10 công đức hành trì tụng Kinh Pháp Hoa không thể nghĩ bàn
Pháp Giới 11 tháng trước

10 công đức hành trì tụng Kinh Pháp Hoa không thể nghĩ bàn

Chuyển phiền não thành Bồ đề, Tu một pháp thông tất cả pháp… là hai trong mười công đức hành trì tụng Kinh Pháp Hoa.

1. Giới thiệu sơ lược Kinh Pháp Hoa

a. Thời gian ra đời của kinh Pháp Hoa

Kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh lớn của hệ thống Kinh tạng Đại thừa Phật giáo, được các học giả phương Tây cho là một trong hai mươi Thánh thư phương Đông. Sự nghiên cứu về mặt lịch sử ra đời, cũng như khái quát bố cục nội dung kinh là điều cần thiết cho việc học tập, nghiên cứu kinh Pháp Hoa.

Theo các tài liệu về lịch sử Phật giáo hiện đại như cuốn Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận của Kimura – Taiken, cũng như một số tài liệu khác thì Phật giáo Đại thừa xuất hiện tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ I trước Tây lịch cho đến thế kỷ thứ I sau Tây lịch, tức là vào khoảng 500 năm sau khi Phật nhập diệt. Đại thừa Phật giáo phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ thứ II trở đi, sự phát triển Phật giáo Đại thừa là tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thời đại. Trước Pháp Hoa, các kinh điển Đại thừa khác đã xuất hiện khá phong phú như kinh Bát Nhã, kinh Hoa Nghiêm, kinh Duy Ma Cật..vv. Kinh Pháp Hoa xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ thứ II, bằng chứng của sự xuất hiện là vào thời điểm này có Bồ tát Long Thụ, tác giả của bộ Đại Trí Độ Luận, sống vào cuối thế kỷ thứ hai, đã trích dẫn kinh Pháp Hoa. Sự xuất hiện của kinh Pháp Hoa là sự tổng hòa, dung hợp tư tưởng Đại thừa của các bộ kinh trên.

b. Bối cảnh ra đời của kinh Pháp Hoa

Sau khi Đức Phật nhập diệt 100 năm, do những quan điểm, giải thích giáo lý, giới luật có sự khác biệt giữa các nhóm, các phái và giữa các vùng khác nhau cho nên giáo đoàn bắt đầu phân phái. Tổng cộng có đến 20 bộ phái.

Tăng đoàn của mỗi phái cố gắng thiết lập cho mình một căn cứ địa về mặt địa lý cũng như về mặt tư tưởng để củng cố học thuyết và bộ phái của mình. Đường lối sinh hoạt và tu tập của chư Tăng ngày càng cách biệt với quần chúng và quần chúng cũng không biết theo ai. Sinh khí của giáo lý thực tiễn cứu khổ ban đầu bị xói mòn, khô cứng, dần dần đi vào tư biện triết học. Phật giáo Ấn Độ trong tình trạng như vậy bị co cụm với những lý thuyết khô khan.

Trong khi đó, triết lý Bà-la-môn đang có chiều hướng phát triển và tranh chấp ảnh hưởng với Phật giáo, nhu cầu phát triển đổi mới, tạo tác dụng thực tiễn của giáo lý vào đời sống xã hội là một nhu cầu bức xúc.

Trong bối cảnh ấy, Phật giáo Đại thừa xuất hiện, những người Phật tử trí thức và đầy tâm huyết muốn thấy Phật giáo có sự sống sinh động và có tác dụng tích cực như thời Đức Phật, họ đứng lên khởi xướng phong trào mới là Đại Thừa (Mahayana), tức cỗ xe lớn chứa được nhiều người đến nơi Phật quả. Phật giáo truyền thống được coi là Tiểu thừa tức cỗ xe nhỏ, ích kỷ, chỉ thành tựu A-la-hán quả.

Sự va chạm giữa Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa đã xảy ra một cách mạnh mẽ, đến độ không ai chấp nhận ai. Những kinh điển Đại thừa lần lượt xuất hiện phát dương lý tưởng Đại thừa, giải thích giáo lý mang tính tích cực và đại chúng hơn. Bát Nhã là bộ kinh lớn xuất hiện khá sớm, triển khai tư tưởng Chân không, tích cực đả phá Tiểu thừa, cho rằng Thanh văn và Duyên giác không phải là con của Phật. Kinh Hoa Nghiêm chủ trương pháp giới duyên khởi, nhưng vẫn coi Tiểu thừa là thấp kém hạ liệt. Đến Duy Ca Mật thì Tiểu thừa bị chỉ trích thậm tệ. Sự đả phá, chỉ trích lẫn nhau đã dẫn đến không chấp nhận nhau làm cho Phật giáo suy yếu. Nhu cầu về con đường hòa giải trở nên cấp thiết, xu hướng phê phán sự xung đột và mâu thuẫn trong Phật giáo ngày càng mạnh, tạo áp lực nhất định vào tâm tư của thời đại.

Trong bối cảnh đó, Kinh Pháp Hoa xuất hiện, chủ trương hòa giải mọi mâu thuẫn gay gắt của các dòng tư tưởng Phật giáo Đại thừa trước đó đối với giáo lý truyền thống, tạo sự thống nhất về tư tưởng và đường lối Phật giáo. Mặt khác, kinh Pháp Hoa cũng tổng hợp những tư tưởng cốt tủy của kinh Bát Nhã, kinh Hoa Nghiêm, kinh Duy Ma, đồng thời mở ra chân trời mới cho mọi con người trong xã hội: Mọi người đều có Phật tính và đều có khả năng thành Phật.

2. Công đức hành trì tụng Kinh Pháp Hoa

1 – Công đức thứ nhất: Chuyển phiền não thành Bồ đề

Khi hành giả thọ trì kinh, tâm duyên được với kinh và Phật, công đức lành sanh ra. Những sự ngăn che của phàm phu tự tan biến, sáu căn trở thành thanh tịnh. Tất cả phiền não trước kia tác hại hành giả bao nhiêu, nay đều chuyển thành phương tiện tốt để hành đạo.

Trước đó, khi nói pháp Tứ đế ở thành Ba la nại, Phật dạy phải đoạn trừ phiền não; vì đối với tâm lượng chán nản mệt mỏi của chúng hội bấy giờ, phiền não là chướng ngại. Ngược lại, nay tuy Bồ tát bị cách ấm, mang thân phàm phu mà cảm được kinh hay niệm danh hiệu Phật, tất cả nghiệp xấu trở thành tánh Bồ đề, ác hóa thiện. Ví như hoa sen hút bùn nhơ chuyển ra hương sen thơm ngát.

Nương công đức kinh và thần lực của chư Phật, hành giả chuyển đổi toàn bộ con người, những tâm trược ác, tham lam, ganh ghét, sân hận, si mê không còn tác dụng nữa và đổi thành tâm đại bi, nhẫn nhục, trí tuệ. Tuy nhiên, nếu hành giả khởi niệm đắc được pháp này, tức thì công đức cũng tự động tiêu tan theo vọng niệm điên đảo.

Sử dụng được công đức bất khả tư nghì thứ nhất, hành giả có khả năng hành đạo như Bồ tát Sơ địa. Chẳng những không qua giai đoạn tiệm tu của hàng Thanh văn, mà còn bỏ luôn được bốn mươi giai đoạn của Bồ tát từ Thập Tín đến Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi hướng để đi thẳng vào Bồ tát Thập Địa. Đạt được công đức thứ nhất, tự nhiên công đức thứ hai sanh ra.

10 công đức hành trì tụng Kinh Pháp Hoa không thể nghĩ bàn

2 – Công đức thứ hai: Tu một pháp thông tất cả pháp

Theo ngài Trí Giả, từ Phật giới quan sát tất cả pháp Phật dạy xuống đến tận cùng chín loài thế giới khác đều không chướng ngại. Khởi đầu, Phật nói pháp Tứ đế cho năm anh em Kiều Trần Như và các ông tiếp nhận được dễ dàng. Pháp này là tư nghì sanh diệt Tứ đế, không phải là pháp chân thật; vì có thể tu và hiểu bằng tri thức phàm phu.

Từ pháp sanh diệt lần tu lên, tâm niệm chúng hội đổi thay từng giai đoạn và nhận được nghĩa lý khác nhau. Quả vị cũng theo đó mà lớn dần, đắc được pháp Noãn, pháp Đảnh, pháp Nhẫn, quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Đến giai đoạn này, chúng hội đã bước sang bất tư nghì sanh diệt Tứ đế, vượt ngoài sự hiểu biết của loài người.

Khi đạt đến quả vị A la hán, chúng hội vượt qua ranh giới sanh diệt môn, vào cảnh giới bất tư nghì bất sanh bất diệt Tứ đế. Hành giả hoàn toàn tự tại, nói pháp không chướng ngại. Cũng những ngôn ngữ ban đầu này mà nay giải đáp được vô số bài toán của thế gian. Đó là con đường hành đạo thông thường của mọi người.

Tuy nhiên, hành giả Pháp Hoa không theo phương hướng này, hành giả đốt giai đoạn vượt bỏ thời gian bốn mươi năm theo Phật, nghe pháp, để đạt đến tiền Pháp Hoa. Hành giả dùng tâm hoàn toàn thanh tịnh, vô nhiễm trước mọi phiền não trần lao, tu một pháp thông được tất cả pháp. Ở giai đoạn này, hành giả vẫn làm công việc bên ngoài thấy tầm thường như lạy Phật, tụng kinh; nhưng tạo được lực dụng bất khả tư nghì, tự nhiên thông được tam thiên đại thiên thế giới.

Xem Thêm:   Địa ngục là gì, có thật hay không? Lúc nào thì chúng ta bị đọa địa ngục?

Hành giả thông suốt pháp Phật và căn tánh hành nghiệp của chúng sanh. Vì vậy, một câu, một chữ trong kinh giảng thành vô số nghĩa, nói một ngày, một tháng, một năm cũng không hết. Tất cả chúng sanh đến, hành giả biết chúng muốn gì, làm gì, tu pháp gì và tùy theo căn cơ mà chỉ dạy cho họ được lợi ích.

Trường hợp điển hình ở Nhật có ông Ikeda sử dụng được công đức này. Ông mồ côi cha mẹ, làm nghề bán báo, được Nhật Đạt Thượng Nhân dạy niệm Đề kinh, bất thần ông mất tướng ngọng và trở thành Pháp sư nói giỏi hơn Thầy. Nhờ niệm Đề kinh, ông thông được tất cả pháp. Nương thần lực kinh, ông tự động giải đáp được tất cả vấn đề, không phải học.

Thành tựu công đức thứ hai, hành giả tuy còn mang thân phàm phu, nhưng làm việc như hàng Bồ tát Nhị địa.

3 – Công đức thứ ba: Hành giả còn phiền não vẫn được tự tại trong ba cõi

Khi thông được tất cả pháp, hành giả qua lại ba cõi, xuống lên chín đường hoàn toàn không chướng ngại, không ô nhiễm. Mặc dù còn mang thân ngũ ấm, nhưng đã liên hệ được với chư Phật một cách tương tục, nên ra vào sanh tử tự do, từ Bồ tát giới đến địa ngục giới, tùy ý thay đổi sắc thân. Bấy giờ, hành giả đủ tư cách đảm nhiệm sứ mệnh mà Phật giao phó. Dù ở trong Nhà lửa vẫn an nhiên tự tại đưa mọi người về thế giới Cực Lạc. Đây là tư thế của Bồ tát ở Ta bà để trợ hóa cho Phật, tương đương với Bồ tát đệ Tam địa.

4 – Công đức thứ tư: Chưa độ mình mà có thể độ người

Tuy còn thân phàm phu vẫn làm bạn được với Bồ tát mười phương. Cũng như trường hợp Huệ Tư Thiền sư lập giới đàn vô tướng để đưa Trí Giả đến thế giới chư Phật, tham dự vào Bồ tát học xứ, ngang hàng với Bồ tát hành đạo trong mười phương.

Dù chỉ mới phát tâm Bồ đề, hành giả cũng được coi là Pháp vương tử, cha là Phật, mẹ là kinh Pháp Hoa. Bồ Tát mới phát tâm được ví như hoàng tử, dù còn nằm nôi vẫn được thần dân kính nể và làm bạn với các con vua khác.

Ở vị trí đồng đẳng với Bồ tát mười phương, hành giả một mặt trụ thân nơi Ta bà, một mặt tham dự các Bồ tát học xứ, trau giồi trí tuệ. Vì vậy, tuy hành giả còn nhỏ nhưng nhận được Phật lực, Pháp lực, Bồ tát lực mười phương, tạo được lực dụng bất khả tư nghì, ngày đêm đều có Thiên long Bát bộ che chở, ác ma ngoại đạo không xâm hại được.

5 – Công đức thứ năm: Tuy còn phiền não mà làm việc như có thần thông

Trì kinh Pháp Hoa đạt được bốn điều công đức nói trên, hành giả tuy còn phiền não, trông vào thực tầm thường, nhưng làm được việc phi thường. Đó là Bồ tát nội bí ngoại hiện, bề ngoài thị hiện thân phàm phu, Thanh văn, mà bên trong đầy đủ thần thông, độ được vô số chúng sanh. Việc làm của họ vượt ngoài sự thấy biết của phàm phu.

Họ hành đạo dưới dạng tâm chơn như, tác động cho người mà chính người này cũng không hay biết. Kinh ví họ như Long cung thái tử, mới sanh bảy ngày đã có thể làm mây nổi lên và mưa tuôn xuống. Hành giả ở giai đoạn này ngang với Bồ tát đệ Ngũ địa.

6 – Công đức thứ sáu: Tuy còn phàm phu mà làm cho người dứt phiền não

Hành giả còn đủ phiền não ràng buộc, nhưng đã là bóng mát nương tựa cho chúng sanh. Những tâm hồn đau khổ tuyệt vọng đến độ có thể tan thân mất mạng, nếu đến với hành giả đều được bình ổn. Thậm chí chỉ nghe tên, hoặc chỉ nghĩ đến hành giả, cũng nhận được sự an lành.

Nương công đức kinh, hành giả trấn át được nghiệp lực chúng sanh, trong nhứt thời, ngang hàng với đệ Lục địa Bồ tát. Được công đức thứ sáu này, lời nói nào của hành giả cũng thành sự thật, mọi người nương theo tu hành đều đắc pháp, đắc quả. Kinh ví như hoàng tử còn nhỏ mà nhờ uy đức của vua cha nên cai trị được toàn dân. Hành giả cũng vậy, tuy còn ở địa vị phàm phu, nhưng nhận được Phật lực truyền vào, thay thế chư Phật giáo hóa chúng sanh, mọi việc làm đều là Phật sự.

7 – Công đức thứ bảy: Tự nhiên được Ba la mật và các thần thông

Đồ chúng của Phật như ngài Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề, v.v… theo Phật từ ban đầu, gia công tu hành ba mươi bảy Trợ đạo phẩm chứng Diệt đế Niết bàn.

Nay hành giả Pháp Hoa không tu ba mươi bảy phẩm Trợ đạo mà tự nhiên các Trợ đạo phẩm đều thành tựu. Thật vậy, hành giả không cần phải trải qua nhiều kiếp để tu pháp đoạn dục khử ái, chỉ nhứt tâm thọ trì kinh Pháp Hoa, thì tự động nhàm chán mọi đắm say dục lạc thế gian. Hoặc hành giả không tu Bát Chánh đạo, pháp này cũng tự thành tựu; vì trong một niệm tâm thanh tịnh tương ưng với kinh, thấy đúng như thực, không còn tà dại. Chẳng những ba mươi bảy phẩm Trợ đạo mà cả sáu pháp Ba la mật, hành giả cũng không tu, nhưng tự nhiên chứng được.

Tuy nhiên, đó không phải là thực chứng như hàng A la hán, Bồ tát đạt được. Hành giả nương vào công đức kinh và thần lực chư Phật có được những pháp bất khả tư nghì này. Ngược lại, chỉ khởi một niệm tăng thượng mạn, liền rớt trở lại thân phận hẩm hiu của phàm phu.

8 – Công đức thứ tám: Những người chống trái trở thành thuận hòa

Hành giả có khả năng làm cho người phát tâm Bồ đề. Người đến với hành giả thực sự không phát tâm, nhưng nhờ nương công đức kinh, hành giả chuyển đổi được họ.

Bồ tát sơ tâm khởi một niệm thanh tịnh duyên với kinh, sẽ khơi dậy tâm Bồ đề cho người khác; nhưng niệm sau không thanh tịnh, nên không trưởng dưỡng được Bồ đề tâm này một cách liên tục. Ngược lại, các vị Bồ tát lớn thanh tịnh miên viễn, công đức tròn đầy, bất cứ lúc nào nghĩ tưởng đến các ngài, chúng sanh đều được thanh tịnh.

9 – Công đức thứ chín: Túc nghiệp dứt, được nhạo thuyết biện tài, chứng được Đà la ni

Đến giai đoạn này, những nghiệp còn lại nhứt thời đều tan hoại và hành giả được nhạo thuyết biện tài, chứng được Đà la ni, tương đương với Bồ tát Cửu địa. Bấy giờ hành giả thông suốt mọi vấn đề không cần phải học, như hai vợ chồng ông Okano ở Nhật được gọi là ông Hòa thượng, là một người thợ sửa radio tầm thường.

Khi ông phát tâm Bồ đề, nương công đức kinh tu tập, cuộc đời hai người hoàn toàn đổi mới. Từ một người thợ tầm thường, cả hai ông bà trở thành Pháp sư nổi tiếng, nhạo thuyết biện tài. Bất cứ người nào đến với ông bà cũng tìm được sự bình an cho tâm hồn. Vì độ cảm kinh và lòng từ bi của ông bà liên tục nên công đức sử dụng và phước báo không thay đổi.

Đắc được pháp này, tuy còn ở địa vị phàm phu, đã phân thân đi giáo hóa khắp thế giới, thậm chí dạy cả loài thú tu hành. Hành giả thuyết pháp, khuyên dạy dưới dạng con người thứ hai, nên chính hành giả cũng không biết. Vì vậy, mà từ loài người đến loài cầm thú cảm ơn giáo hóa, kéo đến quy ngưỡng.

10 – Công đức thứ mười: Phàm phu thân hành Bồ tát đạo

Sử dụng được công đức thứ mười, hành giả tương đương với Bồ tát Đẳng giác, tuy còn ở chốn phàm phu đã phát được a tăng kỳ thệ nguyện. Tình thương của hành giả bằng với Quan Âm, phổ cập đến muôn loài mọi giới, nhứt thời đầy đủ mười hạnh nguyện của Phổ Hiền.

Nương công đức kinh, hành giả giáo hóa được khắp mười phương; nhưng một niệm vọng động khởi lên, liền rớt trở lại thế giới phàm phu. Tuy nhiên, hành giả vẫn nhận được công đức từ các thế giới kia gởi về, nghĩa là bị đọa mà vẫn tu được.

Xem Thêm:   Công đức của người giữ giới không dâm dục, tà dâm

Mười công đức nói trên được Đức Phật xác định chỉ có Bồ tát nhân gian mới sử dụng được. Bồ tát nhân gian là Bồ tát vì thương chúng sanh trở lại cõi Ta bà để hóa độ. Các ngài thọ ngũ ấm thân, nên bên ngoài vẫn có phiền não trần lao như mọi người, còn bị nghiệp tập quán chi phối, nhưng bên trong hoàn toàn thanh tịnh. Khi thọ trì kinh, trong ngoài đều thanh tịnh, đương nhiên phá được bức màn vô minh thông từ trong ra ngoài và lúc trở lại tư thế phàm phu, các ngài vẫn thanh tịnh.

Vì vậy, Phật nói Bồ tát hiện vào Ta bà độ sanh có kinh bảo vệ, không sợ mất kiếp. Ngược lại, chúng phàm phu trong ngoài đều nhiễm ô, nghiệp chủng tử là nghiệp tội lỗi, chưa đối cảnh mà tâm ác đã hiện ra. Đây là chúng sanh phàm phu điên đảo vì năm món dục trôi lăn trong sanh tử, không thể sử dụng được phần công đức này. – “(Trích Lược giải Kinh Pháp Hoa – HT.Thích Trí Quảng)”.

3. Đọc tụng kinh Pháp hoa đúng pháp

Ngược dòng lịch sử trở về quá khứ, khi Phật thành Vô thượng Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng, Ngài thuyết kinh Hoa nghiêm, nhưng chỉ có chư Phật hiểu và các vị Bồ-tát từ Thập địa trở lên mới có thể lãnh hội.

Hàng Nhị thừa trở xuống không biết, vì trí giác của Phật thành đạo là đỉnh cao của tâm linh, nên khi đó, Phật thuyết trong thiền định. Kinh Nguyên thủy diễn tả là Phật yên lặng không nói. Theo kinh Đại thừa, không nói là nói, tức Phật không sử dụng ngôn ngữ, nhưng Ngài sử dụng pháp âm.

Về mặt ngôn ngữ thì còn trong vòng tương đối. Vì vậy, có nhiều người sử dụng ngôn ngữ để truyền bá pháp Phật, nhưng ngộ được giáo pháp thì ít người được. Pháp ngữ quan trọng và muốn nhận được pháp ngữ, cần nương vào ngôn ngữ, văn tự. Nhưng nếu kẹt nhiều vào ngôn ngữ, văn tự, chắc chắn không thể đạt kết quả tốt.

Khi Phật Niết-bàn, Ngài mới thuyết kinh Pháp hoa. Thời pháp đầu tiên là kinh Hoa nghiêm và kết thúc là Pháp hoa, Phật cũng trở về trạng thái yên lặng, mới có pháp chân thật. Ở khoảng giữa, Phật nói kinh A-hàm, Phương đẳng, Bát-nhã. Chỉ có Phật giáo Đại thừa mới ghi nhận điều này và ý này được Thiên Thai Trí Giả đại sư phán giáo năm thời kỳ như vậy.

Còn Phật giáo Nguyên thủy không ghi nhận năm thời kỳ Phật nói pháp theo Đại thừa, mà chỉ ghi nhận rằng Phật thuyết Tứ Thánh đế lần đầu ở Lộc Uyển và có năm Tỳ-kheo đắc La-hán. Từ đó mới có giáo pháp trên thế gian và trong suốt thời gian dài, Phật giáo hóa độ sanh cho đến Phật Niết-bàn ở Sa la song thọ là đầy đủ một đời Phật thuyết pháp.

Kinh Nguyên thủy chỉ ghi nhận như vậy và mở thêm cho chúng ta thấy khi các Tỳ-kheo tập hợp, có Di Lặc xuất hiện. Di Lặc hành Bồ-tát đạo và ngài được Phật Thích Ca thọ ký thành Phật. Các Tỳ-kheo khác, hay tất cả mọi người chỉ hành Thanh văn đạo, đạt đến quả vị cao nhất của Thanh văn là A-la-hán.

Điểm này mở ra hướng mới cho người tu Đại thừa đi sâu tìm giáo nghĩa. Các người tu theo Nam truyền Phật giáo đều công nhận Phật Thích Ca và Di Lặc do hành Bồ-tát đạo mà thành Phật. Còn Tăng Ni tu Thanh văn đạo không thành Phật. Vì hành Bồ-tát đạo đòi hỏi năng lực siêu nhiên, cho nên Thanh văn không dám nghĩ đến, huống chi là làm, đương nhiên không thể làm được; đó làm điểm khác biệt giữa Thanh văn và Bồ-tát. Di Lặc làm gì mà được Phật giáo Nguyên thủy công nhận làm Phật, nghĩa là hơn Thánh Tăng.

Theo Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Đại thừa cũng đều ghi rằng Phật đến dòng sông Ni Liên ném bát xuống. Ngài phát nguyện rằng nếu Ngài đắc Vô thượng Bồ-đề, cho bát này trôi ngược dòng về nguồn. Và chư Thiên đã đỡ bình bát, đưa về nguồn.

Trên bước đường tu, điều này là ấn chứng rất quan trọng, không phải tu là được. Nếu không có chư Thiên hộ trì, khó đạt tới điểm tối hậu. Riêng chúng ta nếu được chư Thiên hộ trì, mới hành Bồ-tát đạo được.

Khi Phật xuất gia, từ bỏ gia đình, quyến thuộc, chỉ còn một thân, một bát, một y, Ngài vào rừng ẩn tu. Thời gian này là tu Thanh văn đạo, ẩn cư, ẩn tu, tức xuất gia, tu cho chính bản thân mình và đến thời cuối cùng, chấm dứt Thanh văn đạo là đắc Thánh quả A-la-hán.

Chúng ta phải trải qua Thanh văn đạo, chứng A-la-hán và từ tâm thanh tịnh của La-hán phát tâm Đại thừa hành Bồ-tát đạo, mới có nguyện độ sanh.

Giai đoạn một, xuất gia là phải lo phần mình, gọi là tự độ. Vì vậy, Phật nói rằng Ngài đi tìm con đường cứu độ chúng sanh và tìm được, mới phát tâm cứu chúng sanh. Và Ngài phát nguyện ném bát xuống sông, xem mình hành Bồ-tát đạo được không.

Theo dấu chân Phật, ngày nay, chúng ta muốn làm việc lớn cũng có phát nguyện xem có ứng hay không, không ứng thì không làm được. Riêng tôi, muốn làm gì là nguyện và tôi làm thí nghiệm xem việc này có thành không. Ngày xưa, người ta có truyền thống, trong chùa có hai thanh tre, đối trước bàn Phật, hay bàn Tổ, hoặc cầu thần thánh, báo ứng xem việc được hay không, bằng cách ném hai thanh tre lên, nếu một thanh ngửa, một thanh úp là được. Hoặc dùng hai đồng xu ném lên, một đồng úp, một đồng ngửa là thần thánh chứng.

Phật ném bát xuống sông. Bát bằng đất mà rớt xuống sông thì phải chìm, nếu không chìm cũng phải trôi xuôi dòng, nhưng bát của Phật ném xuống sông chẳng những không chìm, mà bát nổi lên và trôi ngược dòng về nguồn.

Tôi nhận ra ý này rằng hành Bồ-tát đạo thật gian nan. Tìm giải thoát cho mình thì dễ, nhưng làm cho người hiểu mình, làm cho họ giải thoát được và có kết quả như mình, khó vô cùng. Thí dụ tôi hoằng pháp trên ba mươi năm, đào tạo không biết bao nhiêu giảng sư. Mong họ làm như tôi, nhưng quả thật khó quá, mỗi người đều làm theo họ, không làm như mình được.

Vì vậy, hành Bồ-tát đạo, độ chúng sanh rất khó. Ngược dòng sinh tử, lên Niết-bàn không đơn giản. Vì vậy, trong kinh Pháp hoa, phẩm 11, tháp Đa Bảo xuất hiện, Phật nói lúc này mới có kinh Pháp hoa. Ai muốn phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo trong tương lai thì lúc này nên phát nguyện. Như vậy, từ phẩm 1 đến phẩm thứ 10 chưa có kinh Pháp hoa, vì Phật nói đến phẩm thứ 11 mới có kinh Pháp hoa, nhưng chúng ta cũng không thấy kinh Pháp hoa. Và Phật nói tiếp phẩm Trì thứ 13 và phẩm An lạc hạnh thứ 14, chúng ta cũng không thấy kinh Pháp hoa.

Trở lại vấn đề thọ ký, theo Phật giáo Nguyên thủy, Phật chỉ thọ ký Di Lặc thành Phật. Và Phật Niết-bàn, Ngài giao y bát cho Ca Diếp, bảo rằng Ca Diếp giữ y, đến khi Di Lặc hạ sanh thì giao y cho Di Lặc. Ca Diếp nhận sự huyền ký này xong và nhận y rồi, ngài đứng trước núi Kê Túc chắp tay nguyện, núi tự mở ra và ngài bước vào, núi tự khép lại. Ngài ở trong núi Kê Túc chờ Đức Di Lặc ra đời. Vì vậy, ngày nay, chúng ta tu Thanh văn, chỉ giữ y bát.

Muốn hành Bồ-tát đạo, chúng ta phải phát nguyện. Trong kinh Pháp hoa, phẩm thứ 3 và các phẩm kế tiếp, Phật thọ ký cho Xá Lợi Phất, Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Phú Lâu Na, năm trăm vị La-hán và A Nan, La Hầu La cùng hai ngàn vị từ Sơ quả đến Tam quả, đều sẽ thành Phật. Như vậy, Phật thọ ký cho các vị Thánh Tăng thành Phật.

Phật thọ ký cho hàng Thanh văn xong, mở cánh cửa cho chúng ta tu Pháp hoa, nhưng chúng ta nghĩ Thánh Tăng được Phật thọ ký, thì chúng ta không được sao. Đến phẩm thứ 10, Phật mở cánh cửa rộng thêm nữa để chúng ta có điều kiện tham gia và Ngài thọ ký cho tất cả mọi người: “Tất cả Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Thiên long Bát bộ, người cầu Thanh văn, người cầu Bồ-tát, hay cầu Phật đạo, mà ở trước Phật nghe kinh Pháp hoa một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ, Ta đều thọ ký Vô thượng Bồ-đề”.

Đến đây, Phật bắt đầu thọ ký cho những người đương cơ. Khi Phật tại thế, người đến dự hội Pháp Hoa, Phật thọ ký cho họ, nếu phát tâm hành Bồ-tát đạo, độ chúng sanh.

Xem Thêm:   Nghi Thức Trì Tụng Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện

Chúng ta sanh cách Phật mấy ngàn năm, cũng được Phật thọ ký. Thật vậy, trong câu tiếp theo, mới có phần thọ ký cho chúng ta: “Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người nào thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép Diệu pháp liên hoa, phải biết người này đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì thương nhân gian mà sanh lại đời. Nếu ai chê họ, tội còn nặng hơn hủy báng Tam bảo. Còn ai khen ngợi thì được công đức vô lượng vô biên, vì kinh này là bí yếu của Phật. “Sau Phật diệt độ, nếu ai thọ trì, thì được chư Phật hộ niệm, có đức tin lớn, chí niệm bền vững và được gần Phật, được Phật thọ ký…”.

Qua đoạn kinh trên, chia ra ngũ chủng Pháp sư là năm hạng người được thọ ký. Vì vậy, nếu chúng ta có thực tập theo Phật dạy và có niềm tin vững mạnh ở Phật, sẽ được thọ ký.

Riêng tôi, sáu mươi năm trước, tôi nhận được bộ kinh Pháp hoa do Hòa thượng Đạt Dương tặng cho. Tôi đã chuyên tâm thọ trì kinh này.

Một là đọc tụng kinh, ai cũng làm được. Có người nghĩ rằng tụng kinh suốt đời mà không được gì. Điều này chúng ta nên cân nhắc. Mới ban đầu, ai cũng phải đọc kinh, sau là tụng kinh, nghĩa là đọc nhiều lần mới hiểu từng chữ từng câu, từng ý. Tôi hiểu kinh Pháp hoa nhờ trải qua quá trình miệt mài tụng kinh này lâu dài.

Người thấp nhất chỉ đọc kinh, nhưng mới có niềm tin thôi, chưa hiểu nghĩa lý kinh. Và nếu cảm thấy thích thì đọc nhiều lần gọi là tụng, cho đến trở thành thói quen tụng kinh. Ngày nào không tụng kinh có cảm giác thiếu hụt và thấy bất an. Còn tụng kinh mỗi ngày thấy an vui và công việc được dễ dàng, đó là kết quả đầu tiên của việc tụng kinh. Cũng như không ăn thấy đói, không tụng kinh thấy thiếu, thì biết kinh là thức ăn của tinh thần mình, là thức ăn của Pháp thân Bồ-tát.

Nhờ tụng kinh lâu, Pháp thân hiện ra, không vướng bận với thực phẩm nữa. Đạt được thành quả như vậy, chúng ta cần tụng kinh hơn là ăn và tụng kinh, quên cả đói là biết Pháp thân Phật đã hiện vào tâm mình và biết Hộ pháp Long thiên bắt đầu che chở mình, giúp mình thoát khỏi nạn tai để hành Bồ-tát đạo.

Tôi có kinh nghiệm này. Nhớ lại năm 1963, tôi tham gia phong trào tranh đấu của Phật giáo, tôi bị bắt vô tù và trải qua những chỗ rất nguy hiểm. Nhưng tôi tới đó, không thấy nguy hiểm. Lúc đó, tôi sẵn sàng chấp nhận tai họa giáng lên mình và nghĩ rằng nếu được chết vì đạo cũng vui. Và tôi tới chỗ khó khăn khác, lại có may mắn khác. Họ đưa tôi tới Tổng nha được coi là địa ngục trần gian. Trong phòng nhỏ, họ nhốt mấy chục người, không ai mặc áo và ngồi chung quanh một thùng phân. Đến trước phòng đó, họ định đẩy tôi vô, nhưng tự nhiên họ cảm thấy nặng lòng sao đó, nên không đẩy tôi vô, bảo tôi đứng ở ngoài và khóa phòng lại, rồi nói rằng chắc thầy ở đây không được! Đầy người rồi, không vô được. Thầy ngồi đây, đừng đi đâu nhe.

Theo tôi, quyết tâm tu hành, sẽ có may mắn ngoài sức hiểu biết bình thường. Trước mắt, rõ ràng tai họa có thể giáng lên mình, nhưng tự nhiên, mình lại thoát nạn một cách dễ dàng, không thể tưởng nổi. Vì vậy, tôi tin chắc có Phật hộ niệm, có Hộ pháp Long thiên gia hộ cho mình trên bước đường tu. Chúng ta chưa làm nổi như Phật là ném bát trôi ngược dòng sông, nhưng được an lạc, nhờ niềm tin kiên cố ở Phật.

Tôi nhớ lại xưa kia Hòa thượng Trí Hữu ở chùa Ấn Quang, ngài đốt rụng ngón tay, sau khi trì xong bộ kinh Pháp hoa. Tôi hỏi ngài có nóng không, có đau không. Hòa thượng nói nếu nóng, đau thì làm sao dám đốt. Ngài chuyên tụng kinh Pháp hoa, tạo thành lực gia trì khiến chùa Ấn Quang trở thành Phật học đường Nam Việt đào tạo nhiều bậc Tăng tài. Phải nói đó là công đức lớn của ngài.

Và đặc biệt hơn nữa, Hòa thượng Quảng Đức ngồi an nhiên bất động trong ngọn lửa thiêu cháy ngài. Ngọn lửa vị pháp thiêu thân của ngài đã làm chấn động thế giới, chấm dứt được tai ương giáng lên Tăng Ni, Phật tử và đem lại sự an bình cho Phật giáo chúng ta thời bấy giờ. Đó là hai vị chuyên tụng kinh Pháp hoa đã thành tựu công đức lực bất khả tư nghì.

Có thể phân ra đọc tụng Pháp sư và trì kinh Pháp sư. Đọc kinh thì ai cũng đọc được. Nhưng sang giai đoạn hai cao hơn là trì kinh. Đọc kinh tuy thấy đơn giản, nhưng quan trọng là phải đọc mà thâm nhập được lý kinh thì thân tâm hành giả và tất cả hành động của hành giả đều là Pháp hoa. Được như vậy là trì kinh Pháp hoa, tức Pháp hoa đã có đủ, thể hiện trọn vẹn trong ba nghiệp thân, khẩu, ý của hành giả. Bấy giờ, trì kinh không đọc tụng kinh, vì kinh Pháp hoa đã đầy bên trong, nên họ nói gì cũng là Pháp hoa.

Riêng tôi đọc tụng kinh Pháp hoa nhiều năm, nên từ trong tâm tôi thoát ra, hình thành Bổn môn Pháp hoa kinh. Bổn là bổn tâm, từ gốc tu do giai đoạn trì kinh sanh ra.

Tôi học đọc kinh theo Hòa thượng Trí Hữu, đọc kinh mà đốt bứt ngón tay không cảm giác nóng, thể hiện tâm an nhiên tự tại, vượt khỏi sự chi phối của lực tác động bên ngoài. Và tôi học trì kinh theo Hòa thượng Quảng Đức. Ngài là trì kinh Pháp sư đạt được kết quả siêu tuyệt là cứu được Phật giáo Việt Nam thoát khỏi thảm sát chết chóc, tù đày.

Ngộ được yếu lý này, Hòa thượng Trí Hải phát nguyện tụng một ngàn bộ kinh Pháp hoa. Nhưng tụng được sáu trăm bộ kinh, ngài suy nghĩ sâu xa, thấy được nghĩa kinh thì đất nước hòa bình, thống nhất. Tôi nói với Hòa thượng rằng còn bốn trăm bộ kinh Pháp hoa để con tụng thay cho ngài. Thầy khác nghe nói như vậy, mới hỏi rằng tôi còn phải làm nhiều việc của Giáo hội, làm sao có thì giờ tụng bốn trăm bộ kinh Pháp hoa. Tôi nhận làm việc này, nhưng cũng không thấy tôi tụng kinh.

Vì tôi đã nhận được yếu lý của việc tụng kinh Pháp hoa từ Hòa thượng Quảng Đức. Thật vậy, bốn trăm bộ kinh Pháp hoa mà tôi nhận tụng thì giữa tôi và Hòa thượng Trí Hải biết mà thôi và người ta cũng không thấy tôi làm việc này. Nhưng có thể khẳng định rằng tôi vẫn tiếp tục tụng bốn trăm bộ kinh Pháp hoa theo phương cách của tôi, không ai biết. Nói rõ hơn, trong ba mươi năm hoằng pháp, tôi đã truyền bá kinh Pháp hoa từ Nam ra Bắc, từ Cà Mau đến Móng Cái. Tôi đã kiến lập đạo tràng cho nhiều người tu, tức mở rộng Phật giáo đến mọi nhà. Đó là yếu lý của trì tụng kinh Pháp hoa.

Hòa thượng Quảng Đức tụng kinh Pháp hoa, ngài không ở yên một chỗ. Ngài ra miền Trung, sang Lào, Campuchia để lập chùa, làm cho nhiều người phát tâm tu theo Phật. Ngài đã trì tụng kinh Pháp hoa.

Cảm nhận điều cao quý này, tôi nói:

Bồ-tát đi vào đời
Sen nở khắp muôn nơi
Trang nghiêm cho cuộc sống
Ôi, thật đẹp tuyệt vời.

Không phải ôm kinh tụng suông, nhưng tụng kinh cho đến trì kinh là sen nở, tức thể hiện những việc làm tốt đẹp, tỏa hương thơm đạo hạnh làm cho người phát tâm sống theo pháp Phật.

Phật tử sơ phát tâm tu Pháp hoa, đầu tiên thực tập pháp dễ nhất là đọc tụng kinh Pháp hoa, nương vào văn tự kinh, để nghĩa lý kinh thâm nhập vào tâm chúng ta, thể hiện thành lời nói và hành động khiến cho người phát tâm, an vui, gọi là Pháp hoa tâm, Pháp hoa hạnh. Đó là lộ trình hành Bồ-tát đạo theo tinh thần Pháp Hoa.

Tôi mong các hành giả có duyên với Pháp hoa, tinh tấn đọc tụng kinh Pháp hoa, hành trì kinh Pháp hoa, để gặt hái được những thành quả tốt đẹp dâng lên cúng dường Phật sau ba tháng an cư tu tập. – “HT.Thích Trí Quảng!”

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

582 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog