Kham nhẫn là gì? Những lợi ích của hạnh kham nhẫn
Pháp Giới 11 tháng trước

Kham nhẫn là gì? Những lợi ích của hạnh kham nhẫn

Kham nhẫn là gì? Kham nhẫn theo thuật ngữ Phật học gọi là Nhẫn nhục. Đây là một tâm sở thiện, một đức tính cần thiết của con người trong việc đối nhân xử thế.

1. Kham nhẫn là gì? Lợi ích của hạnh kham nhẫn

Kham nhẫn theo thuật ngữ Phật học gọi là Nhẫn nhục. Đây là một tâm sở thiện, một đức tính cần thiết của con người trong việc đối nhân xử thế. Nhẫn nhục nghĩa là chịu nhịn những điều sỉ nhục xấu hổ, chịu đựng tổn thương trước những nghịch cảnh, sự việc không vừa lòng, nghịch ý, trái tai gai mắt; nhẫn nhục còn là nhận chịu những điều người khác làm cho mình khổ não, trong tâm mình không những không tức giận mà còn không nghĩ tưởng tới việc sẽ báo oán trả thù, mà còn cao thượng hơn đó là khởi tâm Vô duyên từ đối với mọi người.

Trong đạo Phật, nhẫn nhục nếu phân chia theo ba nghiệp thì có: thân nhẫn, khẩu nhẫn và ý nhẫn.

Thân nhẫn là sự chịu đựng của thân trước các hoàn cảnh không vừa ý như nóng lạnh, bệnh tật, đói khát, chỗ ở thiếu tiện nghi, hoặc bị hành hạ đánh đập. Trước những nghịch cảnh như thế, người thực hành thân nhẫn cố gắng chịu đựng không phàn nàn, kêu ca hay bạo động chống trả mà chỉ bình tĩnh giải thích sự việc.

Khẩu nhẫn là im lặng trước các nghịch cảnh như có người chửi mắng, vu oan, đâm thọc, nói sai sự thật, nói lời khiêu khích v.v… Trước những lời trái tai gai mắt, người thực hành khẩu nhẫn chỉ từ tốn giải thích trong ôn hòa, dù nghe lời không vừa ý nhưng họ vẫn giữ yên lặng, không giận dữ dùng những lời ác mà đối lại hoặc gây gổ cãi lộn, đánh nhau v.v…

Ý nhẫn là tâm nhẫn nhục, trước nghịch cảnh mang đến cho thân và trước những lời nói trái tai họ đều kham nhẫn chịu đựng không có ý nghĩ tức giận, thù oán. Luôn giữ tâm buông xả, an định trước mọi thuận nghịch của đời sống.

Nếu phân chia theo ý nghĩa thì nhẫn nhục có bên ngoài và bên trong.

Nhẫn nhục bên ngoài nghĩa là vì danh lợi, vì có người khen, vì sợ uy quyền, vì chưa đúng thời điểm, vì chưa có đủ điều kiện phản kháng, vì sức yếu thế cô v.v… nên gắng chịu đựng. Tuy có nhẫn nhục nhưng đó chỉ là sự đè nén. Bất cứ sự chịu đựng nào cũng có giới hạn, khi vượt ngưỡng sẽ bùng vỡ và mang đến hậu quả khôn lường. Theo Phật giáo, nhẫn nhục bên ngoài cũng rất cần, nhưng cần hơn là hướng đến nhẫn nhục thực sự ở bên trong. Nhẫn nhục bên trong chỉ thành tựu khi trí tuệ và từ bi của hành giả đầy đủ. Hành giả thấy rõ tất cả pháp đều huyễn hóa vô thường, biết rõ mình và người không phải hai, thấy rõ vì người ta đang khổ (do vô minh, tham ái, phiền não) nên mới làm khổ mình, nhờ trí tuệ và từ bi nên hành giả kham nhẫn, chấp nhận và vượt qua tất cả chướng ngại một cách nhẹ nhàng. Nhẫn nhục bên trong một cách trọn vẹn còn được gọi là nhẫn nhục Ba-la-mật.

Nhẫn nhục là một hạnh lành, một thái độ khiêm cung, và còn là một lối sống đẹp, dễ thương. Theo kinh Di giáo, Đức Phật dạy: “Này các đệ tử, nếu có ai xúc phạm, thương tổn thân thể các vị, các vị nên kiềm chế tâm mình, đừng để lửa sân hận thiêu đốt. Lại phải giữ lời ăn, tiếng nói, đừng buông lời ác độc để trả đũa ai. Tâm sân hận trỗi dậy sẽ làm băng hoại đạo nghiệp, cháy hết công đức tu tập. Đức tánh của kham nhẫn thì giữ giới và khổ hạnh cũng không thể sánh bằng. Thực hành đức nhẫn mới xứng danh là bậc Thượng nhân có sức mạnh. Người nào chưa có thể chịu đựng sự nhục mạ một cách hoan hỷ, như uống cam lộ, thì chưa thể xứng danh là người vào đạo có trí. Sự sân hận sẽ thiêu hủy tất cả pháp lành, nó nguy hiểm hơn lửa dữ. Các vị phải canh phòng cẩn mật, đừng cho sân hận xâm nhập. Trong các loại giặc cướp công đức thì sân hận là nguy hiểm bậc nhất. Người thế gian sống thọ hưởng dục lạc, thiếu phương pháp chế ngự, nếu có sân hận còn có thể tha thứ được. Người xuất gia hành đạo loại bỏ mọi thú vui của đời mà không loại bỏ được sân hận thì thật đáng trách, cũng giống như bầu trời quang đãng mà có sấm sét nổi lên là điều không thích hợp”. (Trích, Kinh Lời dạy cuối cùng của Đức Phật).

Trong Trung A-hàm quyển 4, Đức Phật dạy nhẫn nhục như sau: “Khi nghe, có năm cách nói: ‘Nói đúng lúc hay không đúng lúc, nói chân thật hay giả dối, nói dịu dàng hay hung ác, nói hòa hợp hay đâm thọc, nói có nghĩa hay vô nghĩa’, với năm cách nói này nếu người tu hành khi nghe mà tâm bị biến đổi, có thể miệng phát ra lời ác, người tu hành bị suy thoái. Khi ấy người tu phải khởi tâm từ mẫn đối với người kia, tâm tương ưng với từ trải khắp một phương, thành tựu an trú; cũng vậy, hai, ba, bốn phương, phương trên phương dưới, bao trùm tất cả, không tranh cãi, không sân không oán. Đối với tâm bi, hỷ, xả cũng vậy, không tranh, không sân oán, biến mãn tất cả thế gian rộng lớn trùm khắp, thành tựu an trú. Cũng vậy, nếu người tu bị người khác dùng tay đấm, đá ném, gậy đánh, dao chém, mà tâm biến đổi, hay miệng phát lời ác, hay đánh trả, người tu tất bị suy thoái. Hãy học sao cho tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời ác, không đánh trả, mà hướng đến người ấy, duyên nơi người ấy khởi tâm từ mẫn, không tranh, không kết, không oán, rất rộng lớn vô lượng vô biên, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ, khéo Trong bảy phương pháp đoạn trừ lậu hoặc thì Kham nhẫn Đoạn trừ (Adhivāsanā pahātabbāsava) là hoan hỷ chịu đựng những cảm giác khó chịu về thân tâm. Ví dụ như những thứ bất như ý, tranh chấp, bạo hành… mà người tu phải giáp mặt, các hiểu lầm, vu khống, mạ lỵ, các rắn rít, ruồi muỗi… Với các đối tượng này, người tu cần kham nhẫn để tránh các phiền não gây trở ngại công phu giải thoát.

Xem Thêm:   Khai mở mắt âm dương và những chuyện kỳ lạ trong cõi âm

Kham nhẫn là một pháp môn tu, tức kham nhẫn một cách ý thức và có chủ tâm những khó khăn và khổ đau do hoàn cảnh bên ngoài gây ra, kham nhẫn cách đối xử thô ác của kẻ khác và nói chung là kham nhẫn mọi nghịch cảnh. Với các đối tượng này, người tu cần kham nhẫn để tránh các phiền não gây trở ngại công phu giải thoát. Do vậy, kham nhẫn chịu đựng đã được Ðức Phật tán dương như một trong những đức hạnh cao quý nhất, ngoài ra nó còn là một pháp Ba-la-mật (pàrami) nhất thiết phải được hoàn thành nếu hành giả muốn đạt đến Niết-bàn, cứu cánh tối hậu của đạo Phật.

Trong kinh Pháp cú, Ðức Phật dạy:

Chư Phật thường giảng dạy;
Nhẫn, khổ hạnh tối thượng,
Niết-bàn, quả tối thượng;
Xuất gia không phá người;
Sa-môn không hại người .

Pháp môn kham nhẫn có thể được mô tả như một kỹ thuật tuyệt vời nhất, nhằm đương đầu với mọi hoàn cảnh gồm cả ba phạm trù trên. Có rất nhiều tình huống trong cuộc đời này không thể giải quyết bằng một cách nào khác ngoại trừ kham nhẫn và tha thứ, bằng sự nhẫn nại chịu đựng. Những ai thường thiếu kiên nhẫn, không chịu đựng nổi những lời nói thô lỗ ác độc, những mất mát đau thương… những người ấy cũng khó kềm giữ được mình trước những thành công, sung túc và danh dự trong cuộc đời.

Do đó, ta cần phải học cách kham nhẫn. Nhờ thế, ta mới có thể sống một cuộc sống quân bình, có tiết độ và điềm đạm. Kham nhẫn như một hình thức biểu lộ của sự tác ý chơn chánh, thực sự là một vũ khí mạnh mẽ có thể được vận dụng một cách sắc bén để đương đầu với mọi thách thức.

Nếu ai thực hành được hành nhẫn nhục sẽ có được bốn điều lợi ích như sau:

– Thứ nhất: Kham nhẫn là rèn luyện năng lực nhẫn nại của bản thân để có thể đương đầu, đối diện với muôn ngàn nghịch cảnh, tai ương không lường trước mà trong cuộc đời ai cũng phải trải qua.

Rèn luyện nâng cao năng lực Kham nhẫn của Tâm mình, cũng giống luyện tập sức khoẻ làm gia tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, chống lại nguy cơ lây nhiễm bịnh tật vậy. Kham nhẫn là áo giáp sắt hữu hiệu bảo vệ sự bình an yên ổn cho bản thân chúng ta.

– Thứ hai: Người có năng lực kham nhẫn sẽ tránh được, hạn chế được rất nhiều những sai lầm, hận thù, bất an, đổ vỡ, ly tán, thất bại, do bộc phát tính nóng giận sân si gây ra. Đơn cử như, người có chức vụ quyền hạn càng lớn mà không có khả năng kham nhẫn thì càng dễ hư việc, dễ gây tổn thương cho nhiều người và cũng khó ngồi yên vị trí. Hiện nay, không ít chuyện gia đình tan vỡ, vợ chồng ly tán, con cái bơ vơ là do thiếu hẳn đức hạnh kham nhẫn bao dung mà ra. Người bắt đầu lập nghiệp, mà không có khả năng kham nhẫn thì khó mà thành tựu sự nghiệp. Người đang có công ăn việc làm tốt nếu không có khả năng kham nhẫn sẽ dễ bị sa thải, mất việc.

Xem Thêm:   Thần thông là gì? Thần thông có thắng sức mạnh của nghiệp?

– Thứ ba: Người biết kham nhẫn sẽ rất tỉnh tâm, sáng suốt, làm việc gì cũng hiệu quả, dễ thành công. Kham nhẫn, vì đem lại yên ổn an vui bền vững cho bản thân mình và những người xung quanh. Người tu tập hạnh kham nhẫn chính là đang lót từng viên gạch cho ngôi nhà phước đức, hạnh phúc cho mình và gia đình mình. Vì Kham nhẫn là nền tảng của cuộc sống yên vui hạnh phúc.

– Thứ tư: Kham nhẫn không có thiệt thòi mà rất ích lợi vì thành tựu được năng lực sống tốt; Kham nhẫn không phải khiếp nhược mà rất mạnh mẽ vì điều phục được, chiến thắng được tâm nóng giận của mình. Kham nhẫn không phải tiêu cực bi quan, mà rất tích cực lạc quan, rèn luyện phẩm hạnh hướng thượng cho một tương lai tốt đẹp.

Tóm lại, kham nhẫn là phẩm hạnh, là tính cách, là nhu cầu thiết yếu mà mỗi người chúng ta nên cùng nhau rèn luyện, để hướng tới một cuộc sống an vui hạnh phúc hơn cho bản thân và mọi người. Người tập được hạnh Kham nhẫn, sống và làm đẹp cuộc đời với bao thử thách chông gai như hoa nở đẹp trong cây xương rồng đầy gai góc.

Kham nhẫn là gì? Những lợi ích của hạnh kham nhẫn

2. Năm nguy hại cho người không kham nhẫn

Một thời Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các Tỷ kheo: Này các Tỷ kheo, có năm nguy hại này cho người không kham nhẫn. Thế nào là năm?

Quần chúng không ái mộ, không ưa thích; nhiều người hận thù; nhiều người tránh né; khi mạng chung tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ kheo, đây là năm nguy hại cho người không kham nhẫn.

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho người có kham nhẫn. Thế nào là năm?

Quần chúng ái mộ và ưa thích; không có nhiều người hận thù; không có nhiều người tránh né; khi mạng chung tâm không bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào cõi thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

Này các Tỷ kheo, đây là năm lợi ích cho người có kham nhẫn.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Mắng nhiếc, phần Không kham nhẫn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.719)

Lời bàn:

Trong cuộc sống, để đạt đến thành công và nhất là mong ước kiến tạo hạnh phúc, hòa hợp, an vui trong gia đình, cộng đồng thì không thể thiếu sự kham nhẫn. Những ai đã từng trải trong đời thì kinh nghiệm sâu sắc về điều này bởi không ít người phải ngậm ngùi, ân hận và nuối tiếc đến suốt đời chỉ vì một phút nông nổi, thiếu kiềm chế, không kham nhẫn.

Kham nhẫn là sự chịu đựng, chấp nhận, nhẫn chịu trước những điều không như ý. Tuy nhiên, tinh thần kham nhẫn theo lời dạy của Thế Tôn không đơn thuần là nhẫn nhịn mang tính đè nén, nuốt hận mà là sự vượt qua nghịch cảnh một cách an nhiên nhờ tuệ giác. Sự tĩnh tại, bất động trong mọi hoàn cảnh chính là tâm thái sáng suốt, vững chãi khi đã thấu triệt sự thật hư ảo về tự thân, con người và cuộc đời.

Có thể mọi người đều ít nhiều nhận ra lợi ích của kham nhẫn và những tác hại khi không kham nhẫn nỗi các chướng ngại trong đời sống. Với tuệ giác và kinh nghiệm của Thế Tôn thì năm lợi ích của kham nhẫn và năm nguy hại của không kham nhẫn được trình bày trong pháp thoại trên thật rõ ràng. Tuy vậy, dù thấy rõ hai mặt lợi hại của vấn đề nhưng để thực hành kham nhẫn một cách trọn vẹn là điều không đơn giản.

Bước đầu tiên thực hành kham nhẫn là sự chịu đựng, dù sức chịu đựng vốn giới hạn, sẽ cực kỳ nguy hiểm khi quá ngưỡng. Tiếp đến phải vận dụng năng lực định tĩnh và tuệ giác nhờ thực tập thiền định trong đời sống của tự thân để kham nhẫn, vượt thoát. An nhiên trước mọi nghịch cảnh vì thấy rõ bản chất của nó, kham nhẫn được tất cả nhưng không cần cố gắng mới là Nhẫn nhục ba la mật.

Vận dụng trí tuệ để hóa giải tất cả những xung đột và mâu thuẫn nội tâm cũng như ngoại cảnh chính là nền tảng của sự an tâm, bình tĩnh, tự chủ, tự tại trước mọi biến động trong cuộc đời. Đây chính là bí quyết của việc tu tập kham nhẫn để vượt qua nghịch cảnh, chướng duyên nhằm đem đến sự bình an, hòa hợp, hạnh phúc và an vui trong đời sống mà mỗi người con Phật cần phải thực tập để thành tựu.

Xem Thêm:   Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Vựng Biên trọn bộ PDF
3. Nhờ thọ dụng và kham nhẫn mà đoạn trừ phiền não

Trong kinh văn, Đức Phật nói đến bảy pháp có thể đoạn trừ lậu hoặc, phiền não. Đoạn trích này chúng ta chỉ đề cập đến pháp “4. Có lậu được đoạn do dụng” và “5. Có lậu được đoạn do nhẫn”.

Một thời Phật du hóa ở Câu-lâu-sấu, tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm, đô ấp của Câu-lâu… Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

Có bảy sự đoạn trừ lậu, phiền não, pháp ưu sầu. Những gì là bảy? 1. Có lậu được đoạn do kiến, 2. Có lậu được đoạn do hộ, 3. Có lậu được đoạn do ly, 4. Có lậu được đoạn do dụng, 5. Có lậu được đoạn do nhẫn, 6. Có lậu được đoạn do trừ, 7. Có lậu được đoạn do tư duy.

4. Có lậu được đoạn trừ do dụng là gì? Tỳ-kheo khi thọ dụng y phục, chẳng phải để cầu lợi, chẳng phải để kiêu hãnh, chẳng phải để trang sức, mà vì muỗi mòng, gió mưa, lạnh nóng và vì hổ thẹn. Khi thọ dụng đồ ăn uống chẳng phải vì mưu lợi, chẳng phải để trang sức, chẳng phải để mập béo mà vì để làm thân thể ở đời lâu dài, trừ phiền não, ưu buồn, vì để thực hành phạm hạnh, vì muốn để bệnh cũ tiêu trừ đừng sanh bệnh mới, và vì để sống lâu, an ổn, không bệnh hoạn. Khi thọ dụng nhà cửa, phòng xá, giường nệm, ngọa cụ, không phải để kiêu hãnh, chẳng phải để trang sức, mà vì để lúc mệt mỏi có nơi an nghỉ, để được tĩnh tọa. Khi thọ dụng thuốc thang không phải để mưu lợi, không phải để kiêu hãnh, không phải để mập béo, mà chỉ để trừ bệnh hoạn, để điều hòa mạng căn, để an ổn không bệnh. Nếu không thọ dụng những thứ ấy thì sẽ sanh phiền não, sầu lo, còn thọ dụng thì không sanh phiền não sầu lo. Đó là hữu lậu được đoạn trừ do dụng.

5. Có lậu được đoạn trừ do nhẫn là gì? Tỳ-kheo tinh tấn đoạn trừ ác, bất thiện, tu tập thiện pháp, nên luôn luôn có ý tưởng trỗi dậy, chuyên tâm tinh tấn; thân thể, da, thịt, gân, xương, máu, tủy, thà để khô kiệt tất cả chớ không bỏ tinh tấn. Phải đạt được mục đích mong muốn mới xả sự tinh tấn. Tỳ-kheo lại phải chịu đựng sự đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, ruồi, bọ chét, chấy, dù gió hay nắng bức bách, bị lời dữ, bị đánh đập, cũng đều có thể nhẫn chịu được. Dù thân mạng bệnh tật rất là đau đớn đến nỗi gần muốn tuyệt mạng, và những điều không thể ưa vui được, tất cả đều chịu đựng được. Nếu không nhẫn chịu thì sanh phiền não, ưu buồn, còn nhẫn chịu được thì không sanh phiền não ưu buồn. Đó là lậu được đoạn trừ do nhẫn”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bảy pháp, kinh Lậu tận, số 10 [trích])

Trong kinh văn, Đức Phật nói đến bảy pháp có thể đoạn trừ lậu hoặc, phiền não. Đoạn trích này chúng ta chỉ đề cập đến pháp “4. Có lậu được đoạn do dụng” và “5. Có lậu được đoạn do nhẫn”.

Dụng ở đây là thọ dụng, bao gồm ăn uống, y phục, phòng xá, thuốc men để cho thân thể được khỏe mạnh. Dù hạnh nguyện của người tu là buông xả nhưng khi còn mang thân này thì tất yếu cần sự thọ dụng những nhu cầu tối thiểu để có sức khỏe, thân tâm quân bình điều hòa mới có thể tiến tu. Nếu thiếu những vật phẩm thiết yếu này thì sẽ sinh phiền não, sầu lo, bệnh tật và không thể tu được nên cần thọ dụng.

Nhẫn là kham nhẫn, chịu đựng. Thân thể vốn quen được cung phụng, nuông chiều theo dục vọng. Nên khi khép mình vào giới luật thì cơ thể có khuynh hướng phản kháng, bứt phá để được tự do theo bản năng nên cần phải kham nhẫn. Mặt khác, phải kham nhẫn với thời tiết nóng lạnh, sự quấy nhiễu của côn trùng, sự thương ghét của những người xung quanh. Kể cả những lúc bệnh tật ốm đau cùng tất cả những chuyện không vừa ý đều phải kham nhẫn. Chính nhờ sự cố gắng kham nhẫn mà phiền não, lậu hoặc được tiêu trừ.

Mới hay, để điều phục thân tâm rất cần sự uyển chuyển, linh động, sử dụng nhiều phương cách phù hợp với thực tiễn của thân tâm. Khi cần thọ dụng hãy thọ dụng, khi cần kham nhẫn thì kham nhẫn để đoạn trừ phiền não.

Tâm Hướng Phật/Th!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

93 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog