Vi Đà Hộ Pháp là ai
Pháp Giới 5 tháng trước

Vi Đà Hộ Pháp là ai

Vi Đà Bồ Tát hay Vi Đà Hộ Pháp vốn là một vị Bồ Tát thị hiện dưới thân phận một vị thiên tướng sáu đầu, mười hai tay, cưỡi chim công. Ngài là một trong tám vị đại tướng quân của Nam Phương Tăng Trưởng Thiên Vương. Thống lãnh ba mươi hai tướng quân của trời Đế Thích. Ngài nhận lãnh lời phó chúc của đức Phật bảo vệ ba châu gồm: Đông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu và Tây Ngưu Hóa Châu.

  • Hộ Pháp là gì
  • Thần linh là gì.
  • 10 Chuyện nhân quả báo ứng có thật
  • Thiên Ma là loại ma gì.
  • Cảnh giới trên bước đường học Phật.
Vi Đà Hộ Pháp là ai
Vi Đà Hộ Pháp

Sau khi Đạo Tuyên Luật Sư nằm mộng thấy Vi Đà Bồ Tát hiện thân phát thệ bảo vệ chốn tùng lâm. Vi Đà Bồ Tát được coi là một vị hộ pháp chuyên bảo vệ chốn Già lam và thủ hộ Tăng chúng. Ngài thường được tạc tượng như một vị võ tướng tươi trẻ, dung mạo đoan nghiêm. Thân mặc kim giáp, tay chống kiếm báu, hoặc cầm kim cang giản.

Hộ pháp Vi Đà

Hòa Thượng Tuyên Hóa đã từng nói: “Bồ Tát Vi Đà đã phát nguyện, dù các vị tu hành có được ba phần, nhưng sẽ được bảy phần cảm ứng. Bồ tát sẽ giúp các vị. Nếu các vị không tu hành, đương nhiên sẽ không có cảm ứng.”

Ngài kể lại lúc mới xuất gia: …” Hòa Thượng phương trượng trở về chùa. Vừa gặp tôi, Phương Trượng nói: “Chú tới rồi đó hả!” Tôi đáp: “Dạ! Con tới rồi!” “Tốt lắm, Thầy mời chú làm Thủ Tọa đó!”

Sau đó Ngài mở cuộc họp tuyển chọn Thủ Tọa. Trong chùa trừ Hòa Thượng phương trượng ra thì chức vị Thủ Tọa là lớn nhất. Trong chùa có mười mấy vị Thầy mà Phương Trượng không tuyển chọn. Ngài lại chỉ định tôi làm thầy Thủ Tọa. Mọi người đều phản đối rằng: “Chú ấy mới xuất gia, sao làm Thầy Thủ Tọa cho được?” Phương Trượng nói: “Như vậy chúng ta hãy đến chỗ thờ Bồ Tát Vi Đà rút thăm.” Thế là tên những người có tư cách làm Thủ Tọa được viết trên giấy rồi bỏ vào ống tre và lắc ra tên ai, thì người đó làm Thủ Tọa.

Bồ tát Vi Đà và Hòa Thượng Tuyên Hóa

Lắc vài lần, kỳ lạ thay! Có lẽ Bồ Tát Vi Đà muốn tìm chút việc cho tôi làm, nên lắc ba lần đều văng ra tên của tôi. Sau đó không ai dám phản đối nữa, vì do Bồ Tát Vi Đà an bày mà. Cho nên lúc còn là Sa Di, tôi đã làm Thầy Thủ Tọa cho chùa rồi. Vì Hòa Thượng phương trượng đã nhận ra tôi. Sự quyết định này khiến cho một số Thầy lớn trong chùa tức chết được.

Các Thầy đó gặp tôi, người này thì trừng mắt, người kia thì cau mày khỉnh mũi, tỏ thái độ khinh thường tôi và nói: “Hòa Thượng phương trượng thật điên đảo, ai đời cho Sa Di làm Thủ Tọa chứ? Đúng là lừa sư diệt tổ!” cứ như thế mà mắng nhiếc tôi. Tuy bị sỉ nhục, nhưng tôi cảm thấy rất mát ruột. Ai mắng tôi thì tôi coi như đang ăn đường mật. Ai đánh tôi, tôi coi như được ăn bánh “nhân đậu”.

Làm Thủ Tọa rồi. Hòa Thượng phương trượng lại còn muốn dạy tôi làm quản gia tức như là trụ trì vậy. Tôi nghĩ: “Việc này quá phiền phức đi! Tôi không cầm giữ tiền, thì các vị thử nghĩ làm sao cai quản cái (gia) chùa này được chứ?” Cho nên khi Phương Trượng bảo tôi làm trụ trì, tôi nói: “Dạ được, nhưng con không đụng tiền! Người khác giữ tiền, người khác đếm tiền. Con đi đến bất cứ nơi nào, con cũng không giữ tiền. Nếu Thầy chấp thuận điều kiện này thì con sẽ làm trụ trì của chùa!”

*

Cũng vì vậy, tôi bắt đầu trì giới “không nắm giữ tiền bạc, của cải!” Lúc đó ở Đông Bắc, có một khoảng thời gian tôi và tiền phân cách, tôi không sờ đến tiền. Khi đi xe lửa, tôi tới trạm xe đợi. Có điều rất kỳ lạ là mỗi lần tôi đến bất cứ nơi nào, đợi ở trạm xe, thì nhất định đều có người quen thuộc đến hỏi tôi đi đâu và mua vé cho tôi.( Đây là vì Ngài không giữ tiền nên Vi Đà Hộ Pháp can thiệp giúp Ngài – Tuệ Tâm)

Lại nữa, Hòa Thượng kể: Tôi từng tá túc tại Long Hoa Tự ở Thượng Hải. Tôi ở ngoài hành lang, buổi tối chỉ lót thêm một mớ rơm trên đất và ở như vậy không biết qua bao nhiêu ngày nữa. Và không ai biết, tôi biết về Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn cũng như chú Lăng Nghiêm.

Vào khoảng mùa Xuân, năm Dân Quốc thứ 37 tôi từ Thượng Hải đi thuyền tới Hán Khẩu. Dự định từ Hán Khẩu sẽ đến Quảng Đông diện kiến Hư Lão( Hư Vân Hòa Thượng). Lúc đó, vì việc lật tàu có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên có một số thuyền gia tin Phật phát nguyện hộ pháp, làm phương tiện cho người xuất gia. Phàm hễ người tu đi thuyền đều được miễn phí, hơn nữa họ còn cúng dường thực phẩm. Tôi từ Thượng Hải đến Hán Khẩu cũng đi loại thuyền miễn phí này vì tôi không có tiền.

Trị nghiệp chướng quỷ

Trên thuyền tôi gặp một anh què, tôi nhớ tên của anh ta là Hoàng Cố Lỗi, anh ta chống gậy để đi. Anh ta không đứng lên đi mà ngồi xổm, dựa vào gậy lết đi từng bước rất khổ sở. Tôi hỏi anh ta: “Tại sao anh phải đi như vậy? Sao anh không đứng lên được?” Anh ta nói chánh phủ quản chế than đá, không cho phép tư nhân mua bán. Anh ta bán than đá lậu nên bị chánh quyền bắt vào tù, trong tù bị ẩm thấp khiến anh liệt chân bị què.

Tôi vừa nhìn, biết được bịnh của anh ta không có quan hệ đến sự ẩm thấp. Mà bị nghiệp chướng quỷ theo anh ta khiến anh ta như thế. Tôi cảm thấy rất tội nghiệp người này, nghĩ rằng tôi có thể trị lành chứng bịnh này của anh ta, nhưng không trị ngay lúc đó được. Tại sao? Vì nếu tôi trị cho anh ta hết bịnh tức cả tàu tìm đến và tôi sẽ có nhiều phiền hà.

Đợi tới ngày đó, dự tính buổi trưa 2 giờ đến Hán Khẩu, thì 8 giờ sáng tôi ngồi thiền trên boong tàu. Đúng lúc anh què lại đi ngang qua chỗ tôi ngồi. Tôi hỏi anh ta:

“À! Anh có muốn cái chân của anh lành lặn lại không? Anh có muốn đứng lên không?”. “Tôi đương nhiên là muốn rồi!”

Tôi nói: “Nếu anh muốn đứng lên được thì hãy quăng cây gậy xuống sông đi!”.

“Tôi làm sao quăng gậy cho được? Tôi phải nhờ nó mới đi được, tôi không có nó thì không đi được!”

*

Tôi nói: “Anh quăng nó đi, tôi sẽ giúp cho anh khỏe trở lại! Tại sao anh không xả cái cây gỗ này được chớ?” Anh ta nói: “Thật vậy sao?” Tôi nói: “Tôi không gạt anh đâu! Tôi gạt anh để làm gì?” Tôi nói như vậy, quả nhiên anh ta quăng cây gậy xuống dưới nước.

Lúc đó tôi niệm chú Đại Bi gia trì cho cái chân của anh ta, và xoa lên đầu gối của anh ta. Qua khoảng nửa giờ đồng hồ, tôi niệm 7 biến chú Đại Bi, xong tôi nói: “Anh hãy đứng lên nào!”. Anh ta thử đứng dậy, quả nhiên đứng lên được! Tôi nói: “Nào, anh hãy bước đi!”. Anh ta lại đi được. Tôi nói: “Anh hãy chạy xem!”. Anh ta liền chạy quanh tôi. Anh ta giống như đang bị thôi miên vậy. Tôi bảo anh ta đi, anh ta liền đi. Bảo anh ta chạy, thì anh ta liền chạy.

Chân của anh không cử động được là bị ma quỷ hành hạ. Tại sao tôi bảo anh ta quăng gậy xuống sông? Cho thấy anh ta tin tưởng tôi, khi tâm không hoài nghi tức mới có tương ứng. Bởi vì nghiệp chướng quỷ này tưởng rằng anh ta nhất định phải nương vào cây gậy để đi, không ngờ anh ta lại quăng nó xuống sông, nên nghiệp chướng quỷ cũng theo gậy mà xuống nước. Cho nên anh ta mới có thể đứng lên được, lại có thể đi và chạy nữa.

Trị bách bệnh

Cả tàu đều biết anh ta không thể đi đứng được. Nay nhìn thấy anh ta lại đi được, còn có thể chạy, nên mọi người lấy làm kỳ quái, hỏi anh ta: “Tại sao chân anh được lành vậy?” Lúc đó tôi cũng quên dặn anh ta đừng nói tôi ra, đừng nói cho người ta biết là tôi làm. Khi hỏi như vậy, anh ta chỉ tôi, nói: “Là vị Pháp sư đó lấy tay xoa xoa chân tôi là tôi hết què liền!”

Thế là 70-80 người trên tàu bao vây chung quanh tôi. Người này nói: “Thầy ơi! Tôi bị nhức đầu, làm sao đây?” Người kia nói: “Tôi bị nhức răng, làm sao bây giờ?” Người nọ nói: “Cánh tay tôi bị đau, làm sao đây?” “Chân tôi đau, làm sao bây giờ?” “Tôi bị đau lưng, làm sao đây?” Lúc chưa phát sanh ra sự việc như trên thì trên tàu không có ai bịnh, nay vừa thấy anh què hết bịnh thì cả tàu đều có bịnh!

Có nhiều người bịnh như vậy thì phải làm sao đây? Lúc đó tôi bèn ra tay “La Hán”. Tôi nói: “Đa số các người đều bị nợ đòn, đều phải bị đánh.” Tôi đánh một chưởng lên đầu người nhức đầu, hỏi: “Có đau không?” Y lắc đầu nói: “Hết đau rồi!” Rồi tôi đánh một cái lên tay người đau tay, hỏi: “Còn đau nữa không? Nhúc nhích, động đậy thử xem.” “Á! Ngộ thiệt! Nó không còn đau nữa.” “Có nói láo không đây?” “Không đâu!”

*

Tất cả đều công hiệu như “dựng sào thấy bóng,” có kết quả ngay tức khắc. Không phải chỉ thử ở đó coi có hiệu quả hay không, mà hễ tôi nói lành bịnh là lành bịnh. Tôi cứ làm vậy nên người ta tưởng rằng tôi là Phật, Bồ Tát hay quỷ sống gì đó!

Lúc đó các người trên tàu đều hết bịnh, nên tiền lại đến, phiền phức cũng tới theo! Mới đầu tôi không có tới một đồng. Hốt nhiên nay lại phát tài, lúc đó là dùng tiền Pháp. Người này đưa 10 ngàn, người kia biếu 20 ngàn, họ cúng tối đa là 110 ngàn. Bởi đi xe lửa bắt buộc phải mua vé, và mỗi vé tốn 200 ngàn đi từ Hán Khẩu đến Quảng Đông, nên họ cho tiền là tôi nhận hết!

Tôi thâu vào được khoảng 780 ngàn. Lúc ban đầu tôi trị bịnh cho họ, tôi tuyệt đối không có tâm phan duyên. Cũng không nghĩ đến chuyện nếu y hết bịnh sẽ quyên tiền lộ phí. Tôi tuyệt nhiên không có ý nghĩ này! Còn như các người phát tâm cúng dường đây có thể nói là ngay nơi người ta không thấy đó, có một sự cảm ứng. Bởi vì Hộ Pháp Vi Đà biết tôi không có tiền, nên mới động viên cổ võ các người này, bảo họ cúng dường chút ít tiền. Ngài đã quyên góp giùm tôi. Cho nên không những có vé cho một người mà còn đủ mua vé cho hai người luôn. Phải chăng là có chuyện như vầy? Các vị chắc không tin – đó không phải là vấn đề ở đây.

*

Hơn nữa còn có mười mấy người hẹn tôi đi khám bịnh. Người này nói: “Tôi có người bà con ở Hán Khẩu, y bị bịnh đã năm năm trời, trị liệu gì cũng không hết! Khi Thầy đến Hán Khẩu xin Thầy hãy trị bịnh cho y.” Người kia nói: “Người nhà con bị bịnh này nọ, thỉnh Thầy tới nhà con trị bịnh cho.” Lúc đó tôi không nói, được hay không được, chỉ nói đợi đến Hán Khẩu rồi sẽ tính sau! Tôi nghĩ tới Pháp sư Pháp Hiển đã từng gặp một thương nhân muốn xô Thầy xuống biển. Nhưng các người trên tàu lúc ấy, không có người nào muốn đẩy tôi xuống biển. Mọi người đều muốn tôi mau tới bờ để đi chữa bịnh cho thân quyến của họ.

Chờ cho thuyền đến bến, người ta đều từ bên kia xuống tàu, tôi từ bên khác xuống tàu rồi dong mất. Họ đều đợi tôi xuống tàu từ bên đó, kết quả không có ai chờ tôi được! Lúc bấy giờ anh què được lành bịnh kia quy y tôi, lại mời tôi khi xuống tàu tới nhà anh ta ở một thời gian, nhưng tôi cũng không đi. Sau đó tôi cũng không có tin tức gì về anh ấy.

( Vi Đà Hộ Pháp – Theo tự chuyện của Hòa Thượng Tuyên Hóa)

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền – Bốn Cảnh giới Thiền Định

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog