Pháp Giới 11 tháng trước

Tứ nhiếp pháp là gì? Ứng dụng Tứ nhiếp pháp trong đời sống

Tứ nhiếp pháp là gì? Đó là bốn phương pháp thu phục lòng người, dẫn dắt con người đến với Phật Pháp. Bốn pháp này bao gồm: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.

1. Tứ nhiếp pháp là gì?

Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp thu phục lòng người, dẫn dắt con người đến với Phật Pháp. Bốn pháp này bao gồm: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.

Bốn phương pháp này có trong kinh tạng và luận tạng của Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa, như: Trung A Hàm 33 Thiện Sinh kinh, Tạp A Hàm 26, Tăng Nhất A Hàm 22 và Thành thật luận … và kinh luận Đại thừa như Đại Tập kinh 29, Đại phẩm Bát Nhã kinh 24, Phạm Võng kinh, quyển thượng, A Tỳ Đạt Ma Tập dị môn túc luận 9, Đại Trí Độ luận 66, 88, Đại thừa nghĩa chương… Giữa các văn điển có sự khác nhau trong chi tiết, nhưng tổng thể ý nghĩa đều như nhau.

Trong giáo lý A La Hán của Phật giáo Nguyên thủy giới hạn trong quả phước để hoàn thiện hạnh lành cho bản thân và tha nhân, thì giáo lý Bồ-tát của Phật giáo Đại thừa thì hướng đến sự thành tựu các pháp Ba la mật (S. Pāramitā).

Bố thí nhiếp tức dùng bố thí, ban tặng, chia sẻ phước báu để thu phục, bao gồm cả tùy thuộc vào phương tiện bố thí và phương tiện tuệ thí để chia sẻ giáo pháp Phật đà (pháp thí), trao tặng tịnh tài, tịnh vật (tài thí) để nhiếp phục. Ngoài ra, bố thí nhiếp còn có một phương tiện khác, đó là vô úy thí, tức trao tặng cho con người và những loài hữu duyên sự không sợ hãi.

Ái ngữ nhiếp là dùng lời nói từ ái để thu phục. Ái ngữ, ái ngôn là phương tiện để nhiếp phục, dựa vào hoàn cảnh và tính cách của con người mà dùng lời nói từ ái để giúp cho họ phát tâm đến với đạo. Ngoài lời nói từ ái tốt đẹp để vừa lòng nhau, để thu phục người vào đạo, cần phải tránh xa những phương diện của giới vọng ngữ trong năm điều đạo đức căn bản của phật tử tại gia, bao gồm: nói lời hư vọng, nói lời thêu dệt, nói lời đâm chọc, nói lời ác độc. Sự ái ngữ nhiếp, vừa có cả bề ngoại dùng lời từ ái, vừa có cả bề trong phù hợp đạo đức sẽ cảm phục lòng người để đưa về Chính pháp hiệu quả.

Lợi hành nhiếp tức những việc làm lợi mình lợi người mà thu phục, tạo phương tiện khiến người hữu duyên đến với đạo Phật, tạo phương tiện chuyển hóa khổ đau, mang lại an vui, hạnh phúc. Những việc lợi cho mình và người bao gồm những phương diện khuyến tấn mọi người tu tập theo chính hạnh, hay bản thân mình hoàn thiện để làm gương sáng.

Xem Thêm:   Thất giác chi là gì? Thất giác chi gồm những gì?

Một cách hiểu đơn giản, đồng sự là sự đồng hành với người khác trong công việc, đồng hành trong các hoạt động, công tác xã hội, tôn giáo và văn hóa, để giúp đỡ họ và chính mình cũng có thân – khẩu – tâm thiện lành. Từ đó mà họ nể mình để đến với mình, tìm hiểu và biết đến Phật giáo.

Trong Tứ nhiếp pháp thì bố thí đứng đầu. Vì vậy Bồ Tát ở trong tất cả mọi lúc luôn luôn thực hành pháp thí. Nếu tự mình không có tiền của thì tùy hỷ hạnh thí của người khác. Nếu tự mình có tiền của thì cúng dường người trí, vẫn có được quả báo thông minh”.

2. Phước báu bố thí trong Tứ nhiếp pháp

Trong Kinh Hiền Ngu có viết:

Vào thời bấy giờ tôi là một người thông mình nhất, có trí nhớ nhất, nên các vị Tỷ Khưu sanh lòng nghĩ như vầy:

– Không rõ ông A Nan đời quá khứ làm công đức gì? Mà nay được Tổng trì? Nghe Phật nói đến đâu là nhớ đến đó, không quên một câu!

Các vị nghĩ thế rồi lên bạch Phật rằng:

– Kính đức Thế Tôn! Ông A Nan đời trước có công đức gì? Kiếp này được vô lượng Tổng Trì như vậy? Cúi xin Ngài dạy bảo cho chúng con được rõ?

Phật: – Hay lắm! Các ông muốn biết phúc đức Tổng trì của ông A Nan, hãy để ý nghe cho kỹ! Đây cũng là một đời thuộc kiếp quá khứ, có một vị Tỷ Khưu nuôi một bác Sa Di, ngày ngày bắt bác ấy, phải chăm tụng kinh và đúng thời khóa. Nếu bác tụng niệm thời khóa đầy đủ thì ông vui! Nếu trễ, hoặc tụng thiếu sót, không đủ thời khóa, thì ông buồn, và quở trách!

Như thế nên bác Sa Di, lúc nào cũng lo và buồn vì được ăn thì mất tụng; được tụng thì mất ăn. Hôm nào đi khất thực về sớm thì tụng niệm đủ khóa, hôm muộn thì mất khóa tụng kinh.

Không may ngày hôm đó người dân ít cúng dàng, nên phải đi mãi gần trưa mà chưa đủ hai thầy trò ăn, thành ra trễ khóa bị thầy mắng! Ngày hôm sau buồn quá, vừa đi vừa khóc!

Ông trưởng giả thấy thế hỏi rằng:

– Tại sao sư bác khóc thế?

– Thưa trưởng giả! Thầy tôi nghiêm khắc quá! Ngày ngày bắt tôi tụng kinh định hạn theo thời khóa; nếu hôm nào tụng đủ thời khóa thì Ngài hoan hỷ! Nếu thiếu trễ thì bẳn gắt. Vì đi khất thực không có nhất định, hôm nào người dân cúng dàng đông, thì về sớm, tụng niệm thời khóa đầy đủ; hôm nào người dân ít cúng dàng, phải đi mãi, về đến chùa bị trễ, thiếu khóa tụng kinh, vì thế nên tôi khóc?

Trưởng giả nói: Vậy từ ngày hôm nay trở đi, sư bác cứ đến nhà tôi, tôi xin cúng dàng đầy đủ để khỏi lo việc ăn uống, cứ việc chuyên tâm tụng kinh tu học!

Xem Thêm:   Thân trung ấm là gì? Ánh sáng màu sắc thấy ở giai đoạn trung ấm

Từ đó sư bác được cúng dàng đầy đủ của ông trưởng giả, hàng ngày chuyên tâm tụng kinh tu học, thời khóa lễ niệm hoàn toàn, cả hai thầy trò đều vui vẻ!

Phật nhắc lại rằng:

– Tỷ Khưu các ông nên biết! Ông thầy của bác Sa Di khi đó, là đức Phật Định Quang, còn bác Sa Di là tiền thân của ta, ông trưởng giả cúng dàng hằng ngày, nay là ông A Nan.

Do thời quá khứ ông làm hạnh tụng kinh, nên kiếp này được phúc báo Tổng trì không quên một câu kinh, hay một bài kệ, cho đến một chữ; do ta tuyên giảng chánh pháp. Bấy giờ các vị Tỷ Khưu nghe Phật nói xong, ai nấy đều vui vẻ! Khát ngưỡng công đức trì tụng, và cúng dàng cúi đầu tạ lễ mà lui.

3. Ứng dụng Tứ nhiếp pháp trong đời sống thường nhật

Bố thí: Bố thí không chỉ đơn giản là cho đi, mà với nghĩa cử san sẻ tình thương đó, mong đưa người về ánh sáng của đạo. Bố thí phải luôn luôn đi với bi tâm mới là sự bố thí của Bồ-tát. Bố thí thiếu vắng yếu tố bi tâm, thì sự lệch lạc có thể xảy ra, hậu quả bất thiện có thể phát khởi một cách khôn lường.

Khi bố thí, chúng ta quan sát muôn người và thế giới chung quanh, để hiểu những nỗi khổ của người khác nhiều hơn, thông cảm với người khác nhiều hơn, từ đó, lòng từ bi càng được trưởng dưỡng, lan tỏa đến tâm thức mọi người. Phương thức cho của chúng ta phải thắm đượm yêu thương, chân thành với người trong hoạn nạn, cơ nhỡ. Đã là thân phận một con người, một sinh linh, ai dám chắc bản thân sẽ vĩnh viễn sống mãi trong cảnh đầy đủ, dư thừa suốt cuộc đời giả tạm luôn thay đổi, biến chuyển này. Cho nên, chính trong bố thí, chúng ta chiêm nghiệm được cuộc đời, hiểu rõ hơn nữa thân phận mong manh, nhỏ bé biết bao của con người, cũng như muôn loài vạn hữu chung quanh. Sự mong manh, nhỏ bé ấy trước mọi bão tố, phong ba của thực tế cuộc sống phức tạp, muộn phiền, nhiễu nhương, vẫn luôn tồn tại, luôn hiện hữu đó đây, luôn biến chuyển như một dòng nước chảy không dừng.

Ái ngữ: Chúng ta đích thân đi bố thí với lời nói yêu thương, bằng những lời nói nhã nhặn, nhu hòa để người đối diện bình tâm, để người nhận xóa tan đi mặc cảm bần cùng vì phải nhận bố thí của người khác mà mưu sinh. Lời nói thân thương ấy, thoạt nghe tưởng chừng rất đơn giản, nhưng không dễ thực hiện chút nào. Đó là kinh nghiệm mà bất kỳ ai trong đời đều trải qua, một lần được thấy bản thân ứng xử đem lại đau thương cho người, chỉ vì một lời nói buông ra trong cơn nóng giận, không kiềm thúc được. Thậm chí không hẳn là trong phút nóng giận, mất tự chủ, mà điều đó vẫn dễ dàng xảy ra trong giây phút rất bình tĩnh, sáng suốt. Chỉ vì một lý do nào đó, muốn người đau khổ, ta lại thản nhiên làm đau người đối diện. Bản chất con người vốn thế, từ bao đời nay, muôn kiếp không đổi. Bản chất của tham lam, sân hận, ngu si ngự trị trong chúng sanh như một giấc ngủ triền miên, không bao giờ tỉnh thức, nên ta cứ thích làm khổ người, làm đau người không chút đắn đo, không một giây phản tỉnh. Cuộc sống thực tế cho thấy, phải đâu chỉ có những tác động bên ngoài hoặc vô tình đem đến đau khổ, mà có khi chỉ do một lời nói, ta đã gieo mầm đau thương đến cho người.

Xem Thêm:   Ma là gì, có thật không? Quan điểm về ma quỷ và địa ngục theo Phật giáo

Lợi hành: Với tất cả trải nghiệm ấy, chúng ta vào đời cẩn trọng trong từng lời nói, ý tứ trong từng tế hạnh nhỏ nhiệm nhất để đem yêu thương đến cho tha nhân, làm lợi ích cho người qua nghiệp thân, khẩu, ý. Chúng ta hiểu rằng: “Trên tất cả sự cứu giúp bằng lợi hành, là dẫn người ra khỏi đường ác, để không sa đọa vào cảnh khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nói cách khác, người ít tịnh tín, ta khuyến khích tăng trưởng tín. Người hay phá giới, ta tìm phương tiện ngăn chặn không để người sa ngã. Người xan tham keo kiệt ta khuyến khích cho thấy ích lợi của thí xả”.

Đồng sự: Chúng ta không dừng lại ở sự chia sẻ những gì mình có, mà luôn đặt mình vào hoàn cảnh người khác để cảm thông, thương yêu và trao tặng những gì có thể để cuộc sống tốt đẹp hơn. Muốn thế, chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh người khác để hiểu và chia sẻ nhiều hơn. Khi muốn cứu người, muốn cho người niềm vui, chúng ta luôn tự xem mình như người đối diện để biết những yêu cầu cấp thiết của người đối diện. Tâm chúng ta phải đủ độ lượng, đủ từ tâm để bao dung tất cả mức độ tâm thức từng người, trong muôn vàn tư tưởng và hành động thực tiễn của cuộc sống, đi vào đời với chí nguyện giúp đời, đem an lành đến cho mọi người trong sự bình đẳng, không phân chia, không tính toán, không so đo, với tinh thần đồng cảm, thâm nhập hài hòa trong thư thái nhẹ buông. Như lời Đức Phật dạy: “A-nan, ông xem Như Lai, khi xưa tu hạnh lành, bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự; dùng căn lành này thâu giữ chúng sinh chẳng có phân biệt, đây là cha ta, đây là mẹ ta, anh em ta, chị em ta, bạn bè thân thích của ta. A-nan, ta đối với chúng sinh chỉ có một vị bình đẳng, tâm không phân biệt sai khác”.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

102 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog