Người sống ở đời biết khiêm tốn mới học hỏi được nhiều điều hay, tu dưỡng phẩm chất đạo đức thanh cao, để làm gương sáng cho người học hỏi bắt chước tu tập theo.
Đức Phật luôn giữ im lặng đối với những vấn đề siêu hình hay huyền học mà luôn luôn đề cao tinh thần thực tiễn. Quá thiên trọng về huyền hoặc thì sẽ thêm nhiều phiền não và dẫn đến không lối thoát vì tính rối rắm của chúng. Đức Phật cũng dạy chúng ta nên im lặng vì im lặng sẽ phát sanh trí tuệ và có im lặng thì sự sâu lắng càng cao. Ông cha ta cũng có câu: “Học ăn , học nói, học gói, học mở”.
Cho nên chúng ta phải biết khi nào thì im lặng, khi nào thì nên nói. Im lặng là một sức mạnh. Sức mạnh của người tu là im lặng. Im lặng cũng đồng nghĩa với nhẫn nại, nhịn nhục. Sức mạnh của trẻ em là tiếng khóc. Sức mạnh của phụ nữ là nước mắt. Còn sức mạnh của người tu hành là im lặng, nhẫn nhục.
Trong kinh điển Phật giáo có câu chuyện:
Một ông quan được nhà vua tín nhiệm. Làm bất cứ việc gì nhà vua cũng tham vấn ý kiến của vị quan này. Trong triều đình, bá quan văn võ ai cũng nể phục vị quan tài năng và đức độ ấy. Nhưng đôi khi ông quan này nghĩ rằng: không biết người ta kính trọng, nể phục, thương mình, là do mình có những đức tính tốt hay người ta kính nể mình chỉ vì chức quan to. Nghĩ vậy ông bèn muốn làm một cuộc trắc nghiệm. Trong triều có kho báu của nhà vua. Hằng ngày ông quan này đi qua đi lại để thăm dò kho báu của nhà vua. Một hôm ông quan này lẻn vào bên trong kho báu của Vua ăn trộm một số của báu.
Người ta bắt được ông với tang vật còn mang theo người. Quá thất vọng về một ông quan bấy lâu nay luôn được ngưỡng mộ, yêu mến, người ta thông tin cho tất cả mọi người biết về hành vi ăn trộm của ông quan và đòi vua phải xử tội ông quan này. Nhà vua rưng rưng nước mắt, hỏi ông quan rằng: “Tại sao khanh lại làm như vậy? Tất cả những gì khanh lấy trộm trong túi đây chẳng đáng là bao so với những gì ta đã cho khanh. Chỉ cần khanh nói cho ta biết hoặc chỉ cần một ánh mắt của khanh thôi ta cũng có thể biết khanh muốn gì và sẵn sàng ban cho khanh nhiều hơn thế nữa. Ta không hề tiếc với khanh bất cứ thứ gì nhưng sao khanh lại đi lấy trộm như vậy?”
Ông Quan nói: “Tâu đại vương! Tội lỗi của hạ thần đáng chết. Vua cứ xử theo luật của triều đình. Hạ thần làm như vậy mới hiểu được lòng dạ con người rõ hơn. Qua việc này hạ thần có được một bài học là người ta thương mình, kính trọng mình, ưu ái mình vì những đức hạnh, nhân cách đáng quý của một con người, chứ không phải do chức quan to của hạ thần. Ngày nay bệ hạ đã thấy được bản chất của sự việc. Nếu người ta kính trọng mình vì những phẩm hạnh cao quý thì một khi đánh mất những đức tính trong sạch đó thì mình cũng mất đi lòng kính trọng nơi mọi người. Một người có quyền có chức ở ngoài thế gian mà nếu đi sai đường lạc lối cũng đánh mất đi giá trị bản thân và tước quyền của họ.
Con người phải biết học hạnh khiêm tốn và chân thực. Nếu học cao hiểu rộng mà khinh khi những người chung quanh tự chúng ta sẽ chuốc lấy nỗi khổ, mất đi vầng hào quang. Con người dù nghèo hay giàu nhưng học được hạnh lắng nghe, khiêm tốn, con người đó sẽ có thêm nhiều vầng hào quang. Nói chuyện quá nhiều lại nói những lời vô ích, tự cao tự đắc, hào quang chân thật sẽ biến mất. Giống như câu chuyện ông quan lấy trộm của báu trong kho vua.
Cuộc sống chúng ta cũng vậy. Chúng ta phải học bài học khiêm tốn. Khiêm tốn sẽ chỉ cho ta thấy những thiếu sót của bản thân mình để sửa đổi, không tỏ ra kiêu căng tự mãn, nên lúc nào cũng bình tĩnh lắng nghe những ý kiến đóng góp của mọi người xung quanh. Khiêm tốn giúp cho con người ta không kiêu căng ngạo mạn khi đứng trên đỉnh cao của quyền lực, danh vọng nhờ vậy họ làm được nhiều việc lợi ích và được nhiều người ủng hộ.
Khiêm tốn để được học hỏi và xả bỏ tâm cống cao ngã mạn: là một loại đức hạnh làm chỉ cho người khác thương mến chúng ta, vì nó trái ngược tính cống cao ngã mạn, chỉ đưa đến sự hiềm thù mà oán ghét lẫn nhau. Nếu chúng ta muốn mọi người thích gần gũi mến thương, thì ta phải biết khiêm tốn. Người biết khiêm tốn luôn được mọi người yêu mến, quý trọng. Người khiêm tốn là người luôn có tấm lòng từ bi quảng đại, biết bao dung và độ lượng trong mọi vấn đề. Chúng ta hãy tâm niệm như sau: “Xin cho tôi được làm đất, để mọi người được dẫm lên”.
Người sống ở đời biết khiêm tốn mới học hỏi được nhiều điều hay, tu dưỡng phẩm chất đạo đức thanh cao, để làm gương sáng cho người học hỏi bắt chước tu tập theo.
Người biết khiêm tốn là đi ngược lại với tâm cống cao ngã mạn, nên được nhiều người mến thương, người trí hoan hỷ chỉ dạy và giúp đỡ trong làm việc và tu sửa đạo đức. Nếu chúng ta tìm cầu danh vọng, phú quý giàu sang mà không thực hành hạnh khiêm tốn, thì khó mà thành tựu như mong muốn. Người hiểu biết nhiều và có địa vị cao thì càng phải khiêm tốn nhiều hơn nữa, đối với những người thấp kém hơn mình. Nhờ vậy, cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn, bởi ta biết thương yêu mọi người bằng trái tim hiểu biết.
Con người sống phải có lòng yêu thương sự sống, người, vật, biết khiêm tốn nhún nhường trước mọi người, và hằng xét lại lỗi mình để tìm cách sửa đổi cho tốt. Như vậy, người khiêm tốn luôn đem lại niềm an vui hạnh phúc cho nhân loại, bằng tình người trong cuộc sống với tấm lòng từ bi rộng lớn.
Như Phật thường hay nói, cõi Ta Bà này chỉ là cõi tạm, vinh hoa phú quý, công danh lợi lạc, chức vụ địa vị, khi con người ta thác rồi thì còn mang được chỉ là phần hồn và công đức đã tu.
Vậy có thể xem, việc một bậc đại trí thể hiện phẩm khiêm tốn là đã tu được 2 phần công đức chăng:
– Phần thứ nhất: Không ngã mạn, kiêu căng. Xem như là tu tâm tu dạ, không để tâm đến sự đời, một lòng chuyên chính tu hành cốt sao có được thành tựu, làm lợi lạc bản thân. Mọi sự thiệt hơn đều không màng đến, công danh, nổi tiếng xem nhẹ cả 10 phần.
– Phần thứ hai: Công đức có được qua việc trợ giúp, đồng hành giúp người khác ngộ đạo, với người đã tu đạo thì cùng phát triển thêm. Là công đức vì lợi lạc quần sinh, vì mọi người đặng cùng thành Phật.
Khiêm tốn được phúc báo, tự mãn chiêu mời họa
Lão Tử nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Câu nói tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa triết lý sâu sắc. Con người chúng ta hẳn là nên học theo đại địa. Bởi vì, đại địa có thể khiêm tốn và vô tư không màng lợi nên có thể nâng đỡ được vạn vật.
Con người tuy rằng là anh linh của vạn vật, có trí tuệ cao, nhưng cho dù là một người vô cùng may mắn hay là một người rất bình thường đi nữa thì thực sự đều là rất nhỏ bé trong vũ trụ này.
Vạn vật trong thiên thể vũ trụ, hết thảy đều là sinh mệnh. Những sinh mệnh này được tồn tại một cách viên dung và hài hòa có trật tự. Bởi vậy mà con người phải tôn kính Trời Đất, tôn trọng tự nhiên, xem trọng hết thảy sinh mệnh và tìm kiếm về nguồn gốc chân chính của sinh mệnh mình.
Trong Kinh Dịch giảng rằng, hết thảy pháp tắc làm người và đạo lý đều là thiên địa âm dương biến hóa. Trong mỗi một quẻ hào đều có hung và cát. Quẻ hung là để cảnh giới con người bỏ ác hành thiện. Quẻ cát là động viên, khuyến khích con người phải mỗi ngày làm một việc thiện khác. Chỉ có quẻ khiêm (khiêm nhường) là mỗi một hào đều là cát tường, may mắn.
Thời Tây Chu, Chu Công khi phò tá Thành Vương đã cố gắng hết mình để làm cho đất nước được phồn vinh thịnh vượng. Khi ông ra sức kêu gọi hiền tài, rất nhiều người đã đáp lại tiếng gọi của ông. Ông bận rộn đến mức thậm chí không có thời gian để làm khô tóc sau khi gội đầu. Ông phải dừng bữa cơm tối mấy lần để khách không phải chờ lâu.
Ông thường khuyên con trai ông rằng: “Thành Vương muốn con trông coi Lỗ quốc, con phải khiêm tốn và biết trân trọng! Con phải biết luật Trời rằng bất cứ ai kiêu ngạo tự mãn sẽ mất hết và người khiêm nhường sẽ được lợi. Người ta ai cũng trân trọng đức tính khiêm nhường, không ai coi trọng tính kiêu căng ngạo mạn cả!”
“Kiêu ngạo thì chiêu mời tổn hại, khiêm tốn thì được lợi”, con người nên là học theo sự khiêm tốn, vô tư và kiên định của đại địa. “Ba người đi tất có người làm thầy của ta”, lấy người làm thầy, không ngại học hỏi người dưới mình, lấy tâm làm gương, luôn luôn tự xét lại mình. “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng” (Trời sinh thân ta, hẵn là có chỗ dùng), chỉ cần chúng ta biết rõ chính mình, có thể dũng cảm nhận sai, thẳng thắn thành khẩn tìm ra chỗ thiếu sót của mình, chỗ thiếu bất hòa hay chỗ còn chưa đủ cố gắng, như thế, tự nhiên không gian của chúng ta sẽ dần dần mở rộng ra đến vô hạn.
Người xưa dạy, “Lấy nghiêm khắc để kiềm chế bản thân, lấy khoan dung để đối đãi với người khác”, tu dưỡng đức hạnh trung tín, “khiêm nhượng mà không tranh giành”, tu dưỡng để có được lòng tự tin, khiêm tốn, có đủ năng lực để người khác tín nhiệm, như thế mới trở thành người không bị lạc mất mỹ đức căn bản nhất. Cố chấp, khăng khăng giữ ý kiến của mình, tự cho mình là đúng, tự cho mình là giỏi, đều chỉ làm cho vật chướng ngại, cản trở mình tăng lên mà thôi.
Vua Thái Tông đời Đường đã từng tiếp thu lời khuyên bằng một thái độ khiêm tốn. Ông khuyến khích các bề tôi khuyên can và tiếp thu những lời khuyên ấy bằng sự khiêm nhường. Ông không thỏa mãn cho tới khi ông được nghe về những thiếu sót của mình. Ông tập hợp trí tuệ từ khắp nơi trong thiên hạ, giúp ông xây dựng thành công một “Thịnh thế Thiên triều” để cai quản một quốc gia giàu mạnh.
Lão Tử nói: “Thượng thiện nhược thủy”, nước tuy mềm mại nhưng “nước chảy đá mòn. “Nhu thắng cương”, “Trời không nói gì, bốn mùa hưng thịnh, vạn vật sinh sôi”, “Đất có tính nhu hòa, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật”… những lời này giảng hết sức đúng!
Đại Vũ bởi vì không kiêu ngạo, không khoe khoang, thậm chí ông còn nói rằng: “Những người ngu dốt cũng còn có điểm mạnh hơn ta”, cho nên, cuối cùng ông có thể loại bỏ được muôn vàn khó khăn, khơi thông Trường Giang và Hoàng Hà, ngăn chặn được lũ lụt cứu giúp muôn dân. Công lao của ông được lưu danh đến muôn đời sau.
Có thể thấy, người khiêm tốn là người có tâm địa rộng lớn, có thể bao dung được hết thảy. Người tâm địa rộng lượng thì phúc trạch nhất định sẽ dày rộng. Người tâm địa hẹp hòi thì phúc trạch sẽ mỏng. Khiêm tốn và cao ngạo sẽ tạo ra phúc báo và tai họa. Cho nên, làm người nhất định phải tu dưỡng đức khiêm tốn.
Khiêm tốn là đỉnh cao của sự tu dưỡng bản thân
Cũng giống như nơi đất trũng thì nước sẽ tràn về nơi đó, người biết khiêm tốn sẽ có thể học được nhiều điều hay, tu dưỡng đức hạnh thanh cao, vẹn toàn bản thân, làm gương cho người khác học tập. Hơn nữa, người khiêm tốn luôn được mọi người xung quanh yên mến, quý trọng.
Sự khiêm tốn chẳng phải ngày một, ngày hai mà có. Phải tu tâm dưỡng tính từ khi còn nhỏ, trong bất kể hoàn cảnh nào, giống như tích từng giọt nước nhỏ lâu ngày nhất định sẽ đầy chiếc lu to.
Người ngạo mạn, tự kiêu, dù công danh sự nghiệp có vẻ vang đến đâu cũng chỉ được trong chốc lát. Bởi những người như vậy không đủ phúc đức nên không thể nuôi dưỡng được lâu dài.
Ngày ngày cầu công danh, giàu sang phúc quý nhưng không khiêm tốn thì khó mà đạt được thành tựu như mong ước.
Một vị lão hòa thượng có nói rằng: Tu là từ mẫn vật, khiêm tốn tự y, thiên ti tọa xứ, thuyết luật pháp ngữ, kiến quá mặc nhiên. Nghĩa là, người tu hành phải có lòng yêu thương vạn vật, phải biết khiêm tốn, nhún nhường, hiểu được bổn phận của bản thân, luận bàn mọi việc theo lời Phật dạy, tự sám hối về lỗi lầm của bản thân, chớ nên tìm lỗi của người khác.
Khiêm tốn còn giúp ta nhận ra những thiếu sót của bản thân để sửa đổi; vì không kiêu căng ngạo mạn nên luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của người khác để hoàn thiện bản thân. Sự khiêm tốn sẽ giúp người ta đứng vững trên đỉnh cao danh vọng và được nhiều người ủng hộ, giúp đỡ, kính trọng.
Trái lại, những kẻ tự mãn cho mình là tài giỏi mà khinh bỉ người xung quanh sẽ ít thành công và đạt được danh vọng như ý muốn. Những người như vậy thường thất bại vì sự ganh ghét, đố kỵ của người khác.
Làm thế nào để rèn luyện được đức tính khiêm tốn?
– Học cách im lặng:
Phật dạy muốn khiêm tốn, trước hết ta phải học cách im lặng. Bởi chỉ khi im lặng thì trí tuệ mới sinh ra sự minh mẫn, và im lặng mới có sự sâu lắng càng cao.
Có những trường hợp bắt buộc phải nói, nhưng nói đủ, nói đúng, nói hợp hoàn cảnh. Ông bà xưa có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Cái gì cũng cần phải học và im lặng cũng vậy.
Chúng ta phải học cách khi nào nên nói, khi nào nên im lặng. Im lặng là sức mạnh, không ganh đua với kẻ tiểu nhân, không tranh luận với người không cùng trình độ và không cãi cự với người tự kiêu luôn cho mình là đúng. Làm được những điều đó là ta đã nhẫn nhịn khi cần thiết, ấy chính là khiêm tốn.
– Học cách lắng nghe và biết ơn:
Hãy mở tâm trí và lắng nghe những ý kiến của người khác. Nếu bạn đúng, đừng sợ lời nói của người khác ảnh hưởng đến cảm xúc hay suy nghĩ của bạn. Lắng nghe còn giúp ta nhận ra được những điều ta chưa biết, chưa hiểu để không đưa ra quyết định sai lầm.
Không chỉ lắng nghe, ta còn phải biết ơn những gì mình đang có. Biết ơn để nhận ra những thiếu sót của mình chứ không phải đi soi mói, bới lỗi lầm của người khác.
– Phải có lòng bao dung:
Nếu không có lòng bao dung, sẽ chẳng thể có được sự khiêm tốn. Bao dung để dung nạp mọi thứ, bao dung để thứ tha và bao dung để tâm nhẹ lòng an.
Khổng Tử nói: “Người bao dung, thiện lương sẽ có được cảm tình của mọi người”.
Lão Tử nói: “Sông và biển mênh mông sâu thẳm là do chúng ở vị trí thấp để nhận nước từ những khe suối nhỏ bé từ khắp nơi”.
Vì thế, điều quan trọng khi rèn luyện khiêm tốn là phải học cách bao dung với cuộc đời.
Vậy là, Lời Phật dạy về khiêm tốn giúp ta hiểu ra rằng chỉ khi nào con người biết khiêm tốn thì mới dễ thành công và nhận được phúc báo. Làm người phải biết khiêm tốn, lấy khiêm nhường làm thước đo để hành xử. Đó mới chính là đỉnh cao của sự tu dưỡng bản thân.
Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!