Thiền Tông là gì
Pháp Giới 8 tháng trước

Thiền Tông là gì

Chữ Thiền vốn là tiếng Phạn, dịch là thiền na, nghĩa là tỉnh lự. Thiền Tông tức là Thiền trong tông môn, còn gọi là “Vô Thượng Thiền”. Đây là pháp mà tâm tâm tương ưng, truyền ngoài giáo lý; Không lập văn tự, đi thẳng đến pháp môn vô thượng!  Bởi thế cho nên chư Tổ bảo: Nếu trong thiền đường có người tham thấu nghi tình, ngồi tòa thiền cắt đứt mệnh căn, tức đồng Như Lai không khác. Thế nên, thiền đường cũng gọi là ‘Tuyển Phật Trường’, hay ‘Bát Nhã Đường là như thế.

  • Cảnh tỉnh về tu tập 42 Thủ nhãn ấn pháp.
  • Thần thông trong Phật pháp.
  • Cảnh giới trên bước đường học Phật
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • 10 Chuyện tâm linh có thật.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Thiền Tông là gì
Thiền Tông là gì

Pháp này được gắn liền với điển tích tại Pháp hội Linh Sơn: Lúc Phật còn tại thế, lần nọ đang ngồi trên pháp tòa, có vua trời Đại Phạm bay xuống dâng hoa Kim Đàn cúng dường. Đức Phật liền đưa cành hoa Kim Đàn lên để dạy đại chúng. Lúc ấy, dưới tòa, đại chúng trời người, đều không hiểu chi hết, duy chỉ có tôn giả Ma Ha Ca Diếp tủm tỉm mỉm cười. Đức Thế Tôn bảo: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay đem phó chúc cho ông.”

Thiền Tông là pháp tu cao siêu, vô cùng khó, chỉ dành cho bậc thượng thượng căn, giới hạnh cực tinh nghiêm… Chớ không phải thứ Ma pháp mạo danh Thiền Tông, đang rêu rao những: Phật giới; Công thức thành Phật…

Thiền Tông là gì

Thiền tông chính là pháp môn tâm địa. Sau Tổ Ma Ha Ca Diếp, Thiền tông được triển chuyển, truyền từ Ần Độ qua Trung Quốc. Đến đại sư Huệ Năng, là tổ thứ sáu ở Trung Hoa, được trao y bát, lưu truyền chánh pháp. 

Lúc Phật còn tại thế, lần nọ đang ngồi trên pháp tòa, có vua trời Đại Phạm bay xuống dâng hoa Kim Đàn cúng dường. Đức Phật liền đưa cành hoa Kim Đàn lên để dạy đại chúng. Lúc ấy, dưới tòa, đại chúng trời người, đều không hiểu chi hết, duy chỉ có tôn giả Ma Ha Ca Diếp túm tím mỉm cười. Đức Thế Tôn bảo: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay đem phó chúc cho ông.” Đó là truyền ngoài giáo lý, không lập văn tự, đi thẳng đến pháp môn vô thượng. 

Người sau mù mờ, cho đó là thiền mà chẳng biết rằng: Trong kinh Đại Bát Nhã, có kể đến hơn hai mươi loại thiền, mà tất cả đều không phải là cứu cánh. Duy thiền trong tông môn là không lập giai cấp, chỉ thẳng vào đất tâm, thấy tánh thành Phật. Tông môn này, kể từ tổ Ma Ha Ca Diếp truyền cho đến ngày nay, trải qua sáu bảy mươi đời. Triều đại Đường và Tống (619-1278), gió thiền lan khắp thiên hạ, hưng thịnh một thời. Hiện tại, thiền tông đến thời kỳ suy vi tột bậc, nhân tài như lá mùa thu. Người Ngộ đạo khắp thế gian còn chẳng có mấy người, huống nữa là Chứng đạo mà liễu sanh thoát tử.

Thiền Tông: Cần hiểu đúng về Cơ phong chuyển ngữ để minh tâm kiến tánh

Khi Thiền Tông còn hưng thịnh, chư Tổ Sư khi quán xét căn cơ từng người mà dùng Cơ phong chuyển ngữ (Tức Hỏi ở nơi đáp, đáp ở nơi hỏi.) để giúp người đoạn nghi khai ngộ. Cơ phong chuyển ngữ là những câu Thiền ngữ giúp cho đương cơ triệt ngộ thiền cơ, minh tâm kiến tánh. Cơ phong còn gọi là công án:

Chẳng hạn như “Phật là gì?” Thiền Sư bèn đáp “con mèo trèo lên cây cột”; Hoặc giơ nắm tay, dựng đứng phất trần; Hoặc nói, hoặc im lặng, mọi thứ tác dụng đều thuận theo căn cơ của người đến tham vấn để chỉ quy hướng thượng. Những câu chuyển ngữ ấy nhằm để nêu bày lẽ hướng thượng. Là ngón tay chỉ mặt trăng thật sự; Chứ không phải những câu chuyển ngữ đó chính là lẽ hướng thượng hay mặt trăng thật sự. Nếu có thể nương theo ngón tay nhìn vào mặt trăng thì ngay khi đó sẽ tự thấy được vầng trăng thật sự. 

Những lời ứng với căn cơ gọi là “cơ phong”, hoặc gọi là “chuyển ngữ”. Ấy đều là muốn cho người ta tham thấu tự hiểu, nên không có nghĩa lý gì. Nếu hiểu được thì là may mắn lớn. Nếu không hiểu thì lấy câu nói ấy làm bổn mạng nguyên thần: Quên ăn bỏ ngủ, suốt ngày thâu đêm như một người chống lại vạn người, chẳng dám có chút gián đoạn, phóng túng. Một năm chẳng ngộ bèn tham hai năm, mười năm chẳng ngộ bèn tham hai mươi năm. Một đời chẳng ngộ bèn đời đời tham.

Những hiểu lầm về Cơ phong chuyển ngữ

Nếu quả thật dốc trọn thâm tâm này mà tham cứu câu ấy, quyết chẳng có lẽ nào không ngộ! Ngộ rồi, bèn gọi là “ngộ đạo”, vẫn phải trải qua các cảnh duyên để rèn giũa tập khí: Ngõ hầu phiền hoặc hết sạch mới gọi là chứng đạo. Những giảng sư đời mạt thường thích giảng Thiền, đến nỗi thính chúng đa phần chấp vào những câu công án. Chẳng biết rằng:

Những câu cơ phong chuyển ngữ (thoại đầu, công án) trong nhà Thiền tuyệt đối chẳng có ý nghĩa gì. Chỉ nhằm đáp ứng căn cơ người đến hỏi hòng chỉ nẻo hướng thượng. Những câu chuyển ngữ ấy chỉ nên để tham cứu, sao lại giảng nói? Giảng kinh như vậy chỉ những bậc đại sĩ siêu phàm mới hưởng lợi ích, còn những hạng trung – hạ khác đều mắc bệnh hết. Đối với Tông, chẳng biết tận lực tham cứu những câu cơ phong chuyển ngữ, chỉ lo phỏng đoán ý nghĩa. Với Giáo, do thật lý, thật sự nào phải là cảnh giới của mình; Bèn lầm tưởng Phật, Tổ nói thí dụ để giảng pháp.

Đem Tông phá Giáo, dùng Giáo phá Tông, cái tệ nạn lưu hành này không còn gì tệ hơn được nữa! Từ Lục Tổ Huệ Năng về sau, đạo Thiền lưu truyền rộng rãi; Mối văn tự “chẳng lập văn tự” phổ biến khắp hoàn vũ. Đường giải thuyết ngày càng mở rộng, cửa chứng ngộ ngày càng bế tắc!

*

Vì thế, các tổ Nam Nhạc, Thanh Nguyên đều dùng cơ phong chuyển ngữ để độ người. Khiến cho Phật, Tổ trở thành ngôn ngữ suông, không cách nào đáp được lời các ngài hỏi. Nếu chẳng phải thật sự là căn cơ tương xứng sẽ chẳng thể hiểu được lời ấy. Dùng cách ấy để xét nghiệm khiến vàng – thau rạch ròi, ngọc – đá rành rành; Không còn cách nào giả trá, ngăn trở đạo pháp. Đấy chính là duyên do của cơ phong chuyển ngữ.

Từ đấy về sau, pháp này ngày càng thịnh hành, được các tri thức đề cao; Chỉ e lạc vào lối mòn của người khác, trở thành khuôn sáo cũ kỹ, khiến người học nghi ngờ, lầm lạc, hoại loạn Tông phong. Vậy nên cơ phong chuyển ngữ ngày càng cao tột, vô phương chuyển biến. Để người người căn cơ không phù hợp chẳng biết đâu mà mò. Bởi thế mới có những câu nói trách Phật, quở Tổ, bài xích kinh giáo, bác bỏ Tịnh Độ!

Những lời lẽ ấy nhằm cưỡng đoạt tình kiến, bít chặt sự biện giải của người nghe. Giải quyết những điều nghi hoặc thường gặp căn thuần sẽ nhờ ngay đó biết đường trở về, triệt ngộ hướng thượng; Người căn cơ chưa thuần sẽ chân thành, tận lực tham cứu: Quyết đạt đến đại triệt, đại ngộ mới thôi. Ấy là vì tri thức còn nhiều, căn tánh con người vẫn còn thông lợi, hiểu rành rẽ giáo lý; Tâm sanh tử khẩn thiết, dù chưa thể liễu ngộ ngay cũng chẳng nảy lòng hèn kém, cho đó là pháp bảo vậy!

Chớ ngã mạn với Tông thuyết kiêm thông

Hiện tại, lắm kẻ mới đọc vài cuốn sách, chẳng hiểu đạo lý thế gian; Chưa hiểu cùng tột giáo thừa, chẳng hiểu Phật pháp, vừa mới phát tâm bèn gia nhập Tông môn. Hàng tri thức chỉ vì duy trì môn đình: Cũng học đòi cổ nhân xiển dương, chẳng quản đạo pháp lợi hại thế nào. Người theo học chẳng phát khởi mối nghi tình chân thật, đối với bất cứ điều nào cũng tưởng là chân pháp cả! Đối với những câu khai thị của người hiện tại hoặc những câu chép trong sách của cổ nhân.

Lắm kẻ bèn tự ý suy diễn nêu ra nghĩa lý, dù trọn chẳng ra khỏi việc giải thích ý nghĩa theo mặt văn tự; Nhưng cứ tự hào là triệt ngộ hướng thượng, việc tham học đã hoàn tất rồi; Liền dự ngay vào địa vị tri thức để dạy dỗ đàn hậu học, lập riêng một môn đình. Cứ sợ người khác chê mình chẳng phải là bậc thông gia bèn ra sức giảng Thiền: Muốn được xưng tụng là “tông thuyết kiêm thông”.

Giảng về Tông thì khi giảng những lời chỉ quy hướng thượng của cổ đức rốt cuộc chỉ giảng nghĩa câu văn theo mặt văn tự. Khi giảng Giáo, cái đạo tu nhân chứng quả của Như Lai bị họ biến thành những thuyết “mượn ví dụ để biểu thị pháp”. Dùng Giáo phá Tông, đem Tông phá Giáo, kẻ đui dẫn lũ mù, kéo nhau vào lửa. Đến nỗi bọn hậu bối chẳng được nghe gương sáng của tiền bối: Láo nháo bắt chước thầy khinh Phật, lờn Tổ, bài nhân, bác quả mà thôi!(Ấn Quang Văn Sao)

Thiền Tông: Khán thoại đầu để minh tâm kiến tánh

Về sau này khi căn khí chúng sanh ngày càng cang cường khó độ. Nên chư đại tổ sư mới giả lập phương tiện, dạy tham quán câu thoại đầu. Sau đời Tống, người niệm Phật rất nhiều, nên chư đại tổ sư lại dạy tham quán câu: ‘Ai là người đang niệm Phật?’ Ngài Hư Vân bảo:

“Ngày nay, mọi nơi đều theo pháp này mà dụng công, nhưng có rất nhiều người không hiểu rõ ràng, cứ để câu ‘Ai là người đang niệm Phật’ nơi cổ họng. Niệm đến niệm lui không dừng, thành ra tụng niệm, chứ không phải tham quán câu thoại đầu. Tham thoại đầu tức là tham khán. Thế nên, trong mọi thiền đường đều có treo bốn chữ ‘Chiếu cố thoại đầu’. Chiếu tức là phản chiếu. Cố tức là xoay trở lại. Nghĩa là phải tự phản chiếu, nhìn vào tự tâm. Gọi đó là quán thoại đầu.

‘Ai là người niệm Phật’, khi chưa khởi lên thì gọi là thoại đầu; Còn khi đã khởi lên thì gọi là thoại đuôi. Chúng ta tham khán thoại đầu thì phải nên xem khán chữ ‘Ai’. Lúc tâm chưa khởi lên chữ ‘Ai’ này thì như thế nào? Giống như lúc đang niệm Phật, có người đến hỏi: “Bạch Thầy! ‘Ai’ đang niệm Phật vậy?”

Nếu đáp: “Tôi là người đang niệm Phật.”

Người kia có thể hỏi thêm: “Thầy là người niệm Phật. Vậy miệng niệm hay ý niệm? Nếu nói miệng niệm thì lúc ngủ, sao không niệm? Nếu nói tâm niệm thì lúc thân này chết đi, sao không tiếp tục niệm?”

Pháp khán thoại đầu trong Thiền Tông

Do đó, chúng ta có một nghi vấn, phải nên truy cứu: “Câu thoại đầu đây từ đâu mà đề khởi? Tôi là ai?” Vi vi tế tế, phản chiếu xoay lại, xem xét kỹ càng. Đó gọi là nghe lại tự tánh của mình. Lúc đi bộ, hành hương, phải ngưỡng đầu lên, chạm đến cổ áo. Chân phải bước theo dấu chân người trước. Tâm phải bình bình tịnh tịnh. Không nên ngó sang đông sang tây. Nhất tâm xoay lại, phản chiếu câu thoại đầu.

Lúc ngồi, không nên ưỡn ngực về phía trước. Đừng đề hơi thở quá cao, hay quá thấp. Để tự nhiên, tùy theo hơi thở. Lại phải thu nhiếp sáu căn, mắt tay mũi lưỡi thân ý. Phải buông bỏ muôn niệm. Luôn luôn, xoay chiếu lại thoại đầu, chớ bỏ quên mất. Đừng xem khán quá vi tế, nếu quá vi tế thì bị hôn trầm (tức buồn ngủ), lạc vào không vọng, không thể thọ dụng chi được. Đừng xem khán quá thô, nếu quá thô thì phù trầm (tức vọng tưởng) nổi lên, không thể khởi thoại đầu được.

Nếu xem khán được thoại đầu thì công phu tự nhiên từ từ thuần thục, tập khí dần dần giảm bớt. Người mới bắt đầu dụng công thì khó lòng mà xem khán được thoại đầu. Nói vậy, chư vị đừng sợ hãi, lại cũng đừng có vọng tưởng là muốn khai ngộ, hay cầu được trí huệ v.v… Nên biết, đả thất tức là vì việc khai ngộ tâm tánh, vì cầu trí huệ. Nếu lại khởi tâm cầu nữa thì ví như lấy đầu đặt lên đầu.

*

Nay chúng ta đã hiểu rõ rồi thì chỉ lo đề khởi câu thoại đầu thôi. Nếu trong lúc dụng công, không thể đề khởi thoại đầu lên, thì chớ có gấp rút. Chỉ việc xả bỏ muôn niệm tình không, rằng rằng mịt mịt, xoay chiếu trở lại. Khi vọng tưởng khởi lên, hãy để chúng khởi; Đừng màng đến, chúng sẽ tự nhiên lặng mất. Vì vậy bảo: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm.”

Vọng niệm khởi lên, mình chỉ dùng định lực xoay lại xem khán thoại đầu. Nếu mất thoại đầu, mình phải mau đề khởi lại. Mới ngồi thiền thì dường như là chỉ lo dẹp vọng tưởng, nhưng lâu dần thì thoại đầu từ từ khởi lên được. Khi ấy, chư vị có thể ngồi hết cả một cây nhang. Nếu không để mất thoại đầu thì kết quả sẽ rất tốt.

Thiền Tông: Khi pháp nhược ma cường, tà đạo lên ngôi.

Tông môn này, kể từ tổ Ma Ha Ca Diếp truyền cho đến ngày nay, trãi qua sáu bảy mươi đời. Triều đại Đường và Tống (619-1278), gió thiền lan khắp thiên hạ, hưng thịnh một thời. Hiện tại, thiền tông đến thời kỳ suy vi tột bậc, không nơi nào còn giữ được chút tông phong. Thế nên, nhân tài trong tông môn thật hiếm hoi. Cũng đả thất tham thiền, nhưng đa số chỉ vì danh, mà không có thực thể!

Thời mạt pháp bậc chân tu hiếm gặp, tà đạo lộng hành. Thiền Tông suy vi đến cùng cực, thật vô cùng xót xa. Nơi Trung Hoa xuất hiện tà pháp PLC, ăn cắp giáo lý nhà Phật rồi lôi kéo chúng sanh vào Địa ngục. Tại Việt Nam hiện nay đã phát sanh tệ nạn lớn: Ma núp bóng cửa Phật truyền bá tà pháp! Chúng ở nơi Chùa chiền mà dám mượn danh Thiền Tông bày ra những: “Công thức để thành Phật”; “Trở về với Phật giới”, Ông thần này, ông thần nọ; Công đức này, công đức kia để về “Phật giới”…

*

Than ôi, đức Thích Ca 49 năm giảng pháp chưa từng nói một chữ “Phật giới”. Hàng Thiên Ma ngoại đạo sáng tạo ra chữ này để gạt người. Thế mà vẫn cơ số người u mê tin theo…Thật đáng xót thương! Hàng ma đạo này, một chút kiến thức cơ bản về Phật pháp còn không biết; Dám vì danh lợi mà truyền bá Ma pháp, gieo nhân Vô gián địa ngục chẳng có ngày ra…Thật vô cùng kinh khủng!!!

Chẳng biết rằng Thiền Tông là pháp của hàng Thượng Thượng Căn, giới hạnh cực tinh nghiêm. Để ngộ đạo thôi đã vô cùng khó rồi, nói chi đến minh tâm kiến tánh mà thành Phật! Như thuở xưa, Hương Lâm Thiền Sư dụng tử công phu trong 40 năm mới dung luyện thành một khối. Ngài Trường Khánh Nhàn ngồi rách mười mấy chiếc bồ đoàn mới được thấy tánh bản lai. Bậc Tổ Sư còn gian nan ngần ấy, hàng Ma đạo lừa gạt người nhìn gương các Tổ đấy mà về “Phật giới”!

Thiền Tông và Tịnh Độ Tông

Hòa Thượng Hư Vân dạy: “Tham thiền cùng niệm Phật, đối với người mới phát tâm tu học thì thấy có khác. Nhưng đối với người tu hành lâu năm thì chỉ là một mà thôi. Tham thiền đề cử thoại đầu, chặt đứt dòng sanh tử, cũng từ tín tâm kiên cố mà được. Nếu thoại đầu giữ mãi không được, thì tham thiền không thể thành phiến. Nếu tín tâm kiên cố, thì đến chết cũng phải tham khán câu thoại đầu.

Uống trà không biết đang uống trà. Ăn cơm không biết đang ăn cơm. Như thế, công phu mới thuần thục, thoát khỏi căn trần, đại dụng hiện tiền; Cùng cảnh tịnh của công phu niệm Phật, giống nhau không khác. Đạt đến cảnh giới đó, sự lý viên dung, tâm cùng Phật không hai.”

Tổ Thiền Tâm bảo: “Tịnh Độ với Thiền Tông thật ra chẳng thấp cao hơn kém. Nhưng luận về căn cơ, thì Thiền Tông duy bậc thượng căn mới có thể được lợi ích; Còn môn Tịnh Độ thì gồm nhiếp cả ba căn. Hạng nào nếu tu cũng đều dễ thành kết quả. Luận về thời tiết thì thời mạt pháp này, người trung, hạ căn nhiều, bậc thượng căn rất ít.

Nếu muốn đi đến thành quả giải thoát một cách chắc chắn, tất phải chú tâm về Tịnh Độ pháp môn. Đây do bởi lòng đại bi của Phật, Tổ, vì quán thấy rõ thời cơ: Muốn cho chúng sanh sớm thoát nỗi khổ luân hồi, nên trong các kinh luận đã nhiều phen nhắc nhở. Điều này là một sự kiện rất quan yếu và hết sức xác thật!

Sự hưng thịnh của Thiền Tông

Tuy nhiên, như trong kinh nói: Chúng sanh sở thích và tánh dục có muôn ngàn sai biệt không đồng. Cho nên chư Phật phải mở vô lượng pháp môn mới có thể thâu nhiếp hết được. Vì vậy Tịnh Độ tuy hợp thời cơ, song chỉ thích ứng một phần; Không thể hợp với sở thích của tất cả mọi người, nên cần phải có Thiền Tông và các môn khác; Để cho chúng sanh đều nhờ lợi ích, và Phật Pháp được đầy đủ sâu rộng. Thiền Tông và Tịnh Độ Tông nói riêng, đồng cùng đi về chân tánh. Tuy hai mà một, đều nương tựa để hiển tỏ thành tựu lẫn nhau.

Khi xưa Thiền Tông hầu như ở ngôi vị độc tôn. Nhất là vào đời Lý, Trần, tăng ni có cả nửa thiên hạ và hầu hết đều tu Thiền. Thời ấy Phật Giáo ở Việt Nam cực thạnh, nhiều cảnh già lam tăng chúng vân tập rất đông. Bởi thế nên mới có lời truyền ngữ: “Tăng phòng tam thiên ốc, sái tảo thất thập phu.” Câu này nói lên sự hưng thạnh của Phật Giáo bấy giờ qua ý nghĩa: “Phòng chư tăng nhiều tới ba ngàn gian, mỗi buổi sáng
phải dùng đến bảy mươi người mới quét dọn kịp.”

Nhưng cơ duyên cũng theo thời mà chuyển biến. Trung Hoa từ đời Tống về sau, chư tôn túc như các ngài: Nhất Nguyên, Thiên Như, Ngẫu Ích, Triệt Ngộ, Liên Trì… Sau khi tham ngộ Thiền Tông, quán xét thời cơ. Vì lòng thương xót lợi sanh, hết sức hoằng dương pháp môn Tịnh Độ. Sự lần lần chuyển hướng từ Thiền sang Tịnh khởi sanh từ lúc đó.

Thiền Tịnh song tu

Khi ấy có rất nhiều vị thiền đức khác tuy bên ngoài truyền bá tông Thiền, nhưng bên trong lại mật tu Tịnh Độ. Mục đích để bảo đảm không thối đọa. Đây có thể gọi là thời kỳ Thiền Tịnh song hành. Cho nên trong một ngôi chùa trước kia chỉ có Thiền Đường, bây giờ lại thêm Niệm Phật Đường để cung ứng cho chư tăng tu tập. Bắt đầu từ đời Nguyên, Minh, Thanh về sau; Thế lực của Thiền Tông lần suy kém, bởi ít người tu chứng. Trái lại, môn Niệm Phật lại lần chiếm ưu thế, tăng tục nhiều kẻ tu Tịnh Độ được vãng sanh.

Bởi ảnh hưởng đó mà ở Việt Nam, môn Niệm Phật hầu như phổ cập. Sau này do ảnh hưởng của sự chấn hưng Phật Giáo trong nước và sự hoằng hóa của chư Tăng Ni du học từ Nhật Bản và các xứ Nam Tông Phật Giáo trở về, Thiền Tông Việt Nam có lẽ sẽ tái phục. Nhưng sự thật phần đông hành giả duy hợp tu về giáo như Chỉ Quán Thiền, hoặc Tứ Thiền Bát Định; Chớ khó nổi tham cứu thoại đầu thật hành môn Thiền Trực Chỉ của bên tông như thuở xưa.

Chư Tổ đắc đạo đều hoằng dương Tịnh Độ

Lệ như có người theo Thiền Tông, mới tu học Thiền chưa bao lâu, đã phản đối niệm Phật. Họ đâu biết rằng nhiều bậc đại đức cao tăng khi xưa như các Ngài: Vĩnh Minh Thiền sư, Tử Tâm Tân Thiền sư, Thiên Y Hoài thiền sư; Viên Chiếu Bản thiền sư, Từ Thọ Thâm thiền sư, Nam Nhạc Tư thiền sư; Pháp Chiếu thiền sư, Tịnh Yếu thiền sư, Tịnh Từ Đại Thông thiền sư;

Thiên Thai Hoài Ngọc thiền sư, Đạo Trân thiền sư, Đạo Xước thiền sư; Tỳ Lăng Pháp Chân thiền sư, Cô Tô Thủ Nạp thiền sư; Bắc Nhàn Giản thiền sư, Thiên Mục Lễ thiền sư v.v… là những vị siêu xuất bên Thiền Tông. Sau khi tham ngộ được minh tâm kiến tánh, đều qui hướng về Tịnh Độ. Những vị này đối với Thiền, họ là bậc đại tri thức hoằng hóa về tông môn. Đối với Tịnh, họ là bậc danh đức khuyên dạy niệm Phật. Điều này có thể chứng minh Tịnh Độ và Thiền đều không chướng ngại nhau, hà tất phải đem lòng hủy báng?

Lại như một vị cao tăng mới thị tịch gần đây là Hư Vân thiền sư, ai cũng nhận là bậc siêu ngộ; Nhưng khi ở Thiền Đường thì Ngài giảng về đạo lý tham thiền; Ở Niệm Phật Đường Ngài lại khuyên dạy về niệm Phật. Với môn Tịnh Độ chẳng những Ngài không phản đối mà lại còn tán dương. Vậy thử hỏi những người vừa mới tu Thiền đã vội bác niệm Phật: Sự học hiểu và công phu hành trì có bằng các bậc cao đức trên đây chăng?

*

Lại như những người theo Duy Thức Tông, mới học Duy Thức chưa bao lâu, đã phản đối niệm Phật. Họ không biết rằng vị đệ nhất Tổ Sư khai sáng về Duy Thức Tông ở Trung Hoa: Ngài Huyền Trang đã không phản đối, lại còn truyền dương môn niệm Phật. Bằng chứng là khi Ngài thỉnh kinh ở Ấn Độ về, có đem theo quyển Kinh A Di Đà bằng Phạn văn. Sau dịch thành tân bản, nhan đề là Xưng Tán Tịnh Độ Nhiếp Thọ Kinh. Cho đến vị Tổ thứ hai bên Tông Duy Thức là Khuy Cơ đại sư cũng trứ tác thành một quyển A Di Đà Kinh Sớ, và ba quyển A Di Đà Kinh Thông Tán Sớ.

Thái Hư đại sư, một vị cao tăng cận đại ở Trung Hoa, mọi người đều công nhận Ngài là bậc thạc học trung hưng về Duy Thức Tông. Nhưng khi có người tu Tịnh Độ thỉnh đại sư chỉ dạy thì Ngài cũng giảng thuyết về niệm Phật. Những lời khai thị về Tịnh Độ Tông của Ngài có đến bảy thiên. Hiện nay chùa Thiện Đạo ở Đài Bắc còn ấn bản lưu hành.

Thế thì biết những bậc cao đức bên Duy Thức Tông chẳng những không bài bác Tịnh Độ, mà trái lại còn hoằng hóa tán dương. Xin thử hỏi những người học Duy Thức chưa bao lâu mà phản đối Tịnh Độ: Sự học vấn tu trì có bằng các bậc tiền bối đó chăng? Như Thiền Tông từ nơi “không môn” đi vào. Khi phát tâm tu liền quét sạch tất cả tướng, cho đến tướng Phật tướng Pháp cũng đều bị phá trừ.(Niệm Phật Thập Yếu)

(Thiền Tông là gì)

Tuệ Tâm 2021.

 

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Luân Hồi là gì

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog