Giới Định Tuệ là con đường giải thoát của người xuất gia
Pháp Giới 12 tháng trước

Giới Định Tuệ là con đường giải thoát của người xuất gia

Con đường giải thoát duy nhất của người xuất gia không gì khác hơn là Giới Định Tuệ. Trong đó Giới luật là bước đi đầu tiên căn bản, là nơi nương tựa an ổn nhất cho người xuất gia.

1. Giới Định Tuệ là gì?

Giới, định, tuệ là pháp môn vi diệu bậc nhất trên lộ trình tu học của hành giả, là chỗ nương tựa vững chắc, nền tảng kiên cố cho tường thành công đức. Do vậy, hành giả tu Phật, ở bất kỳ tông phái nào, cũng luôn lấy giới, định, tuệ làm kim chỉ nam trong đời sống hằng ngày. Dùng giới, định, tuệ soi sáng cho thân, khẩu, ý, có được chánh niệm vững chãi, thảnh thơi và an lạc.

Trau dồi giới, định, tuệ để dứt trừ vô minh, cây Bồ-đề sẽ sớm nở hoa, kết quả. Vì có giới, định, tuệ sẽ có được giải thoát và Niết-bàn. Do vậy, kinh điển Thế Tôn để lại rất nhiều nhưng tựu trung lại vẫn không ra ngoài giới, định, tuệ, vì ba thứ này là nền móng cho tòa nhà giác ngộ.

Giới là gì?

Giới chính là “chỉ ác phòng phi” (ngưng dứt điều ác, phòng ngừa lỗi quấy), được dùng để đối trị tâm tham của quý vị. Tâm tham sẽ làm phát sanh ra niệm ác, đi tham đắm những tài vật không nên tham. Vì sao lại phát sanh loại tâm tham này? Vì không biết gì về giới. Giới chính là ngưng dứt điều ác, phòng ngừa lỗi quấy, Giới dạy cho quý vị biết đủ, biết dừng, không được tham vọng; nếu quý vị biết hành trì giới luật thì có thể đánh bại tâm tham, chiến thắng được tâm tham.

Định là gì?

Định chính là “định lực”. Nếu quý vị không có định lực sẽ dễ sinh tâm sân, nhìn ai cũng thấy sai, nhìn việc gì cũng thấy không đúng. Có xảy ra chuyện gì cũng cho là quấy; thấy tất cả mọi người đều sai; khi không có ai hoặc không có việc gì thì tự mình thấy chính mình cũng sai nốt, tự nổi nóng với bản thân. Thậm chí chỉ nổi nóng với mình thì không nói, đằng nầy còn tự mình đánh mình; tự mình vả bên miệng trái một cái, người đó nghĩ: “còn bên miệng phải cũng phải đánh, nếu không nó sẽ ghen tỵ”.

Tuệ là gì?

Khi có trí tuệ, con người có thể xóa bỏ những thói quen ích kỷ, những định kiến, những quan niệm sai lầm… Trí tuệ là người lãnh đạo tài ba giúp chúng ta nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực, từ đó mà tu tập để hướng đến một đời sống đức hạnh.

Trong kinh Ưu Bà Tắc, Đức Phật nói rằng: “Con người hơn mọi loài vật về trí tuệ.” Chính nhờ vào trí tuệ, con người mới có khả năng phán đoán, suy xét về những việc mình làm, chịu trách nhiệm hành vi của chính mình.

2. Giới Định Tuệ là con đường giải thoát của người xuất gia

Con đường giải thoát duy nhất của người xuất gia không gì khác hơn là Giới Định Tuệ. Trong đó Giới luật là bước đi đầu tiên căn bản, là thềm thang hướng đến Niết bàn an lạc, là kim chỉ nam trong đời sống của người xuất gia. Chính vì thế Giới luật được xem là nơi nương tựa an ổn nhất cho người xuất gia.

Đặc biệt, trong mùa an cư cuối cùng, theo kinh Du hành (Trường A Hàm), Phật đã dạy hai điều cốt lõi:

Thứ nhất là, Pháp và Luật đã được trao truyền trọn vẹn cho chúng tăng, sau khi Như Lai nhập diệt, Pháp và Luật sẽ là thầy dẫn đường tối thượng cho các hội chúng Tỳ kheo.

Xem Thêm:   Chúng sanh trong cõi Ta Bà: Sống, chết và tái sinh

Thứ hai là, các thầy Tỳ kheo hãy tự mình thắp sáng nơi Pháp, hãy tự mình nương tựa Pháp mà thực hành Tứ niệm xứ. Đây là lý do vì sao đạo Phật truyền vào quốc gia nào, pháp an cư cũng được lưu truyền và phát huy.

Vì thế, việc xuất gia của một người không chỉ là vấn đề cá nhân mà là vấn đề liên đới cần phải đặc biệt chú trọng, bởi sự tiến bộ hay sa đọa của họ đều ảnh hưởng đến sự thịnh suy của Phật giáo.

Người xuất gia phải là một người có tín tâm, xuất gia vì mục đích cao cả là hướng đến giác ngộ, giải thoát. Cho nên người xuất gia phải được đặt hoàn toàn trên nền tảng giới luật và mục đích chung của Phật giáo nhằm đảm bảo uy tín và sự thanh tịnh của Tăng đoàn.

Trong Sa Di Học Xứ có nói “Bởi vì một thân oai nghi tức là tướng trạng của người xuất gia, trong làm khuôn phép cho Tăng đồ, ngoài làm lợi ích cho đàn-na. Đây là phương pháp tu trước thì tiến, sau là làm mẫu mực, chẳng phải chỉ có thọ giới thời mới tập học, cần yếu trọn đời phải hành trì mới gọi là bậc thiện.” Vì vậy người giữ giới thanh tịnh là khuôn khổ làm cho thân-khẩu-ý được trong sạch, ngăn chặn mọi tội lỗi phát sinh. Diệt trừ những thói quen làm việc xấu ác, duy trì hết thảy mọi thiện pháp.

Cổ đức thường dạy: “Hổ ly sơn hổ bại, tăng ni ly chúng tăng, ni tàn”. Cho nên, tăng, ni lập hạnh quyết định nguyện trụ tòng lâm, tự viện vì là nơi trang nghiêm thanh tịnh, chỗ tu học của người xuất gia đệ tử Phật. Đây là chỗ an thân lập mạng của mỗi người tu, nên phải quyết định thề nguyện “dù tán thân mất mạng cũng không rời khỏi chốn này.” Nếu rời khỏi Tòng lâm, Tự, Viện thì cô phụ hạnh nguyện, lập chí, quyết định thuở ban đầu của chính mình, thì bị nghiệp lực lôi cuốn trong lục đạo luân hồi. Bởi nơi đây đều có các bậc thiện tri thức thấu rõ phương pháp tu hành hướng dẫn, truyền trao cho tăng ni chúng ta thành tựu giới thân huệ mạng là nơi đào tạo tăng, ni có đủ tài đức, đạo hạnh trang nghiêm để gánh vác phật sự, lợi ích chúng sinh.

HT. Thích Thiện Pháp Trưởng Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhấn mạnh: “Một khi thế hệ tăng, ni trẻ mới xuất gia học Phật được quản lý, giáo dục nghiêm khắc, đầy tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm của bậc trưởng thượng đi trước thì chắc chắn Giáo hội sẽ xương minh, đạo pháp sẽ trường tồn và tỏa sáng”.

Người tu học Phật không thể nào không am tường về giới luật được, vì giới luật là mạng mạch của tăng đoàn, là sự sống còn của Phật pháp. Vì tính chất thiết yếu đó cho nên đức Thế tôn đã dạy: “Tỳ ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ. Tỳ ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt”. Thật vậy, giới luật còn thì Phật pháp còn tồn tại. Một khi giới luật mất đi thì Phật Pháp cũng liền bị tiêu diệt mất. Vì vậy trong quá trình tu tập giải thoát, thì người xuất gia phải trải qua ba môn Vô lậu học ‘Giới-Định-Tuệ’, vì đây là con đường duy nhất đưa đến Niết bàn an lạc.

Trong Sa Di Học Xứ ghi: “Oai nghĩa là oai có thể sợ, nhiếp phục chúng sinh, đây là do nghiêm trì giới hạnh, các đức oai nghiêm nên khiến người có thể sợ”; “Nghi nghĩa là có nghi, có thể kính, nhiếp thọ chúng sinh. Đây là do động tịnh hợp nhất, tấn thoái an lành nên khiến người có thể kính. Nghĩa là thành tựu cái hạnh thanh tịnh là nhờ ở đạo nghi, thanh tịnh tròn đủ là nhờ ở giới phẩm.” Sở dĩ, người ta nhìn mình mà họ kính, sợ, nhiếp phục chúng sinh được là do nghiêm trì giới luật. Vì thế người nào sống đúng với chính pháp, sống đúng theo tinh thần của giới luật là những người luôn luôn đem lại lợi ích an sinh cho mình, cho người và cho tất cả chúng sinh. – Thượng tọa Thích Thiện Hạnh!

Xem Thêm:   Đệ Tử Quy – Phép tắc người con sách file PDF

Giới Định Tuệ là con đường giải thoát của người xuất gia

3. Giới luật là nền tảng của đạo Phật

Người đệ tử Phật xuất gia là người thấu rõ luật vô thường mà cắt ái, xả tục xuất gia tu hành “trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh” chính là những người tu sĩ “xả thân cầu Đạo, xả phú cầu bần”.

Trong quá trình tu tập, giữ gìn ba nghiệp và hộ trì sáu căn (mắt, tai, mũi, lươi, thân, ý) là việc làm rất quan trọng, để giữ gìn giới thân huệ mạng, tăng trưởng trí tuệ. Nếu không có sự tỉnh thức thì làm sao đạt đến con đường của Giới- Định-Tuệ. Nếu không nhờ oai nghi phép tắc trợ duyên thì làm sao bước vào con đường vô lậu được?

Cổ đức có dạy: “Nước không luật nước loạn, nhà không luật nhà vong”. Thật vậy, trong đạo Phật cũng nhờ có giới luật mới thống nhiếp được tăng đoàn, nhờ vậy mà Phật giáo tồn tại ngày càng hưng thịnh cho đến ngày nay.

Trong Luật Tỳ kheo và Bồ Tát giới mở đầu có viết:

“Giới như đại minh đăng
Năng tiên trường dạ ám
Giới như châu bảo kính
Chiếu pháp tận vô vi
Giới như ma – ni châu
Vũ vật tế bần cùng
Ly thế tốc thành Phật
Duy thử pháp vi tối”.

Nghĩa là: “Giới như ngọn đèn sáng lớn, có khả năng tiêu trừ đêm dài tăm tối. Giới như tấm gương quý báu, soi thấu hết thảy các pháp. Giới như viên ngọc như ý, hóa vật để giúp kẻ nghèo. Muốn mau giải thoát thành Phật, thì chỉ có giới luật là hơn hết”.

Vậy, “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, Giới luật còn thì Phật pháp còn”. Cho nên, Giới luật là những điều từ kim khẩu của đức Phật nói ra thành giới pháp, giới tướng để các chúng đệ tử Phật thực hành giới hạnh, nghiêm trì giới đức nhằm ngăn ngừa tất cả tội lỗi và giữ gìn nhân phẩm của thân, khẩu, ý được thanh tịnh.

Thế Tôn trước khi nhập Niết Bàn, đã để lại lời di huấn tối hậu trong Kinh Di Giáo rằng: “Sau khi Như Lai diệt độ, các ngươi phải trân trọng, tôn kính Ba La Đề Mộc Xoa như người đi trong đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo được của báu, phải biết pháp này là Thầy của các ngươi, dù ta có trụ ở đời cũng không khác gì”.

Một thầy Tỳ kheo giới hạnh thanh tịnh, tức là đã làm một nơi an ổn cho thế gian nương nhờ, và cũng là một thành viên tích cực khiến cho Phật pháp hưng thịnh. Tuy nhiên, nếu giới luật không được nghiêm trì thì chúng đệ tử của Phật sẽ là một cộng đồng ô hợp, có khi còn tai hại cho xã hội.

Chúng ta thấy có một sự tương đồng và thống nhất giữa kinh và luật. Theo lý thuyết thì kinh và luật có sự riêng biệt rõ ràng, nhưng ở người thực hành thì chúng tạo nên sự hợp nhất, trong vấn đề nuôi dưỡng phát triển và đào luyện tâm trí, tính cách như nhau. Điều này được thấy rõ qua đoạn kinh: “Giáo pháp và giới luật của đức Phật Gotami có những phẩm chất mà chúng ta có thể biết. Những phẩm chất này dẫn đến sự an tịnh, không có niềm đam mê, tham đắm; để được giải thoát và không bị trói buộc; để buông bỏ, xả ly mà không chấp thủ; để khiêm tốn và không tự cao, tự đại; để thỏa mãn và không để bất mãn; đưa đến sự ẩn dật và không vướng víu; để kích thích năng lượng tinh tấn và không lười biếng; để được trút bỏ gánh nặng và không nặng nề chất chứa, chắc chắn chúng ta có thể thực hành”. – Thượng tọa Thích Thiện Hạnh!

Xem Thêm:   Lý giải về hiện tượng đồng bóng, Đồng cô bóng cậu

4. Lợi ích cho những ai giữ giới, sống theo giới luật

Một thời Thế Tôn trú ở Pàtaligàma, dạy các cư sĩ:

Này các gia chủ có năm sự lợi ích cho những ai giữ giới, sống theo giới luật. Thế nào là năm?

Ở đây, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ có tiền của dồi dào vì sống không phóng dật. Ðó là sự lợi ích thứ nhất cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.

Lại nữa, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật được tiếng tốt đồn xa. Ðó là sự lợi ích thứ hai cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.

Lại nữa, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật khi đi vào hội chúng nào, hoặc Sát đế lỵ, hoặc Bà la môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa môn, người ấy đi vào với tâm thần không sợ hãi, không bối rối. Ðó là sự lợi ích thứ ba cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.

Lại nữa, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ chết với tâm hồn không rối loạn. Ðó là sự lợi ích thứ tư cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.

Lại nữa, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới. Ðó là sự lợi ích thứ năm cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.

(ĐTKVN, Trường Bộ I, kinh Đại Bát Niết Bàn, VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.562)

Lời bàn:

Năm giới mà hàng Phật tử tại gia phát nguyện vâng giữ, thọ trì là nền tảng đạo đức căn bản để kiện toàn nhân cách của người con Phật. Sau khi quy y Tam bảo, người Phật tử được khuyến tấn thọ trì năm giới: Không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu nhằm trau dồi đạo đức, trưởng dưỡng đạo tâm, xây dựng cuộc sống bình an và hạnh phúc.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, người nào tuân thủ trọn vẹn năm nguyên tắc đạo đức này thì luôn gặt hái nhiều lợi ích và thành công trong cuộc sống. Trước hết là giữ gìn được tiền bạc, tài sản do công khó làm ra. Tiền bạc tuy không phải là yếu tố chính quyết định hạnh phúc nhưng thiếu hụt cũng gây ra khốn đốn nhiều bề. Thế nhưng, do tập khí phóng dật, người ta thường để hao tán của cải vì đam mê rượu chè, cờ bạc và chi tiêu vô bổ.

Người có đạo đức, sống giữ giới thì mọi người đều yêu thương, tôn trọng và kính nể. Không chỉ có uy tín trong cộng đồng, tiếng tốt đồn xa, người sống có giới đức luôn thanh thản, tự tin với chính mình và mọi người. Họ không hề phân vân, hỗ thẹn hay sợ hãi khi gặp gỡ bà con, bè bạn hay đi vào những chốn đông người. Quan trọng hơn, người một đời sống đạo đức khi lâm chung sẽ ra đi trong tỉnh giác, không mê loạn, không hối hận ăn năn về những việc ác đã gây tạo trong đời. Nhờ tâm thanh thản và thanh tịnh nên họ sẽ tái sanh vào cõi lành.

Vì vậy, sống đạo đức, có giới hạnh để mang lại lợi ích cho tự thân và xã hội trong hiện tại và cả tương lai, luôn là nếp sống của những người con Phật. – Quảng Tánh!

Theo Tamhuongphat.com/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

20 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog