Kinh Đại Thừa Biến Chiếu Quang Minh Tạng Vô Tự Pháp Môn
Pháp Giới 4 tháng trước

Kinh Đại Thừa Biến Chiếu Quang Minh Tạng Vô Tự Pháp Môn

Kinh Đại Thừa Biến Chiếu Quang Minh Tạng Vô Tự Pháp Môn

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở trên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá, cùng với vô lượng trăm ngàn ức nayuta [na du ta] chư đại Bồ-tát và các vị đại Bhikṣu [bíc su].

Tất cả chư Bồ-tát này đều có đại trí tuệ và thiện xảo phương tiện, có thể thông đạt vô tự Pháp tạng, đầy đủ nhạo thuyết biện tài và không trái ngược với Chân Đế hay tục đế. Do dũng mãnh tinh tấn, các ngài vĩnh viễn lìa xa năm sự ngăn che và mười điều trói buộc. Với các căn điều phục, họ không còn gì để chấp trước.

Các ngài thương xót chúng sanh như thương yêu con một, ái trọng thật trí như thấy châu báu lớn. Họ lấy tàm quý làm thân, định tuệ làm đầu, và dùng đại từ bi làm thể tánh. Các ngài biết pháp nào thiện hay chẳng thiện, thật hay chẳng thật. Họ trụ ở thắng diệu địa, chiếu soi minh liễu nhị không, danh xưng vang khắp và luôn được an ổn.

Các ngài nhất quyết tu hành Pháp tối thượng. Tuy đã vĩnh viễn lìa xa thân hạ liệt sanh ra từ bào thai, nhưng vì thủ hộ quốc độ nên chư Bồ-tát thị hiện thọ sanh. Mọi việc làm của họ đều chí thiện và rộng khắp. Các ngài đã ra khỏi ba cõi và có thể cứu hộ chúng sanh trong ba cõi. Sự tu hành của họ thanh tịnh, khéo tự lợi lợi tha, và đều được đầy đủ những công đức như thế.

Tên các ngài là: Thắng Tư Duy Bồ-tát, Thắng Thú Hành Bồ-tát, Diệu Âm Bồ-tát, Mỹ Âm Bồ-tát, Biện Cụ Bồ-tát, Biện Tụ Bồ-tát, Châu Kế Bồ-tát, Thiên Bức Bồ-tát, Pháp Võng Bồ-tát, Pháp Hưởng Bồ-tát, Liên Hoa Diện Bồ-tát, Liên Hoa Nhãn Bồ-tát, Trì Địa Bồ-tát, Trì Thế Bồ-tát, Thanh Biến Đại Địa Bồ-tát, và chư đại Bồ-tát khác như thế.

Tướng mạo của hết thảy các ngài đều tựa như đồng tử. Họ là những bậc thượng thủ ở trong chúng hội này và mỗi vị đều dẫn theo hàng quyến thuộc của mình đến dự Pháp hội.

Khi ấy có vô lượng vô số chư Bồ-tát đã được quán đảnh thọ ký vây quanh Quán Thế Âm Bồ-tát.

Có vô lượng ức thiên chúng ở trời Đại Phạm vây quanh Đắc Đại Thế Bồ-tát.

Có vô lượng Bồ-tát và Năng Thiên Đế vây quanh Thắng Tư Duy Bồ-tát.

Có vô lượng Tứ Thiên Vương chúng vây quanh Hư Không Tạng Bồ-tát.

Có vô lượng thể nữ vây quanh Chúng Sở Tri Thức Bồ-tát.

Phổ Hiền Bồ-tát, Ly Nghi Bồ-tát, Bất Không Kiến Bồ-tát, Chỉ Chư Cái Bồ-tát, Vô Lượng Thiện Xảo Dược Vương Bồ-tát, Dược Thượng Bồ-tát, và những vị khác như thế đều có vô lượng Bồ-tát đại chúng vây quanh.

Trưởng lão Thu Lộ Tử, Tôn giả Đại Thải Thục Thị, Tôn giả Đại Ẩm Quang, và những vị khác như thế đều có các vị đại Ứng Chân vây quanh.

Cho đến các thế giới khắp mười phương nhiều như số cát sông Hằng, hết thảy Nhật Thiên Tử, Nguyệt Thiên Tử, và những thiên chúng khác với uy quang sáng chói đều đến chỗ của Phật. Tuy nhiên, do thần lực của Phật nên uy quang của họ đều chẳng thể chiếu sáng, ví như vũng mực mà so với vàng ở dưới sông tại châu Thắng Kim.

Lại có vô lượng Nhân Sanh Bổn Thiên, thủy thiên, Đa Thiệt Long Vương, Vô Nhiệt Não Long Vương, và những vị khác như thế cũng có hàng quyến thuộc vây quanh.

Mỹ Âm Tầm Hương Thần Vương cũng có vô lượng tầm hương thần quyến thuộc vây quanh.

Vô Trược Kim Sí Điểu Vương có bảy ức kim sí điểu vương quyến thuộc vây quanh.

Cho đến Hằng Hà sa thế giới trong mười phương, tất cả Bồ-tát đều thưa thỉnh Đức Phật của mình, rồi cùng với hàng quyến thuộc đi đến Thế giới Kham Nhẫn. Khi đã dâng phẩm vật thượng diệu và hiếm có thế gian để cúng dường Phật và Bồ-tát xong, họ đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, lui qua một bên, rồi ngồi trên tòa hoa sen, và chiêm ngưỡng Thế Tôn.

Xem Thêm:   Kinh Đại Minh Chú của Đại Trí Độ

Lúc bấy giờ Thắng Tư Duy Đại Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo lộ vai phải, gối phải quỳ sát đất, rồi chắp tay, hướng về Đức Phật và bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn! Con vì bốn chúng đệ tử nên muốn hỏi Như Lai về hai nghĩa thú này. Kính mong Như Lai giảng giải cho con để khiến chúng con đều được lợi ích.”

Khi ấy Thế Tôn bảo Thắng Tư Duy Bồ-tát:

“Thiện nam tử! Có phải Như Lai xuất hiện ở thế gian là vì chỉ một chúng sanh? Như Lai xuất hiện ở thế gian là vì muốn lợi ích cho vô lượng chúng sanh.

Thiện nam tử! Ông nay vì bốn chúng đệ tử nên mới có thể thưa hỏi Ta về hai nghĩa thú này. Ông hãy cứ hỏi. Ta sẽ thuyết giảng cho ông.”

Khi biết được Phật hứa khả, Thắng Tư Duy Bồ-tát bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Những pháp gì mà đại Bồ-tát phải nên diệt trừ hoặc thủ hộ?

Lại nữa, những Pháp gì mà Như Lai đã giác ngộ và chứng đắc? Kính mong Như Lai hãy thuyết giảng cho con về hai nghĩa thú như vậy.”

Lúc bấy giờ Đức Phật ngợi khen ngài Thắng Tư Duy rằng:

“Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Do ông đã thành tựu vô lượng phước tuệ và lại được sức uy thần của Như Lai gia trì nên mới có thể hỏi Ta về hai nghĩa thú như thế. Lắng nghe, lắng nghe và khéo tư duy! Ta sẽ phân biệt và giảng giải cho ông.

Thiện nam tử! Có một pháp mà đại Bồ-tát phải nên diệt trừ. Một pháp này là gì? Đó là tham dục. Đại Bồ-tát phải nên diệt trừ một pháp như vậy.

Thiện nam tử! Lại có một pháp mà đại Bồ-tát phải nên diệt trừ. Một pháp này là gì? Đó là sân hận. Đại Bồ-tát phải nên diệt trừ một pháp như vậy.

Thiện nam tử! Lại có một pháp mà đại Bồ-tát phải nên diệt trừ. Một pháp này là gì? Đó là si mê. Đại Bồ-tát phải nên diệt trừ một pháp như vậy.

Thiện nam tử! Lại có một pháp mà đại Bồ-tát phải nên diệt trừ. Một pháp này là gì? Đó là chấp ngã. Đại Bồ-tát phải nên diệt trừ một pháp như vậy.

Thiện nam tử! Lại có một pháp mà đại Bồ-tát phải nên diệt trừ. Một pháp này là gì? Đó là lười biếng. Đại Bồ-tát phải nên diệt trừ một pháp như vậy.

Thiện nam tử! Lại có một pháp mà đại Bồ-tát phải nên diệt trừ. Một pháp này là gì? Đó là ngủ say. Đại Bồ-tát phải nên diệt trừ một pháp như vậy.

Thiện nam tử! Lại có một pháp mà đại Bồ-tát phải nên diệt trừ. Một pháp này là gì? Đó là nhiễm ái. Đại Bồ-tát phải nên diệt trừ một pháp như vậy.

Thiện nam tử! Lại có một pháp mà đại Bồ-tát phải nên diệt trừ. Một pháp này là gì? Đó là hoài nghi. Đại Bồ-tát phải nên diệt trừ một pháp như vậy.

Thiện nam tử! Lại có một pháp mà đại Bồ-tát phải nên diệt trừ. Một pháp này là gì? Đó là vô minh. Đại Bồ-tát phải nên diệt trừ một pháp như vậy.

Thiện nam tử! Các pháp đã nói ở trên như thế, đại Bồ-tát phải nên diệt trừ.

Thiện nam tử! Ông đã hỏi Ta về những Pháp nào mà đại Bồ-tát phải nên thủ hộ. Ta nay sẽ thuyết giảng cho ông.

Thiện nam tử! Có một Pháp mà đại Bồ-tát phải luôn thủ hộ. Một Pháp này là gì? Đó là đừng bảo người khác làm những gì mà họ không muốn. Đại Bồ-tát phải nên thủ hộ một Pháp như vậy.

Vì sao thế? Bởi nếu đại Bồ-tát thủ hộ Pháp này thì tức là thủ hộ tất cả giới tạng của chư Phật Như Lai.

– Những ai thương yêu tánh mạng của mình thì không nên giết hại chúng sanh.
– Những ai trân quý tài bảo của mình thì không nên trộm cắp của người.
– Những ai yêu thương vợ mình thì không nên chiếm đoạt vợ người.
– Những ai tôn trọng lời thật thì không nên dối gạt người khác.
– Những ai mến chuộng hòa thuận thì không nên chia rẽ người khác.
– Những ai quý trọng chánh trực thì không nên đâm thọc người khác.
– Những ai yêu thích hiền hòa thì không nên mắng chửi người khác.
– Những ai thiểu dục biết đủ thì không nên tham muốn của người.
– Những ai ái mộ nhân từ thì không nên nóng giận người khác.
– Những ai kính ngưỡng chánh kiến thì không nên dạy sai cho người.

Thiện nam tử! Khi Bồ-tát như thế phát khởi ý nguyện rằng:

Xem Thêm:   Kinh Phật Danh ♦ Quyển 3

‘Ta nay đã kính thuận chánh giáo của Như Lai. Ta phải nên chuyên tâm và thủ hộ Pháp này.’

Đây gọi là đại Bồ-tát thủ hộ một Pháp.

Thiện nam tử! Ta thấy các Bồ-tát như thế muốn cầu đại giác vô thượng, đều là vì an lạc mà cầu Đạo, chẳng ai vì khổ não mà cầu Đạo.

Thiện nam tử! Đó là tại sao Ta nói rằng, đừng bảo người khác làm những gì mà họ không muốn. Chư đại Bồ-tát phải nên thủ hộ các Pháp như vậy.”

Lúc bấy giờ Thắng Tư Duy Bồ-tát lại bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Những Pháp gì mà Như Lai đã giác ngộ và chứng đắc? Kính mong Như Lai khai thị nghĩa thú đó cho con.”

Đức Phật bảo:

“Thiện nam tử! Chẳng có một Pháp nào mà Như Lai đã giác ngộ hay chứng đắc.

Vì sao thế? Bởi ở trong các pháp chẳng có sự giác ngộ hay chứng đắc.

Đây là điều mà Như Lai đã giác ngộ và chứng đắc.

Thiện nam tử!
– Như Lai đã giác ngộ và chứng đắc rằng, hết thảy các pháp vốn không chỗ có.
– Như Lai đã giác ngộ và chứng đắc rằng, hết thảy các pháp vốn không hoại diệt.
– Như Lai đã giác ngộ và chứng đắc rằng, thể tánh của hết thảy các pháp xa lìa nhị biên.
– Như Lai đã giác ngộ và chứng đắc rằng, hết thảy các pháp vốn không thật có.

Lại nữa, thiện nam tử! Hết thảy các pháp đều do từ nghiệp lực của nhân duyên mà sanh khởi. Các nhân duyên này niệm niệm thay đổi không ngừng, ví như điện chớp. Như Lai đã giác ngộ và chứng đắc nghiệp duyên như vậy.

Cho nên Ta mới nói rằng:

– Do bởi nhân duyên mà các pháp sanh.
– Do bởi nhân duyên mà các pháp diệt.
– Nếu xa lìa nhân duyên thì chẳng có nghiệp báo.

Đây là những điều mà Như Lai đã giác ngộ.

Thiện nam tử! Sự giác ngộ như thế về hết thảy pháp tánh gọi là Biến Chiếu Quang Minh Tạng.

Thiện nam tử! Tại sao gọi pháp tánh là tạng? Do bởi trí tuệ thế gian và xuất thế gian của các chúng sanh đều nương ở tạng này mà sanh ra. Nếu ai quán sát pháp tánh, trí tuệ chân thật của họ sẽ nương từ kia mà sanh. Đó là vì sao gọi pháp tánh là tạng.

Lại nữa, thiện nam tử! Ta cũng lại nói rằng:

Hết thảy các pháp như huyễn hóa, như ánh lửa, và như trăng trong nước.

Đây là điều mà Như Lai đã giác ngộ và chứng đắc.

Lại nữa, thiện nam tử! Tướng của các pháp tánh là một vị giải thoát.

Đây là điều mà Như Lai đã giác ngộ và chứng đắc.

Thiện nam tử! Một vị giải thoát của Pháp tánh như thế gọi là Biến Chiếu Quang Minh Tạng.

Lại nữa, thiện nam tử! Lại có một Pháp mà Như Lai giác ngộ và chứng đắc. Một Pháp này là gì?

Đó là các pháp không sanh không diệt, không tăng không giảm, không đến không đi, không giữ không bỏ, không nhân không duyên.

Đây là Pháp mà Như Lai đã giác ngộ và chứng đắc.

Lại nữa, thiện nam tử! Như Lai biết rõ, rằng hết thảy các pháp đều không có tự tánh, và không thể diễn đạt bằng ngôn từ hay thí dụ.

Đây là Pháp mà Như Lai đã giác ngộ và chứng đắc.

Thiện nam tử! Các Pháp như đã nói ở trên, Như Lai đều đã giác ngộ và chứng đắc.”

Đương lúc Phật thuyết Biến Chiếu Quang Minh Tạng Vô Tự Pháp Môn này, khi ấy có chư Bồ-tát nhiều như số vi trần chứng đắc Địa Thứ Mười.

Xem Thêm:   Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương ♦ Quyển 2

Lại có vô lượng chư Bồ-tát trụ ở các Địa khác.

Lại có vô lượng chư Bồ-tát chứng đắc trăm ngàn đại chánh định.

Lại có vô lượng chúng sanh nhiều như số vi trần phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh đắc Đạo Ứng Chân.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh thoát khỏi muôn thứ khổ ách của địa ngục, ngạ quỷ, và bàng sanh. Họ được sanh vào cõi trời hay nhân gian để thọ hưởng an vui thù thắng vi diệu.

Không một ai ở tại Pháp hội mà cảm thấy thời gian trôi qua lãng phí hay chẳng được lợi ích gì.

Lúc bấy giờ Phật bảo ngài Phú Chướng:

“Thiện nam tử! Pháp yếu này của Ta, ông hãy nên thọ trì.”

Khi nghe lời dạy đó xong, 99 ức chư đại Bồ-tát ở trong Pháp hội nương thần lực của Phật và thưa rằng:

“Thưa Thế Tôn! Chúng con phát thệ nguyện rằng, vào thời Mạt Pháp ở Thế giới Kham Nhẫn, nếu thấy ai có thể làm bậc Pháp khí, chúng con sẽ thuyết giảng Kinh này cho họ. Kính mong Thế Tôn chớ lo lắng.”

Lúc bấy giờ Bốn Vị Thiên Vương lại thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào ở vào đời vị lai mà có thể thọ trì Kinh điển này, chúng con sẽ ủng hộ và làm cho mọi điều mong ước của họ đều toại ý.

Vì sao thế? Bởi thiện nam tử và thiện nữ nhân đó có thể thọ trì Kinh này thì chính là bậc Pháp khí.”

Khi thấy 99 ức chư đại Bồ-tát và Bốn Vị Thiên Vương thỉnh nguyện như vậy, Thế Tôn liền nói rằng:

“Thiện nam tử! Như Ta bây giờ diễn nói Biến Chiếu Quang Minh Tạng Vô Tự Pháp Môn này cho các ông, kể từ khi thành Phật cho đến nay, Ta chưa từng diễn nói.

Thiện nam tử! Nếu những chúng sanh nào ở vào đời vị lai mà nghe được Pháp môn hy hữu này,

– phải biết người ấy đã từ lâu thành tựu vô lượng phước tuệ;
– phải biết người ấy chính là đang phụng sự và cúng dường Ta;
– phải biết người ấy chính là đang gánh vác đại giác của Phật;
– phải biết người ấy nhất định sẽ thành tựu biện tài;
– phải biết người ấy nhất định sẽ sanh về Phật độ thanh tịnh;
– phải biết người ấy lúc sắp mạng chung, nhất định sẽ thấy được Đức Phật Vô Lượng Thọ cùng chư Bồ-tát đại chúng vây quanh;
– phải biết người ấy luôn thấy thân Ta và chư Bồ-tát đại chúng như vầy ở tại núi Thứu Phong;
– phải biết người ấy đã đắc vô tận Pháp tạng;
– phải biết người ấy sẽ đắc Túc Mạng Thông;
– phải biết người ấy sẽ không đọa đường ác.

Lại nữa, thiện nam tử! Như Ta bây giờ thuyết giảng Pháp chưa từng có này, nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào ở vào đời vị lai, giả sử họ trót tạo năm tội ngỗ nghịch hay những nghiệp tội khác, mà nghe được Pháp môn này, rồi có thể biên chép thọ trì, đọc tụng giảng giải, hoặc khuyên bảo người khác biên chép thọ trì, đọc tụng giảng giải, Ta thấy người ấy sẽ không đọa đường ác. Các phiền não chướng, nghiệp chướng, và báo chướng của họ đều sẽ được thanh tịnh. Vào đời vị lai, người ấy sẽ đắc Năm Nhãn. Họ sẽ được tất cả chư Phật quán đảnh. Người ấy sẽ được hết thảy chư Phật và chư Bồ-tát hộ niệm. Ở mọi nơi sanh ra vào đời vị lai, các căn của họ luôn đầy đủ và không bị khiếm khuyết.”

Lúc Phật thuyết Kinh này xong, Thắng Tư Duy Bồ-tát và chư đại Bồ-tát khác, cùng các vị Bhikṣu và thiên long bát bộ, khi nghe lời Phật dạy, họ đều sanh tâm đại hoan hỷ và tín thọ phụng hành.

Nguồn Bài Viết : https://daitangkinh.net/ ( Đại Tạng Kinh )

8 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog