Chấp trước là dính mắc, lthiên về một ý kiến, một việc gì đó, giữ chặt lấy, không chấp nhận khác đi, cũng có nghĩa là không chịu buông bỏ.
1. Chấp trước là gì?
Chấp trước là gì? “Chấp” nghĩa là cầm, nắm giữ. “Trước” nghĩa là giữ chặt hoặc bị vướng mắc. Ghép lại với nhau mang ý nghĩa là thiên về một ý kiến, một việc gì đó, giữ chặt lấy, không chấp nhận khác đi, cũng có nghĩa là không chịu buông bỏ.
Khi đã có tâm chấp trước thì người ta luôn có những hành vi và cử chỉ khó chịu, bướng bỉnh, thậm chí là ngoan cố, bởi vì hầu như sự việc gì cũng bị cái tâm chấp trước suy xét theo chiều hướng vị kỷ. Sống chỉ biết mình với những quan điểm và tư tưởng sai lầm nhưng không nhận biết và cũng không quyết tâm học hỏi để sửa đổi.
Có thể nói, chấp trước phát nguồn từ cái Tôi quá lớn, luôn cho rằng mình đúng, người khác sai. Tôi đúng, bạn sai là chấp trước. Tôi hay, bạn dở là chấp trước. Tôi là người tốt, cái này của tôi tốt… Vô lượng vô biên cái chấp trước. Suy xét cho cùng chỉ có hai cái chấp trước bao hàm vô lượng vô biên chấp trước mà Phật đã dạy trong Kinh Kim Cang:
- Ngã chấp (chấp vào cái Ngã, cái Tôi và của tôi).
- Pháp chấp (chấp vào tất cả các Pháp của thế gian và ngay cả pháp của xuất thế gian như Phật pháp).
Chính những cái Chấp Ngã khiến ta day dứt khi đánh mất điều gì đó, những mong muốn mà không thể thực hiện được, sự khó chịu trước những điều không ưa… Tất cả tạo ra cho con người những vết tích để mỗi khi nghĩ đến lại đau đáu một nỗi niềm không biết bao giờ giải tỏa.
Vì chấp trước mà ta luân hồi sinh tử. Chấp trước là ta tin vào những điều không thật có. Vì không có mà ta lại cho là có cho nên chấp trước, do nhận thức sai lầm đó mà ta phải đi trong luân hồi, chấp trước là biểu hiện của vô minh, định kiến.
Trong đời sống thường ngày, có nhiều loại chấp trước, trong bài viết này chỉ xin phân tích chấp trước về tình cảm và chấp trước về sự nghiệp.
Chấp trước về tình cảm: Là sự không cam lòng, day dứt khi bất lực không thể có được người mình yêu thương, hay là sự sai lầm đã đánh mất tình cảm quý giá của mình… Nó là một sự tồn tại dai dẳng cào cấu trầy xước như gai nhọn âm ỉ trong lòng khiến người mang nó khó có thể từ bỏ và cố gắng để đi tiếp dù đánh đổi bằng bất cứ giá nào với hy vọng đạt được mục đích… dĩ nhiên tùy mức độ nặng nhẹ và tùy tâm tính của từng người mang nó.
Chấp trước về sự nghiệp: Là sự không cam lòng, sự day dứt khi bản thân chỉ là một con số không tròn trĩnh trong cõi đời này, hoặc mơ ước khát khao được vươn lên tầm cao trong xã hội, có được công danh sự nghiệp ổn định làm rạng rỡ tổ tông dòng họ và ngẩng cao đầu trước thiên hạ mà không có gì phải hổ thẹn khi được làm người. Chấp niệm này tạo cho người mang nó một động lực thôi thúc mạnh mẽ khiến bản thân phải học hỏi, phấn đấu để đạt được mục tiêu dù phía trước có gian khổ thế nào rồi cũng sẽ đạt được thành công…
Nhìn chung, hai chấp trước này có những điểm chung đó là sự không cam lòng, không chấp nhận hiện tại và mong muốn phấn đấu để đạt được mục đích và chấp trước là lực lượng tiềm ẩn nuôi dưỡng niềm tin để con người ta bước tiếp, chống chọi với gian lao.
2. Chấp là nguồn gốc của đau khổ
Có người cầm cục gạch chọi con chó, con chó bị trúng gạch đau điếng nên tức quá quay sang cục gạch sủa tới tấp. Nó không biết ai là thủ phạm mà chỉ biết cục gạch làm nó đau. Cũng vậy, cái làm cho chúng ta đau khổ không phải do bên ngoài mà chính là sự ngu si, mê muội chấp trước của mình tạo ra.
Vô minh hay còn gọi là si mê, muốn định nghĩa cho mọi người thấu đáo rõ ràng không phải là chuyện dễ, chỉ khi nào chúng ta thật sự trải nghiệm trong đau khổ mới cảm nhận được thực tướng của nó.
Vô minh theo triết học Phật giáo là không thấu rõ luật nhân quả, lý nhân duyên và nguyên nhân của sự khổ và cách thức diệt khổ, không thấy được thực tánh của các pháp, không thấy được sự thật của cuộc đời, không nhận ra ông chủ hay Phật tính nơi mỗi con người và là cái thấy không sáng suốt bị tối tăm che phủ. Vô minh là cái thấy sai lầm về thân và tâm suy tư, nghĩ tưởng là thật. Nhân quả rất công bằng, sòng phẳng, khi đã gieo nhân thiện hoặc ác dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi. Người thấu rõ nhân quả sẽ không bao giờ dám làm các điều xấu ác mà ngược lại hay làm các việc thiện lành tốt đẹp.
Do si mê, tham đắm chấp thân – tâm làm ngã, từ đó muốn chiếm hữu về mình nên suy nghĩ, hành động sai lầm, thấy có ta, người và muôn loài, muôn vật nên bám chấp vào đó. Ý là đầu dây mối nhợ của phiền não, nó thường hay suy tư, nghĩ ngợi nên gọi là ý nghĩ; nó hay nhớ nghĩ về quá khứ hoặc hiện tại gọi là ý niệm; nó hay tưởng tượng, mơ mộng hão huyền nên gọi là ý tưởng và nó có công năng phân biệt, hiểu biết nên gọi là ý thức.
Do phân biệt, hiểu biết sai lầm nên ý thức không rõ được thực tướng của các pháp là vô ngã, không chủ thể cố định, từ đó sinh ra thấy biết sai lầm mà chấp ta, người, chúng sinh. Sự bám víu vào “cái ta” rồi đến “cái của ta” như vợ ta, con ta, nhà ta, tài sản của ta, đất nước của ta. Dưới cái nhìn của người thế gian như thế đâu có gì sai quấy, thế gian này nếu không bám víu vào “cái ta” và “của ta” thì con người sẽ sống ra sao?
Vì cuộc sống này như vậy nên chúng ta không thể làm khác được, còn sự sống là còn có tham muốn, nhưng ta phải tham muốn thế nào cho phải lẽ. Ở đây Phật vì lòng từ bi chỉ cho ta biết thân – tâm này không thật ngã để mọi người bớt luyến ái, chấp trước mà làm khổ cho nhau. Thật ra, đã làm người khó có ai muốn ít biết đủ, chỉ một bề mong cầu được nhiều mà không bao giờ nhàm chán. Tham muốn càng nhiều thì tội lỗi càng phát sinh, càng gây ân oán, hận thù cho nhau không có ngày thôi dứt.
Người phật tử chân chính thường muốn ít biết đủ để sống cuộc đời thanh nhàn, không phải lao tâm nhọc trí và luôn lấy trí tuệ làm gốc để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Tiền của, vật chất, danh lợi, sắc đẹp chỉ là phương tiện để chúng ta vui sống mà dấn thân phục vụ. Bồ tát biết được tác hại của nó nên không say mê, đắm nhiễm, do đó cùng mọi người đồng hành để giúp họ vượt lên chính mình.
Thế giới chúng ta đang sống hiện giờ là cõi dục, là cõi mà lòng tham muốn của con người không bến bờ nhất định như giếng sâu không đáy. Người nghèo khổ thiếu trước hụt sau luôn tham cầu có nhiều tiền của thì không chuyện gì đáng nói; bằng ngược lại, người giàu có bao nhiêu cũng không thấy vừa lòng nên cứ làm cả ngày lẫn đêm không khi nào biết đủ.
Người muốn ít biết đủ dù có thiếu một chút cũng không sao, vì cuộc sống lúc nào cũng an vui, hạnh phúc. Người nhiều tham muốn thì phải chịu khổ triền miên không có ngày dừng, khi chưa được thì tham cầu, mong muốn cho bằng được nên phải khổ; khi được rồi thì sợ mất mát nên cố gắng giữ, do đó càng khổ; giữ không được nên bị mất mát, lại càng khổ hơn; rốt cuộc khổ, khổ, khổ, có khi khổ rồi không muốn sống nữa.
Vậy khổ là do ai? Có ai buộc mình khổ không? Chỉ có mình làm khổ mình thôi. Biết được như vậy rồi chúng ta có nên tham muốn quá đáng hay không? Đa số người thế gian hay bám vào tiền bạc, của cải, vật chất mà quên đi phần tâm linh nên sẵn sàng giết hại lẫn nhau dù đó là người thân.
Từ những năm 90 trở về trước, khi đất nước chúng ta chưa phát triển, đất đai còn quá rẻ nên cuộc sống nhiều người rất ấm êm, hạnh phúc, ít ai nghĩ đến phần lợi nhuận. Đất nước về sau dần chuyển mình theo năm tháng, đất đai bắt đầu có giá, nhiều gia đình tiền mất tật mang vì tranh chấp, kiện tụng nên người thân hóa kẻ thù; cuối cùng hai bên đều trắng tay và tình nghĩa anh chị em, cha con, chồng vợ, cháu chắt trở nên xa lạ. Kẻ chết, người ngồi tù, con thưa cha mẹ chỉ vì bờ ranh đất.
3. Tập xả chấp trước (Hòa Thượng Tịnh Không giảng)
Xét cho kỹ thì bao nhiêu khổ đau trên cuộc đời này cũng từ tâm chấp trước mà ra. Nếu người có tâm hỷ xả thì đâu có khổ. Chính từ tâm chấp trước đó mà đưa đến bao nhiêu khổ đau trên thế gian này, nhưng ít ai thấy được.
Đơn giản như ngồi thiền mà nghe những tiếng nói ồn ào bên ngoài, nếu người có tâm chấp trước thì khó chịu và khổ liền. Còn nếu buông xả thì cứ lo ngồi, mặc ai nói gì nói, buông xả thì lòng nhẹ nhàng. Ngay đó liền thấy chính tâm chấp trước khiến chúng ta khổ.
Điều này chính tôi cũng có kinh nghiệm. Mấy lần đi qua Ấn Độ, đến Bồ-đề Đạo Tràng những lúc cao điểm thì người chiêm bái rất đông. Mỗi người, mỗi đoàn có lối tu riêng, hoặc là tụng kinh, hoặc là niệm Phật hoặc lễ bái, tọa thiền v.v… Khi vào đó thì tôi tìm chỗ ngồi thiền, tuy ngồi thiền nhưng mọi người đi qua, đi lại ồn ào, có khi cũng nói chuyện, rồi tụng kinh phát loa lớn vang khắp bên tai. Nhưng khi ấy vẫn ngồi thiền an nhiên thanh thản, không bực bội khó chịu cũng không dính dáng, không bị ảnh hưởng. Nếu ngồi ở nhà mà có ai bên ngoài nói chuyện ồn ào thì thấy khó chịu, đó là do tâm chấp trước thành khổ; còn buông xả, không quan tâm thì nhẹ nhàng.
Hiểu rồi thì chúng ta thấy trên cõi đời này có nhiều chuyện không đáng, nhưng do tâm chấp trước mà trở thành chuyện lớn, thành khổ đau, đáng tiếc. Như chúng ta đi chợ, người tới lui rất đông, lỡ có người nào đó đi nhanh đạp trúng bàn chân mình, nếu thấy người ta lỡ vô ý đạp thì đi luôn là đâu có chuyện gì; nếu giận kéo người ta lại rồi sừng sộ, không khéo thành ẩu đả với nhau; nếu chưa dừng thì đưa đến thưa kiện rồi vô tù.
Một chuyện không đáng gì mà trở thành chuyện lớn, thành khổ đau. Cho nên chúng ta cần chuyển hóa, tập tâm buông xả, bớt chấp trước.
Hòa thượng Quảng Khâm ở Đài Loan, là vị Hòa thượng tu hành có công phu, có đạo đức, rất được mọi người kính quý. Ngài có kể câu chuyện là một hôm mấy người đệ tử của Ngài đi nghe một vị pháp sư ở chùa khác giảng kinh. Vị pháp sư này khi thuyết giảng ngầm chỉ trích Ngài Quảng Khâm nên những người đệ tử của Ngài thấy khó chịu. Sau đó về thuật lại cho Ngài Quảng Khâm nghe.
Nghe rồi, Ngài chẳng những không buồn giận mà còn bảo đệ tử phải đi đến sám hối vị thầy kia. Ngài nói: “Các con đừng có hiểu lầm người ta! Vị đó giảng đoạn kinh rất sâu xa, mà các con nghĩ xấu cho người ta”. Rồi Ngài đem đạo lý giải thích những lời của pháp sư kia đã giảng. Vậy là xong chuyện.
Không chấp trước nên lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Còn nghĩ người ta nói móc mình, thành ra mới bực bội khó chịu thì cũng do tâm chấp trước mà ra.
Để thấy rằng: Chấp trước là tự làm khổ mình, thiệt thòi cho mình chứ không có gì vui, đâu có lợi ích. Vậy tại sao chúng ta vẫn làm? Đó là điểm muốn nhắc cho tất cả nhớ cần xét kỹ lại. Mỗi người nên nhớ điều này: “Hễ càng chấp thì càng khổ, bớt chấp thì bớt khổ, còn hết chấp thì hoàn toàn giải thoát, không còn khổ”. Con đường đi rõ ràng vậy thôi. Nhưng do đâu mà có chấp? Do tâm chúng ta thiếu trí tuệ quán chiếu. Tức là thiếu tu. Thiếu tu nên mới chấp.
Vì vậy, chúng ta cần trách trở lại chính mình. Biết trách trở lại chính mình, thường dùng trí tuệ quán chiếu tu kỹ hơn, để xả bớt những chấp trước thì sẽ nhẹ bớt khổ đau, cuộc đời sẽ tươi sáng hơn.
Như chuyện Đức Phật đi trên đường bị ông Bà-la-môn theo chửi, Ngài đọc lên bài kệ để nhắc đệ tử:
Kẻ hơn thì thêm oán,
Người thua ngủ chẳng yên.
Hơn thua hai đều xả,
Duỗi thẳng hai chân ngủ.
Nếu chúng ta thấy người ta hơn mình tức là mình thua, thấy mình thua thì ngủ không yên; còn nếu mình hơn người ta thì bị người ta oán. Người ta thua mình, do chịu không nổi thì họ sanh oán. Như vậy, người còn chấp hơn thua là còn khổ. Cho nên xả hết hơn thua thì an ổn nằm duỗi thẳng hai chân ngủ khỏe. Chúng ta tập buông bớt chấp trước đó là con đường an vui, hạnh phúc chân thật.
Tâm Hướng Phật/Th!