Kinh Mười Nghiệp Lành
Pháp Giới 11 tháng trước

Kinh Mười Nghiệp Lành

Kinh Mười Nghiệp Lành

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại cung điện của Hải Long Vương, cùng với 8.000 vị đại Bhikṣu [bíc su] và 32.000 vị đại Bồ-tát.

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo long vương rằng:

“Do hết thảy chúng sanh có tâm tưởng khác nhau, nên nghiệp tạo ra cũng khác. Bởi vậy cho nên họ phải luân chuyển trong các đường.

Này long vương! Ông có thấy đại chúng ở Pháp hội này với chúng sanh trong biển lớn khác nhau về hình sắc và chủng loại chăng? Muôn sự khác biệt như thế đều là do tâm. Nó khởi sanh thiện hay bất thiện của thân nghiệp, ngữ nghiệp, và ý nghiệp. Thế nhưng tâm không có hình sắc, không thể thấy, và không thể nắm bắt. Chỉ là do hư vọng mà các pháp tụ tập và sanh khởi. Nó cứu cánh chẳng có chủ tể, không có ngã và ngã sở. Mặc dù tùy theo mỗi nghiệp mà hiện ra không giống nhau, nhưng thật sự nó không có người sáng tác. Cho nên, tự tánh của tất cả pháp đều như huyễn và chẳng thể nghĩ bàn.

Khi người trí đã biết Đạo lý này thì nên tu nghiệp lành. Như vậy lúc sanh ra, thân thể kết hợp bởi 5 uẩn, 12 xứ, và 18 giới đều được đoan chánh; ai trông thấy họ sẽ không bao giờ nhàm chán.

Này long vương! Ông hãy quán thân của Phật; thân ấy là do từ trăm ngàn ức phước đức mà sanh ra. Tướng hảo của Phật trang nghiêm. Hào quang sáng rực che khuất các đại chúng và cho đến quang minh của vô lượng ức Phạm Vương tự tại cũng thảy đều chẳng hiện. Phàm ai chiêm ngưỡng thân tướng của Như Lai thì mắt của họ không hề nháy.

Tiếp đến, ông hãy quán sắc thân vi diệu và thanh tịnh trang nghiêm của chư đại Bồ-tát nơi đây; tất cả đều do phước đức của tu tập nghiệp lành mà sanh ra.

Lại nữa, hàng thiên long bát bộ với uy thế lớn, họ cũng nhân do phước đức của nghiệp lành mà sanh ra.

Hiện tại tất cả chúng sanh ở trong biển lớn với hình sắc thô bỉ, hoặc lớn hay nhỏ, đều là do muôn thứ tưởng niệm của tự tâm mà làm các nghiệp bất thiện qua thân ngữ ý. Cho nên tùy theo nghiệp mà ai nấy tự thọ quả báo.

Ông nay hãy tu học như vậy. Ông cũng nên khiến chúng sanh thấu rõ nhân quả và tu tập nghiệp lành. Ông nên kiên cố bất động nơi chánh kiến, và cũng đừng sa vào cái thấy đoạn diệt hay cái thấy thường hằng. Đối với các phước điền, ông hãy hoan hỷ, tôn kính, và trưởng dưỡng. Như thế, các ông cũng sẽ được trời người tôn kính và cúng dường.

Này long vương! Ông nên biết Bồ-tát có một Pháp mà có thể đoạn trừ hết thảy mọi thống khổ của đường ác. Một Pháp này là gì?

Đó là ngày đêm trong mỗi niệm luôn tư duy và quán sát Pháp lành, khiến các Pháp lành niệm niệm tăng trưởng, và đừng bao giờ xen lẫn chúng với việc bất thiện, dù chỉ nhỏ như đường tơ. Như thế mới có thể vĩnh viễn đoạn trừ những điều ác, viên mãn Pháp lành, và thường được thân cận chư Phật Bồ-tát cùng những vị thánh chúng khác. Thân của trời người, tuệ giác của Thanh Văn, tuệ giác của Độc Giác, và tuệ giác vô thượng của chư Phật–đều nương Pháp này dùng làm căn bổn mà được thành tựu. Cho nên gọi là Pháp lành. Pháp này tức là Mười Nghiệp Lành. Những gì là mười?

Đó là vĩnh viễn không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đâm thọc, nói lời ác, nói thêu dệt, tham dục, sân hận, và si mê.

Này long vương! Nếu ai không sát sanh thì liền được thành tựu mười điều lìa khỏi của khổ não. Những gì là mười?

1. Rộng thí vô úy cho các chúng sanh.
2. Luôn khởi tâm đại từ đối với chúng sanh.
3. Vĩnh viễn đoạn trừ tất cả tập khí của sân hận.
4. Thân chẳng mắc bệnh.
5. Thọ mạng lâu dài.
6. Luôn được loài phi nhân hộ vệ.
7. Giấc ngủ an vui và không gặp ác mộng.
8. Diệt trừ oán kết và hận thù sẽ tự giải.
9. Không sợ rơi vào đường ác.
10. Khi mạng chung sẽ sanh lên trời.

Đây là mười điều. Nếu có thể hồi hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ sẽ được chư Phật gia hộ, thọ mạng tự tại, và cuối cùng sẽ thành Phật.

Xem Thêm:   Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Tổng Trì

Lại nữa, long vương! Nếu ai không trộm cắp thì liền được mười điều tin sâu vững chắc. Những gì là mười?

1. Tài phú giàu sang và không bị vua chúa, trộm cướp, nạn nước lửa, hay con cái ngỗ nghịch đoạt mất.
2. Được nhiều người thương nhớ.
3. Không bị người lấn hiếp.
4. Mười phương ngợi khen.
5. Không lo gặp phải việc tổn hại.
6. Tiếng thơm vang khắp.
7. Không khiếp sợ bởi uy đức của đại chúng.
8. Tài bảo, thọ mạng, và sắc lực an lạc; đầy đủ biện tài và không chút khiếm khuyết.
9. Trong lòng thường mong muốn bố thí.
10. Khi mạng chung sẽ sanh lên trời.

Đây là mười điều. Nếu có thể hồi hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ sẽ chứng đắc trí tuệ đại giác thanh tịnh và cuối cùng sẽ thành Phật.

Lại nữa, long vương! Nếu ai không tà dâm thì liền được bốn điều mà người trí tán thán. Những gì là bốn?

1. Các căn điều phục.
2. Vĩnh viễn lìa khỏi việc náo loạn.
3. Được khắp thế gian khen ngợi.
4. Vợ hoặc chồng không thể bị người dụ dỗ.

Đây là bốn điều. Nếu có thể hồi hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ sẽ được tướng mã âm tàng của bậc đại trượng phu và cuối cùng sẽ thành Phật.

Lại nữa, long vương! Nếu ai không nói dối thì liền được tám điều mà chư thiên tán thán. Những gì là tám?

1. Miệng luôn thanh tịnh như hương thơm của hoa sen xanh.
2. Được mọi người trong thế gian tin tưởng và khâm phục.
3. Lời nói chánh trực và trời người kính mến.
4. Luôn dùng ái ngữ để an ủi chúng sanh.
5. Được niềm vui thù thắng và ba nghiệp thanh tịnh.
6. Lời nói không nhầm lẫn và tâm thường hoan hỷ.
7. Lời nói ra được trời người tôn trọng và phụng hành.
8. Trí tuệ thù thắng và chẳng ai có thể chế phục.

Đây là tám điều. Nếu có thể hồi hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ sẽ được lời nói chân thật của Như Lai và cuối cùng sẽ thành Phật.

Lại nữa, long vương! Nếu ai không nói đâm thọc thì liền được năm điều chẳng thể hủy hoại. Những gì là năm?

1. Được thân bất hoại mà không ai có thể hại.
2. Được quyến thuộc trung nghĩa mà không ai có thể phá.
3. Được tín tâm vững chắc do tùy thuận bổn nghiệp.
4. Được Pháp tu hành vững bền do sự tu trì kiên cố.
5. Được Thiện Tri Thức lâu dài do không hề dối trá.

Đây là năm điều. Nếu có thể hồi hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ sẽ được quyến thuộc thành tựu mà chúng ma ngoại đạo chẳng thể cản trở hay phá hoại và cuối cùng sẽ thành Phật.

Lại nữa, long vương! Nếu ai không nói lời ác thì liền được tám nghiệp thanh tịnh. Những gì là tám?

1. Lời nói sẽ không trái nghịch.
2. Lời nói đều có lợi ích.
3. Lời nói thảy đều hợp lý.
4. Lời nói rất mỹ diệu.
5. Lời nói đáng lãnh thọ.
6. Lời nói có tín dụng.
7. Lời nói không thể khinh chê.
8. Lời nói luôn mãi được yêu thích.

Đây là tám điều. Nếu có thể hồi hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ sẽ đầy đủ tiếng Phạm âm của Như Lai và cuối cùng sẽ thành Phật.

Lại nữa, long vương! Nếu ai không nói thêu dệt thì liền được ba điều nhất định. Những gì là ba?

1. Nhất định được người trí kính mến.
2. Nhất định có thể dùng trí tuệ để trả lời câu hỏi chính xác.
3. Nhất định được uy đức tối thắng trong hàng trời người và tuyệt đối không hư vọng.

Đây là ba điều. Nếu có thể hồi hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ sẽ không bao giờ quên lãng những việc đã thọ ký của Như Lai và cuối cùng sẽ thành Phật.

Lại nữa, long vương! Nếu ai không tham dục thì liền được thành tựu năm điều tự tại. Những gì là năm?

1. Ba nghiệp tự tại do các căn hoàn chỉnh.
2. Tài vật tự tại do hết thảy oán tặc chẳng thể cướp đoạt.
3. Phước đức tự tại do mọi vật mong muốn đều được cung cấp.
4. Vương vị tự tại do các kỳ trân diệu bảo đều được phụng hiến.
5. Vật dụng có được sẽ thù thắng gấp trăm lần so với điều cầu mong ban đầu, do thuở xưa không keo kiệt và ganh ghét.

Xem Thêm:   Kinh Tâm Thanh Tịnh

Đây là năm điều. Nếu có thể hồi hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ sẽ được khắp ba cõi đều tôn kính cúng dường và cuối cùng sẽ thành Phật.

Lại nữa, long vương! Nếu ai không sân hận thì liền được tám điều vui sướng trong lòng. Những gì là tám?

1. Tâm không có sự tổn hại và khổ não.
2. Tâm không khởi nóng giận.
3. Tâm không sanh tranh tụng.
4. Tâm nhu hòa và ngay thẳng.
5. Được tâm từ của bậc thánh.
6. Tâm luôn làm lợi ích và an ủi chúng sanh.
7. Thân tướng đoan nghiêm và mọi người đều tôn kính.
8. Mau sanh về cõi Phạm Thiên do nhu hòa và kiên nhẫn.

Đây là tám điều. Nếu có thể hồi hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ sẽ được tâm vô ngại, chúng sanh chiêm ngưỡng không chán mỏi, và cuối cùng sẽ thành Phật.

Lại nữa, long vương! Nếu ai không si mê thì liền được thành tựu mười điều công đức. Những gì là mười?

1. Được niềm vui và bạn bè chân thiện.
2. Tin sâu nhân quả và dù có mất thân mạng thì cũng không bao giờ làm ác.
3. Chỉ Quy Y Phật và không quy y với bất cứ vị trời nào khác.
4. Trực tâm chánh kiến và vĩnh viễn lìa xa tất cả lưới nghi về sự cát hung.
5. Luôn sanh vào cõi trời hay nhân gian và không còn đọa đường ác.
6. Vô lượng phước tuệ thù thắng sẽ triển chuyển gia tăng.
7. Vĩnh viễn lìa xa tà đạo và tu hành thánh Đạo.
8. Chẳng dấy khởi thân kiến và xả bỏ các nghiệp ác.
9. An trụ ở cái thấy không chướng ngại.
10. Không rơi vào tám nạn.

Đây là mười điều. Nếu có thể hồi hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ sẽ mau chứng tất cả Phật Pháp, thành tựu thần thông tự tại, và cuối cùng sẽ thành Phật.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn lại bảo long vương rằng:

“Nếu có vị Bồ-tát nào đương lúc tu Đạo mà nương theo nghiệp lành này, thì do bởi không sát sanh và thực hành bố thí, nên họ sẽ luôn được tài bảo giàu sang và không ai có thể chiếm đoạt. Họ sẽ được trường thọ, không bị chết yểu, và không bị bất cứ oán tặc nào tổn hại.

Do bởi không trộm cắp và thực hành bố thí, nên họ sẽ luôn được tài bảo giàu sang và không ai có thể chiếm đoạt. Họ là bậc tối thắng không ai sánh bằng và khéo có thể tu tập Pháp tạng của chư Phật.

Do bởi không tà dâm và thực hành bố thí, nên họ sẽ luôn được tài bảo giàu sang và không ai có thể chiếm đoạt. Gia đình của họ sẽ chánh trực và hòa thuận; không ai có thể mang lòng dâm dục mà nhòm ngó cha mẹ, vợ chồng, hay con cái của họ.

Do bởi không nói dối và thực hành bố thí, nên họ sẽ luôn được tài bảo giàu sang và không ai có thể chiếm đoạt. Họ sẽ không bị người khác hủy báng. Họ sẽ nhiếp trì Chánh Pháp. Mọi việc làm sẽ như thệ nguyện của họ và đều được kết quả mỹ mãn.

Do bởi không nói đâm thọc và thực hành bố thí, nên họ sẽ luôn được tài bảo giàu sang và không ai có thể chiếm đoạt. Quyến thuộc của họ sẽ hòa thuận, có những niềm vui giống nhau và không bao giờ tranh cãi.

Do bởi không nói lời ác và thực hành bố thí, nên họ sẽ luôn được tài bảo giàu sang và không ai có thể chiếm đoạt. Tất cả mọi người sẽ vui vẻ nương tựa và đều tín thọ lời nói của họ mà chẳng ai chống đối hay trái nghịch.

Do bởi không nói thêu dệt và thực hành bố thí, nên họ sẽ luôn được tài bảo giàu sang và không ai có thể chiếm đoạt. Lời nói của họ sẽ không giả dối, người nghe đều cung kính và tin tưởng. Với thiện xảo phương tiện, họ có thể đoạn trừ những điều hoài nghi cho người khác.

Do bởi không tham dục và thực hành bố thí, nên họ sẽ luôn được tài bảo giàu sang và không ai có thể chiếm đoạt. Đối với hết thảy vật sở hữu, họ đều dùng trí tuệ mà xả bỏ. Họ có tín giải kiên cố và đầy đủ đại uy lực.

Xem Thêm:   Kinh Sáu Điều Thiết Yếu cho Bà Lão

Do bởi không sân hận và thực hành bố thí, nên họ sẽ luôn được tài bảo giàu sang và không ai có thể chiếm đoạt. Họ sẽ mau tự thành tựu trí tuệ vô ngại. Các căn của họ đoan nghiêm và ai thấy đều kính mến.

Do bởi không si mê và thực hành bố thí, nên họ sẽ luôn được tài bảo giàu sang và không ai có thể chiếm đoạt. Họ sẽ luôn sanh ra ở trong gia đình có chánh kiến, cung kính, và tín tâm. Họ sẽ thấy Phật, nghe Pháp, và cúng dường chư Tăng. Họ sẽ không bao giờ quên mất Đạo tâm quảng đại.

Đây là Mười Nghiệp Lành của các bậc Đại Sĩ khi tu Đạo Bồ-tát.

Này long vương! Nói tóm lại, phàm ai tu hành Mười Nghiệp Lành, do dùng bố thí trang nghiêm, nên họ được lợi ích lớn lao như vậy.

Do dùng trì giới trang nghiêm, nên họ đầy đủ đại nguyện, có thể thông hiểu nghĩa thú và đạt được lợi ích của hết thảy Phật Pháp.

Do dùng nhẫn nhục trang nghiêm, nên họ được Phạm âm viên mãn của Phật và đầy đủ các tướng hảo.

Do dùng tinh tấn trang nghiêm, nên họ có thể phá trừ ma oán và vào Pháp tạng của Phật.

Do dùng thiền định trang nghiêm, nên họ có thể sanh trí tuệ, biết hổ thẹn, và được khinh an.

Do dùng diệu tuệ trang nghiêm, nên họ có thể đoạn trừ tất cả sự phân biệt của cái thấy hư vọng.

Do dùng từ trang nghiêm, nên họ chẳng khởi não hại đối với chúng sanh.

Do dùng bi trang nghiêm, nên họ luôn thương xót và không bao giờ rời bỏ chúng sanh.

Do dùng hỷ trang nghiêm, nên khi thấy người tu thiện, lòng họ không hề ganh ghét.

Do dùng xả trang nghiêm, nên đối với thuận cảnh hay nghịch cảnh, tâm họ không nảy sanh tham ái hay sân hận.

Do dùng Bốn Nhiếp Pháp trang nghiêm, nên họ luôn ân cần nhiếp thọ và giáo hóa tất cả chúng sanh.

Do dùng Bốn Niệm Trụ trang nghiêm, nên họ khéo có thể tu tập quán tưởng bốn nơi–thân, thọ, tâm, pháp.

Do dùng Bốn Chánh Đoạn trang nghiêm, nên họ đều có thể đoạn trừ hết thảy pháp bất thiện và thành tựu tất cả Pháp lành.

Do dùng Bốn Thần Túc trang nghiêm, nên họ luôn khiến thân tâm an lạc và khinh an.

Do dùng Năm Căn trang nghiêm, nên họ có tín tâm kiên cố, tinh tấn không ngừng, vĩnh viễn không mê muội, tịch nhiên điều thuận, và đoạn trừ các phiền não.

Do dùng Năm Lực trang nghiêm, nên họ diệt trừ hết mọi oán hận và không ai có thể phá hoại.

Do dùng Bảy Giác Phần trang nghiêm, nên họ luôn khéo giác ngộ hết thảy các pháp.

Do dùng Tám Chánh Đạo trang nghiêm, nên họ luôn được trí tuệ chân chánh hiện tiền.

Do dùng Chỉ trang nghiêm, nên họ đều có thể trừ sạch mọi kết sử.

Do dùng Quán trang nghiêm, nên họ có thể biết như thật của tự tánh các pháp.

Do dùng phương tiện trang nghiêm, nên họ mau được thành tựu viên mãn của vô vi an lạc.

Này long vương! Phải biết Mười Nghiệp Lành này có thể khiến Mười Lực, Bốn Vô Sở Úy, 18 Pháp Bất Cộng, và hết thảy Phật Pháp đều được viên mãn. Cho nên các ông cần phải tu học.

Này long vương! Ví như tất cả thành thị xóm làng đều nương đại địa mà an trú. Hết thảy dược thảo, cây cối, và rừng rậm cũng đều nương nơi đất mà được sanh trưởng. Mười Nghiệp Lành này thì cũng lại như vậy. Tất cả trời người đều nương vào đó mà an lập. Tất cả tuệ giác của Thanh Văn và Độc Giác, các hạnh nguyện của Bồ-tát, và hết thảy Phật Pháp đều nương vào đại địa của Mười Nghiệp Lành mà được thành tựu.”

Khi Phật thuyết Kinh này xong, Hải Long Vương cùng các đại chúng, tất cả trời, người, phi thiên, và những loài hữu tình khác trong thế gian, đều sanh tâm đại hoan hỷ và tín thọ phụng hành.

Nguồn Bài Viết : https://daitangkinh.net/ ( Đại Tạng Kinh )

11 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog