Linh hồn người chết là gì
Pháp Giới 10 tháng trước

Linh hồn người chết là gì

Khi những giọt nước mắt khóc than cho cái chết của chúng ta rơi trên má người thân, cũng là lúc ta bước vào giai đoạn cuối của tiến trình chết. Ta rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh trong một khoảng thời gian chừng 20 phút. Rồi thình lình ta tỉnh dậy trong trạng thái trung gian giữa cái chết và một tái sanh mới: Thân trung ấm. Dân gian gọi là Linh Hồn người chết.

  • Kinh Địa Tạng.
  • Kinh Lăng Nghiêm.
  • Cận tử nghiệp vô cùng đáng sợ.
  • Chúng ta chưa từng biết Chết là gì.
  • Thân trung ấm, chết và tái sanh.
  • Thần thông trong Phật giáo.
  • Chuyện nhân quả báo ứng có thật.
Linh hồn người chết trong 49 ngày
Linh hồn người chết trong 49 ngày

Linh hồn của chúng ta trong cõi Trung ấm tái sanh mang một số đặc tính đặc biệt. Nó có đủ tất cả các giác quan. Nó vô cùng nhẹ, sáng suốt và di động. Sự bén nhạy của nó được nói là gấp 7 lần trong đời sống thực. Nó cũng có được một loại thần thông lặt vặt, không được ý thức kiểm soát, nhưng đem lại cho linh hồn người chết khả năng đọc được tâm người khác.

Hình dáng và đặc điểm của linh hồn người chết

Lúc đầu, linh hồn của ta sẽ có hình dáng giống như thân thể trong đời vừa qua. Hình dáng của nó hoàn hảo không một khuyết điểm và đang ở độ tuổi xuân xanh. Ngay cả khi bạn bị què quặt hay đau ốm trong đời sống, bạn vẫn có được linh hồn toàn hảo trong cõi Trung ấm tái sanh. Một trong những giáo điển cổ của Mật tông Dzogchen cho chúng ta biết rằng: Linh hồn người chết có kích cỡ bằng một đứa bé từ 8 đến 10 tuổi.

Do năng lực của tư duy khái niệm, gọi là “gió nghiệp”, linh hồn không thể ở yên dù chỉ trong chốc lát. Nó không ngừng di động. Nó có thể đi khắp nơi nó muốn, không bị trở ngại. Vì linh hồn không có cơ sở vật lý nên nó có thể đi xuyên qua tường vách hay núi. Có 2 nơi nó không thể đi qua: Tòa kim cang của đức Phật và Thai mẹ.

Bản chất của linh hồn người chết

Linh hồn có thể thấy suốt những vật thể có ba chiều. Nhưng vì thiếu tinh chất vật lý của cha mẹ, chúng ta không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Ta chỉ có chút ánh sáng mờ soi tỏ khoảng không gian ngay trước mặt. Chúng ta có thể thấy những linh hồn khác trong cõi Trung Ấm. Nhưng người sống không thấy chúng ta, ngoại trừ những người đã có thần thông nhờ thiền định. Bởi thế, chúng ta có thể gặp và nói chuyện vài giây phút thoáng qua với nhiều kẻ đang du hành trong thế giới Trung Ấm. Nghĩa là ta có thể giao tiếp với những kẻ chết trước chúng ta.

Do sự có mặt của năm uẩn đang thành hình, nên linh hồn đối với chúng ta dường như chắc thực. Chúng ta vẫn còn cảm thấy nóng lạnh, đau đớn hay những cơn đói cồn cào. Giáo lý Trung Ấm dạy rằng linh hồn sống bằng mùi hương và rút dưỡng chất từ những đồ cúng được đem đốt. Ngoài ra nó cũng có thể hưởng được những đồ cúng đặc biệt nhân danh nó.

Trong trạng thái này, hoạt động tâm ý rất nhanh. Tư tưởng liên tục trôi qua nhanh và chúng ta có thể làm một lúc nhiều công việc. Tâm tiếp tục duy trì những mẫu mực thói quen của nó: Thói bám víu những kinh nghiệm và thói tin rằng mọi sự tuyệt đối là thực có.

Những kinh nghiệm của linh hồn người chết

Suốt trong những tuần đầu trong cõi Trung Ấm. Linh hồn người chết có cảm tưởng rằng mình là một người đàn ông hay một phụ nữ. Hệt như khi ta còn sống. Chúng ta không hề nhận ra rằng mình đã chết.

Chúng ta trở về nhà để gặp bà con và những người thân yêu. Ta cố nói với họ, sờ vai họ. Nhưng họ không trả lời, cũng không tỏ ra họ biết ta có ở đấy. Dù ta cố gắng bao nhiêu, cũng không gì làm cho họ chú ý ta được. Ta bất lực đứng nhìn họ khóc hay ngồi thẩn thờ với cõi lòng tan nát vì cái chết của ta.

Ta lại còn cố một cách vô hiệu để xử dụng những đồ đạc của ta khi trước. Chỗ ta ngồi nơi bàn ăn không còn dành cho ta nữa. Những người thân bắt đầu bàn tính chôn cất và chia chác của cải của ta. Ta cảm thấy tức tối, bị thương tổn và hằn học “như một con cá quằn quại trên cát nóng”, Tử Thư nói.

Nếu hết sức quyến luyến cái xác của mình, thậm chí ta lại còn cố nhập vào nó hay lảng vảng bên nó. Có trường hợp quá khích là: Linh hồn người chết có thể lai vãng gần tài sản hay xác của họ hàng tuần. Thậm chí hàng năm hoặc nhiều năm mà vẫn chưa có thể nghĩ rằng mình đã chết. Chỉ khi ta thấy mình không có bóng in trên mặt đất, không in dấu chân bước. Hoặc không thấy hình phản chiếu trong gương ta mới vỡ lẽ ra … Và nội một nỗi kinh hoàng khi nhận ra mình đã chết, cũng đủ làm cho ta ngất xỉu.

Ý thức mãnh liệt gấp bảy lần khi còn sống

Trong cõi Trung Ấm tái sanh. Ta sống lại tất cả những kinh nghiệm của đời vừa qua. Ta ôn lại những kỷ niệm đã từ lâu phai mờ trong ký ức. Ta thăm lại những nơi chốn cũ, “dù chỉ là nơi ta chỉ có khạc nhổ lên đấy”.

Cứ bảy ngày một lần, ta lại bắt buộc phải sống trở lại cái kinh nghiệm chết, với tất cả nỗi đau khổ của nó. Nếu ta đã chết một cách an bình, thì trạng thái tâm an bình đó được tái diễn. Nhưng nếu đó là một cái chết vật vã, sự vật vã ấy cũng được tái diễn. Nếu là một cái chết kinh hoàng, sự kinh hoàng đó cũng được tái diễn. Và nên nhớ rằng: Mọi sự được tái diễn với một ý thức mãnh liệt gấp bảy lần lúc sống. Trong giai đoạn thoáng qua của Trung Ấm tái sanh, mọi nghiệp ác của các đời trước trở lại. Tin buồn là nó trở lại theo một cách cô đọng cường liệt, làm cho tâm ta rối bời.

Cứ thế, linh hồn người chết một mình lang thang không ngừng qua thế giới Trung Ấm. Cô đơn và kinh hoảng như trong một cơn ác mộng. Và cũng hệt như trong mộng: Ta tin rằng mình thực có một cái thân vật lý và mình thực sự hiện hữu. Tuy thế, tất cả những kinh nghiệm trong cõi Trung ấm tái sanh này chỉ do tâm ta biến ra. Đều là do nghiệp và những tập quán cũ của ta tái diễn.

Những cảnh giới linh hồn người chết sẽ gặp

Những ngọn gió của tứ đại trở về và như Tulku Urgyen Rinpoche nói: “Người ta nghe những âm thanh to lớn của đất, nước, lửa, gió. Có tiếng như núi lở sau lưng ta, hoặc tiếng con sông lớn gầm lên. Hoặc tiếng một khối lửa khổng lồ như hỏa diệm sơn, hoặc tiếng của một trận bão lớn”.

Ta hoảng hốt cố chạy thoát những thứ này trong bóng tối kinh hoàng. Rồi đột nhiên trước mặt ta mở ra ba cái hố sâu thăm thẳm: Trắng, đỏ, đen và  “sâu và kinh khủng”. Tử Thư nói đây chính là tâm giận dữ, tham dục và ngu si của ta. Ta bị tấn công bởi những ngọn thác đổ, mưa đá bằng máu mủ. Bị ám ảnh bởi những âm thanh la hét của quỷ không đầu. Bị săn đuổi bởi những yêu quái và thú dữ chuyên ăn thịt.

Cứ thế, ta không ngừng bị ngọn gió nghiệp cuốn đi. Ta không thể vin víu vào bất kỳ một căn cứ nào cả. Tử Thư nói: “Vào lúc ấy, trận cuồng phong của nghiệp thức kinh hoàng, khó chịu xoáy lên một cách dữ tợn, từ đằng sau sẽ đẩy ngươi tới trước”. Bị ngốn ngấu bởi nỗi hoảng sợ, bị thổi giạt qua lại như những hạt nhị hoa bay trước gió. Ta lang thang một cách vô vọng qua cõi Trung Ấm. Bị cơn đói khát dày vò, ta tìm nơi trú ẩn chỗ này chỗ khác.

Nhận thức của tâm ta thay đổi từng chặp, lúc vui lúc buồn. Bỗng tâm ta đâm ra khao khát có một cái xác thân vật lý nhưng lại không thể tìm được, làm cho ta lại rơi vào đau khổ.

Trải nghiệm của linh hồn người chết: Thiện – ác

Toàn thể khung cảnh ấy đều do nghiệp ta un đúc. Cũng như thế giới trung gian có thể chứa đầy những ảnh tượng ác mộng do vọng tưởng chúng ta tạo nên.

Nếu bình thường lúc sống, ta có hành động tích cực, thì kinh nghiệm và nhận thức chúng ta trong cõi Trung Ấm sẽ là hạnh phúc và an lạc.

Nếu đời ta tác hại và làm người khác đau khổ thì kinh nghiệm trong cõi Trung Ấm của ta sẽ đầy đau đớn buồn lo.

Bởi thế, Tử Thư nói rằng: Linh hồn người chết của những người đánh cá, đồ tể, thợ săn đều bị tấn công bởi những hình ảnh ghê rợn của những nạn nhân của họ trước kia.

Vài người nghiên cứu kỹ kinh nghiệm cận tử, nhất là khi nghiên cứu những “cuộn phim đời” – Một đặc điểm chung của tất cả mọi người chết đi sống lại – đã tự hỏi: “Làm sao tưởng tượng nổi sự kinh khủng của những kinh nghiệm trong cõi Trung Ấm của một nhà độc tài hay của một kẻ chuyên tra tấn? “Cuộn phim đời” cho ta thấy rằng, sau khi ta chết: Ta có thể kinh quá tất cả những nỗi đau khổ mà ta đã gieo, trực tiếp hay gián tiếp” .

Linh hồn người chết trong 49 ngày

Linh hồn người chết tồn tại trung bình 49 ngày và ít nhất là một tuần. Nhưng cũng còn tùy, giống như hiện tại có người sống tới trăm tuổi, trong khi kẻ khác chết non. Một số lại còn bị kẹt trong thế giới trung gian để thành ma quỷ.

Dudjom Rinpoche thường giải thích rằng suốt trong 21 ngày đầu của thời gian Trung Ấm, linh hồn người chết vẫn còn một số ấn tượng mạnh về đời sống vừa qua. Bởi thế đây là giai đoạn quan trọng nhất để người sống giúp đỡ người chết. Sau đó, đời sống tương lai của bạn dần dần thành hình và trở thành ảnh hưởng chính. Linh hồn chúng ta phải chờ đợi trong thế giới trung gian cho đến khi nào nghiệp ta bắt liên lạc được với cha mẹ tương lai.

Ðôi khi tôi nghĩ về Cõi giới này như một thứ hành lang chuyển tiếp, trong đó linh hồn người đã chết có thể chờ đợi đến 49 ngày trước khi chuyển sang đời sống mới.

Nhưng có hai trường hợp đặc biệt không cần phải đợi trong cõi Trung Ấm, bởi tính cách cường liệt của nghiệp lực họ đẩy ngay linh hồn họ vào tái sanh mới. Trường hợp đầu tiên là những người đã sống một đời vô cùng lợi lạc và tích cực, đã tu luyện tâm đến trình độ năng lực chứng ngộ của họ sẽ đưa họ trực tiếp vào một tái sanh tốt đẹp. Trường hợp thứ hai là những người đã sống cuộc đời tiêu cực, tác hại. Họ đọa lạc rất nhanh xuống đời tái sanh kế tiếp, tới bất cứ ở đâu.

Sự phán xét của Linh hồn người chết

Một vài mô tả về cõi Trung Ấm có nói đến một cảnh xét xử linh hồn: Một loại “quay lại cuộn phim đời” giống như sự phán xét sau khi chết ở trong nhiều nền văn hóa của nhân loại.

Lương tâm tốt của bạn là một vị thiên thần hộ mạng màu trắng. Nó đóng vai cố vấn bào chữa, kể lại những việc tốt bạn đã làm.

Lương tâm xấu của bạn là một con quỷ đen, trình lên vụ án để xét xử.

Tốt và xấu được tính thành những hòn sỏi trắng đen. “Thần chết” hay Diêm vương chủ tọa phiên xử. Khi ấy họ soi vào kính nghiệp để làm cuộc phán xét.

Màn phán xét này có vài tương đồng với “cuộn phim cuộc đời” ở kinh nghiệm cận tử. Cuối cùng, mọi cuộc phán xét đều xảy ra ngay trong tâm ta. Chúng ta đồng thời là quan tòa và bị cáo. Raymond Moody nói: “Ðiều đáng chú ý là sự phán xét không phải đến từ nơi thực thể ánh sáng mà lại đến từ cá nhân người bị xét xử”.(Tư duy về đời sau)

Cảnh phán xét thiện ác linh hồn cũng chứng tỏ rằng trong sự phân tích tối hậu: Chính cái động lực sau mọi hành động của chúng ta mới là điều quan trọng. Chúng ta không thể thoát khỏi hậu quả của những hành động, lời nói và ý nghĩ của ta. Ðiều này có nghĩa chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm không những về cuộc đời hiện tại, mà cả những đời tương lai của ta nữa.

 Năng lực siêu việt của linh hồn người chết

Vì trong cảnh giới Trung Ấm, tâm ta rất nhẹ nhàng linh động và bén nhạy.  Vậy nên bất cứ tư tưởng nào khởi lên: Tốt hay xấu, đều có ảnh hưởng và năng lực ghê gớm. Vì không có một cơ thể vật lý làm nền tảng, nên những ý tưởng trở thành thực tại.

Hãy tưởng tượng sự buồn bã giận dữ khốc liệt mà ta có thể cảm thấy khi trông thấy người sống làm đám tang cho ta quá sơ sài. Hoặc bà con tham lam đang tranh giành những vật sở hữu của ta. Hoặc bạn bè mà ta rất yêu mến bây giờ đang nói về ta một cách khinh miệt. Một tình huống như vậy có thể rất nguy hiểm. Vì phản ứng bạo hành của ta có thể đưa linh hồn ta thẳng đến một tái sanh bất hạnh.

Như vậy, năng lực mãnh liệt của tâm ta là vấn đề then chốt trong Trung Ấm tái sanh. Cái giai đoạn cao điểm này hoàn toàn phơi bày chúng ta ra giữa những thói quen và khuynh hướng cố hữu mà ta đã để cho tăng trưởng và thống trị đời ta. Nếu bạn không kiểm soát những khuynh hướng ấy ngay bây giờ trong khi sống. Nếu bạn không ngăn chúng xâm chiếm tâm bạn. Trong Trung Ấm tái sanh linh hồn của bạn sẽ thành nạn nhân tội nghiệp của chúng, bị mãnh lực của chúng đưa đẩy.

Linh hồn người chết trong ranh giới: Giải thoát – Đọa lạc

Một sự giận dữ nhỏ nhặt trong trạng thái Trung Ấm cũng có thể có một ảnh hưởng tai hại. Bởi thế mà theo truyền thống, người đọc Tử Thư cho bạn lúc sắp chết phải là một người mà bạn có quan hệ tốt đẹp. Nếu không, nội một việc nghe âm thanh tiếng nói của y cũng đủ làm cho bạn nổi tam bành. Điều này sẽ có những hậu quả vô cùng khốc hại cho linh hồn người đã chết.

Giáo lý cho ta thấy nhiều mô tả về tính chất sống sít của cái tâm ở trong trạng thái Trung Ấm: Tâm ta lúc ấy giống như một thỏi sắt nung đỏ, sẵn sàng uốn bất cứ kiểu nào bạn muốn. Bất cứ hình dáng gì nó được uốn nắn, nó sẽ mau chóng thành hình y như vậy.

Một tư tưởng tích cực duy nhất trong trạng thái Trung Ấm có thể trực tiếp dẫn đến giác ngộ. Một phản ứng tiêu cực duy nhất có thể làm bạn chìm vào đau khổ lâu dài. Tử thư cảnh cáo chúng ta một cách mạnh mẽ như sau :

Ðến đây là ngã rẽ đôi đường lên cao và xuống thấp: Đây là lúc mà chỉ cần lướt vào sự lười biếng một chút ngươi cũng đủ chịu khổ miên viễn. Đây là lúc mà chỉ cần tập trung một chút ngươi cũng sẽ hưởng được hạnh phúc lâu bền. Hãy chú tâm không tán loạn, hãy nỗ lực kéo dài hậu quả thiện nghiệp !

Linh hồn người chết sẽ siêu thoát nếu như…

Trong Trung Ấm tái sanh, các cõi Phật không hiện ra một cách tự nhiên. Tuy nhiên, chỉ cần nhớ đến các vị Phật, bạn cũng có thể đi thẳng đến các cõi ấy bằng năng lực tâm bạn. Và do nhân duyên này, bạn tiến đến giải thoát.

Giáo lý Mật tông Tây Tạng này cho ta thấy niệm Phật là vô cùng trọng yếu. Trong cảnh giới này, chỉ cần linh hồn niệm một câu Nam mô A Di Đà Phật thôi, ngay lập tức sẽ vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Giáo lý kỳ đặc này xác quyết một sự thật hiển nhiên về Bản Nguyện Niệm Phật: Bạn niệm Phật là chắc chắn được vãng sanh – Tuệ Tâm.

Nếu bạn có thể niệm danh hiệu một vị Phật, vị ấy liền hiện ra trước bạn. Nhưng nên nhớ, mặc dù các khả năng là vô giới hạn, chúng ta vẫn phải có sự tự chủ tâm ý trong Trung Ấm này. Vì điều này vô cùng khó khăn khi tâm ta ở giai đoạn này hết sức bén nhạy, phân tán và bất an.

(Linh hồn người chết là gì – Theo Tạng Thư Sống Chết)

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Bát khổ là gì

9 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog