Pháp Giới 12 tháng trước

Bửu Sơn Kỳ Hương Huyền Nghĩa

Đoạn dưới đây hàm chứa nội dung cơ bản nhất, tinh túy nhất của Phật giáo. Khi Đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo thì Bồ tát ở mười phương chư phật vây quanh Đức Phật để nghe pháp nên có pháp hội Hoa Nghiêm, một pháp hội nói về cảnh giới của Như Lai và con đường của Bồ tát đạo.

Phật tại tâm ai người tin mới lạ
Tình đời theo chuông mõ với áo khăn
Muốn chẳng vắn dài: “Phật nọ tức tâm”
Người nghe nói chẳng ai buồn lưu ý.
Nhớ tích xưa khi Phật thành quả vị
Kinh Hoa Nghiêm lời Phật thuyết đầu tiên
Ý thâm huyền không cảm được nhân, thiên
Vườn Lộc Uyển, đành dùng lời phương tiện.
Phải chờ đến Pháp Hoa khai tri kiến
Trí cao siêu vi diệu khó nghĩ bàn
Bậc nhị thừa, Duyên Giác hoặc Thanh Văn
Chỗ chứng ngộ đều không đồng chư Phật
Một pháp giới – tánh tướng đồng Như Thật
Tâm nhất như nên cảnh cũng không hai
Nhân và duyên, thể, tác, dụng không ngoài
Một thật tướng – trước sau là Như Vậy.
Các trời, người, chúng sinh hằng thế giới
Không một ai lường được trí Như Lai
Không ngôn từ, tướng mạo để chỉ bày
Chỉ tâm Phật mới tỏ tường trí Phật.
Đến đất Nam, gẫm việc như ngày trước
Vì thương đời trí nông cạn, thô sơ
Dùng ngôn từ, thân trải nắng, chan mưa
Mang trí Phật hòa phàm tâm sanh chúng .
Đạo vô thượng, vĩnh hằng, Ta rao khắp
Chẳng ham chi tài vật của thế gian
Nói ít thì dân chẳng hiểu, khó làm
Giảng nhiều lẽ, chúng than rằng khó nhớ.
Lý vi diệu âm thầm mà hóa độ
Muôn pháp môn không một pháp ngoài tâm.
Pháp Đại thừa cứu thoát chốn trầm luân
Thuyền bát nhã xuôi dòng sang bến giác.
Bởi vọng dục khiến thế gian mê hoặc
Đắm chìm trong ba cõi chịu lầm than
Biết đâu là cõi tịnh nguyện sinh thân
Khi tu tập lại rơi vào văn tự.
Chân tánh sẳn trong thân nam, thân nữ
Tham sân và Phật tánh vốn không hai
Bởi quên đi nên mới phải nói “khai”
Nếu chẳng có, thì làm sao mở lấy.
Lại thêm kẻ thuyết giảng điều tà mị
Tự trói mình trong quyển sách mình ưa
Tự luận bàn, lớn tiếng để tranh đua
Cái học được lại trở thành chướng ngại.
Theo tự tánh tu trì là xứng tánh
Sáu căn đà thuần tịnh lúc sinh thân
Nhiễm sắc, thanh, hương, vị cõi phù vân
Căn, trần, thức tùy trí sinh phàm, thánh.
Tướng đi đứng ngồi nằm, ăn và nói
Mỗi mỗi nên là tướng bậc thiện nhân
Lục ba la mật theo với lục căn
Tâm từ quán chúng sinh như con đỏ.
Không ngã, không nhân, chẳng không, chẳng có
Bước bước khoan thai, tâm ý khoan thai
Không kinh động rộn ràng, phiền toái một ai
Vô úy thí đang theo từng nhịp bước!.
Thân tâm khinh an, như bóng in hồ nước
Không tự hào đang hành hạnh khinh an
Người thấy oai nghi phát khởi thiện tâm
Không não hại chúng sinh là trì giới.
Không mừng rỡ khi gặp điều thuận lợi
Không oán than khi đối cảnh khó khăn
Đây gọi là nhẫn nhục trước thế trần
Các việc khác cũng đều là như vậy.
Thân tâm an tịnh được thì phát tuệ
Tứ Tất Đàn, Phật dạy pháp trợ duyên
Tập từ bi đối trị tánh dữ hung
Tập hiền đức, diệt đi lòng tật đố.
Như huyễn hóa, như trăng in suối đổ
Đưa thân vào đường dữ phải trôi lăn
Vui trong rừng tà kiến chấp có, không
Cười nghiêng ngả giữa tiệc hồng chan máu
Hai hàm răng nhai tan tành phước báu
Bòn mót trăm đời bỗng chốc tiêu tan
Chẳng nhận ra chân tánh giữa trần gian
Cam lòng nhận lấy thân người cùng tửm

Xem Thêm:   Niệm Phật bị vọng tưởng có tội hay không?

(Trích Bửu Sơn Kỳ Hương Huyền Nghĩa)

Đoạn trên đây hàm chứa nội dung cơ bản nhất, tinh túy nhất của Phật giáo. Khi Đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo thì Bồ tát ở mười phương chư phật vây quanh Đức Phật để nghe pháp nên có pháp hội Hoa Nghiêm, một pháp hội nói về cảnh giới của Như Lai và con đường của Bồ tát đạo.

Cảnh giới trong kinh Hoa Nghiêm là cảnh giới của tâm thức, các chư thánh thấy quốc độ của Phật Thích Ca được trang nghiêm chủ yếu bằng châu ma ni và bằng phẳng thanh tịnh chứ không như chúng ta thấy, điều đó chứng minh cảnh giới do tâm tạo và tịnh độ tại tâm nào có đâu xa.

Vậy niệm Phật cầu vãng sanh có hai hàm nghĩa: trước tu thập thiện và niệm chơn tâm của Phật (danh hiệu Phật) để xây dựng cõi Tịnh độ ngay trong tâm thức của ta và sau theo nhân quả và nguyện lực của Đức Phật nên người tu được vãng sanh.

Và theo đại ý của pháp hội này như đức Phật thầy dạy “Phật nọ tức tâm”, đơn cử mười hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ tát trong kinh Hoa Nghiêm, tất cả các hạnh nguyện được làm trong trạng thái tam nghiệp thanh tịnh, trong khi đó phẩm Phạm Hạnh ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát dạy vô sở đắc chính là phạm hạnh; vô sở đắc, vô sở hữu chính là rốt ráo của Như Lai thiền, thiền truyền thừa. Điều này khế hợp với tinh thần vô sở trụ của Bát Nhã.

Xem Thêm:   Giải đáp mười điều nghi vấn về cõi Tịnh độ phần 1

Từ đó, ta có thể thấy khó có thể làm cho chúng sanh nhiều mê chấp tin nhận; chính vì thế, Đức Phật mới chuyển pháp luân cho năm anh em Kiều Trần Như về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo rồi Thập nhị nhơn duyên của Duyên Giác.

Thật ra, trong Pháp hội Diệu Pháp Liên Hoa Phật có nói, chỉ có một Phật thừa và Phật ra đời chỉ vì một đại sự là nói Phật thừa. Nhưng vì thương chúng sanh nên mới dùng phương tiện lập ra ba thừa. Đến đây, ta có thể nhìn thấy, pháp Phật chỉ được xem như phương tiện huống chi đến pháp thế gian. Văn tự trong kinh điển như tay chỉ trăng, người khôn thấy cả tay và trăng, người chấp chỉ thấy được một bề của ngón tay.

Phần tiếp theo Đức Phật Thầy dạy phương pháp tu của chư Bồ Tát hay còn gọi là Bát Nhã. Trong phương pháp thiền của Bát Nhã người tu hành nhận lại Phật tánh chơn như của các pháp chứ không có đối đãi hai mặt của các pháp nên không có đối trị.

Theo phép quán của hàng Thanh Văn và Duyên Giác có pháp quán đối trị để đối trị với tham, sân, si; trong khi đó, Bồ tát nhìn thấy tham, sân, si vốn vắng lặng, thanh tịnh nên đồng với phật tánh. “Theo tự tánh tu thì xứng tánh” là câu cốt lõi, khi ta biết tham, sân, si từ bổn lai thanh tịnh của ta mà ra, thì khi khởi tham, sân, si ta đừng nhìn vào tướng mà ta nhận lại cái tánh của nó. Khi khởi niệm thiện, hoặc niệm phật từ đó mà ra, khởi niệm tà cũng chỗ đó mà ra.

Xem Thêm:   Oan gia trái chủ là gì? Vì sao chúng ta phải cầu siêu cho họ?

Vậy cách để tu theo tự tánh chính là nhận lấy cái gốc của các niệm không nhận cái tướng của vọng niệm. Khi nhận lấy các pháp đều thanh tịnh thì lục căn thanh tịnh, đầy đủ phạm hạnh và đồng thời đầy đủ lục độ Ba la mật. Tại sao nói vậy?

Vì các pháp Phật nói không nằm ngoài giữ tâm thanh tịnh và tạo công đức, khi chúng ta sống với tánh giác của mình thì mọi cử động của ta đều là công đức của chơn như. Rõ ràng như thế, nếu không có Phật tánh thì cái thân này của chúng ta như người gỗ mà thôi.

Song song với tự độ chính là độ tha, Đức Phật Thầy mới dạy “tâm từ quán chúng sanh như con đỏ”. Tuy tu nhưng chẳng thấy mình tu mới là thật tu vì thế không lấy đó làm kiêu mạn.

Phần cuối, Đức Phật Thầy dạy phần phước báo nhân thiên để phù hợp với từng loại căn cơ và thương xót cho chúng sanh mê lầm theo trần cảnh, muốn điều sung sướng giả tạo (hai hàm nhai) hết sạch phước báu, bỏ quên cái phật tánh chịu trầm luân khổ sở như “người cùng tử” (kinh Diệu Pháp Liên Hoa).

Huyền nghĩa Thầy dạy quá cao sâu
Nói gọn mong người thấy đạo mầu
Ngôn từ sao thuyết hết vô ngôn
Nguyện bá tánh vãng sanh Cực Lạc.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

7 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog