Nếu chỉ lo tu phước mà không tu đức, thì quả lành của các vị khi trổ ra sẽ không được trọn vẹn. Phước và Đức như đôi cánh con chim, thiếu một trong hai thì vẫn còn bấp bênh lắm!
Khi một người Phật tử đã hiểu được đạo pháp, thì người ấy sẽ rất yêu thích việc làm phước. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu một người tu phước mà không tu đức?
Cụ thể như:
Họ rất siêng năng trong các việc từ thiện, hay cúng dường, góp tiền làm đường xây cầu, phóng sinh…. đây gọi là siêng năng tu phước.
Nhưng cái đức họ không tu, cụ thể như:
Những tính khí như tham lam, nóng giận, hung dữ, ác khẩu, tà kiến, mê tín…. thì họ không có tu sửa, vẫn giữ nguyên, nhiều khi là hơi xấu ác luôn.
Một người sống như vậy, tức là tu phước mà không tu đức thì điều gì sẽ xảy ra???
Trường hợp này chúng ta có thể gọi là:
“Sơn nhà nhưng không chịu lau chùi vết ố bẩn”. Giống như, các vị chuẩn bị sơn lại căn nhà cho mới, nhưng các bức tường thì hiện tại đang bám nhiều rong rêu, thậm chí dính cả phân bò, bụi bẩn….
Nếu chúng ta không chịu chà những vết ố, dơ ấy đi cho sạch trước khi sơn thì căn nhà quý vị dù có sơn xong, nhìn bên ngoài có vẻ mới, nhưng bên trong toàn là cấu uế, chứa đầy chất dơ bẩn.
Điều này cũng giống như cuộc đời chúng ta, nếu chỉ tu phước mà không tu đức, thì khi quả lành trổ ra sẽ có lẫn quả đắng cay, chứ không có hoàn toàn là quả ngọt, trái thơm.
Trong cuộc sống quý vị cũng thấy, có rất nhiều người họ hưởng quả lành nhưng cũng có quả dữ, quả đắng cay đi kèm.
Ví dụ:
Hai người yêu nhau cưới nhau về, có nhiều tiền bạc, nhưng lại vô sinh không con.
Hay người kia rất có địa vị, giàu có, nhưng khi thịnh vượng nhất, thì lại mắc bệnh hiểm nghèo và chết sớm.
Trường hợp khác, có gia đình kia làm ăn rất giàu có, thành đạt, nhưng khi thịnh vượng cũng là lúc người chồng mê gái bỏ vợ, hay đam mê cờ bạc, rồi vài năm sau gia đình tan vỡ.
Cũng có gia đình kia, nhà rất phú quý giàu có, nhưng sinh ra đứa con bị tàn tật, hoặc sinh con bình thường nhưng lớn lên nó ham chơi bất hiếu, phá tán tài sản…
Kể ra những trường hợp trên, để quý vị thấy rằng:
Nếu chỉ lo tu phước mà không tu đức, thì quả lành của các vị khi trổ ra sẽ không được trọn vẹn. Do đó, với người trí, người hiểu đạo thì họ sẽ kết hợp tu cả hai:
Bên trong thì tu đức (tức chuyển hóa tham, sân, si và những tâm xấu), bên ngoài thì tu phước, phước đức hỗ trợ, nếu được áp dụng thêm các pháp môn dụng công tu tập trong đạo Phật, thì người ấy có thể sẽ chứng đạo, dự vào các quả vị Thánh trong đạo Phật chứ không phải không.
Còn nếu trường hợp người ấy không nhắm đến việc tu tập để đạt đạo, chỉ tu phước đức đơn thuần, thì các quả lành của thế gian họ cũng sẽ có hết sức đầy đủ và viên mãn.
Đó là các quả như: Tiền tài, sắc đẹp, danh vọng địa vị, hạnh phúc trong gia đình, sức khỏe,… Họ sẽ có đủ. Thậm chí, sau khi mất còn có thể sinh lên cõi Trời, nếu họ đủ phước đức.
Phước và Đức như đôi cánh con chim, thiếu một trong hai thì vẫn còn bấp bênh lắm!
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
(Xin thường niệm Phật)
Nguồn: Thúy Nguyễn