Kinh Kim Cang Trí Độ
Pháp Giới 4 tháng trước

Kinh Kim Cang Trí Độ

Kinh Kim Cang Trí Độ

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật cùng với 1.250 vị đại Bhikṣu [bíc su] ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức. Bấy giờ là lúc đi khất thực, Thế Tôn đắp y và cầm bát đi vào Đại thành Phong Đức. Khi đã khất thực theo thứ tự ở trong thành ấy, Ngài trở về bổn xứ. Sau khi dùng cơm xong, Ngài gấp y, cất bình bát, rửa chân, trải tọa cụ, và ngồi xuống.

Khi ấy Trưởng lão Thiện Hiện đang ở giữa đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo lộ vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính và bạch Phật rằng:

“Hiếm có thay, Thế Tôn! Như Lai khéo hộ niệm chư Bồ-tát, khéo phó chúc chư Bồ-tát.

Bạch Thế Tôn! Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ nên trụ như thế nào, hàng phục tâm của họ ra sao?”

Đức Phật bảo:

“Lành thay, lành thay, Thiện Hiện! Đúng như lời ông nói. Như Lai khéo hộ niệm chư Bồ-tát, khéo phó chúc chư Bồ-tát. Ông nay hãy lắng nghe. Ta sẽ thuyết giảng cho ông.

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ nên trụ như vầy, hàng phục tâm của họ như vầy.”

“Dạ vâng, thưa Thế Tôn! Con vui thích muốn nghe.”

Phật bảo ngài Thiện Hiện:

“Chư đại Bồ-tát nên hàng phục tâm của họ như vầy:

‘Tất cả muôn loại chúng sanh–những loài sanh từ trứng, sanh từ bào thai, sanh từ ẩm ướt, sanh từ biến hóa; hoặc có sắc, vô sắc, có tưởng, vô tưởng, chẳng phải hoàn toàn có tưởng, hay chẳng phải hoàn toàn vô tưởng–ta đều khiến chúng vào Vô Dư Tịch Diệt để mà diệt độ.’

Tuy vô lượng vô số vô biên chúng sanh được diệt độ như thế, nhưng thật chẳng có chúng sanh nào được diệt độ.

Vì sao thế, Thiện Hiện? Bởi nếu Bồ-tát nào có tướng của chính mình, tướng của người khác, tướng của chúng sanh, hay tướng của thọ mạng, thì tức không phải Bồ-tát.”

“Lại nữa, Thiện Hiện! Bồ-tát không nên trụ ở bất cứ nơi đâu để làm bố thí, bao gồm không trụ sắc mà bố thí, không trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí.

Này Thiện Hiện! Bồ-tát nên như vậy mà bố thí và chớ trụ nơi tướng.

Vì sao thế? Bởi nếu Bồ-tát nào không trụ tướng mà bố thí, thì phước đức ấy sẽ chẳng thể suy lường.

Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Hư không ở phương đông có thể suy lường được chăng?”

“Dạ không, thưa Thế Tôn!”

“Này Thiện Hiện! Hư không ở phương nam, tây, bắc, bốn hướng phụ, cùng phương trên và phương dưới có thể suy lường được chăng?”

“Dạ không, thưa Thế Tôn!”

“Này Thiện Hiện! Phước đức của vị Bồ-tát nào không trụ tướng mà bố thí, thì cũng lại như vậy–không thể suy lường.

Này Thiện Hiện! Bồ-tát chỉ nên như lời Phật dạy mà trụ.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Có thể dựa vào thân tướng để thấy Như Lai chăng?”

“Dạ không, thưa Thế Tôn! Chẳng thể dựa vào thân tướng để thấy Như Lai.

Vì sao thế? Bởi thân tướng mà Như Lai nói, tức chẳng phải thân tướng.”

Phật bảo ngài Thiện Hiện:

“Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng mà chẳng phải tướng, thì tức thấy Như Lai.”

Ngài Thiện Hiện bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Có chúng sanh nào ở vị lai, khi nghe được những lời chương cú như thế mà khởi lòng tin thật chăng?”

Phật bảo ngài Thiện Hiện:

“Chớ nói như vậy! Sau khi Như Lai diệt độ, có những người tu phước trì giới ở trong 500 năm sau cùng, sẽ có thể sanh tín tâm nơi chương cú này mà tin là thật.

Ông phải biết người đó chẳng những đã gieo trồng căn lành ở nơi của một Đức Phật, hai Đức Phật, ba, bốn, hay năm Đức Phật, mà họ đã gieo trồng các căn lành ở nơi của vô lượng ngàn vạn chư Phật.

Này Thiện Hiện! Tất cả những ai nghe qua chương cú như thế, cho đến chỉ một niệm sanh tín tâm thanh tịnh, Như Lai đều biết và thấy rõ. Các chúng sanh ấy sẽ được vô lượng phước đức như vậy.

Vì sao thế? Bởi các chúng sanh ấy không còn có tướng của chính mình, tướng của người khác, tướng của chúng sanh, hay tướng của thọ mạng; không có tướng của pháp và không có tướng của phi pháp.

Vì sao thế? Bởi nếu tâm của những chúng sanh ấy nắm giữ tướng, thì tức đã chấp trước nơi chính mình, người khác, chúng sanh, và thọ mạng. Nếu nắm giữ pháp tướng, thì tức đã chấp trước nơi chính mình, người khác, chúng sanh, và thọ mạng.

Vì sao thế? Bởi nếu nắm giữ chẳng phải pháp tướng, thì tức đã chấp trước nơi chính mình, người khác, chúng sanh, và thọ mạng. Vì thế, không nên nắm giữ pháp và càng không nên nắm giữ chẳng phải Pháp.

Do bởi lẽ này nên Như Lai thường nói rằng:

Bhikṣu các ông phải biết rằng, Pháp của Ta nói dụ như chiếc bè.’

Pháp còn phải xả, hà huống chẳng phải Pháp.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chăng? Như Lai có thuyết Pháp gì chăng?”

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

“[Thưa Thế Tôn!] Như con hiểu lời Phật dạy, không có pháp nhất định gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng không có pháp nhất định để Như Lai có thể nói.

Vì sao thế? Bởi Pháp của Như Lai nói đều không thể nắm giữ và không thể nói. Chúng chẳng phải Pháp, hay chẳng phải phi pháp.

Vì sao thế? Bởi hết thảy hiền thánh đều nhân do Pháp vô vi mà có sai khác.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Nếu có người lấy bảy báu đầy khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới để làm bố thí, thì phước đức đạt được của người ấy có nhiều chăng?”

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

“Rất nhiều, thưa Thế Tôn!

Vì sao thế? Bởi phước đức ấy chẳng phải là tánh của phước đức. Cho nên Như Lai mới nói phước đức đó là nhiều.”

“Nếu lại có người đối với Kinh này mà thọ trì dù chỉ bốn câu kệ và thuyết giảng cho người khác, thì phước đó còn hơn người kia.

Vì sao thế, Thiện Hiện? Bởi tất cả chư Phật cùng Pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chư Phật đều từ Kinh này lưu xuất.

Này Thiện Hiện! Gọi là Phật Pháp tức chẳng phải Phật Pháp.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Vị Nhập Lưu có thể khởi nghĩ rằng mình đã đắc Quả Nhập Lưu chăng?”

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

“Dạ không, thưa Thế Tôn!

Vì sao thế? Bởi Nhập Lưu có nghĩa là vào dòng, nhưng ngài thật không chỗ vào, không nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Cho nên ngài gọi là Nhập Lưu.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Vị Nhất Lai có thể khởi nghĩ rằng mình đã đắc Quả Nhất Lai chăng?”

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

“Dạ không, thưa Thế Tôn!

Vì sao thế? Bởi Nhất Lai có nghĩa là một lần trở lại, nhưng ngài thật chẳng có một lần trở lại. Cho nên ngài gọi là Nhất Lai.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Vị Bất Hoàn có thể khởi nghĩ rằng mình đã đắc Quả Bất Hoàn chăng?”

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

“Dạ không, thưa Thế Tôn!

Vì sao thế? Bởi Bất Hoàn có nghĩa là không trở lại, nhưng ngài thật chẳng phải không trở lại. Cho nên ngài gọi là Bất Hoàn.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Bậc Ứng Chân có thể khởi nghĩ rằng mình đã đắc Đạo Ứng Chân chăng?”

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

“Dạ không, thưa Thế Tôn!

Vì sao thế? Bởi thật chẳng có pháp nào gọi là Ứng Chân.

Thưa Thế Tôn! Nếu bậc Ứng Chân khởi nghĩ rằng mình đã đắc Đạo Ứng Chân, thì tức đã chấp trước nơi chính mình, người khác, chúng sanh, và thọ mạng.

Thưa Thế Tôn! Đức Phật nói con đắc Vô Tranh Chánh Định, là bậc đệ nhất trong hàng người, và là bậc Ứng Chân ly dục đệ nhất.

Thưa Thế Tôn! Con không khởi nghĩ rằng mình là bậc Ứng Chân ly dục.

Thưa Thế Tôn! Nếu con khởi nghĩ rằng mình đã đắc Đạo Ứng Chân, thì Thế Tôn sẽ không nói rằng Thiện Hiện là người ưa thích hạnh vô tranh. Do Thiện Hiện thật chẳng có tu hành, nên gọi Thiện Hiện là người ưa thích hạnh vô tranh.”

Xem Thêm:   Kinh Quán Tưởng Thanh Tịnh Sắc Thân của Dược Vương Bồ-tát và Dược Thượng Bồ-tát

Phật bảo ngài Thiện Hiện:

“Ý ông nghĩ sao? Thuở xưa Như Lai ở nơi của Đức Phật Nhiên Đăng đã có đắc Pháp nào chăng?”

“Dạ không, thưa Thế Tôn! Như Lai ở nơi của Đức Phật Nhiên Đăng thật chẳng có đắc Pháp nào.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Bồ-tát có trang nghiêm Phật độ chăng?”

“Dạ không, thưa Thế Tôn!

Vì sao thế? Bởi trang nghiêm Phật độ tức chẳng phải trang nghiêm. Cho nên gọi là trang nghiêm.”

“Vì thế, Thiện Hiện! Chư đại Bồ-tát nên sanh tâm thanh tịnh như vậy. Họ không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Hãy nên không có chỗ trụ mà sanh tâm.

Này Thiện Hiện! Ví như có người thân như Vua núi Diệu Cao. Ý ông nghĩ sao? Thân ấy có lớn chăng?”

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

“Rất lớn, thưa Thế Tôn!

Vì sao thế? Bởi Phật nói không thân mới gọi là thân lớn.”

“Này Thiện Hiện! Ví như có số lượng sông Hằng bằng số cát ở trong một sông Hằng. Ý ông nghĩ sao? Số cát của những sông Hằng ấy có nhiều chăng?”

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

“Rất nhiều, thưa Thế Tôn! Chỉ với số lượng của những sông Hằng thôi, thì cũng đã nhiều vô số. Hà huống là cát của chúng.”

“Này Thiện Hiện! Ta bây giờ sẽ nói thật cho ông biết. Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào lấy bảy báu đầy khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, rồi với số lượng của Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đó bằng số cát của tất cả những sông Hằng kia để làm bố thí, thì phước đức đạt được có nhiều chăng?”

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

“Rất nhiều, thưa Thế Tôn!”

Phật bảo ngài Thiện Hiện:

“Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào đối với Kinh này mà thọ trì dù chỉ bốn câu kệ và thuyết giảng cho người khác, thì phước đức ấy còn vượt hơn phước đức ở trước.”

“Lại nữa, Thiện Hiện! Ở bất cứ nơi nào giảng Kinh này, cho đến chỉ giảng bốn câu kệ, thì phải biết nơi đó, tất cả trời, người, và phi thiên trong thế gian đều nên cúng dường như tháp của Phật. Hà huống là những ai có thể thọ trì và đọc tụng trọn vẹn.

Này Thiện Hiện! Ông phải biết người đó đã thành tựu Pháp tối thượng hy hữu đệ nhất. Ở nơi nào có Kinh điển này, thì tức là nơi ấy có Phật hoặc đệ tử tôn quý.”

Lúc bấy giờ ngài Thiện Hiện bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì, và chúng con phụng trì như thế nào?”

Phật bảo ngài Thiện Hiện:

“Kinh này tên là Kim Cang Trí Độ. Với danh tự này, ông hãy theo đó mà phụng trì.

Vì sao thế, Thiện Hiện? Bởi Trí Độ mà Phật nói, tức chẳng phải Trí Độ. Cho nên gọi là Trí Độ.

Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có thuyết Pháp gì chăng?”

Ngài Thiện Hiện thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Như Lai không có thuyết Pháp gì.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Số lượng vi trần của Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới có nhiều chăng?”

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

“Rất nhiều, thưa Thế Tôn!”

“Này Thiện Hiện! Các vi trần mà Như Lai nói, tức chẳng phải vi trần. Cho nên gọi là vi trần. Thế giới mà Như Lai nói, tức chẳng phải thế giới. Cho nên gọi là thế giới.

Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Có thể dựa vào 32 tướng để thấy Như Lai chăng?”

“Dạ không, thưa Thế Tôn! Không thể dựa vào 32 tướng mà thấy được Như Lai.”

Vì sao thế? Bởi 32 tướng mà Như Lai nói, tức chẳng phải 32 tướng. Cho nên gọi là 32 tướng.

Này Thiện Hiện! Giả sử có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào dùng thân mạng bố thí nhiều như cát sông Hằng; nhưng nếu lại có người đối với Kinh này mà thọ trì dù chỉ bốn câu kệ và thuyết giảng cho người khác, thì phước đó còn nhiều hơn.”

Khi nghe Phật giảng Kinh này, ngài Thiện Hiện thâm giải nghĩa thú, nghẹn ngào rơi lệ, rồi thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn, thật hiếm có thay khi được Phật giảng Kinh điển sâu xa như vậy. Từ lúc đắc tuệ nhãn cho đến nay, con chưa từng bao giờ nghe được Kinh nào như thế.

Thưa Thế Tôn! Nếu lại có người nghe được Kinh này với tín tâm thanh tịnh, thì tức sẽ sanh thật tướng, và phải biết người ấy đã thành tựu công đức hiếm có đệ nhất.

Thưa Thế Tôn! Thật tướng tức là chẳng phải tướng. Cho nên Như Lai gọi là thật tướng.

Thưa Thế Tôn! Con nay nghe được Kinh điển như vầy và tín giải thọ trì, việc đó chẳng khó là bao. Nhưng nếu có chúng sanh nào trong 500 năm sau cùng ở vào đời vị lai mà nghe được Kinh này và tín giải thọ trì, người ấy thật là hiếm có vô cùng.

Vì sao thế? Bởi người ấy không có tướng của chính mình, tướng của người khác, tướng của chúng sanh, và tướng của thọ mạng.

Vì sao thế? Bởi tướng của chính mình tức là chẳng phải tướng. Tướng của người khác, tướng của chúng sanh, và tướng của thọ mạng tức là chẳng phải tướng.

Vì sao thế? Bởi lìa tất cả mọi tướng gọi là chư Phật.”

Phật bảo ngài Thiện Hiện:

“Như thị, như thị! Nếu có ai nghe được Kinh này mà không kinh hoàng, không sợ hãi, hoặc không khiếp nhược, thì phải biết người ấy rất là hiếm có.

Vì sao thế, Thiện Hiện? Bởi Pháp đệ nhất Đến Bờ Kia mà Như Lai nói, tức chẳng phải Pháp đệ nhất Đến Bờ Kia. Cho nên gọi là Pháp đệ nhất Đến Bờ Kia.

Này Thiện Hiện! Nhẫn Nhục Độ mà Như Lai nói, tức chẳng phải Nhẫn Nhục Độ. Cho nên gọi là Nhẫn Nhục Độ.

Vì sao thế, Thiện Hiện? Đó cũng như ta thuở xưa bị vua Đấu Tranh cắt xẻo thân thể, lúc bấy giờ ta không có tướng của chính mình, tướng của người khác, tướng của chúng sanh, và tướng của thọ mạng.

Vì sao thế? Bởi thuở xưa khi bị cắt xẻo thân thể, nếu ta có tướng của chính mình, tướng của người khác, tướng của chúng sanh, hay tướng của thọ mạng, thì ta tất đã khởi sân hận.

Này Thiện Hiện! Nhớ lại 500 đời ở thuở quá khứ, ta đã từng làm một vị tiên tu hạnh nhẫn nhục. Ở trong những đời ấy, ta đều không có tướng của chính mình, tướng của người khác, tướng của chúng sanh, hay tướng của thọ mạng.

Vì thế, Thiện Hiện! Bồ-tát nên lìa tất cả tướng và phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Họ không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Hãy nên không có chỗ trụ mà sanh tâm.

Nếu tâm có chỗ trụ, thì tức chẳng phải trụ.

Cho nên Phật mới nói rằng:

‘Tâm của Bồ-tát không nên trụ sắc mà bố thí.’

Này Thiện Hiện! Vì muốn làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, Bồ-tát nên bố thí như thế.

Tất cả mọi tướng mà Như Lai nói, tức chẳng phải tướng. Lại nói tất cả chúng sanh, tức chẳng phải chúng sanh.

Này Thiện Hiện! Như Lai là bậc nói lời chân chánh, bậc nói lời thành thật, bậc nói lời như như, bậc không nói lời hư dối, và bậc không nói lời sai khác.

Này Thiện Hiện! Pháp chứng đắc của Như Lai, Pháp ấy là vô thật vô hư.

Này Thiện Hiện! Nếu tâm của Bồ-tát trụ nơi pháp mà làm bố thí, thì cũng như người vào bóng tối–ắt sẽ không thấy gì cả.

Nếu tâm của Bồ-tát không trụ nơi pháp mà làm bố thí, thì cũng như người có mắt. Khi mặt trời chiếu sáng, họ thấy đủ mọi hình sắc.

Này Thiện Hiện! Vào đời vị lai, nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào có thể thọ trì và đọc tụng Kinh này, với trí tuệ của Phật, Như Lai đều biết và thấy rõ người ấy. Họ đều được thành tựu vô lượng vô biên công đức.”

Này Thiện Hiện! Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào–vào buổi sáng, họ dùng thân mạng nhiều như cát sông Hằng để bố thí; vào buổi trưa, họ lại dùng thân mạng nhiều như cát sông Hằng để bố thí; vào buổi tối, họ cũng dùng thân mạng nhiều như cát sông Hằng để bố thí–họ dùng thân mạng bố thí đến suốt vô lượng tỷ ức kiếp như vậy. Tuy nhiên, nếu lại có ai nghe Kinh điển này và với tín tâm chẳng trái nghịch, thì phước ấy còn hơn người kia. Hà huống là biên chép, thọ trì đọc tụng, và giảng giải cho người khác.

Xem Thêm:   Kinh Thọ Giới Mười Nghiệp Lành

Này Thiện Hiện! Nói tóm lại, công đức của Kinh này là vô biên, chẳng thể nghĩ bàn, và chẳng thể suy lường. Như Lai giảng Kinh này là vì những ai phát tâm Đại Thừa và những ai phát tâm Tối Thượng Thừa.

Nếu ai có thể thọ trì đọc tụng và rộng vì người khác diễn nói, Như Lai đều biết và thấy rõ người ấy. Họ đều được thành tựu chẳng thể lường, chẳng thể xưng tán, chẳng có giới hạn, và công đức chẳng thể nghĩ bàn. Những người như vậy đều có thể gánh vác Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của Như Lai.

Vì sao thế, Thiện Hiện? Bởi nếu ai thích Pháp nhỏ thì đã chấp trước cái thấy của chính mình, cái thấy của người khác, cái thấy của chúng sanh, và cái thấy của thọ mạng. Đối với Kinh này, họ không thể nghe, thọ trì đọc tụng, và giảng giải cho người khác.

Này Thiện Hiện! Ở bất cứ nơi nào mà có Kinh này, tất cả trời, người, và phi thiên trong thế gian đều nên cúng dường. Ông phải biết nơi đó chính là tháp Phật; mọi người đều nên cung kính, đảnh lễ, đi nhiễu, và lấy các hương hoa mà rải lên nơi ấy.”

“Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào thọ trì đọc tụng Kinh này và giả như bị người khinh chê, thì nghiệp tội của họ ở đời trước lẽ ra phải đọa đường ác. Nhưng do ở đời này bị người khinh chê, nên nghiệp tội ở đời trước liền tiêu diệt và họ sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này Thiện Hiện! Nhớ vào thuở quá khứ vô lượng vô số kiếp trước Đức Phật Nhiên Đăng, ta đã gặp được 84.000 ức nayuta [na du ta] chư Phật và thảy đều phụng sự cúng dường–không sót một vị nào. Nhưng nếu lại có ai ở vào thời Mạt Pháp về sau, có thể thọ trì và đọc tụng Kinh này, thì công đức cúng dường chư Phật của ta mà so với công đức có được của họ, thì một phần trăm, một phần của mười triệu ức, và cho đến toán số thí dụ cũng không bằng.

Này Thiện Hiện! Nếu Ta nói tường tận về công đức có được của thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào ở vào thời Mạt Pháp về sau, mà có thể thọ trì và đọc tụng Kinh này, thì trong lòng của ai nghe qua có thể sẽ điên cuồng và ngờ vực chẳng tin.

Này Thiện Hiện! Ông phải biết nghĩa thú của Kinh này là chẳng thể nghĩ bàn, quả báo cũng chẳng thể nghĩ bàn.”

Lúc bấy giờ ngài Thiện Hiện bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ nên trụ như thế nào, hàng phục tâm của họ ra sao?”

Phật bảo ngài Thiện Hiện:

“Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ nên sanh tâm như vầy:

‘Ta nên độ hết thảy chúng sanh đến tịch diệt. Mặc dù khi tất cả chúng sanh đã diệt độ, nhưng thật chẳng có một chúng sanh nào diệt độ cả.’

Vì sao thế, Thiện Hiện? Bởi nếu Bồ-tát có tướng của chính mình, tướng của người khác, tướng của chúng sanh, hay tướng của thọ mạng, thì tức không phải là Bồ-tát.

Vì sao thế, Thiện Hiện? Bởi thật chẳng có pháp nào gọi là phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Thuở xưa Như Lai ở nơi của Đức Phật Nhiên Đăng đã có đắc Pháp nào của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chăng?”

“Dạ không, thưa Thế Tôn! Như con hiểu lời Phật dạy, thuở xưa Như Lai ở nơi của Đức Phật Nhiên Đăng đã không có đắc Pháp nào của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”

Đức Phật bảo:

“Như thị, như thị, Thiện Hiện! Thật không có Pháp nào của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà Như Lai đắc.

Này Thiện Hiện! Nếu có Pháp nào của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà Như Lai đắc, thì Đức Phật Nhiên Đăng đã không thọ ký cho ta rằng:

‘Vào đời vị lai ông sẽ thành Phật, hiệu là Năng Tịch.’

Bởi thật chẳng có Pháp nào của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà có thể đắc, cho nên Đức Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho ta và nói rằng:

‘Vào đời vị lai ông sẽ thành Phật, hiệu là Năng Tịch.’

Vì sao thế? Bởi Như Lai tức là như nghĩa của các pháp.

Nếu có ai nói rằng Như Lai đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Thiện Hiện, thật chẳng có Pháp nào của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà Phật đắc.

Này Thiện Hiện! Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà Như Lai đắc, ở trong ấy, Pháp đó là vô thật vô hư. Cho nên Như Lai mới nói rằng, tất cả pháp đều là Phật Pháp.

Này Thiện Hiện! Tất cả pháp đã nói tức chẳng phải tất cả pháp. Cho nên gọi là tất cả pháp.

Này Thiện Hiện! Đây ví như có người với thân lớn.”

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

“Thưa Thế Tôn! Người với thân lớn mà Như Lai nói, tức chẳng phải thân lớn. Cho nên gọi là thân lớn.”

“Này Thiện Hiện! Bồ-tát cũng lại như vậy. Nếu họ nói rằng: ‘Ta phải diệt độ vô lượng chúng sanh’, thì họ chẳng gọi là Bồ-tát.

Vì sao thế, Thiện Hiện? Bởi thật không có pháp nào gọi là Bồ-tát. Cho nên Phật mới nói rằng: ‘Tất cả pháp đều chẳng có chính mình, chẳng có người khác, chẳng có chúng sanh, và chẳng có thọ mạng.’

Này Thiện Hiện! Nếu Bồ-tát nào nói rằng: ‘Ta phải trang nghiêm Phật độ’, thì họ không gọi là Bồ-tát.

Vì sao thế? Bởi trang nghiêm Phật độ mà Như Lai nói, tức chẳng phải trang nghiêm. Cho nên gọi là trang nghiêm.”

Này Thiện Hiện! Nếu Bồ-tát nào thông đạt rằng tất cả pháp đều vô ngã, thì Như Lai mới gọi họ là Bồ-tát chân thật.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có nhục nhãn chăng?”

“Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Như Lai có nhục nhãn.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có thiên nhãn chăng?”

“Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Như Lai có thiên nhãn.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có tuệ nhãn chăng?”

“Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Như Lai có tuệ nhãn.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có Pháp nhãn chăng?”

“Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Như Lai có Pháp nhãn.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có Phật nhãn chăng?”

“Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Như Lai có Phật nhãn.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Phật có xem tất cả cát trong sông Hằng là cát chăng?”

“Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Như Lai nói là cát.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Giả sử có số lượng sông Hằng bằng tất cả cát trong một sông Hằng, rồi có số lượng thế giới của chư Phật bằng tất cả cát của những sông Hằng đó, vậy số lượng thế giới kia có nhiều chăng?”

“Rất nhiều, thưa Thế Tôn!”

Phật bảo ngài Thiện Hiện:

“Mọi thứ tâm của hết thảy chúng sanh trong tất cả quốc độ kia, Như Lai đều biết rõ.

Vì sao thế? Bởi Như Lai nói tất cả tâm đều chẳng phải là tâm. Cho nên gọi là tâm.

Vì sao thế, Thiện Hiện? Bởi tâm quá khứ chẳng thể nắm giữ, tâm hiện tại chẳng thể nắm giữ, tâm vị lai chẳng thể nắm giữ.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Nếu có người lấy bảy báu đầy khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới để làm bố thí, thì do nhân duyên đó, người ấy có được nhiều phước chăng?”

“Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Do nhân duyên đó, người ấy có được rất nhiều phước.”

“Này Thiện Hiện! Nếu phước đức thật có, Như Lai sẽ không nói họ có được nhiều phước đức. Do phước đức chẳng có, nên Như Lai mới nói họ có được nhiều phước đức.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Có thể dựa vào sắc thân viên mãn để thấy Như Lai chăng?”

Xem Thêm:   Kinh Vô Thường

“Dạ không, thưa Thế Tôn! Không nên dựa vào sắc thân viên mãn để thấy Như Lai.

Vì sao thế? Bởi sắc thân viên mãn mà Như Lai nói, tức chẳng phải sắc thân viên mãn. Cho nên gọi là sắc thân viên mãn.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Có thể dựa vào đầy đủ tướng hảo để thấy Như Lai chăng?”

“Dạ không, thưa Thế Tôn! Không nên dựa vào đầy đủ tướng hảo để thấy Như Lai.

Vì sao thế? Bởi đầy đủ tướng hảo mà Như Lai nói, tức chẳng phải đầy đủ tướng hảo. Cho nên gọi là đầy đủ tướng hảo.”

“Này Thiện Hiện! Ông chớ nên bảo Như Lai có ý niệm rằng: ‘Ta sẽ có Pháp để nói.’ Đừng nghĩ như vậy.

Vì sao thế? Bởi nếu ai bảo Như Lai sẽ có Pháp để nói, thì tức là phỉ báng Phật, do không thể hiểu lời dạy của Ta.

Này Thiện Hiện! Trong thuyết Pháp thì chẳng pháp nào có thể nói. Cho nên gọi là thuyết Pháp.”

Lúc bấy giờ Tuệ mạng Thiện Hiện bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Có chúng sanh nào ở vị lai, khi nghe lời thuyết Pháp này mà sanh tín tâm chăng?”

Đức Phật bảo:

“Này Thiện Hiện! Họ không phải chúng sanh hay chẳng phải không chúng sanh.

Vì sao thế, Thiện Hiện? Bởi chúng sanh mà Như Lai nói, tức chẳng phải chúng sanh. Cho nên gọi là chúng sanh.”

Ngài Thiện Hiện bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Có phải Như Lai đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là không có chứng đắc chăng?”

Đức Phật bảo:

“Như thị, như thị, Thiện Hiện! Đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thậm chí không có một pháp nho nhỏ nào mà Ta có thể đắc. Cho nên gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”

“Lại nữa, Thiện Hiện! Pháp này là bình đẳng, không có cao thấp. Cho nên gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Hãy tu tất cả Pháp lành với chẳng có chính mình, chẳng có người khác, chẳng có chúng sanh, và chẳng có thọ mạng, thì sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này Thiện Hiện! Pháp lành mà Như Lai nói, tức chẳng phải Pháp lành. Cho nên gọi là Pháp lành.”

“Này Thiện Hiện! Giả sử có người lấy bảy báu tích tụ bằng số lượng của tất cả Vua núi Diệu Cao trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới để làm bố thí, nhưng nếu có ai đối với Kinh Kim Cang Trí Độ này mà thọ trì đọc tụng dù chỉ bốn câu kệ và thuyết giảng cho người khác, thì phước đức ở trước mà so với phước đức này, thì một phần trăm, một phần của mười triệu ức, và cho đến toán số thí dụ cũng không bằng.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?

Các ông chớ nên bảo Như Lai có ý niệm rằng:

‘Ta sẽ độ chúng sanh.’

Này Thiện Hiện! Đừng nghĩ như vậy.

Vì sao thế? Bởi thật chẳng có chúng sanh để Như Lai độ. Nếu có chúng sanh để Như Lai độ, thì Như Lai tức đã có chính mình, người khác, chúng sanh, và thọ mạng.

Này Thiện Hiện! Có ngã mà Như Lai nói, tức chẳng phải có ngã, nhưng hàng phàm phu thì cho là có ngã.

Này Thiện Hiện! Phàm phu mà Như Lai nói, tức chẳng phải phàm phu. Cho nên gọi là phàm phu.”

“Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Có thể dựa vào 32 tướng để quán tưởng Như Lai chăng?”

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

“Đúng vậy, đúng vậy! Có thể dựa vào 32 tướng để quán tưởng Như Lai.”

Đức Phật bảo:

“Này Thiện Hiện! Nếu ai dựa vào 32 tướng để quán tưởng Như Lai, thì Chuyển Luân Thánh Vương chính là Như Lai rồi.”

Ngài Thiện Hiện thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Như con hiểu lời Phật dạy, không nên dựa vào 32 tướng để quán tưởng Như Lai.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn nói kệ rằng:

“Nếu dùng sắc thấy Ta
Dùng âm thanh cầu Ta
Kẻ đó hành đạo tà
Chẳng thể thấy Như Lai”

“Này Thiện Hiện! Ông có thể sẽ nghĩ rằng Như Lai đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà chẳng cần đầy đủ tướng hảo.

Này Thiện Hiện! Đừng nên nghĩ rằng Như Lai đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà chẳng cần đầy đủ tướng hảo.

Này Thiện Hiện! Nếu ông nghĩ rằng những ai phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì sẽ nói các pháp đoạn diệt. Đừng nghĩ như vậy.

Vì sao thế? Bởi những ai phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì đối với pháp chẳng nói đoạn diệt của tướng.”

“Này Thiện Hiện! Giả sử Bồ-tát nào lấy bảy báu đầy khắp Hằng Hà sa thế giới để làm bố thí, nhưng nếu lại có ai biết rằng hết thảy pháp đều vô ngã và đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, thì vị Bồ-tát này sẽ vượt hơn công đức có được của vị Bồ-tát ở trước.

Vì sao thế, Thiện Hiện? Bởi vì chư Bồ-tát không thọ phước đức.”

Ngài Thiện Hiện bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Bồ-tát làm sao không thọ phước đức?”

“Này Thiện Hiện! Bồ-tát không nên tham trước phước đức đã làm. Cho nên mới nói là không thọ phước đức.”

“Này Thiện Hiện! Nếu có ai nói rằng Như Lai hoặc đến hay đi, hoặc ngồi hay nằm, thì người ấy không hiểu gì về nghĩa thú của Ta dạy.

Vì sao thế? Bởi Như Lai chẳng từ nơi nào đến và cũng chẳng đi về đâu. Cho nên gọi là Như Lai.”

“Này Thiện Hiện! Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào nghiền nát Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới ra thành vi trần, ý ông nghĩ sao, số lượng vi trần ấy có nhiều chẳng?”

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

“Rất nhiều, thưa Thế Tôn!

Vì sao thế? Bởi nếu số lượng vi trần ấy thật có, thì Phật sẽ không nói chúng là vi trần.

Vì sao thế? Bởi vi trần mà Phật nói, tức chẳng phải vi trần. Cho nên gọi là vi trần.

Thưa Thế Tôn! Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới mà Như Lai nói, tức chẳng phải thế giới. Cho nên gọi là thế giới.

Vì sao thế? Bởi nếu thế giới thật có, thì nó sẽ là một hợp tướng. Một hợp tướng mà Như Lai nói, tức chẳng phải một hợp tướng. Cho nên gọi là một hợp tướng.”

“Này Thiện Hiện! Một hợp tướng thì chẳng thể nói, nhưng chỉ do phàm phu tham trước việc đó mà thôi.”

“Này Thiện Hiện! Nếu ai bảo rằng Phật đã nói về cái thấy của chính mình, cái thấy của người khác, cái thấy của chúng sanh, và cái thấy của thọ mạng; Thiện Hiện, ý ông nghĩ sao? Người ấy có hiểu gì về nghĩa thú của Ta dạy chăng?”

“Dạ không, thưa Thế Tôn! Người ấy không hiểu gì về nghĩa thú của Như Lai dạy.

Vì sao thế? Bởi Thế Tôn nói về cái thấy của chính mình, cái thấy của người khác, cái thấy của chúng sanh, và cái thấy của thọ mạng, tức chẳng phải cái thấy của chính mình, cái thấy của người khác, cái thấy của chúng sanh, và cái thấy của thọ mạng. Cho nên gọi là cái thấy của chính mình, cái thấy của người khác, cái thấy của chúng sanh, và cái thấy của thọ mạng.”

“Này Thiện Hiện! Những ai phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì hãy đối với tất cả pháp nên biết như vậy, thấy như vậy, tín giải như vậy, và đừng sanh pháp tướng.

Này Thiện Hiện! Pháp tướng mà Như Lai nói, tức chẳng phải pháp tướng. Cho nên gọi là pháp tướng.”

“Này Thiện Hiện! Giả sử có người lấy bảy báu đầy khắp vô lượng vô số thế giới để làm bố thí, nhưng nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào phát khởi Đạo tâm, rồi đối với Kinh này mà thọ trì đọc tụng dù chỉ bốn câu kệ và diễn nói cho người khác, thì phước đó còn hơn người kia.

Họ phải diễn nói cho người khác như thế nào? Đó là không nắm giữ nơi tướng, như như bất động.

Vì sao thế?

Tất cả pháp hữu vi
Như mộng huyễn bọt bóng
Như sương như điện chớp
Hãy nên quán như thế”

Lúc Phật thuyết Kinh này xong, Trưởng lão Thiện Hiện cùng các vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī [bíc su ni], Thanh Tín Nam, Thanh Tín Nữ, tất cả trời, người, và phi thiên trong thế gian, khi nghe lời Phật dạy, họ đều sanh tâm đại hoan hỷ và tín thọ phụng hành.

Nguồn Bài Viết : https://daitangkinh.net/ ( Đại Tạng Kinh )

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog