Đại thiên thế giới là gì? Tiểu thiên thế giới là gì?
Pháp Giới 11 tháng trước

Đại thiên thế giới là gì? Tiểu thiên thế giới là gì?

Đại thiên thế giới còn gọi là Tam thiên đại thiên thế giới do ba lần ngàn thế giới kết hợp lại mà thành. Một ngàn Tiểu thế giới hợp lại thành một Tiểu thiên thế giới.

Đại thiên thế giới còn gọi là Tam thiên đại thiên thế giới do ba lần ngàn thế giới kết hợp lại mà thành. Theo đó thì: Một ngàn Tiểu thế giới hợp lại thành một Tiểu thiên thế giới. Một ngàn Tiểu thiên thế giới hợp lại thành một Trung thiên thế giới. Một ngàn Trung thiên thế giới hợp lại thành một Đại thiên thế giới.

Một Tiểu thế giới có một Lục Dục thiên, tức gồm có: Một mặt Trăng và một mặt Trời, một núi Tu Di và một Tứ đại châu. Trái đất nơi chúng ta đang sống đây thuộc Nam Thiệm Bộ Châu, một trong Tứ đại châu thiên hạ của một Tiểu thế giới.

Lại có vô lượng vô biên các cõi Tam thiên đại thiên thế giới. Mỗi Đại thiên thế giới tức là một Phật độ. Nghĩa là mỗi cõi đều có chư Phật hiện thân giáo hóa chúng sanh.

Một Tiểu thế giới trong Đại thiên thế giới

Để nhìn được sự vô biên của Đại thiên thế giới, ta phải nắm đại lược về một Tiểu thế giới. Tiểu thế giới gồm 6 phần chính yếu:

  • Một mặt trời và một mặt trăng
  • Núi Tu Di Làm trung tâm
  • Tứ Châu thiên hạ
  • Địa Ngục
  • Thiên Xứ Ở Núi Tu Di
  • Cõi Không cư Thiên

Tiểu thế giới được ba lớp bao bọc. Lớp nhất ở trong gọi là Kim luân, lớp thứ hai gọi là Thủy luân, lớp thứ ba là Phong luân. Ngoài Phong luân lại có hư không rộng rãi vô biên tế. Theo đó thì: Kim luân an trụ nơi Thủy luân, Thủy luân an trụ nơi Phong luân, Phong luân an trụ nơi hư không.

1. Chín Núi Tám Biển

Một Tiểu thế giới có một núi Tu Di làm trung tâm. Đó là lớp núi thứ nhất. Lớp núi thứ hai là Trì Song Sơn. Lớp núi thứ ba là Trì Trục Sơn. Lớp núi thứ tư là Chiêm Mộc Sơn. Lớp núi thứ năm là Thiện Kiến Sơn. Lớp núi thứ sáu là Mã Nhĩ Sơn…. Như thế có tất cả chín lớp núi, tám lớp biển.

Tu Di Sơn là chỗ chư thiên, chư thần ở. Thất Kim Sơn là chỗ chư Thiên thần và Ngũ thông tiên nhơn ở. Thiết Vi Sơn là chỗ của chúng Ngạ quỷ, Địa ngục ở.

2. Tứ Đại Bộ Châu

Bốn đại bộ châu vị trí ở vào vùng biển thứ tám là Đại Hàm Thủy hải.

Phía nam núi Tu Di là phương vị của Nam Thiệm Bộ Châu. Châu nầy cũng có tên là Diêm Phù Đề. (Châu này chính là nơi Loài người sinh sống) Hình thế châu Nam Thiệm Bộ phương bắc rộng, phương nam hẹp, chu vi độ 7000 du thiện na, xung quanh có hai trung châu và nhiều tiểu châu.

Phía đông núi Tu Di là Đông Thắng Thần Châu. Châu Thắng Thần hình bán nguyệt, phương đông hẹp, phương tây rộng, chu vi độ 9000 du thiện na, xung quanh có hai trung châu và nhiều tiểu châu.

Phía tây núi Tu Di là châu Cù Đà Ni, cũng gọi là Ngưu Hóa Châu. Nhân dân ở châu nầy dùng trâu, bò, ngựa, châu báu, để mua bán, đổi chác vật dụng cho nhau, nên do đó mà được mệnh danh (Ngưu Hóa). Tây Ngưu Hóa Châu địa hình như mặt trăng tròn, chu vi độ 8000 du thiện na, xung quanh có hai trung châu và nhiều tiểu châu.

Phía bắc núi Tu Di là Bắc Câu Lư Châu, cũng gọi là Uất Đan Việt. Châu Bắc Câu Lư hình vuông, chu vi độ 10.000 do tuần, xung quanh có hai trung châu và nhiều tiểu châu. Cảnh sắc và nhơn vật ở châu nầy đều hơn ba châu kia.

Các Kinh luận đều nói, hình dáng của châu nào ra sao, thì khuôn mặt của dân chúng châu đó cũng như thế ấy. Như người ở Nam Thiệm Bộ Châu, khuôn mặt phần nhiều trên lớn dưới nhỏ. Người ở Đông Thắng Thần Châu khuôn mặt tương tự hình bán nguyệt. Người ở Tây Ngưu Hóa Châu khuôn mặt như trăng tròn. Người ở Bắc Câu Lư Châu khuôn mặt hơi vuông.

Như vậy tính ra một Đại thiên thế giới có 1 tỉ Tứ Đại Bộ Châu.

3. Địa Ngục

Địa ngục nằm nơi Núi Thiết Vi. Lược thuật thì Địa Ngục có hai chủng loại hàn, nhiệt. Về nhiệt ngục từ khinh đến trọng có tám thứ: 1. Đẳng Hoạt. 2. Hắc Thằng. 3. Chúng Hiệp. 4. Hiều Kiếu. 5. Đại Kiếu Hoán). 6. Viêm Nhiệt. 7. Cực Nhiệt. 8. Vô Gián.

Mỗi ngục trên đây đều có 16 ngục phụ, như thế kể cả bản ngục và phụ ngục của hai loại hàn nhiệt, tất cả có 272 ngục. Ngoài phụ ngục còn có nhiều tiểu ngục, ngoài tiểu ngục lại có vô số biên ngục. Đại khái, chúng sanh nào tạo thập ác thuộc về phẩm thượng thượng, sẽ bị đọa vào chánh ngục. Chúng sanh nào tạo thập ác thuộc về phẩm thượng trung, sẽ bị đọa vào phụ ngục. Chúng sanh nào tạo thập ác thuộc về phẩm thượng hạ, sẽ bị đọa vào tiểu ngục, biên ngục. Các ngục sở do đồng, sắt hoặc đá tạo thành, những hình cụ trong ấy nhiều đến vô lượng. Tất cả đều bởi nghiệp ác của chúng sanh mà huyễn hiện.

Như vậy tính ra một Đại thiên thế giới có 1 tỉ cõi Địa ngục.

Đại thiên thế giới là gì? Tiểu thiên thế giới là gì?

4. Thiên Xứ Ở Núi Tu Di

Tứ Thiên Vương và tùy thuộc

Như trên đã nói, núi Tu Di hình thế khoảng giữa eo lại, trên dưới rộng ra. Từ mặt nước lên đến giữa núi Tu Di có bốn tầng cấp. Tầng cấp thứ nhất bao vòng quanh núi là chỗ ở của thần Kiên Thủ. Tầng cấp thứ hai bao vòng quanh núi là chỗ ở của thần Trì Hoa Man. Tầng cấp thứ ba bao vòng quanh núi là chỗ ở của thần Thường Phóng Dật. Ba xứ sở nầy là nơi ở các thần dưới quyền thống lãnh của Tứ Thiên Vương. Tầng cấp thứ tư bao vòng quanh núi là trụ xứ của bốn vị thiên vương, gọi là Tứ Thiên Vương.

Tứ Thiên Vương thống lãnh chư thần ủng hộ bốn đại bộ châu.

  • Phương đông, giữa chừng núi Tu Di, là chỗ ở của Trì Quốc thiên vương và chư thiên tùy thuộc. Họ bảo hộ Đông Thắng Thần Châu.
  • Phương nam giữa chừng núi Tu Di, là chỗ ở của Tăng Trưởng thiên vương và chư thiên tùy thuộc. Họ bảo hộ Nam Thiệm Bộ Châu.
  • Phương tây giữa chừng núi Tu Di, là chỗ ở của Quảng Mục thiên vương và chư thiên tùy thuộc. Họ bảo hộ Tây Ngưu Hóa Châu.
  • Phương bắc giữa chừng núi Tu Di, là chỗ ở của Đa Văn thiên vương và chư thiên tùy thuộc. Họ bảo hộ Bắc Câu Lư Châu.
Xem Thêm:   Niệm Phật Thập Yếu PDF – Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Tứ Thiên Vương mỗi vị đều có tám viên đại tướng, chín mươi mốt người con. Theo Trí Luận thì các thần núi, sông, đất, rừng, cây, thành quách, cung điện…. tất cả Quỷ thần đều thuộc về quyền thống nhiếp của Tứ Ðại Thiên Vương.

Như vậy tính ra một Đại thiên thế giới có 1 tỉ núi Tu Di.

Tam thập tam Thiên (Trời Đao Lợi)

Trên đảnh núi Tu Di là xứ sở của trời Đao Lợi (Tam thập tam thiên). Nơi đây địa thế rộng rãi tốt đẹp. Ở bốn góc trên đảnh núi Tu Di có bốn tòa núi nhỏ, bề cao và rộng đều 500 do tuần, có thần Dược Xoa tên là Kim Cương Thủ trụ nơi đây để tuần thị và hộ vệ chư thiên. Chính giữa đảnh Tu Di có khu thành rộng lớn tên là Diệu Kiến. Chỗ nầy là thành đô của trời Đế Thích, lâu các nguy nga tráng lệ, nghiêm sức bằng các thứ tạp bảo.

Xung quanh thành Diệu Kiến có 32 thiên xứ, mỗi nơi do một vị thiên chủ quản trị. Ba mươi hai thiên xứ nầy với trung đô của Đế thích, hợp lại 33 thiên xứ, nên gọi là Tam thập tam thiên. Nếu tính từ mặt đất lên đến cảnh trời Đao-lợi thì khoảng cách là 84.000 do-tuần.

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng: “Ðao Lợi” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “tam thập tam”, tức là chỉ cõi trời Ba Mươi Ba. Như thế, có phải trời Ðao Lợi nằm ở tầng thứ ba mươi ba không? Không phải! Tuy gọi là cõi trời “Ba Mươi Ba”, nhưng đó không phải do đếm từ dưới lên trên theo thứ tự, như tầng trời thứ nhất, tầng trời thứ hai, rồi đến tầng trời thứ ba,… cho tới tầng trời thứ ba mươi ba. Vậy thì như thế nào? Cõi trời Ba Mươi Ba này vốn nằm chính giữa, và ở bốn phía đông tây nam bắc của cõi trời này thì mỗi phía lại có tám cõi trời. Do đó, tổng cộng có ba mươi hai cõi trời phân bố chung quanh cõi trời Ba Mươi Ba.

Thiên chủ của cõi trời Ba Mươi Ba là Ðế Thích. Trong Kinh A Di Ðà có nói đến “Thích Ðề Hoàn Nhân”, tức là vị Ðế Thích này vậy. Ngoài ra, trong Chú Lăng Nghiêm có câu “Nam Mô Nhân Ðà La Da”, thì Nhân Ðà La Da cũng chính là Thiên Chủ Ðế Thích. Ở cõi trời thì Ðế Thích là một vị Thiên Chủ; còn trong Phật Giáo thì Ngài là một vị Hộ Pháp – Ngài chẳng những không được làm chủ mà ngay cả tòa sen để ngồi cũng không có nữa, Ngài chỉ đứng ở ngưỡng cửa mà thôi!

Thiên Chủ Ðế Thích cũng chính là đấng “Thượng Ðế Vạn Năng” mà người đời thường xưng tụng. Ðúng vậy, Ðế Thích quả là một “đấng vạn năng” – Ngài cai quản tất cả mọi việc ở cõi trời cũng như ở cõi người. Tuy nhiên, giữa Ngài và người thế gian chúng ta chẳng có gì khác biệt lắm. Vì sao? Vì Ngài vẫn còn tâm dâm dục, và vẫn cần ăn uống, ngủ nghỉ; Có khác chăng là ba thứ dục vọng ấy ở Ngài thì nhẹ và tinh tế, chứ không nặng nề và thô thiển như ở phàm phu chúng ta!

Người thế gian chúng ta chỉ không ăn không uống vài bữa là chịu không nổi; Vài ngày không dâm dục là cảm thấy khó chịu, vài hôm không ngủ nghỉ là thấy uể oải, bạc nhược. Còn Trời Ðế Thích thì một trăm ngày không ăn cũng được; Thậm chí hai trăm ngày, ba trăm ngày, hoặc một năm mới ăn một lần cũng chẳng sao; Suốt năm không ngủ cũng vẫn tỉnh táo như thường, và quanh năm không dâm dục cũng chẳng lấy làm phiền. Tuy nhiên, Ngài vẫn chưa đoạn trừ được dục vọng.

Tuổi thọ của chư thiên ở cõi trời Ðao Lợi là một ngàn năm. Một trăm năm của cõi nhân gian chúng ta chỉ là một ngày một đêm ở cõi trời Ðao Lợi. Vậy, quý vị thử tính xem, so với người thế gian chúng ta thì thọ mạng của chư thiên lâu hơn được bao nhiêu năm?

Cõi trời Ðao Lợi rộng tám vạn do-tuần; tất cả tường vách của thành trì nơi đây đều được làm bằng bảy thứ báu. Thành trì của Thiên Chủ Ðao Lợi Thiên là Thiện Kiến Thành, rộng sáu vạn do-tuần; và tất cả cung điện đều được xây bằng những vật liệu quý báu nhất. Ðây cũng là lý do khiến Thiên Chủ Ðế Thích sau khi được sanh về đó rồi thì chỉ muốn ở lại làm chúa trời, chứ không muốn “dọn nhà” đi nơi khác! Mọi thứ xung quanh Ðế Thích toàn làm bằng châu báu; ngay cả nhà cửa phòng ốc cũng được kiến tạo bằng những vật liệu vô cùng quý giá.

Vì được sống ở một nơi đẹp đẽ với những cung điện tráng lệ như thế, nên Ðế Thích khó thể dứt bỏ dục tâm. Ngài lấy làm thỏa mãn, an nhiên hưởng thụ phước trời, và cho rằng đó là nơi vui sướng nhất. Chẳng những thế, Ngài còn kêu gọi tất cả chúng sanh hãy sanh về “thiên quốc” – thế giới của Ngài.

Ðối với Ngài, cõi trời Ðao Lợi là một thế giới đầy vui thú; Do đó, ai thích thì cứ đến ở, Ngài sẵn lòng hoan nghênh tất cả. Ngài cho rằng Ngài rất khảng khái, rộng lượng. Vì lúc nào cũng hoan hỷ nghênh đón mọi người đến ở và cùng an hưởng phước lạc của cõi trời với Ngài; Tuy vậy, Ngài không biết rằng sở dĩ bản thân mình chưa thoát khỏi vòng sanh tử là bởi mình còn tham đắm dục lạc!

Xem Thêm:   Mối thù con nhà bá hộ, báo thù tận đến kiếp sau

Vì sao Ngài được làm Thiên Chủ? Có phải là trước tiên thì làm Ðịa Chủ (chúa đất), rồi sau đó được thăng chức làm Thiên Chủ (chúa trời)? Hay là phải từ địa vị Ðịa Chủ rồi lên Nhân Chủ (chúa nhân gian), sau đó mới từ Nhân Chủ mà thăng lên làm Thiên Chủ? Không phải! Thế thì nhờ đâu mà Ngài được làm Thiên Chủ?

Vào thời Ðức Phật Ca Diếp, vị chúa trời Ðế Thích này là một người con gái từng phát tâm xây cất ngôi tháp thờ Phật Ca Diếp. Do nhân duyên gì mà cô phát tâm như thế? Thuở ấy, nhân thấy một ngôi miếu đổ nát và mất nóc. Trong miếu có pho tượng Phật đã bị mưa gió làm loang lổ lớp vàng thếp trên mặt, cô cảm thấy rất đau lòng: “Chao ôi! Tượng Phật này đã bị nhện giăng bụi bám, bây giờ lại còn phải chịu cảnh gió táp mưa sa…Tôi thật không đành lòng!”.

Thế là cô ta phát tâm sửa sang ngôi cổ miếu ấy lại cho trang nghiêm. Tuy nhiên, vì không có tiền, cô ta bèn tìm đến bạn bè và những người thân thuộc, nói với họ rằng: “Tôi muốn xây dựng lại ngôi cổ miếu nọ nhưng không có tiền. Chẳng hay quý vị có thể giúp tôi một tay không? Quý vị ai có người thân thì kêu gọi người thân, ai có bạn bè thì kêu gọi bạn bè; chúng ta hãy hợp lực để làm một việc từ thiện, cùng nhau trùng tu ngôi cổ miếu này.”

Bạn bè và bà con quyến thuộc của cô gái này đều hăng hái hưởng ứng: “Ðược, tất cả chúng ta hãy hợp tác để trùng tu ngôi cổ miếu!”. Cô ta tìm được ba mươi hai người có cùng một tâm nguyện với mình, và có lẽ tất cả đều là nữ giới. (Ðiều này không thể kiểm chứng qua lịch sử, cũng chẳng thể tra cứu ở đâu được!) Cho dù có phái nam tham gia thì con số cũng rất ít; vì sao ư? Vì nam giới thường tự cho là mình tài giỏi, không thích việc xây chùa dựng tháp, lại còn bảo rằng họ nhường công việc đó cho phái nữ!

Sau khi cô gái khởi xướng và ba mươi hai người nữ ấy hoàn tất việc trùng tu ngôi cổ miếu. Ngoài ra họ còn cùng nhau cất thêm một bảo tháp nữa. Họ cứ kẻ góp công người góp của, ai nấy đều tùy theo khả năng của mình mà góp phần. Nhờ đó việc xây dựng ngôi bảo tháp cũng được thành tựu viên mãn. Ðến khi thọ mạng của ba mươi ba người này đã hết, tất cả đều được sanh lên cõi trời. Lên trời thì mỗi người một cõi, cho nên ba mươi ba người thì có ba mươi ba cõi trời. Vị Thiên Chủ của cõi trời trung ương Ba Mươi Ba – Ðao Lợi Thiên – là Ðế Thích, tức là cô gái khởi xướng việc trùng tu ngôi cổ miếu thuở trước. Ðó là sự tích của cung trời Ðao Lợi.

5. Không Cư Thiên

Các tầng trời y cứ nơi núi Tu Di gọi là Địa cư thiên, vượt khỏi đảnh Tu Di trở lên thuộc về Không cư thiên. Không cư thiên là những thiên xứ rộng lớn hư phù giữa không gian như mây.

a. Trời Dạ Ma

Từ cõi Đao Lợi lên trên 160000 do tuần, có một thiên giới lơ lửng như mây, do thất bảo nhu nhuyễn tạo thành, bằng phẳng an ổn, chu vi rộng 80000 do tuần, cung điện lâu các, vườn cây ao hoa, tất cả đều trang nghiêm diễm lệ. Đây là cõi trời Dạ Ma (Tu Diệm Ma).

Ðây là nơi mà ánh mặt trời và mặt trăng đều không giọi tới được. Thế thì nơi ấy có lẽ rất tối tăm? Cũng không hẳn! Bởi thiên nhân ở cõi Dạ Ma Thiên này trên thân đều có hào quang chiếu sáng, cho nên cũng không cần tới ánh sáng của mặt trời và mặt trăng.

Vì sao cõi trời này có tên là “Dạ Ma”? “Dạ Ma” (Suyama) là Phạn ngữ; Trung Hoa dịch là “thiện thời phân” (khéo chia thời giờ). Vì sao gọi là “thiện thời phân”? Bởi vì cõi trời này nằm ở vị trí quá cao, ánh sáng của mặt trời và mặt trăng đều không thể nào giọi tới được; cho nên thiên nhân ở đây bèn lấy lúc bông sen nở hiệp để phân biệt ngày và đêm – hoa nở là ban ngày, hoa hiệp là ban đêm.

Tại Tứ Vương Thiên thì thiên nhân thân cao nửa dặm (lý). Tại Ðao Lợi Thiên, thiên nhân thân cao một dặm (lý), và có thọ mạng là một ngàn tuổi. Một ngày đêm ở cõi trời này là một trăm năm ở chốn nhân gian.

Còn ở Dạ Ma Thiên thì thế nào? Thiên nhân ở đây thân cao một dặm (lý) rưỡi, và có thọ mạng là một ngàn năm trăm tuổi. Một ngày đêm tại cõi trời này là một trăm năm ở trần gian.

Cứ lên cao hơn một tầng trời thì thọ mạng được tăng thêm năm trăm tuổi, thân cao thêm nửa dặm (lý); cho nên càng lên các tầng trời phía trên thì thiên nhân thân hình càng cao lớn, và tuổi thọ càng gia tăng.

b. Trời Đâu Suất Đà

Từ trời Dạ-Ma lên trên cách 320000 do tuần, có một thiên giới bằng thất bảo, lơ lửng như mây, chu vi rộng 160000 do tuần. Đây là cõi trời Đâu Suất Đà.

“Ðâu Suất Ðà” là Phạn ngữ (Tusita); Trung Hoa dịch là “tri túc” (biết đủ); do đó cũng gọi là “Tri Túc Thiên.” Ðâu Suất Ðà Thiên gồm có nội viện và ngoại viện. Bồ Tát Di Lặc hiện ngụ tại nội viện, còn các thiên nhân thì ở tại ngoại viện.

Tam Tai (ba thứ tai họa – lửa cháy, nước lụt, gió bão) không lan tràn đến Ðâu Suất Nội Viện được, song vẫn có thể hủy diệt Ðâu Suất Ngoại Viện.

c. Trời Hóa Lạc

Từ trời Đâu Suất lên trên cách 640000 do tuần, có một thiên giới bằng thất bảo, lơ lửng như mây, chu vi rộng 320000 do tuần. Đây là cõi trời Hóa Lạc.

Sự vui sướng tại cảnh trời này có tánh biến hóa, bởi sự vui sướng phi thường ấy là do chư thiên ở đó biến hóa ra.

Xem Thêm:   Cách nhận biết người sau khi chết sẽ sanh về cảnh giới nào

d. Trời Tha Hóa Tự Tại

Từ cõi Hóa-Lạc lên trên cách 1.280.000 do tuần, có một thiên giới bằng thất bảo, lơ lửng trên mây, chu vi rộng 640000 do tuần. Đây là cõi trời Tha Hóa Tự Tại, nơi ở của Thiên Ma, cũng là tầng trời cao nhất của Dục giới.

Sự vui sướng ở Tha Hóa Tự Tại Thiên vốn là của các cõi trời khác hóa hiện ra; vì chư thiên ở đây có thần thông nên họ có thể chuyển dịch sự vui sướng của các cõi trời khác về cõi trời của họ. Tha Hóa Tự Tại Thiên là nơi trú ngụ của thiên ma, chứ không phải của các vị thiên thần hoặc tiên nhân chân chánh.

Sáu cảnh trời kể trên – Tứ Vương Thiên, Ðao Lợi Thiên, Dạ Ma Thiên, Ðâu Suất Ðà Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên – được gọi chung là Lục Dục Thiên. Vì sao gọi là “Lục Dục Thiên” (sáu cõi trời dục)? Bởi vì các thiên nhân ở đó tuy được sanh lên cõi trời nhưng vẫn còn tâm dâm dục, vẫn còn những ý nghĩ không thanh tịnh.

Thiên chúng ở Lục Dục Thiên đều còn lòng ái dục. Sự hành dâm của chư thiên ở trời Tứ Thiên Vương và trời Ðao Lợi thì cũng giống như của con người ở nhân gian vậy. Vì sao ư? Bởi vì họ đều có hình thể. Thiên nhân ở trời Tứ Thiên Vương cũng kết hôn như người thế tục; và ngay cả thiên nhân ở trời Ðao Lợi cũng vậy, họ đều có vợ chồng, con cái chẳng khác gì loài người ở trần gian cả.

Trẻ sơ sinh ở Tứ Vương Thiên thì như thế nào? Ở cõi trời này, trẻ con mới sinh ra đã lớn bằng đứa bé năm tuổi ở nhân gian. Còn ở Ðao Lợi Thiên thì sao? Trẻ sơ sinh ở trời Ðao Lợi thì trạc đứa bé bảy tuổi ở nhân gian; và ở trời Dạ Ma thì trẻ sơ sinh bằng cỡ đứa bé mười tuổi ở nhân gian.

Trẻ con mới sinh ra là đã lớn như thế, ngồi trên đùi của thiên nhân; và một lát sau thì được cho ăn “thiên lộ tự nhiên,” một thứ cam-lộ của cõi trời tự nhiên hóa hiện ra. Ăn xong chưa được bao lâu thì đứa bé vụt biến thành cao lớn như mọi thiên nhân khác – thân cao nửa dặm (lý), và thọ mạng là năm trăm tuổi. Ðó là nói về Tứ Vương Thiên.

Có bài kệ nói về cảnh giới dục lạc của chư thiên ở Lục Dục Thiên như sau:

Tứ Vương, Ðao Lợi dục giao bão,
Dạ Ma chấp thủ, Ðâu Suất tiếu,
Hóa Lạc thục thị, Tha tạm thị,
Thử thị Lục Thiên chi dục lạc.

Dịch là:

Tứ Vương, Ðao Lợi còn ôm ấp,
Dạ Ma nắm tay, Ðâu Suất cười,
Hóa Lạc nhìn lâu, Tha nhìn thoáng,
Đó là dục lạc cõi Lục Thiên

“Tứ Vương, Ðao Lợi dục giao bão” (Tứ Vương, Ðao Lợi còn ôm ấp). Thiên chúng ở trời Tứ Thiên Vương và trời Ðao Lợi cũng hành dâm như loài người ở thế gian vậy.

“Dạ Ma chấp thủ, Ðâu Suất tiếu” (Dạ Ma nắm tay, Ðâu Suất cười). Hành vi sắc dục của thiên nhân ở trời Dạ Ma là cầm tay nhau. Ở cõi trời này, thiên nam và thiên nữ giao tình bằng cách nắm tay nhau, tương tự như lối bắt tay của người Tây phương vậy.

Thế còn ở trời Ðâu Suất thì sao? Ở trời Ðâu Suất thì thiên nam thiên nữ chỉ cười với nhau là đã thành vợ chồng rồi; bởi thiên nhân ở đó bình thời không hề cười! Vì sao? Vì lòng ham muốn của họ quá nhẹ, hầu như là không còn nữa vậy. Tại Lục Dục Thiên, hễ lên cao được một tầng trời thì dục niệm lại giảm nhẹ bớt một bậc.

Tại sao ở cõi nhân gian chúng ta, những người tu Ðạo đều cần phải “khử dục đoạn ái,” quét sạch mọi dục niệm? Bởi vì nếu dục niệm mà nhiều thì ngu si mê muội cũng nhiều thêm; dục niệm càng giảm thiểu thì trí huệ sáng suốt càng gia tăng. Dục niệm là thuộc cõi Ngũ Trược Ác Thế – cái gì gọi là “trược”? Ðó là dục niệm! Dục niệm là một thứ ô trược nhất, dơ bẩn nhất.

Lòng sắc dục của thiên chúng trên cõi trời Tứ Thiên Vương thì cũng giống như của nhân gian chúng ta vậy; còn dục niệm của thiên nhân ở trời Ðao Lợi thì có phần nhẹ hơn so với ở trời Tứ Thiên Vương.

Hành vi sắc dục của thiên nhân ở trời Dạ Ma là nắm tay nhau, còn ở trời Ðâu Suất thì cười với nhau. Quý vị chớ cho rằng cười là tốt – nhân gian chúng ta thường cho cười là điều tốt, mà không biết rằng cười cũng có một tác dụng về mặt tình cảm và sắc dục.

Chư thiên ở cõi trời Dạ Ma đều thích dụng công tu hành, cho nên rất hiếm khi có chuyện nắm tay nhau xảy ra.

“Hóa Lạc thục thị, Tha tạm thị” (Hóa Lạc nhìn lâu, Tha nhìn thoáng). “Thục thị” tức là nhìn hơi lâu một chút, như chừng một phút, hai phút hoặc năm phút. Thiên nam thiên nữ ở trời Hóa Lạc thì đăm đăm ngó nhau chừng một vài phút là thành dâm; còn ở trời Tha Hóa Tự Tại thì chỉ cần nhìn phớt nhau thôi, không phải nhìn lâu.

“Thử thị Lục Thiên chi dục lạc” (đó là dục lạc cõi Lục Thiên). Hành vi sắc dục của thiên nam thiên nữ ở Lục Dục Thiên là như thế – hễ lên cao hơn một tầng thì dục niệm giảm nhẹ bớt một tầng. Kẻ có dục niệm nặng nề thì không thể sanh lên cõi trời, cho nên những người được sanh thiên đều rất ít dục niệm. Bài kệ vừa rồi là nói về dục lạc ở Lục Dục Thiên.

Trên đây là hiện tượng quen thuộc phạm vi một Tiểu thế giới. Từ cõi Dục trở lên, lại có bốn tầng thiền thiên của Sắc giới, mỗi tầng khoảng cách nhau và bề rộng đều gấp bội. Duy có cõi Vô sắc là không phương xứ.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

713 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog