Gieo nhân nào gặt quả nấy
Pháp Giới 9 tháng trước

Gieo nhân nào gặt quả nấy

Gieo nhân nào gặt quả nấy, gọi tắt là nhân quả, là một trong những quy luật của toàn thể vũ trụ. Vạn vật trên thế gian và phi thế gian đều vận hành theo nguyên lý của nhân quả.  Quy luật này, bằng Tuệ giác của mình, Đức Phật dạy cho chúng ta biết chứ không phải Ngài tạo ra quy luật nhân quả như nhiều người lầm tưởng.

  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Cách thay đổi vận mệnh
  • Âm đức là gì.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
Gieo nhân nào gặt quả nấy
Gieo nhân nào gặt quả nấy

Gieo nhân nào gặt quả nấy

Bạn trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Nhân quả như bóng với hình, tuyệt không hư dối. Người đời không hiểu lý này, nên khi hoạn nạn thường oán trời trách người. Chẳng ai cặn kẽ tìm lý do xem tại sao họa không đến với người mà lại đến nơi mình. Lại nhân quả muôn hình vạn trạng, nếu chẳng nhìn việc trên góc độ nhân quả ba đời, không thể xét việc cho tường tận được. 

Vậy nên Tổ Ấn Quang dạy: “Người đời khi vừa gặp chút tai ương, nếu không oán trời thì cũng trách người, trọn chẳng có ý tưởng trả nợ, sanh lòng hối tội. Phải biết: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Trồng cỏ dại chẳng thể được hạt thóc ngon, trồng gai góc mong chi thóc nếp!

Làm ác mà được phước là do đời trước tài bồi sâu xa. Nếu không làm ác, phước còn lớn hơn nữa! Ví như con cháu nhà giàu có, ăn uống phung phí, xài vàng như đất, nhưng không đến nỗi đói rét là do vàng nhiều. Nếu cứ ngày ngày như thế, dẫu giàu có đến trăm vạn, chẳng mấy năm sẽ nhà tan người chết, hết sạch sành sanh!

Làm lành mắc họa là do tội nghiệp đời trước sâu dày. Nếu không làm lành, tai ương càng lớn hơn. Ví như kẻ phạm tội nặng, chưa kịp xử phạt, lại lập công nhỏ. Do công nhỏ nên chưa được tha hoàn toàn, đổi tội nặng thành tội nhẹ. Nếu có thể ngày ngày lập công, do công nhiều thành lớn nên tội hết, được tha miễn.

*

Tổ Ấn Quang thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để bậc thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh. Trong thời thế hiện tại, nếu chẳng đề xướng nhân quả báo ứng, không cách chi cứu vớt nổi chúng sanh, không cách chi giúp được xã hội thanh bình”.

Nay đương thời mạt pháp, chúng sanh đa phần không tin nhân quả nên không biết kiêng sợ, chẳng ác nào không làm, chỉ duy nhất với mục đích lợi mình, còn việc tổn người tuyệt chẳng quan tâm. Tâm xấu ác rộng khắp thế gian, nên chiêu cảm đủ thiên tai địch họa, chiến tranh… 

Phải hiểu rõ nhân quả ba đời

Nói về lý nhân quả báo ứng. Nếu không xét đến cả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, ắt không thể trọn vẹn thuyết phục. Nhưng có thể giảng giải rõ ràng tường tận về nhân quả trong ba đời như thế, duy nhất chỉ có Phật mà thôi. Nhân quả ba đời có nghĩa là đời này làm thiện, làm ác:

  • Ngay đời này được phước, mắc họa, đó gọi là Hiện Báo.
  • Đời này làm thiện, làm ác, ngay trong đời sau hưởng phước, mắc họa, đó gọi là Sanh Báo.
  • Đời này làm thiện, làm ác, đến đời thứ ba, hoặc đời thứ tư, hoặc mười, trăm, ngàn vạn đời. Hoặc đến vô lượng vô biên kiếp sau mới hưởng phước, mắc họa, đó gọi là Hậu Báo.

Hậu Báo sớm – trễ không nhất định. Gieo nhân nào gặt quả nấy, đã tạo nghiệp quyết định không thể không thọ báo!

*
  • Thứ nhất là Hiện Báo: Nghĩa là hiện tại làm lành, làm ác, đời này được phước, mắc họa. Như sĩ tử tập tành cử nghiệp, đời này được công danh. Đây là điều mắt phàm thấy được.
  • Thứ hai là Sanh Báo: Nghĩa là đời này làm thiện, làm ác, ngay đời sau được phước, chịu tội, như tổ phụ trọng học vấn, cháu con mới phát đạt. Mắt phàm chẳng thấy được điều này, thiên nhãn vẫn có thể thấy được. 
  • Thứ ba là Hậu Báo, nghĩa là đời này làm lành, làm ác, đến đời thứ ba, hoặc thứ tư, năm, sáu, bảy, hoặc mười, trăm, ngàn, vạn đời. Hoặc một, mười, trăm, ngàn, vạn kiếp, hoặc đến vô lượng vô biên Hằng hà sa kiếp mới chịu báo thiện hay ác. Như vương nghiệp nhà Thương, nhà Châu, thật ra bắt đầu nền móng từ lúc ông Tắc, ông Khiết phù tá vua Thuấn, vua Vũ.

Nếu là chuyện ba đời, thiên nhãn có thể thấy được. Nếu như trăm ngàn kiếp, đạo nhãn của Thanh Văn thấy được còn thiên nhãn thì không. Nếu là vô lượng vô biên Hằng hà sa kiếp, chỉ có ngũ nhãn viên minh của Như Lai mới thấy được. Đây không phải là cảnh giới của đạo nhãn Thanh Văn, huống gì thiên nhãn, nhục nhãn!

*

Biết được ý nghĩa ba thứ báo này thì làm lành sẽ được điều lành giáng xuống. Làm điều chẳng lành phải vướng tai ương, thánh ngôn vốn chẳng sai lầm! Giàu – sang, nghèo – hèn, thọ – yểu, cùng, thông, mạng trời chưa hề thiên vị. Cảnh duyên xảy tới như gương hiện bóng. Người trí biết sửa hình dung ngoài gương, kẻ ngu uổng công ghét hình ảnh hiện trong gương. Cảnh nghịch xảy đến bèn thuận chịu mới là vui theo mạng trời. Chẳng oán chẳng hờn mới hòng lập mạng.

Những câu chuyện gieo nhân nào gặt quả nấy điển hình

Nay đã sâu vào thời mạt pháp, tâm con người xấu ác hơn xưa. Lại chúng sanh đa phần nghiệp nặng, chướng sâu, phước mỏng, huệ cạn. Nên hễ gieo nhân nào gặt ngay quả nấy, gọi là báo ứng hiện đời. Nghĩa là dù gieo nhân nặng hay nhẹ, báo ứng sẽ xảy ra ngay trong đời này mà không kịp chờ đến kiếp sau.

Xin trích đăng một số chuyện nhân quả báo ứng hiện đời. Nguyện người hữu duyên đọc được mà tỉnh ngộ. Sớm sửa mình để khỏi nổi chìm trong biển khổ nhân sinh. Sớm phát tâm học Phật mà tìm đường thoát ly tam giới…

Gieo nhân nào gặt quả đấy: Sống sót trong thảm họa

Sát sinh tổn thọ. Thế giới ngày nay chiến tranh liên miên không dứt cũng bởi nghiệp sát sinh mà ra! Hòa thượng Hư Vân, kể lại trong hồi ký: Người đời ai cũng biết gieo nhân gì gặt quả nấy, nhưng lại chẳng mấy ai tin. Vậy nên mặc tình giết hại, ăn nuốt đủ muôn loài. Quý vị cần tin sâu nhân quả, phải tin chắc rằng gieo nhân nào gặt quả nấy.

Nếu tin sâu nhân quả, thì trong lòng dù chưa sửa đổi, hạnh thiện cũng đã thành. Vì mỗi khi hành động nghĩ suy, quý vị luôn biết thận trọng cân nhắc, cho nên hành vi sẽ tự nhiên ứng theo chiều thiện. Những ai thường gặp tai nạn là do ác nghiệp, biệt nghiệp chiêu cảm nên. Phải biết những tai họa xảy đến là do quý vị đã từng gieo nhân ác trong quá khứ.

Thế nên các tai nạn binh đao, chiến tranh, lụt lội, hỏa tai, địa chấn thảy đều do nghiệp quả chín muồi, đã tới lúc trổ, nên quý vị phải nhận. Nhân thiện chiêu quả thiện! Bằng chứng là trong hai trận Thế giới chiến vừa qua, chỉ có Hoa kiều ở Úc là được bình an. Vì sao ư? Vì trong tiền kiếp bọn họ không hề tạo nghiệp sát!

Địa ngục nơi trần gian

Năm Giáp Dần (1914) tôi đang giảng kinh tại Long Hoa Sơn. Khi đó 4 huyện trong phủ Đại Lý phát sinh địa chấn kinh hồn: Nhà cửa thành quách đều nhất loạt sụp đổ không còn gì. Chỉ có chùa viện, bảo tháp là không sao, vẫn đứng yên như cũ. Trong cơn địa chấn đất rung chuyển nứt nẻ trầm trọng, còn phát sinh lử dữ cháy ngùn ngụt tràn lan.

Người ta tranh nhau chạy tránh nạn, thì dưới chân đất bỗng nứt ra, làm họ bị lọt xuống mắc kẹt trong đó. Họ cố hết sức trèo lên, nhưng vừa ló được cái đâu thì đất liền khép lại, cắt đầu đứt lìa nằm mắc kẹt lại trên đất. Cảnh tượng hãi hùng nhìn giống như người đang sống mà bị hãm trong địa ngục cắt chém hay lửa thiêu, thảm đến mắt chẳng nỡ nhìn.

*

Mấy ngàn hộ dân trong thành tử nạn gần hết, sống sót rất ít. Trong đây có hai tiệm vàng: Tiệm Vạn Xương của họ Triệu và tiệm Trạm Nhiên của họ Dương. Khi lửa cháy đến nhà hai gia đình này thì liền tự tắt. Chỗ họ ở cũng không hề bị địa chấn. Mỗi hộ này chỉ có mấy mươi người, nhưng thảy đều bình an vô sự. Nguyên do là hai dòng họ này, đời đời ăn trường trai. Lại hay làm phước bố thí nên mới chiêu cảm được quả lành hi hữu như vậy. Ai biết đến chuyện họ cũng đều xúc động.

Đã là Phật tử thì quý vị phải thấu suốt lý nhân quả khó nghĩ lường này và tin sâu không nghi. Nếu tin sâu nhân quả, tin việc mình gieo nhân nào gặt quả nấy, quý vị sẽ tự nguyện hành thiện, trì giới, trường trai và không còn dám sát sinh.

Gieo nhân nào gặt quả đấy: Quả báo tà dâm

Cổ nhân dạy “Vạn ác dâm vi thủ”. Trong các loại quả báo thì tà dâm đến nhanh nhất và thảm khốc nhất. Chỉ tiếc là người ta không biết và có biết cũng chẳng chịu tin. Sách Báo ứng hiện đời(Hạnh Doan) có chép lại câu chuyện thê thảm sau.

Ông Trần là người thông minh tài giỏi. Tướng mạo tuấn tú, con nhà phú quý, tính tình phóng khoáng, ăn nói rất có duyên, thu hút. Lúc ông làm việc, người ta một tháng bán được một hai sản phẩm. Riêng Ông thì hằng ngày có thể bán tới bảy tám bộ sản phẩm. Ông rất có tài chào hàng, là bậc kỳ tài trong giới kinh doanh.

Ông có tật trăng hoa, thường tìm kỹ nữ mua vui. Suốt một thời gian dài ông kể đã truy hoan với rất nhiều cô. Tôi là đồng nghiệp, thường cố gắng thuyết Phật pháp khuyên can ông. Tôi nói luôn: Gieo nhân nào gặt quả nấy! Người có phúc nhiều mà đắm vào bao gái sẽ làm suy phúc. Người có phúc lộc mỏng ắt sẽ bị giảm thọ. Nhờ làm việc chung, ông cũng có chịu nghe lời tôi nên có lưu tâm kềm chế.

Chết không toàn thây

Sau này ông cùng bạn bè hùn hạp mở tiệm, giao du toàn những người hiếu sắc. Gặp đám bạn ăn chơi nên chẳng bao lâu lại đắm chìm trong sa đọa phóng túng. Ông còn khoe là: Bạn bè luôn khuyên nên phá đời các thiếu nữ để tăng thêm may mắn. Do vậy mà các bé gái mới 12, 13 tuổi đã bị ông và đám bạn dùng tiền xâm hại. 

Tôi nghe xong rất buồn, vội khuyên ông dừng lại và giải thích rằng: Hành vi này không phải là việc xả xui giúp phát tài, hay tăng đại may mắn, mà chỉ càng hủy hoại phúc, lộc, quyền và khiến bản thân ông đoản thọ. Tuyệt đối chẳng nên tin theo tà thuyết này! Nhưng ông vẫn cuồng tín không nghe, hăm hở bỏ tiền ra phá đời các thiếu nữ.

Một hôm ông lái xe hơi mui trần đi ngao du cùng bạn tình thì bị tai nạn. Ông văng lên cao mười mấy mét rồi té xuống, não dập nát bét, chết thảm đến kinh hồn.

Gieo nhân nào gặt quả đấy: Quả báo nói dối, vọng ngữ

Chuyện Quả báo ác khẩu sau đây trích từ sách Báo ứng hiện đời. Tôi nghĩ những người hay nói dối, nói lời xấu ác, đâm thọc…nếu đọc qua câu chuyện dưới đây, chắc hẳn không ai chẳng kinh tâm động phách!

Nửa đêm, tôi nhận được lệnh cấp trên:

– Phải tức tốc tới hiện trường làm việc ngay!

Số là nơi ngoại thành có một cây cầu lớn, nghe dân chúng báo cáo: “Có người treo cổ chết nơi cầu này!”. Lúc chúng tôi đến hiện trường, thấy kẻ tự sát là phụ nữ. Qua khám nghiệm, có thể thấy quyết tâm tự sát của đương sự rất cao. (sợi dây thắt chặt tới nỗi xương cổ bị gãy). Điều tra về nhân thân lý lịch, thì biết người chết cư trú gần đây. 

Thảm án

Khi tới nhà đương sự, chúng tôi phát hiện đứa con nhỏ chưa đầy một tuổi chết trên giường. Lúc cảnh sát ập đến, cha đứa nhỏ vẫn chưa biết vợ mình đã tự sát. Anh khóc lóc hướng cảnh sát trách mắng vợ um sùm. Thực ra sự tình không có gì phức tạp: Ông chồng ra ngoài nhậu nhẹt cùng bạn, cô vợ ở nhà một mình chăm con. Khi chồng về, vợ khóc lóc ầm lên, nhất quyết khẳng định là chồng ra ngoài ngoại tình. Ông chồng nghe vậy nổi giận liền bỏ đi tìm bạn nhậu tiếp.

Vợ ở nhà càng nghĩ càng phẫn nộ, liền gởi cho chồng một “tối hậu thư”, đại ý: “Anh hãy về mà trông con, tôi không thể chăm sóc nó được nữa!”. Nhưng ông chồng đang nhậu say bí tỉ, đâu có tâm trí mà dòm ngó tới tin nhắn trong điện thoại.

Mãi đến lúc ông về  thì phát hiện thằng con chòi đạp, khiến mền rớt ra và bị chết cóng. Ông chồng đáng thương vẫn chưa biết vợ mình đã tự sát. Cứ một mực hướng công an căm phẫn trách móc, nói là lỗi tại vợ mình nên thằng bé mới chết. Cho đến khi nghe cảnh sát báo hung tin: “Vợ anh đã treo cổ chết rồi!”, thì ông ngã lăn ra ngất xỉu.

Nguyên nhân chỉ bới người ác miệng

Chút gây cãi vụn vặt mà dẫn đến mất hai mạng người, một gia đình tan nát. Chúng tôi chỉ biết thở dài. Qua khám nghiệm chứng thực là tự sát, nên vụ việc nhanh chóng kết thúc.

Trong quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện thêm chi tiết: Chính lão Lưu sửa xe trong thôn mới là nguyên nhân gây ra thảm án này.

Ông Lưu tuổi hơn 50, đã ly hôn nhiều năm. Bình thường ông ưa đặt chuyện thêu dệt, nói thị phi. Không có duyên cớ gì cũng dựng thành to chuyện được. Chính ông đã đâm thọc, đặt điều và nói với cô vợ là chồng ngoại tình! Ông còn thêm thắt, miêu tả tỉ mỉ ly kỳ giống như là có thật hẳn hoi. Khi chúng tôi tra hỏi chuyện ngoại tình của người chồng mà ông rêu rao. Ông mới khai thật là tin vịt!

Nhiều gia đình vi tin lời ông mà xảy ra bất hòa, phu thê trở mặt, thậm chí dẫn tới đánh lộn, gây cãi”. Mỗi khỉ ông Lưu biết được vì mình mà thiên hạ xào xáo thì tỏ ra khoái chí. Nhưng chúng tôi không thể xử ông, vì không thể ghép hành vi này vào tội danh nào cả. Bởi thế, chúng tôi chỉ nhắc nhở, cảnh cáo ông thôi. 

Nhận quả  báo

Bất ngờ là chưa đầy một tháng, cảnh sát vùng đó báo cho tôi hay: Ông Lưu đã nhận quả báo!

“Vào một đêm nọ, ông Lưu đến nhà bạn bè nhậu say khướt khiến bạn phải dìu về nhà. Nửa đêm ông bò ra ngoài tìm nước uống. Ông sờ soạng và vớ được một cái bình, đang mơ màng, ông tu liền một ngụm. Nào dè đó không phải nước, mà là bình hóa chất. Loại nước này dùng để sơn kim loại, độ ẩm cực thấp, hễ quét qua rồi thỉ trong vòng hai giây là có thể làm đông cứng bất kỳ vật gì. Ông Lưu ngã xuống ngất đi, may có người phát hiện chở đi cấp cứu.

Lúc bác sĩ khám, phát hiện lưỡi ông bị đông cứng như kết băng, buộc phải cắt bỏ. Bác sĩ kết luận: Từ nay chẳng những ông Lưu không nói được mà còn không thể ăn uống bình thường được! Sau này, xem như ông chỉ có thể ăn uống bằng ống dẫn”…

(Gieo nhân nào gặt quả nấy – Theo Ấn Quang Văn Sao)

Tuệ Tâm 2020.

 

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Kiên Giang: Tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhưỡng - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh

27 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog