Kinh Trống Pháp Lớn ♦ Quyển thượng
Pháp Giới 12 tháng trước

Kinh Trống Pháp Lớn ♦ Quyển thượng

Kinh Trống Pháp Lớn ♦ Quyển thượng

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật cùng với 500 vị đại Bhikṣu [bíc su] ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức.

Lại có trăm ngàn chư đại Bồ-tát.

Lại có rất nhiều hàng trời, rồng, và quỷ tiệp tật.

Lại có trăm ngàn Thanh Tín Nam và Thanh Tín Nữ.

Lại có vị chủ lãnh của Thế giới Kham Nhẫn là Đại Phạm Thiên Vương, cùng với Năng Thiên Đế, Tứ Đại Thiên Vương, và quyến thuộc của họ.

Lại có vô lượng vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī [bíc su ni], Thanh Tín Nam, Thanh Tín Nữ, và chư Bồ-tát đến từ các thế giới trong mười phương.

Lúc bấy giờ Như Lai ở giữa bốn chúng đệ tử mà thuyết Pháp như vầy:

“Có tồn tại tất sẽ có vui và khổ. Không tồn tại tất sẽ chẳng có vui hay khổ. Cho nên, xa lìa khổ vui tức là niềm an lạc đệ nhất của tịch diệt.”

Tất cả 500 vị Thanh Văn Bhikṣu kia đều là những bậc Ứng Chân với các lậu đã tận, không còn phiền não, và tâm được tự tại. Các ngài ví như đại long, tâm được trí tuệ giải thoát lành, việc cần làm đã xong, và đã buông bỏ gánh nặng. Họ được điều lợi ích cho bản thân và dứt trừ mọi sự ràng buộc. Với giải thoát của chánh trí, họ đắc Trí Độ đệ nhất và mọi thứ trong tâm được tự tại.

Lại có vô lượng hàng Hữu Học đều đã đắc Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, hay Bất Hoàn. Có vô lượng Bhikṣu thánh chúng được thành tựu nhưng vẫn còn hữu lậu.

Lại có chư đại Bồ-tát đã thành tựu vô lượng vô số công đức. Các ngài đến từ các thế giới trong mười phương. Cho dù dùng toán số thí dụ thì cũng không thể biết số lượng đến tham dự là bao nhiêu. Trí tuệ của tất cả Thanh Văn và Duyên Giác thì cũng chẳng thể biết. Chỉ duy trừ Diệu Cát Tường Bồ-tát, Quán Thế Âm Bồ-tát, và Từ Thị Đại Bồ-tát. Những vị đại Bồ-tát như thế làm thượng thủ ở trong vô lượng vô số đại chúng. Ví như đại địa sanh ra vô số cỏ cây, chư Bồ-tát đại chúng đến từ các thế giới trong mười phương thì cũng lại như vậy; số lượng đó nhiều không thể tính đếm.

Lại có Bhikṣuṇī An Ẩn và hàng quyến thuộc Bhikṣuṇī.

Lại có Phu nhân Lộc Tử Mẫu cùng với Phu nhân Man Hoa, và vô lượng đại quyến thuộc của họ.

Lại có Trưởng giả Thiện Thí và hàng quyến thuộc Thanh Tín Nam.

Lúc bấy giờ Thế Tôn ở giữa đại chúng mà thuyết giảng về Pháp môn Tồn Tại và Không Tồn Tại.

Trong lúc ấy, vua Thắng Quân từ giấc ngủ thức dậy và suy nghĩ rằng:

“Ta bây giờ nên đi đến chỗ của Thế Tôn.”

Nghĩ như thế xong, ngài lập tức hạ lệnh đánh trống thổi loa và đi đến chỗ của Phật.

Bấy giờ Thế Tôn tuy biết nhưng vẫn hỏi rằng:

“Này Khánh Hỷ! Tại sao có âm thanh của loa và trống?”

Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng:

“[Thưa Thế Tôn!] Vua Thắng Quân đang đi đến chỗ của Phật nên mới có âm thanh của loa và trống.”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Ông bây giờ cũng nên đánh trống Pháp lớn. Ta nay sẽ nói Kinh Trống Pháp Lớn.”

Ngài Khánh Hỷ bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Con chưa bao giờ nghe tên của Kinh Trống Pháp Lớn này. Tại sao gọi là Kinh Trống Pháp Lớn?”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Ông làm sao có thể biết? Chư đại Bồ-tát đến dự Pháp hội này mà còn chẳng thể biết sáu chữ Phạm âm của Kinh Trống Pháp Lớn này. Hà huống là ông mà có thể nghe được chăng.”

Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Đây quả là điều chưa từng có. Tên gọi của Pháp này thật rất khó biết đến.”

“Như thị, Khánh Hỷ! Thật đúng như lời ông nói.

Này Khánh Hỷ! Kinh Trống Pháp Lớn này rất quý hiếm ở thế gian và được ví như hoa linh thụy nở.”

Ngài Khánh Hỷ bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Tất cả chư Phật đều có Pháp này chăng?”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Chư Phật ba đời đều có Pháp này.”

Ngài Khánh Hỷ bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Nếu vậy thì chư Bồ-tát kia, là những bậc dũng mãnh của nhân thế, tại sao đều đến vân tập ở Pháp hội này? Vì sao chư Như Lai của họ không diễn nói Pháp này ở cõi nước của mình?”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Đây ví như có một vị Bhikṣu tu hạnh vô tranh và ẩn cư trong một hang núi. Trên đường vào thôn khất thực, ngài thấy những xác người chết và thú vật. Khi đã thấy, ngài cảm thấy ghê tởm, rồi quay về và không đi khất thực nữa.

[Ngài nghĩ:]

‘Ôi khổ thay! Mình cũng sẽ thế thôi!’

Một lát sau, ngài cảm thấy vui vẻ và suy nghĩ rằng:

‘Mình hãy đến đó thêm một lần nữa và quán sát tử thi để gia tăng sự nhàm chán.’

Rồi ngài lại hướng đến thôn trang và mong thấy những xác chết để tu Pháp quán tưởng bất tịnh. Khi thấy xong, ngài quán sát và đắc Đạo Ứng Chân.

Cũng vậy, chư Phật ở phương khác không giảng về vô thường, khổ, không, hay bất tịnh.

Vì sao thế? Bởi Pháp ở các quốc độ của chư Phật là như vậy.

Chư Phật Như Lai kia vì các Bồ-tát mà nói lời như vầy:

‘Thật kỳ diệu thay! Năng Tịch Thế Tôn có thể thị hiện ở trong đời ác năm trược và dùng đủ mọi phương tiện để nói Kinh Trống Pháp Lớn cho những chúng sanh khổ não. Do đó, các thiện nam tử! Các ông hãy tu học như thế.’

Chư Bồ-tát kia đều đến Pháp hội này là vì muốn thấy Ta và cung kính lễ bái. Khi đã đến Pháp hội này, họ sẽ chứng đắc Trụ Thứ Nhất và cho đến Trụ Thứ Mười. Cho nên Kinh Trống Pháp Lớn rất khó gặp được. Bởi vậy mà chư đại Bồ-tát từ khắp mười phương đều đến vân tập là vì để nghe Pháp.”

Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng:

“Lành thay, lành thay! Tất cả những ai đến dự đều sẽ được Kinh Pháp hiếm có này.”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Kinh thâm sâu như thế chẳng thể ai ai cũng có thể lãnh thọ. Cho nên ông không nên nói rằng, hết thảy người đến dự sẽ được lợi ích.”

Ngài Khánh Hỷ bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Tại sao Kinh Pháp kia chẳng làm lợi ích cho tất cả người đến dự?”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Kinh điển này là Pháp tạng bí mật của Như Lai, thâm sâu vi diệu, khó tin khó hiểu.

Cho nên, Khánh Hỷ! Ông không nên nói rằng, hết thảy người đến dự sẽ được lợi ích.”

Ngài Khánh Hỷ bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Việc ấy chẳng phải giống như vua Thắng Quân ra lệnh đánh trống chiến đấu lớn khi sắp vào trận chiến hay sao? Khi âm thanh nghe được, tất cả mũi tên của địch đều rơi rụng.”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Khi vua Thắng Quân ra lệnh đánh trống chiến đấu lớn, không phải ai nghe tiếng trống cũng đều phấn khởi. Trong số đó có kẻ khiếp nhược, khi nghe rồi thì sợ hãi đến chết hoặc sắp gần chết.

Cũng vậy, Khánh Hỷ! Danh hiệu của Kinh Trống Pháp Lớn này là Pháp môn mà hàng Nhị Thừa chẳng tín thọ.

Cho nên, Khánh Hỷ! Ví như khi sắp lâm trận, quốc vương kia mới đánh trống lớn của nhà vua. Cũng vậy, Kinh Trống Pháp Lớn này là bí tạng của chư Phật và chỉ diễn nói khi Phật xuất hiện ở thế gian.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Các vị Bhikṣu nơi đây đã lìa khỏi những cặn bã, thanh tịnh thuần nhất, và chân thật cường lực. Họ có thể lãnh thọ khi nghe Kinh Trống Pháp Lớn này chăng?”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“[Thưa Thế Tôn!] Nếu có những vị Bhikṣu nào vi phạm giới luật thì sẽ bị Tôn giả Đại Thải Thục Thị quở trách. Giả sử có những kẻ như thế, ngay cả con mà còn chẳng đi chung. Huống nữa là Thế Tôn. Hiện tại đại chúng trong Pháp hội này đều như rừng hương đàn, thanh tịnh thuần nhất.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Tuy tất cả đại chúng ở Pháp hội này đều thanh tịnh thuần nhất, nhưng đối với lời dạy bí ẩn của Ta thì có người vẫn chưa khéo liễu giải.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Sao gọi là lời dạy bí ẩn?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Nói rằng Như Lai vào Cứu Cánh Tịch Diệt là lời dạy bí ẩn. Sự thật thì Như Lai thường trụ bất diệt, bởi Cứu Cánh Tịch Diệt chẳng phải là pháp hủy hoại. Kinh này thanh tịnh và lìa khỏi ngăn che. Kinh này phân biệt và khai thị bằng âm thanh vang rền với trăm ngàn nhân duyên.

Cho nên, Đại Ẩm Quang! Ông hãy quán sát các đại chúng nơi đây thêm một lần nữa.”

Lúc ấy ngài Đại Ẩm Quang liền quán sát thêm một lần nữa về lý do mà họ đến đây. Trong thời gian của một niệm, chúng sanh với lòng tin hạ liệt, cùng Thanh Văn, Duyên Giác, và sơ phát tâm Bồ-tát đều tự nghĩ không thể kham thọ và sanh tâm thoái lui.

Đây ví như ở giữa các lực sĩ của một vương gia nọ, trong ấy có một người được mệnh danh là Thiên Lực Sĩ, từ chỗ ngồi đứng dậy, rồi đánh trống và lớn tiếng nói rằng:

‘Ai có thể cùng với tôi so tài sức mạnh?’

Những ai chẳng đủ khả năng thì đứng im lặng và lòng tự nghĩ thầm:

‘Mình chẳng đủ sức mạnh để so tài với hắn. Nếu so tài thì sẽ có thể bị tổn thương hoặc sẽ mất cả tánh mạng.’

Do không ai ở trong chúng lực sĩ kia dám đối địch, nên mới được gọi là lực sĩ dũng mãnh vô địch, và người ấy giương cao cờ chiến thắng.

Tương tự như thế, những chúng sanh hạ liệt, cùng Thanh Văn, Duyên Giác, và sơ phát tâm Bồ-tát đều nghĩ như vầy:

‘Mình không thể nghe và thọ trì Pháp này, bởi Như Lai đã vào Cứu Cánh Tịch Diệt mà lại nói rằng thường trụ bất diệt.’

Khi ở giữa đại chúng nghe những điều chưa hề nghe, họ từ chỗ ngồi đứng dậy và rời khỏi.

Vì sao thế? Bởi họ suốt đêm dài tu tập không kiến đối với Cứu Cánh Tịch Diệt. Khi nghe Kinh thanh tịnh lìa ngăn che, họ từ chỗ ngồi đứng dậy và rời khỏi.

Tổng số đại chúng, bao gồm hàng Thanh Văn, Duyên Giác, và sơ phát tâm Bồ-tát đã đến từ các thế giới trong mười phương, là khoảng một tỷ ức vô số phần, nay chỉ còn một phần ở lại.

Những vị đại Bồ-tát tín giải Pháp thân là thường trụ bất diệt, thì mới có thể an trụ thọ trì tất cả Kinh tạng của Như Lai. Các ngài cũng có thể giảng giải và an ủi thế gian, hầu khiến chúng sanh hiểu biết hết thảy lời dạy bí ẩn ở trong Kinh. Họ khéo quán sát tất cả Kinh liễu nghĩa và Kinh không liễu nghĩa. Họ đều có thể hàng phục các chúng sanh hủy phạm giới cấm, và tôn kính phụng sự những vị thanh tịnh đức độ. Đối với Đại Thừa, họ có lòng tin thanh tịnh quảng đại. Đối với Nhị Thừa, họ chẳng hề khởi ý nghĩ kỳ đặc. Họ chỉ thuyết giảng Kinh điển Phương Quảng mà chẳng thuyết giảng những loại Kinh khác. Họ chỉ nói Như Lai thường trụ, và nói có Như Lai tạng mà chẳng xả bỏ không–chẳng những cái không của thân kiến mà cái không của tất cả hữu vi tự tánh.

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ông hãy hỏi đại chúng thêm một lần nữa, rằng tất cả có muốn được nghe Kinh Trống Pháp Lớn này chăng, là Kinh điển Đại Thừa khó tin từ trong Phương Quảng Nhất Thừa? Hãy hỏi ba lần như thế.”

Xem Thêm:   Kinh Đại Thừa Đại Phương Quảng Phật Quan ♦ Quyển thượng

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Lành thay, thưa Thế Tôn!”

Và thế là ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo lộ vai phải, gối phải quỳ sát đất, và đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật.

Khi đã đi nhiễu bên phải Đức Phật bảy vòng, ngài hỏi các đại chúng rằng:

“Tất cả có muốn nghe Kinh Trống Pháp Lớn này chăng? Nay Như Lai sẽ rộng vì các vị mà diễn nói Nhất Thừa, là Pháp Đại Thừa siêu việt hết thảy cảnh giới của Thanh Văn và Duyên Giác.”

Ngài hỏi ba lần như thế và toàn thể đại chúng đồng đáp rằng:

“Chúng tôi vui thích muốn nghe. Vâng, Tôn giả Đại Ẩm Quang! Chúng tôi thảy vì nghe Pháp nên đến đây. Lành thay đã thương xót! Kính mong Đức Phật nói Kinh Trống Pháp Lớn cho chúng con.”

Ngài Đại Ẩm Quang hỏi rằng:

“Tại sao các vị lại tin?”

Đại chúng liền đáp rằng:

“Ví như thí dụ về một chàng trai 20 tuổi có một người con 100 tuổi. Nếu Đức Phật nói như thế, chúng tôi cũng sẽ tin như vậy. Huống nữa là thuyết giảng Chánh Pháp mà chẳng tín thọ hay sao?

Vì sao thế? Bởi việc làm của Như Lai đi đôi với lời nói. Tịnh nhãn của Như Lai chiếu sáng viên mãn vô ngại. Với Phật nhãn quán sát, Như Lai biết rõ tâm tưởng của chúng tôi.”

Ngài Đại Ẩm Quang nói rằng:

“Lành thay, lành thay! Các vị có thể lãnh thọ khi nghe Kinh Trống Pháp Lớn, hoặc thọ trì hay thuyết giảng.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ví như thí dụ về một chàng trai 20 tuổi có một người con 100 tuổi. Kinh Trống Pháp Lớn này cũng lại như vậy.

Vì sao thế? Bởi Như Lai vào tịch diệt mà vẫn thường trụ. Tất cả đều vô ngã, nhưng Như Lai vẫn nói có ngã.”

Đại chúng liền thưa rằng:

“Duy Phật mới có thể biết. Thế Tôn dạy bảo như thế nào, chúng con sẽ thọ trì như thế ấy.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Kính mong Thế Tôn nói Kinh Trống Pháp Lớn, đánh trống Pháp lớn, và thổi loa Pháp lớn.”

Đức Phật bảo:

“Lành thay, lành thay, Đại Ẩm Quang! Ông nay sẽ nghe Ta nói Kinh Trống Pháp Lớn.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa rằng:

“Con xin vâng lời Phật dạy.

Vì sao thế? Bởi đó là cảnh giới của con. Cho nên Như Lai đối với con rất kính trọng. Con được sự kính trọng gì?

Như Lai từng nói với con rằng:

‘Ông hãy đến và ngồi cùng với Ta.’

Do nhân duyên ấy mà con nên tri ân.”

Đức Phật bảo:

“Do bởi lẽ này mà Ta kính trọng ông.

Này Đại Ẩm Quang! Ví như vua Thắng Quân khéo nuôi dưỡng bốn loại binh. Đến lúc lâm trận, họ đánh trống chiến đấu lớn, thổi loa chiến đấu lớn, và kiên quyết đánh quân địch. Do bởi nhớ ơn nuôi dưỡng của nhà vua mà họ hết lòng chiến đấu và có thể đánh bại oán địch để mang lại bình yên cho nước nhà.

Cũng vậy, các vị Bhikṣu! Sau khi Ta vào tịch diệt, Đại Ẩm Quang sẽ hộ trì Kinh Trống Pháp Lớn này. Do bởi lẽ đó mà Ta chia nửa chỗ ngồi cho ông ấy. Bởi vì ông ấy sẽ làm việc của Ta. Sau khi Ta diệt độ, ông ấy có thể lãnh thọ và rộng tuyên giảng Kinh Trống Pháp Lớn.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“[Thưa Thế Tôn!] Con là trưởng tử sanh ra từ miệng của Thế Tôn.”

Phật bảo các vị Bhikṣu rằng:

“Ví như vua Thắng Quân dạy các vương tử học năm loại minh xứ để sau này họ có thể tiếp tục dòng dõi đế vương.

Cũng vậy, các vị Bhikṣu! Sau khi Ta diệt độ, Bhikṣu Đại Ẩm Quang hộ trì Kinh này thì cũng lại như thế.

Lại nữa, Đại Ẩm Quang! Ví như vua Thắng Quân cùng với nhiều vua chúa khác có oán thù lẫn nhau, và họ khởi binh tương tàn. Ở những lúc đó, bốn loại binh của nhà vua–gồm có tượng binh, mã binh, xa binh, và bộ binh–khi nghe tiếng trống lớn thì lòng chẳng kinh sợ. Họ được trang bị áo giáp và cầm chặt vũ khí trong tay. Trước đó nhà vua cũng thường xuyên ban thưởng cho họ. Rồi khi chiến tranh bùng nổ, họ lại được ban thưởng trân bảo và thành ấp. Nếu có thể đánh bại quân địch, họ sẽ được choàng lên đầu với tấm vải lụa trắng và phong làm vua.

Cũng vậy, Đại Ẩm Quang! Nếu có hàng Thanh Văn Bhikṣu hay Bhikṣuṇī của Ta, cùng hàng Thanh Tín Nam hay Thanh Tín Nữ nào mà tùy thuận tu học giới Biệt Giải Thoát, thành tựu và khéo trụ giới luật uy nghi, thì Như Lai cho họ an lạc của cõi trời hay nhân gian.

Những ai lập đại công do hàng phục bốn loại ma, Ta sẽ choàng lên đầu họ với tấm vải lụa trắng giải thoát của Bốn Thánh Đế.

Nếu có ai với tín giải thâm sâu, cầu Như Lai tạng, chân ngã của Phật, và thường trụ Pháp thân, khi ấy Như Lai sẽ lấy nước Nhất Thiết Trí mà rưới lên đỉnh đầu họ và lấy tấm vải lụa trắng mà choàng lên đầu họ.

Này Đại Ẩm Quang! Ta nay cũng lại như vậy. Ta choàng lên đầu ông với tấm vải lụa trắng của Đại Thừa. Ông hãy hộ trì Kinh này ở nơi của vô lượng chư Phật đời vị lai.

Này Đại Ẩm Quang! Nên biết rằng, sau khi Ta diệt độ, ông có thể lãnh thọ và hộ trì Kinh điển như thế.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Xin vâng lời dạy của Thế Tôn.”

Lại thưa với Phật rằng:

“[Thưa Thế Tôn!] Từ nay về sau và sau khi Phật diệt độ, con sẽ luôn hộ trì và rộng thuyết giảng Kinh này.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Lành thay, lành thay! Ta nay sẽ nói Kinh Trống Pháp Lớn cho ông.”

Bấy giờ trong hư không, chư thiên và long chúng đồng thanh tán thán rằng:

“Lành thay, lành thay, Tôn giả Đại Ẩm Quang! Hôm nay chư thiên mưa xuống hoa trời. Các vị vua rồng mưa xuống nước cam lộ và hương bột mềm nhuyễn. Vì để an ủi và làm vui mừng hết thảy chúng sanh, ngài hãy làm Pháp trưởng tử mà Thế Tôn đã kiến lập.”

Lúc ấy chư thiên và long chúng đồng thanh nói kệ rằng:

“Trong thành Phong Đức quốc vương ở
Đánh trống thổi loa chiến đấu lớn
Trong rừng Chiến Thắng Pháp Vương ngự
Đánh trống Pháp lớn vang rền khắp”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ông bây giờ nên đặt câu hỏi khó, ví như cái dùi đánh vào trống Pháp lớn. Như Lai Pháp Vương sẽ thuyết giảng cho ông. Bậc Thiên Trung Thiên sẽ đoạn trừ hoài nghi của ông.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Có một Bhikṣu tên là Tín Đại Phương Quảng. Nếu có ai trong bốn chúng đệ tử mà nghe được tên của vị ấy, thì những mũi tên của tham sân si đều sẽ nhổ ra.

Vì sao thế, Đại Ẩm Quang? Ví như vua Thắng Quân có một ngự y tên là Thượng Dược, là con của Y vương Cố Hoạt.

Khi giao tranh cùng với nước địch, vua Thắng Quân bảo Ngự y Thượng Dược rằng:

‘Khanh hãy cấp tốc mang loại thuốc dùng để thoa khi nhổ những mũi tên cho các quân sĩ đến đây!’

Lúc ấy Ngự y Thượng Dược liền cầm thuốc giải độc đến. Nhà vua lấy thuốc bôi lên trống chiến đấu hoặc đốt thuốc để xông nó, rồi đánh vào trống. Nếu những quân sĩ nào bị trúng tên trong phạm vi một yojana [dô cha na] hay hai yojana mà nghe được tiếng trống đó, thì mũi tên đều được nhổ ra.

Cũng vậy, Đại Ẩm Quang! Nếu có ai nghe tên của Bhikṣu Tín Đại Phương Quảng, thì những mũi tên tham sân si đều sẽ nhổ ra.

Vì sao thế? Bởi vị Bhikṣu kia đã rộng tuyên Chánh Pháp ở trong Kinh này, và do ông ấy hiện tại đã thành tựu nơi Pháp nên mới được quả báo lớn đó.

Này Đại Ẩm Quang! Ông hãy quán sát cái trống phàm vô tâm trí kia. Nó được bôi lên thuốc vô tâm trí hoặc được thuốc xông ướp, rồi khi đánh vào mà còn có năng lực để làm lợi cho chúng sanh như thế. Hà huống là có chúng sanh nào lại nghe được danh hiệu của một vị đại Bồ-tát hoặc tên của Bhikṣu Tín Đại Phương Quảng, mà chẳng thể nhổ trừ ba độc của họ hay sao?”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“[Thưa Thế Tôn!] Nếu chúng sanh nào nghe danh hiệu của Bồ-tát mà còn có thể nhổ trừ ba loại tên độc của họ. Hà huống là tán thán công đức của Thế Tôn và xưng danh hiệu rằng:

‘Quy mạng Năng Tịch Như Lai’

Nếu chúng sanh nào tán thán công đức và xưng niệm danh hiệu của Đức Phật Năng Tịch mà còn có thể nhổ trừ ba loại tên độc của họ. Hà huống họ lại nghe được Kinh Trống Pháp Lớn này, rồi diễn nói một câu hay một bài kệ để an ủi người khác. Nếu họ lại rộng thuyết giảng thì chẳng lẽ không thể nhổ trừ ba loại tên độc hay sao?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Như Ta vừa nói, các vị Bhikṣu trì giới thanh tịnh sẽ được tùy tâm mãn nguyện, đó là bởi bổn nguyện vậy. Hết thảy chư Phật đều có Pháp này. Như trong Kinh Trống Pháp Lớn dạy rằng, các pháp vốn chẳng sanh chẳng diệt.

Cho nên, Đại Ẩm Quang! Vào đời vị lai, ông cũng sẽ giống như Ta.

Vì sao thế? Bởi nếu có ai trong bốn chúng đệ tử mà nghe đến danh hiệu của ông thì ba loại mũi tên độc chắc chắn được nhổ ra.

Cho nên, Đại Ẩm Quang! Nay ông nên thưa hỏi Kinh Trống Pháp Lớn, và sau khi Ta diệt độ, ông hãy hộ trì và lưu truyền để khiến Pháp này trụ lâu ở thế gian.

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Lành thay, thưa Thế Tôn! Kính mong hãy nói Kinh Trống Pháp Lớn cho con.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ông không nên bỏ qua bất cứ câu hỏi nào về Kinh Trống Pháp Lớn.”

Lúc bấy giờ ngài Đại Ẩm Quang liền thưa với Phật rằng:

“Lành thay, thưa Thế Tôn! Con sẽ thưa hỏi về những điều nghi của mình.

Như lời dạy của Thế Tôn ở trên:

‘Có tồn tại tất sẽ có vui và khổ. Không tồn tại tất sẽ chẳng có vui hay khổ.’

Lời dạy như thế mang ý nghĩa gì?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Không tồn tại nghĩa là niềm an lạc đệ nhất của Cứu Cánh Tịch Diệt. Cho nên, lìa cả vui lẫn khổ thì sẽ được niềm an lạc đệ nhất của Cứu Cánh Tịch Diệt. Nếu có vui hoặc khổ thì có tồn tại. Nếu không tồn tại thì chẳng có vui hay khổ. Bởi vậy những ai muốn đắc Cứu Cánh Tịch Diệt thì hãy mong đoạn trừ tồn tại.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa lý ở trên nên nói kệ rằng:

“Tất cả hữu vô thường
Và luôn luôn biến đổi
Có hữu có khổ vui
Vô hữu không khổ vui

Vô vi không khổ vui
Hữu vi sẽ khổ vui
Chớ thích pháp hữu vi
Cũng đừng gần gũi nó

Nếu ai được an vui
Khổ đau rơi trở lại
Tịch diệt nếu chưa đến
Chẳng trụ chốn an vui”

Lúc bấy giờ ngài Đại Ẩm Quang dùng kệ đáp rằng:

“Chúng sanh lìa hữu vi
Tịch diệt an vui nhất
Vui đó chỉ tên gọi
Không có người thọ vui”

Khi ấy Đức Phật lại nói kệ rằng:

“Thường giải thoát, phi danh
Diệu sắc trạm nhiên trụ
Phi cảnh giới Bồ-tát
Thanh Văn và Duyên Giác”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Tại sao Như Lai nói rằng sắc cũng là thường trụ?”

Xem Thêm:   Kinh Ơn Cha Mẹ Khó Báo Đáp

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ta bây giờ sẽ nói một thí dụ. Ví như có một người đến từ thành Khổng Tước ở phương nam.

Có người hỏi anh ta rằng:

‘Anh từ đâu đến?’

Người ấy đáp rằng:

‘Tôi đến từ thành Khổng Tước.’

Người kia lại hỏi rằng:

‘Thành Khổng Tước ở chỗ nào?’

Bấy giờ người ấy liền chỉ về hướng nam.

Này Đại Ẩm Quang! Trong trường hợp đó, người kia chẳng lẽ không tin anh ta sao?

Vì sao thế? Bởi người kia tận mắt thấy anh ta đến từ hướng đó.

Cũng thế, Đại Ẩm Quang! Do Như Lai đã thấy qua nên ông hãy tin lời của Ta.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:

“Ví như có một người
Lấy tay chỉ hư không
Ta nay cũng như thế
Giải thoát qua ngôn từ

Ví như người kia vậy
Đến từ phương nam xa
Ta nay cũng như thế
Từ trong tịch diệt ra

Tuy nhiên, Đại Ẩm Quang! Những ai thấy nghĩa thì không cần nhân duyên. Còn những ai chưa thấy nghĩa thì sẽ cần nhân duyên.

Do đó, Đại Ẩm Quang! Chư Phật Thế Tôn luôn dùng vô lượng nhân duyên để hiển thị giải thoát.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Sao gọi là nhân?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Nhân là sự việc.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Sao gọi là duyên?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Duyên là chỗ nương.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“[Thưa Thế Tôn!] Kính mong Như Lai hiển thị rõ thêm bằng thí dụ.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ví như có một đứa bé sanh ra từ cha mẹ của nó. Mẹ là nhân và cha là duyên. Do bởi nhân duyên của cha mẹ nên đứa con được sanh ra. Pháp sanh ra từ nhân duyên thì gọi là hình thành.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Sao gọi là hình thành?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Đó là hình thành của thế gian.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Sao gọi là thế gian?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Đó là sự hòa hợp của chúng sanh.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Sao gọi là chúng sanh?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Đó là sự kết tập của các pháp.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Sao gọi là pháp?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Chẳng phải pháp cũng là pháp, và pháp cũng là chẳng phải pháp. Có hai loại pháp. Những gì là hai? Hữu vi và vô vi; sắc và vô sắc. Không có loại pháp thứ ba.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Pháp có hình dáng ra sao?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Pháp tức là vô sắc.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Chẳng phải pháp có hình dáng ra sao?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Chẳng phải pháp cũng là vô sắc.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Nếu pháp và chẳng phải pháp đều vô sắc vô tướng, thế thì sao gọi là pháp và sao gọi là chẳng phải pháp?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Pháp tức là tịch diệt. Chẳng phải pháp là hữu vi.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Nếu pháp và chẳng phải pháp đều vô sắc vô tướng, thế thì người trí làm sao biết và tại sao biết về tướng mạo của chúng?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Chúng sanh sanh ra ở trong sanh tử, nếu họ tu tập muôn loại phước đức và căn lành thanh tịnh thì đó là chánh hành. Giả như họ thực hành pháp như thế, tất cả tướng lành thanh tịnh sẽ khởi sanh. Những ai thực hành pháp này thì là pháp của chúng sanh.

Chúng sanh sanh ra ở trong sanh tử, nếu họ gây tạo muôn loại việc tổn phước và những nghiệp xấu ác thì đó là tà hành. Giả như họ thực hành chẳng phải pháp như thế, tất cả tướng ác bất tịnh sẽ khởi sanh. Những ai thực hành chẳng phải pháp này thì là chẳng phải pháp của chúng sanh.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Sao gọi là chúng sanh?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Chúng sanh là sự kết hợp bởi bốn đại–đất, nước, gió, lửa, cũng như năm căn, và cho đến 12 Duyên Khởi.

Trong Kinh Vô Tận Ý nói rằng:

‘Từ sự nghĩ tưởng không chân chánh nên khởi sanh vô minh.’

Cho nên 12 Duyên Khởi, thọ tưởng tư, và tâm ý thức, đó gọi là pháp chúng sanh.

Này Đại Ẩm Quang! Phải biết rằng đó gọi là tất cả pháp.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Ở trong những thứ ấy, pháp nào là chúng sanh?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Không một pháp nào ở trong đó gọi là chúng sanh cả.

Vì sao thế, Đại Ẩm Quang? Đây ví như cái trống của vua Thắng Quân. Sao gọi là cái trống?”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“[Thưa Thế Tôn!] Nói là cái trống, nó bao gồm da, gỗ, và dùi trống. Do ba pháp này hòa hợp mà gọi là cái trống.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Cũng vậy, do các pháp hòa hợp mà gọi là chúng sanh.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Có phải tiếng trống không phải là cái trống?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Tách rời tiếng trống, cái trống cũng có âm thanh là do bởi chuyển động của gió.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Cái trống là pháp hay chẳng phải pháp?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Cái trống không phải pháp và cũng không chẳng phải pháp.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Tên gọi của nó là gì?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Không phải pháp và cũng không chẳng phải pháp, gọi là vô ký.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Nếu bao gồm pháp vô ký thì lẽ ra phải có ba pháp ở thế gian.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Tướng của vô ký thì giống như người chẳng phải nam mà cũng chẳng phải nữ. Phi nam phi nữ gọi là bất nam. Pháp vô ký thì cũng vậy.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“[Thưa Thế Tôn!] Như lời của Thế Tôn đã nói rằng:

‘Do bởi nhân duyên của cha mẹ nên đứa con được sanh ra.’

Nếu họ không có chủng tử để sanh ra chúng sanh thì họ sẽ không có nhân duyên làm cha mẹ.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Không có chủng tử để sanh ra chúng sanh kia gọi là tịch diệt. Bất nam cũng lại như vậy.

Vì sao thế? Bởi ví như khi vua Thắng Quân giao chiến với các nước khác, những binh sĩ thọ dùng bổng lộc của trượng phu mà chẳng dũng mãnh, thì không gọi là trượng phu. Cho nên những ai không có chủng tử của chúng sanh thì không gọi là cha mẹ. Bất nam cũng lại như vậy.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Có Pháp lành, pháp ác, và pháp vô ký. Cái gì là Pháp lành? Cái gì là pháp ác? Cái gì là pháp vô ký?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Cảm thọ vui là Pháp lành. Cảm thọ khổ là pháp ác. Cảm thọ chẳng vui hay khổ là pháp vô ký. Chúng sanh luôn tiếp xúc với ba pháp này. Cảm thọ vui là phước đức năm dục ở cõi trời và nhân gian. Cảm thọ khổ là nói đến cõi giới của địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, và phi thiên. Cảm thọ chẳng vui hay khổ thì giống như bệnh nhẹ ngoài da.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“[Thưa Thế Tôn!] Điều ấy không đúng.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Từ vui sanh khổ, từ khổ sanh khổ, và đó là vô ký.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Thí dụ về việc ấy như thế nào?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Đây ví như có người nhân bởi ăn uống mà mắc bệnh. Ăn uống là vui, nhưng bệnh là khổ. Cũng như bệnh nhẹ ngoài da kia, đó gọi là vô ký.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“[Thưa Thế Tôn!] Nếu khổ và vui gọi là vô ký, thì cha mẹ sanh con cũng gọi là vô ký.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Điều ấy không đúng.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Thí dụ về việc ấy như thế nào?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Chư thiên ở trời Vô Tưởng và cho đến chư thiên ở Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ vẫn còn luôn trụ ở nghiệp. Thiện thì cũng vậy.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Như lời Phật dạy, thọ tưởng là chúng sanh. Cho nên chư thiên ở Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ lẽ ra không phải là chúng sanh.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Họ vẫn có diễn biến của hành. Ta nói về pháp của chúng sanh, chỉ trừ chư thiên ở trời Vô Tưởng.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Chúng sanh là sắc hay vô sắc?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Chúng sanh chẳng phải sắc và cũng chẳng phải vô sắc. Những ai thành tựu pháp kia thì gọi là chúng sanh.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“[Thưa Thế Tôn!] Nếu có chúng sanh thành tựu bởi một pháp dị biệt, thì chư thiên ở cõi vô sắc không nên bao gồm. Thế thì chẳng nên có hai cõi ở thế gian: cõi sắc và cõi vô sắc.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Pháp cũng là phi sắc. Chẳng phải pháp cũng là phi sắc.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Sao gọi là pháp và giải thoát hòa hợp, chẳng phải pháp và giải thoát hòa hợp? Chư thiên ở cõi vô sắc cũng có giải thoát chăng?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Không đúng. Chỉ có pháp hữu vi và Pháp vô vi. Giải thoát là vô vi. Chư thiên ở cõi vô sắc thuộc trong cõi hữu vi, bởi vì họ vẫn còn có sắc tánh.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Tất cả pháp hữu vi là sắc. Phi sắc là vô vi. Cái thấy có sắc của chư thiên ở cõi vô sắc là cảnh giới của Phật và đó không phải là cảnh giới của con.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Lành thay, lành thay! Đây là cảnh giới của Ta, chứ không phải cảnh giới của các ông. Chư Phật Thế Tôn cũng vậy, tuy đã đạt đến giải thoát, đã lìa khỏi sắc nhưng vẫn có sắc.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Sao gọi là chư thiên ở cõi vô sắc? Ông có muốn biết việc làm của họ chăng?

Này Đại Ẩm Quang! Có thể xem chư thiên ở cõi sắc như chư thiên ở cõi vô sắc chăng?”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“[Thưa Thế Tôn!] Đây không phải là cảnh giới của con.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Như thị, chư Phật Thế Tôn đạt đến giải thoát thì đều có sắc. Ông hãy quán sát.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Nếu ai được giải thoát như thế thì lẽ ra vẫn còn cảm thọ khổ vui.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Giả sử có chúng sanh nào mắc bệnh, họ uống thuốc và được lành bệnh. Vậy họ còn mắc bệnh nữa chăng?”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“[Thưa Thế Tôn!] Nếu họ có nghiệp thì vẫn còn phải mắc bệnh.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Những ai không có nghiệp thì sẽ mắc bệnh chăng?”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Dạ không, thưa Thế Tôn!”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Như thị, lìa khổ vui là giải thoát. Phải biết rằng khổ vui là bệnh. Bậc trượng phu là người đắc tịch diệt.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Nếu lìa khổ vui là giải thoát, thì bệnh có chấm dứt khi nghiệp hết chăng?”

Xem Thêm:   Kinh Cứu Đảo Huyền

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Điều vui ở thế gian sẽ dẫn đến khổ. Một khi lìa khỏi chúng thì sẽ dứt sạch nghiệp và được giải thoát.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Có phải giải thoát là sự chấm dứt cuối cùng?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ví như có người so sánh hư không như biển, nhưng hư không thật sự có như biển chăng? Không có thể so sánh như hư không, giải thoát thì cũng vậy. Không ai có thể biết chư thiên ở cõi vô sắc có sắc, cũng chẳng thể biết họ như thế này hoặc như thế kia, họ đứng như thế này hoặc du hí như thế kia. Sự hiểu biết này không phải là cảnh giới của hàng Thanh Văn hay Duyên Giác; giải thoát thì cũng như vậy.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Ai tạo ra hết thảy chúng sanh?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Chúng sanh tạo ra bởi chính họ.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Nghĩa này là sao?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Những ai làm thiện là Phật. Những ai làm ác là chúng sanh.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Ai tạo ra chúng sanh đầu tiên?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ai tạo ra chư thiên ở cõi vô sắc, như là chư thiên ở Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ? Làm sao họ sinh hoạt và an trụ?”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Mặc dù những nghiệp của họ thì không thể biết, nhưng họ tạo ra bởi nghiệp của chính họ. Thế thì ai làm ra chúng sanh đen ở sanh tử, hoặc trắng ở tịch diệt?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Là do nghiệp của chính họ. Nghiệp khởi sanh vô lượng pháp; thiện cũng khởi sanh vô lượng pháp.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Cái gì khởi sanh từ nghiệp? Cái gì khởi sanh từ thiện?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Tồn tại khởi sanh từ nghiệp. Giải thoát khởi sanh từ thiện.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Pháp không chỗ sanh thì làm sao thiện khởi sanh?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Hai điều này chẳng khác nhau.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Nếu thiện khởi sanh thì làm sao người ấy nhận biết nó không chỗ sanh?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Bằng cách làm việc lành.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Ai chỉ dạy điều ấy?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Điều ấy được dạy bởi chư Phật từ vô thỉ.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Ai đã chỉ dạy và giáo hóa hết thảy chư Phật từ vô thỉ?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Thời gian không có sự khởi đầu, chẳng phải tất cả Thanh Văn hay Duyên Giác suy lường mà biết được. Giả sử có người với trí tuệ đa văn như Đại trí Thu Lộ Tử xuất hiện ở thế gian, cho dù người ấy suy nghĩ suốt đêm dài thì vẫn không bao giờ có thể biết được Đức Phật đầu tiên từ vô thỉ, cho đến thời gian vào tịch diệt hoặc thời gian ở khoảng giữa của Đức Phật đó thì cũng không thể biết.

Lại nữa, Đại Ẩm Quang! Cho dù Bhikṣu Đại Thải Thục Thị dùng sức thần thông thì cũng không bao giờ tìm được cõi Phật đầu tiên ở thời gian không có sự khởi đầu. Cũng vậy, tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, và chư Bồ-tát đang ở Địa Thứ Mười, như là Từ Thị Bồ-tát, thì cũng không thể biết. Khởi nguồn của chư Phật như thế thật khó có thể biết được. Khởi nguồn của chúng sanh thì cũng lại như thế.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Cho nên, thưa Thế Tôn! Không có người tạo ra và cũng không có người thọ nhận.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Nhân là người tạo ra và cũng là người thọ nhận.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Thế gian có kết thúc hay chẳng có kết thúc?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Thế gian chưa từng có kết thúc, không có chỗ để kết thúc, và cũng không có mốc thời gian để kết thúc.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Giả sử dùng một sợi lông chấm vào nước trong đại dương, ông có thể nào lấy hết nước biển với cách đó chăng?”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Dạ vâng, có thể lấy hết.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Vào thuở quá khứ vô lượng vô số đại kiếp về trước, có một Đức Phật xuất hiện ở thế gian và rộng thuyết giảng giáo Pháp, hiệu là Kelava [ke la va]. Bấy giờ trong thành có một đồng tử thuộc dòng dõi quý tộc Bạc Bì, tên là Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến, làm Chuyển Luân Thánh Vương và dùng Chánh Pháp giáo hóa. Một ngày nọ, nhà vua cùng với trăm ngàn đại quyến thuộc đồng đi đến chỗ của Đức Phật kia, rồi đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và đi nhiễu bên phải ba vòng.

Khi đã cúng dường xong, ngài bạch Phật rằng:

‘[Bạch Thế Tôn!] Bao lâu thì con sẽ thành tựu Đạo Bồ-tát?’

Đức Phật kia bảo nhà vua rằng:

‘Chuyển Luân Thánh Vương chính là Bồ-tát. Không có sự sai khác nào.

Vì sao thế? Bởi không ai có thể làm Năng Thiên Đế, Phạm Vương, và Chuyển Luân Thánh Vương. Nếu ai là Bồ-tát thì chính là Năng Thiên Đế, Phạm Vương, và Chuyển Luân Thánh Vương. Trước tiên, ngài chuyển sanh nhiều lần làm Năng Thiên Đế hoặc Phạm Vương, rồi sau đó mới sanh làm Chuyển Luân Thánh Vương và dùng Chánh Pháp giáo hóa. Ông đã từng làm Năng Thiên Đế và Phạm Vương vô số lần nhiều như cát sông Hằng. Nay ông chuyển sanh làm Chuyển Luân Thánh Vương.’

Lúc đó nhà vua bạch rằng:

‘[Bạch Thế Tôn!] Năng Thiên Đế và Phạm Vương có hình tướng ra sao?’

Đức Phật kia bảo nhà vua rằng:

‘Hình tướng của Năng Thiên Đế hay Phạm Vương thì cũng giống như ông bây giờ. Tuy trên đầu đội mũ trời nhưng sự đoan nghiêm của họ thì không bằng ông. Đây ví như sắc tướng đoan nghiêm thù đặc của Phật. Sắc tướng của Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ-tát đều chẳng thể sánh bằng. Như sự đoan nghiêm của Phật, ông cũng lại như vậy.’

Này Đại Ẩm Quang! Bấy giờ thánh vương lại hỏi Phật rằng:

‘[Bạch Thế Tôn!] Bao lâu nữa con sẽ thành tựu Phật Đạo?’

Đức Phật kia bảo:

‘Này đại vương! Phàm ai thành tựu Phật Đạo thì phải trải qua một thời gian rất lâu xa.

Vì sao thế? Giả sử đại vương rời bỏ phước đức của mình và trở thành người bình thường, rồi dùng một sợi lông chấm vào đại dương để lấy từng giọt nước, cho đến khi nước biển sắp hết và chỉ còn nước đọng như các dấu chân trâu. Bấy giờ có một Đức Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Đăng Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Đương thời có một quốc vương tên là Địa Tự Tại, và Đăng Quang Như Lai thọ ký cho ngài sẽ thành Phật. Lúc đó ông sẽ sanh làm con trai trưởng của vị vua ấy và cũng được Đức Phật kia thọ ký.

Bấy giờ Như Lai kia sẽ nói lời như vầy:

‘Này đại vương! Người con trai trưởng hiện sanh làm con của ngài bây giờ, đã tu hành từ thuở xa xưa đến nay, thời gian đã trải qua, ví như có người dùng một sợi lông chấm vào đại dương để lấy từng giọt nước và cho đến khi nước biển sắp hết. Ở quãng thời gian đó, đồng tử chưa từng làm tiểu vương, mà chỉ làm Năng Thiên Đế, Phạm Vương, hoặc Chuyển Luân Thánh Vương và dùng Chánh Pháp giáo hóa. Người con trai trưởng của ngài rất dũng mãnh và tinh tấn.

Cũng vậy, Địa Tự Tại! Phật Đạo rất khó chứng đắc. Do bởi nhân duyên ấy, Ta sẽ nói một thí dụ.

Này Địa Tự Tại! Người con trai trưởng của ngài có 60.000 thể nữ xinh đẹp mỹ lệ. Họ mang xâu chuỗi anh lạc trang nghiêm tựa như thiên nữ. Tuy nhiên đồng tử sẽ từ bỏ tất cả ví như nhổ nước miếng.

Biết ái dục là vô thường, mỏng manh, và không kiên cố nên đồng tử lập nguyện rằng:

“Ta sẽ xuất gia.”

Khi nói lời ấy xong, đồng tử biết rằng gia đình không phải chốn thanh tịnh nên từ bỏ để xuất gia học Đạo.’

Cho nên Đức Phật kia sẽ thọ ký cho đồng tử đó rằng:

‘Vào đời vị lai sẽ có một Đức Phật, hiệu là Năng Tịch. Thế giới tên là Kham Nhẫn.

Này đồng tử! Con sẽ sanh vào trong dòng dõi quý tộc Bạc Bì, tên là Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến. Sau khi Đức Phật Năng Nhân vào tịch diệt, lúc Chánh Pháp sắp diệt và chỉ còn 80 năm, con sẽ chuyển sanh, rồi xuất gia làm Bhikṣu, thọ trì danh hiệu của Đức Phật ấy, và tuyên dương Kinh này mà chẳng hề luyến tiếc thân mạng. Sau khi mạng chung ở tuổi 100, vị Bhikṣu đó sẽ vãng sanh về Thế giới Cực Lạc, có được sức đại thần thông và trụ ở Địa Thứ Tám. Ngài sẽ hóa hiện một thân ở trời Hỷ Túc và một thân ở Thế giới Cực Lạc. Ngài lại hóa hiện một thân khác để thưa hỏi Đức Phật Vô Năng Thắng về Kinh này.’

Khi nghe được con mình thọ ký, vua Địa Tự Tại vui mừng hớn hở và nói rằng:

‘Hôm nay Như Lai thọ ký cho con trai mình sẽ trụ ở Địa Thứ Tám.’

Còn về đồng tử, khi nghe âm thanh thọ ký của Phật, đồng tử càng thêm tinh tấn.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Cho nên, thưa Thế Tôn! Dùng sợi lông chấm vào đại dương để lấy từng giọt thì nước biển cũng sẽ hết.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Nghĩa này là sao?”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Ví như có một thương nhân, sau khi đã tính đếm những đồng tiền vàng, rồi cất chúng vào trong một cái hộp. Khi đứa con khóc, người cha lấy cho nó một đồng tiền vàng. Người ấy tất biết tổng số tiền ở trong hộp đã giảm bớt từng ngày.

Cũng vậy, đại Bồ-tát biết rõ bao nhiêu nước ở trong biển cả đã giảm bớt từng giọt, và cũng có thể biết còn dư lại bao nhiêu. Hà huống là Thế Tôn đối với sự chấm dứt của khối lượng lớn chúng sanh mà chẳng biết hay sao. Tuy nhiên, các chúng sanh không có chấm dứt. Tất cả Thanh Văn và Duyên Giác đều chẳng biết được việc này. Duy chỉ có chư Phật Thế Tôn mới có thể biết.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Lành thay, lành thay! Đúng như lời ông nói. Khối lượng lớn của chúng sanh không có chấm dứt.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Chúng sanh và tịch diệt có chấm dứt hay không chấm dứt?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Chúng sanh cũng không có chấm dứt.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Tại sao chúng sanh không có chấm dứt.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Nếu chúng sanh có chấm dứt thì nghĩa là có tổn giảm. Thế thì Kinh này sẽ trở thành vô nghĩa.

Cho nên, Đại Ẩm Quang! Chư Phật Thế Tôn sau khi vào Cứu Cánh Tịch Diệt thảy đều thường trụ. Do bởi lẽ này, chư Phật Thế Tôn, mặc dù đã vào Cứu Cánh Tịch Diệt nhưng chẳng hoại diệt.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Tại sao chư Phật Thế Tôn tuy đã vào Cứu Cánh Tịch Diệt nhưng vẫn không tận diệt?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Như thị, như thị! Khi ngôi nhà hư hoại thì hư không sẽ hiện ra.

Như thị, như thị! Tịch diệt của chư Phật tức là giải thoát.”

Nguồn Bài Viết : https://daitangkinh.net/ ( Đại Tạng Kinh )

1 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog