5 lợi ích của việc nghe Pháp mà người Phật tử cần phải biết
Pháp Giới 11 tháng trước

5 lợi ích của việc nghe Pháp mà người Phật tử cần phải biết

Nghe Pháp là được phúc báu, nghe Pháp là được công đức nghe Pháp có thể được tiêu tội, chuyển hóa nghiệp và có thể còn đắc đạo nữa.

Nghe Pháp là được phúc báu; nghe Pháp là được công đức; nghe Pháp có thể được tiêu tội, chuyển hóa nghiệp và có thể còn đắc đạo nữa. Thời Đức Phật đã rất nhiều vị nghe Đức Phật giảng Pháp mà đắc đạo, đạt đến cả A-la-hán quả. Cho nên, nghe Phật Pháp rất quý. Không kể là nghe ở đâu, nghe ở nhà, nghe trên mạng hay nghe ở đài, tivi thì đều được cả, đều có công đức phước báu.

Người đệ tử tại gia hay xuất gia muốn tiến tu đều phải nghe giáo Pháp, rồi tư duy và thực hành. Vậy những người biết nghe Pháp, tư duy và thực hành Pháp sẽ đạt được những lợi ích gì?

1. 5 lợi ích của việc nghe Pháp

Nghe Pháp giúp chúng ta nghe được những điều chưa biết, chưa nghe

Lợi ích thứ nhất của nghe Pháp là được nghe những điều chưa nghe. Có nhiều điều mình chưa biết, hôm nay nghe quý Thầy giảng Pháp, mình hiểu ra nên rất vui. Có người trước khi nghe Pháp rất đói, nghe xong Pháp thấy khỏe ra, phấn chấn lên. Các Phật tử chuẩn bị tâm thái cho buổi đi nghe giảng Pháp phải có tâm quý kính, khát khao, được về chùa nghe Pháp là niềm hạnh phúc, là niềm vui, phải thấy thích thú như vậy Pháp mới vào dễ. Còn đi mà lững thững lơ thơ, chị em rủ ba lần bảy lượt mới đi thì chẳng lợi ích bao nhiêu.

Cho nên, Phật dạy lợi ích thứ nhất: được nghe những điều chưa biết, chưa nghe. Qua những buổi giảng Pháp, ngoài kinh Pháp của Phật, quý Thầy đưa đến cho các Phật tử nhiều giá trị, nhiều lợi ích về mặt tu tập, về mặt tâm linh, kể cả tri thức trong cuộc sống nữa.

Việc nghe Pháp mang lại rất nhiều giá trị, lợi ích trong tu tập cũng như trong cuộc sống. Đặc biệt, nếu chúng ta nghe Pháp với tâm thành kính, hân hoan và khao khát lắng nghe những dòng Pháp nhũ thì lợi ích chúng ta nhận được vô cùng thù thắng.

Nghe Pháp làm trong sạch điều đã được nghe

Lợi ích thứ hai của việc nghe Pháp là làm trong sạch điều đã được nghe, điều mình đã được nghe từ trước. Hôm nay đi nghe Pháp giúp mình được trong sạch điều đã được nghe.

“Trong sạch” nghĩa là lọc đi những cái tạp lần trước nghe chưa rõ ràng, còn lờ mờ, hiểu chưa đến đâu, lần này nghe là rõ ràng minh bạch. Gọi là làm trong sạch điều mình đã được nghe”.

Từ đó chúng ta thấy rằng nhờ nghe Pháp mà chúng ta dần sáng tỏ những điều mình đã nghe, đã biết; đồng thời thanh lọc, loại bỏ những hiểu biết sai lệch để chúng ta khai mở trí tuệ, tỏ ngộ chân tâm, vững bước trên con đường học Phật.

Nghe Pháp giúp chúng ta đoạn trừ nghi ngờ

Trước khi đến với Phật Pháp ai cũng có nghi cả. Nghi không biết Đức Phật có thật hay không? Có khi không có họ cũng dựng lên thổi hồn vào giống như có thật, không biết ông Phật có thật không mà tin. Rồi đi nghe Phật Pháp, đi hành hương mới thấy Phật có thật, mới đủ lòng tin. Khi chưa hiểu Pháp, chưa thực hành và thấy được lợi ích của việc tu tập, nhiều người sẽ hoài nghi Phật Pháp. Tuy nhiên, nếu thành kính nghe Pháp, hoài nghi sẽ dần được dứt trừ.

Trước đây mình không nghe Pháp thì mình nghi ngờ, bán tín bán nghi. Nghi là chướng ngại của sự tu tập. Nghi dẫn đến mình không tin Phật Pháp, là một trong năm triền cái cản trở sự tu tiến. Đã có nghi thì không có tin. Nghi ngờ tức không tin nên nghi là chướng ngại. Nhưng nhờ nghe Pháp mà đoạn trừ nghi ngờ cho mình, nghi ngờ mà đoạn thì lòng tin tăng trưởng. Dứt nghi thì mình tin. Hôm nay, dứt được nghi do nghe Pháp hiểu, giác ngộ ra thì dứt được nghi ngờ cho nên lòng tin tăng trưởng, nghe Pháp có lợi ích như vậy.

Xem Thêm:   16 kiếp luân hồi của Alan Lee: Kiếp người như một hành trình vô định

Nghe Pháp Phật làm cho tri kiến được chính trực

Đức Phật sau khi thành tựu đạo quả, Ngài có danh hiệu là Chánh Biến Tri. Tức là Ngài có cái biết chân chính trùm khắp, không giới hạn. Chính vì vậy, nghe những lời Đức Phật dạy sẽ giúp chúng ta có được tri kiến chính trực.

Thế nào là “tri kiến” và lợi ích “tri kiến được chính trực” khi nghe Pháp: “Tri kiến tức là sự thấy và biết của mình được chính trực, không lệch lạc, không bị tà kiến. Do nghe Phật Pháp nên mình hiểu đúng chính Pháp, thấy biết của mình chân chính, không lệch lạc. Khi mình có thấy biết chân chính rồi thì không ai mê hoặc được mình cả, không ai lừa dối mình về giáo Pháp được”.

Nhờ đi nghe giáo Pháp Phật được lợi ích, làm cho tri kiến của mình chính trực, chân chính, ngay thẳng, không lệch lạc. Điều ấy rất quý mà Phật gọi là chánh tri kiến. Đứng đầu trong Bát Chính Đạo.

Nếu tri kiến được chính trực thì chúng ta sẽ làm chủ được bản thân mình, tự tại trước những điều thấy, nghe trong cuộc sống; bản thân nhất tâm tin theo giáo Pháp của Phật thì sẽ rời xa những tà kiến, tà đạo.

Nghe Pháp giúp cho tâm mình được tịnh tín, có lòng tin đầy đủ

Lợi ích thứ năm của nghe Pháp là làm cho tâm mình được tịnh tín, tâm mình trong được sạch, lòng tin đầy đủ. Chữ tịnh tín ở đây là tin trong sạch; tin trong sạch là tin không có nghi ngờ.

Nếu đạt được sự tin Phật trong sạch là chúng ta vào quả Thánh Tu Đà Hoàn, có lòng tin bất thoái chuyển. Đối với Tam Bảo, với giáo Pháp của Phật chúng ta cũng không một chút nghi ngờ, mà tin trong sạch. Người có lòng tin Tam Bảo trong sạch như vậy thì làm Phật sự, công đức mới viên mãn.

Còn nếu tin chưa trong sạch, niềm tin vẫn còn nhuốm màu thế tục, làm trong Phật Pháp mà vẫn đầy đủ sự tính toán, sự tham, sân thì công đức phước báu chưa được viên mãn.

Người tu học Phật không thể thiếu tâm tịnh tín đối với Tam Bảo. Mà muốn có niềm tin tịnh tín đối với Tam Bảo cần nghe và thực hành giáo Pháp của Phật để xây dựng cho mình một niềm tịnh tín, kiên định bất thoái chuyển.

5 lợi ích của việc nghe Pháp mà người Phật tử cần phải biết

2. Tu mà không nghe pháp thì dễ tu mù

Nghe pháp để có nhận thức đúng đắn về Chánh pháp là một trong những nhiệm vụ cơ bản của người con Phật.

“Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana, Ngài cho gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, nghe pháp có năm lợi ích này. Thế nào là năm?

Được nghe điều chưa nghe, làm cho trong sạch điều đã được nghe, đoạn trừ nghi, làm cho tri kiến chánh trực, làm cho tâm tịnh tín.

Này các Tỷ kheo, nghe pháp có năm lợi ích này”.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Kimbila, phần Nghe pháp, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.708)

Lời bàn:

Tri thức là chìa khóa để mở cửa mọi kho tàng của cuộc sống. Ngay cả kho tàng trí tuệ Bát nhã vốn siêu việt ngôn ngữ và tư duy cũng rất cần đến tri thức trong giai đoạn tiếp cận đầu tiên.

Ở phương diện thế gian, nếu không có tri thức thì cuộc đời sẽ tối tăm, nhân loại sẽ mãi khổ đau, lầm than, cơ cực. Trong hành trình tìm cầu chân lý, cũng vậy, nếu thiếu vắng tri thức thì sẽ không có chiếc bè để qua sông và chẳng thể nào có ngón tay để chỉ mặt trăng. Muốn có được tri thức ấy thì ngoài khả năng tư duy, nghe và đọc là những phương thức cơ bản đồng thời cũng tối ưu nhất.

Xem Thêm:   Núi Tu Di và Tứ Đại Bộ Châu: Thế giới quan của Đạo Phật

Một người con Phật, muốn có một tri thức đúng đắn để thiết lập chánh kiến thì phải đọc, nghe và tư duy thật nhiều về những lời Phật dạy. Thời đức Thế Tôn còn tại thế, kinh Phật dưới dạng văn bản chưa hình thành. Do vậy, nghe pháp là phương cách duy nhất để học tập giáo pháp nhằm tư duy, tu tập rồi từng bước thể nhập, trực nhận chân lý. Muốn có một đề mục để tư duy, tất nhiên phải được nghe Phật hoặc chư Tăng giảng thuyết, khai mở trước về đề mục ấy. Vì thế trong ba loại trí tuệ: trí tuệ nhờ nghe pháp (văn tuệ), trí tuệ nhờ tư duy pháp (tư tuệ) và trí tuệ nhờ tu tập về pháp (tu tuệ) thì văn tuệ được thiết lập đầu tiên làm cơ sở cho tư tuệ và tu tuệ.

Nghe pháp để có nhận thức đúng đắn về Chánh pháp là một trong những nhiệm vụ cơ bản của người con Phật. Trong năm lợi ích của nghe pháp mà Phật đã nêu trên không ngoài mục đích nghe để hiểu, hiểu để tin và tin hiểu để thực hành.

Một Phật tử nếu chỉ đơn thuần có niềm tin vào Tam Bảo thì chưa đủ, ngoài niềm tin thì bắt buộc phải có sự hiểu biết chính xác, sâu sắc về giáo pháp. Vì rằng, niềm tin theo quan điểm của Thế Tôn phải là tịnh tín, tức do hiểu biết mới có niềm tin. Nếu tin mà không hiểu thì đồng nghĩa với sự phỉ báng, là mê tín. Do vậy, người con Phật phải thường xuyên nghe pháp; nghe pháp để tu học nhằm hoàn thiện tự thân và để hoằng pháp lợi sanh.

Ngày nay, để tiếp cận và học tập giáo lý của đức Phật có vô số phương tiện. Tuy nhiên, nghe pháp vẫn là phương tiện tối thắng vì có tính trực quan, rất sinh động đặc biệt là thính chúng có thể thảo luận trực tiếp với người giảng pháp để trực nhận chân lý.

Vì thế, người Phật tử phải thường xuyên nghe pháp để phát huy nhận thức, hiểu biết sâu sắc hơn về giáo lý, phá tan những nghi hoặc, thành tựu niềm tin Tam Bảo vững chắc, không thối chuyển.

3. Hạng người nghe pháp như nước đổ lá môn

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, tại vườn ông Anàthapindika dạy các Tỷ kheo: Này các Tỷ kheo, có ba hạng người này xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người với trí tuệ lộn ngược, hạng người với trí tuệ bắp vế, hạng người với trí tuệ rộng lớn.

Này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người với trí tuệ lộn ngược? Ở đây, có hạng người thường đi nghe pháp. Người ấy, đối với bài thuyết giảng không có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Khi đứng dậy, đối với bài thuyết giảng không có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Ví như, một cái ghè lộn ngược, nước chứa trong ghè tuôn chảy, không dừng lại.

Này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người với trí tuệ bắp vế? Ở đây, có hạng người thường đi nghe pháp. Người ấy, đối với bài thuyết giảng có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Nhưng khi đứng dậy, đối với bài thuyết giảng không có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Ví như, trên bắp vế một người, để các hạt đậu, hạt gạo. Khi người ấy đứng dậy, khiến tất cả đều rơi vãi.

Này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người với trí tuệ rộng lớn? Ở đây, có hạng người thường đi nghe pháp. Người ấy, đối với bài thuyết giảng có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Khi đứng dậy, đối với bài thuyết giảng có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Ví như, một cái ghè dựng đứng, nước chứa trong ấy được giữ lại, không có chảy đi.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Người, phần Lộn ngược [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.231)

Xem Thêm:   Cách tụng kinh tại nhà

Lời bàn:

Trong Phật giáo, nghe pháp là một trong những phương thức tu tập trí tuệ (văn tuệ). Nhờ nghe pháp mà am hiểu giáo lý và trực nhận ra nhiều vấn đề, rồi từ đó có thể chuyển hóa được các tật xấu, những khổ đau. Tuy nhiên, trong số khá nhiều người tham dự nghe pháp tại các đạo tràng, giảng đường thì không phải ai cũng hội đủ căn lành để nhận thức trọn vẹn giáo pháp.

Có hạng người nghe pháp chỉ để “gieo duyên”, không tập trung, không nắm bắt được giáo nghĩa và tất nhiên là họ không thể suy tư, chiêm nghiệm về lời Phật dạy để áp dụng trong cuộc sống thường ngày. Phật ví hạng người này như cái ghè úp ngược, không đựng được chút nước nào.

Hạng người thứ hai thì mau quên, khi nghe pháp có tập trung, hiểu được giáo pháp nhưng nghe xong thì thôi, chẳng lưu tâm nghiền ngẫm. Tuy có khá hơn hạng người thứ nhất nhưng vì ít lưu tâm nên dù nghe pháp nhiều vẫn hiểu biết giáo pháp rất khiêm nhường. Phật ví sự hiểu biết giáo pháp của hạng người này như hạt đậu, hạt gạo để trên bắp vế, đứng dậy là rơi ngay xuống đất, không dính lại.

Hạng người thứ ba nghe pháp được Phật khen ngợi, vì sau khi nghe hiểu thì thường xuyên nhớ nghĩ, tư duy, chiêm nghiệm về những gì đã được nghe. Nhờ vậy, giáo pháp luôn thấm nhuần trong cuộc sống, ứng xử của họ. Và hẳn nhiên hạng người này tu tập có chuyển hóa, đạt được an vui, giải thoát.

Vì thế, những người con Phật luôn tự răn nhắc mình để hướng đến là hạng người nghe pháp với trí tuệ rộng lớn: nghe, hiểu, ghi nhớ, chiêm nghiệm và thực hành. -” Quảng Tánh”.

4. Truyện Phật giáo: Cho tiền đi nghe Pháp

Ông trưởng giả Cấp Cô Độc có một người con trai đã lớn khôn, ham ăn chơi, đánh bạc, không biết gì về Phật pháp.

Ông Cấp Cô Độc liền dùng phương tiện đưa con ông vào đạo. Một hôm, ông kêu con trai nói rằng, “Hôm nay cha bận công việc, con đi nghe pháp thế cha, cha sẽ cho con 100 ngàn đồng.”

Cậu con trai không muốn nghe pháp, nhưng muốn có 100 ngàn đồng nên chịu đi. Khi đến chốn Phật, lễ Phật xong, cậu tìm một chỗ vắng đánh một giấc. Chiều về lãnh 100 ngàn đồng.

Tuần lễ sau, ông trưởng giả Cấp Cô Độc lại nói, “Hôm nay cha cũng bận. Con đi nghe pháp thế cha. Lần này con cố nhớ một bài kệ về nói lại với cha. Cha sẽ cho con 200 ngàn đồng”

Lần này, vì muốn lãnh 200 ngàn đồng nên cậu cố gắng nghe và nhớ được bài kệ Phật dạy:

Các hành vô thường
Là pháp sanh diệt
Sanh diệt hết rồi
Tịch diệt là vui

Cậu về nói lại với cha và lãnh tiền thưởng.

Tuần lễ sau nữa, ông trưởng giả Cấp Cô Độc lại kêu cậu con trai và nói, “Hôm nay cha cũng bận việc, con đi nghe pháp thế cha. Nhưng lần này con cố gắng nghe trọn bài pháp về nói lại với cha, cha cho con 300 ngàn đồng.”

Lần này cậu con trai ông Cấp Cô Độc muốn được 300 ngàn đồng nên cố gắng nghe. Nhưng càng nghe lại càng hay, càng nghe lại càng thích thú và cậu đã giác ngộ nên lần này cậu về nhà không lấy tiền nữa mà cậu cảm ơn cha, nhờ cha mà cậu được nếm pháp vị cam lồ.

Cậu nói, “Ngày mai, nhà vua thỉnh Phật và thánh chúng vào cung cúng dường. Con xin được phép đi rước Phật và hầu Phật.”

Hôm sau, ông Cấp Cô Độc thấy con ông đứng hầu sau Phật, có vẻ cung kính và trang nghiêm. Đức Phật biết ý, kêu ông Cấp Cô Độc nói rằng, “Con trai ông đã là đệ tử thuần thành của ta.”

Ông Cấp Cô Độc nghe lời ấy, hoan hỷ, vui mừng, không ngờ con ông được chuyển hóa mau như thế. – “Trích “Góp nhặt lá Bồ Đề / Thích Tịnh Nghiêm”!

Nguồn: phatgiao.org.vn!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

197 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog