ha a tất đà dạ ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lị thắng kiết ra dạ, ta bà ha.

Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a lị da bà lô kiết đế, thước bàn ra dạ ta bà ha. Án tất điện đô mạn đa ra bạt đà dạ, ta bà ha.

4. Nội dung Chú Đại Bi tiếng Phạn

Namo ratnatràyàya.

Namo Aryàvalokites’varàya Bodhisattvaya Mahasattvaya Mahàkarunikàya.
Om sarva rabhaye sunadhàsya.
Namo skirtva imam aryàvalotites’vara ramdhava.
Namo narakindhi hrih mahàvadhasvàme.
Sarvàrthato subham ajeyam sarvasata. Namo varga mahàdhàtu.
Tadyathà: om avaloki lokate karate.
Ehrih mahà bodhisattva sarva sarva mala mala.
Mahi hrdayam kuru kuru karman.
Dhuru dhuru vijàyate mahàvijayati.
Dhara dhara dhirini svaràya.
Cala cala mama vimala muktir.
Ehi ehi s’ina s’ina àrsam prasari.
Basha basham prasàya hulu hulu mara.
Hulu hulu hrih sara sara siri siri suru suru.
Bodhiya bodhiya bodhaya bodhaya.
Maitreya narakindi dhrish nina.
Bhayamana svaha siddhaya svàhà.
Maha siddhàya svaha.
Siddha yoge s’varaya svaha. Nirakindi svàhà.
Mara nara svaha s’ira Simha mukhàya svaha.
Sarva maha asiddhaya svaha. Cakràsiddhaya svaha.
Padma kastàya svaha.
Nirakindi vagalàya svaha.
Mavari śankaraya svāhā.
Namo ratnatràyàya. Namo aryàvalokites’varaya svaha.
Om siddhyantu mantra pàdàya svàhà.

5. Những lợi ích khi trì tụng Chú Đại Bi

Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, do ngài Già Phạm Đạt Ma dịch (thời Đường), toàn bài chú này có 84 câu, người trì tụng thần chú Đại Bi sẽ được 15 điều lành, không bị 15 thứ hoạnh tử bức hại.

Xem Thêm:   Cách Tụng Chú Đại Bi Tại Nhà Đúng Pháp

Được 15 điều lành

1. Sinh ra thường được gặp vua hiền, 2. Thường sinh vào nước an ổn, 3. Thường gặp vận may, 4. Thường gặp được bạn tốt, 5. Sáu căn đầy đủ, 6. Tâm đạo thuần thục, 7. Không phạm giới cấm, 8. Bà con hòa thuận thương yêu, 9. Của cải thức ăn thường được sung túc, 10. Thường được người khác cung kính, giúp đỡ, 11. Có của báu không bị cướp đoạt, 12. Cầu gì đều được toại ý, 13. Long, Thiên, thiện thần thường theo hộ vệ, 14. Được gặp Phật nghe pháp, 15. Nghe Chánh pháp ngộ được nghĩa thâm sâu.

Không bị 15 thứ hoạnh tử

1. Chết vì đói khát khốn khổ, 2. Chết vì bị gông cùm, giam cầm đánh đập, 3. Chết vì oan gia báo thù, 4. Chết vì chiến trận, 5. Chết vì bị ác thú hổ, lang sói làm hại, 6.Chết vì rắn độc, bò cạp, 7. Chết trôi, chết cháy, 8. Chết vì bị thuốc độc, 9. Chết vì trùng độc làm hại, 10. Chết vì điên loạn mất trí, 11. Chết vì té từ cây cao hoặc rớt xuống vực thẳm, 12. Chết vì người ác trù ếm, 13. Chết vì tà thần, ác quỷ làm hại, 14. Chết vì bệnh nặng bức bách, 15. Chết vì tự tử.

Ngoài ra, theo kinh Thiên Nhãn Thiên Tý Quán Thế Âm Bồ Tát Đà La Ni Thần Chú (quyển thượng), trì tụng chú này 108 biến, tất cả phiền não tội chướng đều được tiêu trừ, thân khẩu ý thanh tịnh. Thần chú Đại Bi được các tông phái Phật giáo trì niệm rất phổ biến và thịnh hành.

Tuy nhiên, thần chú này được các nhà Phật học dịch khác nhau về tên kinh cũng như chương cú. Đơn cử như bản dịch chú Đại Bi của ngài Bồ Đề Lưu Chi có 94 câu, bản dịch của ngài Kim Cương Trí có 113 câu, bản dịch của ngài Bất Không có 82 câu…

Muốn trì chú này thì phải phát Bồ đề tâm, kính giữ trai giới, tâm luôn bình đẳng với mọi loài và phải trì tụng liên tục.

6. Sự linh ứng nhiệm màu của thần Chú Đại Bi

Trì chú khỏi bệnh kinh phong

Sự linh nghiệm của thần chú Đại bi đã được nhiều người chứng thực và cũng được chia sẻ. Câu chuyện mà tôi kể sau đây là do nghệ sĩ Diệu Hiền kể trên YouTube trong chương trình “Giữ ngọc gìn vàng với Hồng Loan”.

Nghệ sĩ Diệu Hiền kể rằng, cô có một người cháu gái bị bịnh kinh phong từ nhỏ, hiện cũng đang ở chung với cô. Người cháu gái ấy tính tình rất cộc cằn, ai rớ tới là chửi “tàn gia tru lục”, không ai dám làm gì cô ấy hết. Một hôm Diệu Hiền mới bảo người cháu ấy rằng: “Cô đi chùa thấy người ta đọc kinh cũng vui lắm. Nếu con chịu học thuộc thì cô cho tiền uống cà-phê”. Người cháu gái có cái tật ghiền cà-phê nên nghe vậy đồng ý liền. Cứ một bài chú ngắn thì cô Diệu Hiền trả cho hai chục ngàn đồng, bài dài hơn thì ba chục, dài hơn nữa thì bốn chục. Một thời gian sau, cô Diệu Hiền bảo người cháu ấy học chú Đại bi, nói rằng nếu thuộc được thì trả cho một trăm ngàn đồng.

Thế nhưng lúc người cháu ấy vừa cầm quyển kinh lên đọc được vài câu thì cơn động kinh liền đến, giựt cô té từ trên ghế xuống đất. Khi cơn động kinh qua, người cháu ấy liền tức giận, cầm quyển kinh ném vào mặt cô Diệu Hiền mà mắng rằng: “Hồi đó chưa đi chùa thì hổng có nói láo. Bây giờ đi chùa bày đặt bắt chước ai nói láo rồi về gạt gẫm con cháu nữa là sao? Người ta lúc trước bị giựt cũng ít ít thôi. Bảo là đọc cái này sẽ hết bị giựt. Vậy mà mới đọc có mấy câu mà giựt một cái muốn chết luôn hà. Dẹp, từ rày sắp tới đừng có nói với tui ba cái vụ kinh này nữa nhe. Dẹp nhe! Tui yêu cầu đừng nói với tui vụ này nữa à”.

Thế nhưng chiều hôm đó, sau giấc ngủ trưa, người cháu gái ấy đến bên cô Diệu Hiền hỏi rằng: “Bây giờ tui nói cái này nhưng yêu cầu đừng có nói dối, nói thiệt tui nghe đi. Là cái người mà đàn ông không phải đàn ông, đàn bà không phải đàn bà, mà tóc dài đó là ai vậy?”. Cô Diệu Hiền nghe vậy mới hỏi người cháu đã gặp người đó ở đâu. Người cháu nói là cô ngủ thì thấy người đó đến và gõ gõ vào đầu cô ta. Cô Diệu Hiền mới giải thích rằng đó là Đại sĩ Quán Thế Âm đến để kêu con cố gắng học kinh đó. Người cháu nghe vậy không trả lời nhưng âm thầm học thuộc chú Đại bi và trì tụng mỗi ngày.

Thế là điều kỳ diệu đã xảy ra. Trước đây người cháu bị giựt một ngày đến sáu lần. Từ khi trì chú Đại bi thì giảm xuống còn năm lần một ngày. Từ đó về sau, cứ sau một tuần là giảm xuống một lần cho đến chỉ còn một lần một ngày. Rồi một tháng mới giựt một lần, rồi ba tháng mới giựt một lần, và cuối cùng thì hoàn toàn không còn bị giựt nữa.

Một hôm người cháu gái ấy đến bên cô Diệu Hiền, ôm chân cô nói: “Cô Hiền, con xin lỗi cô. Kể từ nay trở đi để con tự động học kinh. Cô Hiền khỏi mướn con nữa. Con xin lỗi cô Hiền, con không dám nói hỗn với cô nữa, cô đừng giận con nhe!”. Và cũng từ đó người cháu đổi tính hoàn toàn, không còn cộc cằn nữa mà trở nên hiền khô, ngoài ra còn chăm chỉ làm việc nhà như lau nhà, rửa chén một cách vui vẻ. Đặc biệt hơn nữa là cô bắt đầu ăn chay trường và đi chùa. Cô đến chùa gần đó tụng kinh mỗi chiều. Còn khi ở nhà thì cô đi kinh hành và niệm Phật. Cô còn thuộc cả năm đệ chú Lăng nghiêm nữa. Chú Đại bi thật là vi diệu! – “Hữu Huệ!”

Xem Thêm:   Kiết sử là gì? 10 kiết sử trong đạo Phật gồm những gì?

Tụng Chú Đại Bi tai qua nạn khỏi trên đèo Bảo Lộc

(Chuyện linh ứng có thật trên chuyến xe khách đi Đà Lạt)

Lần ấy, tôi bắt xe Thành Bưởi đi Đà Lạt để viếng chùa. Bây giờ các xe đường dài đều là xe giường nằm, số vé của tôi là 1A, gần cánh phải của tài xế.

Xe bắt đầu khởi hành lúc 11h đêm. Sau khi ổn định vị trí và đóng tiền cho cậu lơ xe, ai nấy cứ đắp mền và chìm vào giấc ngủ.

Riêng tôi, trước khi ngủ thường hay niệm Phật, đọc Chú Đại Bi, cộng thêm đi xe tôi cũng thường hay niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát để tâm cảm thấy an toàn…

Mệt mỏi vì đường xa, tôi lâm râm niệm Phật được một lúc và thiếp đi lúc nào không hay…Tôi ngủ thật say đến nỗi quên mình đang nằm trên xe khách đi Đà Lạt. Bỗng tôi giật mình thức giấc vì nghe bên tai có tiếng ai đó lay gọi tôi dậy:

– Dậy… dậy niệm Phật, niệm Chú Đại Bi đi !

Và liền đó bên tai có tiếng ai đọc Thần Chú làm tôi bừng tỉnh ngồi bật dậy. Tôi nhìn xung quanh thì thấy ai nấy cũng đang ngủ gáy khò khò… đến cậu lơ xe cũng nằm cả ra sàn xe mà ngủ. Chỉ còn mỗi một mình bác tài xế đang lèo lái chiếc xe trên đường cong queo.

Lạ thật, ai vừa nói bên tai mình? Hay là…

Xe bắt đầu ôm cua vào Đèo Bảo lộc. Thôi kệ, ai đã kêu mình dậy cũng được, tiếp tục trì chú thôi. Và tôi trong bộ đồ Phật tử màu nâu sẫm, ngồi xếp bằng, xoa hai tay vào nhau cho đỡ lạnh rồi xoa sơ sơ lên mặt. Tiếp đó tôi chắp tay, ngồi thẳng lưng và bắt đầu đọc Chú Đại Bi.

Tôi cứ đọc hăng say, mắt thỉnh thoảng nhìn lên kính xe phía trước, thấy xe đang bắt đầu vào khúc ngoặt nghèo nhất của Đèo. Lúc đó khoảng 1h đêm, sương mù trắng toát. Dù xe mở đèn sáng chưng nhưng khi 2 xe ngược chiều phải gần nhau vài mét, xe này mới thấy rõ xe phía bên kia.

Bởi thế, tôi thấy bác tài xế cứ chồm người ra phía trước mỗi lúc ôm khúc cua để nhìn đường cho rõ.

Tôi ngồi phía bên phải, thấp thoáng trong sương chỉ thấy dãy con lươn ngăn mép vực thẳm. Sương mù dày đặc đục mờ không thấy rõ đường mà chạy…

Bất ngờ, vụt ra từ màn sương mù, một chiếc xe chạy ngược chiều lao tới, lù lù như sắp cắm thẳng vào xe tôi đang đi.

Trong khoảnh khắc 2 xe chuẩn bị đâm sầm vào nhau, tim tôi như rơi ra ngoài. Nhanh như cắt, bác tài đảo vô lăng tránh xe đối diện, đầu xe lao sang phải – hướng có bờ vực.

Bên trái là xe đối diện lao tới, bên phải là bờ vực thẳm, trước mặt sương trắng mù mịt, chiếc xe vẫn vụt tới với tốc độ vun vút, còi hai xe rú lên thay cho tiếng la thất thanh…

Tôi sợ đến đứng tim, miệng bất giác niệm như hét lên: “Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát”.

Chớp mắt, hai xe đã tránh được nhau, không có cái nào rơi xuống vực. Qua khúc cua, bác tài lách đầu xe qua trái, hướng vào phía bên đường sát vách núi, giảm tốc độ lại. Qua khỏi khúc cua ngoằn ngèo đó thì đường sáng sủa hơn, đường đi cũng dần hiện rõ hai chiều…

Bác tài lúc này cũng lấy lại bình tĩnh, trút một hơi thở nhẹ nhõm. Ông giơ tay phải tự vuốt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, giũ xuống sàn. Liền đó ông ngoảnh mặt qua phải nhìn ra phía sau và thấy tôi.

Tất cả mọi người có thể do mệt, hoặc say xe nên vẫn ngủ say, chỉ có mình tôi vẫn thức đang ngồi đó chứng kiến từ đầu đến cuối.

Thấy bác tài nhìn qua, tôi liền giơ ngón tay cái lên ý là khen ông giỏi. Ông như hiểu ý và gật đầu đồng cảm với tôi.

Tôi xuống xe ở Đức Trọng, lúc này cậu lơ xe mới thức và cũng không biết chuyện đã xảy ra. Tôi di chuyển dần ra cửa, ngồi ngay bậc lên xuống, và không tiếc lời khen ngợi tay lái lụa của bác tài.

Ông chỉ khẽ cười và lắc đầu, bao năm trong nghề, ông biết, không ai vỗ ngực mà ỉ vào tài mình được. Trong tích tắc mọi chuyện đều có thể xảy ra, dù là với tay lái thiện nghệ nhất. Đã có rất nhiều người …

Tôi rút túi tặng ông 200 ngàn, ông từ chối không lấy. Tôi đành nhét cho cậu lơ xe và dặn cậu hãy chia cùng bác tài. Nhẹ nhõm rời khỏi xe, tiếp tục hành trình đi chùa một mình.

Nam Mô Đại Từ Đại Bi, Tầm Thinh Cứu Khổ, Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát !

Theo tamhuongphat.com/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

271 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog