Kinh Bảo Khiếp Ấn Thần Chú về Bí Mật Toàn Thân Xá-lợi ở Trong Tâm của Tất Cả Như Lai
Pháp Giới 10 tháng trước

Kinh Bảo Khiếp Ấn Thần Chú về Bí Mật Toàn Thân Xá-lợi ở Trong Tâm của Tất Cả Như Lai

Kinh Bảo Khiếp Ấn Thần Chú về Bí Mật Toàn Thân Xá-lợi ở Trong Tâm của Tất Cả Như Lai

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại hồ Bảo Quang Minh, trong vườn Vô Cấu của nước Thiện Thắng. Khi ấy có vô lượng trăm ngàn chư đại Bồ-tát, đại Thanh Văn, trời, rồng, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, đại mãng xà, người và phi nhân đang vây quanh Thế Tôn.

Bấy giờ trong đại chúng có một đại Phạm Chí tên là Vô Cấu Diệu Quang, thông minh học rộng, người thấy hoan hỷ, và luôn tu hành Mười Nghiệp Lành. Ngài đã quy y và hết mực kính tin Tam Bảo. Ngài có trí tuệ sắc bén, luôn luôn mong muốn tất cả chúng sanh viên mãn lợi ích lành và được giàu sang thịnh vượng.

Khi ấy Phạm chí Vô Cấu Diệu Quang từ chỗ ngồi đứng dậy, rồi đi đến chỗ của Phật, nhiễu Phật bảy vòng, và cầm hương hoa để phụng hiến Thế Tôn. Tiếp đến, ngài lấy y phục vô giá tuyệt đẹp, xâu chuỗi anh lạc, và dây chuyền châu báu mà choàng lên Đức Phật.

Sau đó, ngài đảnh lễ với trán chạm sát đôi chân của Như Lai, rồi đứng qua một bên và cung kính thưa rằng:

“Kính mong Thế Tôn và các đại chúng hãy đến nhà của con vào sáng mai để tiếp thọ cúng dường!”

Lúc bấy giờ Thế Tôn lặng yên hứa khả. Khi biết Phật đã nhận lời, Phạm Chí liền vội trở về. Ngay tối hôm đó, ngài chuẩn bị rất nhiều thức ăn nước uống ngon lạ với trăm vị, rưới nước, quét dọn sảnh đường, và treo phan lọng.

Đến sáng hôm sau, Phạm Chí cùng với hàng quyến thuộc cầm theo hương hoa và nhạc khí đến chỗ của Như Lai, rồi thưa rằng:

“Thời khắc đã đến, kính mong Thế Tôn giáng lâm.”

Khi ấy Thế Tôn dùng lời hiền hòa để an ủi Phạm chí Vô Cấu Diệu Quang kia, rồi Ngài bảo toàn thể đại chúng rằng:

“Vì muốn cho vị Phạm Chí kia được lợi ích to lớn, chúng đệ tử đều nên tới nhà của ông ấy để tiếp thọ cúng dường.”

Bấy giờ Thế Tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy. Khi vừa mới đứng lên, toàn thân của Đức Phật phóng ra muôn loại ánh sáng. Chúng hòa quyện với sắc màu tuyệt đẹp và chiếu soi khắp mười phương. Khi mọi nơi đều đã hay biết, sau đó ánh sáng ấy mới lui tan.

Với lòng cung kính hộ tống Như Lai, lúc ấy Phạm Chí cầm hương hoa vi diệu, cùng hàng quyến thuộc, thiên long bát bộ, Năng Thiên Đế, Phạm Vương, và Bốn Vị Thiên Vương đi ở phía trước dẫn đường.

Khi đó Thế Tôn đi về phía trước không xa, thì đến một khu vườn tên là Phong Tài. Ở trong khu vườn ấy có một ngôi tháp cổ đã mục nát, hư hoại, nằm ngả nghiêng. Gai góc mọc um tùm trước sân, cỏ dại phủ kín cửa ngõ, ngói đá bị chôn vùi, và nó giống như một đồn đất.

Bấy giờ Thế Tôn đi thẳng đến ngôi tháp. Ngay lúc đó ở trên tháp phóng đại quang minh và chiếu sáng rực rỡ.

Ở trong đồn đất vang ra tiếng ngợi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Năng Tịch Thế Tôn! Những hạnh làm ngày nay của Ngài, thật là cảnh giới cực thiện. Và còn Phạm Chí, hôm nay ông sẽ được lợi ích lành lớn lao.”

Lúc ấy Thế Tôn đảnh lễ ngôi tháp cũ kỹ kia, đi nhiễu bên phải ba vòng, và cởi phần trên của y phục đang mặc mà phủ lên nơi đó. Bấy giờ, nước mắt hòa với máu của Thế Tôn chảy xuống. Khi nghẹn ngào rơi lệ xong, Ngài mỉm cười.

Giữa lúc bấy giờ, mười phương chư Phật đồng nhìn lẫn nhau và cũng đều rơi lệ. Rồi mỗi vị đều phóng quang minh chiếu đến ngôi tháp này. Khi ấy đại chúng kinh ngạc vô cùng, nét mặt biến sắc, và ai nấy đều muốn giải đáp điều nghi vấn của mình.

Bấy giờ Kim Cang Thủ Bồ-tát và những vị khác cũng đều rơi lệ.

Ngài cầm chày kim cang đang bốc cháy phừng phừng mà quơ múa vòng quanh, rồi đi đến chỗ của Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà xuất hiện ánh sáng này? Vì sao mắt của Như Lai rơi lệ như thế? Và do đâu mà mười phương chư Phật kia cũng phóng quang minh tốt lành đến nơi đây? Kính mong Như Lai ở giữa đại chúng, hãy giải trừ hoài nghi của con.”

Khi đó Thế Tôn bảo ngài Kim Cang Thủ:

“Tháp báu lớn này tích tụ toàn thân xá-lợi của Như Lai. Vô lượng ức mật ấn Pháp yếu tâm tổng trì của tất cả Như Lai đều ở tại trong đó.

Này Kim Cang Thủ! Do bởi có Pháp yếu này ở tại trong đó, ngôi tháp liền biến thành trùng trùng điệp điệp, không một lỗ hổng như các hạt mè chồng chất lên nhau.

Lại cũng phải biết rằng trăm ngàn ức thân của Như Lai cũng dày kín như các hạt mè chồng chất lên nhau.

Toàn thân xá-lợi của trăm ngàn ức Như Lai và cho đến 84.000 Pháp môn cũng ở tại trong đó.

99 tỷ ức đảnh tướng của Như Lai cũng ở tại trong đó.

Do bởi những điều vi diệu ấy, cho nên ở xung quanh của tháp này mới có sự linh nghiệm thần kỳ, uy đức thù thắng, và có thể phủ khắp tất cả việc cát tường của thế gian.”

Khi đại chúng nghe lời Phật dạy, họ đều xa rời trần cấu, đoạn các phiền não, và đắc Pháp nhãn thanh tịnh. Do căn cơ của đại chúng không giống nhau nên điều lợi ích đạt được của mỗi người cũng khác. Có vị đắc Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, hay Đạo Ứng Chân. Có vị đắc Đạo Độc Giác. Có vị tu Đạo Bồ-tát đắc Nhất Thiết Trí hay được không thoái chuyển. Hoặc có vị chứng đắc Địa Thứ Nhất, Địa Thứ Nhì, và cho đến Địa Thứ Mười. Hoặc có vị đầy đủ Sáu Độ. Còn vị Phạm Chí thì được xa rời trần cấu và đắc năm loại thần thông.

Khi thấy việc hy hữu và kỳ đặc này, ngài Kim Cang Thủ bạch rằng:

“Thật là kỳ diệu thay, Thế Tôn! Đại chúng chỉ mới nghe về việc đó mà đã được công đức thù thắng như vậy. Hà huống là nghe diệu lý thâm sâu và chí tâm khởi tín, thì sẽ được bao nhiêu công đức?”

Xem Thêm:   Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương ♦ Quyển 4

Đức Phật bảo:

“Hãy lắng nghe, Kim Cang Thủ! Vào đời sau, nếu có thiện nam tín nữ cùng bốn chúng đệ tử nào của Ta mà phát tâm biên chép Kinh điển này, thì tức bằng biên chép 99 tỷ ức của tất cả Kinh điển mà chư Như Lai thuyết giảng. Công đức này còn vượt hơn thiện căn mà họ đã gieo trồng ở trước 99 tỷ ức Như Lai. Ngoài ra, họ cũng được tất cả chư Như Lai kia gia trì hộ niệm, như yêu quý con mắt của mình, cũng như mẹ hiền yêu thương và che chở con thơ.

Nếu ai đọc tụng Kinh này, tức là bằng đọc tụng hết thảy Kinh điển thuở quá khứ, hiện tại, cùng vị lai của chư Phật thuyết giảng.

Do bởi đọc tụng Kinh này, 99 tỷ ức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác đều đến, trùng trùng điệp điệp, dày kín như hạt mè chồng chất lên nhau, không một lỗ hổng. Ngày đêm chư Phật kia đều hiện thân gia trì cho người ấy.

Vô số Hằng Hà sa tất cả chư Phật Như Lai như thế, số trước tụ hội chưa đi, số sau trùng trùng lại đến. Chư Phật vụt đến rồi đi, ví như cát mịn xoáy cuộn ở dòng nước xiết. Chư Phật đi rồi lại đến–không chút đình trệ.

Nếu có người lấy hương hoa, hương xoa, vòng hoa, y phục, và đồ vật trang trí vi diệu để cúng dường Kinh này, thì tức đồng như họ lấy hương hoa cõi trời, y phục, đồ vật trang nghiêm bằng bảy báu, và số ấy tích tụ như núi Diệu Cao, mà mang hết cúng dường ở trước 99 tỷ ức Như Lai. Căn lành mà họ gieo trồng ở Kinh này thì cũng như vậy.”

Khi thiên long bát bộ cùng người và phi nhân nghe những lời đó xong, lòng ai nấy đều ngạc nhiên, rồi họ nói với nhau rằng:

“Uy đức của đồn đất đổ nát này thật kỳ diệu! Do bởi thần lực gia trì của Như Lai nên mới hiện ra thần biến như vậy.”

Ngài Kim Cang Thủ lại bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà ngôi tháp bảy báu này lại hiện ra như một đồn đất?”

Phật bảo ngài Kim Cang Thủ:

“Đây không phải là một đồn đất, mà là một tháp báu lớn thù thắng vi diệu. Do nghiệp quả thấp kém của chúng sanh nên nó mới ẩn tàng chẳng hiện. Mặc dù tháp ẩn khuất nhưng toàn thân của Như Lai chẳng thể hủy hoại. Thân kim cang tạng của Như Lai thì làm sao có thể hoại diệt được chứ?

Sau khi Ta diệt độ, vào thời Mạt Pháp bức bách sau này, nếu có chúng sanh nào tạo nghiệp phi pháp nên phải đọa địa ngục, không tin Tam Bảo, và không gieo trồng căn lành, do bởi nhân duyên ấy nên Phật Pháp sẽ ẩn mất. Tuy nhiên tháp này thì vẫn kiên cố bất diệt. Đó là vì thần lực gia trì của tất cả Như Lai. Do nghiệp chướng che lấp, chúng sanh vô trí chẳng biết đào lên để dùng trân bảo này. Bởi vậy mà Ta nay rơi lệ, và chư Như Lai kia cũng rơi lệ.”

Đức Phật lại bảo ngài Kim Cang Thủ rằng:

“Nếu có chúng sanh nào biên chép Kinh này, rồi an trí vào trong một ngôi tháp, thì tháp đó sẽ trở thành tháp kim cang tạng của tất cả Như Lai, tháp tổng trì tâm bí mật gia trì của tất cả Như Lai, tháp của 99 tỷ ức Như Lai, tháp Phật đảnh Phật nhãn của tất cả Như Lai, và được hết thảy chư Như Lai dùng thần lực bảo hộ.

Nếu an trí Kinh này trong một tượng Phật, rồi để vào trong một ngôi tháp, thì tượng sẽ được làm bằng bảy báu, linh nghiệm cảm ứng theo tâm tưởng–không nguyện vọng gì mà chẳng toại.

Hãy tùy theo khả năng của mình mà xây tháp bằng đất, gỗ, đá, hay gạch và trang trí lọng che, lưới giăng, luân đường, lộ bàn, mái che, chuông gió, móng nền, hay bậc thềm. Do bởi uy lực của Kinh, tháp sẽ tự nhiên thành bảy báu. Thêm nữa, tất cả Như Lai sẽ gia tăng uy lực của Kinh này. Với lời thành thật, chư Như Lai sẽ gia trì không gián đoạn.

Nếu có chúng sanh nào có thể lễ bái và cúng dường dù chỉ một nén hương hay một cành hoa ở trước tháp này, thì 80 ức kiếp sanh tử trọng tội của họ sẽ tức khắc tiêu diệt. Ở đời hiện tại, họ được thoát miễn tai ương, và khi chết sẽ sanh vào nhà của chư Phật.

Giả sử có ai đáng phải đọa Địa ngục Vô Gián, nhưng dù họ chỉ một lần lễ bái hoặc đi nhiễu bên phải ở tháp này, thì cánh cửa địa ngục sẽ đóng bít và con đường tuệ giác rộng mở.

Lại nữa, tất cả Như Lai sẽ dùng thần lực mà hộ vệ ở tại nơi tháp và hình tượng được an trí Kinh này.

– Nơi ấy sẽ không bị gió bão hay sấm sét tàn hại.
– Nơi ấy sẽ không bị quấy nhiễu bởi rắn độc, bọ cạp, hay những côn trùng độc hại khác.
– Nơi ấy sẽ không bị sư tử, voi điên, cọp, sói, dã can, ong, hay rết gây hại.
– Nơi ấy cũng chẳng bị khủng bố bởi quỷ tiệp tật, quỷ bạo ác, quỷ tinh linh, quỷ hút tinh khí, yêu tinh yêu quái, hay bệnh động kinh.
– Nơi ấy cũng chẳng bị truyền nhiễm bởi mọi chứng bệnh nóng lạnh, các bệnh lở loét, ghẻ hủi, hay ung nhọt.

Nếu ai chỉ thoáng thấy tháp này thì sẽ có thể diệt trừ tất cả tai nạn. Sáu loại gia súc, người lớn, và các em bé gái trai sẽ không bị ôn dịch lây nhiễm.

– Họ sẽ không bị chết oan hay chết yểu đột ngột.
– Họ sẽ không bị dao gậy hay nước lửa gây hại.
– Họ sẽ không bị giặc cướp hay oán thù xâm hại.
– Họ cũng không phải lo âu về đói kém hay nghèo túng.
– Bùa chú trù ếm sẽ chẳng thể tổn hại đến họ.

– Tứ Đại Thiên Vương cùng hàng quyến thuộc sẽ ngày đêm hộ vệ họ.
– 28 bộ của đại tướng tiệp tật, nhật nguyệt ngũ tinh, và tràng vân tuệ tinh sẽ ngày đêm hộ vệ họ.
– Tất cả long vương sẽ làm mưa đúng thời và gia tăng tinh khí cho họ.
– Tất cả chư thiên, bao gồm chư thiên ở trời Tam Thập Tam, sẽ bay xuống để cúng dường họ vào mỗi ngày ba thời.
– Tất cả tiên nhân sẽ tụ tập ba thời mỗi ngày để nhiễu quanh tháp, ca vịnh, đảnh lễ, cảm tạ, và chiêm ngưỡng.
– Năng Thiên Đế cùng với các thiên nữ sẽ bay xuống cúng dường ở ba thời ban ngày và ba thời ban đêm.

Nơi đó liền được tất cả Như Lai hộ niệm và gia trì. Do trong tháp có Kinh này nên mới có những việc như vậy.

Xem Thêm:   Kinh 1.000 Danh Hiệu của Chư Phật Trong Kiếp Trang Nghiêm ở Quá Khứ

Nếu ai dùng đất, đá, gỗ, vàng, bạc, đồng, hoặc chì để xây tháp, rồi biên chép thần chú này và an trí vào bên trong, khi mới vừa an trí xong, tháp đó sẽ trở thành tháp bảy báu. Bậc thềm ở trên và dưới, lộ bàn, lọng che, chuông gió, và luân đường sẽ làm toàn bằng bảy báu. Bốn mặt của tháp lại có hình tượng Như Lai. Do vì có Pháp yếu nên tất cả Như Lai sẽ kiên trụ hộ trì ngày đêm mà chẳng rời khỏi. Do uy lực của thần chú, tháp bảy báu có diệu bảo tạng của toàn thân xá-lợi, sẽ vọt cao đến giữa Cung trời Sắc Cứu Cánh; tháp đứng sừng sững. Hết thảy chư thiên ngày đêm sẽ chiêm ngưỡng, thủ hộ, và cúng dường.”

Ngài Kim Cang Thủ bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Pháp này có công đức thù thắng như thế?”

Đức Phật bảo:

“Phải biết đây là do sức uy thần của Bảo Khiếp Ấn Thần Chú này.”

Ngài Kim Cang Thủ thưa rằng:

“Kính mong Như Lai thương xót chúng con mà tuyên thuyết thần chú này.”

Đức Phật bảo:

“Hãy lắng nghe, tư duy, và chớ lãng quên! Phân thân uy quang của tất cả Như Lai ở hiện tại cùng vị lai và toàn thân xá-lợi của chư Phật thuở quá khứ đều tại Bảo Khiếp Ấn Thần Chú. Ba Thân của chư Như Lai kia cũng ở tại trong này.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói chú rằng:

|| namas tryadhvikānāṁ sarva tathāgatānāṁ
|
| oṁ bhuvi-bhavana-vare
|
| vacana-vacati suru suru dhara dhara
|
| sarva tathāgata dhātu dhare
|
| padmaṁ bhavati jaya vare mudre
|
| smara tathāgata dharma-cakra pravartana vajre bodhimaṇḍālaṁkārālaṁkṛte
|
| sarva tathāgatādhiṣṭhite
|
| bodhaya bodhaya bodhi bodhi
|
| budhya budhya saṁbodhani saṁbodhaya
|
| cala cala calantu
|
| sarvāvaraṇāni sarva pāpa vigate
|
| huru huru sarva śoka vigate
|
| sarva tathāgata hṛdaya vajriṇi
|
| saṁbhāra saṁbhāra
|
| sarva tathāgata guhya dhāraṇī-mudre
|
| bhūte subhūte
|
| sarva tathāgatādhiṣṭhita dhātu garbhe svāhā
|
| samayādhiṣṭhite svāhā
|
| sarva tathāgata hṛdaya dhātu mudre svāhā
|
| supratiṣṭhita stūpe tathāgatādhiṣṭhite huru huru hūṁ hūṁ svāhā
|
| oṁ sarva tathāgatoṣṇīṣa dhātu mudrāṇi
|
| sarva tathāgata sadhātu vibhūṣitādhiṣṭhite hūṁ hūṁ svāhā ||

|| nam mác, tri a đờ vi ca nâm, sa qua, ta tha ga ta nâm
|
| ôm, bu vi – ba qua na – va re
|
| va cha na – va cha ti, su ru, su ru, đa ra, đa ra
|
| sa qua, ta tha ga ta, đa tu, đa re
|
| bách mâm, ba qua ti, cha da, va re, mu đờ re
|
| sờ ma ra, ta tha ga ta, đa ma – chất cờ ra, bờ ra qua ta na, va chờ re, bô đi man đa lâm ca ra lâm cờ ri te
|
| sa qua, ta tha ga ta a đi sờ thi te
|
| bô đa da, bô đa da, bô đi, bô đi
|
| bu đi a, bu đi a, sâm bô đa ni, sâm bô đa da
|
| cha la, cha la, cha lan tu
|
| sa qua va ra na ni, sa qua, ba ba, vi ga te
|
| hu ru, hu ru, sa qua, sô ca, vi ga te
|
| sa qua, ta tha ga ta, hê ri đa da, va chờ ri ni
|
| sâm ba ra, sâm ba ra
|
| sa qua, ta tha ga ta, gu hy a, đa ra ni – mu đờ re
|
| bu te, su bu te
|
| sa qua, ta tha ga ta a đi sờ thi ta, đa tu, ga be, sờ qua ha
|
| sa ma da a đi sờ thi te, sờ qua ha
|
| sa qua, ta tha ga ta, hê ri đa da, đa tu, mu đờ re, sờ qua ha
|
| su bờ ra ti sờ thi ta, sờ tu be, ta tha ga ta a đi sờ thi te, hu ru, hu ru, hùm, hùm, sờ qua ha
|
| ôm, sa qua, ta tha ga tô sờ ni sa, đa tu, mu đờ ra ni
|
| sa qua, ta tha ga ta, sa đa tu, vi bu si ta a đi sờ thi te, hùm, hùm, sờ qua ha ||

Khi Đức Phật nói thần chú này xong, chư Phật Như Lai ở trong đồn đất vang ra tiếng ngợi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Năng Nhân Thế Tôn! Ngài đã có thể hiện ra ở trong đời ác trược, vì muốn làm lợi ích cho những chúng sanh không nơi nương tựa, không chỗ cậy trông mà diễn nói Pháp thâm sâu, và khiến Pháp yếu như vậy trụ lâu dài ở thế gian để mang đến ích lợi rộng lớn và an ổn vui sướng.”

Lúc ấy Phật bảo ngài Kim Cang Thủ:

“Lắng nghe, lắng nghe! Pháp yếu như vậy có thần lực vô cùng, lợi ích vô biên. Nó ví như ở trên tràng phan có như ý châu, luôn mưa xuống trân bảo và mãn nguyện hết thảy điều mong ước.

Ta bây giờ sẽ lược giảng một phần vạn của những sự lợi ích đó. Ông hãy ghi nhớ và thọ trì để làm lợi ích cho tất cả.

Sau khi chết, nếu có kẻ ác nào bị đọa địa ngục để chịu khổ không gián đoạn mà chẳng có kỳ hạn ra khỏi, như có con cháu nào của họ xưng tên của vong linh và tụng thần chú ở trên, thì khi vừa xong bảy lần, đồng nung sắt nóng sẽ hốt nhiên biến thành ao nước tám công đức, hoa sen nâng đỡ dưới chân, và lọng báu che trên đầu của tội nhân. Khi ấy, cửa địa ngục tan vỡ và Phật Đạo rộng mở. Rồi hoa sen đó sẽ chở họ bay đến Thế giới Cực Lạc. Khi sanh về cõi nước kia, Nhất Thiết Chủng Trí sẽ tự nhiên hiển lộ. Họ sẽ vô cùng vui thích thuyết Pháp và đắc quả vị Nhất Sanh Bổ Xứ.

Lại nữa, như có chúng sanh nào do tội báo thâm trọng nên phải chịu hàng trăm chứng bệnh vào thân, thống khổ bức tâm, nhưng nếu họ tụng thần chú này 21 lần thì trăm bệnh muôn sầu sẽ đồng thời tiêu diệt, thọ mạng diên trường, phước đức vô tận.

Xem Thêm:   Kinh Đại Thừa về Đồng tử Bảo Nguyệt Thưa Hỏi Pháp

Giả sử lại có người do nghiệp tham lam bỏn xẻn nên phải sanh ra trong gia đình bần tiện, quần áo chẳng đủ che thân, miếng ăn chẳng đủ lót bụng, gầy gò héo hon, ai trông thấy đều khinh bỉ. Nhưng nếu người này sanh tâm xấu hổ và hổ thẹn, họ vào rừng hái hoa dại, nghiền gỗ mục làm hương bột, rồi đi đến trước tháp mà lễ bái cúng dường, nhiễu bên phải bảy vòng, và rơi lệ sám hối lỗi lầm, thì do bởi thần lực của chú cùng uy đức của tháp nên quả báo bần cùng của họ sẽ liền tiêu diệt. Phú quý hốt nhiên chợt đến, bảy báu rơi xuống như mưa, và họ sẽ chẳng thiếu hụt thứ gì. Ở lúc đó, họ cần phải kính trọng Phật Pháp và bố thí cho kẻ nghèo túng. Giả như họ keo kiệt bủn xỉn thì tài bảo liền hốt nhiên biến mất.

Giả sử lại có người vì muốn gieo trồng căn lành, họ lấy bùn hoặc gạch mà xây tháp tùy theo khả năng. Tháp đó có thể chỉ lớn như trái xoài và cao bốn lóng tay. Sau đó, họ biên chép thần chú, an trí vào bên trong tháp, rồi cầm hương hoa để cúng dường và lễ bái. Do bởi uy lực của thần chú này cùng với tín tâm của họ, ở trong tháp nhỏ sẽ tự nhiên tỏa ra mây hương lớn. Mùi hương và ánh sáng của đám mây trùm khắp Pháp Giới, thoang thoảng thơm ngát, và rộng làm Phật sự. Công đức mà họ sẽ có được thì cũng như đã nói ở trên. Nói tóm lại, không nguyện gì mà chẳng toại.

Vào thời Mạt Pháp, trong bốn chúng đệ tử, hoặc thiện nam tín nữ nào, nếu có ai vì Đạo vô thượng mà tận lực tạo tháp và an trí thần chú, thì công đức có được sẽ chẳng thể nào nói hết.

Nếu có người đến nơi tháp để cầu phước, họ mang theo một nén hương hay một cành hoa để cúng dường, lễ bái, và đi vòng bên phải, thì do bởi công đức ấy:

– Quan vị vinh hiển, không cầu tự đến.
– Phú quý trường thọ, không mong tự tăng.
– Oan gia giặc cướp, không đánh tự bại.
– Oán niệm bùa chú, không diệt tự lui.
– Dịch bệnh tà khí, không trừ tự lánh.
– Chồng hiền vợ thảo, không cầu tự được.
– Trai hiền gái xinh, không mong tự sanh.
– Tất cả sở nguyện, tùy ý mãn túc.

Nếu có quạ, diều hâu, chim sẻ, chim kiêu, tu hú, bồ câu, cú mèo, chó sói, dã can, ruồi, muỗi, kiến, hay những loài trùng khác, mà chỉ tạm đến dưới bóng của tháp hoặc giẫm lên cỏ nơi đó, thì nghiệp chướng liền được tồi phá và chúng sẽ nhận biết vô minh. Chúng sẽ hốt nhiên vào nhà của Phật và tùy ý tiếp lãnh Pháp tài. Huống nữa là có người nào thấy tháp, nghe tiếng chuông, nghe tên danh, hay ở dưới bóng của tháp, thì tội chướng của họ thảy diệt trừ, ước mong như ý, hiện đời an ổn, và khi chết sẽ sanh về Thế giới Cực Lạc.

Nếu có người tùy theo khả năng mà lấy cục bùn lấp vào chỗ gạch vỡ, hoặc cầm một hòn đá nhỏ kê vào chỗ tháp đang bị nghiêng, do bởi công đức này, họ sẽ được tăng phước diên thọ. Sau khi mạng chung, người ấy sẽ sanh làm vua Chuyển Luân.

Sau khi Ta diệt độ, nếu có ai trong bốn chúng đệ tử mà muốn cứu vớt chúng sanh ở cõi giới khổ đau, thì họ nên ở trước tháp này mà cúng dường hương hoa, chí tâm phát nguyện, và tụng niệm thần chú. Khi ấy, mỗi từ mỗi câu của thần chú sẽ phóng đại quang minh, chiếu đến chúng sanh ở ba đường ác, và diệt trừ hết mọi thống khổ. Khi chúng sanh đã thoát khỏi ách khổ, hạt giống Phật sẽ nảy mầm; họ sẽ tùy ý vãng sanh về tịnh độ ở mười phương.

Nếu có người ở trên đỉnh núi cao mà chí tâm tụng chú này, thì tất cả chúng sanh ở trong tầm mắt của họ–gồm những loài có lông, vẩy, hoặc mai–cư trú gần hay xa, ở trong thung lũng, núi rừng, dòng suối, sông hồ, hay biển khơi, thì nghiệp chướng của chúng liền được tồi phá. Chúng sẽ nhận biết vô minh, hiển hiện bổn hữu của ba loại Phật tánh, và cứu cánh sẽ vào trong an lạc của Đại Tịch Diệt.

Nếu có ai đi cùng trên con đường của người tụng chú kia, như họ được làn gió thổi qua áo, hoặc giẫm lên dấu chân, hoặc chỉ thấy mặt, hoặc chỉ trò chuyện vài câu với người tụng chú kia, thì trọng tội của những người như vậy đều sẽ diệt trừ và thân ngữ ý nghiệp thành tựu viên mãn.”

Lúc bấy giờ Phật bảo ngài Kim Cang Thủ:

“Ta nay phó chúc thần chú bí mật và Kinh điển này cho các ông. Hãy tôn trọng, hộ trì và lưu truyền ở thế gian. Hãy truyền thọ cho chúng sanh và chớ để đoạn tuyệt.”

Ngài Kim Cang Thủ thưa rằng:

“Con nay rất vinh hạnh được Thế Tôn phó chúc. Vì muốn báo đáp ân đức thâm trọng của Thế Tôn, chúng con ngày đêm sẽ cố gắng hộ trì, tuyên dương, và lưu truyền khắp thế gian.

Nếu có chúng sanh nào biên chép, thọ trì, và luôn mãi ghi nhớ, thì chúng con sẽ sai Năng Thiên Đế, Phạm Vương, Bốn Vị Thiên Vương, cùng thiên long bát bộ mà ngày đêm hộ vệ cho họ và chẳng khi nào tạm rời xa.”

Đức Phật bảo:

“Lành thay, Kim Cang Thủ! Ông vì muốn hết thảy chúng sanh ở trong đời vị lai được sự lợi ích to lớn nên mới hộ trì Pháp này.”

Sau khi Thế Tôn đã tuyên thuyết Bảo Khiếp Ấn Thần Chú này và rộng làm Phật sự xong, Ngài đến nhà của Phạm Chí tiếp thọ cúng dường, hầu khiến cho trời người được phước lợi lớn. Sau đó, Ngài trở về bổn xứ.

Lúc bấy giờ các đại chúng, gồm có: Bhikṣu [bíc su], Bhikṣuṇī [bíc su ni], Thanh Tín Nam, Thanh Tín Nữ, trời, rồng, quỷ tiệp tật, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, đại mãng xà, người và phi nhân, tất cả đều sanh tâm đại hoan hỷ và tín thọ phụng hành.

Nguồn Bài Viết : https://daitangkinh.net/ ( Đại Tạng Kinh )

20 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog