Địa ngục là gì
Pháp Giới 8 tháng trước

Địa ngục là gì

Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Ðịa ngục hoàn toàn không phải được xây sẵn hoặc chuẩn bị sẵn cho con người trước khi chết. Ðịa ngục là do tự nghiệp của mỗi người chiêu cảm mà hiện ra. Nghĩa là tự mình tạo nghiệp tội gì, thì phải gánh chịu quả báo tương ứng với tội lỗi đó. Như gây vô số ác nghiệp tất gặp vô số ác báo.

Thí dụ, có một nơi gọi là địa ngục “bào lạc”, còn gọi là cột đồng nung. Ở địa ngục này có cây cột làm bằng đồng, rỗng ruột, nên có thể đốt lửa ở bên trong. Hạng người nào phải đọa vào địa ngục này? Ðó là những người háo sắc đa dâm, chuyên làm điều bất chánh; bởi địa ngục cột đồng nung nóng này là do nghiệp lực của họ cảm vời mà ra!

Là cột đồng song đối với họ thì đó không phải là một cột đồng rực lửa, mà là hình dáng của một con người: Người nam thì thấy đó là một mỹ nữ, nên liền mừng rỡ nhào tới ôm chầm lấy, và vì thế bị lửa thiêu đốt đến bỏng da cháy thịt, muốn gỡ cũng gỡ không ra; còn người nữ nhìn cột đồng nóng thì lại thấy đó là một người nam khôi ngô tuấn tú, hoặc là bạn trai cũ của mình, liền vui mừng cho rằng “đất khách gặp cố nhân,” bèn hớn hở chạy ào đến ôm chầm lấy, nhưng tới nơi thì liền bị “lửa dục” (dục hỏa) này thiêu chết.

*

Tội nhân bị chết rồi, thì sau đó trong địa ngục có một ngọn gió gọi là “xảo phong” thổi lướt qua. Ngọn gió này thổi đến thì họ đều sống trở lại, nhưng sau khi sống lại, họ lại quên mất hình phạt vừa mới thọ nhận, mà chỉ nhớ điều ưa thích trước, nên cứ “chứng nào tật nấy.” Do đó lại phải tiếp tục chịu khổ báo, và các hình phạt tại địa ngục cột đồng nung cứ thế mà tái diễn.”

Địa ngục là một cõi giới tột cùng đau khổ, hoàn toàn có thật, thuộc cõi thấp nhất trong lục đạo luân hồi(Trời, Người, A Tu La, Súc sanh, Địa ngục). Theo kinh Nghiệp Báo thì Địa ngục là nơi thác sanh của loài hữu tình tạo mười điều ác về thượng phẩm.

  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • Âm đức là gì.
  • A Tu La là loài nào?
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Thiên Ma là loại ma gì.
  • Cách thay đổi vận mệnh
  • Rồng có thật hay không?
Địa ngục có thật không
Địa ngục có thật không

Cõi Địa ngục có thật không

Địa ngục xác thực là có thật! Vì sao thế? Vì đức Phật không bao giờ nói dối! Cõi cuối cùng và là khổ hải nhất trong lục đạo chúng sanh. Sểnh một niệm sa vào nơi đây, tất chịu khổ trong muôn kiếp. Chúng sanh cõi này, một ngày đêm muôn ngàn lần chịu khổ hình mà chết đi rối sống lại…Thảm thương vô cùng tận! Gần đây có một vài vị nhờ cơ duyên đặc biệt: Tham quan nơi Địa ngục rồi ghi chép lại thành sách. Độc giả muốn biết xin tìm đọc “Địa Ngục Ký” của Cô ba cháo gà. “Âm luật vô tình” của Thượng Quan Ngọc Hoa sẽ rõ.

Địa ngục ở đâu, làm thế nào đến được

Người đời không biết rằng Địa ngục là một cõi giới và chỉ có hai loại người mới có thể đến được nơi đây:

  1. Thứ nhất là người có oai thần, sức thần thông, đức hạnh, mới có thể đến được nơi này.
  2. Thứ hai là chúng sanh do nghiệp lực: Tức là vì có nghiệp tội nên mới bị đọa vào địa ngục.

Nếu không phải bậc Bồ Tát và Chúng sanh mang trọng nghiệp thì không thể nào đến được địa ngục.

Người thế gian không biết điều này, lại lầm tưởng tưởng rằng Địa ngục ở dưới đất. Vì thế nên họ tìm mọi cách, kể cả khoan sâu xuống lòng đất, để tìm kiếm. Nhưng cho dù khoa học có thể khoan đến tâm trái đất đi chăng nữa, cũng sẽ chẳng thấy được cái ngục nào hết cả!

*

Theo Luận Bà Sa thì Địa ngục không phải đều ở dưới đất. Có khi ở trên mặt đất, hoặc dưới nước, hoặc trên hư không. Vì thế bổn kinh Phạm văn không gọi Địa ngục, mà gọi là Nại lạc ca, có nghĩa là: Khổ cụ, phi đạo, ác nhơn, chỉ cho nơi người tội ác làm điều trái đạo ở. Chỉ cho nơi có đủ sự khốn đốn khổ đau.

Địa ngục tuy nhiều, nhưng đại ước có hai loại: chánh ngục và biên ngục. Chánh ngục vị trí ở dưới châu Diêm Phù Đề và giữa núi Thiết Vi. Chánh ngục lại có hai thứ: Hàn ngục và Nhiệt ngục. Hàn ngục và nhiệt ngục mỗi thứ có tám nơi, mỗi nơi có 16 ngục phụ. Mỗi ngục phụ lại có nhiều tiểu ngục khác nữa. Biên ngục cũng gọi là độc ngục, thì ở lẻ loi trên núi, nơi mé biển. Hoặc ở dưới nước, chỗ đình miếu, giữa đồng trống, hoặc trong hang sâu. Ở châu Nam Thiệm Bộ có đại Địa ngục, còn ba châu kia chỉ có biên ngục, độc Địa ngục mà thôi.

Luận về hình phạt nơi Địa ngục

Than ôi! Luận về địa ngục đắng cay, thật là thống thiết! Lấp lánh rừng dao trên mặt nhật, chói ngời núi kiếm tủa khắp trời. Sùng sục vạc sôi trào bọt sóng, phừng phừng lò cháy lóe tia hồng. Thành sắt suốt ngày cửa đóng, trụ đồng đêm tối lửa nhen.

Nhìn ở bên trong, tội nhân la liệt. Khổ đau tuyệt vọng, kêu réo khóc la. Đầu trâu mắt dữ, ngục tốt nanh dài. Chĩa nhọn đâm hông, tim gan xay giã, áp thân lửa mạnh, cháy rụi thịt da. Hoặc lại, xay đầu giã cẳng, hầm phách nấu hồn, xẻ mật banh lòng, bằm thân quết thịt. Khổ đến nỗi ấy, nói sao cho cùng!

*

Do đó, nổi chìm trong vạc nước sôi, sấp ngửa giữa lò than đỏ. Thịt nát trên đầu giáo, kiếm, xương tan bên cạnh thây khô. Giường sắt nóng hổi, sao ngủ cho yên? Cột đồng đốt đỏ, há ôm lâu được? Trong mắt rực lửa, giữa miệng ngậm khói, kêu chẳng thành tiếng. Như những chỗ này, tội vẫn còn nhẹ.

Nếu chẳng may đọa xuống ngục A Tỳ thì vô cùng khủng khiếp. Cay đắng bốn bề tường sắt, dọc ngang tám vạn do tuần. Tiếng xác đốt nổ nghe rất kinh hoàng, mùi hôi thịt cháy bốc khói ngùn ngụt. Giống cá trên chảo, máu mỡ sém khô. Không một phút vui, đụng đâu cũng khổ. Cử động chẳng được, trói buộc rất căng. Đông Tây qua lại, trên dưới thông nhau. Hết kiếp ở đây, dời sang chỗ khác, chỗ khác hết kiếp, trở về lại đây. Xoay vần như thế, đến vô lượng kiếp.

Tại sao gọi là Địa ngục

Hỏi: Địa ngục có nhiều loại, hoặc ở dưới đất, hoặc ở trên mặt đất, hoặc ở giữa hư không. Tại sao đều gọi là địa ngục?

Đáp: Địa ngục, xưa dịch là bị quản thúc ở chỗ chật hẹp, không câu chấp dưới đất, trên không. Nay theo kinh điển mới dịch, theo chính âm trong bản văn bằng Phạm ngữ là Na lạc ca, có nghĩa là chỗ hết sức khổ của con người, nên gọi là Nại lạc  ca. 

Hỏi: “Tại sao chỗ lớn và thấp nhất gọi là vô gián địa ngục?”.

Đáp: Vì chỗ ấy luôn luôn chịu khổ, không có vui vẻ xen vào, nên gọi là vô gián. Hỏi: Trong các địa ngục khác, vì có ca múa, ăn uống, hưởng quả Dị thục vui vẻ, nên không gọi là vô gián chăng?

Đáp: Trong các địa ngục khác, tuy không có quả Dị thục vui vẻ, nhưng có quả Đẳng lưu vui vẻ, như luận Thi Thiết nói, trong ngục Đẳng hoạt, có lúc được gió mát thổi đến, huyết thịt được mọc lại, có lúc phát ra tiếng nói: “Sống lại!”. Các chúng sinh ở đấy bỗng nhiên sống lại. Chỉ vào lúc huyết thịt mọc lại và sống lại như thế, mới tạm thời sinh ra vui vẻ xen lẫn trong chịu khổ, nên không gọi là vô gián”.

18 Tầng Địa ngục ở đâu

Như luận Bà sa có câu hỏi rằng: “Địa ngục ở tại chỗ nào?”

Đáp: “Đa số ở tại phía dưới châu Thiệm Bộ này”.

Lại hỏi: “Sắp xếp ra sao?”

Đáp: “Từ châu này đi xuống bốn vạn du thiện na thì đến đáy của địa ngục Vô gián. Ngục Vô gián ngang dọc cao thấp đều rộng hai vạn du thiện na. Từ đây đi lên một vạn chín ngàn du thiện na, trong đó sắp xếp bảy ngục còn lại.

Nghĩa là kế trên có ngục Nóng nhất. Kế trên có ngục Nóng. Kế trên có  ngục Kêu gào lớn. Kế trên có ngục Kêu gào. Kế trên có ngục các thứ hợp. Kế trên có ngục Dây thừng đen. Kế trên có ngục Sống lại. Địa ngục này ngang dọc đều rộng một vạn du thiện na. Năm trăm du thiện na là đất sét trắng, năm trăm du thiện na là bùn sình”. Có người nói: “Từ dưới lớp bùn sình này có ngục Vô gián nằm ở chính giữa, bảy ngục còn lại nằm bao bọc chung quanh. Giống như làng xóm bao quanh đô thành ngày nay vậy”.

Hơn nữa, mỗi một ngục lớn có mười sáu tầng. Nghĩa là mỗi ngục có bốn cửa, ngoài mỗi cửa có bốn tầng. Thứ nhất là tầng tro nóng. Trong tầng này, tro nóng cao lên ngập gối. Thứ hai là từng phẩn uế. Trong tầng này ứ đầy phẩn uế. Thứ ba là tầng mũi nhọn. Trong tầng này lại có ba loại:

*
  1. Một là đường dao nhọn. Trong đường này sắp xếp dao nhọn chĩa mũi tên, làm thành đường đi.
  2. Hai là rừng lá kiếm. Trên rừng này đều lấy kiếm bén mũi làm lá.
  3. Ba là rừng kim sắt. Nghĩa là trên rừng này đều có mũi kim sắt dài mười sáu lóng tay.

Ba loại trong tầng mũi nhọn này tuy tên khác nhau, nhưng cùng có lá sắt giống nhau, nên được xếp chung vào một tầng. Thứ tư là tầng sông nóng. Trong tầng này có nước mặn nóng. Gộp chung cả địa ngục này thành ra mười bảy. Như thế, tám ngục lớn gộp chung với các tầng phụ thuộc thành ra một trăm ba mươi sáu chỗ.

Do đó, kinh nói có một trăm ba mươi sáu  ngục. Bởi thế, kinh Trường A hàm bảo rằng: “Tổng cộng có tám địa ngục lớn. tám ngục lớn này đều có mười sáu ngục nhỏ bao bọc chung quanh, giống như phía ngoài bốn châu lớn có tám vạn châu nhỏ bao bọc. Phía ngoài tám vạn châu nhỏ lại có biển lớn. Phía ngoài biển lớn lại có núi lớn Kim Cương. Phía ngoài núi lớn này lại có núi khác, cũng gọi là Kim Cương (kinh Lâu Thán gọi là núi Thiết Vi lớn). Ánh sáng của thiên thần nhật nguyệt đều soi sáng tới khoảng giữa hai ngọn núi này.

Thời gian chịu khổ trong Địa ngục bao lâu

Chúng sanh ở Địa ngục tội ác sâu nặng, nên thọ mạng rất lâu dài.

  • Chúng sanh ngục Đẳng Huợt thọ 500 tuổi. Một ngày đêm nơi đây bằng 16200 câu đê năm cõi người.
  • Chúng sanh ngục Hắc Thằng thọ 1000 tuổi. Một ngày đêm nơi đây bằng 32400 câu đê năm cõi người.
  • Chúng sanh ngục Chúng Hiệp thọ 2000 tuổi. Một ngày đêm nơi đây bằng 64800 câu đê năm cõi người.
  • Chúng sanh ngục Kiếu Hoán thọ 4000 tuổi. Một ngày đêm nơi đây bằng 129600 câu đê năm cõi người.
  • Chúng sanh ngục Đại Kiếu Hoán thọ 8000 tuổi. Một ngày đêm nơi đây bằng 259200 câu đê năm cõi người.
  • Chúng sanh ngục Viêm Nhiệt thọ 16000 tuổi. Một ngày đêm nơi đây bằng 518400 câu đê năm cõi người.

Như thế cứ tăng gấp đôi cho đến ngục Cực Nhiệt, chúng sanh thọ nửa trung kiếp. Ngục Vô Gián chúng sanh thọ một trung kiếp. (Kinh Giảo Lượng Thọ Mạng, Luận A Tỳ Đàm)

Vua Diêm La cai quản Địa ngục là ai

Như các kinh Vấn Địa Ngục và Tịnh Độ Tam Muội nói: “Tổng quát, địa ngục có một trăm ba mươi bốn chỗ. Trước tiên, thuật tên và chỗ cư trú của chúa tể địa ngục. Vua Diêm La ngày xưa là quốc vương Tỳ sa cùng với vua Duy Đà Thủy Sinh giao chiến, binh lực yếu hơn, nên lập lời thề cầu nguyện làm chúa tể địa ngục. Có mười sáu vị tướng tá thống lãnh hàng trăm vạn quân sĩ, đầu mọc sừng, hai tai vểnh lên vì giận dữ, cùng lập lời thề, sau này sẽ xin kính giúp nhà vua trừng trị tội nhân ấy.

Quốc vương Tỳ Sa chính là vua Diêm La hiện nay. Mười tám vị đại thần là các tiểu vương ngày nay. Trăm vạn quân lính là bọn ngục tốt vậy”.

Vua Diêm La cũng phải thọ hình phạt

Lại nữa, kinh Trường A hàm nói: “Phía Nam châu Diêm phù đề có núi Kim cương. Trong đó có cung điện của vua Diêm La, ngang dọc rộng sáu ngàn do tuần. Mỗi ngày đêm, vào lúc canh ba, có vạc đồng tự nhiên xuất hiện trước điện. Nếu vạc đồng chạy vào trong cung, nhà vua đâm ra sợ hãi, bỏ chạy ra ngoài cung. Nếu vạc đồng chạy ra ngoài cung, nhà vua bỏ chạy vào trong cung.

Có tên ngục tốt cao lớn bắt nhà vua nằm trên sắt nóng, lấy móc sắt móc miệng, rót đồng chảy vào: Từ yết hầu lọt xuống, tất cả đều cháy tan. Xong xuôi, nhà vua lại cùng các thể nữ vui chơi. Các vị đại thần cũng đều được hưởng phước báo như thế”.

Khi người chết, sinh vào Trung ấm. Trung ấm nghĩa là đã bỏ Tử âm, chưa đến Sinh âm. Các tội nhân ở đấy nương theo Trung ấm đi vào thành Nê lê. Thành Nê lê là chỗ tội nhân cùng nhau tập hợp trước thời gian chịu tội. Cơn gió tài tình thổi qua, tùy theo nghiệp nặng nhẹ, các người chết thọ lãnh thân hình lớn nhỏ khác nhau. Cơn gió thối thổi qua, tạo thành thân hình thô xấu dành cho tội nhân. Cơn gió thơm thổi qua, tạo thành thân hình nhỏ bé dành cho người có phước đức”.

Chuyện về Địa ngục

Triệu Thái đời nhà Tấn: tự là Văn Hòa, người Bối Khâu thuộc huyện Thanh Hà. Ông nội từng làm thái thú ở Kinh Triệu. Thái đậu hiếu liêm ở quận nhà, được mời làm quan tại địa phương, nhưng không nhận chức. Chuyên tâm nghiên cứu kinh điển, có tiếng tăm khắp xóm làng. Đến già mới ra làm quan, mất khi đang giữ chức trung tán đại phu.

Năm Thái được ba mươi lăm tuổi, bỗng nhiên lên cơn đau tim một lát rồi qua đời. Người nhà đem xác đặt xuống đất, tim còn nóng hẩm không nguội. Tay chân giở lên còn mềm mại, nên người nhà quàn xác lại suốt mười hôm. Bỗng nhiên, trong cổ họng phát ra tiếng rào rào như mưa, được một lúc thì sống lại.

Thái kể rằng, khi mới chết, mơ màng thấy có một người đến kề cận dưới tim. Lại có hai người khác cưỡi ngựa vàng và hai kẻ tùy tùng đến xốc nách Thái đưa đi thẳng về hướng Đông. Không biết bao nhiêu dặm, đến một tòa thành lớn, cao chót vót, sắc xanh đen như thiếc. Bọn họ đưa Thái vào cửa thành, qua thêm hai lớp cửa dày nữa. Có chừng vài nghìn gian nhà ngói. Người nam nữ lớn nhỏ, cũng khoảng mấy nghìn người đang đứng xếp hàng. Đề lại mặc áo đen, độ năm, sáu người, đọc rõ tên họ rồi nói: “Phải đem tội trạng trình lên nhà vua”. Tên Thái nằm vào thứ hai mươi.

*

Giây lát, bọn họ đưa Thái và mấy nghìn người nam nữ cùng tiến lên phía trước. Nhà vua ngồi quay mặt về hướng Tây, nhìn sơ qua sổ bộ xong, lại bảo Thái đi vào trong cửa màu đen ở phía Nam.

Một vị mặc áo đỏ ngồi trong tòa nhà lớn, theo thứ tự gọi tên, hỏi việc làm lúc sống, gây nên tội gì, tạo được việc thiện nào. Dặn dò các người phải nói thật. Ở đây thường xuyên phái sứ giả của sáu bộ lên nhân gian ghi chép đầy đủ việc thiện ác.

Không thể nói dối hão huyền. Thái khai cha anh đều làm quan, ăn lộc hai ngàn thạch. Riêng mình từ nhỏ ở nhà tu học mà thôi, không làm việc gì khác, cũng không làm việc ác. Liền phái Thái làm sứ giả giám sát bên thủy quan. Thái đem hơn hai ngàn người mang cát đắp bờ sông, đêm ngày coi sóc siêng năng khó nhọc. Sau chuyển qua làm đô đốc thủy quan, coi sóc việc hình ngục. Họ cấp cho Thái người ngựa theo hầu, đi giám sát các địa ngục. Những địa ngục đi qua, các khổ hình đều khác biệt. Hoặc lấy kim đâm lưỡi, máu chảy đầy mình.

*

Hoặc bới đầu lộ tóc, chân không trần truồng, cùng dắt nhau đi. Có người cầm hèo, từ sau đốc thúc. Giường sắt, cột đồng đốt cháy, đỏ suốt trong ngoài. Bắt buộc đám người này ngồi lên giường sắt, ôm lấy cột đồng. Lập tức bị cháy nát tan, rồi bỗng sống lại. Hoặc vạc lớn lò nóng, nấu nướng tội nhân. Đầu thân rời rã, lăn lộn theo nước sôi sùng sục. Có quỷ sứ cầm chĩa đứng sát một bên. Khoảng ba, bốn trăm người đứng riêng một chỗ, chờ phiên vào vạc, ôm nhau khóc lóc thảm thương.

Hoặc cây kiếm cao lớn, không biết đến đâu. Mắt, cành, chồi lá đều làm bằng kiếm. Mọi người chê nhau, tự vịn trèo lên. Chưa hết hân hoan thì đầu thân đã bị cắt lìa, từng ly từng tí.

Thái thấy ông nội, cha và hai em ở trong địa ngục này. Mọi người gặp nhau, cùng khóc lóc não ruột. Thái vừa ra khỏi cửa ngục, thấy có hai người mang văn thư đến, nói với cai ngục rằng, có ba người được gia đình lên chùa lập đàn, treo phướn thắp nhang, cầu giải tội giùm cho. Nên đưa họ ra nhà phước. Giây lát, thấy ba người từ địa ngục bước ra, ăn mặc áo quần tươm tất ngay ngắn trên mình, đi đến một cửa phía Nam gọi là đại sảnh Khai quang, có ba lớp cửa son chói lọi rực rỡ.

*

Ba người lập tức bước vào trong, Thái cũng vào theo. Trước là điện lớn, trang hoàng đủ thứ châu báu, chiếu diệu hoa mắt, trần thiết Thiền sàng bằng vàng ngọc. Thái thấy được một vị thần nhân, dáng dấp hùng vĩ, hết sức phi thường, ngồi trên bảo tọa ấy. Hai bên có rất nhiều Sa môn đứng hầu. Vua Diêm La bước đến, cung kính hành lễ.

Thái hỏi: “Đây là vị nào mà vua Diêm La cung kính đến thế?”.

Đề lại đáp: “Đây là đức Thế-tôn, vị đạo sư cứu độ chúng sinh”.

Một lát, Ngài bảo mọi người trong địa ngục bước ra nghe kinh. Bấy giờ, có khoảng 1 trăm vạn chín ngàn người đều được ra khỏi địa ngục, đến thành Trăm dặm này. Tại đây, đông đảo mọi người đều được ngồi xuống để nghe thuyết pháp. Tuy hạnh kiểm còn chỗ thiếu sót, nhưng cũng đều được siêu độ cả. Thế nên, trong bảy ngày khai kinh này, mọi người tùy theo nghiệp nhân nặng nhẹ ít nhiều đã tạo ra, lần lượt đều được giải thoát.

*

Trong khi Thái còn chưa ra khỏi nơi đây, đã thấy có hơn hàng ngàn người bay lên trời. Rời khỏi thành này, lại thấy một thành khác rộng hơn hai trăm dặm, gọi là thành Chịu biến hình. Sau khi tội nhân đã bị xét hỏi, xử trí ở địa ngục xong xuôi, phải vào thành này để chịu quả báo biến đổi hình dạng.

Thái vào thành này, thấy hơn mấy ngàn gian nhà ngói cao lớn đều có phòng ốc. Chính giữa là ngôi nhà ngói lớn, có lan can tô vẽ rực rỡ, gồm mấy trăm phòng. Đề lại tra cứu văn thư, nói rằng: “Kẻ sát sinh phải làm phù du, sáng sinh chiều chết. Kẻ trộm cướp phải làm heo dê, bị người mổ xẻ. Kẻ dâm dật phải làm le cò, vịt trời, hươu nai. Kẻ hai lưỡi hại người phải làm chim cắt, cú mèo. Kẻ giựt nợ phải làm la lừa, lạc đà, trâu ngựa”.

Thái độ chừng đã xử lý xong xuôi, bèn trở về thủy quan. Chủ sự bảo: “Ông vốn con nhà quý tộc, vì tội gì phải vào đây?”. Thái đáp: “Ông cha, anh em đều làm quan, ăn lộc hai ngàn thạch. Tôi đã từng tuyển ra làm quan, nhưng từ chối không đi. Ở nhà đọc sách, tu thân, không tiêm nhiễm thói xấu xa”. Chủ sự bảo: “Ông vô tội nên được phái làm đô đốc thủy quan. Nếu không, thì cũng đã chịu số phận như các tội nhân khác ở địa ngục rồi”.

*

Thái hỏi chủ sự: “Người ta phải làm gì, lúc chết mới được hưởng quả báo an lạc?”. Chủ sự nói: “Chỉ có những đệ tử thờ phụng Phật pháp, giữ gìn giới luật, mới được quả báo an lạc, không bị trách phạt mà thôi”.

Thái lại hỏi: “Những tội lỗi gây ra trước khi thờ phụng Phật pháp, liệu có được trừ đi sau khi đã thờ phụng chăng?”. Đáp rằng: “Đều trừ được cả”. Nói xong, chủ sự mở hộp khóa vàng, tra xét lại tuổi tác của Thái, thấy còn sống thêm được ba mươi năm nữa, bèn khiến Thái trở về.

Khi từ biệt, chủ sự căn dặn: “Ông đã thấy được quả báo ở địa ngục phân minh như thế, nên nói lại cho mọi người trên thê gian đều biết, để họ làm thiện. Thiện ác theo người như hình với bóng. Há chẳng nên cẩn thận?”

*

Bấy giờ, bà con thân thích nội ngoại đến thăm Thái khoảng năm mươi, sáu mươi người, đều nghe lời Thái kể. Thái cũng chép lại để trao cho mọi người cùng xem. Ấy là ngày 13 tháng 7, dưới niên hiệu Thái Khang thứ năm đời nhà Tấn. Thái liền mời nhiều tăng sĩ đến lập đàn lớn cầu phúc cho ông nội, cha mẹ và hai em. Thái còn cho con cháu sửa mình, học tập Phật pháp. Khuyên nhủ phải siêng năng.

Người đương thời nghe tin Thái đã chết rồi sống lại, được thấy rõ nhiều chuyện họa phúc, liền rủ nhau đến thăm hỏi. Có các ông Thái trung đại phu Tôn Phong ở Vũ Thành, quan nội hầu Hách Bá Bình ở Thường Sơn, cả nhóm đông hơn mười người, cùng đến nhà Thái, hỏi rõ mọi chuyện trước sau. Mọi người đều sợ hãi, cùng xin phát tâm thờ phụng Phật pháp.

(Theo Pháp uyển Châu lâm)

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Chép Hồng Danh Phật – Công đức lớn, dễ thực hành

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog