Cách kiềm chế cơn tức giận nhanh nhất
Pháp Giới 5 tháng trước

Cách kiềm chế cơn tức giận nhanh nhất

Một bạn đọc nhắn hỏi: “Phật pháp có cách kiềm chế cơn tức giận nào dễ thực hành không?” Tôi trả lời: “Có và rất dễ thực hành. Chỉ sợ bạn chẳng chịu khởi lòng tin mà thực hiện đó thôi.”

Cơn tức giận được nhà Phật gọi là tâm Sân, là hành tướng thô bạo và mãnh liệt nhất trong Tam độc Tham sân si. Chúng ta đều lầm nghĩ rằng cơn giận đến từ bên ngoài và do một ai đó gây nên. Nhưng không, cái bên ngoài chỉ là chút duyên sanh khởi mà thôi. Sự thực là cơn tức giận đến từ bên trong chúng ta và do cái tâm loạn động của ta mà có. Nếu tâm ta an nhiên tịch tĩnh, thì dù hoàn cảnh bên ngoài có bức bối thế nào, dù người ta có hành xử vô lý đến thế nào, cơn tức giận cũng không cách chi sanh khởi được.

  • Công danh&sự nghiệp, vạn sự đã có nhân duyên từ trước.
  • Lời Phật dạy về chữ Nhẫn.
  • Từ bi hỉ xả là gì.
  • Cách cúng về nhà mới.
  • Nhất thiết duy tâm tạo là gì.
  • Lời Phật dạy về Hiếu đạo.
  • Trùng Tang là thật hay cú lừa xuyên thế kỷ.
Cách kiềm chế cơn tức giận
Cách kiềm chế cơn tức giận
*

Ngày nay người ta vô cùng dễ nổi giận. Một lời nói, một chuyện phiền não cỏn con cũng dễ khiến người ta nổi trận lôi đình. Mà phàm đã nổi giận rồi thì hậu quả thường rất nặng nề…Người thế gian bị cơn tức giận thiêu đốt tâm can, khiến sức khỏe và cuộc sống ngột ngạt, khổ sở. Còn người học đạo, nếu chẳng nhận thức được sự nguy hại của nó thì đường tu sanh vô biên chướng ngại. Tâm sân này phá hoại công đức thô bạo đến mức chư Tổ luôn phải răn nhắc:

Nhất niệm sân tâm khởi.

Bá vạn chướng môn khai.”

Nghĩa là:

“Khi khởi một niệm giận hờn, tức đã mở muôn ngàn cửa chướng ngại.”

Bởi thế mà không chỉ đời mà ngay trong đạo, việc kiềm chế cơn tức giận là một trong những cốt lõi của tu tâm.

Cách kiềm chế cơn tức giận: Cơn giận đến từ bên trong

Ta không hề nhận ra tâm mình liên tục nhảy múa như một con rận. Nó liên tục sanh khởi một cách vô lối các ý niệm:  Chuyện đông tây, chuyện tây, chuyện trong nhà, chuyện ngoài ngõ…nó miên man từ quá khứ đến tương lai; nó vận hành lúc ta tỉnh đã đành, ngay trong giấc ngủ nó cũng chẳng để ta yên với ngàn thứ mộng mị…Nó liên tục phán xét đúng sai, được mất…Sự loạn động này khiến thân tâm ta chưa từng được nghỉ ngơi theo đúng nghĩa của từ này. Và chính sự loạn động triền miên này là nguyên nhân chính gây ra cơn tức giận.

Như khi trở về nhà sau một ngày làm việc. Đáng nhẽ ra ta phải bỏ hết mọi thứ khỏi đầu để dành thời gian cho gia đình, thì ngược lại: Tâm trí ta liên tục hồi tưởng về những rắc rối, những khó khăn và những công việc còn giang dở. Một cách vô thức, ta trở nên bực bội, cặu cọ. Và khi người thân chẳng may nói một lời trái ý, ta sẽ nổi giận một cách hết sức phi lý; và kèm theo ngay đó là quát nạt, cãi vã…Rốt cuộc thì bữa cơm chiều nguội lạnh, không khí gia đình trở nên nặng nề, ngột ngạt… Vậy có đáng hay chăng?

*

Hoặc như lúc đang yên đang lành, ta chợt tưởng đến người ngoài bạc ác khắc nghiệt xấu xa, đối đãi với mình nhiều điều không tốt; hoặc nhớ việc người thân cận phản phúc gây rối làm khổ mình, liền buồn giận bứt rứt không an. Tâm trạng này khiến lòng ta phiền muộn, vọng tưởng sôi nổi. Những vọng tưởng ấy đôi lúc khiến ta buồn tức đến quên ăn bỏ ngủ. Nó thôi thúc ta muốn gặp ngay người đó la hét một hồi; hoặc tìm cách trả thù cho đã giận.

Hai thí dụ đơn giản như thế để bạn dễ hình dung ra: Cơn tức giận của mình đến từ bên trong. Và bởi nó đến từ bên trong nên ta hoàn toàn có thể kiềm chế được. Khi đã quen với cách thực hành, ta có thể làm chủ được tâm trí và hàng phục hoàn toàn cơn tức giận.

Cách kiềm chế cơn tức giận hiệu quả nhất

Hòa thượng Thiền Tâm bảo: “Muốn đối trị cơn tức giận, phải khởi lòng từ bi. Kinh Pháp Hoa nói: “Lấy đại từ bi làm nhà, nhu hòa nhẫn nhục làm áo giáp, tất cả pháp Không làm tòa ngồi.” Phải nghĩ rằng: Ta cùng chúng sanh đồng là phàm phu chìm trong biển khổ sanh tử. Tất cả đều do nghiệp phiền não, mà phiền não vốn hư huyễn không có thật.

Như một niệm sân hận, trước khi chưa khởi nó từ đâu đến? Lúc tan rồi lại đi về đâu? Khi giận hờn ta tự làm khổ cho ta trước, vì đã nổi lửa phiền não thiêu đốt lấy mình; mà cũng không thể cải hóa làm lợi lạc chi cho người. Như thế có phải là si mê vô ích chăng? Lại nên nghĩ: Người có hành động xấu làm tổn hại cho ta, kẻ đó vì mê muội đã gây nhân ác tất phải chịu quả khổ. Họ đáng thương hơn là đáng giận. Bởi nếu sáng suốt biết rõ lẽ tội phước, tất không khi nào lại dám làm điều ấy.”

Nếu hiểu và thực hành được những điều Tổ dạy, ta cũng đã có thể kiềm chế được cơn tức giận. Tuy nhiên, người chưa từng biết đến Phật pháp, chưa tin sâu nhân quả thì rất khó để thực hành. Vậy có cách nào kiềm chế cơn tức giận cho người chưa từng biết đến Phật pháp không? Có, rất đơn giản và hiệu quả vượt ngoài sức tưởng tượng! Chỉ cần bạn thực sự muốn thực hành là được.

Dùng nước Từ Bi để dập tắt cơn lửa giận

Gần 20 năm về trước, khi mới chập chững học Phật, tâm còn đầy hơn thua và tranh đấu với đời. Một sáng nọ, vừa chân ướt chân ráo đến văn phòng thì có khách gõ cửa. Tôi tái mặt khi nhìn thấy vị khách hàng thuộc loại lớn nhất của công ty: Bệ vệ, giàu có và…vô cùng khó tính. Mới chiều hôm trước thôi, qua điện thoại, ông đã nạt tôi một trận tối tăm mặt mũi, kèm theo kha khá lời dọa phạt chậm giao hàng…Có lẽ vì chưa hả giận nên nay ông đến tận nơi.

Vì trốn chẳng được và cũng chẳng biết phải làm sao, nên lúc ấy tôi chỉ biết thầm kêu khổ. Nước chưa kịp pha mà cơn thịnh nộ của ông đã bùng phát. Trong lúc chịu trận và chẳng biết làm gì ấy, hốt nhiên tôi nhớ đến niệm Phật. Tôi liền niệm thầm trong tâm, mặc những lời nặng nề rát bỏng ở bên tai…Chừng mươi phút sau, tôi ngạc nhiên khi thấy tâm mình vẫn bình tĩnh, không một niệm oán giận nào sanh khởi. Ngạc nhiên hơn là phía đối diện: Mặt bớt lừng phừng, giọng giảm gay gắt và thần sắc như dịu lại đến bảy tám phần… Thêm chừng 30 phút sau ông nguôi giận. Trước khi ra về còn rủ tôi ăn sáng uống cà phê. Chẳng thấy dọa dẫm trách phạt gì nữa cả…

*

Tôi từ ngày phát hiện ra cách kiềm chế cơn giận vi diệu này, thì công việc và cuộc sống rất nhẹ nhàng, tâm an nhiên tự tại. Về sau, cứ hễ có người than phiền về cơn giận, tôi đều khuyên dụng cách này, và nhận ra: Nó đặc biệt hiệu nghiệm với những người chưa biết đến Phật pháp. Nay rộng viết vào đây cho bạn đọc cùng biết. Chỉ cần bạn nhớ thực hành, mầu nhiệm vô cùng! 

Như thế, mỗi khi bạn phải nghe lời chỉ trích, dù là ai, cũng đừng phản kháng hay chống trái; hãy niệm thầm trong đầu ít nhất 30 câu: Nam mô A Di Đà Phật. Mỗi khi bạn nhớ lại những điều người khác hàm oan, hay làm tổn hại đến mình, hãy niệm thầm hoặc niệm ra tiếng khoảng 30 câu: Nam mô A Di Đà Phật…

Cho dù xảy ra bất kỳ chuyện gì và trong bất kỳ tình cảnh nào: Hễ thấy đầu mình sắp nóng, cơn giận sắp bung ra, thì hãy niệm thầm hoặc niệm ra tiếng khoảng 30 câu Nam mô A Di Đà Phật. Đây là cách dùng nước từ bi để dập tắt cơn lửa giận. Tuy chữa từ ngọn nhưng nhờ Phật lực gia bị nên hiệu quả vô song! 

Cách kiềm chế cơn tức giận: 1. Luận về Cơn giận

Đây là bài luận về bản chất cơn tức giận của Thầy Minh Niệm. Một bài viết rất phù hợp với người sơ cơ. Nay xin mạn phép Thầy đăng vào đây để lợi lạc cho nhiều người.

“Khi ta chưa thấu hiểu cơn giận, dù có điều khiển được nó thì cũng chỉ là giải pháp tạm thời mà thôi. Câu hỏi đặt ra là: Cơn giận từ đâu tới? Mỗi khi nổi giận ta thường cho rằng chính người kia là thủ phạm đã làm cho ta giận; như thể cơn giận đang ở trong ta là do họ đem tới vậy. Vì thế ta luôn tìm mọi cách để trả đũa, dù ít nhất là một câu nói hay một hành động khiến người kia phải đau điếng hay tức giận thì ta mới hả dạ. Ta cho rằng mình phải làm như thế thì mới mạnh mẽ, để họ không còn dám chọc giận mình nữa.

Sự thật là càng trả đũa thì cơn giận càng lớn mạnh và khiến ta càng đuối sức. Vì khi giận năng lượng trong ta bị đốt sạch. Cơ thể liên tục phóng thích ra các chất kích thích adrenaline và cortisol. Những chất này gây rối loạn chu trình sinh học của cơ thể, nhất là nhịp tim và hơi thở tăng dồn dập. Ta sẽ rơi vào tình trạng “hôn mê tạm thời” . Khi ấy ta nhìn mọi thứ đều sai lệch; suy nghĩ không sáng suốt và không kiểm soát nổi mọi hành vi của mình.

*

Nếu thế hệ trước, gần nhất là cha mẹ, có mang tính nóng giận, thì ta khó thoát khỏi sự trao truyền từ nhiễm sắc thể (DNA). Ta còn chịu sự “tưới tẩm” từ cách nói năng và hành động hằng ngày của họ. Môi trường lớn lên và làm việc cũng đóng góp đáng kể cho tính cách nóng giận hình thành trong ta. Sự nuông chiều và nể trọng cũng rất dễ khiến ta có thói quen muốn gì được nấy; hay muốn chứng tỏ quyền lực trước mọi người. V thế chỉ cần có chút vấn đề không vừa ý là ta lập tức nổi giận ngay.

Ngoài ra, ta còn bị ảnh hưởng sâu nặng bởi tâm thức xã hội. Ta luôn cho rằng nổi giận là bản năng tự vệ của con người; và nhờ nó mà người khác mới không dám uy hiếp mình. Ta còn xem đó cũng là cách giải tỏa cảm xúc để ta lấy lại sự cân bằng mỗi khi gặp điều phiền toái. Nhưng thực chất là ta đã thất bại. Ta chưa thuần phục được bản tính hơn thua cố hữu. Ta không biết cách giãi bày sự không hài lòng một cách hiểu biết hơn; và ta đang làm cho tình trạng càng tồi tệ hơn.

Cách kiềm chế cơn tức giận – 2. Chuyển hóa cơn giận

Sau mỗi cơn giận, ta thường cảm thấy hối tiếc và day dứt vì những phản ứng dại dột và thấp kém của mình. Ta biết mỗi lần tức giận là mỗi lần ta đánh mất hình tượng đẹp và làm suy giảm niềm tin yêu trong mắt người khác. Cho nên gắng dặn lòng đừng để cho cơn giận thao túng mình thêm lần nào nữa. Thế nhưng khi gặp chuyện trái nghịch, nhất là tổn hại đến quyền lợi hay danh dự, là cơn giận cứ không hẹn mà đến. Ngay lúc ấy dù được người khác nhắc nhở ta cũng gạt ngang. Bởi lý trí cũng phải đứng lặng chào thua cảm xúc.

Từ thất bại này đến thất bại khác, ta dần trở nên căm ghét cơn giận của mình. Rồi có khi ta quay sang trách giận cha mẹ trao chi cái tính làm khổ mình khổ người như thế.

Thật ra, nếu hạt giống giận trong ta không được nuôi dưỡng thường xuyên, thì nó không đủ sức làm cho ta khổ. Ta đã vô tình tạo ra nó từ những điều bất như ý nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày mà ta không hay biết như: Kẹt xe, xếp hàng mua đồ; gọi điện người thân không nhấc máy; thức ăn không vừa miệng; người kia quên chào hỏi…Cho đến những phiền toái do chính mình gây ra như: Mở nhầm chìa khóa; uống nước bị bỏng miệng; trượt chân ở cầu thang; tìm mãi không ra quyển sách; hồi tưởng về quá khứ đau buồn…

*

Nếu ta không quan sát và hóa giải bớt những phản ứng chống đối một cách âm ỉ từ những việc như thế. Cơn giận chắc chắn sẽ hình thành như một quy trình tự nhiên. Khi nguồn năng lượng giận gần như được mặc định trong tâm thức, chỉ cần một hành động không dễ thương, hay một hoàn cảnh trái ý nho nhỏ, cũng đủ khiến cho nó bị kích động. Nó sẽ nhanh chóng biến thành cơn giận dữ dội, mà chính ta cũng rất bất ngờ.

Khi phát hiện ra cơn giận đang nổi lên và sắp sửa “bung” ra thành lời nói hay hành động. Ta hãy mau chóng tìm cách tách ly ra khỏi đối tượng vừa mới tác động vào cơn giận của mình. Lý tưởng nhất là ngồi trong căn phòng yên tĩnh; hoặc dạo bước trên con đường râm mát. Trong trường hợp không thể tách khỏi hoàn cảnh thì ta hãy ngồi yên đó. Cố gắng đừng mở lời nói thêm một câu hay một từ nào – dù ta cho đó là lời giải thích thỏa đáng.

Mọi hành vi xảy ra trong cảm xúc giận hờn đều sẽ khiến ta hối tiếc sau này. Ta hãy cố quên đối tượng kia đã làm, hay đã nói điều gì với ta. Chỉ đem hết tâm ý tập trung vào hơi thở để làm lắng dịu cơn bão cảm xúc. Nếu ta đã có sẵn kỹ năng theo dõi hơi thở để định tâm, thì chỉ 15 phút sau là ta sẽ vượt khỏi.

*

Cũng như khi căn nhà của ta bất ngờ bị cháy. Ta chỉ cần lo chữa cháy để cứu lấy những tài sản quý báu bên trong; đừng vội vã truy cứu hay trừng phạt kẻ mà ta tình nghi đã đốt nhà. Chuyện đó “hạ hồi phân giải”. Hơi thở là điểm tựa rất an toàn mỗi khi ta bị những cơn bão cảm xúc tấn công mà ta không biết phải làm sao. Tuy nhiên, nếu cứ sử dụng mãi cách này thì ta sẽ không bao giờ hiểu rõ bản chất cơn giận của mình. Không hiểu rõ cơn giận thì muôn đời ta cũng không thể chuyển hóa được nó, sẽ mãi bị nó phiền nhiễu.

Cho nên, sau khi luyện tập được thói quen nhìn lại bản thân mình mỗi khi nổi giận. Thay vì tìm cách trả đũa, ta hãy dành nhiều thời gian để quan sát cơn giận của mình. Hãy chú tâm quan sát tiến trình: Từ khi cơn giận biểu hiện lên bề mặt ý thức, thôi thúc ra hành động, đến khi nó tan biến.

Khi có kinh nghiệm, ta sẽ phát hiện ra cơn giận vốn không có thật. Nó chỉ là nguồn năng lượng được sinh ra từ vài sai sót trong sự vận hành của guồng máy tâm thức như: Nhận thức sai lầm; trí tưởng tượng phóng đại; cảm xúc nhạy bén; hoặc các giác quan không được phòng hộ cẩn thận. Nên chỉ cần duy trì khả năng quan sát tiến trình ấy lâu bền. Bằng thái độ không thành kiến, từ từ ta sẽ thấy rõ những gì đã tạo nên cơn giận và dễ dàng chuyển hóa nó.

*

Tuy nhiên, lỗi thường mắc phải là ta mong muốn mình sẽ hết nóng giận ngay khi bắt đầu luyện tập. Một thói quen được hình thành trong thời gian quá dài, thì không thể thay đổi trong một sớm một chiều được. Tiến trình quan sát cơn giận có thể đem tới cho ta những khó chịu bất ngờ trong giai đoạn đầu. Nhưng dần dà ta sẽ quen và còn cảm thấy rất thú vị như đang xem một bộ phim hành động. Ta cứ ngồi đó quan sát cơn giận của mình như đang ngả người ra ghế xem phim vậy.

Trong trường hợp bất hại đến kẻ khác, ta hãy để cơn giận của mình nổi lên một cách tự nhiên; nhưng khác với mọi lần, là ta có quan sát. Lẽ dĩ nhiên, cơn giận vẫn cứ xảy ra theo tốc độ của riêng nó, và ta không có ý đuổi theo để dập tắt. Ta chỉ quan sát để thấu hiểu cơ chế hoạt động của nó như thế nào thôi.

Mỗi lần quan sát sẽ cho ta một cái thấy mới về bản chất vô thường của cơn giận. Nhận thức sai lầm trong ta từ đó sẽ rơi rụng. Ta cần kiên nhẫn luyện tập để điều chỉnh lại cơ chế hoạt động của tâm thức. Đừng trấn áp hay điều khiển cơn giận. Khi ta chưa thấu hiểu cơn giận, dù có điều khiển được nó thì cũng chỉ là giải pháp tạm thời mà thôi.

Cách kiềm chế cơn tức giận – 3. Có thương đừng giận

Ta cũng đừng vội thỏa mãn với kết quả thực tập ban đầu, dù ta không còn dễ giận như trước nữa. Thậm chí, ta có thể mỉm cười thật tươi để nghe lời quở trách của sếp; hoặc mỉm cười trước hành động bất cẩn của một bạn đồng nghiệp. Hãy đợi đấy! Khi về đến nhà, nếu bất ngờ ta bị người thương nghi ngờ hay phán xét một cách vô căn cớ, thì cơn giận năm xưa có thể sẽ quay về ngay lập tức.

Thế nhưng, ta lại hay biện minh rằng “có thương mới giận”. Ta nghĩ đối với người dưng nước lã thì như thế nào ta cũng mặc kệ.  Ta chẳng cần quan tâm vì họ chẳng liên quan gì đến ta. Đằng này, một người sống với ta chừng ấy năm trời; lúc nào ta cũng tin yêu và sẵn sàng cho họ tất cả, mà họ lại đối xử với ta như thế thì đó là sự xúc phạm rất nặng nề. Nhưng sự thật là ta đang tức tối trước những “đòn tấn công” mà ta không hề có ý thức phòng thủ. Vì ta cho rằng: Khi ta đã hết lòng với ai thì người đó không được quyền làm cho ta tổn thương.

*

Đòi hỏi một người đừng bao giờ có những lầm lỡ với ta – chỉ vì ta đã từng nâng đỡ hay hiến tặng cho họ quá nhiều thứ – đó đúng là một ảo tưởng. Thử đổi lại vị trí ấy xem ta có làm như thế được không? Đời sống ngày càng nhiều áp lực. Chỉ mỗi khó khăn kinh tế thôi cũng đủ khiến người ta mất hồn mất vía rồi. Cho nên việc bỏ bê bản thân và hành động sai sót cũng rất đỗi thường tình.

Nếu ta là người có hiểu biết và đang bình ổn thì hãy giúp họ tươi tỉnh lại. Để họ nhận diện ra chính mình và sự mầu nhiệm của cuộc sống đang hiện hữu. Chứ lẽ nào ta lại muốn quẳng tiếp họ vào cơn thịnh nộ nảy lửa để thiêu đốt họ thêm? Trừ phi không tự chủ được mình, chứ ta đừng bao giờ cố gắng giả bộ nổi giận, để mong bên kia thức tỉnh và hành động đúng đắn trở lại.

Không ai thích đón nhận những cảm giác nặng nề và khó chịu cả. Dù biết mình có lỗi và không thể phản kháng ra mặt; nhưng họ sẽ rất mệt mỏi và bất mãn ta. Không cẩn thận thì cách đó có khi bị hiểu lầm là thái độ trừng phạt không thương tiếc. Việc ấy sẽ khiến họ nuôi hận trong lòng và sẽ làm cho tình trạng tồi tệ hơn.

*

Nên nhớ, phiền não vốn rất tinh tế. Nếu không có một kỹ năng quan sát thật tốt thì ta khó mà phát hiện hết sự vận hành của nó. Để rồi một ngày nào đó ta không thể ngờ cơn giận cuồng điên bỗng từ đâu tràn ra như thác lũ. Cũng do ta thường quá chủ quan, tưởng mình không còn giận hờn nữa; hoặc nghĩ rằng mình chỉ giả bộ để ra uy; hoặc cố gắng trình diễn để lấy lòng kẻ khác, mà không thấy những đợt sóng tức giận đang ngấm ngầm bên trong.

Mỗi ngày một chút, năng lượng giận hờn kết tinh thành một khối rất lớn. Người ta thường gọi đó là nội kết. Khối nội kết này gần như chi phối mọi hành vi của ta. Lúc nào nó cũng khiến ta cau có; hoặc nó khiến ta gây sự với đối tượng ấy, mặc dù họ chẳng làm gì ta cả. Hóa ra, ta đã không hiểu hết cái tâm cố chấp và chưa đủ độ lượng của mình; dù trong ý chí ta cho rằng những chuyện ấy không đáng chi cả.

Thế mới biết, thấu hiểu hết những ngõ ngách sâu kín trong tâm, còn quan trọng hơn là dập tắt được ngay một cơn giận. Cho nên, khi nào ta vẫn còn quá quan trọng; Khi nào ta vẫn luôn tìm cách nâng niu cái tôi của mình, thì cơn giận sẽ vẫn còn. Trong khi đó, tình thương chính là “khắc tinh” của cơn giận.

Cơn giận cũng vô thường

Nắng bừng vỡ màn sương

Mời lên tâm tỉnh thức

Càng nhìn lại càng thương”

( Cách kiềm chế cơn tức giận nhanh nhất)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Phật phóng quang có màu sắc gì, thấy ánh sáng gì thì theo Phật?

18 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog