32 tướng tốt của Đức Phật được xem là tiêu chuẩn cho cả hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền, còn 80 vẻ đẹp chỉ là cách nhân rộng để tán thán Đức Phật mà thôi.
I. Ba mươi hai tướng tốt của Đức Phật
01. Túc hạ an bình lập tướng: Dưới lòng bàn chân bằng thẳng không có lồi lỏm
Dưới bàn chân của Ðức Thế Tôn, có tướng bằng phẳng đầy đặn, thật khéo an trụ, như cái hộp ấn, nó thản nhiên tùy theo chỗ cao thấp (nông cạn), chạm đến (đụng vào) đều tự cân bằng chính xác.
02. Thiên Phúc (Bức) Luân Tướng (Thiên Phúc Võng Cốc), còn gọi Nhị Luân Tướng: Dưới lòng bàn chân có hình bánh xe, với ngàn tăm xe trục xe, vành xe đầy đủ
Dưới mặt bằng hai chân của Thế Tôn, có hình bánh xe tròn ngàn căm, tên là “Thiên Phúc Luân” Các đường văn ấy đều phân minh rõ ràng tròn trặn đầy đủ.
Hai bánh xe, có ngàn bánh xe tròn, là tướng thồi phục ác ma oán địch, chiếu phá ngu si của vô-minh. Gọi đúng là “Thủ túc luân tướng”. Lòng bàn chân có hiện tướng THIÊN PHÚC LUÂN của phật. Có hình hai bánh xe Chuyển Pháp Luân (ngàn căm). Tướng vi diệu nầy, có khi không hiện ở hai bàn chân, thì lại hiện nơi hai bàn tay. Vì trải qua nhiều đời quá khứ Phật đã vì Cha, Me, Thầy, Bạn và Tất cả chúng sanh bôn ba khắp chỗ khắp trong ba cõi, đã làm các việc bố thí, cúng dường, cứu độ … nên biểu thị cái tướng Pháp Luân Ấn nầy.
03. Trường chỉ tướng hay chỉ tiêm trường tướng: Chân tay mềm mại không thô cứng
Các ngón tay chân của Ðức Thế Tôn thon dài mềm mại, dịu mềm hơn tất cả, như lụa đâu-la- miên. Ðó là tướng tốt thứ ba. Trường chỉ tướng chỉ tiêm trường đoản trực thứ đệ dung hảo chỉ tiết sam sai. Ðầu ngón và các ngón tay chân của Thế Tôn tròn búp thứ lớp thật đẹp, ngón tay dài, lóng đốt thẳng nhau.
04. Mang võng tướng: Tướng mạng lưới mềm
Mỗi mỗi khoảng (kẽ) ngón tay, chân của Thế Tôn có lớp da mỏng như màng lưới, mịn tợ như lụa đâu-la-miên của trời Ðế Thích, có nét vẻ màu vàng kim. Khi xếp tay lại thì tựa như biến mất, không thấy nếp nhăn của man-võng.
05. Thủ túc chỉ, viên mãn tiêm tướng: Các ngón tay chân (tròn búp) thon đầy
Các ngón tay và ngón chân của Ðấng Thế Tôn, tròn mịn, bum búp, thon dài và đầy đặn càng nhìn càng ưa mến. Ðó là thứ năm. Thủ túc chỉ mang võng tướng, như nhạn vương trương chỉ tắc hiện, bất trương tắc bất hiện. [Tướng mạng lưới ở giữa kẽ tay chân, có sè tay thì mới có, không sè tay thì không có hiện ra].
06. Gót chân thon tròn đầy không có lồi lõm
Gót chân của Thế Tôn, dài rộng tròn đầy. Tướng vun tròn của mu bàn chân thật đặt biệt hơn tất cả chúng trong cõi hữu tình.
07. Mu bàn chân nổi cao đầy đặn, mềm mại tương xứng với gót
Mu bàn chân của Ðức Thế Tôn nổi cao đầy đặn mềm mại cùng với gót chân tương xứng nhau thật là kỳ diệu.
Tướng mu bàn chân cao đầy, khi chân bước giáp đất dấu không rộng không hẹp, màu sắc dưới chân như hoa sen đỏ, lưới dưới kẽ chân màu sắc như san hô, móng chân trong sáng như đồng đỏ. Màu sắc trên mu bàn chân in như vàng ròng, màu của lông trong xanh như lưu ly. Cực kỳ xinh đẹp như xen nhiều các bảo vật để chung vào trang sức.
08. Ðùi vế thon tròn, chân dài
Hai đùi vế của Thế Tôn tròn trĩnh thon đẹp (như đùi của lộc vương lịch- nê- tà- tiên). {腨膊 chuyên, thuần : cùng một nghĩa}.
09. Tay dài quá gối, lưng thắng như núi
Hai cánh tay của Thế Tôn thẳng dài tròn đầy, đứng đưa tay duỗi xuống bàn tay bằng ngang và thoa lên đầu gối.
10. Âm Tàng Tướng: Nam căn ẩn tàng bên trong
Âm tàng tướng của Thế Tôn ẩn kín (tợ như Long chúa Tượng Mã).
11. Mỗi chân lông chỉ mọc 1 sợi lông có màu xanh và thoảng ra mùi thơm
Mỗi lỗ chân lông mọc một lông trên thân Thế Tôn, tươi nhuận mềm mại với một màu xanh mướt đều xếp về phía bên phải. Mỗi chân lông, chỉ sanh một sợi lông. Lông màu xanh lóng lánh như màu của ốc cừ, lông xoay tròn về hướng phải.
12. Thân kim sắc, lông tóc xanh biếc
Các đầu lông, tóc của Thế Tôn đều mềm mịn, màu xanh biếc như lưu ly xanh và cùng hướng lên xoay về bên phải, toàn thân màu vàng ròng, ngắm nhìn rất ưa thích.
13. Da mịn không dính bụi
Làn da trên thân thể của Thế Tôn, mịn màng tươi nhuận, các chất nước bẩn, bụi bặm đều không thể đọng dính trên da.
14. Thân sáng chói như vàng Diêm-Phù-Ðàn
Trên làn da toàn thân của Thế Tôn màu vàng ròng lóng lánh sáng rỡ trông đẹp như đài vàng diệu kim, các báu nhóm lại để trang nghiêm, các chúng trong cõi nhân thiên đều ưa thích nhìn ngắm và sinh tâm an lạc. [Kim sắc tướng phải so sánh như thế nào? Luận đáp rằng: Nếu đem sắt để sánh với vàng thì màu của sắt sẽ không hiện rõ. Nay đem vàng cõi thế để so sánh với màu vàng “Kim tướng” của Phật thì màu vàng cõi thế không tỏ hiện. Và cứ như thế so sánh vàng của Diêm-phù-na, vàng trong biển lớn của vua Chuyển Luân, vàng của núi Tu Di, vàng anh lạc của cõi trời 33, vàng của Diệm-ma thiên, vàng của Ðâu-suất-đà thiên, vàng của Tha-hóa-tự-tại thiên tất cả các vàng vô lượng quí giá sáng chói đó; đều không sánh với màu vàng của thân Bồ Tát ! Như vậy đó, là màu vàng của “Kim-sắc” tướng].
15. Bảy chỗ đều đầy đặn
Hai chân, hai bàn tay, cổ và đôi vai của Phật, bảy chỗ nầy đều đầy đặn.
16. Kiên đảnh thật thù diệu
Trán và vai của Thế Tôn tròn đầy thật là đặc thù mầu nhiệm.
17. Xứ long mãn tướng
Chỗ hủng nách của Thế Tôn thật khác thường, vì rất đầy.
18. Dung nghi đoan chánh
Dung nhan và nghi cách của Thế Tôn, đoan chính viên mãn.
19. Thân tướng trang nghiêm
Thân tướng của Thế Tôn to lớn nghiêm chỉnh và ngay thẳng và thật cân đối.
20. Thân tướng hảo mãn như Nặc-câu-đà
Dung mạo và thể tướng của Thế Tôn, các bề cao rộng, tỷ lệ thật cân đối, toàn chu vi thể lượng tròn đầy hảo mãn tợ như cây liễu. (Nặc-cù-đà loại cây mềm cao to, tàn cây rộng mát Nyagrodha. Còn có tên ni-câu-đà v.v..).
21. Hàm ức uy dung quảng đại
Phần thân trên của Thế Tôn từ ngực đến cằm, vóc dáng nở rộng, dung nghi uy dũng (như sư tử vương).
22. Thân sáng chói
Vầng ánh sáng chung quanh đầu mặt của Thế Tôn, thường sáng là một tầm. (một trượng).
23. Bốn mươi răng trong trắng
Hàm răng của Ðức Thế Tôn đủ 40 cái, bằng đều không so le, sít kín nhau, chân sâu và trong trắng như ngọc “Kha Tuyết”. [Tướng hai mươi bốn là, nói về răng, Thế Tôn có 40 cái răng, không nhiều và cũng không ít đối với con người. Con người có 32 cái răng, xương hơn 300, 9 xương đầu. Bồ Tát răng 40, xương đầu chỉ có 1. Bồ Tát xương răng nhiều, xương đầu ít. Còn con người thì xương răng ít xương đầu nhiều. Do vậy nên nói Bồ Tát khác với thường nhân].
24. Răng và bốn răng cửa đều trong suốt
Bốn răng cửa của Thế Tôn, trắng tươi và bén nhọn.
25. Cổ có mạch hầu biến chất ăn thành thượng vị
Tất cả hương vị khi đến với Thế Tôn đều trở thành “Thượng Vị”. Sở dĩ có như vậy, vì ngay nơi hầu mạch (mạch tại cổ) có công năng dẫn thẳng đến các mạch chi tiết của toàn thân. Các bịnh đàm ấm phong nhiệt, đều bị vô hiệu với cơ thân của Thế Tôn. Cơ thể miễn nhiễm tuyệt vời đó làm tiêu hoại tất cả sự xâm tổn đến các mạch, nổi chìm co giãn trong thân của Ngài.
26. Lưỡi che trùm cả mặt
Tướng lưỡi của Thế Tôn, trong sạch dài rộng và mỏng, công năng của lưỡi có thể che trùm cả mặt cho đến mé tóc trán và đến mang tai.
27. Tiếng nói âm vang trong suốt như Tần-già âm
Phạm âm từ vận giọng nói của Thế Tôn, lan rộng hòa nhã dịu dàng, bất luận thính chúng nhiều ít, xa gần độ nghe được, đều bình đẳng giống nhau. Chấn âm của giọng như tiếng trống trời, điệu uyển chuyển của thanh âm mềm như “Tần-già thinh” (giống chim nói pháp cõi Tịnh Ðộ).
28. Lông mi xanh biếc, dày và thẳng
Ðôi chân mày trên đôi mắt của Thế Tôn, màu xanh biếc (sậm) lóng lánh, xếp lớp nằm nghiêng chỉnh tề không rối.
29. Ðôi mắt trong xanh ngời sáng
Ðôi tròng mắt của Thế Tôn, phần trắng trắng tươi, phần đen thì xanh đậm, trong xanh tươi trắng phân minh, chỗ giáp màu hơi ửng hồng.
30. Mặt tròn sáng như vầng trăng tròn
Khuôn mặt của Thế Tôn, tròn sáng như trăng đầy, chân mày cong như cánh cung của trời Thiên Ðế.
31. Tướng bạch ngọc hào
Khoảng giữa hai chân mày của Thế Tôn có tướng Bạch Hào. Nhúm lông trắng nầy xoay tròn về phía hữu, mềm mại như tơ đỗ-la-miên (tơ cõi trời), tươi trắng sáng suốt như ngọc “Kha-tuyết”.
32. Khuôn trán như Ô-sắc-nị-ca
Giữa khoảng chót trán đến đỉnh đầu của Thế Tôn nổi lên một cục tròn gọi là Ô-sắc-nị-ca (Nhục kế). Nơi đây cũng là “Ðảnh Tướng” (tựa như thiên bảo cái).
Mặc dầu chúng ta thấy 32 tướng tốt của Phật thì chưa phải là chúng ta thấy được Phật. Bởi vì chỉ khi nào chúng ta thấy “Phật tâm thanh tịnh” thì lúc đó chúng ta mới thấy được Phật. Nhưng ở đời chúng ta chỉ rong ruỗi chạy theo giả tưởng để tìm Phật bên ngoài mà không biết tìm Phật thật ở trong tâm của chúng ta. Vì thế cổ nhân có nói rằng: “Phật trong nhà không thờ, mà đi thờ Thích Ca ngoài đường” là vậy.
Một ngày kia Phật hỏi:
– Tu Bồ-đề! Ông có thể thấy 32 tướng tốt của ta đây, thì ông có thể thấy được Phật không?
Tu Bồ-đề thưa:
– Đúng như vậy, thấy được 32 tướng tốt của Phật là thấy được Phật.
Phật lại dạy:
– Ông hiểu lầm rồi. Nếu thấy 32 tướng tốt của Ta đây, mà ông cho là thấy được Phật thì vua Chuyển Luân Thánh Vương cũng có đủ 32 tướng tốt như Ta, như thế thì vua Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Phật hay sao?
Không phải thấy 32 tướng tốt của Phật là có thể thấy được Phật. Bởi vì chính cái thân tứ đại của Đức Phật cũng là giả tướng và tan rã theo thời gian thì làm sao mà gọi là Phật cho được. Chúng ta phải lìa xa tất cả các vô minh, vọng chấp thì chơn tâm hay Phật tánh sẽ hiện ra. Đây mới chính là thấy được Phật vậy.
II. 80 vẻ đẹp của Đức Phật
Bát thập chủng hảo (tiếng Việt Tám mươi vẻ đẹp), cũng được gọi là Bát thập tùy hảo, Bát thập tùy hình hảo, Bát thập vi diệu chủng hảo, Bát thập chủng tiểu tướng, Chúng hảo bát thập chương.
Các khái niệm ấy là tám mươi vẻ đẹp phụ trên thân của một vị Phật. Tương truyền các tướng tốt nầy cần phải tu hành một trăm đại kiếp mới đạt được. Bản liệt kê 80 vẻ đẹp nầy không thấy ghi trong các kinh văn nguyên thủy, nhưng rất thường thấy đề cập trong tiểu sử của Phật và các kinh văn Đại thừa. Có lẽ nó có xuất xứ từ các đại biểu của Thuyết nhất thiết hữu bộ, nhưng nó lại được sử dụng thường xuyên trong văn học Đại thừa.
Kinh văn đầu tiên liệt kê đầy đủ 80 vẻ đẹp có lẽ được tìm thấy trong Phật bản hạnh tập kinh, là bản ghi lịch sử đức Phật trọn vẹn nhất trong Hán tạng.
Theo các nhà nghiên cứu Phật giáo, phân tích tỉ mỉ những vẻ đẹp ấy đã làm trang nghiêm thân thể ứng hóa của đức Thế tôn, khiến cho chúng sinh thấy đem lòng tôn kính và hoan lạc.
Tám mươi vẻ đẹp này dựa theo ba mươi hai tướng tốt mà hiện ra, nên gọi là chủng hảo hoặc tùy hảo. Tuy nhiên, mỗi từ điển đều nêu đủ 80 nét tốt đẹp của Đức Phật, nhưng sắp xếp không theo thứ tự và không trùng nhau.
Ngay trong một từ điển lại có nét trùng nhau, bên cạnh đó giữa các từ điển lại có nhiều nét khác nhau, vì thế nếu tổng hợp đầy đủ thì sẽ vượt số 80 khá nhiều.
01. Không thấy đảnh tướng
02. Mũi cao thẳng, lổ mũi không lộ
03. Lông mày như trăng non
04. Trái tay rũ xuống
05. Thân rắn chắc
06. khớp xương chắc như móc khoá
07. Mỗi lúc trở mình chuyển hình như voi chúa
08. Đi cách đất và có ấn dấu chân
09. Móng như màu đồng đỏ
10. Xương đầu gối tròn đẹp
11. Thân trong sạch
12. Da mềm mại
13. Thân cao đẹp không cong vẹo
14. Ngón tay tròn thon nhỏ
15. Vân tay ẩn kín
16. Mạch sâu chẳng hiện
17. Mắt cá ẩn
18. Thân mềm mại mượt mà
19. Thân hình tròn đầy
20. Không uốn éo
21. Dung nghi đầy đủ
22. Đi đứng khoan thai
23. Đứng không động
24. Uy chấn hết thảy
25. Người thấy được an lạc
26. Khuông mặt vừa vặn
27. Dung mạo đoan chính
28. Diện mạo viên mãn
29. Môi màu sắc đỏ
30. Âm thanh vang trầm trong vắt
31. Rốn sâu tròn đẹp
32. Lông xoáy về hướng phải
33. Tay dài qua gối
34. Tay chân như ý
35. Vân tay sáng thẳng
36. Vân tay dài
37. Vân tay chẳng đứt
38. Người thấy hoan hỷ
39. Mặt rộng và đẹp
40. Mặt như vầng trăng tròn
41. Nói năng hoà nhã
42. Lỗ chân lông xuất ra mùi thơm
43. Trong miệng thaỏng ra hương thơm
44. Dáng điệu cử chỉ như sư tử
45. Đi đứng như voi chúa
46. Tướng đi như ngỗng chúa
47. Đầu như trái Ma đà na
48. Các thành phần đầy đủ
49. Răng trắng đẹp
50. Lưỡi dài có màu đỏ
51. Lưỡi mỏng mà rộng
52. Lông nhiều và có màu hồng
53. Lông mềm mà mướt
54. Mắt dài và rộng
55. Tướng tử môn đầy đủ
56. Tay chân trắng hồng như màu hoa sen
57. Rốn không lộ
58. Bụng không lồi
59. Bụng thon đẹp
60. Thân khuynh động
61. Thân trì trọng
62. Thân lớn dài
63. Tay chân mềm mại sạch bóng
64. Bốn phía có hào quang dài một trượng
65. Khi đi có hào quang chiếu sáng khắp thân
66. Xem chúng sanh bình đẳng như nhau
67. Không xem thường chúng sanh
68. Thân tướng hùng vệ
69. Âm thanh không tăng giảm
70. Thuyết pháp không chấp trước
71. Tuỳ duyên thuyết pháp
72. Thứ đệ thuyết pháp
73. Pháp âm ứng với âm tahnh của chúang sanh
74. Chúng sanh ngắm thân Phật ngắm mãi không hết
75. Ngắm mãi không chán
76. Tóc dài và đẹp
77. Tóc dài không rối
78. Tóc xoắn đẹp
79. Tóc như màu ngọc xanh
80. Đầy đủ tướng tốt của bậc phước đức
III. Thế nào là tướng tốt, đẹp?
Ba mươi hai tướng tốt (theo từ Hán-Việt là Tam thập nhị hảo tướng; tiếng Phạn: dvatriṃśadvara-lakṣaṇa) được tin là của một Chuyển luân vương, của một vị Bồ tát, hay là của một vị Phật.
Đức Phật, một con người toàn diện, không chỉ về mặt trí tuệ và đức hạnh mà còn về mặt hình thể. Các kinh điển Nam truyền cũng như Bắc truyền đều có nói đến 32 tướng tốt của đức Phật một cách đầy đủ, những tướng này được phát hiện lúc mới đản sanh, do các vị tướng sư xác định.
Sau này đức Phật cũng xác nhận có đủ 32 tướng qua các kinh lưu truyền. Theo quan điểm tướng pháp Ấn Độ cổ, ai có đủ 32 tướng tốt thì sẽ làm vua thống lãnh thiên hạ, nếu xuất gia thì sẽ thành Phật. Sự kiện Thái tử Tất Đạt Đa có đủ 32 tướng đã báo hiệu Ngài không phải là một người thường. Điều đó trở thành hiện thực khi Ngài xuất gia tìm đạo và đã thành tựu được quả vị Phật Đà.
Quan niệm về tướng tốt
1) Tướng tốt theo quan điểm tướng pháp Á Đông không phải là quan niệm về cái đẹp thẩm mỹ, mà chính là cái đẹp của đức hạnh biểu hiện qua hình thể. Đời sống sung túc, tốt đẹp của một người được biểu hiện qua hình tướng đắc cách hay không, những tướng tốt này lại có nguồn gốc sâu xa liên quan đến phúc đức của ông bà cha mẹ hay của chính mình trong quá khứ. Điều này được đúc kết dựa theo kinh nghiệm và quan sát thực tế mà rút ra được những quy luật về phương pháp.
2) Đối với Phật giáo, thân tướng đắc cách tốt đẹp, biểu hiện đời sống tốt đẹp, qua lý thuyết chánh báo đi đôi với y báo. Tất cả những điều kiện tốt đẹp đó đều do công đức tích lũy trong quá khứ, theo quy luật nhân quả: gieo nhân nào gặt quả nấy. Đức Phật có đủ 32 tướng tốt có nghĩa là Ngài đã tích lũy vô lượng công đức trong nhiều kiếp, này thừa hướng kết quả của những công đức đó mà thôi.
3) Quan niệm về tướng tốt và xấu như thế nào, theo tiêu chuẩn nào, thì thuộc vào kinh nghiệm thực tế và truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc, của mỗi đất nước. Có những tướng theo quan điểm Ấn Độ là tốt nhưng đối với chúng ta thì xấu hoặc kì dị. Do đó cần phải rộng lượng khi nhận định về tướng pháp.
Những tướng tốt của đức Phật
Ba mươi hai tướng tốt của đức Phật được đề cập, khá nhiều trong kinh, trong Nam tạng cũng như Bắc tạng như: kinh Sơ Đại Bổn Duyên (Trường A Hàm), kinh Tâm Thập Nhị Tướng (Trung A Hàm), kinh Đại Bổn (Trường Bộ), kinh Tướng (Trường Bộ), kinh Tập, kinh Tiểu Bộ… và một số rải rác trong kinh tạng Đại Thừa…
Tham khảo 32 tướng tốt của đức Phật qua các kinh trên, có khá nhiều sự sai khác, có những tướng kinh này có, kinh kia không và ngược lại. Có một số tướng quan điểm khác nhau. Như kinh Sơ Đại Bổn Duyên có tướng chữ “vạn” ở ngực nhưng các kinh khác không có. Kinh Tướng (Trường Bộ) không có tướng nhục kế như hầu hết các kinh khác. Mặt khác, cùng là kinh Nam truyền vẫn có những quan điểm khác nhau, Bắc truyền cũng vậy.
Có những tướng sai biệt lệch lạc khá xa như tướng 18 trong Sơ Đại Bổn Duyên là tướng 7 lỗ trong người đều đầy đặn bằng phẳng. Trong kinh Tướng thì nói 7 chỗ trong người, tướng thứ 3 trong Sơ Đại Bổn Duyên nói có màng lưới mỏng giữa kẻ chân tay như chân ngỗng chúa. Nhưng kinh Tam Thập Nhị Tướng thì cho là như chim nhạn. Tạng Pàli kinh Lakkhana thì nói lòng bàn tay bàn chân có chỉ giăng như lưới… Từ những sai biệt đó chúng ta khó mà xác định kinh nào là nói đúng và đủ 32 tướng, nếu ngây thơ tin vào 32 tướng của riêng một kinh nào thì ta khó mà hình dung nổi hình dáng của đức Phật như thế nào.
Mặc dù gặp những khó khăn như trên, nhưng qua những tướng mà nhiều kinh đều nói giống nhau, qua thực tế hình tướng đức Phật đang lưu truyền, chúng ta có thể rút ra được 32 tướng tốt của đức Phật.
Tâm Hướng Phật/TH!