Ngày Thập Trai là những ngày nào? Ý nghĩa 10 ngày Trai
Pháp Giới 12 tháng trước

Ngày Thập Trai là những ngày nào? Ý nghĩa 10 ngày Trai

Ngày Thập Trai là những ngày nào? Mười ngày trai giới là quy định của Phật giáo vào các ngày mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 âm lịch.

1. Ngày Thập Trai là những ngày nào?

Ngày Thập Trai, theo Kinh Địa Tạng, là ngày mà các nghiệp tội của chúng sanh được kết nhóm lại để định là nặng hay nhẹ. Thập là mười, chữ Trai dịch từ Phạm âm có nghĩa là “Thanh tịnh”. Như thế, ngày Thập Trai là mười ngày con người nên giữ thân tâm thanh tịnh, theo lịch âm đó là các ngày mùng: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30. Nếu tháng thiếu không có ngày 30 âm thì Thập Trai là các ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 27, 28 và 29.

Chữ “Trai” còn có nghĩa là Trung hoặc Thời-thực, nghĩa là dùng bữa giữa ngày vào giờ Ngọ. Cho nên người trì Trai thì trong 10 ngày trai ấy, ngoài làm lành, ăn chay, giữ giới ra, thì ngày chỉ nên ăn một bữa không quá Ngọ là đúng ý của đức Phật.

Những ngày này thì chỉ ăn những thứ thanh tịnh, sạch sẽ; tuyệt đối không ăn những thức ăn có mùi tanh như thịt, cá … và kiêng cử Ngũ vị tân. Bởi theo sự vận hành của tự nhiên, trong mười ngày thập trai này: Tứ Thiên Vương xem xét việc lành dữ của nhơn gian, và các ác quỷ cũng rình rập chờ người làm ác để gia hại. Nên trong mấy ngày ấy, mọi người cần phải giữ gìn ba nghiệp không nên làm ác. Thêm vào đấy, nếu người nào biết trì trai, giữ giới, tụng kinh, tu phước, sẽ được tránh khỏi nạn tai, tăng phần phước huệ.

Luận Trí Ðộ nói: “Tại sao trong sáu ngày trai, cần phải thọ tám giới và tu phước? Bởi vào các ngày ấy ác quỷ rình theo người muốn gia hại, gây những việc tật bịnh hung suy.”

2. Tại sao nên ăn chay trong các ngày trai giới?

Theo kinh Thế Ký trong Trường A Hàm và Luận Đại Trí Độ nói, thì những ngày trai là ngày tuần thú của sứ giả các cõi trời Tứ Thiên Vương và trời Ma Hê Thủ La. Những vị này lãnh sứ mạng thị sát nhân gian xem sự hành thiện tu tập của nhân gian như thế nào rồi về tâu lại với Thiên Vương. Nếu như mọi người biết lo làm lành tạo phước như bố thí và hiếu thảo với ông bà cha mẹ thì số lượng sinh thiên sẽ được gia tăng.

Bằng ngược lại, thì sự sinh thiên sẽ bị giảm thiểu. Do đó, mà ở nhân gian người ta cố gắng tu tạo phước lành trai giới, chay tịnh trong những ngày trai để được sinh về các cõi trời. Đồng thời, vào những ngày trai các vị quỷ thần cũng thường du hành trong nhân gian và thường quở phạt gây ra tai họa cho những người không tu tập, kém phước đức. Chính vì thế, mà Phật dạy các hàng phật tử tại gia nên cố gắng tu tạo phước đức vào những ngày trai giới. Nhờ tăng trưởng phước đức tu trì mà có thể vượt qua mọi tai nạn khổ ách.

Trong một tháng có nhiều ngày trai, tùy theo sự phát nguyện thọ trì trai giới của phật tử mà có ra nhiều ngày trai khác nhau. Nhưng chủ yếu là các ngày mùng tám, mười bốn, rằm và ba mươi. Vì những ngày này, các vị Thiên sứ vâng mệnh của Thiên vương tuần hành thường xuyên để khuyến khích nhân gian tu phước sinh thiên. Bởi thế, nên trời Đế Thích có bài kệ tán thán:

Người nào lấy ngày Tám
Mười bốn, Rằm mỗi tháng
Để tu hành trai giới
Người ấy đồng với ta.

Nếu người nào ăn chay mười ngày, thì ăn vào các ngày 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30. Đây gọi là thập trai. Còn nếu ăn sáu ngày (lục trai) thì: 8, 14, 15, 23, 29, 30. Nếu ăn bốn ngày (tứ trai) thì: 1, 14, 15, 30. Nếu ăn hai ngày (nhị trai) thì: mùng Một và Rằm.

Xem Thêm:   Cúng dường hai xu muối hơn vàng bạc châu báu

Ngoài ra, còn có tam nguyệt trai, tức thọ trì trai giới vào những tháng: tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười. Có người ăn luôn ba tháng, thì bắt đầu ăn từ rằm tháng tư cho đến rằm tháng bảy.

Việc thọ trì trai giới để tu tập tạo thêm phước đức là tùy thuộc vào sự phát nguyện của người phật tử. Thông thường, người phật tử sau khi Quy y, tối thiểu phải thọ trì 2 ngày chay: mùng Một và Rằm. Vào những ngày trai giới, người phật tử nên cố gắng gìn giữ tâm ý mình cho được thanh tịnh bằng cách tụng kinh, niệm Phật và tu tạo nhiều phước thiện v.v… Đó là điều rất tốt cho người phật tử bền chí tu tập vậy.

Ngày Thập Trai là những ngày nào? Ý nghĩa 10 ngày Trai

3. Ý nghĩa 10 ngày trai

Mười ngày trai giới là quy định của Phật giáo vào các ngày mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30. Trong mười ngày này các hàng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Cận sự nam, cận sự nữ cử hành trai giới, trang nghiêm thanh tịnh.

Ngày mùng 1: Ngày của Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương ở cõi Trời Tứ Thiên Vương xuống trần đi tuần khắp cõi nhân gian, dò xét việc thiện ác của chúng sanh. Ngày này niệm danh hiệu Phật Định Quang liền tiêu trừ các tội nghiệp chướng

Ngày mùng 8: Ngày của Vua Trời Đại Tự Tại xuống trần để tra xét những việc thiện ác. Ngày này niệm danh hiệu Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương tiêu trừ tội nghiệp chướng, tăng trưởng phước báu.

Ngày 14: Ngày của Vua Trời Đại Tự Tại xuống trần tra xét những việc thiện ác. Ngày này trì tụng danh hiệu 1000 vị Phật thì tiêu trừ các điều ác, phát sanh các điều thiện.

Ngày 15: Ngày của Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương ở cõi Trời Tứ Thiên Vương xuống trần đi tuần khắp cõi nhân gian, dò xét việc thiện ác của chúng sanh. Ngày này niệm danh hiệu Phật A Di Đà sẽ được tiêu trừ các nạn tai, sanh trưởng trí tuệ, an vui tịch diệt.

Xem Thêm:   Mối thù con nhà bá hộ, báo thù tận đến kiếp sau

Ngày 18: Ngày của Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương ở cõi Trời Tứ Thiên Vương xuống trần đi tuần khắp cõi nhân gian, dò xét việc thiện ác của chúng sanh. Ngày này niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát được tiêu trừ tội nghiệp chướng, tăng trưởng thọ mạng.

Ngày 23: Ngày của Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương ở cõi Trời Tứ Thiên Vương xuống trần đi tuần khắp cõi nhân gian, dò xét việc thiện ác của chúng sanh. Ngày này niệm danh hiệu Đại Thế Chí Bồ Tát thì được tiêu trừ tội nghiệp chướng.

Ngày 24: Ngày của Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương ở cõi Trời Tứ Thiên Vương xuống trần đi tuần khắp cõi nhân gian, dò xét việc thiện ác của chúng sanh. Ngày này niệm danh hiệu Phật Tỳ Lô Gía Na thì được tiêu trừ tội nghiệp chướng, diệt trừ phiền não, tăng trưởng trí tuệ.

Ngày 28: Ngày đi tuần của tứ đại thiên vương . Ngày niệm danh hiệu Phật a di đà thì được tiêu trừ nghiệp chướng. Ngày này làm việc thiện hay ác đều nhân lên 1000 lần…Nên ăn chay và làm việc thiện tránh việc ác…

Ngày 29: Ngày của Vua Trời Đại Tự Tại xuống trần tra xét những việc thiện ác. Ngày này niệm danh hiệu Dược Vương Bồ Tát thì được diệt trừ các tật bệnh, ác nghiệp, tăng trưởng thiện nghiệp.

Ngày 30: Ngày của Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương sai xứ giả ở cõi Trời Tứ Thiên Vương xuống trần đi tuần khắp cõi nhân gian, dò xét việc thiện ác của chúng sanh. Ngày này niệm danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni thì được tăng trưởng phức đức, thành tựu Bồ Đề.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

342 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog