Cầu siêu thế nào là đúng Chánh pháp
Pháp Giới 5 tháng trước

Cầu siêu thế nào là đúng Chánh pháp

Có muôn vàn lý do người ta nghĩ đến cầu siêu. Cầu siêu cho người thân đã mất. Cầu siêu cho Ông bà Tổ tiên, cầu siêu cho thai nhi và cầu siêu cho tha nhân. Tuy vậy, lại rất ít người hiểu đúng bản chất của cầu siêu và cầu siêu thế nào là đúng với chánh pháp. Người không hiểu pháp, đa phần bày ra lễ lạt rườm rà, mê tín, tốn kém mà hiệu quả chẳng đáng là bao. Vậy cầu siêu thế nào là tốt nhất, hiệu quả nhất và đúng với chánh pháp nhất?

  • 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
  • Sự thật về hạn Tam Tai.
  • Sự thật về Cầu Cơ.
  • Sự thật về Đồng bóng.
  • Cầu siêu cho Thai nhi tại nhà.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • Cách trị bóng đè linh nghiệm nhất.
Cầu siêu thế nào là đúng Chánh pháp
Cầu siêu như thế nào là đúng chánh pháp

Cầu siêu đúng Cháp Pháp: Cần hiểu đúng về Cầu siêu

Đức Phật dạy: “Con người khi chết đi, tùy theo nghiệp lực mà chuyển kiếp trong sáu nẻo luân hồi: Cõi Trời, cõi A Tu La, cõi Người, cõi Bàng sanh, cõi Ngạ quỷ, cõi Địa ngục”. Lại trong Kinh Địa Tạng, Bồ Tát dạy: “Như có người nào lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác. Sau khi mạng chung, hàng thân quyến vì người chết mà tu tạo phước lợi, làm tất cả việc về Thánh đạo. Thời trong bảy phần công đức, người chết nhờ đặng một phần. Còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó”.

Vì thế, khi làm lễ cầu siêu hồi hướng cho người. Dù họ có đang ở bất kỳ cảnh giới nào, cũng sẽ nhận được một trong bảy phần công đức. Nhờ công đức vô lậu này, người nhận sẽ lìa khổ được vui, hoặc sẽ tăng trưởng thêm phước báo. Tác dụng của cầu siêu là ở chỗ này! Chứ không phải là được siêu thoát rồi, họ quay lại phù hộ cho ta làm giàu, hết bệnh, hay bình an như nhiều người lầm tưởng đâu.

Cầu siêu đúng chánh Pháp: Lợi ích thực sự của cầu siêu

Họ lìa khổ dĩ nhiên ta sẽ được vui. Lý do: Cầu siêu cho thân gia quyến thuộc là báo hiếu. Cầu siêu cho vong linh thai nhi, các bé siêu thoát, thì bậc cha mẹ mới an lòng. Cầu siêu cho tha nhân thì tăng trưởng Âm đức.

Nhưng tác dụng lớn nhất của cầu siêu lại không phải ở đó, mà là ở nơi Tổ Ấn Quang dạy: “Niệm Phật, tụng kinh tuy nói là để cầu siêu cho người thân, nhưng thật ra là để cho quyến thuộc hiện tiền tự biết: Khai tâm địa, trồng thiện căn, và đem tất cả công đức cầu siêu cho người thân để hồi hướng cho hết thảy chúng sanh trong pháp giới. Hòng mở rộng tâm lượng của mình lẫn người, của kẻ còn, người mất. Nhằm tiêu diệt những chấp trước trở ngại còn – mất của mình lẫn người.”

Cầu siêu ở nơi nào cũng tốt, quan trọng là Tâm chứ không phải ở Pháp. Dù tổ chức ở Chùa hay ở nhà, tác dụng cũng như nhau. Chỉ là, nếu ở nhà chưa có bàn thờ Phật, thì nên tổ chức ở Chùa. Do ở Chùa có lực gia bị của Tam Bảo cùng chư vị Hộ Pháp.

Đồ lễ dùng cho cầu siêu

Tất cả các lễ đều phải dùng đồ chay, nếu dùng đồ mặn thì chẳng có tác dụng gì! Vàng mã chỉ nên dùng chút ít gọi là, thêm ít vật để Phóng sinh nữa càng hay. Nếu cầu siêu cho Tha nhân thì tùy điều kiện kinh tế mà làm. Đông người, càng trang nghiêm thanh tịnh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Lễ lạt cầu siêu càng đơn giản càng tốt, bày vẽ chẳng ích gì. Kinh Phật dạy: “Chỉ có chúng sinh trong cõi Ngạ quỷ mới hưởng được phẩm vật cúng tế của thân nhân.” Ta chẳng thể biết người thân của mình về đâu trong sáu nẻo. Nên khi lễ lạt tâm quan trọng hơn phẩm vật.

Thế nào là Cầu siêu đúng Chánh pháp

Người không hiểu Phật pháp, bày ra nghi thức rườm rà, chẳng được nhiều lợi ích. Ta nên nghe lời Tổ Ấn Quang dạy thì hơn:

Đối với việc cầu an cho người bệnh, tiến vong. Người đời nay hay chú trọng tụng kinh, bái sám, làm đàn Thủy Lục v.v… Quang đều bảo những bạn bè quen biết nên niệm Phật. Bởi niệm Phật lợi ích hơn tụng kinh, bái sám, làm đàn Thủy Lục nhiều lắm. Vì sao vậy? Tụng kinh thì người không biết chữ chẳng thể đọc theo. Dù biết chữ nhưng tụng nhanh như nước chảy thì người miệng lưỡi hơi chậm chạp cũng không tụng được. Người biếng nhác tuy tụng được nhưng cũng không chịu tụng, thành ra hữu danh vô thực. Bái sám, làm đàn Thủy Lục cũng cứ theo đó mà suy.

Niệm Phật là tốt nhất

Niệm Phật thì không một ai chẳng thể niệm được, dẫu cho kẻ biếng nhác không chịu niệm, nhưng mọi người đồng thanh cùng niệm. Kẻ ấy nếu không bịt tai thì một câu Phật hiệu cố nhiên sẽ rành rẽ phân minh rót vào tâm. Tuy chẳng niệm mà cũng chẳng khác gì niệm. Như người nhiễm hương thân có mùi thơm, tuy không cố ý muốn thơm mà ngờ đâu lại được như thế. Vì thân quyến đảo bệnh, cầu siêu, không thể không biết điều này.

Nghi thức cầu siêu  

Chư Tổ Sư dạy: Phần nghi thức cầu siêu này càng đơn giản càng càng tốt, quan trọng là niệm Phật, đại khái như sau thì Tổ Thiền Tâm dạy như sau:

Nếu cần mời các Sư, nên chọn vị nào đạo hạnh trong sạch mới có kết quả, chớ chẳng nên mời những vị chuyên tụng có giá biểu định sẵn. Ngặt vì thời mạt pháp, bậc có đạo hạnh khó tìm, nên tốt nhất là bạn tự làm lễ cũng được. Sự thành tâm của gia đình mới là chủ yếu, mà kết quả cũng không kém việc nhờ người ngoài. Tuy nghi thức cầu siêu đơn giản, ngắn gọn, nhưng ý nghĩa và tác dụng vô cùng rộng lớn như sau:

1. Truớc hết chắp hương, lạy 3 lạy, niệm 3 câu Nam Mô A Di Đà Phật, nguyện trình:

“Hôm nay, ngày…tháng… chúng con làm lễ … cho… , cúi xin ơn trên Tảo Bảo chứng minh gia bị.

2. Chắp hương, hướng về bàn Phật, xá 3 xá và qùy xuống khấn nguyện:

“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)

Cúi xin ơn trên Tam Bảo, chư tôn Pháp Hiền Thánh Tăng, Chư Tôn Long Thần Hộ Pháp cảm ứng chứng minh. Nay chúng con thành tâm cầu nguyện cho… Nhờ ơn trên từ bi cứu độ vong linh được thoát chốn mê đồ, lìa khổ được vui, vãng sanh về miền Tây Phương Cực Lạc, Nam Mô A Di Đà Phật”.

Niệm Phật và hồi hướng

1. Cả nhà cùng quỳ hoặc ngồi niệm Phật, lưu ý phải niệm đủ sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật. Thời gian càng lâu càng tốt, ít nhất là 1 giờ.

2. Niệm Phật xong cả nhà cùng chắp tay khấn nguyện:” Nguyện đem công đức niệm Phật này hồi hướng cho…để vong linh lìa khổ được vui, nương nơi Bổn Nguyện của đức Phật A Di Đà, vãng sinh Tây Phương Cực Lạc Quốc! Nam mô A Di Đà Phật!”

Cách cầu siêu đúng với chánh pháp chỉ đơn giản vậy thôi, quan trọng nhất vẫn là tâm ta hướng đến người đã khuất. Hồi hướng công đức vô lậu của niệm Phật để họ lìa khổ được vui, được vãng sanh về cõi lành.

Khai thị về Cầu siêu và Nghi Diệm Khẩu

Tổ Ấn Quang bảo: “Làm Phật sự, bất tất phải niệm kinh, bái sám, làm đàn Thủy Lục; bởi những chuyện ấy đều thuộc bề ngoài.  Nên chuyên niệm Phật, khiến cho các con trai gái từ đầu đến cuối đều niệm theo; những người nữ nên ở trong phòng niệm, chẳng nên ngồi sau chư Tăng.

Như thế thì gia quyến thật sự được lợi ích, mà ngay cả những vị Tăng niệm Phật và những ai thấy nghe không ai chẳng được lợi ích. Phàm khi làm Phật sự, nếu chủ nhân chịu tham dự đàn tràng thì Tăng sẽ tự phát tâm chân thật; nếu chủ nhân chỉ làm cho đủ lệ, thì Tăng cũng chỉ làm chiếu lệ! Như một kỳ Phật sự đã xong, trong ban đêm tổ chức lễ Diệm Khẩu là xong.

*

Diệm Khẩu là pháp sự nhằm thí thực cho ngạ quỷ, căn cứ trên Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni Kinh. Pháp hội này lấy ngạ quỷ làm đối tượng chủ yếu để cúng thí; thường được cử hành nhằm hồi hướng công đức cầu siêu cho người đã khuất. Pháp cúng căn bản của Diệm Khẩu là cúng nước sạch, cùng một chút thức ăn như cơm, mì, bánh trái v.v.. tụng chú Biến Thực; chú Cam Lộ Thủy mỗi thứ bảy biến; xưng danh hiệu các vị Phật Đa Bảo, Diệu Sắc Thân, Ly Bố Úy v.v.. rồi đổ vào chỗ đất sạch. Về sau, những nghi thức Diệm Khẩu thêm vào các khoa phức tạp hơn như thăng tòa, nhập định, sái tịnh, quy y, đạo tràng quán, hiến Mạn Đà La v.v…

Theo Mật điển, khoa nghi này không được cử hành kéo dài quá 11 giờ đêm. Vì sau giờ đó, các ngạ quỷ không ăn được nữa. Bản kinh Diệm Khẩu được dịch sớm nhất ở Trung Hoa bởi ngài Thật Xoa Nan Đà (tức kinh Cứu Diện Nhiên Ngạ Quỷ Đà La Ni và Cam Lộ Đà La Ni) vào đời Đường. Về sau, ngài Bất Không Tam Tạng dịch thêm Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Nghi Quỹ Kinh.

*

Đến đời Tống, do nhận thấy chư sư thực hành khoa này chưa đúng cách nên ngài Tuân Thức bèn soạn lại nghi thức; ngoài các mật chú, còn thêm phương pháp quán tưởng của tông Thiên Thai; chia pháp thí thực thành ba loại: Hộc Liệu, Minh Đạo và Thủy Lục. Hộc Liệu chính là Du Già Diệm Khẩu; Minh Đạo chính là đại trai Vô Giá thí thực cho người cõi âm. Thế nhưng vẫn có vị như Tông Hiểu chủ trương thí chung tất cả như thí Khoáng Dã Quỷ Thần, Quỷ Tử Mẫu v.v…

Đến đời Nguyên, do ảnh hưởng của Mật Giáo, nghi thức Du Già Diệm Khẩu của Tây Tạng được truyền vào Trung Hoa. Nghi thức này cũng hơi giống với khoa nghi Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Nghi Quỹ Kinh; do ngài Bất Không dịch, nhưng thêm các phần Tam Quy, Đại Luân Minh Vương Thần Chú, Chuyển Pháp Luân Bồ Tát Chú; danh hiệu 35 vị Phật, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Kệ; nhập Quán Âm định, Phá Địa Ngục chân ngôn; phần sau lại thêm những chú như Tôn Thắng Chân Ngôn, Kim Cang Tát Đỏa Bách Tự Chú v.v…

*

Đến đời Minh, do các khoa nghi Diệm Khẩu truyền thừa bất nhất, trở thành mạnh ai nấy làm theo cách mình. Về sau ngài Thiên Cơ bèn san định lại; lược bỏ những chỗ rườm rà, soạn thành Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi; khoa nghi này được gọi là Thiên Cơ Diệm Khẩu.

Tổ Vân Thê Liên Trì của Tịnh tông lại san định khoa nghi Diệm Khẩu của ngài Thiên Cơ một lần nữa; soạn thành Tu Thiết Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi, đồng thời viết lời chú giải. Năm Khang Hy 32 (1693), ngài Đức Cơ ở núi Bảo Hoa lại biên tập khoa nghi do tổ Liên Trì soạn một lần nữa, đặt tên là Du Già Diệm Khẩu Thí Thực Tập Yếu. Khoa nghi này thường được gọi là Bảo Hoa Diệm Khẩu.

Ngày nay, hai khoa nghi Diệm Khẩu được sử dụng phổ biến nhất ở Trung Hoa là Thiên Cơ và Bảo Hoa Diệm Khẩu. Ở Việt Nam, khoa nghi Trai Đàn Chẩn Tế do chư Tổ người Việt soạn; có các bước pháp sự gần giống với đàn Thủy Lục hơn Diệm Khẩu.

( Cầu siêu thế nào là đúng với chánh pháp )

Tuệ Tâm 2019.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   10 Đại đệ tử của Đức Phật gồm những ai? 

26 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog