Luận Kinh Vô Lượng Thọ: Bài Kệ Nguyện Vãng Sanh
Pháp Giới 9 tháng trước

Luận Kinh Vô Lượng Thọ: Bài Kệ Nguyện Vãng Sanh

Luận Kinh Vô Lượng Thọ: Bài Kệ Nguyện Vãng Sanh

Thế Tôn con nay với một lòng
Quy mạng tận cùng khắp mười phương
Vô ngại quang minh của Như Lai
Nguyện vãng sanh về cõi Cực Lạc
Con sẽ y theo vào Khế Kinh
Là tướng chân thật của công đức
Nay con nói bài kệ tổng trì
Tương ứng khế hợp lời Phật dạy

Quán tưởng thật tướng thế giới kia
Vượt hơn sáu đường trong ba cõi

Cứu cánh bao la như hư không
Quảng đại rộng lớn vô biên tế

Sanh từ Chánh Đạo đại từ bi
Và từ thiện căn xuất thế gian

Thanh tịnh trong sáng viên mãn túc
Như là gương sáng vầng nhật nguyệt

Thể tánh làm bằng các trân bảo
Đầy đủ trang nghiêm vi diệu kỳ

Rực rỡ vô cấu ánh quang minh
Thanh tịnh chiếu sáng soi thế gian

Bảo tánh ví như cỏ công đức
Nhu nhuyễn mềm mại trái phải xoay
Phàm ai chạm vào được an vui
Cỏ mềm nhu nhuyễn còn kém xa

Nơi ấy có ngàn muôn vạn loại
Hoa báu trùm khắp ao suối nước
Gió thổi lay động hoa và lá
Áng sáng xen kẽ len lỏi xoay

Có những cung điện cùng lầu các
Thấy tận mười phương không chướng ngại
Nhiều thứ cây lạ phóng sắc quang
Châu báu lan can bao quanh khắp

Lại có vô lượng các lưới báu
Quấn trùm giăng bủa khắp hư không
Phát ra đủ mọi tiếng chuông vang
Đều là tuyên thuyết diệu Pháp âm

Mưa xuống hoa y dùng trang nghiêm
Vô lượng hương thơm xông khắp nơi

Phật trí trong sáng như mặt trời
Diệt trừ si ám của thế gian

Phạm âm thanh ngữ rộng vang xa
Vi diệu nghe đến thấu mười phương

Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Lượng Thọ
Khéo làm Pháp Vương ở nơi đó

Thánh chúng thanh tịnh Như Lai kia
Hoa sen hóa sanh từ chánh giác

Yêu mến vui thích Phật Pháp vị
Chánh định thiền duyệt làm thức ăn

Thân tâm phiền não vĩnh dứt trừ
Thường luôn thọ vui chẳng gián đoạn

Do bởi căn lành nơi Đại Thừa
Bình đẳng không có tên khinh miệt
Chẳng ai sanh về làm thân nữ
Cùng theo Nhị Thừa hay khuyết căn

Tất cả chúng sanh cõi nước ấy
Hết thảy sở nguyện đều mãn túc

Vì thế con nay nguyện vãng sanh
Vô Lượng Thọ Phật cõi tịnh độ

Vi diệu thanh tịnh đài hoa sen
Trang nghiêm vô lượng đại bảo vương

Tướng hảo quang minh chiếu một tầm
Sắc tướng siêu tuyệt các chúng sanh

Phạm âm vi diệu Như Lai kia
Tiếng vang nghe tận đến mười phương

Đất nước gió lửa cùng hư không
Tất cả đều đồng vô phân biệt

Trời người thánh chúng trụ bất động
Thanh tịnh từ biển trí tuệ sanh

Như Diệu Cao Sơn vua của núi
Thù thắng vi diệu không ai bằng

Trời người đầy đủ tướng trượng phu
Cung kính vây quanh chiêm ngưỡng Ngài

Do sức bổn nguyện Đức Phật kia
Những ai gặp được sẽ chẳng uổng
Sẽ giúp khiến họ chóng viên mãn
Vô lượng công đức biển báu lớn

Cõi nước Cực Lạc thanh tịnh diệu
Vô cấu Pháp luân thường lăn chuyển
Hóa Phật Bồ-tát tựa mặt trời
Kiên cố trụ vững như Diệu Cao

Ánh sáng trang nghiêm chẳng cấu dơ
Một niệm bao gồm tất cả thời
Chiếu khắp hết thảy chư Phật hội
Lợi ích an vui các chúng sanh

Mưa xuống hoa y âm nhạc trời
Hương thơm vi diệu để cúng dường
Tán thán công đức của chư Phật
Chẳng hề có chút tâm phân biệt

Những thế giới nào mà không có
Tam Bảo công đức Phật Pháp Tăng
Họ đều nguyện sẽ vãng sanh đến
Hiển thị Phật Pháp như Thế Tôn

Con nay viết bài kệ luận này
Nguyện sẽ thấy Phật Vô Lượng Thọ
Và cùng hết thảy các chúng sanh
Đều đồng vãng sanh cõi Cực Lạc

Như vậy, con đã dùng bài kệ trên để tổng kết chương cú trong Kinh Vô Lượng Thọ.

Bài kệ nguyện này mang ý nghĩa gì? Đó là chỉ dẫn cho những ai muốn vãng sanh về cõi nước kia: làm thế nào để quán tưởng Thế giới Cực Lạc và thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ.

Quán tưởng như thế nào? Sanh tín tâm ra làm sao? Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào tu hành thành tựu năm niệm môn thì chắc chắn sẽ được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc và thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ. Năm niệm môn là những gì?

1. lễ bái
2. tán thán
3. phát nguyện
4. quán sát
5. hồi hướng

Tại sao phải lễ bái? Đó là vì muốn bày tỏ ý nguyện vãng sanh về cõi nước kia, hành giả phải nên với thân nghiệp lễ bái Vô Lượng Thọ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.

Tại sao phải tán thán? Đó là vì muốn tu hành tương ứng như thật, hành giả phải nên với ngữ nghiệp tán thán, xưng danh hiệu của Như Lai kia. Đó là vì danh hiệu của Như Lai kia mang ý nghĩa giống như quang minh và tướng trí tuệ của Ngài.

Tại sao phải phát nguyện? Đó là vì muốn tu Chỉ như thật, hành giả phải nên với tâm thường phát nguyện và nhất tâm chuyên niệm, thì tất sẽ vãng sanh về cõi nước Cực Lạc.

Tại sao phải quán sát? Đó là vì muốn tu Quán như thật, hành giả phải nên quán sát với trí tuệ cùng chánh niệm. Quán sát có ba điều. Ba điều đó là những gì?

1. Quán sát công đức trang nghiêm ở cõi nước của Đức Phật kia.
2. Quán sát công đức trang nghiêm của Đức Phật Vô Lượng Thọ.
3. Quán sát công đức trang nghiêm của chư Bồ-tát nơi đó.

Tại sao phải hồi hướng? Đó là vì muốn thành tựu tâm đại bi, hành giả không bao giờ bỏ mặc cho hết thảy chúng sanh bị khổ não. Tâm của hành giả nên thường vì họ mà phát nguyện hồi hướng.

Xem Thêm:   Kinh Mười Danh Hiệu Cát Tường của Chư Phật

Quán sát công đức trang nghiêm ở cõi nước của Đức Phật kia thế nào? Công đức trang nghiêm ở quốc độ của Đức Phật kia thành tựu do sức chẳng thể nghĩ bàn, như là tánh của bảo châu như ý, tương tự như vậy nhưng khác. Phàm ai muốn quán sát công đức trang nghiêm ở cõi nước của Đức Phật kia thì có 17 loại cần nên biết. 17 loại đó là những gì?

1. Công đức thanh tịnh thành tựu.
2. Công đức đo lường thành tựu.
3. Công đức tánh thành tựu.
4. Công đức hình tướng thành tựu.
5. Công đức mọi sự thành tựu.
6. Công đức màu sắc vi diệu thành tựu.
7. Công đức xúc chạm thành tựu.
8. Công đức trang nghiêm thành tựu.
9. Công đức mưa thành tựu.
10. Công đức quang minh thành tựu.
11. Công đức diệu âm thành tựu.
12. Công đức chủ thành tựu.
13. Công đức quyến thuộc thành tựu.
14. Công đức thọ dụng thành tựu.
15. Công đức không có các nạn thành tựu.
16. Công đức đại nghĩa môn thành tựu.
17. Công đức của hết thảy điều cầu mong thành tựu.

[1] Công đức thanh tịnh thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Quán tưởng thật tướng thế giới kia
Vượt hơn sáu đường trong ba cõi”

[2] Công đức đo lường thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Cứu cánh bao la như hư không
Quảng đại rộng lớn vô biên tế”

[3] Công đức tánh thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Sanh từ Chánh Đạo đại từ bi
Và từ thiện căn xuất thế gian”

[4] Công đức hình tướng thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Thanh tịnh trong sáng viên mãn túc
Như là gương sáng vầng nhật nguyệt”

[5] Công đức mọi sự thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Thể tánh làm bằng các trân bảo
Đầy đủ trang nghiêm vi diệu kỳ”

[6] Công đức màu sắc vi diệu thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Rực rỡ vô cấu ánh quang minh
Thanh tịnh chiếu sáng soi thế gian”

[7] Công đức xúc chạm thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Bảo tánh ví như cỏ công đức
Nhu nhuyễn mềm mại trái phải xoay
Phàm ai chạm vào được an vui
Cỏ mềm nhu nhuyễn còn kém xa”

[8] Công đức trang nghiêm thành tựu có ba thứ cần nên biết. Những gì là ba?

1. nước
2. đất
3. hư không

Nước trang nghiêm được diễn tả trong câu kệ:

“Nơi ấy có ngàn muôn vạn loại
Hoa báu trùm khắp ao suối nước
Gió thổi lay động hoa và lá
Áng sáng xen kẽ len lỏi xoay”

Đất trang nghiêm được diễn tả trong câu kệ:

“Có những cung điện cùng lầu các
Thấy tận mười phương không chướng ngại
Nhiều thứ cây lạ phóng sắc quang
Châu báu lan can bao quanh khắp”

Hư không trang nghiêm được diễn tả trong câu kệ:

“Lại có vô lượng các lưới báu
Quấn trùm giăng bủa khắp hư không
Phát ra đủ mọi tiếng chuông vang
Đều là tuyên thuyết diệu Pháp âm”

[9] Công đức mưa thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Mưa xuống hoa y dùng trang nghiêm
Vô lượng hương thơm xông khắp nơi”

[10] Công đức quang minh thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Phật trí trong sáng như mặt trời
Diệt trừ si ám của thế gian”

[11] Công đức diệu âm thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Phạm âm thanh ngữ rộng vang xa
Vi diệu nghe đến thấu mười phương”

[12] Công đức chủ thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Lượng Thọ
Khéo làm Pháp Vương ở nơi đó”

[13] Công đức quyến thuộc thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Thánh chúng thanh tịnh Như Lai kia
Hoa sen hóa sanh từ chánh giác”

[14] Công đức thọ dụng thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Yêu mến vui thích Phật Pháp vị
Chánh định thiền duyệt làm thức ăn”

[15] Công đức không có các nạn thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Thân tâm phiền não vĩnh dứt trừ
Thường luôn thọ vui chẳng gián đoạn”

[16] Công đức đại nghĩa môn thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Do bởi căn lành nơi Đại Thừa
Bình đẳng không có tên khinh miệt
Chẳng ai sanh về làm thân nữ
Cùng theo Nhị Thừa hay khuyết căn”

Phàm ai vãng sanh tịnh độ, quả báo của họ là xa lìa hai loại khinh miệt:

1. thân
2. danh xưng

Có ba khuyết điểm về thân:

1. hàng Nhị Thừa
2. nữ nhân
3. người với căn không hoàn chỉnh

Không có ba khuyết điểm này thì gọi là Viễn Ly Thân Khinh Miệt. Ba danh xưng: hàng Nhị Thừa, nữ nhân và người với căn không hoàn chỉnh, ở cõi nước kia cũng chẳng có ba loại thân đó, hà huống là nghe tên của chúng. Đây gọi là Viễn Ly Danh Xưng Khinh Miệt. Tất cả thánh chúng ở đó đều bình đẳng và đồng một tướng.

[17] Công đức của hết thảy điều cầu mong thành tựu được diễn tả trong câu kệ:

“Tất cả chúng sanh cõi nước ấy
Hết thảy sở nguyện đều mãn túc”

Đây là phần lược thuyết về 17 loại công đức trang nghiêm nơi quốc độ của Đức Phật Vô Lượng Thọ. Những công đức này biểu thị cho Như Lai kia thành tựu sức đại công đức tự lợi lợi tha. Phật độ trang nghiêm của Đức Phật Vô Lượng Thọ kia là cảnh giới vi diệu của Chân Lý Cứu Cánh. Tổng quát của đoạn đầu và 16 đoạn kế tiếp với từng đặc điểm riêng đã thứ tự giải thích và cần nên biết.

Xem Thêm:   Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương ♦ Quyển 1

Quán sát công đức trang nghiêm của Đức Phật kia thành tựu như thế nào? Quán sát công đức trang nghiêm của Đức Phật kia thành tựu có tám thứ cần nên biết. Những gì là tám?

1. tòa sen trang nghiêm
2. thân tướng trang nghiêm
3. lời nói trang nghiêm
4. tâm ý trang nghiêm
5. thánh chúng trang nghiêm
6. thượng thủ trang nghiêm
7. Pháp Chủ trang nghiêm
8. bất hư tác trụ trì trang nghiêm

[1] Tòa sen trang nghiêm như thế nào? Kệ rằng:

“Vi diệu thanh tịnh đài hoa sen
Trang nghiêm vô lượng đại bảo vương”

[2] Thân tướng trang nghiêm như thế nào? Kệ rằng:

“Tướng hảo quang minh chiếu một tầm
Sắc tướng siêu tuyệt các chúng sanh”

[3] Lời nói trang nghiêm như thế nào? Kệ rằng:

“Phạm âm vi diệu Như Lai kia
Tiếng vang nghe tận đến mười phương”

[4] Tâm ý trang nghiêm như thế nào? Kệ rằng:

“Đất nước gió lửa cùng hư không
Tất cả đều đồng vô phân biệt”

Vô phân biệt nghĩa là Ngài không khởi tâm phân biệt.

[5] Thánh chúng trang nghiêm như thế nào? Kệ rằng:

“Trời người thánh chúng trụ bất động
Thanh tịnh từ biển trí tuệ sanh”

[6] Thượng thủ trang nghiêm như thế nào? Kệ rằng:

“Như Diệu Cao Sơn vua của núi
Thù thắng vi diệu không ai bằng”

[7] Pháp Chủ trang nghiêm như thế nào? Kệ rằng:

“Trời người đầy đủ tướng trượng phu
Cung kính vây quanh chiêm ngưỡng Ngài”

[8] Bất hư tác trụ trì trang nghiêm như thế nào? Kệ rằng:

“Do sức bổn nguyện Đức Phật kia
Những ai gặp được sẽ chẳng uổng
Sẽ giúp khiến họ chóng viên mãn
Vô lượng công đức biển báu lớn”

Những Bồ-tát nào chưa được tâm thanh tịnh, nhưng khi thấy Đức Phật kia, thì cuối cùng sẽ được Pháp thân bình đẳng, y như chư Bồ-tát với tâm thanh tịnh không khác. Còn chư Bồ-tát nào đã được tâm thanh tịnh cùng chư Bồ-tát ở Địa cao hơn, thì cứu cánh sẽ đắc tịch diệt bình đẳng.

Nên biết, đây là phần lược thuyết của tám đoạn kệ theo thứ tự để biểu thị cho Như Lai kia thành tựu công đức trang nghiêm tự lợi lợi tha.

Quán sát công đức trang nghiêm của chư Bồ-tát nơi đó thành tựu như thế nào? Quán sát công đức trang nghiêm của chư Bồ-tát nơi đó thành tựu có bốn sự trong việc tu hành chân chánh và cần nên biết. Những gì là bốn?

1. Thân ở trong một Phật độ, chẳng dao chẳng động mà có thể ứng hóa đủ mọi thân biến khắp các cõi nước trong mười phương, như thật tu hành và thường làm Phật sự. Họ khai đạo cho các chúng sanh, ví như hoa đã trồi lên khỏi bùn dơ.

Kệ rằng:

“Cõi nước Cực Lạc thanh tịnh diệu
Vô cấu Pháp luân thường lăn chuyển
Hóa Phật Bồ-tát tựa mặt trời
Kiên cố trụ vững như Diệu Cao”

2. Các ứng thân và hóa thân kia ở tất cả thời, chẳng trước chẳng sau, với nhất tâm nhất niệm, phóng đại quang minh và đều có thể đến khắp các thế giới trong mười phương, giáo hóa chúng sanh. Họ dùng đủ mọi phương tiện, tu hành cùng việc làm để diệt trừ hết thảy khổ ách của chúng sanh.

Kệ rằng:

“Ánh sáng trang nghiêm chẳng cấu dơ
Một niệm bao gồm tất cả thời
Chiếu khắp hết thảy chư Phật hội
Lợi ích an vui các chúng sanh”

3. Các ngài chiếu hiện đại chúng trong Pháp hội của chư Phật ở tất cả thế giới mà không bao giờ ngoại lệ, quảng đại vô lượng, cung kính cúng dường và tán thán chư Phật Như Lai.

Kệ rằng:

“Mưa xuống hoa y âm nhạc trời
Hương thơm vi diệu để cúng dường
Tán thán công đức của chư Phật
Chẳng hề có chút tâm phân biệt”

4. Ở tất cả các thế giới trong mười phương mà những nơi nào không có Tam Bảo, họ an trụ trang nghiêm nơi đó với công đức đại hải của Phật Pháp Tăng bảo, cùng hiển thị rộng khắp, khiến cho hết thảy đều hiểu Đạo và như thật tu hành.

Kệ rằng:

“Những thế giới nào mà không có
Tam Bảo công đức Phật Pháp Tăng
Họ đều nguyện sẽ vãng sanh đến
Hiển thị Phật Pháp như Thế Tôn”

Như đã nói ở trên, hành giả nên quán sát công đức trang nghiêm thành tựu ở cõi nước của Đức Phật kia, quán sát công đức trang nghiêm thành tựu của Đức Phật Vô Lượng Thọ, và quán sát công đức trang nghiêm thành tựu của chư Bồ-tát nơi đó. Quán sát ba điều trang nghiêm thành tựu này để làm cho tâm phát khởi nguyện sanh về cõi nước kia. Bây giờ sẽ hợp nhập tất cả công đức đó thành một từ Pháp cú. Một từ Pháp cú này gọi là Thanh Tịnh. Hai chữ thanh tịnh nói lên trí tuệ chân thật và vô vi của Pháp thân. Nên biết, thanh tịnh này có hai ý nghĩa. Hai ý nghĩa đó là những gì?

1. Y Báo Thế Gian Thanh Tịnh
2. Chúng Sanh Thế Gian Thanh Tịnh

Y Báo Thế Gian Thanh Tịnh tức là 17 loại công đức trang nghiêm thành tựu ở cõi nước của Đức Phật kia, như đã lược nói ở trên. Đây gọi là Y Báo Thế Gian Thanh Tịnh.

Chúng Sanh Thế Gian Thanh Tịnh tức là tám thứ công đức trang nghiêm thành tựu của Đức Phật kia và bốn sự công đức trang nghiêm thành tựu của chư Bồ-tát nơi đó, như đã lược nói ở trên. Đây gọi là Chúng Sanh Thế Gian Thanh Tịnh.

Như vậy nên biết, một từ Pháp cú Thanh Tịnh này tổng nhiếp hai ý nghĩa đó.

Xem Thêm:   Kinh Phật Danh ♦ Quyển 7

Chư Bồ-tát nào tu hành sâu rộng hay sơ lược về Chỉ Quán thì sẽ thành tựu tâm nhu nhuyễn và sẽ biết như thật các pháp, tùy theo sự tu tập sâu rộng hay sơ lược của mình. Như vậy họ sẽ thành tựu thiện xảo phương tiện của hồi hướng.

Bồ-tát dùng thiện xảo phương tiện của hồi hướng như thế nào? Bồ-tát hồi hướng tất cả công đức thiện căn đã tích tập tu hành từ niệm môn lễ bái và những niệm môn khác. Bồ-tát chẳng mong sự an vui vĩnh viễn cho chính mình, mà chỉ vì muốn bạt trừ hết thảy khổ ách cho chúng sanh. Bồ-tát nguyện làm như thế để nhiếp thủ tất cả chúng sanh và đều sẽ đồng vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của Đức Phật kia. Đây gọi là Bồ-tát Thành Tựu Thiện Xảo Phương Tiện của Hồi Hướng.

Bồ-tát như thế khéo biết và thành tựu hồi hướng công đức, họ sẽ xa lìa các pháp trái nghịch với ba môn tuệ giác. Ba môn tuệ giác là những gì?

1. Y Theo Môn Trí Tuệ, Bồ-tát chẳng mong sự an vui cho riêng mình bởi vì tâm họ xa lìa sự tham trước vào tự thân.

2. Y Theo Môn Từ Bi, Bồ-tát bạt trừ hết thảy thống khổ của chúng sanh bởi vì tâm họ xa lìa sự phân biệt để giúp chúng sanh.

3. Y Theo Môn Phương Tiện, Bồ-tát thương xót tất cả chúng sanh bởi vì tâm họ xa lìa sự cung kính cúng dường cho tự thân.

Đây gọi là Viễn Ly Các Pháp Trái Nghịch Ba Môn Tuệ Giác.

Bồ-tát xa lìa các pháp trái nghịch ba môn tuệ giác như vậy, thì sẽ được đầy đủ ba Pháp môn tùy thuận tuệ giác. Những gì là ba?

1. Tâm Thanh Tịnh Vô Nhiễm, bởi vì Bồ-tát chẳng mong sự an vui cho riêng mình.

2. Tâm Thanh Tịnh An Lạc, bởi vì Bồ-tát bạt trừ hết thảy thống khổ của chúng sanh.

3. Tâm Thanh Tịnh Yêu Thích, bởi vì Bồ-tát nhiếp thủ tất cả chúng sanh khiến họ vãng sanh về cõi nước kia để chứng đắc đại giác.

Nên biết, đây gọi là Đầy Đủ Ba Pháp Môn Tùy Thuận Tuệ Giác.

Trí tuệ, từ bi, và phương tiện là ba môn tuệ giác đã nói ở trên. Nên biết, ba môn đó dẫn đến diệu tuệ, còn diệu tuệ hiển thị phương tiện.

Tâm xa lìa sự tham trước vào tự thân, tâm xa lìa sự phân biệt để giúp chúng sanh và tâm xa lìa sự cung kính cúng dường cho tự thân là ba Pháp đã nói ở trên. Nên biết, ba Pháp đó giúp hành giả xa lìa chướng ngại để được Đạo tâm.

Tâm Thanh Tịnh Vô Nhiễm, Tâm Thanh Tịnh An Lạc, và Tâm Thanh Tịnh Yêu Thích là ba tâm đã nói ở trên. Nên biết, ba tâm đó hợp thành một để thành tựu Thù Thắng Diệu Lạc Chân Tâm.

Bồ-tát với tâm trí tuệ, tâm phương tiện, tâm không chướng ngại, và tâm chân thật thù thắng như vậy, sẽ vãng sanh về cõi Phật thanh tịnh. Nên biết, đây gọi là Đại Bồ-tát Tùy Thuận Năm Pháp Môn, nên được thành tựu việc làm tùy ý và tự tại, như đã nói ở trên. Tùy thuận năm Pháp môn đó, Bồ-tát thành tựu được thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp, trí nghiệp, và phương tiện trí nghiệp.

Lại có năm môn khác mà hành giả có thể dần dần thứ tự thành tựu năm công đức. Năm môn này là những gì?

1. Thân Cận Môn
2. Đại Hội Thánh Chúng Môn
3. Xá Trạch Môn
4. Cư Ốc Môn
5. Viên Lâm Du Hí Địa Môn

Khi đã đạt bốn môn đầu, hành giả thành tựu Nhập Công Đức. Đến môn thứ năm, hành giả thành tựu Xuất Công Đức.

Hành giả vào môn thứ nhất là do lễ bái Đức Phật Vô Lượng Thọ, thì sẽ được vãng sanh về cõi nước kia. Bởi được vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc nên đây gọi là Vào Thân Cận Môn, là môn thứ nhất.

Hành giả vào môn thứ nhì là do tán thán Đức Phật Vô Lượng Thọ, xưng danh hiệu của Như Lai kia cùng tùy thuận ý nghĩa của danh hiệu Ngài và nương theo ánh quang minh của Như Lai kia. Bởi tưởng niệm tu hành nên được vào trong đại hội thánh chúng. Đây gọi là Vào Đại Hội Thánh Chúng Môn, là môn thứ nhì.

Hành giả vào môn thứ ba là do nhất tâm chuyên niệm và phát nguyện vãng sanh về nơi đó. Do bởi tu Chỉ và các chánh định tịch tĩnh nên được vào Thế giới Liên Hoa Tạng. Đây gọi là Vào Xá Trạch Môn, là môn thứ ba.

Hành giả vào môn thứ tư là do chuyên niệm quán sát những sự vi diệu trang nghiêm ở cõi nước kia. Bởi tu Quán nên đến được nơi đó và thọ hưởng đủ mọi Pháp vị an vui. Đây gọi là Vào Cư Ốc Môn, là môn thứ tư.

Hành giả rời môn thứ năm với lòng đại từ bi là do quán sát hết thảy khổ não của chúng sanh, nên hiện ra ứng hóa thân cùng thần thông du hí để vào lại trong vườn sanh tử của rừng phiền não. Bồ-tát đến Địa giáo hóa là do dùng sức bổn nguyện mà hồi hướng. Đây gọi là Rời Viên Lâm Du Hí Địa Môn, là môn thứ năm.

Nên biết, Bồ-tát vào bốn môn đầu là sự thành tựu của tự lợi. Bồ-tát rời môn thứ năm là sự thành tựu của lợi tha. Nên biết, Bồ-tát nào như vậy, khéo tu hành năm môn này để tự lợi lợi tha, họ sẽ được mau thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Nguồn Bài Viết : https://daitangkinh.net/ ( Đại Tạng Kinh )

32 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog