Niệm Phật tam muội là gì? Cảnh giới của niệm Phật tam muội
Pháp Giới 12 tháng trước

Niệm Phật tam muội là gì? Cảnh giới của niệm Phật tam muội

Niệm Phật tam muội là gì? Người niệm Phật khi đi đến chỗ tuyệt đỉnh tận cùng duy có một định thể gọi là Niệm Phật Tam Muội.

1. Niệm Phật tam muội là gì?

Niệm Phật tam muội là gì? Người niệm Phật khi đi đến chỗ tuyệt đỉnh tận cùng duy có một định thể gọi là Niệm Phật Tam Muội. Đây là cảnh hư linh sáng lặng, vọng giác tiêu tan, hành giả duy còn trụ tâm nơi tướng hảo hoặc hồng danh của Phật. Nhưng tuy nói trụ mà thật ra vô trụ. Vì âm thanh sắc tướng đương thể như huyễn, chính đó là không.

Tướng Tam Muội ấy như thế nào? Theo Liễu Dư đại sư thì khi hành giả chuyên nhất niệm Phật, quên hết thân tâm ngoại cảnh, tuyệt cả thời gian không gian. Đến lúc sức cực công thuần, ngay nơi đương niệm trần vọng bỗng thoạt tiêu tan, tâm thể bừng sáng. Chứng vào cảnh giới vô niệm vô bất niệm.

Cảnh ấy như hư không mây tan, trời xanh một vẻ, niệm mà không niệm, không niệm mà niệm. Không thấy biết mới là sự thấy biết chân thật, có thấy biết tức lạc theo trần. Đến đây thì nước bạc non xanh đều là chân đế, suối reo chim hót toàn diễn diệu thừa. Tâm quang bao hàm muôn tượng mà không trụ một pháp. Tịch mà chiếu, chiếu mà tịch, đều còn đều mất, tuyệt đãi viên dung… Cảnh giới Tam Muội đại để là như thế, khó tả nên lời, duy chứng mới thể nghiệm được.”

Kinh Đại Bửu Tích, chương 116 có dạy rằng: Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, tu như thế nào để mau chứng đắc quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác?

Xem Thêm:   Bát Phong là gì? Làm sao đạt được Bát Phong xuy bất động?

Đức Phật dạy: Nhất hạnh tam muội. Người nam, người nữ nào tu pháp Tam muội này thì mau chứng đắc quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Ngài Văn Thù sư lợi thưa hỏi tiếp rằng: Thế nào gọi là niệm Phật tam muội? Phật dạy: Pháp giới một tướng, thể nhập vào pháp giới, gọi là nhất hạnh tam muội.

Nếu có người nam, người nữ nào muốn nhập vào pháp nhất hạnh tam muội, nên khéo nghe pháp Bát nhã ba la mật, như pháp mà tu hành, sẽ nhập vào pháp nhất hạnh tam muội. Như tâm duyên quán pháp giới, bất thối, bất hoại, không nghĩ bàn, không chướng ngại, không tướng trạng.

Người nam, người nữ đó, muốn nhập vào Tam muội này, ở tại một nơi thanh nhàn, xả bỏ tâm ý ô nhiễm, không giữ tướng trạng trong tâm, chuyên tâm một vị Phật mà xưng danh hiệu. Tùy theo phương vị, ngồi ngay thẳng đoan nghiêm, nhất tâm xưng niệm tương tục danh hiệu Phật, tức là trong nhất tâm niệm có thể thấy ba đời tất cả chư Phật. Vì sao như vậy?

Niệm công đức vô lượng vô biên của một vị Phật cũng đồng với niệm công đức biện tài vô lượng của vô lượng chư Phật. Nhập nhất hạnh niệm Phật tam muội này thì thông suốt rõ ràng vô số các cõi nước chư Phật vốn không có tướng sai biệt. Văn này được xác chứng!

Niệm Phật tam muội là gì? Cảnh giới của niệm Phật tam muội

2. Cảnh giới của niệm Phật tam muội

Cảnh giới của niệm Phật tam muội được nói khá chi tiết trong Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Nhập Pháp giới. “Đức Vân Tỳ kheo nói với Thiện Tài Bồ tát rằng: “Ngài chứng được Niệm Phật tam muội, và đây là lời của ngài thuật lại công dụng của niệm Phật tam muội mà ngài đã được: Ta được môn “Ức niệm nhứt thiết chư Phật cảnh giới trí huệ quang minh phổ kiến”.

Xem Thêm:   Tu tập, hành trì theo hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng

Trong chánh định thường hiện cõi và cung điện trang nghiêm thanh tịnh của tất cả chư Phật. Có thể làm cho chúng sanh thấy Phật rồi được thanh tịnh. Làm cho chúng sanh chứng nhập trong mười trí lực của Như Lai. Thấy vô lượng đức Phật và được nghe pháp. Bình đẳng thấy tất cả thế giới. Thấy thần thông tự tại của chư Phật. Thấy công việc làm của chư Phật trong tất cả thời gian. Thấy mình luôn gần bên Phật không xa rời. Thấy Phật cao đẹp hơn tất cả. Muốn thấy đức Phật nào, thời liền được thấy. Khắp thấy chư Phật tuần tự hiện trong tất cả cảnh giới. Chư Phật nhập Niết bàn đều thấy cả.

Trong một niệm thấy rõ sự xuất hành của tất cả chư Phật. Trong mỗi thân Phật đều lớn đầy cả hư không pháp giới. Vô lượng chư Phật ra đời đều đến hầu hạ. Trong nhứt tâm, thấy rõ cả chư Phật thành chánh giác hiện ra đời thuyết pháp độ sanh. Hiện cảnh tượng nghiệp thiện ác của chúng sanh đã gây tạo cho chúng thấy để họ tự giác ngộ. Thấy Phật ngự trên tòa sen báu rộng lớn nở xòe trùm pháp giới. Thấy vô lượng thân của Như Lai trang nghiêm”.

3. Niệm Phật tam Muội là cứu cánh của Tịnh Độ

Hòa Thượng Thiền Tâm dạy: “Chỗ cứu cánh của Thiền là Chân Như Tam Muội. Điểm cứu cánh của Tịnh Độ là Niệm Phật Tam Muội. Chân Như Tam Muội như vàng khối, Niệm Phật Tam Muội như vòng, xuyến và các món trang điểm chạm trổ xinh đẹp, mà trong vòng xuyến nguyên đã có vàng. Cho nên khi chứng Niệm Phật Tam Muội, tức đã bao gồm cả Chân Như Tam Muội.

Xem Thêm:   Ý nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh mà không phải ai cũng hiểu

Chân Như Tam Muội chỉ thuần về mặt trí huệ. Niệm Phật Tam Muội đã có trí huệ còn gồm thêm phần phước đức. Bởi người tu Tịnh Độ cũng lấy nhứt tâm thanh tịnh làm căn bản: Trên chỗ nhứt tâm ấy lại có thêm công đức niệm Phật. Nhưng Chân Như Tam Muội với Niệm Phật Tam Muội không phải tu một đời mà chứng được, cần phải liên tục tu trong nhiều kiếp… Nhứt là chúng sanh thời mạt pháp này khó mà hy vọng!

Vì thế Niệm Phật Tam Muội tuy là chỗ cứu cánh của môn Niệm Phật, nhưng chỉ đứng về hàng thứ yếu. Sự cầu vãng sanh Tịnh Độ trong một đời để được bất thối chuyển, mới là tông chỉ chánh yếu cần thiết của tông này. Do đó pháp môn Niệm Phật mới có tên là tông Tịnh Độ.

Cho nên sở dĩ các bậc tu Thiền sau khi ngộ đạo, tự biết con đường chứng đạo còn xa. Lại sợ e kiếp người ngắn ngủi, khi luân hồi sang đời khác phải bị mê lạc, nên mới chuyển hướng Niệm Phật cầu vãng sanh là thế.

Niệm Phật, lễ Phật dù rằng nhọc, nhưng được thêm công đức phước báo. Đây là do công năng tu trì của hai nghiệp thân và khẩu. Như chiếc xe từ Đà Lạt về Sài Gòn: Chạy xe không tất nhiên nhẹ nhàng. Nhưng nếu chuyên chở thêm bông hoa rau cải, thì đã về đến Thủ Đô mà còn được có thêm phần hàng hóa. Đem công năng siêng nhọc niệm Phật để được thêm nhiều phước báo. Đó chính là phần công và thưởng đương nhiên theo luật nhân quả, đâu có chi phải thiệt thòi? Song mỏi nhọc nếu có, chỉ là lúc mới tu. Khi niệm Phật thuần thục đến chỗ vô tâm, nào có chi là mỏi nhọc!

Nguồn: Phatgiao.org.vn/Kinhnghiemhocphat.com!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

191 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog