Cách diệt trừ Buồn, Chán nản
Pháp Giới 9 tháng trước

Cách diệt trừ Buồn, Chán nản

Buồn, chán nản là hành tướng của nghiệp Si. Người thế gian chẳng hiểu đạo nên bị nó hành hạ, sai sửa chẳng nói làm chi; nhưng người học Phật, biết vạn pháp đều vô thường, cũng khó minh bạch mà bị cuốn lôi vào trong vòng khổ não.

Chán nản thường dẫn người ta tới những hành vi tiêu cực, đời cũng thế mà đạo cũng vậy. Cái tâm lý ấy khiến ta u uất, không yên, chỉ muốn buông xuôi hết thảy mọi thứ: Đời thì kéo dài mãi thành ra trầm cảm, dương khí suy hao nên rất dễ bị các loài phi nhân ám hại. Đạo thì khiến người ta thối mất đạo tâm, tu hành giải đãi, nay có mai không…Đến lúc ngộ ra đã thấy mình nổi chìm trong ngũ dục. Lúc ấy, do tam độc đã nặng nề, muốn quay về đạo e cũng khó lắm thay!

  • Tham sân si là gì.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Trí huệ là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Âm đức là gì.
Buồn, chán nản
Cách diệt trừ Buồn, chán nản

Luận về Buồn, Chán nản

Trong Niệm Phật Thập Yếu, Tổ Thiền Tâm bảo: “Có một chi tiết trong nhà đạo, nguyên nhân cũng chỉ vì nghiệp si, mà nhiều người thường hay vướng mắc. Nhân tiện xin nói rộng thêm để các hành giả được sự bền chí trên đường tu niệm.

Người hoài bão tâm thương đời, hay kẻ có lòng lo đạo, trên đường chí nguyện thường thường phải trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhứt là tâm nhiệt thành sốt sắng. Giai đoạn thứ hai là niệm buồn rầu chán nản. Giai đoạn thứ ba là lòng bi trí tùy cơ. Thông thường, những vị hữu tâm ấy hay bỏ cuộc và tiêu tán chí niệm ở đoạn hai, ít ai đi đến đoạn ba. Vượt đoạn hai để đi đến đoạn ba là người có tâm bi trí rộng lớn, như con thần long khi bay lên mây xanh, lúc ẩn nơi lòng biển cả.

Nhà Nho gọi điều này là: “dụng chi tắt hành, xả chi tắc tàng.” Đây là ý nói: “bậc chân nho đời hữu đạo thì đem đạo lưu hành, đời vô đạo lại lui về ở ẩn.” Như đức Khổng Tử khi đem đạo thánh hiền truyền hóa, các vua thời Đông Châu không ai chấp nhận, Ngài lui về viết sách dạy học trò, chí thương lo cứu đời không khi nào bị thối giảm. Kẻ chưa thấu hiểu thời tiết cơ duyên, chưa suốt được đạo lý này, thường hay chán buồn bi phẫn!

Buồn, Chán nản của Thế gian

Trước tiên hãy thử nhìn xét tâm niệm ấy qua phương diện thế gian. Ta thấy có nhiều vị lúc tuổi trẻ khí huyết phương cương, nhìn đời như hoa mộng, tâm nhiệt thành sốt sắng, quyết chí xây dựng nếu không cho thiên hạ, thì ít nhứt cũng cho người xung quanh hay cá nhơn mình được một cuộc đời tươi đẹp như lý tưởng. Nhưng khi trải qua nỗi thăng trầm vinh nhục, rước lấy bao cuộc thất bại chua cay, đi sâu vào đời thấy rõ nhơn tình sơ bạc, thì đâm ra chán nản.

Lúc trước nhiệt thành hăng hái bao nhiêu, bây giờ lại lạnh lùng dè dặt bấy nhiêu! Có người lại muốn đóng cửa tránh duyên xa lánh tất cả. Tâm trạng này có thể mượn mấy câu sau đây để diễn tả:

Lỡ làng nước đục bụi trong

Trăm năm để một tấm lòng từ đây.

Hay:

Thôi thà đừng biết cho xong

Biết bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu!

Hoặc:

Chuyện đời thấy vậy thì hay vậy

Thà ẩn non cao chẳng biết nghe.

Nước đục bụi trong? Đây là chỉ cho người ngay thẳng thành thật bị vu báng nghi ngờ, kẻ thủ đoạn khéo bề ngoài lại được tin nghe quý trọng! Và còn biết bao sự đảo lộn khác nữa! Có người lại bảo: Thà làm kẻ ngu dốt mà còn được niềm vui, hiểu biết chi nhiều để thêm buồn lòng nhọc trí! Thi sĩ Tản Đà đã nhìn xét đời bằng câu:

*

Giang hà nhật hạ nhơn giai trược

Thiên địa lô trung thực hữu tình?

Nước sông giang hà càng xuống lại càng đục, đời càng mạt, đạo đức càng suy, trong trời đất ai là người có chân tình? Chí sĩ Phan Bội Châu lúc tuổi trẻ, từng than thở:

Lương bằng hải khoát thiên trường hận

Sơn thủy vân thôn vụ thổ sầu!

Nước non đã tối tăm bởi mây khói ngoại xâm, mà trong vùng bể rộng trời xa lại không tìm thấy bóng người đồng chí, tình cảnh thật đáng buồn! Nhưng đến lúc sắp tắt hơi, ông cũng còn buông ra mấy lời hận thương chán nản: “Trời xanh thánh chúa hỡi ơi! Tiếc bấy trong tâm vùi Khổng, Mạnh! Non nước dân tình dường ấy! Thà ra ngoài thế bạn Hy, Hoàng!” (Thiên hồ nhi! Đế hồ nhi! Khả tích hung trung mai Khổng, Mạnh. Dân như thử! Quốc như thử! Ninh ư thế ngoại tác Hy, Hoàng!)

Đại khái đường tâm nguyện của con người dễ bị buồn, chán nản rồi thối chuyển là thế! Và vì lẽ này mà Khuất Nguyên bi phẫn đem thân tự trầm; Giới Tử Thôi giận hờn cam chịu chết thiêu nơi rừng vắng.

Buồn, Chán nản: Hiểm họa trên đường đạo

Trong giới tu hành cũng thế. Câu: “Học đạo thỉ cần chung tắc đãi”, vô hình đã chỉ rõ sự tiên kiến xác đáng của người xưa. Câu này ý nói: thông thường việc học đạo trước siêng năng, sau hay sanh biếng trễ. Lắm người khi mới phát đạo tâm, lòng tín thành sức dõng mãnh dường như Bồ Tát, nhưng lần lần trong do nghiệp lực, ngoài bị cảnh duyên, ý khinh mạn bị biếng trễ nổi lên, mỗi niệm đều là chúng sanh.

Đại khái phần đông vì chưa nhận thức rõ cuộc đời ngũ trược, nên khi chạm mặt với sự thật, dễ bị thối tâm. Bởi thế nhiều tăng ni do thấy trong đạo có những sự sai lầm, hoặc hàng thiện tín có những phiền não cố chấp nặng, nên sanh niệm thối chuyển. Từ ý niệm đó họ hoàn tục, hoặc tiêu tán chí nguyện độ tha, thích ở ẩn để tự tu, không muốn gây duyên hoằng hóa.

*

Và nhiều Phật tử tại gia bởi thấy có những tăng ni hành không đúng pháp, rồi nản chí bỏ đạo không muốn tiếp xúc với người xuất gia; hoặc sanh lòng ngã mạn, bảo chỉ quy y Phật, Pháp, không quy y Tăng. Lại nhiều bà Phật tử khi nghe phong thanh thầy mình có điều gì, việc gì…Chưa thấu đáo tình lý việc ấy ra sao, đã vội bỏ ăn chay niệm Phật tụng kinh.

Họ chưa nắm vững lẽ đạo, không biết rằng tu cho mình chớ đâu phải tu cho thầy; bỏ tu hành chỉ tự làm thiệt hại, nào có tổn thất đến ai? Luận chung, những tâm niệm bi phẫn buồn chán như trên đều sai lầm, thiếu lập trường vững chắc. Bởi dù đời hay đạo, bậc chân chánh thiện lương tuy là ít, nhưng chẳng phải không người.

*

“Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”. Đừng lấy cớ một phần tử lỗi lầm, mà cho rằng tất cả đều sai quấy. Lại: “Nhơn hư đạo bất hư”. Dù tất cả người đều sai lạc, đạo vẫn là con đường sáng suốt làm bước tiến tốt đẹp cho mình. Và, trước khi phê bình người nên tự xét mình đã được hoàn hảo chưa, hay sự thật còn kém hơn kẻ mình chỉ trích. Nên có lượng xót thương xả thứ, đem lòng trách người trách mình, dùng tâm thứ dung mình mà thứ dung cho người. Chớ lấy đá liệng kẻ lỗi lầm, khi chính mình cũng còn nhiều lầm lỗi.

Lại tiêu điểm trước tiên của đường tu là lo cứu mình, tìm lối tự giải thoát. Nếu vì một đối tượng nào bên ngoài mà bỏ luôn cả chính mình, có phải là mê muội chăng? Cho nên người tu có sự nhìn thấu suốt, hằng lo giữ đúng như bổn phận; tự sanh lòng trung thật, từ bi, xả thứ, thẹn cho mình nghiệp chướng hãy nhiều, thương cho người còn ở trong vòng chìm mê phiền não, luôn luôn nắm vững chí nguyện, gắng tìm phương tự độ độ tha.

“Từ bi hỷ xả là nhà, trí huệ, phương tiện là cửa”, không vì chúng sanh nhiều phiền não, đường tu nhiều trở ngại gian lao mà thối thất đạo tâm. Có sự nhận thức như thế, là đã vượt qua nỗi chướng ngại nơi giai đoạn hai, mà bước lên chỗ bình thản của giai đoạn ba vậy.

Cách diệt trừ Buồn, Chán nản

Chán nản là hành tướng của nghiệp Si. Nếu bạn hiểu rõ được lý vô thường ắt sẽ dễ dàng vượt qua được nó. Thực vậy, bạn tĩnh tâm mà xem, mọi thứ là vô thường và luôn luôn thay đổi:

“Lá trên cành cây trong công viên, ánh sáng trong phòng bạn lúc đang xem sách này; những mùa, khí hậu, thời gian trong ngày, người qua lại trên đường. Còn bạn thì thế nào: Không phải mọi sự ta làm trong quá khứ bây giờ chỉ như một giấc mộng đó sao?

Những bạn bè thuở bé, những chỗ ngày nhỏ ta thường lui tới; những quan niệm, ý tưởng mà có một thời ta đã say mê ấp ủ: Ta đã bỏ lại tất cả sau lưng. Bây giờ, trong giây phút này, bạn thấy sự đọc những trang sách này dường như rất thực. Nhưng rồi nó cũng chỉ còn là một ký ức.

*

Những tế bào trong cơ thể ta đang chết, những tế bào não ta đang tàn tạ; cả đến sự biểu hiện trên gương mặt ta cũng luôn thay đổi tùy theo tâm trạng ta. Cái mà ta gọi là tính tình của ta chỉ là một dòng tâm thức, không gì khác. Hôm nay ta cảm thấy thoải mái vì mọi sự tiến triển tốt đẹp, ngày mai ta cảm thấy ngược lại. Vậy thì cái cảm giác thoải mái đi đâu rồi?

Những ảnh hưởng mới xâm chiếm lấy ta, mỗi khi hoàn cảnh thay đổi: Chúng ta đã vô thường, hoàn cảnh cũng vô thường. Không một thứ gì chắc chắn bền bỉ ở bất cứ đâu, mà ta có thể chỉ ra. Không gì khó tiên liệu hơn là những ý tưởng và tình cảm của ta: Bạn có bao giờ biết được bạn sẽ nghĩ gì, cảm thấy thế nào trong thời gian sắp tới không?

Tâm ta quả thực trống rỗng, vô thường, phù du như một giấc mộng. Hãy nhìn một ý tưởng: Nó đến, ở và đi. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới; và ngay cái ý nghĩ hiện tại khi ta cảm nhận nó, nó đã thành dĩ vãng.”

Thế nên, mọi việc dù có tệ đến thế nào đi chăng nữa rồi cũng sẽ đi qua, biết vậy rồi thì có chi mà buồn phiền chán nản?

*

Người học Đạo không biết rằng, một niệm chán nản khởi lên, nếu ta chẳng lưu tâm trừ diệt, nó có thể phá hoại cả một kiếp tu. Trong Niệm Phật Thập Yếu, Tổ Thiền Tâm có dạy cách đối trị tổng quát như thế này: Nghiệp tham, sân, si biểu hiện dưới nhiều hình thức, không thể tả xiết! Nơi đây chỉ nói tổng quát bốn điều căn bản để đối trị những nghiệp ấy:

1. Dùng tâm đối trị chán nản

Người mê với bậc giác ngộ chỉ có hai điểm sai biệt: tịnh là chư Phật, nhiễm là chúng sanh. Chư Phật do thuận theo tịnh tâm nên giác ngộ, đủ thần thông trí huệ; chúng sanh bởi tùy nơi trần nhiễm nên mê hoặc, bị sống chết luân hồi. Tu Tịnh Độ là đi sâu vào Niệm Phật Tam Muội để giác ngộ bản tâm, chứng lên Phật quả. Vậy trong niệm Phật, nếu thấy bất cứ một niệm vọng động nào khác nổi lên, liền phải trừ ngay và trở về tịnh tâm. Đây là cách dùng tâm để đối trị.

2. Dùng lý đối trị chán nản

Nếu khi vọng niệm khởi lên, dùng tâm ngăn trừ không nổi, phải chuyển sang giai đoạn hai là dùng đến quán lý. Chẳng hạn như khi tâm tham nhiễm nổi lên, quán lý: Bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã. Tâm giận hờn phát khởi, quán lý: Từ bi hỷ xả, nhẫn nhục nhu hòa, các pháp đều không.

3. Dùng sự đối trị chán nản

Những kẻ nghiệp nặng, dùng lý đối trị không kham, tất phải dùng sự, nghĩa là dùng đến hình thức. Thí dụ: Người tánh dễ sân si, biết rõ nghiệp mình. Khi phát nóng bực sắp muốn tranh cãi, họ liền bỏ đi và uống từ từ một ly nước lạnh để dằn cơn giận xuống. Hoặc như kẻ nặng nghiệp ái, dùng lý trí ngăn không nổi; họ lựa cách gần bậc trưởng thượng, làm Phật sự nhiều; hoặc đi xa để lãng quên lần tâm nhớ thương. Câu: “Dám xa xuôi mặt mà thưa thớt lòng!” thật ra chính là “càng xa xuôi mặt, càng thưa thớt lòng!” Bởi tâm chúng sanh y theo cảnh, cảnh đã vắng tức tâm mất chỗ nương, lần lần sẽ phai nhạt.

4. Dùng sám tụng đối trị chán nản

Ngoài ba cách trên từ tế đến thô, còn có phương pháp thứ tư là dùng sám hối trì tụng để đối trị. Sự sám hối, niệm Phật, trì chú hoặc tụng kinh, mà giữ cho đều đều, có năng lực diệt tội nghiệp sanh phước huệ. Vì thế thuở xưa có nhiều vị trước khi thọ giới hay sắp làm Phật sự lớn, thường phát nguyện tụng mấy muôn biến Chú Đại Bi, hoặc một tạng Kinh Kim Cang Bát Nhã.

Bên Trung Hoa các cư sĩ khi hợp lại Niệm Phật đường để kiết thất, nếu ai nghiệp nặng niệm Phật không thanh tịnh, hay quán Phật không được rõ ràng, vị pháp sư chủ thất thường bảo phải lạy hương sám.

Đây là cách đốt một cây hương dài, rồi thành kính đảnh lễ hồng danh Phật sám hối, cho đến khi nào cây hương tàn mới thôi. Có vị suốt trong thời kỳ kiết thất bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày, toàn là lạy hương sám. Bốn cách trên, hành giả tùy trường hợp mà đối trị tổng quát ba nghiệp tham sân si. Nếu bền bỉ chí tâm, thì không việc chi chẳng thành tựu.

(Cách diệt trừ Buồn, chán nản – Theo Niệm Phật Thập Yếu)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Nhà bác học Albert Einstein ở địa ngục hạch bạo

51 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog