Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương ♦ Quyển 1
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức, cùng với 1.250 vị đại Bhikṣu [bíc su] và chư đại Bồ-tát.
Tên các ngài là:
– Kim Cang Thủ Đại Bồ-tát,
– Trí Kiến Đại Bồ-tát,
– Kim Cang Quân Đại Bồ-tát,
– Bí Mật Tạng Đại Bồ-tát,
– Hư Không Tạng Đại Bồ-tát,
– Nhật Tạng Đại Bồ-tát,
– Vô Động Đại Bồ-tát,
– Bảo Thủ Đại Bồ-tát,
– Phổ Hiền Đại Bồ-tát,
– Chứng Chân Thường Đại Bồ-tát,
– Trừ Cái Chướng Đại Bồ-tát,
– Đại Cần Dũng Đại Bồ-tát,
– Dược Vương Đại Bồ-tát,
– Quán Tự Tại Đại Bồ-tát,
– Chấp Kim Cang Đại Bồ-tát,
– Hải Tuệ Đại Bồ-tát,
– Trì Pháp Đại Bồ-tát,
– và các vị khác như thế; 80 ức Bồ-tát đều đến hội họp.
Khi ấy còn có những vị thiên tử từ 32 cõi trời cũng đều đến hội họp. Đại Tự Tại Thiên và Nhân Sanh Bổn Thiên làm thượng thủ. Cùng với Năng Thiên Đế, chủ lãnh của Thế giới Kham Nhẫn là Đại Phạm Thiên Vương, Nhật Thiên Tử, Nguyệt Thiên Tử, phong thiên tử, thủy thiên tử, và các vị thiên chúng khác như thế cũng đều đến hội họp.
Lại có trăm ngàn long vương, tên các vị ấy là:
– Upalāla [u ba la la] Long Vương,
– Cực Xú Khí Long Vương,
– Timiṃgira [ti mim gi ra] Long Vương,
– Chủ Địa Long Vương,
– Bách Đầu Long Vương,
– Hullura [hu lu ra] Long Vương,
– Đa Thiệt Long Vương,
– Ngưu Đầu Long Vương,
– Lộc Đầu Long Vương,
– Hỷ Lạc Long Vương,
– Hiền Hỷ Long Vương,
– Ngư Tử Long Vương,
– Vô Nhiệt Não Long Vương,
– Hải Long Vương,
– và các vị long vương khác như thế cũng đều đến hội họp.
Lại có trăm ngàn tầm hương thần vương, tên các vị ấy là:
– Cổ Âm Tầm Hương Thần Vương,
– Diệu Thanh Tầm Hương Thần Vương,
– Thiên Tý Tầm Hương Thần Vương,
– Thiên Chủ Tầm Hương Thần Vương,
– Thân Hoan Hỷ Tầm Hương Thần Vương,
– Chủng Chủng Nhạc Âm Tầm Hương Thần Vương,
– Trang Nghiêm Tầm Hương Thần Vương,
– Hiện Đồng Tử Thân Tầm Hương Thần Vương,
– Diệu Tý Tầm Hương Thần Vương,
– Pháp Lạc Tầm Hương Thần Vương,
– và các vị tầm hương thần vương khác như thế cũng đều đến hội họp.
Lại có trăm ngàn nghi thần vương, tên các vị ấy là:
– Diệu Khẩu Nghi Thần Vương,
– Bảo Quan Nghi Thần Vương,
– Hi Di Nghi Thần Vương,
– Hoan Hỷ Nghi Thần Vương,
– Luân Trang Nghiêm Nghi Thần Vương,
– Châu Bảo Nghi Thần Vương,
– Đại Phúc Nghi Thần Vương,
– Kiên Cố Tinh Tấn Nghi Thần Vương,
– Diệu Dũng Nghi Thần Vương,
– Bách Khẩu Nghi Thần Vương,
– Đại Thụ Nghi Thần Vương,
– và các vị nghi thần vương khác như thế cũng đều đến hội họp.
Lại có trăm ngàn thiên nữ, tên các vị ấy là:
– Thiên nữ Tối Thượng,
– Thiên nữ Diệu Nghiêm,
– Thiên nữ Kim Đái,
– Thiên nữ Trang Nghiêm,
– Thiên nữ Văn Trì,
– Thiên nữ Cam Lộ Nguyệt,
– Thiên nữ Thanh Tịnh Thân,
– Thiên nữ Bảo Quang,
– Thiên nữ Hoa Thân,
– Thiên nữ Thiên Diện,
– Thiên nữ Khẩu Diễn Ngũ Nhạc Âm,
– Thiên nữ Hỷ Lạc,
– Thiên nữ Kim Man,
– Thiên nữ Thanh Liên Hoa,
– Thiên nữ Tuyên Pháp Âm,
– Thiên nữ Diệu Lạc,
– Thiên nữ Nhạo Sanh,
– Thiên nữ Diệu Nghiêm Tướng,
– Thiên nữ Nghiêm Trì,
– Thiên nữ Bố Thí,
– Thiên nữ Khiết Dĩ,
– và các vị thiên nữ khác như thế cũng đều đến hội họp.
Lại có trăm ngàn long vương nữ, tên các vị ấy là:
– Long nữ Diệu Nghiêm Trì,
– Long nữ Acilillanā [a chi li la na],
– Long nữ Tam Kế,
– Long nữ Hòa Dung,
– Long nữ Thắng Cát Tường,
– Long nữ Điện Nhãn,
– Long nữ Điện Quang,
– Long nữ Diệu Sơn,
– Long nữ Bách Quyến Thuộc,
– Long nữ Đại Dược,
– Long nữ Nguyệt Quang,
– Long nữ Nhất Thủ,
– Long nữ Bách Tý,
– Long nữ Thọ Trì,
– Long nữ Vô Phiền Não,
– Long nữ Thiện Trang Nghiêm,
– Long nữ Bạch Vân,
– Long nữ Thừa Xa,
– Long nữ Vị Lai,
– Long nữ Đa Quyến Thuộc,
– Long nữ Hải Phúc,
– Long nữ Cái Diện,
– Long nữ Pháp Tòa,
– Long nữ Diệu Thủ,
– Long nữ Hải Thâm,
– Long nữ Diệu Cao Cát Tường,
– và các vị long nữ khác như thế cũng đều đến hội họp.
Lại có trăm ngàn tầm hương thần nữ, tên các vị ấy là:
– Tầm hương thần nữ Ái Diện,
– Tầm hương thần nữ Ái Thí,
– Tầm hương thần nữ Vô Kiến,
– Tầm hương thần nữ Diệu Cát Tường,
– Tầm hương thần nữ Kim Cang Man,
– Tầm hương thần nữ Diệu Man,
– Tầm hương thần nữ Thụ Lâm,
– Tầm hương thần nữ Bách Hoa,
– Tầm hương thần nữ Hoa Phu,
– Tầm hương thần nữ Bảo Man,
– Tầm hương thần nữ Diệu Phúc,
– Tầm hương thần nữ Cát Tường Vương,
– Tầm hương thần nữ Cổ Âm,
– Tầm hương thần nữ Diệu Trang Nghiêm,
– Tầm hương thần nữ Phong Lễ,
– Tầm hương thần nữ Pháp Ái,
– Tầm hương thần nữ Pháp Thí,
– Tầm hương thần nữ Thanh Liên Hoa,
– Tầm hương thần nữ Bách Thủ,
– Tầm hương thần nữ Liên Hoa Cát Tường,
– Tầm hương thần nữ Đại Liên Hoa,
– Tầm hương thần nữ Thể Thanh Tịnh,
– Tầm hương thần nữ Tự Tại Hành,
– Tầm hương thần nữ Thí Địa,
– Tầm hương thần nữ Thí Quả,
– Tầm hương thần nữ Sư Tử Bộ,
– Tầm hương thần nữ Bạch Thụy Liên Hoa,
– Tầm hương thần nữ Diệu Ý,
– Tầm hương thần nữ Huệ Thí,
– Tầm hương thần nữ Thiên Ngữ Ngôn,
– Tầm hương thần nữ Ái Nhẫn Nhục,
– Tầm hương thần nữ Nhạo Chân Tịch,
– Tầm hương thần nữ Bảo Nha,
– Tầm hương thần nữ Đế Chủ Lạc,
– Tầm hương thần nữ Thế Chủ Quyến Thuộc,
– Tầm hương thần nữ Lộc Vương,
– Tầm hương thần nữ Biến Hóa Cát Tường,
– Tầm hương thần nữ Diễm Phong,
– Tầm hương thần nữ Tham Giải Thoát,
– Tầm hương thần nữ Sân Giải Thoát,
– Tầm hương thần nữ Si Giải Thoát,
– Tầm hương thần nữ Thiện Tri Thức Quyến Thuộc,
– Tầm hương thần nữ Bảo Tòa,
– Tầm hương thần nữ Vãng Lai,
– Tầm hương thần nữ Hỏa Quang,
– Tầm hương thần nữ Nguyệt Quang,
– Tầm hương thần nữ Biến Chiếu Nhãn,
– Tầm hương thần nữ Kim Diệu,
– Tầm hương thần nữ Nhạo Thiện Tri Thức,
– và các vị tầm hương thần nữ khác như thế cũng đều đến hội họp.
Lại có trăm ngàn nghi thần nữ, tên các vị ấy là:
– Nghi thần nữ Nhất Ý,
– Nghi thần nữ Thâm Ý,
– Nghi thần nữ Phong Hành,
– Nghi thần nữ Thủy Hành,
– Nghi thần nữ Thừa Không,
– Nghi thần nữ Tấn Tật,
– Nghi thần nữ Tài Thí,
– Nghi thần nữ Diệu Nha,
– Nghi thần nữ Vô Động Cát Tường,
– Nghi thần nữ Nhiễm Giới,
– Nghi thần nữ Sí Thịnh Quang Biến,
– Nghi thần nữ Diệu Cát Tường,
– Nghi thần nữ Bảo Khiếp,
– Nghi thần nữ Quán Tài,
– Nghi thần nữ Đoan Nghiêm,
– Nghi thần nữ Kim Cang Diện,
– Nghi thần nữ Kim Sắc,
– Nghi thần nữ Thù Diệu Trang Nghiêm,
– Nghi thần nữ Quảng Ngạch,
– Nghi thần nữ Vi Nhiễu Thiện Tri Thức,
– Nghi thần nữ Chủ Thế,
– Nghi thần nữ Hư Không Hộ,
– Nghi thần nữ Trang Nghiêm Vương,
– Nghi thần nữ Châu Kế,
– Nghi thần nữ Tổng Trì Châu,
– Nghi thần nữ Minh Nhân Vi Nhiễu,
– Nghi thần nữ Bách Danh,
– Nghi thần nữ Thí Thọ,
– Nghi thần nữ Hộ Trì Phật Pháp,
– Nghi thần nữ Pháp Giới Hộ,
– Nghi thần nữ Thượng Trang Nghiêm,
– Nghi thần nữ Nhất Niệm Thượng,
– Nghi thần nữ Cầu Pháp Thường Trì,
– Nghi thần nữ Thời Thường Kiến,
– Nghi thần nữ Vô Úy,
– Nghi thần nữ Thú Giải Thoát,
– Nghi thần nữ Thường Bí Mật,
– Nghi thần nữ Sử Tổng Trì,
– Nghi thần nữ Kiếm Quang Diễm,
– Nghi thần nữ Địa Hành,
– Nghi thần nữ Hộ Thiên Chủ,
– Nghi thần nữ Diệu Thiên Chủ,
– Nghi thần nữ Bảo Vương,
– Nghi thần nữ Nhẫn Nhục Bộ,
– Nghi thần nữ Hành Thí,
– Nghi thần nữ Đa Trú Xứ,
– Nghi thần nữ Trì Chiến Khí,
– Nghi thần nữ Diệu Nghiêm,
– Nghi thần nữ Diệu Ý,
– và các vị nghi thần nữ khác như thế cũng đều đến hội họp.
Lại có trăm ngàn Thanh Tín Nam và Thanh Tín Nữ cũng đều đến hội họp.
Lại có vô số chúng tại gia cùng hàng xuất gia, trăm ngàn quái dị ngoại đạo lõa hình và các ngoại đạo khác cũng đều đến hội họp.
Lúc bấy giờ có luồng ánh sáng lớn từ Đại địa ngục Vô Gián phóng ra. Ánh sáng đó chiếu khắp Tinh xá Kỳ Viên và khắp khu vườn đều trở nên thanh tịnh.
Trong vườn hiện ra những cột trụ vi diệu viên mãn với như ý châu cõi trời dùng làm trang nghiêm.
Lại hiện ra những lầu các lớn với vàng báu dùng làm trang nghiêm.
Trong những lầu các đó lại hiện ra các phòng ốc:
– Hiện ra phòng do hoàng kim tạo thành với bạc trắng làm cửa.
– Hiện ra phòng do bạc trắng tạo thành với hoàng kim làm cửa.
– Hiện ra phòng do vàng bạc hỗn hợp tạo thành với vàng bạc hỗn hợp làm cửa.
– Hiện ra cung điện báu trang nghiêm do vàng bạc hỗn hợp tạo thành với vàng bạc hỗn hợp làm cột trụ cùng diệu bảo dùng để trang nghiêm.
– Hiện ra cung điện do hoàng kim tạo thành với bạc trắng làm cột trụ.
– Hiện ra cung điện do bạc trắng tạo thành với hoàng kim làm cột trụ.
– Hoặc hiện ra cung điện do bạc trắng tạo thành với các diệu bảo cõi trời dùng để trang nghiêm cột trụ.
Lại nữa, trên những cây cối tại Tinh xá Kỳ Viên hiện ra muôn loại châu báu cõi trời dùng để trang nghiêm.
Lại hiện ra những cây như ý do hoàng kim tạo thành với bạc trắng làm lá và trang nghiêm với muôn loại châu báu. Những cây đó có hàng trăm loại y phục tơ lụa thượng diệu treo ở trên cây.
Lại có trăm ngàn lưới giăng trân châu anh lạc báu quấn trùm ở trên cây.
Lại có trăm ngàn mũ báu thượng diệu, hoa tai, dây lụa đeo, và các tạp báu lung linh dùng để trang nghiêm.
Lại có những loại hoa thượng diệu khác nhau cùng giường nệm vi diệu thù thắng và những hợp báu vi diệu dùng để trang trí.
Có muôn loại cây như ý được trang nghiêm như thế và số cây xuất hiện ở trong vườn có đến trăm ngàn.
Lại nữa, các khung cửa sổ và trên bậc thềm của những lầu các ở Tinh xá Kỳ Viên được làm bằng kim cang diệu bảo. Trên những lầu các đó có vô số vải lụa thù thắng vi diệu và trân châu anh lạc như thế dùng để trang nghiêm.
Trong vườn lại có trăm ngàn ao báu thù thắng vi diệu với nước tám công đức tràn đầy trong ấy. Trong ao có những tạp hoa thù thắng, vi diệu, và viên mãn đầy khắp trong ao, như là: hoa sen xanh, hoa súng trắng, hoa sen trắng, hoa vi diệu âm, hoa vi diệu âm lớn, hoa linh thụy, và các thứ hoa khác như thế.
Lại có muôn loại cây hoa thù thắng vi diệu, như là: cây hoa ngọc lan, cây hoa trúc đào, cây hoa kèn, cây hoa diệu giải thoát, cây hoa hương vũ, cây hoa diệu ý, và có những cây hoa vui lòng đẹp ý như vậy.
Khi các tướng thanh tịnh hiếm có và vi diệu trang nghiêm như thế xuất hiện ở Tinh xá Kỳ Viên, lúc ấy trong Pháp hội có một vị đại Bồ-tát tên là Trừ Cái Chướng, từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo lộ vai phải, chắp tay cung kính, chiêm ngưỡng tôn nhan, rồi bạch Phật rằng:
“Hiếm có thay, Thế Tôn! Nay trong lòng con có điều nghi và muốn hỏi Như Lai. Kính mong Thế Tôn cho phép con hỏi.
Bạch Thế Tôn! Nay ở nơi đây có ánh sáng lớn, đó là do từ đâu chiếu đến? Do nhân duyên gì mà hiện ra các tướng lạ thường như thế?”
Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Trừ Cái Chướng Bồ-tát:
“Thiện nam tử! Các ông hãy lắng nghe. Ta sẽ phân biệt và giảng giải cho ông.
Đại quang minh này là do Thánh Quán Tự Tại Bồ-tát phóng ra. Ngài vì muốn cứu độ hết thảy các hữu tình đang chịu khổ não khôn xiết nên đã vào trong Đại địa ngục Vô Gián. Sau khi cứu họ thoát khỏi khổ ách xong, ngài lại vào đại thành để cứu độ tất cả ngạ quỷ đang chịu khổ.”
Khi đó Trừ Cái Chướng Đại Bồ-tát lại bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Ngục thành của Đại địa ngục Vô Gián được bao bọc bằng sắt và nền của ngục cũng làm bằng sắt. Xung quanh thành đó không có chỗ nào hở trống. Lửa dữ với khói luôn bốc cháy hừng hực. Trong địa ngục của đường ác như thế có một cái chảo nước sôi rất lớn. Nước ấy sôi sùng sục và có trăm ngàn ức nayuta [na du ta] hữu tình đều bị ném vào trong chảo nước sôi đó, ví như là hạt đậu nấu trong nồi nước. Khi nước đang sôi lên, họ chìm nổi lên xuống không gián đoạn và bị nấu nát nhừ. Trong Địa ngục Vô Gián này có các hữu tình thọ khổ như vậy.
Bạch Thế Tôn! Thánh Quán Tự Tại Đại Bồ-tát đã dùng phương tiện gì để vào trong đó?”
Thế Tôn lại bảo Trừ Cái Chướng Đại Bồ-tát:
“Thiện nam tử! Đây ví như Chuyển Luân Thánh Vương bước vào khu vườn báu như ý ở cõi trời. Cũng như vậy, thiện nam tử! Khi Thánh Quán Tự Tại Đại Bồ-tát vào Đại địa ngục Vô Gián thì không gì có thể chướng ngại thân thể của Bồ-tát. Lúc đó, tất cả khí cụ trừng phạt ở Địa ngục Vô Gián đều chẳng thể nào bức hại thân của Bồ-tát. Lửa hẫy hừng của đại địa ngục đó rồi sẽ diệt trừ và hóa thành ao nước mát mẻ.
Khi ấy, các ngục tốt của Diêm Vương sanh lòng kinh ngạc về điều quái lạ chưa từng có này và nghĩ rằng:
‘Tại sao trong này bỗng nhiên biến thành cảnh tượng phi thường như thế?’
Khi ấy, Quán Tự Tại Đại Bồ-tát vào trong ngục phá hủy những cái chảo nước sôi và diệt trừ lửa dữ. Hầm lửa lớn đó hóa thành ao báu và trong ao có hoa sen to lớn như bánh xe.
Khi các ngục tốt của Diêm Vương đã thấy việc như vậy, họ cầm những khí cụ trừng phạt đi đến chỗ của Diêm Vương Thiên Tử, nào là cung, kiếm, chùy, gậy, cung tên, bánh xe sắt, cây chỉa ba, và những khí cụ khác như thế.
Khi đến nơi, họ tâu rằng:
‘Tâu đại vương! Ngài chắc chắn biết được tại sao nơi nghiệp báo của chúng tôi bỗng nhiên đều diệt hết!’
Khi ấy Diêm Vương Thiên Tử nói rằng:
‘Nơi nghiệp báo của các người đều diệt hết như thế nào?’
Lại thưa với Diêm Vương Thiên Tử rằng:
‘Đại địa ngục Vô Gián kia bỗng nhiên trở nên mát mẻ. Giữa lúc việc ấy xảy ra, có một người với sắc tướng đoan nghiêm, trên búi tóc cài châu báu cõi trời và có mũ báu dùng để trang nghiêm nơi thân. Người kia vào trong địa ngục và phá hủy chảo nước sôi. Hầm lửa hóa thành ao và trong ao có hoa sen to lớn như bánh xe.’
Lúc đó Diêm Vương Thiên Tử nhiếp tâm tư duy:
‘Là vị thiên nhân nào mà có uy lực như thế? Là Đại Tự Tại Thiên, Nhân Sanh Bổn Thiên hay vị trời nào khác đến địa ngục kia và biến hiện ra việc không thể nghĩ bàn như vậy? Có phải là do uy thần của đại lực quỷ bạo ác với mười đầu biến hóa ra chăng?’
Lúc bấy giờ, Diêm Vương Thiên Tử dùng Thiên Nhãn Thông để quán sát trên cõi trời. Sau khi quán sát chư thiên xong, ngài lại quán sát Địa ngục Vô Gián và nhìn thấy Quán Tự Tại Đại Bồ-tát. Khi thấy như vậy, ngài liền vội đến chỗ của Quán Tự Tại Đại Bồ-tát.
Lúc đến nơi, ngài cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Bồ-tát, rồi với lòng chí thành và dùng kệ tán thán rằng:
‘Quy mạng Đại Sĩ Liên Hoa Vương
Đại từ đại bi Quán Tự Tại
Bậc đại tự tại diệu cát tường
Khéo ban hữu tình điều ước mong
Sức đại uy thần viên mãn túc
Diệt bạo trừ ác khéo hàng phục
Làm ngọn đèn sáng nơi u tối
Ai trông thấy ngài đều hết sợ
Trăm ngàn cánh tay thị hiện ra
Hóa hiện số mắt cũng như vậy
Đoan nghiêm đầy đủ mười một mặt
Trí tuệ ví như bốn biển lớn
Vui mến tín thọ Pháp vi diệu
Vì muốn cứu hộ các hữu tình
Cá rùa thủy tộc cùng mọi loài
Trí tuệ tối thượng như núi cao
Ban thí châu báu cứu chúng sanh
Là bậc tối thượng đại cát tường
Đầy đủ phước trí trang nghiêm thân
Địa ngục Vô Gián vào trong đó
Sẽ liền biến thành nơi mát mẻ
Hết thảy chư thiên đều cúng dường
Đảnh lễ bậc thánh thí vô úy
Thường hay thuyết giảng Pháp Sáu Độ
Hằng giữ Pháp đăng luôn cháy sáng
Pháp nhãn sáng hơn ánh thái dương
Sắc tướng vi diệu thật đoan nghiêm
Thân tướng sắc vàng như kim sơn
Lòng từ sâu thẳm như biển Pháp
Tâm ý tương ứng đồng Chân Như
Trong miệng hiện ra diệu công đức
Tích tập vào sâu môn chánh định
Nhiều đến vô số trăm ngàn muôn
Lại có vô lượng sự an vui
Diện mạo đoan nghiêm tối thượng tiên
Sợ hãi kinh hoàng trong đường ác
Gông cùm xiềng xích sẽ thoát ra
Khéo ban chúng sanh Pháp vô úy
Quyến thuộc đại chúng luôn vây quanh
Những điều cầu mong đều toại ý
Như được diệu bảo như ý châu
Phá hủy diệt nát thành ngạ quỷ
Khai mở con đường tịch tĩnh yên
Cứu độ thế gian trừ ách bệnh
Như cây tràng phan bao phủ che
Hỷ Lạc Hiền Hỷ nhị long vương
Vua rồng cuộn quanh ở hai nách
Trên tay ngài cầm bất không sách
Hóa hiện vô số uy thần đức
Phá trừ ba cõi điều hãi kinh
Chúng quỷ tiệp tật, kim cang thủ
Chúng quỷ bạo ác, quỷ tinh linh
Loài khởi thi quỷ, không hành mẫu
Cùng với các loài quỷ úng hình
Loài quỷ khiến người bị điên cuồng
Tất cả thảy đều bị khiếp kinh
Như hoa sen xanh mắt trong sáng
Bậc thánh hay ban Pháp vô úy
Diệt trừ hết thảy các phiền não
Tất cả mọi việc đều giải thoát
Biến khắp thế giới vi trần số
Vào sâu trăm ngàn môn chánh định
Khai thị chúng mê những cảnh giới
Tất cả chúng sanh trong đường ác
Khiến họ thảy đều được giải thoát
Thành tựu viên mãn nơi Phật Đạo’
Khi đã dùng đủ mọi lời tán thán để cúng dường Quán Tự Tại Đại Bồ-tát xong, Diêm Vương Thiên Tử nhiễu quanh ba vòng rồi trở về chốn cũ.
Lúc bấy giờ Trừ Cái Chướng Bồ-tát lại bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Lúc Quán Tự Tại Đại Bồ-tát đã cứu những chúng sanh thoát khổ xong, ngài sẽ đến tham dự trong Pháp hội này không?”
Phật bảo Trừ Cái Chướng Bồ-tát:
“Thiện nam tử! Khi Quán Tự Tại Bồ-tát từ Đại địa ngục Vô Gián rời khỏi, ngài lại vào đại thành của loài ngạ quỷ. Trong thành đó có vô số trăm ngàn ngạ quỷ, miệng phun ra lửa, mặt mày cháy khét. Thân hình khô héo, đầu tóc rối ren, lông trên thân đều dựng đứng. Bụng của chúng lớn như núi, còn cổ thì nhỏ như cây kim.
Khi Quán Tự Tại Đại Bồ-tát đi đến đại thành của loài ngạ quỷ, lửa nghiệp cháy phừng phừng của thành đó đều bị diệt mất và biến thành mát mẻ. Lúc ấy có một con quỷ cầm một thanh sắt nóng bỏng đang canh gác cổng thành. Thân hình quỷ to lớn, diện mạo xấu xí, và hai mắt đỏ lòm.
Nó phát khởi lòng từ như vầy:
‘Bây giờ ta không thể canh giữ chốn nghiệp ác như thế này nữa.’
Khi đó Quán Tự Tại Đại Bồ-tát khởi tâm đại bi, trong mỗi mười đầu ngón tay phun ra nước. Lại trong mỗi ngón chân cũng vọt ra nước và mỗi lỗ chân lông đều chảy ra dòng nước lớn. Lúc ấy, các loài ngạ quỷ này uống nước trong đó. Khi uống nước này xong, cổ họng mở lớn và thân tướng trở nên viên mãn. Chúng lại được nhiều loại ẩm thực ngon lạ và tất cả đều no đủ.
Khi những loài ngạ quỷ này được sự an vui lợi ích như thế, trong lòng của mỗi ngạ quỷ suy nghĩ tường tận như vầy:
‘Tại sao người ở Nam Châu Thắng Kim thường thọ hưởng những sự mát mẻ, an ổn, và điều vui sướng?
Là vì nơi đó:
– Hoặc có người khéo có thể thường cung kính và hiếu dưỡng cha mẹ.
– Hoặc có người khéo có thể bố thí ân huệ và vâng lời dạy của Thiện Tri Thức.
– Hoặc có người thông minh tài trí và luôn yêu thích Pháp Đại Thừa.
– Hoặc có người khéo có thể thực hành Tám Chánh Đạo.
– Hoặc có người khéo có thể đánh trống Pháp.
– Hoặc có người khéo có thể tu bổ tự viện bị hư hoại.
– Hoặc có người khéo có thể tu bổ chùa tháp Phật.
– Hoặc có người khéo có thể tu bổ tháp đền bị vỡ nát.
– Hoặc có người khéo có thể cúng dường và tôn trọng Pháp sư.
– Hoặc có người khéo có thể thấy nơi kinh hành của Như Lai.
– Hoặc có người khéo có thể thấy nơi kinh hành của Bồ-tát.
– Hoặc có người khéo có thể thấy nơi kinh hành của Độc Giác.
– Hoặc có người khéo có thể thấy nơi kinh hành của Ứng Chân.’
Khi chúng tư duy ở Nam Châu Thắng Kim có những việc tu hành như vậy, lúc đó ở trong Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương tự nhiên phát ra âm thanh vi diệu. Khi các loài ngạ quỷ này nghe được âm thanh đó, tuy sở chấp của chúng nơi thân kiến to lớn như núi cùng với phiền não rối bời, nhưng thảy đều bị chày trí tuệ kim cang diệt trừ sạch. Chúng liền được vãng sanh về Thế giới Cực Lạc và đồng trở thành Bồ-tát với tên gọi là Tùy Ý Khẩu.
Khi Quán Tự Tại Đại Bồ-tát đã cứu những chúng sanh thoát khổ đó xong, ngài lại đến các thế giới phương khác để cứu độ chúng sanh khác.”
Lúc ấy Trừ Cái Chướng Bồ-tát lại bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Quán Tự Tại Đại Bồ-tát có đến nơi này để cứu độ chúng sanh không?”
Đức Phật bảo:
“Thiện nam tử! Quán Tự Tại Bồ-tát này đây luôn cứu độ vô số trăm ngàn ức nayuta hữu tình mà chưa hề ngừng nghỉ. Ngài có đầy đủ sức đại uy thần và còn vượt hơn chư Như Lai.”
Trừ Cái Chướng Bồ-tát bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn! Vì sao Quán Tự Tại Đại Bồ-tát có sức uy thần to lớn như vậy?”
Đức Phật bảo:
“Thiện nam tử! Vào thuở quá khứ có Đức Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Thắng Quán Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vào thời ấy, ta là con trai của một ông trưởng giả. Tên ta thuở đó là Diệu Hương Khẩu. Từ nơi của Đức Phật kia, Như Lai đã nghe về uy thần công đức của Quán Tự Tại Bồ-tát.”
Khi ấy Trừ Cái Chướng Bồ-tát bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn! Như Lai đã nghe về uy thần công đức của Quán Tự Tại Đại Bồ-tát, việc đó thế nào?”
Đức Phật bảo:
“- Trong mắt của Quán Tự Tại Bồ-tát sanh ra mặt trời và mặt trăng.
– Trên trán sanh ra Đại Tự Tại Thiên.
– Bờ vai sanh ra Đại Phạm Thiên Vương.
– Nơi trái tim sanh ra Nhân Sanh Bổn Thiên.
– Ở răng sanh ra Đại Biện Tài Thiên.
– Trong miệng sanh ra phong thiên.
– Chỗ rốn sanh ra địa thiên.
– Nơi bụng sanh ra thủy thiên.
Khi Quán Tự Tại Bồ-tát đã sanh ra các vị trời như thế xong, lúc đó Quán Tự Tại Bồ-tát bảo Đại Tự Tại Thiên rằng:
‘Vào thời Mạt Pháp, ở trong các cõi giới của chúng sanh đời vị lai, sẽ có những chúng sanh chấp trước tà kiến. Họ đều bảo ông là vị đại chủ tể từ vô thỉ đến nay và có năng lực sanh ra hết thảy mọi loài hữu tình. Những chúng sanh này vào thời đó đã đánh mất Phật Đạo và bị ngu si mê muội.
Họ sẽ nói lời như thế này:
“Hư không này là thân thể rộng lớn của ngài; đại địa là chỗ ngồi của ngài. Các cõi giới cùng loài hữu tình đều sanh ra từ thân thể của ngài.”‘
Thiện nam tử! Ta đã nghe việc như thế từ nơi của Thắng Quán Như Lai.
Về sau lại có Đức Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Trì Kế Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Này Trừ Cái Chướng! Vào thuở đó, ta là Dũng Thí Đại Bồ-tát. Và từ nơi Đức Phật kia, ta đã nghe về uy thần công đức của Quán Tự Tại Đại Bồ-tát.”
Trừ Cái Chướng Bồ-tát bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn! Như Lai đã nghe về uy thần công đức của Quán Tự Tại Đại Bồ-tát, việc đó thế nào?”
Đức Phật bảo:
“Lúc bấy giờ, tất cả trời, rồng, quỷ tiệp tật, phi thiên, kim sí điểu, đại mãng xà, người và phi nhân trong Pháp hội của Trì Kế Như Lai đã đến hội họp. Khi Đức Thế Tôn kia ở giữa đại chúng sắp muốn thuyết Pháp, trong miệng của Ngài phóng ra muôn loại ánh sáng với nhiều màu sắc khác nhau.
Như là:
– màu xanh tỏa ánh sáng xanh,
– màu vàng tỏa ánh sáng vàng,
– màu đỏ tỏa ánh sáng đỏ,
– màu trắng tỏa ánh sáng trắng,
– màu hồng tỏa ánh sáng hồng,
– màu pha lê tỏa ánh sáng pha lê,
– màu vàng tỏa ánh sáng vàng.
Những ánh sáng đó chiếu khắp hết thảy các thế giới trong mười phương. Sau đó, những ánh sáng ấy trở về và nhiễu Đức Phật kia ba vòng, rồi vào miệng của Ngài.
Khi ấy, trong Pháp hội kia có một vị đại Bồ-tát tên là Bảo Thủ, từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo lộ vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính và bạch Đức Thế Tôn kia rằng:
‘Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà xuất hiện điềm lành này?’
Đức Phật kia bảo:
‘Thiện nam tử! Ở Thế giới Cực Lạc có một vị đại Bồ-tát tên là Quán Tự Tại. Ngài vì muốn đến nơi này nên Như Lai mới hiện ra điềm lành ấy.’
Khi ngài Quán Tự Tại sắp đến, nơi đó xuất hiện vô số cây như ý, cây hoa, cây hoa súng trắng, và cây hoa ngọc lan. Lại hiện ra các loại hoa hỗn tạp, ao báu, và cây cối. Trên trời mưa xuống muôn loại diệu hoa. Lại mưa xuống các như ý châu, trân châu, lưu ly, vỏ sò hình xoắn, ngọc bích, san hô, và những châu báu khác. Lại có các y phục cõi trời tựa như mây rơi xuống.
Thuở đó vườn Cấp Cô Độc trong Rừng cây Chiến Thắng, xuất hiện ra bảy báu, gồm có: kim luân báu, voi trắng báu, ngựa xanh báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, chủ tạng báu, và chủ binh báu.
Khi bảy loại báu như thế xuất hiện, mặt đất đó thảy đều biến thành màu vàng.
Giữa lúc Quán Tự Tại Đại Bồ-tát đang rời khỏi Thế giới Cực Lạc, thì đại địa chấn động sáu cách.
Lúc bấy giờ, Bảo Thủ Đại Bồ-tát bạch Đức Thế Tôn kia rằng:
‘Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà xuất hiện điềm lành này?’
Đức Phật kia bảo:
‘Thiện nam tử! Đây là do Quán Tự Tại Đại Bồ-tát muốn đến nơi này nên ngài mới hiện ra điềm lành ấy.’
Khi đó, trời mưa hoa thích ý vi diệu và hoa sen vi diệu. Lúc ấy, trên tay của Quán Tự Tại Bồ-tát mang theo một đóa hoa sen sắc vàng sáng chói với 1.000 cánh đến chỗ của Đức Phật kia.
Ngài cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi cầm đóa hoa sen đó dâng lên Đức Thế Tôn kia và thưa rằng:
‘Thưa Thế Tôn! Hoa này là do Đức Phật Vô Lượng Thọ sai con mang đến.’
Đức Thế Tôn kia tiếp thọ hoa sen ấy và đặt ở bên trái của Ngài.
Đức Phật đó bảo Quán Tự Tại Đại Bồ-tát:
‘Nay ông hiện sức uy thần công đức trang nghiêm này là do nhân duyên gì?’
Quán Tự Tại Bồ-tát thưa rằng:
‘Con vì muốn cứu độ hết thảy hữu tình ra khỏi đường ác, bao gồm tất cả loài ngạ quỷ, Địa ngục Vô Gián, Địa ngục Dây Đen, Địa ngục Chết Đi Sống Lại, Địa ngục Thiêu Đốt, Địa ngục Quay Nướng, Địa ngục Chảo Nước Sôi, Địa ngục Nước Lạnh Buốt. Trong các địa ngục lớn có những chúng sanh thọ khổ như vậy, con đều cứu vớt ra khỏi các đường ác và sẽ khiến họ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.’
Khi Quán Tự Tại Bồ-tát nói lời ấy xong, ngài đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật. Khi đã đảnh lễ xong, ngài hốt nhiên vụt mất như ngọn lửa tan biến giữa hư không.
Lúc bấy giờ Bảo Thủ Bồ-tát bạch rằng:
‘Bạch Thế Tôn! Con nay có điều nghi muốn thưa hỏi Như Lai, ngưỡng mong Như Lai tuyên giảng cho con. Ngài Quán Tự Tại Bồ-tát có phước đức thế nào mà có thể hiện thần lực như vậy?’
Đức Phật kia bảo:
‘Nếu có người dùng y phục vi diệu cõi trời cùng với Pháp y, ẩm thực, giường nệm, thuốc thang, và các vật như thế để cúng dường cho Hằng Hà sa chư Phật Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, thì phước đức có được chỉ bằng một phần trên đầu sợi lông phước đức của Quán Tự Tại Bồ-tát; số lượng đó không hề sai khác.
Thiện nam tử! Lại ví như bốn châu lớn, ở đó ngày đêm có mưa lớn liên tục trong suốt mỗi năm 12 tháng, Ta có thể đếm từng giọt nước rơi nơi ấy, nhưng thiện nam tử, Ta chẳng thể nào nói hết số lượng phước đức có được của Quán Tự Tại Bồ-tát.
Thiện nam tử! Lại ví như bốn biển lớn, độ sâu rộng là 84.000 yojana [dô cha na], Ta có thể đếm từng giọt nước của bốn biển lớn đó, nhưng thiện nam tử, Ta chẳng thể nào nói hết số lượng phước đức có được của Quán Tự Tại Bồ-tát.
Thiện nam tử! Lại ví như trong bốn châu lớn có các loài hữu tình bốn chân–như là: sư tử, voi, ngựa, cọp, chó sói, gấu, nai, bò, dê, và hết thảy các loài bốn chân như thế–Ta đều có thể tính đếm số lông trên thân của mỗi con, nhưng thiện nam tử, Ta chẳng thể nào nói hết số lượng phước đức có được của Quán Tự Tại Bồ-tát.
Thiện nam tử! Lại ví như có người dùng vàng báu cõi trời để tạo lập hình tượng của chư Như Lai nhiều như số vi trần. Khi xong, người đó làm muôn sự cúng dường trong một ngày. Ta đều có thể biết được số lượng phước đức có được của người ấy, nhưng thiện nam tử, Ta chẳng thể nào nói hết số lượng phước đức có được của Quán Tự Tại Bồ-tát.
Thiện nam tử! Lại ví như cây cối trong tất cả rừng, Ta có thể tính đếm số lá của từng cây, nhưng phước đức có được của Quán Tự Tại Bồ-tát thì Ta chẳng thể nào nói hết số lượng.
Thiện nam tử! Lại ví như trong bốn châu lớn có người nam, người nữ, đồng nam, đồng nữ, và những người như thế đều chứng Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, Đạo Ứng Chân, Đạo Duyên Giác, hay Đạo vô thượng, thì phước đức có được của họ chỉ bằng một phần trên đầu sợi lông phước đức của Quán Tự Tại Bồ-tát; số lượng đó không hề sai khác.’
Lúc bấy giờ Bảo Thủ Bồ-tát bạch Đức Thế Tôn kia rằng:
‘Con từ xưa đến nay chưa từng bao giờ thấy và cũng chưa từng bao giờ nghe qua chư Phật Như Lai nào có phước đức như vậy. Bạch Thế Tôn! Ngài Quán Tự Tại chỉ ở quả vị Bồ-tát mà sao có được phước đức dường ấy?’
Đức Phật kia bảo:
‘Thiện nam tử! Chẳng riêng chỉ có Ta ở thế giới này mà thậm chí đến vô số chư Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác ở phương khác, đều cùng hội họp một nơi thì cũng chẳng thể nào nói hết số lượng phước đức của Quán Tự Tại Bồ-tát.
Thiện nam tử! Nếu có ai ở thế giới này mà có thể nhớ niệm danh hiệu của Quán Tự Tại Đại Bồ-tát, người ấy sẽ xa lìa sanh già bệnh chết và nỗi thống khổ của luân hồi. Đây tựa như con ngỗng chúa bay thuận theo chiều gió. Người đó sẽ mau được vãng sanh về Thế giới Cực Lạc và diện kiến Vô Lượng Thọ Như Lai để nghe diệu Pháp. Người như vậy sẽ vĩnh viễn chẳng còn thọ khổ luân hồi. Họ không có tham sân si, không có sanh già bệnh chết, và không có đói khát khốn khổ. Người đó chẳng còn phải chịu khổ do thọ sanh từ bào thai. Họ chỉ nương Pháp lực uy thần mà hóa sanh từ hoa sen. Người ấy thường ở quốc độ kia để hầu cận Quán Tự Tại Đại Bồ-tát cùng cứu độ tất cả hữu tình, khiến thảy đều được giải thoát, và thệ nguyện kiên cố của họ cũng sẽ viên mãn.’
Lúc ấy Bảo Thủ Bồ-tát bạch Đức Thế Tôn kia rằng:
‘[Bạch Thế Tôn!] Khi nào thì Quán Tự Tại Bồ-tát sẽ cứu độ hết tất cả hữu tình, khiến thảy đều được giải thoát, và thệ nguyện kiên cố của ngài sẽ viên mãn?’
Đức Thế Tôn kia bảo:
‘Chúng sanh thì nhiều vô số. Họ phải luôn chịu sanh tử luân hồi mà chưa hề ngừng nghỉ. Vì muốn cứu độ các chúng sanh như thế và khiến họ chứng Phật Đạo, nên Quán Tự Tại Bồ-tát này đây tùy theo mỗi loài hữu tình mà hiện thân thuyết Pháp.
Nếu đáng dùng thân Phật để hóa độ, ngài liền hiện thân Phật mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân Bồ-tát để hóa độ, ngài liền hiện thân Bồ-tát mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân Duyên Giác để hóa độ, ngài liền hiện thân Duyên Giác mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân Thanh Văn để hóa độ, ngài liền hiện thân Thanh Văn mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân Đại Tự Tại Thiên để hóa độ, ngài liền hiện thân Đại Tự Tại Thiên mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân Nhân Sanh Bổn Thiên để hóa độ, ngài liền hiện thân Nhân Sanh Bổn Thiên mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân Phạm Vương để hóa độ, ngài liền hiện thân Phạm Vương mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân Năng Thiên Đế để hóa độ, ngài liền hiện thân Năng Thiên Đế mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân Nhật Thiên Tử để hóa độ, ngài liền hiện thân Nhật Thiên Tử mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân Nguyệt Thiên Tử để hóa độ, ngài liền hiện thân Nguyệt Thiên Tử mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân hỏa thiên để hóa độ, ngài liền hiện thân hỏa thiên mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân thủy thiên để hóa độ, ngài liền hiện thân thủy thiên mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân phong thiên để hóa độ, ngài liền hiện thân phong thiên mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân rồng để hóa độ, ngài liền hiện thân rồng mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân chướng ngại thần để hóa độ, ngài liền hiện thân chướng ngại thần mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân quỷ tiệp tật để hóa độ, ngài liền hiện thân quỷ tiệp tật mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân Đa Văn Thiên Vương để hóa độ, ngài liền hiện thân Đa Văn Thiên Vương mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân vua để hóa độ, ngài liền hiện thân vua mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân tể quan để hóa độ, ngài liền hiện thân tể quan mà thuyết Pháp cho họ.
Nếu đáng dùng thân cha mẹ để hóa độ, ngài liền hiện thân cha mẹ mà thuyết Pháp cho họ.
Thiện nam tử! Quán Tự Tại Đại Bồ-tát tùy theo mỗi loài hữu tình mà ứng thân hóa độ. Hóa hiện thân hình như vậy để thuyết Pháp, cứu độ các chúng sanh, và khiến họ đều sẽ chứng Đạo tịch diệt của Như Lai.’
Lúc đó Bảo Thủ Bồ-tát bạch Đức Thế Tôn kia rằng:
‘Con chưa từng bao giờ thấy hoặc nghe về những sự chẳng thể nghĩ bàn và hiếm có như vậy.
Thưa Thế Tôn! Quán Tự Tại Đại Bồ-tát có những việc chẳng thể nghĩ bàn như thế. Thật là chưa từng có.’
Đức Phật kia bảo:
‘Thiện nam tử! Ở Nam Châu Thắng Kim này có một hang động bằng kim cang, nơi ấy có vô số tỷ ức nayuta loài phi thiên đang trú trong đó.
Thiện nam tử! Quán Tự Tại Đại Bồ-tát đến nơi ấy, ngài hiện ra thân phi thiên và thuyết Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương này cho chúng phi thiên đó. Khi chúng phi thiên nghe được Kinh này, tất cả đều phát khởi lòng từ, rồi chúng dùng bàn tay nâng đôi chân của Quán Tự Tại Đại Bồ-tát mà thành tâm nghe Chánh Pháp và chúng đều được an lạc.
Nếu ai nghe được Kinh vương này cùng có thể đọc tụng, như người ấy có năm tội vô gián, thì hết thảy đều tiêu trừ.
Khi gần mạng chung sẽ có 12 vị Như Lai đến tiếp dẫn và bảo người đó rằng:
‘Thiện nam tử! Chớ nên sợ hãi, bởi vì ông đã nghe được Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương.’
Sau đó, chư Như Lai kia sẽ hiển thị đủ mọi cách để vãng sanh về Thế giới Cực Lạc. Lúc ấy sẽ có những lọng che vi diệu, mũ trời, hoa tai, và các y phục thượng diệu. Khi hiện ra các tướng như thế, người đó nhất định sẽ vãng sanh về Thế giới Cực Lạc.
‘Này Bảo Thủ! Quán Tự Tại Đại Bồ-tát là bậc tối thắng, không một ai sánh bằng. Ngài hiện ra thân phi thiên để khiến chúng phi thiên sẽ đắc Đạo tịch diệt.’
Lúc đó, Bảo Thủ Bồ-tát cúi đầu sát đất và đảnh lễ với trán chạm sát chân của Đức Thế Tôn kia, khi đã đảnh lễ xong rồi cáo lui.”