Pháp Giới 12 tháng trước

Lục độ Ba la mật là gì? 6 phương tiện đưa người qua bờ giác

Lục độ Ba la mật là pháp tu của hàng Bồ Tát, được hiểu một cách khái quát là sáu phương tiện đưa người qua bờ bên kia, tức từ bờ mê qua bờ giác.

1. Lục độ Ba la mật là gì?

Lục độ Ba la mật là pháp tu của hàng Bồ tát, được hiểu một cách khái quát là sáu phương tiện đưa người qua bờ bên kia, tức từ bờ mê qua bờ giác. Tuy nhiên, ý nghĩa “qua bờ kia” chưa diễn đạt hết tinh tuý của từ Ba-la-mật, vì Bồ tát không chỉ an vị tại bờ giác, mà mục đích tu hành của Bồ tát là một mặt tự hoàn thiện mình, một mặt cứu độ chúng sanh. Các Ngài làm tất cả các Phật sự nhưng không có tâm mong cầu kết quả, không chấp trước vào người làm, vào phương tiện làm và vào chúng sinh là đối tượng của việc làm. Đây là đạo đức vô hành, là tam luân không tịch, là vô sở cầu vô sở đắc.

Ba-la-mật cũng là mật hạnh, đại hạnh của Bồ tát. Nếu dùng bố thí độ xan tham, trì giới độ phá giới…. thì còn hạn chế trong việc đối trị; ở đây, lục độ với tinh thần Ba-la-mật có sự hài hòa giữa trí tuệ, từ bi và hùng lực. Bằng trí tuệ, Bồ tát thấy tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, nhưng do mê muội không nhận ra, nên mãi tạo nghiệp và trầm luân trong sanh tử. Vì thế, Bồ tát phát khởi lòng từ bi, nguyện độ tận chúng sinh trong ba cõi sáu đường. Có từ bi, các Ngài có đủ hùng lực, thi thiết mọi phương tiện quyền xảo tùy căn cơ giáo hóa chúng sinh, dù bao nghịch cảnh vẫn không thối chí.

Ba-la-mật còn có nghĩa là cứu cánh, rốt ráo. Mục đích cuối cùng của đời tu, cũng như bản hoài của chư Phật đối với tất cả chúng sanh, là nhận ra và hằng sống với bản tâm thanh tịnh thường nhiên của chính mình. Đó là Phật tánh, chân tâm, bản lai diện mục… Nhận ra bản tâm là chánh nhân thành Phật, hằng sống trọn vẹn với bản tâm là viên mãn Phật quả.

Lục độ Ba-la-mật gồm sáu phương tiện:

– Bố thí Ba-la-mật
– Trì giới Ba-la-mật
– Nhẫn nhục Ba-la-mật
– Tinh tấn Ba-la-mật
– Thiền định Ba-la-mật
– Trí huệ Ba-la-mật

2. 6 phương tiện đưa người qua bờ giác

Bố thí Ba la mật

Bố thí là Ba la mật đầu tiên. Thực hành bố thí tạo cơ hội cho Bồ Tát được công đức hay phước báu gấp đôi đó là, một mặt nó diệt trừ những tư tưởng bất thiện của lòng ích kỷ, và mặt khác nó làm phát triển những tư tưởng thuần khiết của lòng vị tha.

Mục đích của bố thí là để diệt trừ tham ái ngủ ngầm trong tâm chúng ta; ngoài ra nó còn có những phước báu của bố thí đi kèm như tâm hoan hỷ phục vụ, đem lại hạnh phúc, niềm an ủi và xoa dịu khổ đau.

Vị Bồ Tát luôn mở rộng lòng thương không phân biệt trong lúc thực hành bố thí, đồng thời cũng không quên dùng óc suy xét sáng suốt của mình trong lúc bố thí.

Bố thí ba la mật hay bố thí không trụ tướng trong tiếng Phạn là Dana paramita. Nó bao gồm 3 phương diện được gọi là Tam Luân Không Tịch. Tức là không thấy người cho, vật cho và người nhận. Đây là 3 yêu cầu để người thực hành bố thí ba la mật không vướng dính vào cái tôi của mình.

Tam Luân Không Tịch có thể tạm hiểu là: Trước tiên không được quá đề cao hành động của mình, cho rằng mình đã có lòng tốt với ai đó. Không được xem rằng ai đó đã nợ ơn ta và mong họ sẽ chịu ơn và đền ơn. Không nên đánh giá thứ mang đi trao tặng cho rằng nó có giá trị hay là không. Thứ gì mình có thể cho thì hãy cho, và khi trao đi rồi thì không còn nghĩ về nó nữa.

Có thể nói bố thí Ba la mật không có thái độ chấp ngã, tại thời điểm, không gian đó, ta làm một việc nghĩa đó cho con người đó là việc đã xong, ai đó có biết ơn mình hay không là chuyện của họ, mình không nên quan tâm.

Dù 2 nguồn kinh điển Pali và Đại Thừa có quan điểm khác nhau về bố thí ba la mật, thì điểm trọng yếu mà chúng ta cần lưu tâm là: Khi làm 1 việc nghĩa, việc thiện chúng ta nên hiểu rõ là chúng ta đang làm cho chính mình để hoàn thiện đạo Bồ tát, từ đó hướng đến quả vị giác ngộ – giải thoát. Cuộc đời này giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình chứ không phải là đang giúp đỡ ai cả. Hiểu được điều này thì khi cho đi điều gì đó tâm chúng ta thanh thản, nhẹ nhàng hơn.

Trì giới Ba la mật

Xem Thêm:   Cách tụng Thần Chú Dược Sư tại nhà

Theo tinh thần Bồ Tát Đại thừa, trì giới có ba trình độ: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới.

Nhiếp luật nghi giới là nghiêm trì giới luật, gìn giữ oai nghi, thu nhiếp thân tâm thì người khác dễ sinh lòng quí kính, từ đó dễ cảm hoá thu phục họ. Đây là các Bồ tát thuận hạnh, dùng thân giáo làm lợi ích cho người; nhưng nhờ giữ oai nghi tịnh hạnh mà chính mình cũng dễ thăng tiến trên đường tu.

Nhiếp thiện pháp giới là vận dụng nhiều phương tiện giúp đỡ người khốn khó nhằm chinh phục tâm lý người, sau đó giáo hoá người biết hướng tu hành.Việc làm này chủ yếu là lợi tha, đòi hỏi Bồ tát phải có nhiều khả năng và kiến thức trên nhiều phương diện. Ngũ minh là một đòi hỏi đúng đắn để Bồ tát có nhiều cơ hội giúp đời giúp người, nhất là trong thời đại khoa học công nghệ ngày nay: Nội minh là giáo điển nhà Phật; Ngoại minh là kiến thức thế gian; Y Phương minh là hiểu biết về y khoa để bảo vệ sức khoẻ cho người; Công xảo minh là hiểu biết về các nghề nghiệp từ thủ công đến khoa hoc kỹ thuật; và Thanh minh là ngoại ngữ để dễ giao tiếp với người nước ngoài.

Đỉnh cao của hạnh Trì giới là Nhiêu ích hữu tình giới, Bồ tát nguyện dùng chánh pháp hoá độ tất cả chúng sinh cùng khắp pháp giới. Bằng trí tuệ, Bồ tát biết rõ mọi hàm linh đều có chủng tử giác ngộ. Đây là hạt giống có sẵn; nếu gặp điều kiện thuận lợi, hạt giống sẽ nảy mầm thành cây, đơm hoa kết quả. Nếu chưa đủ điều kiện, hạt giống ở dạng tiềm ẩn, nhưng chưa bao giờ mất. Đại nguyện của Bồ tát là khơi dậy những hạt giống đang ngủ ngầm và tạo điều kiện để chúng đâm chồi nảy lộc. Kinh thường diễn tả cảnh các vị Bồ tát đến nơi pháp hội của Đức Phật, vị nào cũng có quyến thuộc đi theo. Quyến thuộc ấy là những chúng sinh hữu duyên được Bồ tát giáo hoá từ nhiều kiếp. Bồ tát hành hạnh nhiêu ích càng nhiều, quyến thuộc của Ngài càng đông đảo.

Để mang đầy đủ ý nghĩa Ba-la-mật, ba hình thức trì giới nói trên phải phù hợp tinh thần tam luân không tịch; Bồ tát làm lợi ích cho người nhưng không chấp ngã và chấp các pháp là thật có, nên không thấy thật có mình là người làm, thật có việc đang làm và thật có chúng sinh là đối tượng của việc làm ấy.

Nhẫn nhục Ba la mật

Nhẫn nhục Ba la mật là một trong những pháp thực hành quan trọng nhất của con đường Bồ tát. Khi tâm khởi sân hận, bạn cần trực diện quán chiếu sân hận, nó sẽ biến thành Đại viên cảnh trí. Bằng trí tuệ quán chiếu, sự giận dữ không còn nữa. Nguyên nhân cho sự tức giận đã biến mất. Đó là phương pháp hữu hiệu nhất để đối trị sân giận. Nếu chưa thể dùng trí tuệ như vậy, hãy tư duy quán niệm đúng đắn để khi có ai kích động, hãy nhớ: “Đây là một người thầy vĩ đại vì người này đã cho tôi cơ hội tuyệt vời để thực hành nhẫn nhục”. Bạn phải thật mạnh mẽ với quyết tâm của mình để có thể thực hành điều này. Có những hoàn cảnh đặc biệt bạn cần phải thực hành hạnh nhẫn nhục.

Trước hết, khi bạn đang đau khổ tột cùng, đừng bao giờ buông xuôi và nản chí. Bạn cần lạc quan tiếp tục thực hành thiện hạnh và cần kiên trì thực hành Phật pháp. Khi mọi điều thuận lợi suôn sẻ đến với mình, bạn cũng không nên khởi tâm kiêu mạn về bản thân. Bạn cần biết vì sao mình có được hạnh phúc và biết tri ân những gì mình đang có. Nhưng bạn cũng cần quán chiếu về lẽ vô thường để hiểu rằng tất cả những điều tốt đẹp này cũng đều là vô thường, không bền lâu. Nếu những người khác làm tốt hơn bạn, thay vì buồn rầu, bạn cần khởi tâm hoan hỷ như chính mình đang thành công giống như họ. Bởi vậy, bất cứ một tình huống nào xảy ra trong đời sống, dù là thuận duyên hay nghịch cảnh, bạn đều nên sử dụng nó như một cơ hội để thực hành. Bằng cách này, bạn thuần thục với sự thực hành trong cuộc sống để chuẩn bị cho cái chết – sự thực hành vĩ đại nhất của đời người.

Tinh tấn Ba la mật

Bồ tát hạnh tiếp theo trong Lục độ là Tinh tấn Ba la mật, sự thực hành vô cùng quan trọng giúp bạn thành tựu các Ba la mật khác. Dù có một trí thông minh sắc bén, nhưng nếu bạn thiếu chuyên cần thì trí thông minh sẽ chẳng giúp ích gì cho bạn. Trí thông minh như lửa trên cỏ khô. Cỏ khô dễ dàng bén lửa, nhưng sức cháy lại không lâu, vì vậy không thể mang lại cho bạn bất cứ điều gì. Nhưng nếu bạn tinh tiến, nó sẽ giúp cho bạn một sự hiểu biết vững chắc ngay cả khi bạn không thực sự thông minh, nhanh nhạy. Nếu không tinh tiến thì sẽ không có phương pháp nào để thành công bất cứ điều gì. Chúng ta luôn giải đãi, thường viện cớ là mình bận việc, không có đủ thời gian, sức khỏe hay năng lực. Các bạn có thể đổ lỗi cho rất nhiều nguyên nhân. Và kết quả là bạn sẽ chẳng bao giờ làm nổi điều gì mà chỉ lãng phí cuộc sống quý giá này. Nhờ có được thân người vô giá, chúng ta có năng lực để thực hành thiện nghiệp, chúng ta được các bậc Thầy sách tấn, sự tu và học của chúng ta được cổ vũ, khích lệ. Chúng ta có biết bao nhiêu khả năng và vì thế không nên lãng phí thời gian mà cần nỗ lực tinh tiến không ngừng nghỉ để tu tập, rèn luyện trên hành trình giác ngộ.

Xem Thêm:   Ý nghĩa của danh hiệu A Di Đà Phật

Điểm cốt yếu của Chánh tinh tấn là tâm hoan hỷ. Khi chúng ta cảm thấy an vui với những việc mình đang làm thì đó thực sự là Tinh tiến Ba la mật. Sự hoan hỷ an vui cần xuất hiện từ bước khởi đầu của hành trình tu tập, luôn hiện hữu trong suốt quá trình tu tập, và liên tục duy trì đến khi kết thúc và thậm chí cả sau đó. Giống như cây dược liệu sẽ trổ những quả dược liệu. Nhân nào cho quả đấy. Để dẫn tới quả vị an vui giải thoát thì hành trình tu tập cũng cần an vui. Vì vậy, chánh tinh tấn là những nỗ lực không mệt mỏi được thực hiện trong sự an vui. Để có được điều đó, chúng ta phải biết trân trọng tất cả những gì mình đang thực hành. Dù đó chỉ là những thành tựu vô cùng nhỏ nhoi, nhưng với tâm trân trọng, chúng ta sẽ có được niềm hoan hỷ, lạc duyệt để tiếp tục tinh tiến trên con đường của Bồ tát, thực hành viên mãn Bồ đề tâm nguyện.

Thiền định Ba la mật

Trong 49 ngày đêm ngồi dưới cội cây Tất-bát-la bên dòng sông Ni-liên-thuyền, Đức Phật nhờ thiền định mà dứt sạch mối manh sinh tử, chứng quả Vô thượng Bồ Đề. Những vị đệ tử của Ngài cũng nhờ thiền định thành A-la-hán, không còn luân hồi trong ba cõi. Bồ tát thệ nguyện vĩnh kiếp ở trong trần lao giáo hóa chúng sanh, cũng phải nhờ thiền định để không bị nhiễm nhơ trần tục. Điều này cho thấy, thiền định là cốt lõi, là sức sống của Đạo Phật, là căn bản của công phu hành trì trong mọi tông phái.

Nội dung của thiền định là sự bình ổn nội tâm, không quay cuồng theo trần cảnh. Lục Tổ Huệ Năng trong kinh Pháp Bảo Đàn định nghĩa về thiền định như sau: “Ngoại ly tướng tức thiền, nội bất loạn tức định”. Thiền là bên ngoài không dính mắc vào các pháp, định là nội tâm không còn vọng tưởng lăng xăng. Thiền định không chỉ ở trong tư thế ngồi, mà ở bất cứ mọi nơi mọi lúc, nên là một thực tại bất ly thế gian. Trong thời đại văn minh khoa học mà tiện nghi vật chất được xem như nhu cầu thiết yếu, cuộc sống hối hả tranh đua làm con người ngày càng bị căng thẳng thần kinh, càng mất đi sự bình an cần thiết cho sức khỏe tinh thần. Bệnh tật của tinh thần kéo theo bệnh tật về thể chất, và thiền định chính là phương thuốc hữu hiệu có thể điều trị những bệnh về thân và tâm ấy.

Thiền định giữ tâm người tu bình thản an nhiên trước phong ba bão táp của cuộc đời. Đặc biệt đối với bát phong được xem như là thước đo định lực của người tu, nếu có thể bất động như gió thổi qua màn lưới thì mới là người đạt đạo. Cũng nhờ thiền định mà Bồ tát hững hờ với mọi cám dỗ lạc thú thế gian, nên làm tất cả phật sự mà không vướng vào danh lợi tài sắc. Từ đó, Bồ tát hít thở được không khí tự do đích thực phát xuất từ tâm thanh tịnh của chính mình.

Tiến thêm một bước, thiền định là phương tiện cho trí tuệ vô thượng phát sinh. Có những lúc toạ thiền, tâm hoàn toàn rỗng rang vắng lặng, người tu nhận ra từ trong cõi miền sâu xa của tâm thức, có một năng lực vận hành. Đây là cái BIẾT một cách trực tiếp và thấu thể về tất cả các pháp, biết không qua ý thức phân biệt nhị nguyên, khởi nguồn của TRÍ VÔ SƯ, đỉnh cao của cuộc đời tu hành. Tất cả giáo pháp của Đức Phật đều lưu xuất từ trí tuệ này, nên khi Bồ tát có một trình độ tâm linh khả dĩ, thì sự giáo hóa của các Ngài sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho quần sanh. Nhưng thiền định như thế nào mới khế hợp với tinh thần Ba-la-mật?

Thiền định Ba-la-mật là Bồ tát không chấp vào cảnh giới chứng ngộ. Nhà Thiền có câu “Gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma” để nhắc nhở người tu không được chấp trước, trú trước và nhiễm trước vào những cảnh giới sở chứng, vì đó chỉ là do tâm biến hiện. Bồ tát luôn học và tu theo tinh thần vô sở cầu vô sở đắc, nên không có niệm ưa thích niết bàn hay chán ghét địa ngục, nhờ vậy mới hoàn thành hạnh nguyện độ sanh.

Xem Thêm:   Phẩm Thứ 2: Thái tử Ma Ha Tát Đỏa đem thân cho cọp ăn – Kinh Hiền Ngu

Trí huệ Ba la mật

Trí huệ có nghĩa là sự hiểu biết chân chánh thực chất của thế gian, thấy các pháp như chúng thực sự là. Bồ Tát nỗ lực thu thập kiến thức từ mọi nguồn có thể được, mặc dù vậy, chưa từng có lần nào Ngài biểu lộ lòng mong muốn phô trương những kiến thức của mình, Ngài cũng chưa hề cảm thấy hổ thẹn nhìn nhận sự si mê của mình. Ðiều gì Ngài biết luôn luôn là để phục vụ tha nhân, và Ngài cũng sẵn sàng chia sẻ nó với mọi người không chút giấu giếm.

Trí huệ là gì? “Trí” phiên âm chữ phạn là Phã na; “Huệ” phiên âm chữ Phạn là Bát nhã. “Trí” có nghĩa là quyết đoán; “Huệ” có nghĩa là giản trạch, Tự điển Phật học Trung Hoa định nghĩa như sau: “Trí là biết Tục đế và Huệ là thông hiểu Chân đế”.

Cũng có thể nói: Trí là thể tánh sáng suốt trong sạch, Huệ là cái diệu dụng xét soi tự tại. Trí huệ Ba la mật là thể tánh sáng suốt có khả năng soi sáng sự vật một cách thấu đáo tinh tường đến nơi đến chốn, không thể sai lầm được.

Trí huệ như định nghĩa trên là trí huệ của đạo Phật, chứ không phải trí huệ phổ thông, thường dùng trong các sự học hỏi hiểu biết, suy luận hằng ngày trong đời.

Theo triết học Phật giáo, khả năng nhận thức có hai loại: Hiện lượng và tỷ lượng.

Hiện lượng: Là sự nhận biết trực tiếp không cần qua trung gian suy luận. Hiện lượng lại chia làm hai:

– Chân hiện lượng, là nhận thức trực tiếp mà đúng.

– Tợ hiện lượng, là nhận thức trực tiếp mà sai

Tỷ lượng: Là sự nhận biết qua trung gian suy luận. Tỷ lượng cũng có hai thứ:

– Chân tỷ lượng, là lối hiểu biết bằng suy luận đúng đắn.

– Tợ tỷ lượng, là lối hiểu biết bằng suy luận mà sai lầm.

Hiện lượng của địa vị phàm phu rất kém cỏi và phần nhiều là tợ hiện lượng. Tỷ lượng của địa vị phàm phu lại còn kém cỏi hơn nữa và phần nhiều là tợ tỷ lượng. Ðứng về phương diện tính chất, đạo Phật chia trí huệ ra làm hai loại lớn là ” Căn bản trí” và ” Hậu đắc trí”.

Căn bản trí: Căn bản trí, là giác tính minh diệu mà mỗi chúng sinh vốn đã có sẵn, nhưng vì bị phiền não che lấp, nên chưa phát chiếu ra được. Có thể so sánh căn bản trí như là một chất kim khí quí báu (vàng, bạc) đang ở trong trạng thái khoáng chất, nằm lẫn lộn với đất đá (phiền não, vô minh).

Hậu đắc trí: Hậu đắc trí, là trí huệ có được nhờ công phu tu tập như trì giới, thiền định… Có thể so sánh Hậu đắc trí như chất kim khí (vàng, bạc) được lọc từ khoáng chất ra và không còn lẫn lộn với đất đá, bụi bặm nữa (phiền não, vô minh).

Theo Duy thức học, sau khi đạt đến địa vị Giác ngộ, nghĩa là có được “Hậu đắc trí”, thì tám thức chuyển thành bốn trí:

– Thức thứ tám, A lại da có tác dụng là chấp trì sanh mạng và chủng tử, được đạt đến địa vị vô lậu và biến thành “Ðại viên cảnh trí” (trí sáng như bức gương lớn và tròn đầy, tượng trưng cho biển cả chơn như).

– Thức thứ bảy, Mạt na có tác dụng là chấp ngã, biến thành “Bình đẳng tánh trí” (trí có năng lực nhận thức tính cách bình đẳng, vô ngã của vạn pháp).

– Thức thứ sáu, Ý thức có tác dụng là phân biệt, biến thành “Diệu quan sát trí” (trí có năng lực quan sát thâm diệu).

– Năm thức cuối (nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức) biến thành “Thành sở tác trí” (trí có năng lực nhận thức cùng khắp và thần diệu).

Lục độ Ba-la-mật vừa là pháp tu, vừa làm nên tinh thể của một vị Bồ tát. Trên đường tu Bồ tát hạnh-hành Bồ tát đạo, vị ấy phải có đủ đại trí, đại từ, đại bi, đại nguyện: Trên cầu Phật đạo, đạt giác ngộ tối thượng; dưới hóa độ tất cả chúng sanh trong ba cõi sáu đường. Nhờ trì giới, tinh tấn và thiền định, mà phát khởi trí huệ, thấu triệt bình đẳng tánh nơi muôn sự muôn vật, thấy mình và mọi loài chúng sanh không hai không khác. Bằng trí huệ, Bồ tát có khả năng xuất chúng về mọi phương diện, đồng thời phát khởi lòng từ bi, do vậy có thể nhẫn nhục để hành hạnh bố thí. Do làm tất cả hạnh nguyện với tinh thần Ba-la-mật, nên viên dung giữa mình và người, không có tâm mong cầu sở hữu. Vì nhân vô vi nên đạt quả cứu cánh, phương pháp tu của các Ngài vừa làm lợi ích cho mình, vừa giúp được cho người một cách trọn vẹn. Kính ngưỡng nhân cách vĩ đại của Bồ tát, chúng ta cũng nguyện noi gương các Ngài, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để tiếp bước trên con đường Đức Phật đã đi và đã đến đích.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

6 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog