Kinh Trống Pháp Lớn ♦ Quyển hạ
Pháp Giới 12 tháng trước

Kinh Trống Pháp Lớn ♦ Quyển hạ

Kinh Trống Pháp Lớn ♦ Quyển hạ

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ví như có một quốc vương thường hay làm bố thí và trong vương quốc của ngài có rất nhiều kho tàng được khai quật.

Vì sao thế? Bởi vị vua này chu cấp đủ mọi thứ cho các chúng sanh bần khổ. Cho nên những kho tàng tự nhiên xuất hiện.

Cũng vậy, Đại Ẩm Quang! Bồ-tát với đại phương tiện mà rộng thuyết Pháp bảo thâm sâu cho chúng sanh, họ sẽ được Kinh thâm sâu này và rời khỏi chẳng phải Pháp. Kinh này tương ứng với Ba Môn Giải Thoát: không, vô tướng, vô nguyện. Họ cũng sẽ chứng ngộ Như Lai thường trụ và được nghe Kinh về Như Lai Tạng.

Này Đại Ẩm Quang! Như ở châu Cao Thắng có thực phẩm tự nhiên và mọi người cùng lấy ăn mà thực phẩm chẳng hề tổn giảm.

Vì sao thế? Bởi suốt đời của họ hoàn toàn không có ý tưởng về mình, cũng không có ý tưởng keo kiệt hay tham lam.

Cũng vậy, Đại Ẩm Quang! Ở châu Thắng Kim, nếu có những vị Bhikṣu [bíc su], Bhikṣuṇī [bíc su ni], Thanh Tín Nam, hoặc Thanh Tín Nữ nào có được Kinh thâm diệu này, rồi biên chép thọ trì, đọc tụng rành rẽ, không hoài nghi, không phỉ báng và rộng thuyết giảng cho người khác mà lòng chẳng hề chán mỏi. Do thần lực của Phật, họ sẽ luôn được sự cúng dường tự nhiên như ý, và mãi cho đến lúc thành Phật Đạo, họ cũng sẽ không bao giờ bị thiếu hụt–duy trừ quả báo của định nghiệp.

Những vị Bhikṣu trì giới mà chẳng hề lười biếng, họ sẽ được thiên thần theo hộ vệ và cúng dường trọn đời. Nếu có thể đối với Kinh thâm sâu này mà không khởi một niệm hủy báng, họ sẽ được Như Lai Tạng thường trụ và luôn thấy chư Phật để thân cận cúng dường.

Ví như Chuyển Luân Thánh Vương du hành tới nơi nào thì bảy báu sẽ luôn đi theo. Cũng vậy, Kinh này sẽ luôn đến những nơi mà người thuyết Pháp cư ngụ và cùng trú chung với họ.

Ví như bảy báu không ở nơi khác mà chỉ trú cùng một nơi với Chuyển Luân Thánh Vương. Ngược lại, những châu báu kém hơn thì ở nơi khác. Cũng vậy, bất cứ nơi nào mà người thuyết Pháp đang cư ngụ, Kinh này sẽ từ phương khác đến chỗ của họ. Còn những Kinh tương ứng với không liễu nghĩa của không thì sẽ ở nơi khác.

Khi người thuyết Pháp đi đến nơi khác, Kinh này sẽ luôn đi theo họ. Đây ví như Chuyển Luân Thánh Vương du hành đến đâu thì các chúng sanh đều theo sau nhà vua.

Họ nghĩ rằng:

‘Nơi nào nhà vua đến, mình cũng sẽ ở đó.’

Cũng vậy, người thuyết Pháp ở nơi nào thì Kinh này cũng luôn đi theo.

Khi Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện ở thế gian, bảy báu cũng đồng thời xuất hiện. Cũng vậy, khi người thuyết Pháp xuất hiện ở thế gian, Kinh này cũng đồng thời xuất hiện.

Giả sử Chuyển Luân Thánh Vương mất đi một báu ở trong bảy báu, nhà vua đi tìm và nhất định sẽ đến chỗ của báu đó. Cũng vậy, người thuyết Pháp đi tìm khắp nơi là để nghe Kinh này, họ nhất định sẽ đến chỗ của Kinh này.

Lại nữa! Khi Chuyển Luân Thánh Vương chưa xuất hiện ở thế gian, các tiểu vương cùng với những vua khác xuất hiện ở thế gian. Cũng vậy, khi chẳng một nơi nào mà có ai diễn nói Kinh thâm sâu này, thì sẽ có những người thuyết giảng các tạp Kinh, hoặc chánh hoặc bất chánh của các tạp Kinh. Những chúng sanh kia cũng sẽ tu học theo. Trong giai đoạn tu học, khi họ nghe được Kinh cứu cánh thâm sâu về Như Lai Tạng và Như Lai thường trụ, thì trong lòng khởi sanh nghi ngờ. Đối với người thuyết giảng Kinh này, họ khởi lòng sân hận, oán hại, khinh khi, cười chế giễu, nhục mạ một cách thậm tệ, và không hề sanh tâm yêu mến.

Họ còn nói như thế này:

‘Những lời này là của ma nói.’

Rồi họ bác bỏ tất cả lời dạy của Kinh này và trở về chỗ của mình. Do bởi phá hoại Pháp, phạm giới, và tà kiến, họ sẽ không bao giờ có được Kinh như thế.

Vì sao thế? Bởi Kinh này chỉ ở với những vị yêu mến và thuyết giảng Kinh.

Lúc bấy giờ ở thế gian sẽ có rất nhiều chúng sanh khi nghe hoặc thấy Kinh điển Đại Thừa, họ sẽ sanh lòng phỉ báng và chẳng hề kinh sợ.

Vì sao thế? Bởi Chánh Pháp tổn giảm ở trong đời ác năm trược nên sẽ có rất nhiều chúng sanh hủy báng Kinh điển Đại Thừa. Đây ví như trong thôn có bảy gia đình thì chắc chắn sẽ có một quỷ dhāyini [đa di ni]. Cũng vậy, ở nơi nào có Kinh này, thì trong bảy chúng đệ tử tất sẽ có một người hủy báng.

Này Đại Ẩm Quang! Ví như những người đồng trì giới thì khi thấy nhau sẽ hoan hỷ. Những kẻ đồng phá giới thì cũng lại như vậy.

Khi nghe được Kinh này ở giữa đại chúng, họ nhìn lẫn nhau, rồi cười chế giễu mà nói rằng:

‘Cái gì là cõi giới của chúng sanh? Cái gì là thường?’

Khi nhìn nét mặt của những kẻ khác, họ nghĩ rằng:

‘Kia là những người bạn của ta.’

Do đó họ bảo vệ lẫn nhau, bám giữ lối quan điểm của mình, và cùng rời khỏi.

Đây ví như có một trưởng giả thuộc dòng dõi Phạm Chí sanh ra một đứa con học thói xấu ác. Đối với lời dạy bảo của cha mẹ, nó chưa hề biết hối lỗi hay sửa đổi. Nó bỏ nhà đi theo bạn xấu, ưa thích xem chim thú đấu đá và cho đó là vui. Triển chuyển như thế, nó rời sang nước khác và kết giao với những kẻ đồng chí hướng để cùng làm việc phi pháp. Đây gọi là đồng hành. Những ai chẳng thích Kinh này thì cũng như thế. Khi thấy người khác đọc tụng hay thuyết giảng, họ cười chế giễu.

Vì sao thế? Bởi đa số chúng sanh thời ấy thích lười biếng. Họ sao lãng việc trì giới và dẫn đến sự chướng nạn trong Phật Pháp. Họ đi theo với những kẻ đồng chí hướng kia mà phỉ báng Chánh Pháp.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Than ôi! Đó quả là thời kỳ xấu ác.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Đối với những ai thuyết giảng Kinh này vào thời đó thì phải nên làm gì?

Này Đại Ẩm Quang! Ví như có một con đường gần bờ ruộng ở ngoài thành. Cánh đồng nơi đây luôn bị dân chúng, voi, và ngựa tàn hại. Khi ấy điền chủ sai một người đến giám sát, nhưng kẻ ấy chẳng tinh cần thủ hộ. Điền chủ lại phái thêm 2, 3, 4, 5, 10, 20, và cho đến 100 người. Người canh giữ càng đông thì những kẻ xâm chiếm càng nhiều.

Người canh giữ sau cùng suy nghĩ rằng:

‘Nếu canh giữ như thế này thì không thể bảo hộ tất cả. Chắc chắn phải có một giải pháp tốt để khiến họ không thể xâm hại.’

Và thế là người ấy liền lấy các cây giống non và tự tay làm huệ thí. Những người thọ nhận cảm động và xấu hổ. Nhờ đó mà cánh đồng lúa non được bảo toàn.

Này Đại Ẩm Quang! Nếu ai khéo dùng phương tiện như vậy thì sẽ có thể bảo hộ Kinh này sau khi Ta diệt độ.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Con không bao giờ có thể nhiếp thọ những kẻ ác kia. Con thà vác núi Diệu Cao trên hai vai cho đến trăm ngàn kiếp, chứ không thể kham chịu những kẻ ác phạm giới, hủy diệt Pháp, phỉ báng Pháp, hoặc nhiễm ô Pháp. Những tội như thế không phải là Pháp âm.

Thưa Thế Tôn! Con thà làm nô bộc cho người khác, chứ không thể kham chịu những kẻ ác phạm giới, trái nghịch Pháp, rời xa Pháp, hoặc phá hoại Pháp. Những tội như thế không phải là Pháp âm.

Thưa Thế Tôn! Con thà đội núi, đại địa, và biển cả ở trên đầu cho đến trăm ngàn kiếp, chứ không thể kham chịu những kẻ ác phạm giới, hủy diệt Pháp, hoặc tự khen mình chê người. Những tội như thế không phải là Pháp âm.

Thưa Thế Tôn! Con thà luôn bị mù điếc câm ngọng, chứ không thể kham chịu những kẻ ác hủy phạm tịnh giới, hoặc vì lợi mà xuất gia để thọ nhận cúng dường của người khác. Những tội như thế không phải là Pháp âm.

Thưa Thế Tôn! Con thà xả bỏ thân này để mau vào tịch diệt, chứ không thể kham chịu những kẻ ác hủy phạm tịnh giới, hành vi xảo quyệt nịnh hót, hoặc nói lời dối trá. Những tội như thế không phải là Pháp âm.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Tịch diệt của ông là tịch diệt của Thanh Văn, chứ không phải là cứu cánh.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Nếu tịch diệt của Thanh Văn và tịch diệt của Duyên Giác không phải là cứu cánh, thế thì tại sao Thế Tôn nói có ba thừa: Thanh Văn Thừa, Độc Giác Thừa, và Phật Thừa? Vì sao Thế Tôn đã vào Cứu Cánh Tịch Diệt rồi mà lại vào Cứu Cánh Tịch Diệt nữa?

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Hàng Thanh Văn dùng tịch diệt của Thanh Văn để diệt độ, và đó không phải là cứu cánh. Bậc Độc Giác dùng tịch diệt của Độc Giác để diệt độ, và đó cũng không phải là cứu cánh. Nếu ai thành tựu đủ mọi công đức, đắc Nhất Thiết Chủng Trí, và vào tịch diệt của Đại Thừa, thì đó là cứu cánh, hoặc đồng như cứu cánh không khác.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Nghĩa này là sao?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ví như từ sữa mà làm thành sữa đặc, từ sữa đặc mà làm thành bơ tươi, từ bơ tươi mà làm thành bơ chín, từ bơ chín mà làm thành bơ tinh chế. Phàm phu ôm giữ tà kiến thì ví như sữa mới vắt hòa trộn với máu. Những ai thọ trì Ba Quy Y thì ví như sữa sạch. Những ai tùy thuận tín hành và sơ phát tâm Bồ-tát trụ ở Giải Hành Địa thì ví như sữa đặc. Bảy hàng Hữu Học và Bồ-tát từ Địa Thứ Nhất cho đến Địa Thứ Bảy thì ví như bơ tươi. Bậc Ứng Chân và Độc Giác được sức tự tại của ý sanh thân, cùng Bồ-tát trụ ở Địa Thứ Chín và Địa Thứ Mười, thì ví như bơ chín. Chư Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác thì ví như bơ tinh chế.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Vì sao Như Lai nói có ba thừa?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ví như có một vị đạo sư hùng dũng mãnh kiệt. Ngài dẫn theo các thân thuộc và những dân chúng khác từ nơi họ đang ở đến tha phương.

Khi đi qua nơi hoang dã và con đường hiểm trở, ngài suy nghĩ như vầy:

‘Bây giờ mọi người đều mệt mỏi, e rằng họ sẽ quay về.’

Vì để cho mọi người nghỉ ngơi, ngài hóa làm một đại thành ở quãng đường phía trước.

Ngài chỉ ngón tay về nơi xa xa và bảo mọi người rằng:

‘Ở trước có một đại thành. Chúng ta hãy mau tới đó.’

Lúc đó mọi người đều trông thấy và khi gần tới thành kia, ai nấy đều bảo với nhau rằng:

‘Đây là nơi tôi có thể nghỉ ngơi.’

Và thế là tất cả họ liền vào thành nghỉ ngơi và vui chơi. Họ ưa thích ở trong đó và chẳng muốn tiến bước nữa.

Khi đó vị đạo sư nghĩ như vầy:

‘Những người này chỉ được một chút vui mà cho là đã đủ. Thân họ gầy yếu và còn lười biếng nên không có ý chí để tiến về phía trước.’

Lúc bấy giờ vị đạo sư liền diệt mất hóa thành.

Khi thấy thành quách biến mất, mọi người hỏi vị đạo sư rằng:

‘Đó là gì vậy? Là huyễn ảo, là giấc mơ, nó có thật chăng?’

Khi nghe xong, vị đạo sư liền bảo đại chúng rằng:

‘Đại thành lúc nãy chính là do ta biến hóa để các người nghỉ ngơi đó thôi. Bây giờ chúng ta hãy đi đến thành kế tiếp. Chúng ta nên mau tới đó để có vui sướng an ổn.’

Đại chúng đáp rằng:

‘Xin vâng theo lời chỉ dạy của ngài. Sao chúng ta lại có thể yêu thích nơi nhỏ hẹp này chứ? Chúng ta hãy cùng tiến về thành lớn an vui ở phía trước.’

Vị đạo sư bảo rằng:

‘Tốt lắm! Chúng ta đi nào!’

Khi họ tiến về phía trước, vị đạo sư lại bảo đại chúng rằng:

‘Thành lớn mà chúng ta đang hướng đến đã hiện ra. Các người hãy quan sát sự an vui phồn thịnh của thành lớn ở phía trước.’

Khi mọi người dần dần tiến bước, họ đều nhìn thấy thành lớn kia.

Bấy giờ vị đạo sư nói với mọi người rằng:

‘Này các vị! Phải biết ở trước mặt là một thành lớn.’

Khi mọi người từ xa trông thấy thành lớn kia an bình thịnh vượng thì họ rất vui mừng.

Rồi ai nấy đều nhìn lẫn nhau với lòng hiếu kỳ và hỏi rằng:

‘Thành này là thật hay cũng chỉ là hư vọng?’

Vị đạo sư đáp rằng:

‘Thành này là chân thật. Mọi thứ ở đó đều rất kỳ diệu và an vui phồn thịnh.’

Tiếp đến vị đạo sư liền bảo mọi người hãy vào thành lớn này. Đó là thành lớn cứu cánh đệ nhất và chẳng có thành nào khác nữa.

Sau khi đã vào thành, mọi người cảm thấy rất tuyệt diệu và vui mừng.

Họ ngợi khen vị đạo sư kia rằng:

‘Lành thay, lành thay! Ngài đích thật là bậc đại trí và vì thương xót chúng tôi mà hiển thị phương tiện.’

Này Đại Ẩm Quang! Phải biết rằng hóa thành kia được ví như trí tuệ thanh tịnh, không, vô tướng, vô nguyện của Thanh Văn Thừa và Duyên Giác Thừa. Còn thành lớn chân thật được ví như trí tuệ giải thoát của Như Lai. Cho nên Như Lai khai thị ba thừa và hiển thị hai tịch diệt, rồi lại tuyên thuyết Nhất Thừa.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Nếu có ai nói rằng không có Kinh này thì họ chẳng phải là đệ tử của Ta và Ta không phải là thầy của họ.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Phần lớn các Kinh Đại Thừa đều nói về ý nghĩa của không.”

Xem Thêm:   Kinh 12 Danh Hiệu của Thiên nữ Đại Cát Tường

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Tất cả Kinh nói về ý nghĩa của không thì vẫn có nhắc đến những điều khác. Chỉ riêng Kinh này là tuyên thuyết vô thượng và chẳng có nhắc đến những điều khác.

Lại nữa, Đại Ẩm Quang! Ví như vua Thắng Quân thường tổ chức lễ hội bố thí rộng lớn vào tháng Mười Một. Ngài trước tiên bố thí thức ăn cho ngạ quỷ, người đơn côi, và những kẻ ăn xin. Kế đến nhà vua cúng dường Đạo Nhân và Phạm Chí với thức ăn thơm ngon để họ được như ý. Chư Phật Thế Tôn cũng lại như vậy. Như Lai tùy theo muôn sự yêu thích của chúng sanh mà diễn nói đủ mọi Kinh Pháp.

Nếu có chúng sanh lười biếng, phạm giới, chẳng siêng tu tập, và bác bỏ những Kinh điển vi diệu nói về thường trụ của Như Lai tạng. Trái lại, họ ưa thích tu học muôn loại Kinh nói về không, rồi dựa theo câu chữ, hoặc thêm bớt hay sửa đổi câu chữ.

Vì sao thế? Bởi họ nói rằng:

‘Tất cả Kinh của chư Phật đều nói vô ngã.’

Tuy nhiên, họ chẳng biết ý nghĩa thật sự của không và vô ngã, nên những kẻ vô trí tuệ kia hướng đến diệt tận.

Đúng thế, nói về không và vô ngã cũng là lời dạy của Phật.

Vì sao thế? Bởi vô lượng trần cấu và các phiền não luôn rỗng không ở trong tịch diệt. Cũng vậy, tịch diệt bao hàm hết thảy chương cú. Nó là chương cú Đại Cứu Cánh Tịch Diệt và thường trụ an lạc mà chư Phật chứng đắc.

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Làm sao lìa khỏi cái thấy đoạn diệt và cái thấy thường hằng?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Chúng sanh luân hồi trong sanh tử mà chẳng được tự tại. Do đó Ta giảng ý nghĩa của vô ngã cho họ. Tuy nhiên, Đại Cứu Cánh Tịch Diệt mà chư Phật chứng đắc là thường trụ an lạc. Ý nghĩa này phá trừ cái thấy đoạn diệt và cái thấy thường hằng của họ.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Xin Thế Tôn nói rộng về vô ngã, bởi đã giảng nhiều về ngã rồi.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Vì để phá trừ bản ngã của thế gian nên Ta nói ý nghĩa của vô ngã. Nếu Ta chẳng nói như vậy thì làm sao khiến họ tín thọ Pháp của đại sư? Khi Phật nói vô ngã thì các chúng sanh kia sẽ sanh ý tưởng kỳ đặc, rồi họ đi đến chỗ của Phật để nghe những gì chưa hề nghe qua. Sau đó Ta dùng trăm ngàn nhân duyên để khiến họ vào Phật Pháp. Một khi đã vào Phật Pháp với tín tâm tăng trưởng, họ tinh tấn tu hành và khéo học không pháp. Rồi sau đó Ta nói thường trụ an lạc và vẫn có sắc sau khi giải thoát.

Lại nữa, hoặc có luận thuyết ở thế gian cho rằng tồn tại là giải thoát. Vì phá trừ tà kiến kia mà Ta nói giải thoát là không chỗ tồn tại. Nếu Ta chẳng nói như vậy thì làm sao khiến họ tín thọ Pháp của đại sư? Cho nên với trăm ngàn nhân duyên, Ta nói giải thoát, tịch diệt, và vô ngã cho họ. Về sau Ta lại thấy những chúng sanh kia nhận lầm về sự diệt tận hoàn toàn là giải thoát. Thế nên những kẻ vô trí tuệ kia hướng đến diệt tận. Sau đó với trăm ngàn nhân duyên, Ta lại nói rằng vẫn có sắc sau khi giải thoát.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Những ai được giải thoát tự tại thì phải biết chúng sanh tất đều có thường. Ví như khi thấy khói thì biết chắc chắn có lửa. Nếu có chân ngã thì chắc chắn có giải thoát. Bảo rằng có chân ngã thì tức là nói vẫn có sắc sau khi giải thoát. Đây không phải là thân kiến của thế tục, và cũng không phải là cái thấy của thường hay đoạn.”

Ngài Đại Ẩm Quang lại bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Vì sao Như Lai chẳng diệt độ mà thị hiện vào Cứu Cánh Tịch Diệt? Như Lai chẳng sanh nhưng thị hiện có sanh?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Là vì phá trừ ý tưởng suy tính thường hằng của chúng sanh. Như Lai chẳng diệt độ mà thị hiện vào Cứu Cánh Tịch Diệt. Như Lai chẳng sanh nhưng thị hiện có sanh.

Vì sao thế? Bởi chúng sanh sẽ nói rằng, cho dù Phật mà còn diệt mất và chẳng được tự tại. Hà huống là chúng ta suy tính có ngã và ngã sở. Đây ví như có một quốc vương bị nước láng giềng bắt giữ.

Nhà vua bị gông cùm xiềng xích và suy nghĩ rằng:

‘Ta bây giờ có còn là vua hay chủ lãnh nữa chăng? Ta bây giờ chẳng còn là vua hay chủ lãnh nữa.’

Tại sao nhà vua bị các nạn như vậy? Đó là do bởi buông lung. Chúng sanh thì cũng vậy. Họ luân hồi trong sanh tử và chẳng được tự tại. Do vì chẳng được tự tại nên Ta nói ý nghĩa của vô ngã.

Lại ví như có người bị giặc cầm dao đuổi bắt và muốn gây hại.

Người ấy suy nghĩ rằng:

‘Ta bây giờ chẳng có sức mạnh. Làm sao mình có thể thoát khỏi cái chết?’

Với sự âu lo về sanh già bệnh chết và muôn loại khổ não như thế, chúng sanh nghĩ tưởng muốn trở thành Năng Thiên Đế hay Phạm Vương. Như Lai vì muốn phá trừ tư tưởng kia nên thị hiện có chết mất. Như Lai là bậc Thiên Trung Thiên. Nếu Cứu Cánh Tịch Diệt của Phật mà còn diệt tận, thì thế gian cũng sẽ diệt tận.

Nếu như chẳng diệt mất thì là thường trụ an lạc. Thường trụ an lạc thì tức là có chân ngã. Đây ví như có khói thì tất có lửa. Nếu như chẳng có ngã mà lại bảo là có ngã, thì thế gian thật sự sẽ đầy khắp bản ngã. Chân ngã thì không phủ định vô ngã. Nếu thật sự chẳng có chân ngã thì bản ngã cũng không thể có.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Sao gọi là tồn tại?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Tồn tại tức là 25 cõi của chúng sanh. Không tồn tại tức là cảnh giới chẳng nghĩ tưởng của vật. Nếu không tồn tại là chúng sanh thì chúng sanh lẽ ra phải từ nơi khác đến. Giả sử nghĩ rằng chúng sanh có thể hoại diệt thì chúng sanh sẽ có giảm. Nếu không tồn tại là chúng sanh thì chúng sanh lẽ ra phải đầy khắp. Do chúng sanh không sanh không diệt nên chúng sanh không tăng không giảm.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Nếu có chân ngã thì tại sao nó che lấp bởi phiền não và trần cấu kia?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Lành thay, lành thay! Ông hãy nên hỏi Như Lai như thế.

Ví như một thợ vàng nhận thấy tánh chất của vàng ròng kia và suy nghĩ rằng:

‘Tánh chất của vàng ròng như thế mà tại sao sanh cáu bẩn. Ta bây giờ phải truy tìm nguồn gốc phát sanh của cáu bẩn đó.’

Người kia sẽ tìm ra nguồn gốc của nó chăng?”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa rằng:

“Dạ không, thưa Thế Tôn!”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Nếu người ấy dùng thời gian suốt đời để truy tìm nguyên nhân khởi nguồn của cáu bẩn đó từ vô thỉ, thì có tìm ra bổn nguyên của nó chăng? Người ấy sẽ không tìm ra nguồn cội của cáu bẩn và cũng chẳng được vàng ròng. Nhưng nếu siêng năng mà chẳng lười biếng và dùng phương tiện khéo léo để loại bỏ cáu bẩn lẫn lộn với vàng thì người ấy sẽ được vàng ròng.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Cũng vậy, chân ngã bị che lấp bởi phiền não tựa như bụi dơ.

Giả sử có người muốn thấy chân ngã của họ và nghĩ rằng:

“Ta bây giờ phải truy tìm bản ngã này và nguồn gốc của trần cấu.’

Người kia sẽ tìm ra được nguồn gốc đó chăng?”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Dạ không, thưa Thế Tôn!”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Nếu ai tinh tấn và dùng phương tiện để trừ bỏ phiền não tựa như bụi dơ, thì mới có thể nhận biết chân ngã. Những ai nghe được Kinh này, rồi với lòng tin mến sâu xa, chẳng trì hoãn hay vội vã, và dùng thiện xảo phương tiện mà siêng tu ba nghiệp. Do bởi nhân duyên ấy, họ sẽ nhận biết chân ngã của mình.

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Nếu có chân ngã thì tại sao chẳng thấy?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ta bây giờ sẽ nói một thí dụ cho ông. Ví như có một học trò mới bắt đầu học năm chữ để kết hợp thành một câu kệ. Nếu muốn hiểu ý nghĩa của bài kệ trước khi học các từ ngữ, thì họ có biết được chăng? Họ trước tiên cần phải học các mẫu tự, rồi sau đó mới biết ý nghĩa. Khi người kia đã học hiểu xong, rồi lại được thầy dùng thí dụ để chỉ dẫn về ý nghĩa kết hợp của câu kệ. Nếu người kia có thể lắng nghe lời dạy bảo của thầy thì sẽ hiểu được ý nghĩa của bài kệ. Họ tức sẽ có thể tin tưởng và thích thú. Cũng vậy, chân ngã bây giờ đang bị phiền não che lấp.

Nếu có chúng sanh nào nói rằng:

‘Thiện nam tử! Như Lai tạng là như thế, như thế.’

Khi ấy những người đang nghe liền muốn thấy thì họ có thấy được chăng?”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Dạ không, thưa Thế Tôn!”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Như người học trò kia chẳng biết ý nghĩa của bài kệ thì nên tin tưởng vào thầy.

Cũng vậy, Đại Ẩm Quang! Phải biết Như Lai là bậc nói lời thành thật. Ngài chân thật nói về sự tồn tại của chúng sanh. Qua lời giảng sau đây, ông cũng sẽ biết, ví như sự thành tựu của người học trò kia vậy.

Ta bây giờ sẽ nói thêm các thí dụ cho ông. Đây là bốn loại thí dụ bí ẩn về cõi giới của chúng sanh, gồm có: thí dụ về mắt bị màng che, thí dụ về mặt trăng bị mây dày che khuất, thí dụ về người đào giếng, và thí dụ về ánh lửa ở trong hộp. Phải biết bốn thí dụ này có nhân duyên để nhận biết Phật tánh.

Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh với vô lượng tướng hảo, trang nghiêm và chiếu sáng. Do bởi có Phật tánh kia nên hết thảy chúng sanh đều có thể đạt đến Cứu Cánh Tịch Diệt.

Ví như mắt bị màng che thì có thể chữa trị. Nhưng trước khi gặp lương y thì mắt của họ vẫn luôn mù mịt. Sau khi được lương y chữa trị, mắt của họ liền thấy hình sắc. Cũng vậy, vô lượng phiền não che lấp và chướng ngại Như Lai tánh. Cho đến khi chưa gặp chư Phật, Thanh Văn, hay Duyên Giác thì họ vẫn suy tính ngã cùng phi ngã, và ngã sở là ngã. Nhưng nếu gặp chư Phật, Thanh Văn, hay Duyên Giác thì họ mới nhận biết chân ngã. Mắt của họ mở sáng ví như bệnh được trị lành. Màng che ví như các phiền não, và con mắt ví như Như Lai tánh.

Ví như khi mặt trăng bị mây che phủ thì nó sẽ không trong sáng. Cũng vậy, khi Như Lai tánh bị các phiền não che lấp thì nó sẽ không trong sáng. Nếu ai có thể lìa tất cả phiền não như mây che thì Như Lai tánh của họ sẽ tỏa sáng như trăng rằm.

Ví như người đào giếng. Nếu khi họ gặp đất khô thì biết nước vẫn còn xa. Nếu khi họ gặp đất ướt, rồi đến đất bùn thì biết nước đang ở gần. Nếu khi họ gặp nước thì tức là hoàn mãn. Cũng vậy, khi ai gặp chư Phật, Thanh Văn, hay Duyên Giác, rồi tu tập việc lành và khai quật đất phiền não để được nước Như Lai tánh.

Ví như ánh lửa ở trong hộp. Ánh sáng của nó sẽ bị lu mờ và chẳng hữu dụng cho chúng sanh. Tuy nhiên, nếu trừ bỏ cái hộp thì ánh sáng của nó sẽ chiếu khắp. Cũng vậy, do bị cái hộp của các phiền não ngăn che nên ngọn đèn của Như Lai tạng với tướng hảo trang nghiêm sẽ không trong sáng và chẳng hữu dụng cho chúng sanh. Nếu ai có thể lìa các phiền não phủ kín thì Như Lai tánh với tướng hảo trang nghiêm sẽ chiếu sáng, tận trừ phiền não vĩnh viễn, và làm các Phật sự. Đây ví như phá vỡ cái hộp để chúng sanh có được ánh lửa tỏa sáng.

Bốn thí dụ trên minh họa cho nhân duyên. Như chân ngã bao hàm cõi giới của chúng sanh, thì phải biết tất cả chúng sanh cũng đều như thế. Cõi giới của chúng sanh là vô biên, thanh tịnh, và trong sáng.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả chúng sanh đều có Như Lai tạng và trong Nhất Thừa với một tánh duy nhất, thì vì sao Như Lai nói có ba thừa: Thanh Văn, Duyên Giác, và Phật Thừa?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ta bây giờ sẽ nói một thí dụ. Ví như có một đại phú trưởng giả và ông ta chỉ có một đứa con. Nhưng chẳng may, một hôm nọ, bà vú nuôi dắt đứa bé vào chốn đông người và bị thất lạc.

Khi lâm chung, ông trưởng giả suy nghĩ rằng:

‘Ta chỉ có một đứa con nhưng đã thất lạc với nó lâu lắm rồi. Ta lại chẳng có đứa con nào khác. Cha mẹ thì đã qua đời và không có thân quyến. Một mai ta chết đi, tất cả tài sản đều sẽ bị vua lấy hết.’

Giữa lúc người cha suy nghĩ như thế, đứa con thất lạc lúc xưa đang đi lang thang xin ăn, bỗng nhiên đến nhà xưa của mình và không nhận ra đó là ngôi nhà của cha mình.

Vì sao thế? Bởi đứa con đã thất lạc từ thuở nhỏ. Tuy người cha nhận ra con mình nhưng chẳng nói cho đứa con biết.

Vì sao thế? Bởi người cha sợ nó sẽ bỏ chạy.

Thế nên người cha chỉ cho nhiều tài vật và bảo rằng:

‘Ta chẳng có con cái. Cậu hãy làm con của ta và đừng đi nơi khác nữa.’

Đứa con đáp rằng:

‘Tôi không thể nào ở đây.

Vì sao thế? Bởi sống ở đây thì sẽ luôn bị khổ sở, như bị siết trói vậy.’

Xem Thêm:   Kinh Tâm Yếu của Trí Độ

Trưởng giả hỏi rằng:

‘Cậu định sẽ làm gì?’

Đứa con lại đáp rằng:

‘Tôi thà đi đổ phân, chăn gia súc, hoặc làm ruộng.’

Trưởng giả nghĩ thầm:

‘Đứa con này thật bạc phước. Ta phải biết thời gian thích hợp và bây giờ thì hãy theo ý của nó.’

Thế nên ông liền sai đi đổ phân. Một thời gian lâu sau, đứa con thấy ông đại trưởng giả có năm dục vui sướng.

Trong lòng hân hoan và thầm nghĩ:

‘Cầu mong ông đại trưởng giả này sẽ thu nhận mình làm con và ban cho nhiều tài bảo.’

Nghĩ như vậy xong, đứa con chẳng còn siêng làm việc nữa.

Khi thấy thế, ông trưởng giả suy nghĩ rằng:

‘Chẳng bao lâu nữa, cậu ta chắc chắn là con của mình.’

Bấy giờ ông trưởng giả đến tìm và hỏi rằng:

‘Vì sao bây giờ cậu chẳng còn siêng năng làm việc và hình như trong lòng có điều gì khác lạ?’

Đứa con liền đáp rằng:

‘Tôi mong muốn làm con của ngài.’

Với lòng mong mỏi của đứa con như thế, ông trưởng giả ngợi khen và nói rằng:

‘Tôi là cha của cậu. Cậu là con của tôi. Tôi đích thật là cha của cậu nhưng cậu thì chẳng biết. Cha bây giờ sẽ giao phó tất cả kho báu cho con.’

Ở giữa muôn người, ông tuyên bố rằng:

‘Đây là con tôi. Tôi đã thất lạc nó từ lâu. Mãi đến nay nó mới quay về nhà mà chẳng tự biết. Lúc trước tôi đã gợi ý với nó làm con tôi nhưng nó vẫn không chịu. Bây giờ nó tự nguyện xin làm con của tôi.’

Này Đại Ẩm Quang! Đây ví như ông trưởng giả kia. Ông ta đã dùng phương tiện để dẫn dụ đứa con với ý chí hạ liệt của mình. Trước tiên ông sai đi đổ phân, rồi sau đó giao phó tài sản cho nó.

Ở giữa muôn người, ông tuyên bố rằng:

‘Cậu ta vốn là con của tôi lúc xưa. Tôi đã thất lạc nó từ lâu. May mắn thay, nay nó bỗng tự đến và xin làm con của tôi.’

Này Đại Ẩm Quang! Cũng vậy, Ta sẽ nói ba thừa cho những ai chẳng thích Nhất Thừa.

Vì sao thế? Bởi đây là thiện xảo phương tiện của Như Lai. Tất cả Thanh Văn đều là con của Ta, ví như kẻ đổ phân và bây giờ mới tự biết.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Ôi lạ thay! Thanh Văn Thừa sao lại thấp kém như thế! Họ đích thật là con của Phật nhưng lại chẳng nhận ra cha của mình.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ông nên tu học như thế. Nếu ông chẳng thể kham chịu trách mắng hoặc nhục mạ thì chỉ nên rời khỏi. Về sau khi họ đến lúc thành thục, ông sẽ tự biết việc ấy.

Lại nữa, Đại Ẩm Quang! Thanh Văn Thừa và Đại Thừa luôn đối nghịch với nhau, ví như kẻ ngu si thế tục đối với bậc hiệt tuệ vô lậu.

Lại nữa, Đại Ẩm Quang! Ông nên nhiếp thọ những ai hủy báng Kinh này.

Vì sao thế? Bởi do họ hủy báng nên sẽ đọa vô biên chốn hắc ám sau khi chết. Với lòng thương xót họ, ông hãy thiết lập phương tiện và dùng Pháp Đại Thừa mà thành thục họ. Những ai chẳng thể nào chữa trị thì sẽ đọa địa ngục. Những ai có lòng tin thì họ sẽ tin tưởng. Còn những chúng sanh khác thì nên dùng Bốn Nhiếp Pháp để nhiếp thọ và khiến họ giải thoát.

Lại nữa, Đại Ẩm Quang! Nếu có ai vừa mắc bệnh sốt thì không nên lập tức cho thuốc hoặc làm những việc điều trị khác.

Vì sao thế? Bởi thời điểm chưa đến. Thầy thuốc nên chờ đến thời điểm, rồi sau đó mới chữa trị bệnh nhân. Nếu thầy thuốc chẳng biết cách chữa trị và thời gian thích hợp thì sẽ thất bại. Cho nên, khi bệnh tình đến thời điểm thì sau đó hãy chữa trị. Những ai chưa đến lúc thì nên chờ đến thời điểm.

Cũng vậy, đối với những chúng sanh hủy báng Kinh này, khi căn bệnh chín mùi, họ sẽ ăn năn tự trách rằng:

‘Than ôi, khổ thay! Ta bây giờ mới biết những gì xưa nay đã làm.’

Đến lúc đó, ông hãy dùng Bốn Nhiếp Pháp mà nhiếp thọ và cứu độ họ.

Lại nữa, Đại Ẩm Quang! Ví như có người đi qua một nơi hoang dã mênh mông. Khi nghe những bầy chim kêu réo, người ấy suy nghĩ về tiếng chim này và cho là có giặc cướp. Do đó người ấy chuyển lối đi khác, rồi tiến vào một cái đầm trống. Khi đi qua chỗ ẩn núp của cọp và sói, người ấy bị cọp ăn thịt.

Cũng vậy, Đại Ẩm Quang! Có những vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī, Thanh Tín Nam, và Thanh Tín Nữ ở vào đời vị lai, khi nghe giảng về có ngã cùng vô ngã thì lại sợ tiếng của có ngã. Do đó họ tiến vào đại không của cái thấy đoạn diệt để tu tập vô ngã. Bởi vậy, đối với Kinh điển sâu xa nói về Như Lai tạng và thường trụ của chư Phật thì họ chẳng sanh tâm tín mến.

Lại nữa, Đại Ẩm Quang! Ông hỏi Ta đã nói gì cho Khánh Hỷ:

‘Có tồn tại tất sẽ có vui và khổ. Không tồn tại tất sẽ chẳng có vui hay khổ.’

Ông nay hãy lắng nghe.

Này Đại Ẩm Quang! Như Lai chẳng phải tồn tại, chẳng phải chúng sanh, và cũng chẳng phải hoại diệt.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Vì sao, Thế Tôn?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ví như ở dưới núi Tuyết có một viên ngọc báu phóng ra ánh sáng thanh tịnh. Một khi người với trí tuệ nhìn thấy thì có thể nhận biết viên ngọc và lập tức lấy đi.

Đây ví như phương pháp đúc vàng. Khi đã loại trừ cặn bã thì vàng ròng hiện ra. Nó tùy theo chỗ mà có cáu bẩn nhưng tính chất của nó thì chẳng cáu bẩn.

Vì sao thế? Bởi ví như có người cầm theo cây đèn mà đi. Hễ đến nơi nào, bóng tối đều tan biến. Ánh sáng của ngọn đèn cháy rực và viên ngọc báu kia thì cũng lại như vậy. Cũng như đúc vàng ròng, trần cấu chẳng thể nhiễm ô. Khi tinh tú và ánh trăng chiếu vào nó thì sẽ mưa xuống nước trong sạch. Khi ánh sáng của mặt trời chiếu vào nó thì sẽ liền bốc lửa.

Cũng vậy, Đại Ẩm Quang! Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian, đã vĩnh viễn lìa khỏi hết thảy sanh già bệnh chết, và tất cả phiền não cấu tập đều trừ sạch. Ngài luôn chiếu ánh sáng lớn, như viên minh châu kia. Ngài chẳng hề bị nhiễm ô, như hoa sen thanh tịnh chẳng dính bụi hay nước.

Lại nữa, Đại Ẩm Quang! Như Lai xuất hiện ở thế gian và tùy theo chỗ ứng hiện mà thị hiện thân phàm với tướng mạo như thế như thế và thời gian như thế như thế. Ngài chẳng hề bị nơi sanh ra của người phàm kia làm cấu nhiễm. Ngài cũng chẳng thọ vui hay khổ của thế gian. Vui sướng tức là phước đức của năm dục ở cõi trời và nhân gian. Nó chính là khổ. Chỉ có giải thoát mới là thường lạc cứu cánh.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Lành thay, lành thay, thưa Thế Tôn! Mãi đến bây giờ con mới nhận biết rằng, con thật sự xuất gia, thọ giới Cụ Túc, trở thành Bhikṣu, và đắc Đạo Ứng Chân. Con nên tri ân và báo ân của Như Lai, bởi vì lúc xưa Như Lai đã chia nửa chỗ ngồi cho con. Hôm nay lại ở giữa bốn chúng đệ tử, Ngài rưới lên nước Pháp của Đại Thừa ở trên đầu con.”

Lúc bấy giờ ở trong đại chúng, có người thì nắm giữ hình tướng và uy nghi của bậc Bhikṣu, có người thì nắm giữ hình tướng và uy nghi của bậc Bhikṣuṇī, có người thì nắm giữ hình tướng và uy nghi của Thanh Tín Nam, hoặc có người thì nắm giữ hình tướng và uy nghi của Thanh Tín Nữ. Họ nghiêng trái lắc phải, cúi xuống ngửa lên. Tất cả họ đều bị ma khống chế.”

Khi ấy ngài Khánh Hỷ bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Nay đại chúng nơi đây đã lìa khỏi những cặn bã và tâm kiên cố chân thật như rừng hương đàn. Tại sao họ ở trong đại chúng như thế?”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Ông hãy hỏi Bhikṣu Đại Ẩm Quang.”

Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:

“Dạ vâng! Con sẽ hỏi.”

Ngài Khánh Hỷ liền hỏi Tôn giả Đại Ẩm Quang rằng:

“Tại sao họ ở trong đại chúng này?”

Ngài Đại Ẩm Quang đáp rằng:

“Những kẻ ngu si kia là quyến thuộc của ma, và họ cùng với ma đến đây.

Bởi vậy, Khánh Hỷ! Ta trước đó đã nói rằng, sau khi Như Lai diệt độ, ta sẽ không thể đảm nhận việc hộ trì Chánh Pháp với thiện xảo phương tiện như việc khéo canh giữ đồng lúa. Cho nên trước đó ta nói rằng, là thà vác đại địa và những việc khác như ở trên.

Lúc ấy Thế Tôn liền bảo ta rằng:

‘Sau khi Ta diệt độ, ông hãy đảm nhận việc hộ trì Chánh Pháp cho đến khi Pháp diệt tận.’

Khi ấy ta thưa với Phật rằng:

‘Con chỉ có thể hộ trì Chánh Pháp trong 40 năm.’

Lúc đó Phật quở trách rằng:

‘Sao ông lại quá lười biếng và không thể hộ trì Chánh Pháp cho đến khi Pháp diệt tận?'”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ông hãy chỉ ra ai là ma. Nếu ông có thể tìm được thì mới đủ khả năng hộ Pháp.”

Tôn giả Đại Ẩm Quang liền dùng thiên nhãn để quán sát nhưng chẳng thể thấy. Ngài như là kẻ dân dã ở trong thành Phong Đức và vừa mới mất đứa con của mình. Kẻ dân dã đi tìm con ở giữa chốn đông người nhưng chẳng thể thấy, và quay trở về mệt mỏi. Tôn giả Đại Ẩm Quang dùng thiên nhãn để tìm ma ở giữa đại chúng mà chẳng được thì cũng lại như vậy.

Ngài Đại Ẩm Quang liền thưa với Phật rằng:

“Con chẳng đủ khả năng để tìm thấy ác ma.”

Và cho đến 80 vị đại Thanh Văn như thế cũng đều thưa chẳng thể.

Ngài Đại Ẩm Quang lại bảo 500 vị Bồ-tát của nhóm Hiền Hộ để tìm ác ma. Ngoại trừ một vị Bồ-tát tên là Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến, còn tất cả đều chẳng thể tìm được ác ma.

Lúc bấy giờ Thế Tôn lại bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ông chẳng đủ khả năng để hộ trì Chánh Pháp ở 80 năm sau cùng khi Pháp sắp diệt mất. Có một vị Bồ-tát từ phương nam sẽ có thể hộ trì. Ông cuối cùng thì cũng sẽ tìm ra vị đó ở trong số 500 vị Bồ-tát của nhóm Hiền Hộ.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa rằng:

“Lành thay! Con sẽ tìm vị ấy.”

Sau đó Tôn Giả tìm được Đồng tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến thuộc dòng dõi quý tộc Bạc Bì.

“Thưa Thế Tôn! Đồng tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến thuộc dòng dõi quý tộc Bạc Bì này đây, chắc chắn là vị ấy.”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ông hãy đến đồng tử và thỉnh mời để tìm ác ma.”

Bấy giờ Tôn giả Đại Ẩm Quang cùng với 80 vị đại Thanh Văn và 500 vị Bồ-tát của nhóm Hiền Hộ, liền đồng thỉnh mời Đồng tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến thuộc dòng dõi quý tộc Bạc Bì rằng:

“Đồng tử là người được Thế Tôn chỉ định, có khả năng tìm ra ác ma.”

Khi ấy đồng tử ở giữa đại chúng mà thưa với Tôn giả Đại Ẩm Quang rằng:

“Con nay có khả năng để tìm ra ác ma. Tuy nhiên, nơi đây có 80 vị đại Thanh Văn, 500 vị Bồ-tát của nhóm Hiền Hộ, cũng như Diệu Cát Tường Bồ-tát, Quán Thế Âm Bồ-tát, Đắc Đại Thế Bồ-tát, Diệt Chư Ác Thú Bồ-tát, Từ Thị Bồ-tát, và những vị khác như thế. Vì sao những vị ấy không tìm, mà lại bảo con tìm? Những vị ấy phải nên tìm trước, rồi sau đó mới tới lượt của con.”

Tôn giả Đại Ẩm Quang bảo rằng:

“Hàng phục ác ma chẳng phải là phước hay sao?”

Đáp rằng:

“Thưa ngài Đại Ẩm Quang! Tôn Giả biết sẽ có phước thì nên tự mình làm. Con hiện tại không thể.”

Lúc đó ngài Đại Ẩm Quang trình lên việc đó với Phật.

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Tại sao đồng tử này nói những lời ấy?”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Đồng tử thưa rằng:

‘Các vị đại đức phải có ưu tiên trước nhất, rồi sau đó mới tới lượt của con. Con là phàm nhân thuộc dòng dõi hạ liệt. Các vị đại đức nơi đây, như là 80 vị đại Thanh Văn và 500 vị Bồ-tát của nhóm Hiền Hộ, họ nên tìm trước, rồi sau đó mới tới con.'”

Bấy giờ các vị Thanh Văn, cùng với Hiền Hộ Bồ-tát và những vị khác, tất cả đều đi tìm ác ma nhưng chẳng thể được. Đây ví như kẻ dân dã kia đi tìm con mà chẳng được. Họ đều thưa chẳng thể và đứng qua một bên.

Khi đó Thế Tôn lại bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ông bây giờ đã nghe Kinh Trống Pháp Lớn này. Suốt 40 năm sau khi Ta diệt độ, ông hãy khéo hộ trì Chánh Pháp như ông đang làm bây giờ. Ông hãy đánh trống Pháp lớn, thổi loa Pháp lớn, mở Pháp hội lớn, và dựng Pháp tràng lớn. Rồi ở 80 năm sau cùng khi Pháp sắp diệt mất, Đồng tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến thuộc dòng dõi quý tộc Bạc Bì, sẽ trói năm chỗ của ác ma kia và quyến thuộc của nó, như là siết trói thỏ con. Đồng tử sẽ rộng tuyên dương Kinh Trống Pháp Lớn. Đồng tử sẽ đánh trống Pháp lớn, thổi loa Pháp lớn, mở Pháp hội lớn, và dựng Pháp tràng lớn.”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“[Bạch Thế Tôn!] Khi nào thì việc này sẽ xảy ra?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Ở 80 năm sau cùng khi Chánh Pháp sắp diệt mất.”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Con muốn thấy ác ma.”

Phật bảo đồng tử:

“Hãy mau chỉ ra ác ma cho đại chúng thấy.”

Lúc ấy đồng tử chiêm ngưỡng Thế Tôn, rồi liền chỉ ngón tay vào ác ma và nói rằng:

“Hãy nhìn ác ma này đã từ phương khác đến và ngồi ở giữa đại chúng, cũng như chư Bồ-tát biến hiện trong hình tướng của bậc Bhikṣu.”

Khi ấy đại chúng đều thấy ác ma bị trói năm chỗ.

Xem Thêm:   Tín Tâm Minh

Ma liền nói rằng:

“Đồng tử! Ta sẽ không còn làm trở ngại Kinh này nữa.”

Và ác ma nói như thế đến ba lần.

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Đồng tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến thuộc dòng dõi quý tộc Bạc Bì và Bồ-tát đại chúng rằng:

Bhikṣu Đại Ẩm Quang sẽ có thể hộ trì Chánh Pháp trong 40 năm sau khi Ta diệt độ. Ai trong các ông có thể làm người hộ Pháp cuối cùng sau khi Ta diệt độ?

Đức Phật nói như thế đến ba lần nhưng chẳng một ai có thể đảm nhận.

Đức Phật bảo đại chúng:

“Các ông chớ khởi nghĩ tưởng thấp kém. Ở trong đại chúng này, Ta có nhiều đệ tử có thể hộ trì Chánh Pháp và thuyết giảng Kinh này sau khi Ta diệt độ. Người cuối cùng ở trong 500 vị Bồ-tát của nhóm Hiền Hộ là Đồng tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến thuộc dòng dõi quý tộc Bạc Bì. Sau khi Ta diệt độ, đồng tử sẽ đánh trống Pháp lớn, thổi loa Pháp lớn, mở Pháp hội lớn, và dựng Pháp tràng lớn.”

Bấy giờ đồng tử liền phóng thích ác ma.

Khi ấy đại chúng nói với đồng tử rằng:

“Đồng tử đã được Phật thọ ký.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn lại bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Này Đại Ẩm Quang! Ông nay như kẻ canh giữ đồng lúa mà không có kỹ năng khéo léo. Ông chẳng đủ khả năng để hộ trì Kinh này. Bây giờ đồng tử đó đã nghe được Kinh này. Đồng tử sẽ khéo đọc tụng, hiện tại sẽ hộ trì và diễn nói cho người khác. Đồng tử đang trụ ở Địa Thứ Bảy và sẽ luôn có thể thị hiện làm thân phàm phu. 80 năm sau cùng khi Pháp sắp diệt mất, đồng tử sẽ sanh ở phương nam vào một gia đình thuộc chủng tánh Kāyale [ca da lê], gần cạnh bờ sông Thiện Phương Tiện, ở thôn Đại Viên của nước Maṇḍala [man đa la]. Đồng tử sẽ trở thành Bhikṣu và thọ trì danh hiệu của Ta, giống như với kỹ năng khéo léo mà canh giữ đồng lúa.

Ở giữa chúng người lười biếng, ngã mạn, và buông xuôi, đồng tử sẽ rời thế tục xuất gia và dùng Bốn Nhiếp Pháp để nhiếp thọ những kẻ kia. Khi được Kinh thâm sâu này, đồng tử đọc tụng rành rẽ. Đồng tử sẽ làm cho Tăng đoàn thanh tịnh và khiến họ xả bỏ những đồ vật bất tịnh mà đã thọ nhận trước đây.

Trước tiên, đồng tử sẽ thuyết giảng Kinh Trống Pháp Lớn. Kế đến, đồng tử sẽ thuyết giảng Kinh điển Đại Thừa nói về tánh không. Sau đó, đồng tử thuyết giảng cõi giới chúng sanh và Như Lai thường trụ khế hợp với Kinh Trống Pháp Lớn. Đồng tử sẽ đánh trống Pháp lớn, thổi loa Pháp lớn, mở Pháp hội lớn, và dựng Pháp tràng lớn. Ở trước Ta, đồng tử sẽ khoác lên áo giáp của đại nguyện. Suốt 100 tuổi thọ mạng, đồng tử sẽ luôn mưa Pháp vũ và diễn nói Kinh này. Khi đã sống đến 100 tuổi, đồng tử sẽ thị hiện sức đại uy thần và vào Cứu Cánh Tịch Diệt.

Đồng tử sẽ nói những lời này:

‘Bây giờ Đức Phật Năng Tịch đã đến đây. Tất cả hãy chiêm ngưỡng và cung kính lễ bái Ngài. Thật vậy, Như Lai luôn trụ trong an lạc. Đại chúng hãy quán chân thật thường lạc đúng như lời của ta nói.’

Lúc bấy giờ mười phương chư Phật đều sẽ hiện thân ở giữa không trung và nói lời như vầy:

‘Như thị, như thị! Đúng như lời ông nói. Tất cả đều nên tín thọ lời nói thiện xảo của ông.'”

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Bồ-tát thành tựu những công đức gì thì mới có thể thấy Pháp thân bất hoại thường trụ của Như Lai, và có thể hiện sức đại uy thần khi sắp mạng chung?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Đại Bồ-tát nào đã thành tựu tám công đức thì hiện tiền có thể thấy Pháp thân bất hoại thường trụ của Như Lai. Những gì là tám?

1. thuyết giảng Kinh thâm sâu này mà tâm chẳng lười biếng
2. thuyết giảng giáo Pháp của ba thừa mà tâm cũng chẳng mỏi mệt
3. vĩnh viễn không bỏ rơi những ai đáng hóa độ
4. nếu Tăng đoàn bất hòa thì làm cho hòa thuận
5. suốt đời không gần gũi Bhikṣuṇī, phụ nữ, hay thái giám
6. lìa xa quốc vương và những người có thế lực lớn
7. luôn vui thích thiền định
8. tư duy quán sát bất tịnh và vô ngã

Đây là tám loại công đức mà cần phải thành tựu.

Lại có bốn việc. Những gì là bốn?

1. khéo có thể trì Pháp
2. luôn tự vui mừng hân hoan vì thọ trì Pháp và đó là việc lành lớn an vui
3. có thể tự quy y Tam Bảo và nhận biết đó là lợi ích lành
4. tuyệt đối chẳng hoài nghi đối với Như Lai thường trụ và ngày đêm luôn niệm công đức của Như Lai.

Do các nhân duyên ấy, hiện tiền họ sẽ thấy được Pháp thân thường trụ của Như Lai, và có thể hiện sức đại uy thần rồi mới mạng chung.

Này Đại Ẩm Quang! Tùy theo chỗ trú xứ của các thiện nam tử và thiện nữ nhân như thế, hoặc trong thành ấp hay thôn xóm, Ta sẽ thị hiện Pháp thân cho họ và nói lời như vầy:

‘Thiện nam tử, thiện nữ nhân! Như Lai là thường trụ.’

Kể từ hôm nay, ông hãy luôn thọ trì và đọc tụng Kinh này.

Ông hãy giảng giải cho người khác và nói lời như vầy:

‘Phải biết rằng, Như Lai luôn trụ trong an lạc. Hãy mong thấy Ngài với chánh tâm và lòng chớ nịnh hót hay dối trá.’

Ông phải biết rằng, Thế Tôn thật sự là thường trụ. Những ai với lòng thanh tịnh muốn thấy, Ta sẽ hiện thân.

Này Đại Ẩm Quang! Ông nên tín thọ và suy xét. Nếu ai chẳng tu hành theo Pháp như thế, thử hỏi làm sao thấy Ta? Làm sao có thể được thần thông để thị hiện?

Như Ta đã nói cho hàng Thanh Văn rằng, nếu vị Bhikṣu nào có thể lìa bỏ một pháp ác, Ta bảo đảm họ sẽ đắc Quả Bất Hoàn. Còn về sự tu hành để thành tựu công đức của họ thì cũng lại như vậy.

Như Ta đã nói trước đây, vị Bhikṣu nào trì giới sẽ được thiên thần luôn đi theo và phụng sự đến trọn đời. Cho nên các ông chớ tham lam lợi dưỡng, hãy tu tập nhàm chán và trụ thân niệm xứ.

Lại nữa, Đại Ẩm Quang! Những vị Bhikṣu nào thọ trì danh hiệu của Ta thì sẽ luôn khiến Tăng đoàn thanh tịnh.

Ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Việc ấy là sao?”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Vị Bhikṣu đó sẽ khéo thủ hộ Bốn Nhiếp Pháp và nhiếp thủ hết thảy những ai phạm giới, tham lam, hoặc nhiễm ô. 500 vị Bồ-tát của nhóm Hiền Hộ, trước đó ai nấy đều cho rằng mình chẳng đủ khả năng để trở thành người hộ Pháp cuối cùng sau khi Ta diệt độ, và cho đến bây giờ thì họ vẫn chưa thể.

Khi thọ trì danh hiệu của Ta và tu hành Bốn Nhiếp Pháp, vị Bhikṣu đó sẽ nhiếp thủ hàng Bhikṣu lười biếng buông lung và khiến họ tu tập cúng dường. Đồng tử sẽ ban cho họ Kinh Pháp để tiêu trừ phiền não và thủ hộ tâm ý. Đây ví như phương pháp chăn trâu và biết lúc nào thì có thể điều phục chúng. Những ai chẳng chịu sửa đổi sau khi đã nhiếp thủ và điều phục thì nên xả bỏ. Đừng khiến các mũi tên độc chạm đến làm thương tích cho những người hiền lương và thanh tịnh.

Vị Bhikṣu đó lại suy nghĩ như vầy:

‘Ta sẽ không để cho các vị Bhikṣu tịnh hạnh, nhân bởi những kẻ đó mà phạm giới. Những kẻ nói lời phi pháp và làm việc ác thì chẳng nên cung kính. Không nên cùng với những kẻ đó làm Phật sự của Tăng đoàn, như là tụng giới, phát lộ, hay sám hối.’

Đây ví như có một quốc vương tồi phục kẻ địch. Vị Bhikṣu đó dùng phương tiện để điều phục thì cũng lại như vậy. Khi đã điều phục họ xong, trong 100 năm, đồng tử luôn mưa Pháp vũ, đánh trống Pháp lớn, thổi loa Pháp lớn, mở Pháp hội lớn, và dựng Pháp tràng lớn. Đồng tử sẽ thị hiện sức đại uy thần khi sắp mạng chung, rồi vào tịch diệt.

Sau khi 1.000 Đức Phật, 100.000 vị Duyên Giác, và 8 vị Như Lai đã vào tịch diệt, đồng tử sẽ thành Phật Đạo, hiệu là Trí Tích Quang Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Vị Bhikṣu thọ trì danh hiệu của Ta vào thời ấy, rồi sẽ thành Chánh Đẳng Chánh Giác ở quốc độ này, chính là Đồng tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến thuộc dòng dõi quý tộc Bạc Bì.

Này Đại Ẩm Quang! Phải biết rằng, Đạo vô thượng thật khó chứng đắc.

Này Đại Ẩm Quang! Đạo vô thượng có phải là thứ mà phàm phu có thể chứng đắc chăng?”

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

“Dạ không, thưa Thế Tôn!”

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

“Cũng như một vị Phật làm Phật sự ở một cõi Phật. Vị Phật thứ nhì và thứ ba thì cũng lại như thế. Như ở trong một hạt cải có rất nhiều thế giới. Chúng sanh không hề biết họ đã dời đến hoặc dời lại ở giữa các thế giới. Họ chẳng biết ai mang họ đến, ai mang họ đi, hoặc ai đặt họ ở đó. Họ tùy theo sự hiểu biết của mình mà làm theo việc như thế. Hoặc có người biết chân ngã, hoặc có người chẳng biết. Ở trên núi Thứu Phong tại thế giới này có Đức Phật Năng Tịch, và ở trong đó cũng có Đức Phật Vô Năng Thắng. Ở thế giới này, hoặc xuất hiện kiếp thiêu đốt, hoặc sự tuyên thuyết giáo Pháp của một vị Phật. Những sự kiện như thế rất kỳ đặc và hết sức hiếm có.

Có sự kiện nào tối thượng kỳ đặc nữa chăng? Đó là Đồng tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến chưa bao giờ sanh ở trong gia đình phàm tục. Gia đình mà đồng tử sanh vào đều là Bồ-tát.

Này Đại Ẩm Quang! Phải biết rằng, gia đình nuôi dưỡng và người hầu hạ của đồng tử thảy đều hoan hỷ khi nhìn thấy.

Đồng tử được thân thuộc yêu mến, nhớ thương và đều nói rằng:

‘Có một người phi thường như thế sanh vào dòng họ của chúng ta.’

Tất cả những người như thế đều là do ta sai đến.

Này Đại Ẩm Quang! Phải biết rằng, nếu vị đại Bồ-tát kia làm quyến thuộc với bốn chúng đệ tử, tất cả họ đều sẽ nghe ông thuyết giảng Kinh Trống Pháp Lớn và đều sẽ đắc Đạo vô thượng.

Này Đại Ẩm Quang! Vào đời quá khứ xa xưa, ta làm vua Chuyển Luân và ở trong thành Quảng Nghiêm, tên là Hỷ Quân. Thành Quảng Nghiêm thuở đó cũng như châu Thắng Kim ở Thế giới Kham Nhẫn, là một trong bốn châu của một thế giới ở trong một tỷ thế giới. Thọ mạng của ta thuở đó dài chẳng thể nghĩ bàn. Như một vị Chuyển Luân Thánh Vương, ta thực hành vô số bố thí thù thắng và làm những công đức. Ta trì giới thanh tịnh và tu tạo các việc lành để hợp tập vô lượng công đức như thế.

Tuy nhiên, nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào nghe thuyết giảng về Kinh Trống Pháp Lớn của Nhất Thừa, hoặc vui cười đến nghe và cho đến chỉ nhớ chừng một niệm, thì công đức có được của người ấy sẽ hơn phước nghiệp của ta ở trước. Công đức ấy chẳng thể dùng toán số thí dụ mà có thể tính đếm.

Ví như có một chú vương tên là Diễm Chiếu. Một khi tụng chú thuật này thì người ấy sẽ được nó bảo hộ đến bốn tháng.

Này Đại Ẩm Quang! Phải biết rằng, chú thuật thế gian mà còn có sức mạnh dường ấy. Hà huống là có ai đọc qua một lần của Kinh Trống Pháp Lớn này. Uy lực của Kinh mà chẳng thể bảo hộ cho họ suốt đời hay sao. Cho nên, nếu có những chúng sanh nào cúng dường Kinh này, họ sẽ tạo nhân quyết định để thành Đạo vô thượng. Và cho đến khi đắc Đạo cứu cánh, họ cũng sẽ không ngừng tuyên nói Kinh này.”

Lúc bấy giờ đại chúng đồng thanh xướng rằng:

“Lành thay, lành thay! Thế Tôn rất kỳ diệu! Đồng tử này sẽ chuyển sanh và trở thành vị Bhikṣu thọ trì danh hiệu của Phật. Nếu ngài vào Cứu Cánh Tịch Diệt ở phương nam thì các vị thần của Rừng cây Chiến Thắng sẽ không có chỗ nào để nương tựa. Thay vào đó, hãy để ngài từ phương nam đi đến chỗ của Phật, rồi vào Cứu Cánh Tịch Diệt.”

Đức Phật bảo đại chúng:

“Đồng tử không bắt buộc phải đến đây. Ta sẽ tự đến đó. Trước tiên Ta sẽ gửi Kinh này cho đồng tử, rồi mới đến đó.

Vì sao thế? Bởi nếu Kinh này chẳng ở trong tay, đồng tử sẽ sanh tâm thoái chuyển. Nếu đồng tử biết có chúng sanh đáng điều phục, Ta và đại chúng sẽ hiện ra và đứng ở trước mặt. Khi đã thấy Ta, đồng tử sẽ trở lại đây, rồi liền vào Cứu Cánh Tịch Diệt. Đồng tử sẽ vào Cứu Cánh Tịch Diệt ở nơi mà muốn hóa độ chúng sanh.”

Bấy giờ con trai của Năng Thiên Đế tên là Abhimaṁru [a bi mâm ru], đã đến Pháp hội với sức thần thông. Tuy còn thơ ấu nhưng tâm thanh tịnh chân thành và tín mến Đại Thừa. Trong cõi trời và nhân gian, chỉ riêng thiên đồng tử thọ trì Kinh điển Đại Thừa sâu xa này mà chẳng ai sánh bằng. Do vì thuyết giảng về nhân giải thoát nên thiên đồng tử được Phật thọ ký.

Khi ấy các đại chúng đồng thanh nói kệ rằng:

“Đồng tử Nhạo Kiến kia
Sẽ sanh làm Bhikṣu
Đánh vang trống Pháp lớn
Hộ trì Pháp của Phật
Khiến Pháp trụ lâu dài

Sau khi vào tịch diệt
Thế gian sẽ trống rỗng
Sau khi ngài diệt độ
Chẳng ai có thể sánh

Bhikṣu như thế ấy
Rất hiếm ở trên đời
Có thể vì thế gian
Thuyết giảng Đạo cứu cánh”

Lúc bấy giờ Tôn giả Đại Ẩm Quang, Tôn giả Khánh Hỷ, Hiền Hộ Bồ-tát cùng những vị khác, và vô lượng đại chúng, khi nghe lời Phật dạy, họ hoan hỷ phụng hành.

Nguồn Bài Viết : https://daitangkinh.net/ ( Đại Tạng Kinh )

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog