Chữ Hiếu trong đạo Phật có ý nghĩa như thế nào?
Pháp Giới 10 tháng trước

Chữ Hiếu trong đạo Phật có ý nghĩa như thế nào?

Thế gian thấy người xuất gia cắt ái từ thân vào chốn già lam, thường lầm tưởng cho chữ hiếu không tròn. Chẳng biết rằng chữ Hiếu trong đạo Phật luôn được xem trọng bậc nhất.

Khi giảng kinh Địa Tạng, Ngài Tuyên Hóa bảo: “Có thể nói rằng đạo Phật cũng chính là đạo Hiếu vậy.” Hiếu là nền tảng của mọi thiện pháp thế gian và xuất thế gian. Bởi thế, trong hết thảy mọi báo ứng thiện ác, riêng về gieo nghiệp liên quan đến chữ hiếu đều chịu báo ứng ngay trong đời này. Bởi thế Thành Thật Luận dạy: “Chúng sanh đối với các bậc Thánh Nhân và cha mẹ, chỉ khởi một niệm thiện ác thì nhận chịu báo ứng ngay trong đời hiện tại”.

*

Kinh Tạp Bảo Tạng nói: “Xưa kia trong thôn Cưu Đà Phiến thuộc nước Ca Mặc có bà cụ chỉ có một người con. Người con ấy ngang ngược hung tàn. Một hôm vì giận mẹ cho nên đưa tay hướng về phía mẹ, đánh mẹ một cái. Ngay hôm ấy đi ra ngoài, gặp phải giặc cướp chặt gãy một cánh tay. Tội lỗi bất hiếu lập tức nhận lấy báo ứng hiện tại, khổ đau như vậy; sau vào địa ngục thì khổ đau không thể nào nói hết”.

Tân Bà Sa Luận nói: “Xưa có người bạo ác cùng mẹ vắt sữa trâu. Khi vắt đã quá mức, mẹ dừng lại nói: Sữa còn lại nên để dành cho con nghé. Người con bỗng nhiên giận dữ, dùng tay vốc sữa vẩy vào mặt mẹ, rơi dính vào thân mẹ. Vì sức mạnh của ác nghiệp, ngay lúc ấy trên thân người con mọc ra vô số mụn nhọt lở loét…”

  • Sinh lão bệnh tử là căn bản khổ của kiếp người.
  • Tâm sanh tướng là gì.
  • Lời Phật dạy về chữ Nhẫn
  • Con người sinh ra để làm gì
  • Lời Phật dạy về đạo làm người.
  • 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của đức Phật.
  • 10 điều căn bản Phật tử tại gia cần biết.
Chữ Hiếu trong đạo Phật có ý nghĩa như thế nào?
Chữ Hiếu trong đạo Phật có ý nghĩa gì

Lời Phật dạy về Chữ Hiếu

Kinh Tạp Bảo Tạng, Đức Phật dạy: “Nếu người đối với cha mẹ mà thực hành phần nhỏ cúng dưỡng, thì sẽ đạt được vô lượng phước thiện, gây ra chút ít bất hiếu thì tội lỗi cũng sẽ vô lượng. Ta ở đời kiếp lâu xa, sanh làm con Trưởng giả trong nước Ba-la-nại, tên là Từ Đồng Nữ; Vì cha mất sớm nên Đồng Nữ ở cùng với mẹ. Nhà nghèo nên đi bán củi, mỗi ngày kiếm được hai đồng tiền phụng dưỡng mẹ. Về sau Đồng Nữ bán được tốt hơn, ngày kiếm được bốn đồng tiền để nuôi dưỡng mẹ. Cứ thế mỗi ngày một tăng, từ bốn lên tám, rồi tăng lên mười sáu đồng tiền cho mẹ.

Có người thấy Đồng Nữ hiếu thuận, chịu khó, liền rủ đi biển để tìm báu vật. Đồng Nữ về thưa với mẹ, mẹ chẳng muốn cho đi. Về sau mẹ vì thương Đồng Nữ nên miễn cưỡng đồng ý. Ngày từ biệt, mẹ ôm Đồng Nữ, khóc mà bảo rằng: Ở nhà rau cháo cũng được, sao phải đi xa để làm gì? Đồng Nữ vì sợ quyến luyến chẳng đi được nên đẩy mẹ từ tạ mà đi. Lúc đẩy ấy vô tình làm đứt mấy chục sợi tóc trên đầu của mẹ.

Trên hành trình tìm báu vật, Đồng Nữ đi sau nên lạc mất bạn đường. Một hôm thấy phía trước có một khu thành Lưu Ly, liền mừng rỡ đi đến. Từ xa Đồng Nữ thấy bốn nàng Ngọc Nữ cầm bốn viên ngọc Như Ý, cùng các thứ âm nhạc đi ra cổng thành đón tiếp. Đồng Nữ liền ở lại đó hưởng thụ ngũ dục trong bốn vạn năm.

*

Sau tám vạn năm Đồng Nữ sanh tâm nhàm chán liền bỏ thành mà đi. Một ngày nọ gặp khu thành Pha Lê, thấy có 8 nàng Ngọc Nữ, bưng 8 viên ngọc Như Ý ra đón chào. Đồng Nữ ở lại đó hưởng thụ ngũ dục trong 8 vạn năm.

Về sau lại chán ngán bỏ thành mà đi, đến khu thành Bạch Ngân, có 16 nàng Ngọc Nữ, bưng 16 viên ngọc Như Ý đến đón chào. Đồng Nữ liền ở lại đó hưởng thụ ngũ dục trong 16 vạn năm.

Sau lại chán ngán bỏ thành mà đi, đến khu thành Hoàng Kim có ba mươi hai nàng Ngọc Nữ, bưng 32 viên ngọc Như ý để chào đón như trước. Đồng Nữ liền ở lại đó hưởng thụ ngũ dục trong 32 vạn năm. Sau lại chán ngán bỏ thành mà đi. Lần này Đồng Nữ đến một khu thành bằng sắt. Vừa đi vào liền trông thấy một người đầu đội vòng lửa, đem đặt trên đầu.

Lúc ấy Từ Đồng Nữ liền hỏi ngục tốt: Tôi đội vòng lửa này đến lúc nào mới được thoát ra?

Ngục tốt đáp rằng: Bao giờ thế gian có người chán làm nghiệp tội phước như ông. Đi vào biển trải qua lần lượt các khu thành; kẻ ấy sau đó sẽ đến đây chịu tội thay ông thì ông thoát được. Nếu không có người thay thế thì sẽ vĩnh viễn ở lại nơi đây.

Lại hỏi: Xưa kia tôi làm những tội phước gì?

Ngục tốt đáp rằng: Xưa ông kiếm được 2 tiền cho mẹ, nên hưởng phước 4 vạn năm nơi  thành Lưu Ly.

*

Kiếm được bốn đồng tiền cung dưỡng cho mẹ, gặp được khu thành Pha Lê có tám viên ngọc Như Ý và tám nàng Ngọc Nữ, hưởng thụ những sự vui sướng trong tám vạn năm.

Kiếm được tám đồng tiền cung dưỡng cho mẹ, gặp được khu thành Bạch Ngân, có mười sáu viên ngọc Như Ý và mười sáu nàng Ngọc Nữ, hưởng thụ vui sướng trong mười sáu vạn năm. Bởi vì kiếm được mười sáu đồng tiền cung dưỡng mẹ già cho nên gặp được Khu thành Hoàng Kim, có ba mươi hai viên ngọc Như Ý và ba mươi hai nàng Ngọc Nữ, hưởng thụ vui sướng vô cùng trong ba mươi hai vạn năm.

Bởi vì giật đứt tóc mẹ cho nên bây giờ gặp phải báo ứng đầu đội vòng lửa, ở trong khu thành bằng sắt. Bao giờ có người thay thế thì ông mới thoát được.

Lại hỏi ngục tốt: Trong ngục này có người nhận chịu tội báo như tôi hay không?

Đáp rằng: Vô lượng không thể nào tính kể hết được.

Đồng Nữ Nghe rồi nghĩ rằng: Mình có lẽ không thoát được, nguyện tôi chịu báo thay cho tất cả những người ở trong ngục này. Đồng Nữ vừa dấy lên một niệm đại thiện này, vòng lửa lập tức rơi xuống. Ngục tốt thấy liền lấy chĩa sắt đâm vào đầu, lập tức mạng chung sanh lên cõi Trời Đâu Suất.

Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Từ Đồng Nữ xưa kia chính là thân Ta bây giờ. Vì nhân duyên này, đối với cha mẹ mà làm một chút thiện-ác sẽ nhận báo ứng vô lượng. Cho nên cần phải luôn luôn cúng dưỡng hiếu thuận với cha mẹ!”

Bất hiếu, dù đắc quả A La Hán vẫn ôm bình bát không

Kinh Bách Duyên nói: “Thời Đức Phật tại thế. Trong thành Xá Vệ có một Trưởng giả Bà-la-môn sanh được một đứa con trai, dung mạo xấu xí, thân thể hôi hám dơ bẩn. Lúc bú sữa mẹ hay uống đồ khác thường bị nôn ra; chỉ dùng mật bôi vào ngón tay cho liếm thì mới ăn được chút ít. Vì vậy họ đặt tên con là Đắc Bảo.

Lớn lên Đắc Bảo cầu xin Đức Phật xuất gia, Đức Phật bảo rằng: Tỳ kheo hãy cố gắng tinh tấn!

Ngay lúc ấy râu tóc tự nhiên rụng hết, thân khoác pháp phục, liền trở thành Sa môn. Ông ta tinh cần tu tập liền đạt được quả vị A-la-hán. Đắc Bảo tuy đắc quả La Hán nhưng đi khất thực thường không có được gì.

Một sáng La Hán thấy tháp thờ có chút bụi bẩn, liền quét sạch. Ngày hôm ấy khất thực liền được đẩy đủ thức ăn. Ông ta hoan hỉ thưa với chúng Tăng rằng: Từ nay trở đi xin chúng Tăng cho phép tôi quét dọn chùa tháp. Chúng Tăng đồng ý. Một hôm ông ta sơ ý ngủ quên. Ngài Xá-lợi-phất đi qua, thấy trong tháp Phật có chút bụi bẩn, liền tiện tay quét sạch.

*

Đắc Bảo tỉnh dậy, thấy Xá-lợi-phất quét sạch rồi, trong lòng buồn bã, nói với Xá-lợi-phất: Ông quét chỗ của tôi khiến hôm nay tôi đói khát khốn khổ một ngày.

Lúc ấy Xá-lợi-phất liền bảo: Đừng lo lắng, ông hãy cùng vào thành dự trai cúng dường với tôi, chắc sẽ no đủ.

Ông ta vui mừng cùng với Xá-lợi-phất đi vào thành thọ thỉnh. Nhưng đến nơi lại gặp lúc cặp vợ chồng đàn việt đánh nhau nên cuối cùng không được ăn, hai Ngài đành ôm bụng đó trở về. Hôm sau, Ngài Xá-lợi-phất lại bảo: Sáng nay tôi được mời thọ trai ở nhà Trưởng giả, ông đi với tôi sẽ được no đủ.

Nào ngờ lúc thọ trai, mọi người nơi ấy đều được ăn. Chỉ riêng Đắc Bảo là không được ăn. Ông ta liền nói to rằng: Chưa có phần ăn của tôi. Nhưng kỳ lạ thay không ai nghe thấy ông ta nói. Cuối cùng đành ôm bụng đói mà trở về.

Sáng hôm sau Ngài A-nan nghe chuyện kỳ lạ liền bảo: Sáng nay tôi đi theo Đức Phật thọ thỉnh, sẽ lấy đủ thức ăn mang về cho ông. Nhưng A-nan thọ trì tám vạn bốn ngàn pháp môn của Như lai chưa hề thiếu sót, nay bởi vì lấy đồ ăn thức uống cho Tỳ kheo Đắc Bảo này, bỗng nhiên không nhớ gì mà ôm bát không quay về.

*

Vào ngày thứ tư, Ngài A-nan lại lấy thức ăn cho vị này. Trên đường về lại gặp chó dữ đuổi cắn, đồ ăn thức uống rơi hết xống đất, đành ôm bát không mà trở về. Vào ngày thứ năm, Ngài Đại Mục-kiền-liên lại lấy thức ăn cho vị này, giữa đường bị chim chúa cánh vàng trông thấy cắp đi mất.

Vào ngày thứ sáu, Ngài Xá-lợi-phất lại lấy thức ăn cho vị này. Đến cửa phòng ấy thì cửa tự nhiên đóng lại. Tôn giả dùng thần lực đi vào trong phòng ấy, sơ suất làm sao, bát rơi xuống đất đến ranh giới Kim Cang. Tôn giả tiếp tục dùng thần lực thò tay lấy bát, lỗ hổng ấy tự nhiên khép lại.

Vào ngày thứ bảy cuối cùng không được ăn, Đắc Bảo sinh tâm hổ thẹn vô cùng. Ngài ở trước bốn chúng sám hối, ăn cát uống nước mà nhập vào Niết-bàn.

*

Lúc ấy các Tỳ kheo thấy sự việc kỳ lạ, liền thỉnh cầu Đức Phật cho biết nguyên nhân. Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Trong vô lượng đời kiếp quá khứ trước đây có Đức Phật xuất thế, danh hiệu là Đế Tràng. Lúc ấy có Trưởng giả, tên gọi Cù Di, thấy Phật và Tăng sanh lòng tín kính vô cùng, thỉnh đến cúng dường ngày nay như vậy.

Trải qua thời gian người cha mất. Người mẹ vốn có tâm bố thí nhưng người con keo kiệt không nghe theo. Hằng ngày anh ta chỉ cho mẹ vừa đủ để bà ăn, không cho dư thêm để bà cúng dường. Nhưng mẹ vẫn thầm chia bớt thức ăn cúng dường Phật và Tăng. Người con biết chuyện liền nổi giận. Anh ta bắt mẹ giam vào phòng trống khóa cửa, bỏ đói mẹ trong bảy ngày. Đến này thứ bảy, mẹ đòi cơm ăn, anh ta bảo: Bà ăn cát uống nước trong bảy ngày vẫn sống, sao hôm nay lại đòi cơm? Nói xong bỏ mẹ mà đi. Bà mẹ phẫn uất mà qua đời.

Người con ấy mạng chung rơi vào địa ngục A Tỳ, nhận chịu khổ báo xong rồi trở lại sanh trong loài người đói khát khốn khổ như vậy. Nhưng nhờ vào xưa kia vốn có cúng dường Phật, cho nên nay được gặp Ta xuất gia đắc đạo. Tuy đắc quả nhưng nghiệp nhân đã gieo từ đời trước vẫn còn lại dư báo phải chịu. Các Tỳ kheo nghe xong hoan hỷ vâng mạng thực hành”.

Chữ Hiếu trong đạo Phật: Nên cung kính người cao tuổi

Kinh Tạp Bảo tạng, Đức Phật bảo rằng: Cung kính người lớn tuổi có lợi ích to lớn. Cách đây vô số kiếp về trước, có một vương quốc nhiều điều tệ ác tên là Khí Lão. Theo luật của vua nước ấy, người ta đến tuổi già nua đều bị xua đuổi đi xa, không được sống trong nước nữa. Có một vị đại thần cực kỳ hiếu thảo, người cha đến tuổi già không nỡ đuổi đi. Ông làm một gian mật thất để giấu cha, hết lòng cung phụng nuôi dưỡng.

Xem Thêm:   4 điều trọng yếu về Hộ niệm lúc lâm chung

Ngày kia, có một vị thiên thần mang đến hai con rắn, hỏi quốc vương nước ấy rằng: “Nếu ông phân biệt được giữa hai con rắn này, con nào là rắn đực, con nào là rắn cái, thì ta sẽ bảo vệ cho đất nước này được an ổn. Bằng không, ta sẽ hủy diệt cả nước.”

Nhà vua hết sức lo lắng, hỏi khắp trong triều không ai biết được câu trả lời. Vị đại thần kia liền mang câu hỏi ấy đến mật thất hỏi cha. Người cha bảo: “Hãy thả hai con rắn ấy lên trên một tấm thảm thật mềm mại rồi quan sát. Con nào co duỗi nhanh gấp, đó là rắn đực; con nào chịu nằm yên, chỉ cử động chậm chạp là rắn cái.”

Đại thần liền y theo lời ấy trả lời với thiên thần.

*

Thiên thần lại hỏi: “Người nào trong lúc mê mà gọi là tỉnh, trong lúc tỉnh mà gọi là mê?”

Vị đại thần lại về hỏi cha, người cha nói: “Đó là vị tỳ-kheo đang tu tập. So với kẻ phàm phu, vị ấy là người tỉnh; so với vị A-la-hán, tỳ-kheo ấy là người còn mê.” Liền đáp với thiên thần như vậy.

Thiên thần lại chỉ vào con voi của quốc vương hỏi: Con voi ấy nặng bao nhiêu cân?

Cả triều đình đều mù mịt không nói được. Đại thần lại đến hỏi cha, người cha dạy: “Cho voi ấy lên thuyền rồi đánh dấu mức nước bên mạn thuyền. Sau đó cho đá lên cùng thuyền ấy, cho đến khi thuyền chìm xuống đến đúng mức đã đánh dấu. Cân số đá ấy thì biết voi nặng bao nhiêu cân.” Liền dùng cách ấy đáp với thiên thần.

Xem Thêm:   Yên Bái: Ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.Đà Lạt trao quà đến đồng bào vùng bão lũ

Thiên thần lại hỏi: “Làm thế nào để một chén nước có thể nhiều hơn nước trong biển cả?” Đại thần lại hỏi cha, người cha đáp: “Nếu có thể khởi tâm chí thành đem một chén nước ấy cúng dường lên đức Phật, hoặc chư tăng; hoặc cha mẹ, hoặc người đang bị bệnh khổ nguy khốn; ắt sẽ được thọ hưởng phước báo không cùng tận. Biển cả tuy nhiều nước, bất quá cũng chỉ tồn tại trong một kiếp, so ra không bằng phước ấy.”

*

Nhà vua y theo như vậy trả lời với thiên thần. Thiên thần liền hóa thành một người ốm đói gầy còm chỉ còn da bọc lấy xương rồi hỏi: “Trong đời còn có người nào thê thảm hơn ta nữa chăng?” Mọi người lại không ai biết câu trả lời.

Đại thần về hỏi cha, người cha dạy phải trả lời với thiên thần rằng: “Nếu có người tham lam bủn xỉn, ganh ghét đố kỵ với người khác; đời sau ắt sẽ đọa vào cảnh giới ngạ quỷ; trong trăm ngàn vạn năm không được nghe đến tên gọi các loại nước, huống hồ là được uống; mỗi khi cử động thì các đốt xương đều sinh ra lửa nóng tự thiêu đốt. Người chịu cảnh đói khổ lửa thiêu như thế, tất nhiên còn thê thảm hơn ông gấp trăm ngàn vạn lần.”

Thiên thần lại hóa thành một người tay chân đều bị xiềng xích cùm khóa; trên cổ đeo gông nặng khóa chặt; trong thân hình bốc ra lửa nóng tự thiêu cháy toàn thân đỏ rực, đến hỏi quốc vương: “Thế gian này có người nào khổ sở đến mức như ta đây chăng?”

Xem Thêm:   Chùa Hương Lâm (Bình Phước) tặng quà trung thu sớm đến các em thiếu nhi đồng bào dân tộc

Đại thần lại theo lời cha mà trả lời rằng: “Nếu ai bất hiếu với cha mẹ; ngỗ nghịch làm hại bậc sư trưởng; khinh chê báng bổ Tam bảo; đời sau ắt phải đọa vào địa ngục; trong mỗi một ngày đêm chết đi sống lại đến vạn lần; cảnh ấy còn khổ sở hơn ông đến trăm ngàn vạn lần.

*

Thiên thần lại hóa thành một người con gái đoan trang xinh đẹp không ai bằng, đến hỏi quốc vương: “Thế gian này có ai xinh đẹp hơn ta chăng?”

Đại thần lại theo lời cha mà đáp rằng: “Nếu có người cung kính tin theo Tam bảo, hiếu thuận với cha mẹ; thường thực hành các pháp bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, trì giới; ắt sẽ được sinh lên cõi trời, thân hình đoan nghiêm thù thắng; vượt xa hơn cô trăm ngàn vạn lần. Nếu lấy hình thể của cô thế này, mà so sánh với người ấy, thì chẳng qua chỉ như con khỉ chột mắt mà thôi.”

Thiên thần lại đưa ra một cây gỗ chiên-đàn, đã đẽo gọt bốn bề vuông vức bằng nhau rồi hỏi: “Phần nào là gốc, phần nào là ngọn?”

Người cha của đại thần liền đưa ra câu trả lời rằng: “Chỉ cần thả cây xuống nước, phần chìm xuống thấp hơn là gốc, phần nổi cao hơn là ngọn.”

Thiên thần liền mang đến hai con ngựa cái hình dáng giống hệt như nhau, hỏi rằng: “Trong hai con ngựa này, con nào là ngựa mẹ, con nào là ngựa con?”

Đại thần lại đến hỏi cha, người cha trả lời rằng: “Hãy mang cỏ đến cho ăn. Ngựa mẹ sẽ nhường cho con nó ăn trước.”

*

Cứ như vậy lại đưa ra rất nhiều câu hỏi. Quan đại thần đều nhờ có sự hướng dẫn của người cha mà đối đáp thông suốt tất cả. Thiên thần hài lòng, hứa sẽ bảo vệ cho đất nước này. Nhà vua khi ấy rất vui mừng, liền hỏi vị đại thần: “Ông tự biết được những điều ấy chăng? Hay có ai dạy cho ông biết?”

Vị đại thần liền nói thật mọi điều. Vua lập tức cho đón người cha của vị đại thần đến để phụng dưỡng, tôn làm bậc thầy. Đại thần liền tâu lên rằng: “Bệ hạ nên truyền lệnh cho người khắp nước, từ nay không được xua đuổi người già nữa. Những kẻ bất hiếu với cha mẹ nên xử tội nặng.”

Vua chuẩn y theo lời ấy. Từ đó điều luật xấu ác kia được xóa bỏ; người trong khắp nước ấy đều biết hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ.

Đức Phật kể lại chuyện này rồi nói rằng: “Người cha của đại thần thuở ấy, nay chính là ta. Đại thần thuở ấy, nay là Xá-lợi-phất. Quốc vương thuở ấy, nay là vua A-xà-thế. Vị thiên thần thuở ấy, nay chính là A-nan.”

( Chữ Hiếu trong Phật pháp – Theo Pháp Uyển Châu Lâm )

Tuệ Tâm 2022.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

15 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog