Pháp Giới 11 tháng trước

Địa ngục Vô gián là gì? Những tội báo bị đày xuống địa ngục Vô gián

Địa ngục Vô gián là nơi mà thời gian và thân mạng đều không hề gián đoạn, các hình phạt liên miên, không có một chút dừng nghỉ dành cho những thần thức phạm tội cực nặng.

Địa ngục Vô gián là gì? “Địa ngục” là nơi giam giữ thần thức, “Vô gián” nghĩa là liên tiếp không ngừng, không hề có sự gián đoạn. Địa ngục Vô gián là nơi mà thời gian và thân mạng đều không hề gián đoạn, các hình phạt liên miên, không có một chút dừng nghỉ dành cho những thần thức phạm tội cực nặng. Tội nhân nơi ngục này chịu muôn phần khổ sở, nhưng mạng vẫn không đứt đoạn. Họ cứ liên tục chịu cực hình mà chết đi rồi sống lại, sống lại rồi chết đi.

Theo Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện: “Bấy giờ, Ngài Ðịa Tạng Bồ tát thưa Thánh Mẫu rằng: “Danh hiệu của những tội báo trong cõi Nam Diêm Phù Ðề như dưới đây:

Như có chúng sinh chẳng hiếu thảo với cha mẹ, cho đến giết hại cha mẹ. Kẻ đó phải đọa vào Vô Gián địa ngục mãi đến nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được.

Như có chúng sinh nào có lòng ác, làm thân Phật bị thương chảy máu, khinh chê ngôi Tam Bảo, chẳng kính Kinh điển. Cũng phải đọa vào Vô Gián địa ngục, trong nghìn muôn ức kiếp không khi nào ra khỏi được.

Hoặc có chúng sinh xâm tổn của thường trụ, ô phạm Tăng, Ni. Hoặc tứ tình làm sự dâm loạn trong chốn chùa chiền, hoặc giết hoặc hại… Những chúng sinh đó phải đọa vào Vô Gián địa ngục, trong nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được.

Như có chúng sinh giả làm Thầy Sa Môn kỳ thật tâm chẳng phải Sa Môn, lạm dụng của thường trụ, trái phạm giới luật, gạt gẫm hàng bạch y, tạo nhiều điều tội ác. Hạng người như thế phải đọa vào Vô Gián địa ngục, trong nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được.

Hoặc có chúng sinh trộm cắp những tài vật lúa gạo, đồ ăn uống y phục, v.v… của thường trụ. Cho đến không cho mà lấy một vật, kẻ đó phải đọa vào Vô Gián địa ngục trong nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được.

Ngài Ðịa Tạng Bồ tát thưa rằng: “Thánh Mẫu! Nếu có chúng sinh nào phạm những tội như trên đó thời phải đọa vào địa ngục ngũ Vô Gián, cầu tạm ngừng sự đau khổ chừng khoảng một niệm cũng không được”.

Bà Ma Gia Phu Nhơn lại bạch cùng Ðịa Tạng Bồ tát: “Thế nào là Vô Gián địa ngục?”.

Ngài Ðịa Tạng Bồ tát thưa rằng: “Thánh Mẫu! Bao nhiêu địa ngục ở trong núi Thiết Vi? Lớn có 18 chỗ, thứ kế đó 500 chỗ danh hiệu đều riêng khác nhau. Thứ kế lại có nghìn trăm danh hiệu cũng đều riêng khác nhau.

Xem Thêm:   Ngày vía đức Bồ Tát Quán Thế Âm xuất gia 19/09 âm lịch

Nói về địa ngục Vô Gián đó, giáp vòng ngục thành hơn tám muôn dặm, thành đó thuần bằng sắt cao đến một muôn dặm. Lửa cháy trên thành không có chỗ nào hở trống. Trong ngục thành đó có các nhà địa ngục liên tiếp nhau đều có danh hiệu sai khác.

Riêng có một sở ngục tên là Vô Gián. Ngục này châu vi một muôn tám nghìn dặm, tường ngục cao một nghìn dặm, toàn bằng sắt cả. Lửa cháy hực hở suốt trên suốt dưới. Trên tường ngục rắn sắt, chó sắt, phun lửa đuổi nhau chạy bên này sang bên kia.

Trong ngục có giường rộng khắp muôn dặm. Một người thọ tội thời tự thấy thân mình nằm đầy chật cả giường, đến nghìn muôn người thọ tội cũng đều tự thấy thân của mình nằm chật cả trên giường. Ðó là do vì những tội nghiệp đã tạo ra nó cảm vời như thế.

Lại những người tội chịu đủ sự khổ sở: Trăm nghìn quỷ Dạ Xoa cùng với loài ác quỷ, răng nanh bén nhọn dường gươm, cặp mắt chói sáng như chớp nhoáng, móng tay cứng như đồng, móc ruột bằm chặt.

Lại có quỷ Dạ Xoa khác cầm chĩa lớn bằng sắt đâm vào mình người tội. Hoặc đâm trúng miệng mũi, hoặc đâm trúng bụng lưng… Rồi dồi lên trên không, lấy chĩa hứng lấy để lại trên giường. Lại có diều hâu bằng sắt mổ mắt người tội.

Lại có rắn sắt cắn đầu người tội. Nơi lóng đốt khắp trong thân thể đều lấy đinh dài đóng xuống giường, kéo lưỡi ra rồi cày bừa trên đó. Lôi kéo người tội, nước đồng đổ vào miệng, dây sắt nóng đỏ quấn lấy thân người tội. Một ngày một đêm, muôn lần chết muôn lần sống lại. Do vì tội nghiệp mà cảm lấy như thế, trải qua ức kiếp, không lúc nào ra khỏi được.

Lúc thế giới này hư hoại thời sanh nhờ qua địa ngục ở thế giới khác. Lúc thế giới khác đó hư hoại thời lại sanh vào cõi khác nữa. Lúc cõi khác đó hư hoại thời cũng xoay vần sanh vào cõi khác. Ðến khi thế giới này thành xong thời sanh trở về thế giới này. Những sự tội báo trong ngục Vô Gián như thế đó.

Lại địa ngục đó do có năm điều nghiệp cảm, nên kêu là Vô Gián. Năm điều đó là những gì?

Tội nhơn trong đó chịu khổ ngày lẫn đêm, cho đến trải qua số kiếp không lúc nào ngừng ngớt, nên gọi là Vô Gián.

Một người tội thân đầy chật cả ngục, nhiều người tội mỗi mỗi thân cũng đều chật đầy cả ngục, nên gọi là Vô Gián.

Xem Thêm:   Mười công đức ấn tống kinh sách, tượng Phật

Những khí cụ để hành hình tội nhơn như: chĩa ba, gậy, diều hâu, rắn, sói, chó, cối giã, cối xay, cưa, đục, dao mác, chảo dầu sôi, lưới sắt, dây sắt, lừa sắt, ngựa sắt, da sống niền đầu, nước sắt nóng rưới thân, đói thời ăn hoàn sắt nóng, khát thời uống nước sắt sôi. Từ năm trọn kiếp, đến vô số kiếp những sự khổ sở nối nhau luôn không một giây ngừng ngớt nên gọi là Vô Gián.

Không luận là trai hay gái, Mường, Mán, Mọi rợ, già trẻ, sang hèn, hoặc là Rồng, là Trời, hoặc là Thần, là Quỷ. Hễ gây tội ác theo đó mà cảm lấy, tất cả đều đồng chịu khổ nên gọi là Vô Gián.

Nếu người nào bị đọa vào địa ngục đó, thời từ khi mới vào cho đến trăm nghìn kiếp mỗi một ngày đêm muôn lần chết, muôn lần sống lại. Muốn cầu tạm ngừng chừng một khoảng niệm cũng không đặng. Trừ khi tội nghiệp tiêu hết mới đặng thọ sanh. Do vì lẽ liên miên mãi nên gọi là Vô Gián.

Ngài Ðịa Tạng Bồ tát thưa Thánh Mẫu rằng: “Nói sơ lược về địa ngục Vô Gián như thế. Nếu nói rộng ra thời tên của những khí cụ để hành tội cùng những sự thống khổ trong địa ngục đó, dầu đến suốt một kiếp cũng không thể nào nói cho hết được.””

Tâm Hướng Phật/TH!


Địa ngục là gì, ở đâu, có thật không?

Trước hết cần khẳng định, Địa ngục sau khi chết luôn là cõi dữ mà đạo Phật và các tôn giáo khác đều đề cập tới trong các giáo lý của mình. Và mỗi tôn giáo cũng nói về địa ngục theo cách riêng của tôn giáo đó. Ngay cả những người không tín ngưỡng một tôn giáo nào cũng luôn bị ám ảnh phải… đọa địa ngục, sau khi chết! Như vậy Địa ngục quả là đáng sợ. Vậy địa ngục có hay không?

Trả lời câu hỏi này thật không dễ, bởi là người phàm nên không ai có thể thấy được địa ngục sau khi chết cả – chỉ trừ đức Phật và các vị Thánh La Hán. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có được cái “thấy” bằng trí, bằng tuệ quán, căn cứ và Kinh điển Phật giáo.

Ta thấy, cả Phật giáo Nam tông và Bắc tông đều ghi nhận là có địa ngục sau khi người ta qua đời, và Địa ngục chỉ là một trong sáu cảnh giới ở cõi dục mà con người sẽ thác sinh vào.

Kinh Trường A hàm còn nói rõ vị trí Địa ngục nằm giữa núi Đại Kim cương thứ nhất và núi Đại Kim cương thứ hai, xung quanh là biển lớn bao bọc.

Luận lập thế A Tỳ Đàm chỉ rõ địa ngục ở ngoài núi Thiết Vĩ, đại địa ngục thì ở phía Nam thiệm Bộ châu. Luận Đại tỳ bà sa nêu rõ, có Cô địa ngục và Biên địa ngục nằm ở khắp nơi, trong bài thơ Khai hồng chung của Hòa thượng Thích Trí Quảng có nói đến “Địa ngục A tỳ thăm thẳm sâu”… Và những chúng sinh trong địa ngục đều có hình tướng xấu xí, kỳ dị, tâm thức luôn bị đau khổ bởi sự hành hạ, luôn đói khát và sợ hãi.

Xem Thêm:   Nằm ngủ nghe kinh Phật có phạm tội bất kính hay không?

Kinh Vu Lan kể về bà Thanh Đề, mẹ Đại thánh Mục Kiền Liên đọa địa ngục do thời quá khứ vì sự sân hận mà phát lời nguyền tà ác, lại có hành vi phá hoại sự thanh tịnh của tăng chúng – trong địa ngục, khi bưng bát cơm ăn thì “cơm chưa vào miệng đã hóa than hồng” (Kinh Vu Lan). Rồi khi quả Địa ngục của bà Thanh Đề đã trả xong, do thời quá khứ lại từng cúng dường Chư tăng lon gạo nên bà liền được thác sinh vào cõi Trời.

Con người ta sau khi chết cứ phải Thọ sinh qua 6 cảnh giới như vậy, nên gọi là Lục đạo luân hồi. Ấy là sự thật của nhân quả nghiệp báo, là nét đặc sắc về giáo lý Nghiệp chỉ có ở đạo Phật – là tích cực, công bằng, khoa học bởi nó tôn vinh trách nhiệm và giá trị tự thân con người; thúc đẩy sự hướng thiện, sống đạo đức, theo lẽ phải.

Con người có thể khôn ngoan trốn tránh sự kết tội của pháp luật nhưng không thể chạy trốn sự trừng phạt của nghiệp báo nhân quả. Vì thế địa ngục là một cảnh giới, một cõi sống cụ thể, không phải là biểu tượng hay ẩn dụ.

Đức Phật khi thuyết minh về cảnh giới luôn bao gồm “Lý” và “Sự” rất rõ ràng, như đứng trên lập trường Duyên khởi thì, địa ngục hay vạn pháp đều không thật có, là không (vì nó duyên sinh, vô ngã); hay qua lăng kính “Tam giới duy tâm” thì Cực lạc hay địa ngục là tùy theo trạng thái tâm mình hạnh phúc hay đau khổ – nhưng điều ấy chỉ đúng về mặt “Lý”, trong quan niệm về cảnh giới mà thôi. Nếu thiên về “Lý” mà bỏ quên “Sự” sẽ dẫn đến những ngộ nhận đáng tiếc, nhất là sự (tức những việc làm, hành động cụ thể) phá kiến, không tin nhân quả, phủ nhận tội phước…

Do vậy, nếu thành tựu tuệ giác Bát Nhã như Phật hoặc các Thánh Tăng, La Hán thì vạn pháp đều không; còn đối với chúng sinh, phàm nhân do nghiệp lực nặng nề, vô minh che lấp thì vạn pháp đều có mà địa ngục là một cõi sống cụ thể.

Đọc thêm: Địa ngục là gì, có thật hay không? Lúc nào thì chúng ta bị đọa địa ngục?

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

47 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog