Ma là gì, có thật không? Quan điểm về ma quỷ và địa ngục theo Phật giáo
Pháp Giới 11 tháng trước

Ma là gì, có thật không? Quan điểm về ma quỷ và địa ngục theo Phật giáo

Ma là gì? Ma quỷ và địa ngục có thật hay không? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu quan điểm về ma quỷ và địa ngục qua góc nhìn Phật giáo trong bài viết dưới đây.

1. Ma là gì?

Chữ Ma do chữ Phạn Mâra mà ra. Tiếng Tây tạng là bDud, người Nhật cũng gọi là Ma hay Hajun, tiếng Hán là Mo hay Mó, nhưng người Trung quốc thường âm từ tiếng Phạn và gọi là Ma-la, vần r không có trong tiếng Trung hoa nên người Trung hoa thường gọi là Ma-la thay vì là Ma-ra. Kể dài dòng ra như thế để thấy rằng không phải chỉ có người Việt Nam ta mới thấy Ma.

Kinh sách định nghĩa chữ Ma (Mâra) là Quỷ sứ cám dỗ, một thứ Quỷ tinh ranh tượng trưng cho những xu hướng tâm thần bấn loạn và lầm lẫn, cản trở con đường tu tập của một hành giả.

Phổ diệu Kinh (Latitavistara), là bộ kinh kể lại cuộc đời của Đức Phật, cho biết Ma đã từng dùng mọi xảo thuật ma quái để quấy nhiễu và cản trở không cho Vị Phật tương lai là Đức Thích-Ca Mâu-Ni đạt được Giác ngộ. Trong đêm trước khi Ngài thành Phật, Ma dẫn ba con ma nữ đến quyến rũ Ngài, lại đưa ma quân đến để ném đá như mưa vào Đức Phật. Tên cầm đầu đòi Đức Phật phải nhường ngai lại cho hắn, vì hắn nhất định bảo rằng không có gì chứng thực Phật đã đạt được Giác ngộ. Phật liền dùng tay phải chạm xuống mặt đất, mặt đất liền bị chấn động và rung chuyển ầm ầm, chứng minh cho sự Giác ngộ đích thực của Ngài. Cả đàn Ma liền biến mất như bị phù phép vậy.

Như vừa kể trên đây, nếu ta có ma quân… thì ta cũng phải có tên cầm đầu tức là Ma vương. Ma vương cũng là cách dịch khác của chữ Mâra. Ma vương là Vua các loài Thiên ma, ngụ ở cảnh trời gọi là Tha-hóa Tự-tại thiên (Paranirmitavasavartin), tức là cảnh trời thứ sáu trong cõi Dục giới, một cảnh giới thấp nhất trong Tam giới. Ma vương có phép thần thông, chuyên dùng ma thuật để phá rối, ngăn cản sự tu tập của những vị Bồ-tát. Ma vương còn có tên là Ma vương Ba-tuần, tức là tên của Tha-hóa Tự-tại thiên vương.

Vậy theo Kinh sách, có bao nhiêu thứ Ma tất cả? Thật ra Ma nhiều lắm, nhưng tựu trung được phân loại ra làm bốn thứ. Có vài khác biệt trong cách định nghĩa của bốn loại Ma giữa Thừa Kinh điển (Sutrayana) và Kim cương thừa (Vajrayana). Vì thế nếu đem cộng lại sẽ có đến tám thứ Ma (Bát ma).

Theo Thừa Kinh điển (Sutrayana) có bốn loại Ma (Tứ ma) là:

1. Ma cấu hợp (Skandhamara): đó là thứ ma quái làm cơ sở cho khổ đau và cái chết mà ta phải gánh chịu trong cõi luân hồi. Con ma đó gọi là con ma gánh chịu cái chết. Kinh sách tiếng Hán gọi là Ấm ma, Uẩn ma, hay Ngũ chúng ma.

2. Ma dục vọng (Klesamara): bao gồm những dục vọng, ham muốn, thèm khát, xui khiến ta phạm vào những hành vi tiêu cực, tạo ra nghiệp xấu, thu ngắn kiếp nhân sinh, đưa ta vào vòng khổ đau của cõi luân hồi. Đó là con ma đưa đến cái chết, kinh sách gốc Hán gọi là Phiền não ma.

3. Ma thần chết (Mrtyumara): đó là sự hủy hoại, cứu cánh tất nhiên của sự sinh, hậu quả của bản chất cấu hợp của mọi hiện tượng, tức là quy luật Vô thường. Con ma này có tên là con ma vô thường, kinh sách tiếng Hán gọi là Tử ma.

4. Ma con trời (Devaputramara): bao gồm những thứ ma làm cho ta đãng trí, phân tâm, xúi dục ta bám víu vào ảo giác bên ngoài làm cản trở sự tu học. Đó là con ma bấn loạn, kinh sách tiếng Hán gọi là Tha-hóa Tự-tại Thiên tử ma, gọi tắt là Thiên ma, tức thần thánh tay sai của Thiên-hóa Tự tại vương.

Theo Kim cương thừa (Vajrayana) tứ Ma lại được định nghĩa khác hơn:

1. Ma xiềng xích (tiếng Tây Tạng: thogs-bcas-kyi bdud): con Ma này rất hung tợn và lộ liễu, gây ra phiền não, binh tật và chướng ngại bên ngoài. Đây là con Ma của sự bám víu và ghét bỏ đối với những vật thể và hiện tượng chung quanh. Con ma này luôn luôn tìm cách trói buộc ta vào những thứ ấy. Kinh sách tiếng Hán gọi con ma xiềng xích là Phiền não ma.

2. Ma thả lỏng (tiếng Tây Tạng: thogs-med-kyi bdud): đó là ba thứ nọc độc chính và năm thứ nọc độc phụ, tức là những dục vọng chính yếu và thứ yếu, những tư tưởng hay tư duy bấn loạn chưa được khắc phục, xâm chiếm tâm thức ta và gây ra khổ đau cho ta. Kinh sách gốc tiếng Hán gọi con ma này là Tâm ma.

Xem Thêm:   Truyện Phật giáo: Vua Trời hỏi Phật

3. Ma khánh hỷ (tiếng Tây Tạng: dga’-brod-kyi bdud): đó là con ma đội lốt hân hoan, vui thích, thỏa mãn với chính mình, xem ta hơn cả mọi người, xúi dục ta bám víu vào những kết quả và kinh nghiệm thiền định đã thực hiện được và cho đấy là cao siêu, rồi trở nên hãnh diện, không chịu cố gắng tu tập thêm. Kinh gốc tiếng Hán gọi là Thiện căn ma.

4. Ma kiêu căng (tiếng Tây Tạng: snyems-byed-kyi bdud): đó là con ma ngạo mạn, tự mãn, tự kiêu, tự đại. Đấy là bản chất căn bản của con ma mang tên là cái ta, cái tôi, cái ngã. Kinh sách gốc tiếng Hán gọi là Tam muội ma.

Có sách (Kinh Hoa nghiêm sớ sao) còn phân chia Ma ra làm mười thứ gọi là Thập ma, trong số mười loại ma này nhiều thứ đã được liệt kê trên đây, tuy nhiên cũng xin kể ra hết theo thứ tự như sau:

  • Uẩn ma
  • Phiền não ma
  • Nghiệp ma: tức các nghiệp tiêu cực ngăn trở việc tu tập
  • Tâm ma
  • Tử ma
  • Thiên ma
  • Thiện căn ma
  • Tam muội ma
  • Thiện trí thức ma: tức là những kẻ thông hiểu được đạo lý, nhưng vì ích kỷ tham tiếc đạo lý ấy mà giữ riêng cho mình, chẳng chỉ dạy cho kẻ khác. Những kẻ như thế cũng được xem là một loại ma.
  • Bồ-đề Pháp-trí ma: là những kẻ tuy đã phát lộ được trí tuệ, nhưng vẫn còn chấp trước không quán thấy được chính đạo.

Đã nói đến danh từ và định nghĩa thì cũng mạn phép kể ra thêm:

Ma cảnh: khung cảnh do ma quái tạo ra để phỉnh gạt và ngăn trở người tu hành.

Ma chướng: những chướng ngại, ngăn chận việc tu hành và sự thăng tiến của trí tuệ.

Ma duyên: còn gọi là ác duyên, tức là những xui khiến đưa đến nghịch cảnh, bất lợi hay độc hại.

Ma đàn: là sự bố thí của ma, không phải là của người. Đó là sự bố thí của những kẻ mang lòng tà, lòng tham, cầu danh, cầu lợi mà bố thí, sợ oai lực của ma quỷ mà bố thí, muốn tránh tại nạn mà bố thí. Loại ma này nhan nhản chung quanh ta, rất dễ thấy, không cần đến kính chiếu yêu. Chữ Ma đàn nghịch nghĩa với chữ Phật đàn, tức là bố thí mà không biết là đã bố thí, không biết bố thí cái gì và bố thí cho ai, bố thí chỉ vì lòng từ bi vô biên mà thôi. Bố thí như thế còn gọi là Bố thí Ba-la-mật.

Ma đạo: đường đi của ma, chốn lui tới của ma, còn gọi là ma giới, tức cảnh giới của ma.

Ma lực: sức mạnh tiêu cực, kích động những hành vị xấu hay hung ác.

Ma ngoại: là những kẻ phỉ báng, chê bai Đạo pháp.

Ma Phạm: (Mâra hay Brâma) tức là Ma vương ở cõi Phạm vương, gọi tắt là Ma Phạm. Chữ Ma vương đã được giải thích trên đây, đó là Thiên-hóa Tự tại vương, còn Ma Phạm hay Phạm vương hay Phạm thiên vương (Mahabrahma) là vị Chúa tể của cõi Ta-bà, quyền lực của Ma Phạm hay Phạm thiên vương vượt lên vị thế cao nhất trong cõi Dục giới, cai quản và điều hành cả thế giới này. Kinh điển gốc Hán gọi Ngài là Ngọc Hoàng Thượng đế.

Ma thiền: phép thiền định tà mị, sai lầm, liên hệ với ma quỷ, đi ngược với chánh đạo.

Ma thuật: nói chung là những hành vi mê tín, dị đoan, phản khoa học.

Ma sự: ý nghĩa của ma sự khá rắc rối, đại cương là những sự việc, những hành vi sai lầm, ngăn cản sự tu học trên con đường chánh Pháp. Những người thực thi ma sự có thể xem như những con ma chạy theo lục trần: yêu sắc đẹp, thích tiếng êm tai, ưa thích mùi thơm, miếng ngon, thích đụng chạm và sờ mó những gì ưa thích, ước mong những cảnh huống tiện nghi sang trọng. Ma sự cũng là những cám dỗ kích động người tu hành phá giới, chạy theo danh lợi, sắc dục. Ma sự cũng có thể dùng để chỉ người ngồi thiền u mê và ngủ gục, hoặc trụ vào những cảnh hiện ra khi thiền, hoặc cảm thấy bấn loạn trong tâm thức, thấy cảnh dữ mà bỏ thiền… Ma sự cũng dùng để ám chỉ những người đã xuất gia tu hành nhưng còn ham thích luận bàn thế sự, chiến tranh, tình yêu nam nữ, hoặc xu nịnh bọn cư sĩ và bá tánh lui tới chùa có nhiều của cải, cúng dường nhiều, hoặc vướng vào phép bói toán, đoán số mệnh, ếm ma, trừ quỷ…

Ma là gì, có thật không? Quan điểm về ma quỷ và địa ngục theo Phật giáo

2. Quan điểm về ma quỷ và địa ngục qua góc nhìn Phật giáo

Qua các câu chuyện ma rùng rợn của ông bà kể lại, thì 2 khái niệm địa ngục và ma quỷ đã in sâu vào trong tâm trí của mỗi người. Nếu cách đây vài chục năm khi hỏi ai đó có tin là “ma có thật không?” hay “địa ngục có thật không?” thì tôi nghĩ 95% đều tin là có thật.

Xem Thêm:   Điều gì tạo nên phước sung mãn ở mai sau?

Nhưng ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của internet, chúng ta có thể tiếp cận nhiều kiến thức mới trên thế giới, những giải thích mang tính logic và khoa học đã ít nhiều định hình lại tư tưởng của nhiều người. Và giờ đây, cũng với câu hỏi đó nhưng họ sẽ cần thêm những bằng chứng rõ ràng thực tế chứ không phải là những câu chuyện ma mà ông bà hay kể cho con cháu nghe thuở bé nữa.

Để giải đáp cho thắc mắc này, chúng tôi đã tìm đến những video của các nhà sư Phật giáo Việt Nam, để xem góc nhìn về vấn đề này trong cộng đồng Phật giáo hiện đại của chúng ta như thế nào. Sau đây là những quan điểm về ma quỷ và địa ngục của các thầy mà chúng tôi tổng hợp được.

Quan điểm của thầy Thích Giác Hạnh

Thầy Thích Giác Hạnh là người mà chúng tôi cảm thấy là có niềm tin mãnh liệt vào sự tồn tại của ma quỷ trong số những nhà sư mà chúng tôi tìm hiểu. Có rất nhiều bài giảng của thầy đề cập đến ma quỷ và địa ngục. Qua các câu chuyện kể trong các bài kinh mà thầy đã đọc, những lần tiếp xúc với những người bị ma nhập hay trực tiếp gặp ma của thầy.

Điều này có thể là do thầy Thích Giác Hạnh có tuệ nhãn hay một năng lực đặc biệt nào đó có thể giao tiếp với thế giới vô hình. Hay đó chỉ là sự ảo tưởng do quá trình trải nghiệm cuộc sống của thầy gắn liền với các câu chuyện và hiện tượng huyền bí, đã khiến thầy có niềm tin mãnh liệt ma là có thật!

Quan Điểm Của Thầy Thích Phước Tiến

Địa ngục (Niraya – Naraka) không phải là ngục tù dưới lòng đất. Địa ngục là một thế giới tối tâm, đầy đủ những điều thống khổ, vô minh và nhiều ác nghiệp. Địa ngục là một trong 3 con đường khổ đau, tam đồ khổ bao gồm: Địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.

Những chúng sinh phạm nhiều sai lầm, gây nhiều tội ác sẽ tái sinh vào 1 trong 3 cõi này. Và Đức Phật không tạo ra địa ngục, có rất nhiều thế giới mà Đức Phật đã nhìn thấy và trong số đó, Ngài nhìn thấy thế giới mà những chúng sinh tạo nhiều ác nghiệp rơi vào, đó là địa ngục.

Địa ngục là thế giới của nghiệp lực. Nghiệp lực xấu sẽ cộng hưởng trong một môi trường như vậy, và chấp nhận những niềm đau như vậy.

Địa ngục ở đâu? Địa ngục có thật không?… Giống như hỏi không khí có hay không hay nhân quả có không? Trong kinh điển diễn giải rất kỹ địa ngục, chỉ có Đức Phật có thần thông mới có thể thấy và đi đến đó được. Và thế giới này không phải nằm trên trái đất như chúng ta. Những chúng sinh làm nghiệp xấu sẽ xuống địa ngục, khi đọa vào địa ngục với thời gian bao lâu thì mới được tái sinh chứ không phải bị hành hạ dưới địa ngục mà chết được.

Ngạ quỷ hay cô hồn là một trong 6 cõi luân hồi, và đây là một chân lý tồn tại không phụ thuộc vào việc có con người hay không. Sau khi chết, linh hồn sẽ trải qua giai đoạn trung gian gọi là thân trung ấm, sau đó linh hồn sẽ phải tái sinh vào một trong 6 cõi tuỳ theo nghiệp của họ. Ngạ quỷ là những chúng sinh tạo nghiệp xấu nên bị tái sinh vào môi trường xấu.

Ma quỷ mà chúng ta đang đề cập ở đây là thế giới ngạ quỷ hay quỷ thần chứ ko phải hiện tượng ma dựa nhập mà dân gian thường nói, đó chỉ là hiện tượng rối loạn tâm thần.

Khái niệm về địa ngục trong thuở bé đã in sâu vào trong tâm trí nhiều người, thậm chí đi chùa chúng ta cũng nghe nhắc đến hoặc nhìn thấy những hình ảnh về 18 tầng địa ngục (Thập điện minh vương). Một số tôn giáo khác cũng đưa ra hình thái về địa ngục, những người tốt sẽ lên thiên đàng còn những người không tốt sẽ bị đầy xuống địa ngục, 2 mặt đối lập giữa thiện và ác, hạnh phúc và khổ đau.

Trong đạo Phật, các văn bản kinh điển có đề cập đến địa ngục nhưng rất ít Phật tử tiếp cận để tìm hiểu sâu sắc về vấn đề này. Thậm chí nó còn gây tranh cãi trong nội bộ Phật giáo, cũng những người xuất gia nhưng họ cho rằng không có địa ngục.

Người cho địa ngục không có thật thì cho rằng đó chỉ là trạng thái của tâm mà thôi. Hay nói cách khác, tâm thánh thiện, thanh tịnh sẽ tạo ra cõi Phật, Bồ tát… và ngược lại.

Một số người phê bình Kinh Địa Tạng, kinh điển của Đại Thừa sử dụng cho việc cầu siêu, ma chay, tuần thất, đám giổ. Kinh điển dùng để cúng cho những người sau khi qua đời, giúp họ tái sinh vào cõi an lành hoặc chuyển hoá bớt nổi khổ đau.

Xem Thêm:   Sám hối có mấy cách? Các pháp sám hối tùy căn cơ mỗi người

Một số người cho rằng, Phật giáo Trung Quốc bịa ra địa ngục, điều này làm cho thầy rất đau lòng. Trung Quốc chưa đủ khả năng để sáng tạo hay bịa ra một hình thái địa ngục trong Kinh Địa Tạng. Và Địa Tạng Bồ Tát có thể là do người Trung Hoa sáng tạo ra chỉ vì tính thiện thôi, như một phương tiện giúp chúng ta có một hướng bám vào để cầu cúng tín ngưỡng, giúp họ vơi đi nỗi buồn khi người thân qua đời.

Kinh Địa Tạng diễn tả lại rất chính xác những kinh điển xưa, và Kinh Pháp Cú, một kinh điển quan trọng của Phật giáo Nguyên Thuỷ cũng nói về địa ngục. Do đó, không phải kinh nào mà dịch sang chữ Hán thì đa số là nguỵ tạo của Trung Quốc.

Những vị tổ sư Trung Hoa không tài nào mà sáng tạo được, nếu không có cái nhìn của các vị tuệ giác, bằng thiên nhãn thấy mọi thế giới thì không tài nào dựng lên như thế được.

Như vậy từ kinh điển Nguyên Thuỷ cho đến kinh điển Đại Thừa đều nói về địa ngục. Người học Phật mà phân vân chuyện này thì rất đau buồn. Hình thái địa ngục không có lỗi, những người nói chết là hết hoặc địa ngục không có thật và chỉ là một cách đe dọa hay trạng thái của tâm thì rất nguy hiểm. Hình thái địa ngục ghê gớm như vậy mà còn không ngăn được con người phạm phải những sai lầm trong cuộc sống, nếu phủ nhận về địa ngục thì thế giới này sẽ hỗn loạn.

Quan điểm của thầy Thích Trí Huệ

Theo thuyết luân hồi, thì sau khi chết tâm và thân độc lập nhau, không còn liên quan với nhau nữa. Như vậy thì cái tâm lúc tách khỏi thân mà chưa tái sinh khỏi cảnh giới khác ta gọi là thân trung ấm hay nói cách khác là ma.

Theo một nhà khoa học Nga, thì khi một trạng thái này chuyển sang trạng thái khác đều có thời gian chuyển trạng thái, ta gọi là Delta T. Như vậy từ cảnh giới này sang cảnh giới khác thì phải trải qua trạng thái trung gian, vì thế ma quỷ là có thật. Đó là dòng năng lượng của tâm, và thân trung ấm hay thân trung hữu là thời gian chuyển trạng thái.

Chúng ta có nhìn thấy ma không? Thông thường có 2 trường hợp mà chúng ta cho là đã nhìn thấy ma. Một là do tâm thức và hai thấy qua ảo tưởng.

Trường hợp 1: Con mắt tiếp nhận hình ảnh lên võng mạc rồi đi vô bên trong và hoá giải bằng các tín hiệu thần kinh. Đi qua não xử lý và đưa ra nhận thức. Nếu não bị vấn đề nó sẽ tạo ra ảo tưởng khiến chúng ta ngộ nhận là thấy ma.

Trường hợp 2: Ma mà chúng ta nói là một thứ tồn tại độc lập với chúng ta, có chúng ta hay không thì nó vẫn hiện hữu. Đây gọi là biện chứng, nó không lệ thuộc vào ta, độc lập phân li với ý và thân của ta. Chúng ta không nói về ma theo kiểu thân và tâm tạo ra ảo tưởng. Đa phần chúng ta bị bệnh ảo tưởng khi nhìn thấy ma. Nhưng thấy ma theo kiểu độc lập thì rất hiếm và chúng ta nói cũng có thể có vì chúng ta không thể chứng minh một cách rõ ràng được.

Kết Luận

Ma có thật không? Địa ngục có thật không? Cõi Tây Phương có thật không? Đức Phật có phải là một người siêu việt có thần thông không? Mặt trời có khi nào tắt lửa? Cũng có thể!

“Nếu phân tích khoa học chứng minh một số tuyên bố trong Phật giáo là sai, thì chúng ta phải chấp nhận những phát hiện của khoa học và từ bỏ những tuyên bố đó.” Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.

Là một Phật tử, chúng ta nên thực hành theo các giáo lý của Phật giáo để tìm cho mình sự bình an, hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại hay là cố gắng đạt giác ngộ để có thể nhìn thấy rõ bản chất thật của sự tồn tại. Là một nhà sư truyền bá Phật giáo, chúng ta nên chú trọng vào các bài giảng ý nghĩa thông qua các câu chuyện gần gũi, thú vị nhằm truyền tải thông điệp của đạo Phật đến bà con Phật tử một cách dễ dàng hơn hay là chú trọng vào việc xác định xem đâu là sự thật, đâu lời dạy của Đức Phật!

Mỗi người sẽ có một lựa chọn cho riêng mình. Hãy uống một ly nước ấm, tận hưởng ánh nắng và không khí trong lành buổi sớm mai để bắt đầu một ngày mới tốt đẹp.

Theo Tâm Hướng Phật/ Tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

15 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog