Ca lâu La – Kim Sí Điểu Đại Bàng
Pháp Giới 8 tháng trước

Ca lâu La – Kim Sí Điểu Đại Bàng

Ca Lâu La còn gọi là Đại Bàng Kim Sí Điểu, là một trong tám bộ chúng Trời Rồng phát tâm hộ trì chánh Pháp. Ca Lâu La còn có tên khác là chim đại bàng cánh vàng. Cánh của nó mở ra thì rộng khoảng ba trăm sáu mươi do tuần. Khi đói thì dùng đôi cánh quạt nước biển rẽ làm hai, rồng trong biển sắp chết thì tự nhiên hiện ra, làm thức ăn cho chúng. Chúng có sức ăn rất lớn, một lần ăn một con rồng lớn, năm chục con rồng nhỏ. 

Theo Kinh Trường A Hàm thì: “Người Diêm phù đề có ba điều hơn Kim Sí Điểu, đó là:

  1. Mạnh mẽ, nhớ dai, có khả năng tạo ra hành nghiệp.
  2. Mạnh mẽ, nhớ dai, thường tu hành phạm hạnh.
  3. Mạnh mẽ, nhớ dai, Phật ra đời ở cõi này.

Ngược lại, loài Kim Sí Điểu cũng có 3 điều hơn loài người, đó là:

  1. Sống lâu.
  2. Thân to lớn.
  3. Có cung điện lâu các.

Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

  • A Tu La.
  • Tứ Đại Thiên Vương.
  • Chư Thiên Thần là gì.
  • Địa ngục là gì
  • Quỷ thần là gì
  • Thần linh là gì
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
Ca lâu La – Kim Sí Điểu Đại Bàng
Ca Lâu Ca – Kim Sí Điểu Đại Bàng

Ca Lâu La Vương – Kim Sí Điểu Đại Bàng

Ca Lâu La dịch là “Kim Sí Điểu” hay Chim cánh vàng. Vì cánh của loài chim này, sáng chói giống như vàng thật. Lại dịch là “diệu sí”, cánh của nó dùng đủ loại sắc đẹp để trang nghiêm, ở trong ánh sáng mặt trời phản xạ xuống, phóng ra vạn luồng ánh sáng vàng. Lại dịch là “đại tố hạng”, loài chim này khi ăn vật gì thì đều đem con mồi để vào trong bụng, để đó từ từ tiêu hóa.

Loài chim này gọi là Ðại Bàng Kim Sí Ðiểu (Chim Ðại Bàng cánh vàng). Chúng to lớn cỡ nào? Thân thể của nó lớn như tòa núi lớn. Cánh của nó xòe ra khoảng, ba trăm ba mươi đại do tuần. (Một do tuần dài tám mươi dặm). Khi nó quạt cánh, thì nước biển rẽ làm hai bắt rồng ăn. Loài chim này chuyên môn ăn rồng. Mỗi ngày phải ăn một con rồng lớn, năm trăm con rồng nhỏ. Khi nó ăn rồng thì trước hết nuốt đuôi rồng vào trong bụng, từ từ tiêu hóa.

Long Vương (Vua rồng) rất lo âu, vì quyến thuộc của loài rồng càng ngày càng bớt đi, sẽ diệt chủng, cho nên đi các nơi cầu cứu, nhưng ai nấy đều bó tay. Có người nói với ông ta nên đi gặp Ðức Phật. Long Vương bèn đến chốn Phật, cầu Phật từ bi, che chở cho rồng con, rồng cháu, để khỏi tuyệt chủng loài rồng.

*

Ðức Phật nói với Long Vương: ‘’Nếu các nhà ngươi giữ được Bát Quan Trai giới, thì chim Ðại Bàng không ăn các ngươi nữa.’’ Do đó Long Vương dẫn quyến thuộc đến chốn Phật, thọ Bát Quan Trai giới. Thọ giới rồi, Phật cho mỗi con rồng một sợi tơ áo Cà Sa cột vào thân. Từ đó về sau, chim Ðại Bàng không còn cách chi ăn rồng được nữa.

Nhưng chim Ðại Bàng không có vật thực để ăn. Y cũng đến chốn Phật khẩn cầu nói: ‘’Chúng tôi hôm nay lấy gì để ăn? ‘’ Ðức Phật nói: ‘’Ta sẽ dạy đệ tử của ta, khi đến bữa trưa ăn cơm, thì trước hết đem ít cơm thí cho các ngươi.’’ Cho nên bây giờ các Chùa khi cúng ngọ, thì đều đem ít cơm thí cho chúng. Ðó là lòng từ bi của Phật, độ hóa loài rồng và chim Ðại Bàng sống hòa bình với nhau.

Chim và rồng đều có bốn thứ sinh, chim sinh bằng trứng không thể ăn rồng hóa sinh, cũng không thể ăn rồng sinh bằng thai, thấp sinh (sinh bằng ẩm ướt), chỉ ăn được rồng sinh bằng trứng. Chim hóa sinh mới ăn được rồng sinh bằng : thai, thấp, hóa, noãn.

*

Chim đại bàng Kim Sí Điểu ở tại núi Kim Cang, cung điện của chúng dùng bảy báu để trang nghiêm. Khi chúng muốn chết thì không thể ăn rồng, tại sao? Vì thân thể rồng có chất độc. Bình thường chim Ðại Bàng ăn rồng, thì không sợ chất độc, nhưng khi chúng gần chết, thì thân rồng phóng ra chất độc bắn vào mắt, khiến cho mắt không thể mở được, thì không thể bắt rồng để ăn. Bị đói thật khó mà chịu được, bèn nghỉ ngơi trên cây Thiết Thụ. Ðến khi không thể chịu được nữa thì lại bay đến biển tìm rồng để ăn, rồng lại phóng chất độc, y lại chạy đi, cứ như thế đến bảy lần, cuối cùng thể lực kiệt sức, chất độc phát ra mà chết.

Lúc bấy giờ, thi thể của chim Ðại Bàng bị lửa độc thiêu, giống như hỏa diệm sơn bộc phát, thiêu hết tất cả chất cứng chảy ra thành nước. Long Vương Nan Ðà sợ Bảo Sơn (núi báu) bị hủy hoại, bèn làm xuống một trận mưa lớn, hạt mưa lớn như bánh xe để dập tắt ngọn lửa. Bây giờ toàn thân của chim Ðại Bàng đã thành tro, chỉ còn quả tim không bị thiêu hủy, trở thành hạt châu báu, ánh sáng màu lưu ly óng ánh rất đẹp. Vua Chuyển Luân Thánh Vương được hạt châu này, gọi là châu Như Ý, vua Trời Ðế Thích được châu này gọi là Dạ Minh châu.

*

Trong phẩm Xuất Hiện có bài kệ rằng : 

“Bồ Tát Ca Lâu La,

Như ý vi kiên túc,

Phương tiện dũng mãnh sí,

Từ bi thanh tịnh nhãn,

Trụ nhất thiết trí thụ,

Quán tam hữu đại hải,

Bạt tróc thiên nhân long,

Án chí Niết Bàn ngạn”.

Qua bài kệ này đủ thấy, chim Ðại Bàng cũng là Bồ Tát thị hiện, để điều phục tất cả chúng sinh. Cho nên ý nghĩa bài kệ trên mới nói: Bồ Tát Ðại Bàng Kim Sí Ðiểu, toại tâm như ý, bay lượn trong không trung, chân rất kiên cố phi thường, cánh phương tiện rất dũng mãnh, cặp mắt rất từ bi và trong sáng.

Tuy nhiên chuyên ăn rồng, nhưng chỉ ăn rồng sắp chết. Trước mắt thì bị chim Ðại Bàng ăn, nhưng thực tế thì hóa độ rồng, khiến cho chúng không còn thọ khổ trong luân hồi nữa, mà thẳng đến bờ bên kia. Cây của chim Ðại Bàng ở gọi là cây Trí Huệ. Y quán sát dục giới, sắc giới và vô sắc giới ba cõi biển cả, bắt rồng ở trên trời hoặc rồng ở nhân gian, độ chúng đến bờ Niết Bàn bên kia.

Cảnh giới này chẳng phải phàm phu chúng ta biết được, người không chứng quả thì không thể tin đạo lý này, đợi khi chứng quả rồi mới biết là như thế. Ðức Phật là người chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác, tuyệt đối không nói dối, cảnh giới này là ngàn chân vạn thật.

10 Đại Ca Lâu Ca Vương trong Kinh Phật.

Vị Ca Lâu La Vương thứ nhất tên là Ðại Tốc Tật Lực. Vì sức lực của vị này không những mạnh mà còn rất nhanh. Vị này ở trên núi Kim Cang, cây Thiết Thụ, xem thấy rồng trong biển xuất hiện, thì vỗ cánh quạt nước biển rẽ ra, bắt lấy rồng, rồi trở về cây Thiết Thụ, nước biển vẫn chưa hòa hợp lại, do đó được tên này.

Vị Ca Lâu La Vương thứ hai tên là Vô Năng Hoại Bảo Kế. Vì bảo kế của vị này rất kiên cố, chẳng có cách chi phá hoại được, càng không có sức để phá hoại, do đó được tên này.

Vị Ca Lâu La Vương thứ ba tên là Thanh Tịnh Tốc Tật. Vì thân thể của vị này thanh tịnh, bay đi rất nhanh, trong một sát na bay hơn mười vạn tám ngàn dặm, do đó được tên này.

Vị Ca Lâu La Vương thứ tư tên là Tâm Bất Thoái Chuyển. Vì vị này đắc được pháp vĩnh viễn không thối chuyển A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề, đắc được: Niệm bất thối, hạnh bất thối, vị bất thối, do đó được tên này.

*

Vị bất thối: Ðã chứng được vị đại Bồ Tát, thì không thể thối về vị A La Hán. Ðã phát bồ đề tâm, thì không thể thối về vị A La Hán hoặc là vị phàm phu.

Niệm bất thối: Chuyên tâm nhất ý tu thiền định, tư tưởng không thối chuyển. Chẳng giống chúng ta suốt ngày đến tối, chuyên khởi vọng tưởng, thấy lạ muốn đổi, hôm nay tu thiền, mai tu tịnh, mốt tu giáo, hoặc tu luật, thậm chí tu mật, kết quả chẳng có pháp nào thành tựu. Cho nên tu hành phải chuyên nhất.

Hành bất thối: Phải dũng mãnh tinh tấn tu hành, càng ngày càng tiến bộ, tức là tu hành càng tu hành, tinh tấn càng tinh tấn, đó là tu hành không thối chuyển.

Vị Ca Lâu La Vương thứ năm tên là Ðại Hải Xứ Nhiếp Trì Lực. Vì vị này có thể nhiếp trì tất cả nước sông ngòi ao hồ, chảy vào biển cả, lại có thể ở trong không trung, thu nhiếp rồng vào trong miệng, do đó được tên này.

Vị Ca Lâu La Vương thứ sáu tên là Kiên Cố Tịnh Quang. Vì thân thể của vị này cứng chắc phi thường, và có quang minh thanh tịnh, quang minh này có thể chiếu thấu trong biển, nhìn thấy chỗ của rồng ở, do đó được tên này.

*

Vị Ca Lâu La Vương thứ bảy tên là Xảo Nghiêm Quan Kế. Vì quan kế của vị này rất trang nghiêm tốt đẹp, quan kế của các Vua Ca Lâu La kia chẳng thể sánh được, do đó được tên này.

Vị Ca Lâu La Vương thứ tám tên là Phổ Tiệp Thị Hiện. Vì vị này có thể thị hiện tất cả các nơi, mà còn nhanh nhẹn khắp cùng, do đó được tên này.

Vị Ca Lâu La Vương thứ chín tên là Phổ Quán Hải. Vì vị này có mắt từ bi và thanh tịnh, quán sát được trong ba cõi biển cả, rồng lớn ở đâu, rồng nhỏ ở đâu ? Nhìn thấy rất rõ ràng, do đó được tên này.

Vị Ca Lâu La Vương thứ mười tên là Phổ Âm Quảng Mục. Vì âm thanh của vị này như sấm sét, rồng ở trong biển mà nghe được tiếng hống này, thì hồn phi phách tán, không dám động đậy, vì sợ bị bắt ăn. Cặp mắt của vị này đặc biệt to lớn, thân ở núi Kim Cang, mà mắt quán sát rồng trong bốn biển, do đó được tên này.

*

Mười vị Ca Lâu La Vương này làm thượng thủ trong Kinh Hoa Nghiêm, đại biểu cho vô lượng Ca Lâu La Vương, số nhiều vô lượng không thể nghĩ bàn.

Những vị Ca Lâu La Vương này, đã hoàn toàn thành tựu sức đại phương tiện, đều là đại Bồ Tát thị hiện. Một số Bồ Tát chẳng có sức đại phương tiện như thế. Chúng bắt rồng ăn là hóa độ rồng, ăn voi là hóa độ voi, ăn ngựa là hóa độ ngựa, ăn cá là hóa độ cá, tóm lại ăn loài gì thì hóa độ loài đó, dùng phương tiện ăn để hóa độ chúng sinh. Thực ra chẳng phải ăn mà là cứu độ, là nhiếp trì. Tại sao ? Vì đáng chết cho nên mới ăn, tức là có thể đến bờ Niết Bàn. Ở trên là chúng thứ hai Ca Lâu La Vương.

Ngoài ra Ca Lâu Ca còn được giảng trong Phẩm Ca Lâu Ca Vương Thọ Ký trong Kinh Đại Bảo Tích. Bạn hãy trang nghiêm thân tâm để nghe đức Phật dạy:

 Phẩm Ca Lâu Ca Vương Thọ Ký Thứ Năm.

Pháp Hội Bồ Tát Kiến Thiêt – Kinh Đại Bảo Tích.

Việt Dịch – Hòa Thượng Thích Trí Tịnh.

Xem Thêm:   Mất hết Phước lộc vì tà dâm

Bấy giờ lại có tám ức sáu vạn Kim sí Ðiểu Vương thấy A Tu La cúng dường Phật và được thọ ký rồi, đối với Như Lai lòng tin vô lượng vui mừng hớn hở. Vì để cúng dường nên chư Kim Sí điểu Vương hóa hiện tám ức sáu ngàn vạn đền đài thuần nghiêm sức với thất bửu cõi trời rất lạ vi diệu. Mỗi mỗi đền đài có bảy lớp câu lan bằng tứ bửu la vàng bạc lưu ly và pha lê vi diệu đệ nhứt xen lẫn hiệp thành.

Vòng quanh bốn mặt đền đài ấy treo thòng những linh thất bửu là vàng bạc lưu ly pha lê xa cừ mã não và chơn châu, báu ấy tinh kỳ vi diệu đệ nhứt. Lại có màn lưới thất bửu, tràn thất bửu, phan thất bửu và tám ức sáu ngàn vạn trướng thất bửu.

Chư Kim Sí Ðiểu Vương cầm tám ức sáu ngàn vạn  đền đài thất bửu ấy, lọng phan tràng trướng thất bửu ấy dưng lên đức Phật Như Lai . Ðã cúng dường xong, chư Kim Sí Ðiểu Vương và những vật cúng dường bay trên hư không nhiễu quanh đức Phật ba vòng như tượng vương Yên La Bà Na ở cõi trời Ðao Lợi đầu đội chư Thiên bay trên không đến cây ba lợi chất đa la. Chư Ðiểu Vương ấy mang đền đài lọng tràng phan trướng thất bửu bay trên không nhiễu quanh Phật ba vòng cũng như vậy.

*

Chư Ðiểu Vương bay nhiễu Phật rồi dừng ở một phía cung kính đồng thanh nói kệ tán thán rằng :

“Quy mạng đấng xuất ly sanh tử

Quy mạng đấng cứu độ sanh tử

Quy mạng đấng kiên cố vô thương

Quy mạng đấng vô thượng vô đẳng

Nghuyện tôi sẽ được thân kiên cố

Ba mươi hai tướng tự nghiêm sức

Lại có tám mươi tùy hình hảo

Nguyện cầu chúng tôi như Ðạo Sư

Nguyện tôi viên quang đủ oai đức

Hình nhan công đức đều thành tựu

Nguyện được Phật oai nghi đệ nhứt

Khiến tâm người tịnh chứng tịch diệt

Nguyện đủ giới đức tam ma đề

Cũng được Phật trí huệ vô thượng

Nguyện đều làm Phật độ chúng sanh

Như nay Phật làm thế Ðạo Sư

* Ca Lâu La – Kim Sí Điểu Đại Bàng *

 Bạch Phật tôi nguyện đủ thập lực

Cũng được mười tám pháp bất cộng

Thành Phật trí huệ hơn thế gian

Như nay là Phật thượng trong thượng

Cũng biết chúng sanh không thể tánh

Như ảo như mộng không sở y

Tuyên nói như hướng như hư không

Như Phật hôm nay vì chúng nói ”.

Ðức Phật biết chư Ðiểu Vương kính tin rồi, liền hiện tướng mỉm cười.

Huệ Mạng Mã Thắng Tỳ Kheo nói kệ bạch hỏi rằng:

*

“Ðấng vô thượng thắng đại Ðạo Sư

Chẳng vô sự mà hiện tướng cười

Ðấng thương thế gian xin nói cho

Hiện tướng mỉm cười do cớ gì

Chư Ðiểu Vương kia đã cúng Phật

Ðiện lọng tràng phan hiện hư không

Khiến Trời Người thấy sanh ngưỡng mộ

Nguyện Lưỡng Túc Tôn nói nghĩa ấy

Tất cả đại chúng chấp tay đứng

Thân tâm thanh tịnh đều mừng rỡ

Nguyện nghe Ðiểu Vương quả vị lai

* Ca Lâu La – Kim Sí Điểu Đại Bàng *

Xin Lưỡng Túc Tôn tuyên nghĩa ấy

Néu đức Thế Tôn tuyên nói rồi

Tất cả đại chúng đều không nghi

Ðại chúng rời nghi được vô úy

Trí Như Lai hay làm mừng rỡ

Ðại chúng vui mừng được vô úy

Rời những lỗi ác tâm thanh tịnh

Chúng ấy thích nghe Như Lai nói

Dường như đệ tử nhận lời thầy

Nguyện dứt lòng nghi của đại chúng

Nguyện Phật nhiếp thọ cho mừng rỡ

Ðại chúng mừng vui đều đến họp

Nguyện nói Ðiểu Vương quả đương lai ”.

Ðức Phật nói kệ đáp Huệ Mạng Mã Thắng rằng :

Thập lực chơn thiệt siêu tất cả

Viên âm phạm thanh đều đầy đủ

Hàng phục các căn vì Mã Thắng

Nói quả vị lai của Kim Sí

*

Lành thay Mã Thắng hỏi nghĩa ấy

Phật hiện mỉm cười thương thế gian

Lắng nghe báo ấy để vui dạ

Lòng sẽ mừng rỡ trừ nghi hoặc

Ðiểu Vương cúng dường lớn nơi Phật

Ðể cầu quả Bồ đề Vô thượng

Bốn vô sở úy mười trí lực

Vì được pháp ấy thành Ðạo Sư

Lại cầu mười tám pháp bất cộng

Kim Sí Vương ấy cúng dường Phật

Cũng cầu thân kiên cố chẳng hoại

Ba mươi hai tướng tám mươi tốt

Cầu Phật tịnh giới tam ma đề

Cảnh giới đại trí huệ của Phật

Thành tựu tịnh độ độ thế gian

Vì cầu đây Ðiểu Vương cúng Phật

Ðiểu Vương lòng tin cúng Phật rồi

Kẻ trí hay rời súc sanh đạo

Quyết sẽ được sanh tại cõi trời

* Ca Lâu La – Kim Sí Điểu Đại Bàng *

Thân chim nầy là thân tối hậu

Hằng sa kiếp sau chúng họ sẽ

Thường sanh nhơn gian và thiên thượng

Cúng dường vô lượng chư Phật rồi

Sẽ được làm Phật phục các căn

Quốc độ Phật ấy không ác thú

Ðầy đủ thân tướng lìa tám nạn

Phật ấy đồng hiệu Phổ Ðoan Chánh

Kiếp ấy tên là Tu Di Tràng

Trong tám ức bốn ngàn vạn năm

Vì thương thế gian Phật trụ thế

Thuở ấy tất cả chư Như Lai

Tuổi thọ Phật sự thảy đều đồng

Phật ấy lìa nhiệt dứt phiền não

Mỗi mỗi đức Phật tám mươi hội

Trong mỗi mỗi hội tám ức người

Rời lìa kiêu mạn được tự tại

Vì họ sẵn có thân kim sắc

Sức mạnh nên lòng thường kiêu mạn

Sau nầy thành Phật thương chúng sanh

Dứt trừ kiêu mạn chuyển pháp luân

* Ca Lâu La – Kim Sí Điểu Đại Bàng *

Quá khứ chúng họ đã từng làm

Chúng tiên nhơn tu hành khổ hạnh

Số đủ tám ức sáu ngàn vạn

Phàm chỗ tu hành vì thần thông

Lúc chúng tiên nhơn được thần thông

Khen mình khổ hạnh là hi hữu

Chẳng phạm cấm giới đủ công đức

Ở trong rừng núi sanh kiêu mạn

Do kiêu mạn nên sanh Kim Sí

Do tâm thông nên có thần lực

Do giới thanh tịnh nên thấy Phật

Do mạn nên quên tâm Bồ đề

Nay Phật thọ ký Bồ đề rồi

Và nói gốc sanh ra Kim Sí

Ðại chúng nghe rồi đều vui mừng

Mừng rồi đều thành Bồ đề khí ”.

*

(Ca Lâu Ca – Kim Sí Điểu Đại Bàng: Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Vi Đà Hộ Pháp là ai

151 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog