Hồi hướng Công đức là điều căn bản nhưng mang tính nền tảng trong việc phát triển tâm Bồ Đề của người học Phật. Bởi vậy nên phàm ta đọc bất kỳ cuốn Kinh, bài chú hay sám pháp nào cũng đều có câu: “Nguyện đem công đức này, hồi hướng về tất cả…” Thế thì biết: Hồi hướng công đức là vô cùng quan trọng trong hành trình tu Phật của mỗi người.
Tuy rất phổ biến là vậy nhưng lại rất ít người biết ý nghĩa và cách thức hồi hướng công đức. Nhiều người chẳng hiểu Pháp lại giải thích lầm lạc ý nghĩa của “Hồi hướng” khiến người sơ cơ chẳng biết phải làm sao, rốt cuộc cứ quẩn quẩn quanh quanh, chẳng biết phải làm thế nào cho phải!
*
Một bạn đọc hỏi: “Mới đầu con tâm niệm tụng 21 biến hồi hướng cho Dì. Khi tụng kinh Địa Tạng đến phẩm 6 về hồi hướng công đức của kinh Địa Tạng rồi thì về sau con hồi hướng cho cả oan gia trái chủ của mình, của cha mẹ; Hồi hướng công đức cho cả gia tiên 3 dòng họ bên bố mẹ đẻ và nhà chồng con. Con xin hỏi là vậy công đức hồi hướng tụng kinh đến Dì có bị giảm bớt không, hay con chỉ nên tụng kinh và chuyên hồi hướng cho Dì thôi?”
Tuệ Tâm trả lời: “Bạn hỏi điều này có nghĩa là nhờ tụng đọc mà bắt đầu thâm nhập được ý kinh! Hồi hướng công đức trong Phật pháp khác với thế gian ở chỗ: Tâm hồi hướng càng rộng lớn bao nhiêu, công đức càng lớn bấy nhiêu! Nhiều người không hiểu lý này nên khi hồi hướng, thay vì phát tâm rộng lớn đến pháp giới, lại chỉ hồi hướng cho một số ít đối tượng. Do đó mà công đức có được cũng chỉ là hữu hạn.
*
Trong kinh Địa Tạng, đức Phật cũng đã dạy rồi, tiếc thay ít người để ý. Như thế, cách bạn hồi hướng là đúng pháp. Nếu có thể hồi hướng thêm cho cả Pháp giới chúng sanh, thì công đức ấy còn to lớn hơn nhiều lần nữa! Ví dụ thế này cho bạn dễ hiểu: Cũng một công đức vô lậu tạo ra khi bạn tụng 1 biến kinh, nếu:
- Phát tâm hồi hướng cho mình Dì thì giả như công đức được 1 vạn.
- Phát tâm hồi hướng thêm cho cả oan gia trái chủ và thân gia quyến thuộc thì công đức ấy mỗi người được 10 vạn.
- Phát tâm hồi hướng thêm cho cả pháp giới chúng sanh thì công đức ấy mỗi người nhận được là không thể tính đếm!
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng Kinh dạy: “Như có người nam cùng người nữ nào lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác; sau khi người mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết mà tu tạo phước lợi làm tất cả việc về Thánh đạo; thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó. Bởi vì cớ trên đây, nên những người thiện nam cùng thiện nữ ở hiện tại và vị lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng mà tu hành thời đặng hưởng trọn phần công đức.”
Bởi trong 7 phần của công đức tạo ra, đối tượng nhận hồi hướng công đức chỉ nhận có 1 phần. Do đó mà tâm hồi hướng lại càng phải nên rộng lớn!
- Định lực là gì.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Cách thay đổi vận mệnh
- Âm đức là gì.
- 10 chuyện Tâm linh có thật.
- 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
Hồi Hướng Công Đức là gì
Trước tiên, bạn cần biết Hồi hướng công đức là gì? Hồi là chuyển, ý nghĩa là hồi chuyển. Hướng là hướng về. Hồi hướng công đức nghĩa là hồi chuyển công đức của mình hướng về nơi kẻ khác. Theo Kinh Địa Tạng thì Một công đức được chia làm 7 phần, nếu đem hồi hướng thì người nhận chỉ được 1, sáu phần còn lại thuộc về người tạo ra công đức ấy. Kẻ khác ở đây nghĩa rất rộng: Có thể là Tổ tiên, thân gia quyến thuộc; có thể là oan gia trái chủ; có thể là thai nhi; có thể là Pháp giới chúng sanh; có thể là quả vị Bồ Đề…
Ngài Tuyên Hóa dạy: “Thế nào gọi là hồi hướng? Hồi là chuyển, ý nghĩa là hồi chuyển. Hướng là hướng về. Hồi hướng, nghĩa là nói hồi chuyển có hình, hướng về nơi vô hình. Hướng chuyển có tướng, hướng về nơi không có tướng (vô tướng). Hướng chuyển hư vọng, hướng về nơi chân thật. Hồi chuyển công đức của mình, hướng về nơi kẻ khác. Hồi hướng có nhiều lối giải thích, hiện tại hợp lại mà nói, có thể phân ra làm ba phương diện:
*
1. Hồi hướng công đức của mình, hướng về kẻ khác.
2. Hồi hướng căn lành của mình, hướng về bồ đề.
Hai loại nầy là tuỳ tướng.
3. Hồi hướng căn lành tích tập của mình, hướng về thật tế.
Thật tế tức là không có tướng, tức cũng là lìa tướng. Ba phương diện đã nói ở trên, thứ nhất là chúng sinh, thứ hai là bồ đề, thứ ba là thật tế. Ðây là nói tổng hợp, nếu phân biệt ra để giải thích nói, thì lại có thể phân ra làm mười loại hồi hướng:
Mười loại Hồi Hướng
1. Hồi tự hướng tha
Ðem những gì mình làm hồi hướng cho kẻ khác, tức là hồi hướng cho chúng sinh. Trong Kinh văn có nói: “Nếu có căn lành, chẳng muốn lợi ích tất cả chúng sinh, thì chẳng gọi là hồi hướng”. Nếu tất cả căn lành của bạn làm được, chỉ biết lợi mình, nhận rằng tất cả việc lành công đức, là phước báo tư lương của mình, chẳng chịu phân chia cho kẻ khác, đây tức là “Chẳng lợi ích tất cả chúng sinh”, không thể gọi là “hồi hướng”.
Nếu như bạn có chút việc thiện nghiệp thiện, lập tức hồi hướng cho pháp giới tất cả chúng sinh, nguyện cùng với pháp giới chúng sinh, nhất thời đều chứng được A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề, đây mới là “Lợi ích tất cả chúng sinh, mới là chân chánh “Hồi hướng”.
2. Hồi ít hướng nhiều
Chính mình một người là ít, hết thảy chúng sinh là nhiều. Bồ Tát tu các căn lành, dù là ít, nhưng dùng chút ít căn lành nầy, nhiếp trì khắp tất cả chúng sinh, dùng tâm đại hoan hỉ, phát hồi hướng rộng lớn. Bất cứ căn lành gì, đều bố thí khắp cho pháp giới chúng sinh. Ðây cũng là “Nguyện cùng với pháp giới chúng sinh, nhất thời đều chứng được A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề”.
3. Hồi nhân hạnh của mình, hướng về nhân hạnh của kẻ khác
Bồ Tát tu hạnh Bồ Tát, đem tất cả căn lành của mình tu hồi hướng về Phật, sau đó lại đem căn lành đó, hồi hướng cho tất cả Bồ Tát. Mình đang tu nhân hạnh, Bồ Tát khác cũng đang tu nhân hạnh, đem căn lành của mình đang tu nhân hạnh, hồi hướng cho tất cả Bồ Tát quả địa chưa viên mãn, khiến cho họ được mãn nguyện. Làm cho tâm chưa được thanh tịnh, được thanh tịnh, sớm sẽ thành tựu Chánh Ðẳng Chánh Giác.
4. Hồi nhân hướng quả
Hồi nhân hoa của của mình, hướng về quả đức vô thượng. Khiến cho Vô Thượng Chánh Giác bồ đề, mau chóng đắc được viên mãn.
5. Hồi liệt hướng thắng
Liệt, tức là hạ liệt. Thắng, là thù thắng. Hạ liệt là phàm phu, ngoại đạo, tất cả nhị thừa đều là hạ liệt. Thù thắng, đại thừa, Bồ Tát, Chánh Giác Phật quả, bồ đề, đều là thù thắng. Hồi những liệt hạnh mà phàm phu làm được, hướng về đại thừa Bồ Tát, thắng hạnh bồ đề quả giác của Chánh Giác Thế Tôn tu.
6. Hồi tỉ hướng chứng
Tỉ là so sánh. Tôi so sánh với Phật, thì tôi chưa chứng được quả Phật, Phật đã chứng được quả vị Phật. Tôi so sánh với tất cả Bồ Tát, thì tôi chưa đắc được thanh tịnh, Bồ Tát đã chứng được thanh tịnh, chứng được sơ địa, còn tôi vẫn là phàm phu. So sánh như thế, lập tức sẽ phát tâm dũng mãnh tinh tấn, sớm chứng được quả vị Vô Thượng Bồ Ðề.
7. Hồi sự hướng lý
Chúng ta bình thường làm tất cả sự tướng, tất cả pháp hữu vi, đều hồi hướng về lý thể chân thật, khiến sẽ chứng được Vô Dư Niết Bàn.
8. Hồi hạnh môn sai biệt, hướng về hạnh môn viên dung
Hồi hướng đủ thứ hạnh môn khác biệt tu hành của chúng ta, hướng về hạnh môn viên dung vô ngại.
9. Hồi pháp thế gian, hướng về pháp xuất thế gian
Hồi hết thảy tất cả pháp hữu vi thế gian, đem nó hướng về pháp vô vi xuất thế, tuỳ thuận pháp xuất thế giáo hoá chúng sinh, khiến cho chúng sinh biết pháp xuất thế mới là chân thật. Thành thục tất cả chúng sinh, được vô thượng bồ đề.
10. Hồi thuận lý sự hạnh, hướng lý sở thành sự
Hồi thuận lý tất cả sự hạnh của sự tu hành, đem nó hướng về chân lý của sự thạnh tựu. Trong mười thứ hồi hướng đã giải thích sơ lược ở trên thì:
- Hồi hướng thứ nhất đến thứ ba, là hồi hướng chúng sinh.
- Thứ tư đến thứ sáu, là hồi hướng bồ đề.
- Thứ bảy và thứ tám, là hồi hướng thật tế.
- Thứ chín và thứ mười, là thông nơi quả và thật tế. Thật tế tức là thật tướng, thật tướng cũng là vô tướng. Là người tu hành, nên minh bạch pháp truy cầu chân thật, tiến mà phải quét sạch tất cả pháp, lìa tất cả tướng. Viên mãn bồ đề, quy vô sở đắc.
Cách hồi hướng Công đức
Thực ra khi ta làm việc thiện của thế gian hay việc thánh đạo, dù là vì bất kỳ lý do gì, một niệm chân thực khởi lên chư Phật, Bồ Tát và chúng Quỷ thần đều đã biết. Chỉ cần khi việc thành tựu rồi, bạn đọc thầm hoặc ra tiếng như thế này là việc hồi hướng công đức đã thành tựu:
“Nam mô A Di Đà Phật! Con nguyện hồi hướng công đức này cho khắp pháp giới chúng sanh; Cho linh hồn ông bà tổ tiên, thân gia quyến thuộc của con trong từ vô thỉ kiếp đến nay; Cho hết thảy các chúng sanh hữu hình hoặc vô hình có nhân duyên với con trong từ vô thỉ kiếp đến nay. Con cầu nguyện đức Từ phụ phóng quang gia hộ cho tất cả cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Nam mô A Di Đà Phật“
*
Bạn thân mến, trang web này dành cho người sơ cơ học Phật, do đó Phần này Tuệ Tâm sẽ viết chi tiết. Bởi càng chi tiết bao nhiêu thì người đọc càng nắm rõ bấy nhiêu. Người tụng kinh, trì chú hay niệm Phật, mỗi người đều vì một lý do riêng mà tụng đọc để hồi hướng công đức, như: Hồi hướng công đức cho Cha mẹ; Hồi hướng công đức cho vong linh; Hồi hướng công đức cho Thai nhi; Hồi hướng công đức cho oan gia trái chủ; Hồi hướng công đức cho người đã mất…
Chỉ có điều viết chi tiết thì nhiều chỗ sẽ bị trùng lặp, mà không chi tiết thì lại khiến người đọc mất công phản hồi, chờ đáp. Do đó, nếu phần này trùng lặp quá nhiều, hết sức mong bạn đọc tùy hỉ!
Hồi hướng Công đức cho Cha mẹ
Không cứ là cha mẹ ta còn hay đã mất. Một khi ta phát tâm chân thực, vì họ mà làm các việc thuộc về Thánh đạo, như tụng kinh, trì chú, niệm Phật…Rồi hồi hướng công đức ấy cho cha mẹ, thì đó gọi là Đại hiếu! Tại sao gọi là Đại hiếu? Bởi công đức vô lậu có sức chuyển hóa nghiệp vô cùng mạnh mẽ. Cha mẹ ta nhờ đó mà được tiêu tai chướng nghiệp:
Nếu bình thường thì sẽ khỏe mạnh, minh mẫn và tăng thêm tuổi thọ; Nếu cha mẹ ốm đau bệnh tật, thì sẽ nhanh được khỏi. Nếu đã mất mà đọa vào ác đạo thì sẽ được giải thoát, sanh lên cõi trời người; Nếu đã tái sanh nơi cõi trời người thì sẽ được tăng trưởng phước báo. Vậy nên, mỗi khi muốn hồi hướng công đức, ta hoặc đọc ra tiếng, hoặc đọc thầm trong đầu thế này là được:
“Nam mô A Di Đà Phật! (03 lần) Con nguyện hồi hướng công đức(trì chú, tụng kinh, phóng sinh hay niệm Phật) này cho khắp pháp giới chúng sanh; Cho linh hồn ông bà tổ tiên, thân gia quyến thuộc của con trong từ vô thỉ kiếp đến nay; Cho hết thảy các chúng sanh hữu hình hoặc vô hình có nhân duyên với con trong từ vô thỉ kiếp đến nay. Và đặc biệt cho Cha mẹ của con. Con cầu nguyện đức Từ phụ từ bi phóng quang gia hộ cho tất cả cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Nam mô A Di Đà Phật(03 lần)”
Cách Hồi hướng Công đức cho Vong linh và Oan gia trái chủ
Chúng ta vô thỉ kiếp đến nay trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Mỗi đời đều gây nghiệp trái hoặc ân hoặc oán, từ việc nhỏ đến việc lớn, có thể nói là vô lượng vô biên. Bởi thế nên Kinh dạy: “Nếu nghiệp lực có hình tướng thì ngay cả hư không cũng không thể chứa đựng nổi.” Thế thì biết các oan gia trái chủ của ta là vô lượng vô biên, không thể tính đếm! Nghiệp đã gieo thế nào, quả lơ lửng còn đó, chỉ chờ ngày đền trả mà thôi.
Họ nếu đã tìm thấy ta thì luôn luôn đi theo ta chờ ngày báo cừu rửa hận. Nếu chưa thấy ta thì vẫn ẩn khuất đâu đó chờ nhân duyên đòi nợ. Ngày nay ta có phước duyên biết đến Phật pháp, biết tạo công đức vô lậu, thì càng nên phải hồi hướng công đức cho Oan gia trái chủ.
Việc này có tác dụng như thế nào? Bạn hồi hướng công đức vô lậu cho oan gia trái chủ là một hình thức sám hối và trả nợ cho họ. Hồi hướng đến một lúc nào đó, công đức đủ trả nợ; hoặc họ do nghe niệm Phật, kinh hoặc chú mà được khai tâm. Họ khai tâm thì thấu được sự vô duyên của ân oán, sự ràng buộc của nhân quả luân hồi…họ buông bỏ oán hận tất ngay lập tức được vãng sanh về cõi lành. Họ siêu thoát rồi ta mới được an yên.
*
Bạn cần nhớ rằng: Oan gia trái chủ của ta vô lượng vô biên, hết lớp này đến lớp khác. Không thể trong một sớm một chiều, một năm, mười năm…mà có thể giải quyết hết được. Vậy nên làm được bất kỳ công đức nào, cũng xin nhớ hồi hướng công đức cho Oan gia trái chủ. Quan trọng lắm đấy, chỉ nói đại lược được thôi, không thể nào viết cho cặn kẽ được!
Vậy nên, mỗi khi muốn hồi hướng công đức cho oan gia trái chủ, ta hoặc đọc ra tiếng, hoặc đọc thầm trong đầu thế này là được:
“Nam mô A Di Đà Phật! (03 lần) Con nguyện hồi hướng công đức(trì chú, tụng kinh, phóng sinh hay niệm Phật) này cho khắp pháp giới chúng sanh; Cho linh hồn ông bà tổ tiên, thân gia quyến thuộc của con trong từ vô thỉ kiếp đến nay; Cho hết thảy các chúng sanh hữu hình hoặc vô hình có nhân duyên với con trong từ vô thỉ kiếp đến nay; Cho hết thảy các linh hồn oan gia trái chủ của con trong từ vô thỉ kiếp đến nay. Con cầu nguyện đức Từ phụ từ bi phóng quang gia hộ cho tất cả cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Nam mô A Di Đà Phật(03 lần)”
Cách Hồi hướng Công đức Phóng sinh
Phóng sinh công đức vô cùng lớn, phước báo được khỏe mạnh và tăng thọ ngay trong kiếp này. Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh.” Ta nhờ thiện nghiệp mà được sanh làm người, họ vì ác nghiệp mà đọa làm thân súc sanh. “Con người ai ai cũng yêu tiếc mạng sống, muôn vật loài nào cũng mong muốn được sinh tồn.”
Con gà thấy người làm bếp đến bắt thì hốt hoảng bay đậu lên cao để trốn tránh. Con lợn nghe đồ tể ngã giá mua xong thì hai dòng nước mắt tuôn trào như suối.
Cái chết sắp đến chúng đều biết rõ, chỉ vì miệng không thể nói ra lời. Bỗng dưng phải chịu nỗi thống khổ vì đao thớt băm vằm, ruột đứt từng đoạn. Khi mạng sống còn chưa dứt hẳn, dao sắc ngàn lượt cắt xẻ, nước sôi đun nấu trăm lần…” Ngẫm lại thật thê thảm lắm thay!
*
Thời Trung Hoa Dân Quốc, cư sĩ Uông Hiểu Viên một hôm ra chợ. Ông thấy một vị lão Tăng đứng ngó sững vào hàng thịt rưng rưng nước mắt. Cư sĩ lấy làm lạ hỏi duyên cớ. Lão Tăng đáp:
– Tôi nhớ được việc hai kiếp về trước. Đời thứ nhất, tôi là một tên đồ tể. Hơn ba mươi tuổi mãn phần, hồn bị người bắt trói đưa đi. Minh quan trách là nghiệp sát nặng, cho quỷ áp giải đến ty Chuyển luân để thọ ác báo. Lúc bị xô xuống con sông đen tối, tâm thức tôi hoảng hốt mơ màng. Thoạt tiên thật nóng như lửa đốt khó nhẫn, kế đó là cảm hơi mát mẻ… Khi tỉnh ra thì mình đã sinh làm kiếp súc vật trong chuồng heo.
Sau khi dứt sữa, thấy thức ăn không được sạch, lòng cũng biết nhàm gớm. Nhưng vì đói quá gan ruột cồn cào, nên bất đắc dĩ phải nhắm mắt nuốt vào. Sau lần lần thông tiếng nói của loài heo, thường cũng hỏi han nhau. Trong đồng loại cũng lắm kẻ nhớ biết kiếp trước của mình, song không nói cho người hiểu được. Đại để đều nhận thức mình sẽ bị giết, nên có lúc rên rỉ. Đôi mắt ướt, là tỏ dấu bi sầu.
Loài heo thân thể thô nặng. Vào mùa hạ rất nóng khổ chỉ tìm đống bùn nằm vùi mới đỡ, song cũng không thường có được. Bởi lông thưa và cứng, nên mùa đông lại khổ vì lạnh, thân thể giá buốt. Thấy loài dê chó lông nhuyễn dầy, hằng mơ ước, xem như loài thú tiên.
*
Đến lúc bị bắt tự biết mình không khỏi, nhưng sợ quá nhảy chạy càn. Mong kéo dài mạng sống được phút nào hay phút nấy. Khi bị trói rút bốn chân khiêng đi, dây huyết đau đến tận xương. Lúc người bỏ lên xe chạy về, thân hình cùng đồng loại chồng chất đè lên nhau. Máu huyết ứ đọng, gần như muốn đứt. Khi đến nhà lò, bị liệng xuống đất, gan ruột tựa hồ tan nát. Nhìn thấy dao bén chảo vạc để hai bên, lòng bắt đầu run sợ. Không biết đến khi bị giết sẽ đau đớn như thế nào?
Lúc thọc huyết, thân tâm sảng sốt rụng rời. Thấy ánh đao chớp lên liền nhắm mắt không dám nhìn thẳng. Khi đồ tể ấn lưỡi dao vào cổ, rung lắc mạnh cho huyết chảy xuống bồn. Ban đầu còn kêu la, sau chỉ rên nhỏ trong cổ họng. Cho đến lúc máu chảy đến tắt hơi, sự đau khổ thật không thể hình trạng!
Bấy giờ hoảng hốt mê ly như say như mộng, chừng tỉnh dậy thấy mình đã thành hình người. Minh quan xét thấy kiếp trước còn có nghiệp lành, nên cho chuyển sinh làm người, tức là thân này vậy.
*
Vừa rồi tôi thấy loài heo bị giết thương nó đau đớn, nhớ lại kiếp trước mình đã chịu khổ độc, rồi tiếc cho người đồ tể tương lai cũng bị nỗi khổ đó. Ba mối niệm giao cảm, bất giác thương tâm không biết rơi lệ từ lúc nào! Nói xong, quay mặt bỏ đi. Lúc ấy người xung quanh nghe nói, chỉ trỏ bàn tán phân vân. Bác hàng thịt được biết câu chuyện, sanh lòng sợ hãi. Từ đó về sau đổi nghề đi bán rau đậu”.
Vậy nên, mỗi khi phóng sinh cứu mạng, ta nên phát tâm hồi hướng công đức phóng sinh ấy rộng lớn ra. Như thế, hoặc đọc ra tiếng, hoặc đọc thầm trong đầu thế này là được:
“Nam mô A Di Đà Phật! (03 lần) Con nguyện hồi hướng công đức phóng sinh này cho khắp pháp giới chúng sanh; Cho linh hồn ông bà tổ tiên, thân gia quyến thuộc của con trong từ vô thỉ kiếp đến nay; Cho hết thảy các chúng sanh hữu hình hoặc vô hình có nhân duyên với con trong từ vô thỉ kiếp đến nay. Nguyện cho hết thảy cùng phát tâm từ bi, thương người cứu vật. Nguyện đức Từ phụ từ bi phóng quang gia hộ cho tất cả cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Nam mô A Di Đà Phật(03 lần)”
Kinh Hồi hướng Công đức
Hồi hướng công đức được dạy nhiều nhất trong Phẩm thứ mười – Kinh Địa Tạng và Kinh Hoa Nghiêm. Phần trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật thuyết cho hàng Bồ Tát, nên khó đọc khó hiểu. Chỉ có phần trong Kinh Địa Tạng là dễ hiểu, ai cũng có thể đọc được. Nay bạn hãy ngồi ngay ngắn, giữ thân tâm thanh tịnh để đọc Phẩm hồi hướng công đức trong Kinh Địa Tạng nhé:
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện
So sánh nhân duyên công đức của sự bố thí – Phẩm thứ mười
Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
Lúc đó Ngài Ðịa Tạng Bồ tát ma ha tát nương oai thần của đức Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, quì gối chắp tay bạch cùng đức Phật rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sinh trong nghiệp đạo so sánh về sự bố thí có nhẹ có nặng. Có người hưởng phước trong một đời, có người hưởng phước trong mười đời. Hoặc đến hưởng phước lợi lớn trong trăm đời, nghìn đời. Những sự ấy tại làm sao thế? Cúi xin đức Thế Tôn dạy cho”.
Bấy giờ Ðức Phật bảo Ngài Ðịa Tạng Bồ tát rằng: “Nay ta ở trong toàn thể chúng hội nơi cung trời Ðao Lợi này giảng về sự so sánh công đức khinh trọng của việc bố thí ở Diêm Phù Ðề. Ông phải lóng nghe, ta sẽ vì ông mà nói!”
Ngài Ðịa Tạng Bồ tát bạch cùng Ðức Phật rằng: “Chính con nghi ngờ về việc ấy. Con xin ưa muốn nghe”.
Ðức Phật bảo Ngài Ðịa Tạng Bồ tát rằng: “Trong cõi Nam Diêm Phù Ðề có các vị Quốc Vương, hàng Tể Phụ quan chức lớn. Hàng đại Trưởng giả, hàng đại Sát Ðế Lợi, hàng đại Bà La Môn v.v…
Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây mù quáng. Gặp những hạng người thân thể không được vẹn toàn như thế.
*
Lúc các vị Quốc Vương đó v.v… muốn bố thí. Nếu có thể đủ tâm từ bi lớn, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình. Tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, hoặc bảo người khác đem cho. Lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi.
Các vị Quốc Vương, Ðại Thần đó v.v… đặng phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy.
Tại làm sao? Chính bởi vị Quốc Vương đó v.v…phát tâm đại từ bi đối với kẻ rất mực nghèo cùng và với những người tàn tật kia. Cho nên phước lành được hưởng quả báo như thế này. Trong trăm nghìn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ để thọ dùng như y phục đồ uống ăn v.v…
Lại vầy nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có vị Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v… gặp chùa tháp thờ Phật. Hoặc hình tượng Phật, cho đến hình tượng Bồ tát, Thanh văn hay Bích Chi Phật. Đích thân tự sửa sang, cúng dường bố thí.
Vị Quốc Vương đó, sẽ đặng trong ba kiếp làm vị trời Ðế Thích hưởng sự vui sướng tốt lạ.
*
Nếu có thể đem phước lành bố thí đó mà hồi hướng cho tất cả chúng sinh trong pháp giới. Thời vị Quốc Vương đó, trong mười kiếp thường được làm vị trời Ðại Phạm Thiên Vương.
Lại thế này nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, nếu có vị Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v… gặp chùa tháp của đức Phật thuở trước, hoặc là kinh điển hay hình tượng bị hư sụp rách rã, liền có thể phát tâm tu bổ lại.
Vị Quốc Vương đó, hoặc tự mình đích thân lo sửa sang. Hoặc khuyến hóa người khác cho đến khuyến hóa trăm nghìn người khác cùng chung bố thí cúng dường để kết duyên lành.
Vị Quốc Vương đó, trong trăm nghìn đời thường làm Vua Chuyển Luân. Còn những người khác chung cùng làm việc bố thí đó, trong trăm nghìn đời thường làm vua nước nhỏ.
Nếu lại ở trước chùa tháp có thể phát tâm đem công đức cúng dường bố thí đó mà hồi hướng về đạo vô thượng chánh giác. Được như vậy thời vị Quốc Vương đó cho đến tất cả mọi người đều sẽ thành Phật cả. Bởi quả báo ấy rộng lớn vô lượng vô biên.
*
Lại vầy nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có vị Quốc Vương hay hàng Bà La Môn, gặp những người già yếu tật bịnh và kẻ phụ nữ sanh đẻ. Nếu trong khoảng chừng một niệm sanh lòng từ lớn đem thuốc men, cơm nước, giường chiếu bố thí. Làm cho những kẻ ấy được an vui.
Phước đức đó rất không thể nghĩ bàn đến được. Trong một trăm kiếp thường làm Vua Trời Tịnh Cư. Trong hai trăm kiếp thường làm Vua sáu từng trời cõi Dục, không bao giờ còn đọa vào ác đạo. Cho đến trong trăm nghìn đời, lỗ tai không hề nghe đến tiếng khổ, rốt ráo sẽ thành Phật đạo.
Lại vầy nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! trong đời sau như có vị Quốc Vương và Bà La Môn, có thể làm những việc bố thí như thế sẽ đặng vô lượng phước lành.
Nếu lại có thể đem phước đức đó hồi hướng đạo Bồ Ðề. Thời không luận là nhiều hay ít, rốt ráo sẽ thành Phật cả. Huống gì cả những quả trời Phạm Vương, trời Ðế Thích, Vua Chuyển Luân.
Này Ðịa Tạng Bồ tát, vì thế nên khuyến hóa tất cả chúng sinh đều phải học theo như thế.
*
Lại vầy nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có thiện nam kẻ thiện nữ nào ở trong Phật pháp mà gieo trồng chút ít cội phước lành chừng bằng cái lông, sợi tóc, hột cát, mảy bụi, phước lợi của những người đó sẽ hưởng thọ không thể ví dụ thế nào cho được.
Lại vầy nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam cùng người thiện nữ nào gặp hình tượng Phật. Hình tượng Bồ tát, hình tượng Bích Chi Phật, hình tượng Vua Chuyển Luân mà bố thí cúng dường. Thời đặng vô lượng phước lành, thường sanh ở cõi người, cõi trời hưởng sự vui thù thắng vi diệu.
Như có thể đem công đức hồi hướng cho cả pháp giới chúng sinh thời phước lợi của người ấy không thể ví dụ thế nào cho được.
Lại vầy nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp kinh điển Đại thừa. Hoặc nghe thấy một bài kệ, một câu kinh. Rồi phát tâm ân cần trân trọng cung kính ngợi khen, bố thí cúng dường. Người ấy được quả báo lớn vô lượng vô biên.
Nếu có thể đem phước đức hồi hướng cho khắp pháp giới cho chúng sinh thời phước lợi này không thể ví dụ thế nào cho được.
*
Lại vầy nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp chùa tháp và kinh điển Đại thừa. Nếu là kinh tháp mới thời bố thí cúng dường, chiêm ngưỡng lễ lạy ngợi khen chắp tay cung kính.
Nếu gặp kinh tháp cũ, hoặc hư rách thời sửa sang tu bổ. Hoặc riêng mình phát tâm làm, hoặc khuyến người khác cùng đồng phát tâm. Những người đồng phát tâm đây, trong ba mươi đời thường làm vua các nước nhỏ. Còn vị đàn việt chánh đó thường làm Vua Chuyển Luân, lại dùng pháp lành mà giáo hóa vua các nước nhỏ.
Lại vầy nữa, Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào ở nơi cội phước lành đã gieo trồng trong Phật pháp. Hoặc là bố thí cúng dường, hoặc là tu bổ chùa tháp. Hoặc sửa sang kinh điển, cho đến chừng bằng một sợi lông, một mảy bụi, một hột cát, một giọt nước.
*
Những sự lành như thế không luận nhiều ít, chỉ có thể đem hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sinh. Thời công đức của người đó trong nghìn đời thường hưởng thọ sự vui thượng diệu.
Còn như chỉ hồi hướng cho thân quyến trong nhà hoặc tự mình được lợi ích thôi, như thế thời sẽ hưởng quả vui trong ba đời. Cứ làm một phần sự lành, thời được hưởng báo tốt một muôn lần trội hơn.
Này Ðịa Tạng Bồ tát! Những nhơn duyên công đức về sự bố thí như thế đó.