Gậy Kim Cang Hét là quyển sách góp nhặt từ những buổi giảng thuyết trong các chuyến hoằng pháp của Hòa Thượng Tuyên Hóa.
Lời Tựa
Thông thường người ta vào học Phật ít nhiều cũng do có động lực gì thúc đẩy hoặc bởi thân quyến qua đời, hoặc làm ăn thất bại, hoặc hôn nhân dở dang v.v… nhưng cũng không ít người nhân nghe giảng pháp hay gặp một quyển sách khế hợp căn cơ liền phát tâm tu hành hay tìm hiểu học Phật pháp.
Phần lớn đệ tử xuất gia hoặc tại gia của Hòa Thượng cũng vì cảm mộ pháp giải của Ngài mà quy y Phật. Quyển vấn đáp này góp nhặt từ những buổi giảng thuyết trong các chuyến hoằng pháp của Hòa Thượng, hy vọng cũng không ngoài mục đích trên, là dẫn dắt người có duyên vào đạo hầu tự sửa đổi lỗi lầm mà giảm trừ tội nghiệp.
Chúng ta sẽ tìm thấy các câu trả lời tuy đơn giản thẳng thắn, không khách sáo nhưng rất vi diệu, và không vì thế mà thiếu sự vui nhộn pha chút khôi hài chứa đầy hương vị Phật pháp. Chúng ta cũng không khỏi cười thầm khi đọc các lời giải đáp có tính cách sáng tạo pha trò với vần điệu hẳn hoi, như: Kỳ tích của tôi thì nhiều lắm nhưng tôi cũng không biết, đó có phải là Thiên Long Bát Bộ, hay là Địa Long Cửu Bộ, hoặc là Nhân Long Thập Bộ gì không nữa!
Nhiều câu giải đáp cần phải có sự phản tỉnh suy ngẫm vì xúc tích ý đạo sâu xa. Như hỏi: Trong chú Lăng Nghiêm, câu chú nào là chú khai trí huệ? Ngài đáp: Tôi chỉ biết câu chú Ngu Si là: Lười biếng, lười biếng Ta Bà Ha!
Có lúc chúng ta cũng cảm thấy không khí nghiêm trang khi Hòa Thượng trịnh trọng tuyên bố những lời cứng rắn như gậy Kim Cang nhát bổ xuống khiến cho mọi người tỉnh thức.
Khi hỏi: Tứ đại giai không, chư pháp vô thường, vậy cái gì là bổn lai diện mục?
Ngài đáp: Quỷ!
Chúng ta thấy qua các câu giải đáp, có lúc cũng như giải nghi luôn cho những thắc mắc của chính mình, và làm sáng tỏ đường lối tu hành như xem bản đồ trước mắt. Hầu hết các lời dạy đều cũng không ngoài Lục Đại Tông Chỉ, và được coi như là thước đo trong việc tầm cầu thiện tri thức. Điều cần thiết là chúng ta phải tự mạnh dạn nhìn thấu vấn đề và dám buông xả, đồng thời cũng tự kiểm soát tâm tánh, dẹp bỏ lòng nóng giận như lửa vô minh mới được ích lợi.
Chỉ có vậy mới giúp thêm phần chánh khí trong trời đất khiến cho thế giới hòa bình. Đây cũng là điểm mà Hòa Thượng đã nhiều lần nhắc nhở “nên tụng ba bộ kinh: Kinh Không Nổi Nóng, Kinh Không Phát Cáu và Kinh Không La Mắng Người” khi giải đáp các câu hỏi hầu khuyến tấn mọi người cố gắng thực hành để tìm thấy có niềm an lạc chân thật.
Ban Việt Ngữ!
Sơ Lược về Hòa Thượng Tuyên Hóa
Hòa Thượng Tuyên Hóa họ Bạch, tên thật là An Từ, tự Độ Luân. Ngài quê ở huyện Song Thành, tỉnh Tùng Giang thuộc Đông Bắc, Trung Hoa, tức là Mãn Châu. Phụ thân Ngài tên Phú Hải, chuyên làm nghề nông. Mẹ họ Hồ, sinh được tất cả tám người con, năm trai ba gái và Ngài là út. Hồ thái phu nhân thọ chay trường, niệm Phật chẳng hề gián đoạn. Một đêm nọ phu nhân nằm mộng thấy Đức Phật A Di Đà hiện thân phóng đại quang minh chiếu triệt thế giới, chấn động thiên địa. Giật mình tỉnh giấc, phu nhân ngửi thấy mùi hương kỳ diệu khắp phòng, rồi sau đó hạ sanh ra Ngài. Vừa ra đời, Ngài liên thanh khóc suốt ba ngày đêm không dứt. Chính là vì đau xót cho nỗi khổ của thế giới Ta Bà nầy vậy.
Ngài cư ngụ tại một thôn quê nhỏ bé, thưa thớt nhà cửa. Thế nên, đến năm mười một tuổi Ngài chưa hề thấy qua người chết. Một hôm, Ngài thấy một em bé, miệng ngậm, mắt nhắm, nằm bó trong đám rơm bên lề. Ngài gọi mà đứa bé chẳng đáp, rờ thì chẳng có hơi thở. Ngài lấy làm khó hiểu vô cùng nên hỏi nhóm bạn. Có kẻ hiểu biết liền nói: “Đứa bé đã chết rồi!” Song Ngài vô cùng ngạc nhiên, không hiểu thế nào là chết. Về nhà, Ngài liền hỏi mẹ, bà dạy: “Phàm là người, ai cũng phải chết. Có kẻ chết già, có kẻ chết vì bệnh, cũng có kẻ chết vì tai nạn. Bất luận là giàu sang hay nghèo khó, bất luận là sĩ, nông, công, thương, hay quan lại, ai ai rốt cuộc rồi cũng phải chết.” Ngài lại hỏi: “Nếu thật như vậy, có cách gì thoát được chết không?” Bấy giờ trong nhà có vị khách là người tu hành.
Vị này đỡ lời đáp rằng: “Chỉ có cách tu Đạo, minh ngộ tự tâm, triệt kiến bổn tánh thì mới liễu đoạn sanh tử, siêu thoát luân hồi, thành Chánh Giác, chứng Vô Sanh.”
Tuy lúc đó Ngài còn nhỏ tuổi, song đối với lời vị khách nói, Ngài tỉnh ngộ sâu xa, do đó Ngài quyết chí xuất gia tu Đạo.
Khi Ngài bàn chuyện xuất gia với mẹ, bà dạy: “Xuất gia là chuyện rất tốt, nhưng cũng không phải là chuyện dễ làm. Cần có thiện căn, có đại nguyện lực, và cần phải phát đại Bồ Đề tâm thì mới có thể thành tựu Vô Thượng Đạo. Nay con đã phát tâm, ta hết sức đồng ý, cũng thật là phù hợp với giấc mộng xưa kia vậy. Nhưng nay ta đã già, ngày tháng chẳng còn bao lâu, các anh chị con đều đã tự lập. Con nên ở lại để phụng dưỡng cha mẹ; khi ta mất rồi, con xuất gia tu hành, lúc đó cũng chẳng muộn.” Ngài vâng lời cha mẹ, rồi sau đó hằng ngày thường theo mẹ lạy Phật. Lạy Phật xong, Ngài lạy cha mẹ. Ngày qua ngày, đông tàn xuân đến, Ngài cung kính phụng dưỡng song thân như đối với Phật vậy. Chẳng bao lâu tiếng đồn về sự hiếu thảo của Ngài vang khắp bốn phương. Khi đó mọi người đều gọi Ngài là Bạch Hiếu Tử (người con chí hiếu họ Bạch).
Năm Ngài 19 tuổi thì mẹ Ngài qua đời; bấy giờ Ngài từ giã họ hàng lên chùa bái Hòa Thượng Thường Trí làm Thầy và quy y, chính thức xuất gia, thọ giới. Sau đó, Ngài về lại nơi mộ phần thân mẫu để thủ hiếu trong ba năm. Suốt thời gian ấy, Ngài sống trong một túp lều tranh nhỏ, ngày ngày tọa Thiền, đọc tụng kinh điển Đại Thừa và niệm Phật A Di Đà. Rất nhiều lần Ngài ngồi Thiền rồi nhập Định, liên tiếp trong nhiều tuần lễ chẳng rời thiền sàng.
Một đêm nọ, dân trong thôn gần đó hốt hoảng thấy túp lều tranh của Ngài hừng hực lửa đỏ. Ánh lửa hồng phừng thẳng lên giữa không trung và túp lều tranh thì sáng rực như ban ngày. Nhiều người chạy đến mộ, hô hoán: “Nhà Hiếu Tử bị cháy rồi!” Cả trăm người trong làng hè nhau xách gáo, đem xô tới để chữa cháy. Song, khi tới nơi họ chỉ thấy túp lều tranh bình lặng, lửa chẳng cháy và Ngài thì vẫn an nhiên, tĩnh mặc trong Thiền Định!
Có lần Ngài đang tọa Thiền thì chợt có vị khách đến viếng. Vị khách ấy, ngạc nhiên thay, chính là Lục Tổ Huệ Năng! Đức Tổ Sư dạy Ngài rằng trong tương lai Ngài sẽ tới Mỹ quốc để độ sinh, rằng ở Tây phương Ngài sẽ gặp nhiều kẻ hữu duyên có thể hoằng dương Phật Pháp và Ngài sẽ độ vô lượng vô biên chúng sanh. Mãi đến lúc Đức Tổ Sư từ biệt quay đi rồi, Ngài mới choàng tỉnh, nhớ lại rằng Ngài Huệ Năng vốn là người đời Đường khoảng 1.200 năm về trước.
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Ngài vân du khắp nơi. Cuối cùng, trải qua hơn ba ngàn dặm, Ngài tới chùa Nam Hoa, bái kiến vị Đại Thiện Tri Thức của thời bấy giờ là Lão Hòa Thượng Hư Vân. Lão Hòa Thượng lúc ấy đã 109 tuổi. Vừa nhìn thấy Ngài, Lão Hòa Thượng liền nhận ra ngay sự chứng ngộ của Ngài. Khi đó, Lão Hòa Thượng nói: “Như thị, như thị!” và Ngài cũng đáp lại: “Như thị, như thị!” Bấy giờ, Lão Hòa Thượng Hư Vân ấn chứng sở đắc của Ngài và Ngài chính thức trở thành vị Tổ thứ chín của dòng pháp Quy Ngưỡng.
Sau đó, Lão Hòa Thượng dạy Ngài ở lại chùa đảm nhận chức Viện Trưởng Viện Giới Luật của Chùa Nam Hoa.
Năm 1950, Ngài từ giã chùa, lên đường sang Hương Cảng. Ở đây, Ngài sống tại một sơn động biệt lập, chẳng lai vãng gì đến bụi trần, tục lụy. Chẳng bao lâu, có vô số Tăng-lữ Sơ Lược về Hòa Thượng Tuyên Hóa từ Trung Hoa, Đại Lục qua Hương Cảng tỵ nạn và họ cần sự giúp đỡ của Ngài. Cuối cùng, ứng với nhân duyên, Ngài rời sơn động, lập ra giảng đường và hai ngôi chùa, cùng trợ giúp xây dựng nhiều đạo tràng khác.
Trong suốt mười hai năm ở Hương Cảng, Ngài là tấm gương sáng, tinh tấn tu hành khổ hạnh, quên mình vì Phật Pháp. Ngài đã ảnh hưởng vô số thiện nam tín nữ, khiến họ phát tâm Bồ Đề, quy y Tam Bảo, ủng hộ Phật Pháp.
Năm 1962, Ngài đến San Francisco, Mỹ Quốc. Tại đây, nơi một nhà kho nhỏ, Ngài kiên trì tu hành trong im lặng, chờ đợi cho cơ duyên hoằng dương Đạo Pháp chín muồi. Lúc ấy, Ngài tự gọi mình là “Mộ Trung Tăng” (nhà Sư trong phần mộ), hay là Hoạt Tử Nhân (người đã chết nhưng còn sống). Những Phật tử hiểu biết sự tu hành chân chính của Ngài đều rất cảm động và cung kính ủng hộ, cúng dường Ngài.
Năm 1968, Ngài biết cơ duyên đã đến, Ngài nói: “Một đóa hoa sẽ nở ra năm cánh.” Mùa hè năm đó, Ngài chủ trì Pháp Hội giảng Kinh Lăng Nghiêm trong 96 ngày. Khi Pháp Hội kết thúc, quả nhiên có năm người Mỹ đầu tiên xin xuất gia với Ngài.
Từ đó, Ngài tiếp tục chủ trì nhiều Pháp Hội cùng giảng giải các bộ kinh như: Tâm Kinh, Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Bảo Đàn v..v… Năm 1971, Ngài giảng bộ kinh tối cao của Đại Thừa, đó là Kinh Hoa Nghiêm.
Song song với việc giảng Kinh, thuyết Pháp, Ngài còn làm vô số công đức độ sinh khác. Năm 1976, Ngài thành lập Vạn Phật Thánh Thành là nền tảng căn cứ địa để hoằng dương Phật Pháp ở Mỹ Quốc. Tại Vạn Phật Thánh Thành, Ngài xây dựng chế độ Tùng-lâm, đào tạo Tăng, Ni, học chúng, tạo nhân duyên thù thắng cho sự chân chính tu hành.
Kệ Hồi Hướng
Nguyện đem công đức này,
Trang nghiêm cõi Tịnh Độ
Trên báo bốn trọng ân,
Dưới cứu ba đường khổ
Nếu có ai thấy nghe,
Đều phát Bồ Đề tâm
Đến khi mạng này hết,
Đồng sanh Cực Lạc quốc.
Mời quý bạn đọc Gậy Kim Cang Hét – Hòa Thượng Tuyên Hóa vấn đáp ký lục tại file PDF dưới đây.
Xem màn hình rộng