Có nên tụng Kinh ở nhà? Tại sao tụng kinh ở nhà lại kéo vong về?
Pháp Giới 11 tháng trước

Có nên tụng Kinh ở nhà? Tại sao tụng kinh ở nhà lại kéo vong về?

Có nên tụng Kinh ở nhà hay không? Có người cho rằng tụng Kinh tại nhà sẽ lôi kéo nhiều vong linh về nhà, điều này có đúng hay không?

Có nên tụng Kinh ở nhà hay không? Có người cho rằng tụng Kinh ở nhà sẽ lôi kéo nhiều vong linh về nhà, gây hại người tụng kinh và mọi người trong gia đình, khiến cho cuộc sống gặp nhiều xui xẻo, sức khỏe đi xuống. Điều này có đúng hay không?

1. Có nên tụng Kinh ở nhà?

Pháp Hỉ:

– Thưa a, em cũng hay tụng kinh ở nhà, nhưng đọc một bài viết của một người trên facebook, nói rằng tụng kinh ở nhà sẽ lôi kéo nhiều vong linh về nhà, gây hại người tụng kinh và mọi người trong gia đình, khiến cho cuộc sống gặp nhiều xui xẻo, sức khỏe đi xuống.

Đọc xong em thấy hơi sợ vì em cũng tu tập chưa được tốt, chỉ đọc kinh để hiểu và mong muốn học theo những lời Phật dậy, mong anh giải thích giùm em. Nam Mô A Di Đà Phật !

Quang Tử:

– Bạn thân mến, người nói không nên tụng kinh ở nhà này cũng gan thật. Vậy theo lí luận này, Đạo Phật cần ra một luật là cấm Phật tử tụng kinh ở nhà rồi.

Xong thực tế thì không phải, việc Phật tử tụng kinh ở nhà là một chuyện hết sức phổ biến suốt mấy nghìn năm qua. Mọi người tụng kinh ở nhà, họ thấy cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều, vì vậy mà việc tụng kinh ở nhà mới có thể duy trì suốt mấy nghìn năm đến tận ngày nay, chứ nếu càng tụng kinh sự tình càng xấu đi, thì người ta đã bỏ lâu rồi.

Đúng là khi tụng kinh, rất nhiều các vong linh, thậm chí là thần linh kéo về nghe để được siêu thoát lên những cảnh giới cao hơn. Nhưng việc đó đâu có làm sao, hay nói đúng hơn thì đó là một việc tốt lành.

Quang Tử biết rất nhiều người tụng kinh chú ở nhà, hoặc lâu lâu mới tụng, hoặc tụng hàng ngày, ai nấy cuộc sống đều ngày càng tốt đẹp hơn, khỏe mạnh hơn, may mắn hơn, tiêu nghiệp bớt khổ hơn.

Đức Phật thuyết ra kinh điển cho tất cả mọi người tụng đọc là để cho tất cả được lợi ích vô lượng, không có phân ra ai được quyền đọc, ai không nên đọc. Và Đức Phật vẫn luôn khuyến khích mọi người tụng kinh điển, như trong kinh Địa Tạng, có một đoạn như thế này:

“…thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào tự biên chép Kinh này, hoặc bảo người khác biên chép, hay tự mình đắp vẽ hình tượng của Bồ-tát, cho đến bảo người khác đắp vẽ, thì quả báo lợi ích thọ hưởng tất sẽ rất lớn.

Xem Thêm:   Thiên ma Ba Tuần là ai? Tại sao Ma vương muốn phá Phật thành đạo?

Vì thế, Phổ Quảng! Nếu thấy có người nào đọc tụng Kinh này, cho đến chỉ một niệm tán thán Kinh ấy hoặc cung kính, thì ông nên dùng trăm ngàn phương tiện mà khuyến tấn để tâm họ chuyên cần và không thoái chuyển. Như vậy trong hiện tại cùng vị lai, họ sẽ có thể được ngàn vạn ức công đức chẳng thể nghĩ bàn.

Nếu các chúng sanh đó nghe danh hiệu của Bồ-tát và thấy hình tượng của Bồ-tát, cho đến chỉ nghe ba chữ, năm chữ, hoặc một bài kệ hay một câu trong Kinh này, thì ở hiện tại họ sẽ thọ hưởng an vui thù thắng vi diệu. Trong một tỷ đời ở vị lai, họ sẽ luôn được tướng mạo đoan chánh và sanh vào nhà tôn quý.”

Những kinh điển khác, Đức Phật cũng đều khuyến khích mọi người đọc tụng như thế, chẳng có chia ra đọc ở nhà hay ở chùa.

Nếu tác hại như kẻ kia nói, vậy Phật thuyết ra kinh điển, khuyên chúng sinh nên thường tụng đọc là gài bẫy mọi người sao???

Chẳng thể có chuyện vô lí như vậy. Và thực tế là mấy nghìn năm qua, đệ tử Phật xuất gia tụng ở chùa hay tại gia tụng ở nhà, các hương linh, vong linh, quỷ thần… vẫn luôn tìm về nương tựa, xong mọi người vẫn thấy mọi chuyện rất tốt đẹp.

Các vong linh trong thế giới vô hình cực kì khốn khổ. Nên họ rất cần sự giúp đỡ. Cách hay nhất để giúp cho họ thoát khỏi cảnh dày vò trong siêu hình, không phải là cúng đồ ăn hay vàng mã, đó chỉ là giải pháp tạm thời, xoa dịu nỗi khổ trước mắt, chứ không phải giải quyết triệt để vấn đề.

Việc quan trọng nhất đó là giúp họ nương vào tiếng tụng kinh, trì chú, niệm Phật mà được siêu thoát lên những cảnh giới cao hơn, thoát ra khỏi kiếp sống ngạ quỷ khổ sở.

NẾU BIẾT RẰNG VIỆC TỤNG NIỆM CỦA MÌNH CÓ THỂ GIÚP CHO NHIỀU CHÚNG SINH THOÁT KHỔ NHƯ VẬY, MÀ LẠI SỢ PHIỀN TOÁI MÀ TỪ BỎ KHÔNG LÀM, TA NÊN TỰ HỎI LẠI MÌNH XEM MÌNH CÓ LÀM ĐÚNG VỚI LỜI DẠY CỦA PHẬT VỀ LÒNG TỪ BI HAY KHÔNG?

Bản thân các vong linh không thể tự mình tụng kinh niệm Phật được, vì vọng tưởng của họ quá mạnh, cực kì khó tập trung, chỉ có thể nhờ vào những người tu hành chân chính mà tu theo. Nội oai lực của những âm thanh kinh chú cũng khiến cho họ được an lành rất nhiều.

Và người nào tu hành, bất luận là xuất gia hay tại gia, càng thành tâm, càng có đạo lực, thì càng giúp cho các vong linh được thoát khổ, được an lạc, được siêu thoát nhiều hơn.

Vì thế những người tu thành tâm, tự nhiên sẽ chiêu cảm nhiều vong linh đến nương nhờ tu theo. Đây là một công đức lớn, vì không chỉ là tụng kinh chú cho bản thân mình, mà còn giúp siêu độ vong linh.

Xem Thêm:   Hạnh nhẫn nhịn: Loại nội lực thâm sâu từ sự tu hành

Khi các vong linh đến nghe kinh chú, sẽ khiến ta có một số hiện tượng lạ, nếu vong còn nhiều tập khí xấu, oán niệm, sân hận.v.v… thì thường ta sẽ thấy nổi gai ốc, rờn rợn. Tu theo ta một thời gian sẽ hết.

Nếu vong linh biết tu, tâm tính sẽ được chuyển hóa, thiện lương hơn, thì sẽ có hiện tượng ngáp, chảy nước mắt, nước mũi. Nói chung việc này không gây ra nguy hại gì đáng kể.

Nếu có các vong linh kéo về nghe, thì các vong ấy cũng đều là những vong muốn hướng thiện, (còn các vong mang từ trường xấu, cố chấp không hướng thiện nghe tiếng kinh sẽ thấy kinh sợ mà bỏ ra xa) họ được nghe kinh rồi tâm thức sẽ được thăng hoa, siêu thoát lên cảnh giới cao hơn, tỏa ra những từ trường tốt hơn.

Thậm chí có nhiều vong nhờ nghe kinh chú mà được đầu thai về cõi lành, hoặc siêu sinh lên thiên giới, vãng sinh về Tịnh Độ, phước đức, công đức của người tụng kinh vì thế mà càng tăng thêm nhiều lần, trở nên lớn lao vô biên vô lượng.

Và họ sẽ làm gì? Nhờ ta tụng kinh giúp họ siêu thoát, nên họ rất cảm kích, và sẽ quay lại tìm cách báo đáp, dù ta chẳng cầu họ đền ơn (và cũng đừng nên cầu họ đền ơn).

Nếu còn ở lại cõi này, họ sẽ giúp ta khi ta có những điều khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống, tất nhiên họ không phải thần đèn của Aladin, không thể hô biến mọi thứ, nhưng họ cũng sẽ cố gắng giúp ta trong khả năng của họ. Ta sẽ thấy thỉnh thoảng gặp những may mắn, hoặc hay thoát nạn trong gang tấc mà không rõ vì sao.

Đấy là chưa kể đến nhiều kiếp sau, khi đầu thai găp lại, vì ta và họ đã kết duyên lành trong Phật Pháp, gặp lại chắc chắn sẽ là những lương duyên tốt đẹp, cùng giúp nhau tiếp tục tiến tu giải thoát, chẳng phải như vậy càng tuyệt vời hơn sao?

Nguồn: Thư Viện Quang Tử!

Có nên tụng Kinh ở nhà? Tại sao tụng kinh ở nhà lại kéo vong về?

2. Ý nghĩa của việc tụng Kinh

Kinh Phật là lời Phật dạy về đạo đức, phương thức tu tập, cải hóa thân tâm, đem lại hạnh phúc cho mình và người ở đời này và đời sau, do đó, sự tụng kinh có ý nghĩa đạo đức rất lớn. Tụng kinh trước nhất và quan trọng hơn hết là để “hiểu chính xác lời Phật dạy, ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày, đem lại lợi lạc cho bản thân và tha nhân.”

Tụng kinh là dịp tốt nhất để chúng ta có thể học hỏi, tư duy về lời Phật dạy rồi áp dụng chúng vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Chính sự áp dụng lời Phật dạy, sau quá trình tư duy và thể nghiệm, giúp chúng ta gặt hái những điều chúng ta mong muốn trong cuộc sống, như sự an lạc và hạnh phúc.

Xem Thêm:   Kham nhẫn là gì? Những lợi ích của hạnh kham nhẫn

Kinh điển của Phật là tấm bản đồ, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta sống đời chân chánh, để gặt hái kết quả hạnh phúc ở đời này và đời sau. Đọc tấm bản đồ để biết được con đường, để đi đúng đường, để đến đúng đích.

Con đường đó là con đường thánh gồm tám yếu tố: quan điểm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, chánh niệm và thiền định chân chánh.

Đây là con đường mà ba đời chư Phật đã đi qua, diệt trừ tận gốc rễ của khổ đau, đạt được an lạc và giải thoát. Người Phật tử cần phải siêng năng nhớ nghĩ, ứng dụng con đường trung đạo đó để tự cứu độ chính mình, thông qua sự hướng đạo của Phật trong kinh điển.

Nói cách khác, tụng kinh là cách học hỏi chánh pháp của Phật để ứng dụng chánh pháp vào đời sống, đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân.

Tụng kinh trong Phật giáo còn là một dịp tốt giúp chúng ta trau dồi và phát triển ba nghiệp trong sạch và an tịnh. Trong giờ phút tụng kinh, nhờ sự chú tâm chuyên nhất vào lời kinh, tâm ý của chúng ta chấm dứt sự bám víu vào các duyên thế sự. Tâm ý của chúng ta nhờ đó trở nên thanh tịnh và thuần khiết.

Tâm của chúng ta xa lìa các tâm lý tham lam, sân hận, si mê và các tâm lý âm tính khác, có hại cho tâm tư, tình cảm, nhân cách và đạo đức của bản thân. Trong tư thế ngồi bất động để tụng kinh, thân thể chúng ta đang từng bước trở nên an tịnh, thuần khiết, nhờ đó chúng ta tránh được tất cả các hành vi xấu ác của thân như giết chóc, trộm cướp, quan hệ tình dục bất chánh.

Ngoài ra, do miệng đọc tụng lời kinh, các lời nói mang tính chất sai sự thật, ác độc, thêm bớt và nói lời vô nghĩa không có cơ hội để phát triển. Khi đọc kinh thì miệng của chúng ta xướng lên những lời lẽ đạo đức, trí tuệ, nhờ đó chúng ta có cơ hội vun trồng các hạt giống thiện.

Như vậy, trong hành động tụng kinh, chúng ta xa lìa được mười nghiệp ác, ba của ý, ba của thân và bốn của lời. Nói cách khác, trong khi tụng kinh chúng ta đã huấn luyện 3 nghiệp của mình về con đường lương thiện và đạo đức. Sự huấn luyện đó giúp chúng ta xa lìa các nghiệp ác, huân tập các điều thiện. Sự tụng kinh do đó đã trở thành một sự tu tập thân, khẩu và ý trong đạo Phật.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

17 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog