Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ cả đời dành trọn tâm tư, công sức nghiên cứu sách vở, tu tập. Ngài không chỉ là bậc cao tăng, mà còn là một nhân cách lớn, vĩ đại, không màng khó nhọc để góp phần phát triển và đóng góp cho nền Phật giáo nước nhà.
Tiểu sử Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ
Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ, có thế danh là Bùi Văn Quý, sinh ngày 12/4/1917 tại thôn 5, xã Phùng Thiện, tổng Bồng Hải, nay là thôn Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, thuộc tỉnh Ninh Bình. Thân phụ của ngài là cụ ông Bùi Quang Oánh, còn thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Thịnh. Song thân của ngài đều là những Phật tử chính thống, có niềm tin tưởng vào Phật giáo và tu hành. Ngài là người con thứ 2 trong gia đình có tất cả là 3 anh em.
Vốn được sinh ra trong gia đình có truyền thống tu hành, tín ngưỡng Phật pháp, cho nên niềm cảm thụ và yêu thích đạo Phật của ngài đã sớm nảy nở. Khi lên 9 tuổi (tức là vào năm 1925), Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã được song thân cho đến chùa ở với Sư cụ Thích Đàm Cơ, trụ trì chùa Phúc Long, thôn Phú An, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tại đây, ngài đã được Sư cụ cho theo học chữ Nho với cụ đồ Lê Hiệng nổi tiếng trong vùng.
Quá trình tu hành và đạo nghiệp của Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ
Vào năm 1929, khi ngài được 13 tuổi, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã được Sư cụ cho đến làm đệ tử của Sư tổ Thích Nguyên An, trụ trì chốn tổ Vọng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Trải qua 3 năm tu học chăm chỉ và nghiêm túc, đến năm ngài 16 tuổi (tức là vào năm 1932), ngài đã được Sư tổ Vọng cho thụ giới Sa-di tại Giới đàn hạ trường chùa Đống Cao, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Vào năm 1934, khi ngài được 18 tuổi, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã đến theo học cùng với Sư tổ Thích Quảng Tốn, trụ trì tổ đình Viên Minh, thôn Khai Thái, xã Tầm Khê, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay là xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội). Đến năm 1936, khi ngài vừa tròn 20 tuổi, ngài đã được thụ Cụ túc giới và Bồ-tát giới tại Đại giới đàn tổ đình Viên Minh, do Sư tổ Thích Quảng Tốn làm Đàn đầu Hòa thượng.
Sau khi đã được thụ đầy đủ giới pháp, ngài đã bắt đầu quá trình đi tứ phương để cầu đạo. Ngài đến theo học ở hầu hết các sơn môn, tổ đình lớn thời bấy giờ như sơn môn Tế Xuyên, sơn môn Hương Tích, tổ đình Vĩnh Nghiêm…
Từ năm 1952 trở về sau, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ vẫn du hành cầu đạo tại chùa Linh Ứng, thôn Kim Đới I, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Đến năm 1957, ngài lại trở về hầu thầy phụng Phật tại tổ đình Viên Minh, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
Năm 1961, Sư tổ Thích Quảng Tốn trụ trì đời thứ hai tổ đình Viên Minh viên tịch, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã được lựa chọn làm người kế tục để làm trụ trì đời thứ ba tổ đình Viên Minh từ đó cho đến ngày nay.
Đến năm 1987, Đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử ba vị cao Tăng là cố Hòa thượng Thích Kim Cương Tử, cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu và cố Hòa thượng Thích Tâm Thông về tổ đình Viên Minh mời Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ lên Hà Nội để chủ trì hiệu đính Đại tạng kinh Việt Nam và tham gia các hoạt động Phật sự của Giáo hội.
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VI (2007), ngài đã được Đại hội suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trở thành Pháp chủ thứ ba của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ đó đến nay, trải qua các nhiệm kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012), VIII (2017), Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ luôn luôn được Đại hội suy tôn ngôi vị Thiền gia Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày mà ngài viên tịch.
Đồng thời ngài cũng đã nhiều năm liền giữ ngôi vị Đường chủ của các trường hạ tại Hà Nội, Hưng Yên,… cũng như ngôi Đàn đầu Hòa thượng trong rất nhiều Đại Giới Đàn tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Bên cạnh việc đảm nhiệm các chức vụ Giáo hội, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ cũng tích cực tham gia tổ chức xã hội khác nhau như: Ủy viên ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tây; ủy viên ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiều khóa liên tiếp.
Những chức vụ mà Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã từng đảm nhiệm
– Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tây (1993–2008)
– Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Hà Tây (1993–2008).
– Ủy viên Kiêm soát Hội đông Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (1992–1997)
– Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN (1997–2007)
– Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội (2003–2007).
– Tổng Biên tập tạp chí Nghiên cứu Phật học (2003–2007)
– Phó Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN.
– Phó ban Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN (1997–2007).
– Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2002–2007).
– Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2007–2021).
Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch
Trải qua 105 năm hiện diện ở cõi sa-bà, với 85 hạ lạp, trên ngôi vị Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã trọn đời hiến dâng thân mình cho lý tưởng hoằng pháp, phổ độ chúng sinh. Công đức của ngài đã góp phần to lớn vào sự nghiệp làm rạng danh đạo Phật và dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của ngài từ lúc sơ tâm xuất gia cho đến lúc hóa duyên luôn luôn là tấm gương sáng trong công phu tu thân, hành đạo cho cả giới xuất gia và tại gia biết đến và học học. Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ luôn lấy giới hạn kinh nghiệm làm thân giáo để răn dạy, viết sách để dạy học. Cuộc đời ngài chính là biểu tượng cho tinh thần Bi – Trí – Dũng mà Phật giáo đã răn dạy.
Đặc biệt, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã rất tận tâm, tận lực chuyên tâm vào sự nghiệp hoằng dương chính pháp, phục vụ nhân sinh, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh, góp phần khiến nền Phật giáo Việt Nam ngày càng trở nên mạnh mẽ và phát triển hơn bao giờ hết.
Khi thời khắc thiêng liêng tương hội, công đức hóa duyên của ngài đã viên mãn, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã viên tịch vào hồi 3 giờ 20 phút ngày 21/10/2021 (tức ngày 16/9 năm Tân Sửu) tại tổ đình Viên Minh, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
Ngài ra đi đã để lại trong lòng môn đồ chúng Tăng ni, Phật tử Việt Nam cả trong và ngoài nước niềm kính thương vô hạn, tiếc nuối vô cùng. Ngài ra đi nhưng cuộc đời đạo hạnh của ngài mãi mãi sáng chói trong trang sử huy hoàng của nền Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.
Một số tác phẩm tiêu biểu của Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ
Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ khi còn đương thời là bậc cao tăng, thông tuệ am hiểu Tam tạng Thánh giáo, đặc biệt ngài vô cùng tinh thông kim cổ và là người có những đóng góp không nhỏ trong việc biên soạn, dịch thuật. Một số tác phẩm do ngài biên soạn có thể kể đến như:
– Đại Từ điển Phật học
– Dư Âm Bát Nhã
– Đề cương kinh Pháp Hoa
– Kinh Bách Dụ
– Phật Tổ tam kinh
– Phật học là tuệ học
– Kinh Di-đà Viên Trung sao.
– Bát-nhã Dư âm
– Luật Tỷ-khiêu-ni lược ký.
Bên cạnh một phần nhỏ tác phẩm của ngài đã được xuất bản rộng rãi, hầu hết các tác phẩm dịch thuật chỉ được in ấn và lưu hành nội bộ trong sơn môn, thành hội,…
Ngoài những tác phẩm biên soạn, dịch thuật về Phật học đã nêu trên, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ cũng sáng tác một số bài thơ Đường luật, theo thể thất ngôn bát cú để sách tiến hàng hậu học như: Mừng khai giảng khóa II, Trường Trung cấp Phật học Hà Tây; Cỗ tết nhà Chùa và Cảnh chùa Viên Minh,… Các bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm.