Pháp Giới 11 tháng trước

Hôn trầm là gì? Làm sao trị được bệnh hôn trầm?

Hôn trầm là chỉ cho trạng thái buồn ngủ khi dụng công. Người tu có lúc tâm tư lạc vào trạng thái mê mờ, nặng nề muốn ngủ: Đó là vọng chướng hôn trầm.

1. Hôn trầm là gì?

Hôn trầm là một thuật ngữ của Phật pháp, chỉ cho trạng thái buồn ngủ khi dụng công. Người tu có lúc tâm tư lạc vào trạng thái mê mờ, nặng nề muốn ngủ: Đó là vọng chướng hôn trầm. Hoặc có lúc miệng tuy niệm Phật, song tâm lại vẩn vơ tưởng chuyện đâu đâu: Đó là vọng duyên tán loạn. Hôn trầm và tán loạn hai chướng duyên này rất nguy hại, vì nó phá hoại người tu, khiến cho không thể vào chánh định.

Nhiều vị trong lúc đang hành trì, vọng tưởng thoạt nhiên chìm lặng, câu niệm Phật vẫn nghe đều đều. Tâm tư êm dịu quên cả nóng bức, hoặc sự cắn đốt của muỗi mòng. Trạng thái này thường thường kéo dài từ nửa giờ đến một giờ đồng hồ, có khi ra mồ hôi ướt cả áo mà không hay. Đến lúc chợt giác tỉnh mới cảm biết trong người nóng bức khó chịu. Hành giả thấy thế đừng vội mừng cho rằng tâm mình được an định, công phu đã có đôi phần thành tích. Thật ra đó chỉ là trạng thái hôn trầm thuộc phần vi tế nhẹ nhàng. Cổ nhơn đã bảo:

“Nhè nhẹ hôn trầm khôn phát giác
Trọn ngày hạng quỉ mãi sinh nhai!”

Trong trường hợp này hành giả phải đề khởi tinh thần, dụng công chặt chẻ, vừa niệm vừa soi vào bên trong mới phá trị nó được. Theo chỗ kinh nghiệm: Khi hôn trầm sắp kéo đến, tất trước tiên có vọng niệm tán loạn nổi lên. Cũng có lúc hôn trầm và vọng tưởng đồng thời sanh khởi.

Nhưng đây là hiện tượng thô, rất dễ phát giác. Đến khi hôn trầm vi tế sắp hiện, trước tiên một loại tạp tưởng vi tế nổi sanh. Hành giả cảm biết có một điểm mê mờ từ sau ót kéo lên đỉnh đầu. Kế xuống đôi mắt và sau rốt vào tâm tạng. Hôn trầm đi đến đâu tất nơi đó bị ảnh hưởng, như đến đầu thì hơi gục xuống, đến mắt, đôi mắt nhắm lại. Khi đến tâm tạng, tâm liền mê mờ. Về loại hôn trầm nhẹ, phải có trí tinh tế mới nhận xét được.

Xem Thêm:   23 cách tạo phước đức và công đức vô lượng

Tu Thiền là rèn luyện Tâm. Khi Thân uể oải, Tâm ngầy ngật thì ta không có nghị lực để làm bất cứ chuyện gì. Không có nghị lực sẽ đưa đến hôn trầm. Hôn trầm làm cho niệm Biết mất đi sự rõ ràng, tiến tới sự rời rạc, yếu ớt và biến mất. Từ đó đưa đến thụy miên là ngủ gục trong lúc toạ thiền mà ta không hay biết.

Như trong luận Trí Độ nói: “Bồ tát chỉ dạy nhắc nhủ đệ tử về chuyện ngủ say sưa, thuyết kệ rằng:

Các ông đừng ôm thây chết mà nằm ngủ,
Các loại bất tịnh giả danh là con người,
Như gặp bệnh nặng hay mũi tên đâm thân,
Những nỗi đau khổ quy tụ sao đáng ngủ?
Như người bị trói chặt dẫn đi giết chết,
Tai họa sắp đến lẽ nào có thể ngủ?
Giặc phiền não không diệt tai họa chưa trừ,
Như cùng rắn độc trú ngụ chung một nhà,
Cũng như lâm trận giữa gươm dao sáng lòe,
Lúc bấy giờ làm sao mà có thể ngủ?
Ngủ là tối tăm không trông thấy được gì,
Ngày ngày lừa dối giành ánh sáng con người,
Vì ngủ che tâm không trông thấy điều gì,
Mất mát lớn như vậy sao có thể ngủ?”

2. Làm sao trị được bệnh hôn trầm?

Hôn trầm là một chứng bệnh không riêng gì Phật tử mà đa số người tu đều mắc phải. Người mắc chứng bệnh hôn trầm này không phải dễ trị. Người tu sợ nhất là hai chứng bệnh: “hôn trầm và tán loạn”. Chính hai thứ tập khí sâu nặng này nó làm chướng ngại rất lớn trên bước đường tu tập của chúng ta.

Xem Thêm:   Cách tụng kinh tại nhà

Có người lúc bình thường, họ ngồi lại tán ngẫu những chuyện bù khú thị phi tạp nhạp ở thế gian với nhau cả buổi, mà họ không bao giờ biết buồn ngủ là gì. Vì lúc đó, họ quá hăng say đam mê với những câu chuyện mà họ đang nói. Hằng ngày, họ huân tập những hạt giống đời quá sâu nặng, nên khi gặp nhau bắt đài đúng tần số thì họ phát thanh huyên thuyên không bao giờ biết nhàm chán mỏi mệt.

Trái lại, hễ khi tụng kinh hay niệm Phật thì con ma hôn trầm buồn ngủ bắt đầu xuất hiện. Nó cảm thấy chán nản mệt mỏi uể oải và buồn ngủ. Những tập khí này, không phải chỉ mới huân tập trong hiện đời mà nó còn huân tập trong nhiều đời nữa. Chính do sự huân tập đó, nên khi gặp cơ duyên là nó hiện hành phát khởi rất mạnh mẽ.

Có người khi họ đam mê ghiền chơi một thứ gì đó, như cờ bạc chẳng hạn. Có thể nói, họ ngồi ỳ một chỗ suốt cả ngày, thậm chí quên cả ăn uống, mà họ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi buồn ngủ. Nhưng khi ngồi tụng kinh hoặc niệm Phật hay nghe pháp v.v… chỉ cần trong giây lát thôi, là họ bắt đầu ngủ gà ngủ gật rồi. Lý do tại sao? Tại vì hạt giống Phật pháp của họ rất cạn mỏng yếu kém. Người nào mắc phải chứng bệnh hôn trầm này, thì Phật gọi người đó đang bị chìm sâu vào trong hang quỷ.

Về phương cách đối trị, trong kinh nêu ra có nhiều cách. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu bốn cách thôi, rồi tùy ý Phật tử chọn lựa xem cách nào phù hợp và có hiệu quả nhất, thì Phật tử cố gắng thực hiện.

1. Nếu trong lúc đang ngồi niệm Phật hay tụng kinh mà nó muốn buồn ngủ, Phật tử không thể kềm chế được, thì Phật tử nên đứng lên lạy Phật sám hối, vì đó là nghiệp chướng của mình quá sâu nặng.

Xem Thêm:   Có nên tụng Kinh ở nhà? Tại sao tụng kinh ở nhà lại kéo vong về?

2. Phật tử cũng có thể đứng lên đi kinh hành niệm Phật ở trong nhà hoặc ngoài sân, tùy theo khung cảnh và thời điểm thích hợp.

3. Nếu không lạy Phật và đi kinh hành, thì Phật tử cũng có thể dùng phương pháp sổ tức niệm Phật. Nghĩa là niệm Phật bằng cách đếm số theo hơi thở. Như niệm câu hiệu Phật có thể chia ra làm hai, như hít vào niệm “Nam Mô A”, thở ra “Di Đà Phật” . Hít vô thở ra thầm đếm một. Cứ đếm như thế cho tới số mười rồi bắt đầu đếm trở lại. Điều quan trọng của phương pháp này là phải nhớ số câu theo hơi thở cho rõ ràng. Nếu nhớ không rõ là phải niệm đếm lại. Vì chăm chú như thế, nên con ma ngủ nó sẽ biến mất.

4. Chúng ta cũng có thể dùng phương pháp Chỉ Quán. Phương pháp này, Phật Tổ dạy chúng ta nên chọn một đề mục để quán. Như quán “thân bất tịnh” hay quán “nhân duyên”… Khi chúng ta quán phân tích chia chẻ sâu vào, lúc đó những hệ thần kinh trong não bộ của chúng ta bắt đầu làm việc căng thẳng, do đó, nên con ma buồn ngủ sẽ tan biến ngay. Tuy nhiên, khi quán một hồi mà tâm ta bị loạn động, thì hãy lập tức dùng Chỉ, tức là dừng vọng tưởng. Như dùng hơi thở hay câu niệm Phật để tâm ta an trụ vào đó. Đó là phương cách trị bệnh tán loạn và hôn trầm rất hữu hiệu.

Việc tu hành muốn có kết quả tốt đẹp, chúng tôi thiết nghĩ, mỗi hành giả nên cố gắng kiên trì thực tập. Nhất là đối trị những tập khí sâu dầy trong hiện đời cũng như nhiều đời, không phải là chuyện dễ làm. Tuy nhiên, có nỗ lực công phu bền chí hành trì, thì chúng ta mới có thể vượt qua những chướng ngại thử thách lớn lao trong sự tu hành. Kính chúc phật tử chóng đạt thành sở nguyện.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

63 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog